Chương 101-1: Sóng ngầm giao tranh
Dù việc Kiến Văn Đế đã băng hà là thật hay giả, Hoàng cung vẫn cần một chủ nhân mới. Nước không thể một ngày không có vua, thiên hạ không thể một ngày không chủ.
Ngày Bính Dần, tháng sáu năm Kiến Văn thứ tư, quần thần dâng tấu chương, khẩn cầu Yên Vương vào điện Phụng Thiên, tế bái Thái Miếu, kế thừa ngôi vị Hoàng Đế.
"Vì thương sinh xã tắc, sinh linh trăm họ, thiên hạ sao có thể một ngày không có vua được? Điện hạ đã tuân theo di huấn của Thái Tổ Cao Hoàng Đế, dẹp yên gian thần, công lao vang danh muôn thuở, xứng đáng kế thừa ngai vàng, kề thừa vạn năm giang sơn mà Thái Tổ đã vất vả gầy dựng!"
Ngọn cờ "Tĩnh Nan, Thanh Quân Trắc" đã được Chu Đệ giương cao từ bao giờ, khẩu hiệu "Chu Công phò tá" đã sớm bị quẳng sang một bên. Trong danh sách những người thuộc hàng chính thống kế thừa ngôi vị Hoàng Đế, quần thần đều đồng lòng ngó lơ thân nhi tử của Kiến Văn Đế.
Đại Minh cần một Quân chủ đủ trưởng thành, đủ hiểu chuyện, đủ sát phạt, đủ bản lĩnh, nhi tử của Kiến Văn Đế mới được bao nhiêu tuổi cơ chứ? Lông tơ còn chưa mọc đủ, lấy gì mà cai trị đất nước, nói chi đâu xa, Kiến Văn Đế vừa được đồn đoán đã băng hà chính là tấm gương sáng nhất đấy thôi! Yên Vương Điện hạ là thân nhi tử của Thái Tổ Cao Hoàng Đế, văn thao võ lược, sinh ra đã là bậc thánh nhân, tuyệt đối là người kế thừa ngôi báu xứng đáng nhất.
Miệng lưỡi nho sinh, ngòi bút văn thần, khi mắng người thì chẳng khác nào lưỡi đao sắc bén, nhưng nếu để tâng bốc ai đó, chắc chắn sẽ khiến đối phương mát lòng mát dạ, sướng rơn cả người. Đám Giải Tấn, Hồ Tĩnh,... ngòi bút như sinh hoa, các bài văn ca ngợi, khuyên Yên Vương kế vị viết hết bài này đến bài khác. Không chỉ trình lên trước mặt Yên Vương mà còn thông qua đủ mọi con đường, truyền bá rộng rãi trong dân gian, tạo nên một làn sóng dư luận mạnh mẽ, chứng minh, chỉ có để Yên Vương kế vị mới là thuận theo lòng dân, là chuyện ván đã đóng thuyền, là điều mà Đại Minh cần nhất lúc này.
Dư luận đã tạo thành, nhóm văn thần lại dâng tấu chương hỏi ý, Yên Vương vẫn không đáp ứng, còn hùng hồn nói: "Cô vì quốc gia xã tắc mới khởi binh Tĩnh Nan, Thanh Quân Trắc, nào ngờ Bệ hạ không hiểu thấu lòng Cô, tự tuyệt đường sống. Cô rất hổ thẹn, cũng rất đau xót. Vị trí Thiên Tử vốn phải chọn người tài đức vẹn toàn. Cô tài hèn sức mọn, sao dám gánh vác đây?"
Tóm lại, hắn khởi binh tạo phản là vì tốt cho Hoàng Đế, kết quả Hoàng Đế không hiểu lòng tốt của hắn, một mồi lửa thiêu sống chính mình. Chuyện thành ra như vậy, hắn rất hổ thẹn, vô cùng đau lòng. Không có tâm trạng làm Hoàng Đế!!
Hoàng Đế ai làm thì làm, bọn họ chọn người khác đi.
Lời nói thì hay ho, thái độ cũng rất thành khẩn, nhưng có thể tin được sao?
Bọn họ bị lừa đá mới tin!!
Nhóm văn thần kiên nhẫn khuyên nhủ: "Điện hạ, ngài chính là người tài đức vẹn toàn, thiên hạ còn ai tài giỏi hơn ngài nữa đây?"
Yên Vương xua tay: "Cô tài hèn sức mọn, chỉ là tài hèn sức mọn."
Nhóm văn thần lại khuyên: "Điện hạ, ngài là đích tử của Cao Hoàng Đế, ngài không gánh vác thì ai gánh vác?"
Yên Vương vẫn xua tay, ai gánh vác mà chả được, hắn không quan tâm, tóm lại, hắn không gánh!
Nhóm văn thần sốt ruột, Điện hạ, khiêm tốn hai lần cho có lệ cũng đủ rồi mà? Mau chóng kế vị đi, chúng thần còn trăm công nghìn việc phải lo, phải khôi phục sản xuất, chỉnh đốn lại bộ máy, xây dựng quốc gia nữa chứ?
Yên Vương vẫn quyết tâm ngậm chặt miệng, kiên trì ngoan cố không thay đổi.
Nhóm văn thần thực sự bó tay rồi.
Cả thiên hạ đều biết Yên Vương khởi binh là nhắm vào ngôi báu, giờ Kiến Văn Đế đã băng hà, con đường dẫn thẳng lên ngai vàng đã được dọn sạch, hắn lại đột nhiên dở dở ương ương thế này, trái ngọt đã dâng đến tận tay, hắn cứ thế muốn ném ra ngoài, thật sự có thể ư?
Đương nhiên là không thể!
Chu Đệ muốn làm Hoàng Đế, trước đó muốn, bây giờ muốn, vẫn luôn muốn.
Sau khi Chu Tiêu qua đời, Hồng Vũ Đế chọn tôn tử làm người kế thừa chính thống, Chu Đệ vẫn luôn rất bất mãn.
Tại sao ư?
Xét về tài năng, tư lịch, xét về công lao với đất nước, Chu Doãn Văn có điểm nào hơn được hắn? Thậm chí, so với các huynh đệ của hắn, Chu Doãn Văn còn chả bằng!
Một tiểu tử miệng còn hôi sữa, suốt ngày chỉ biết giao du với đám nho sinh, mở miệng là chi hồ giả dã, có thể xử lý tốt việc nước sao?
Lửa giận trong lòng Chu Đệ vẫn luôn âm ỉ cháy, lại thêm Đạo Diễn ở bên cạnh thêm dầu vào lửa, Kiến Văn Đế còn không ngừng tiếp thêm củi, kết quả, ngọn lửa vốn chỉ âm ỉ như đốm tro tàn đã bùng lên dữ dội, càng cháy càng mạnh, thiêu đốt từ Hà Bắc đến Giang Tô, thiêu vào tận Nam Kinh, tất cả những gì cản trở Chu Đệ đều bị thiêu thành tro bụi.
Cuối cùng, sự nghiệp chấp chính của Kiến Văn Đế cũng kết thúc trong biển lửa.
Chu Đệ cần mẫn, chăm chỉ tạo phản bốn năm trời, chính là vì ngai vàng trong điện Phụng Thiên, giờ mọi chuyện đã sẵn sàng, chỉ cần nhấc chân ngồi lên là vạn sự đại cát, hắn còn do dự gì nữa đây?
Lúc nào cũng có thể kế vị, đổi niên hiệu, tuyên bố từ hôm nay trở đi ông đây mới là Hoàng Đế, thiên hạ đều là của ông đây. Kẻ nào đã cùng ông đây Tĩnh Nan thì trọng thưởng, kẻ nào chống đối, một đao chém chết, Hoàng Đế mới, luật lệ mới, không chịu cũng phải chịu, đó chính là phong cách của ông đây!
Nếu thật sự làm như vậy, hắn đã không phải là Chu Đệ, cũng sẽ không trở thành Vĩnh Lạc Đại Đế, người đã đưa quốc thế Đại Minh lên đỉnh cao, chu du khắp vùng hải ngoại.
Ai cũng biết Chu Đệ đang làm giá, chẳng qua bọn họ vẫn chưa dò đúng sóng, chưa biết cách làm sao để dựng được chiếc thang khiến hắn vừa ý.
Nhóm văn thần ba lần dâng tấu sớ, Chu Đệ đều không đáp ứng, cuối cùng, đến mặt mũi cũng không thèm gặp.
Đứng trước doanh trại của Chu Đệ, nhóm văn thần thật sự muốn khóc lóc một phen. Bọn họ hết cách rồi, cũng không thể bảo bọn họ bắt trói Chu Đệ, ép hắn nhận ngôi Hoàng Đế chứ?
Hơn nữa, bọn họ lấy đâu ra lá gan để làm chuyện tày trời đó? Ngại sống lâu quá hay sao?
Nhóm văn thần cứ nháo nhào như rang lạc, ruột gan lộn tùng phèo mấy bận, võ tướng bên kia thì cứ ngồi im thin thít, mặt lạnh như tiền, ung dung xem kịch hay.
Mấy lão văn thần cứ lải nhải hết lượt này đến lượt khác, nào khuyên can, nào dâng sớ, mà Yên Vương vẫn cứ tỉnh bơ như không. Đến lúc này, các võ tướng mới cười khẩy, phối hợp với đám Công Hầu, đồng loạt dâng sớ khuyên Yên Vương lên ngôi. Nội dung tấu sớ đi thẳng vô vấn đề, thực tế miễn bàn, ý chính chỉ có một: Điện hạ là người thừa kế chính thống của ngai vàng, ngoài Điện hạ ra, chẳng ai có tư cách ngồi lên cái ghế ấy cả. Chúng thần đều là kẻ mãng phu thô tục, nói chuyện bằng nắm đấm, thương lượng trên chiến trường, chỉ nhận một Hoàng Đế là ngài! Ngay cả khi Kiến Văn Đế đội mồ sống lại cũng chỉ có nước xách dép mà đi cho khuất mắt!
Câu cuối cùng mới là then chốt, gãi đúng chỗ ngứa của Chu Đệ.
Đương nhiên, trên tấu sớ sẽ không viết trắng trợn như vậy, nhưng ý tứ bộc lộ ra giữa những dòng chữ phóng khoáng kia, Chu Đệ hiểu rõ mười mươi.
Tình nghĩa nhóm của võ tướng và Công Hầu chúng thần dành cho Yên Vương Điện hạ, so với vàng đá còn kiên cố hơn, so với biển cả còn sâu thẳm hơn.
Điện hạ, xin hãy thuận theo lòng dân, lên ngôi Hoàng Đế đi thôi!
Sau đám võ tướng, đến lượt các phiên Vương cũng dâng tấu sớ, Ninh Vương và Tấn Vương đã kết minh với Chu Đệ là những người có lời lẽ tha thiết nhất.
Yên Vương giả vờ từ chối không được nữa, nghiêm mặt nói: "Các vị mà còn thúc ép như vậy, Cô sẽ trở về Bắc Bình ngay!"
Cả đám người ngơ ngác nhìn nhau, làm đến mức này vẫn chưa được nữa sao?
Rốt cuộc cái thang của bọn họ phải bắc cao đến đâu thì Yên Vương Điện hạ mới chịu xuống đây?
Có thể nhả cho chút gợi ý được không?
Trong khi văn võ bá quan ở Kinh Thành đang nhốn nháo ầm ĩ, thì các phiên Vương cũng chẳng chịu ngồi yên. Người tinh ý ắt sẽ nhận ra, dù bên ngoài ồn ào đến đâu, cũng không thấy bóng dáng của Thẩm Tuyên và Chu Năng.
Trong Yên quân, chỉ có vài gương mặt như Phòng Khoan, Khâu Phúc, Hà Thọ tham gia dâng tấu sớ khuyên nhủ, còn những tướng lĩnh thực sự được Chu Đệ coi là tâm phúc, từ đầu đến cuối vẫn luôn giữ im lặng.
Chu Năng được lệnh giám sát việc xây dựng lăng tẩm, Thẩm Tuyên được lệnh đi bắt gian thần bỏ trốn, Từ Trung phụ trách an ninh Kinh Thành, Ngô Kiệt thì trúng tên trong trận đánh ở Nam Kinh, đang nằm liệt giường dưỡng thương, ngay cả binh quyền cũng giao cho hai phó tướng, nhìn kiểu gì cũng thấy đang như đang muốn "giấu mình chờ thời".
Yên Vương sớm muộn gì cũng lên ngôi, cái thang mà nhóm triều thần bắc cũng không phải là chưa đủ cao, sở dĩ hắn vẫn chưa gật đầu, là vì thời cơ chưa chín muồi mà thôi.
Dục tốc bất đạt, Tĩnh Nan những bốn năm, bọn họ còn kiên nhẫn được, cần gì phải nóng vội trong chốc lát?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com