Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 99: Quân đến dưới thành II (gộp chương lớn)

Chương 99: Quân đến dưới thành II (gộp chương lớn)

Khánh Thành Quận Chúa, thân nữ nhi cao quý của Mông Thành Vương, tôn nữ của Thái Tổ Cao Hoàng Đế Chu Nguyên Chương, cũng chính là đường tỷ của Yên Vương Chu Đệ.

Thời Hồng Vũ, nàng ấy từng được truy phong làm Công Chúa, oai phong lẫm liệt.

Chuyện kể rằng, năm đó, quan viên Lễ Bộ dâng tấu sớ, bên trên viết: Khánh Thành vốn chỉ là Hoàng chất nữ của Hồng Vũ Đế, lại được phong Công Chúa là trái với pháp chế của tổ tông, nên đổi thành Quận Chúa mới phải đạo.

Hồng Vũ Đế đọc xong tấu sớ, tai nghe đám quan viên Lễ Bộ lải nhải, hừ lạnh một tiếng, khí thế vô cùng bá đạo: "Đây là việc nhà của trẫm! Chứ liên quan quái gì đến chuyện ban chức tước của triều đình, trẫm muốn phong thế nào thì phong, các ngươi quản được chắc?"

Có quan viên Lễ Bộ vẫn chưa bỏ cuộc, định lôi đủ thứ điển tích, đạo lý ra biện luận, mong có thể lay chuyển được Hồng Vũ Đế, nào ngờ lại bị đồng liêu lôi xềnh xệch trở về.

Đầu óc bị lừa đá sao? Lỡ chọc giận Hoàng Đế thì toi mạng cả lũ đấy!

Cơn nóng đầu qua đi, Lễ Bộ Hữu Thị Lang bỗng rùng mình một cái.

Từ khi nhà Minh lập quốc đến nay, triều đình luôn đề cao việc "Hoàng Đế và các sĩ đại phu, hay còn gọi là tầng lớp trí thức Nho học, được tham gia vào bộ máy chính quyền cùng nhau trị vì thiên hạ". Đến giữa thời Minh, Hoàng Đế và Nội Các thường xuyên đối đầu nhau. Các quan lại triều đình lấy việc khiển trách Hoàng Đế, thẳng thắn can gián, tiện thể lãnh luôn vài gậy ngay lúc thượng triều làm vinh dự cao nhất.

(Nội Các: nói sơ qua chút về Nội Các để mọi người nắm thì đây là cơ quan do chính Chu Nguyên Chương thành lập, tức là trước thời Minh, phong kiến Trung Quốc không tồn tại Nội Các, sau thời Minh cũng chỉ còn lại thời nhà Thanh là duy trì được chế độ Nội Các, các triều đại sau thì nó bay màu rồi. Nội Các bao gồm các quan lại có học vấn uyên bác được cả triều đình công nhận, mấy ông đó gọi là Đại Học Sĩ và các quan viên khác. Nhiệm vụ chính của Nội Các là soạn thảo văn thư, tham mưu chính sự, kiểm duyệt các tấu chương do cấp dưới dâng lên và thực thi các chính sách đã được Hoàng Đế phê duyệt, nói nôm na là như ban thư ký chuyên dụng của giám đốc vậy đó. Nội Các cũng chính là cơ quan đại diện cho tầng lớp sĩ đại phu nên quyền lực của mấy cha này ở thời Minh rất lớn. Chu Nguyên Chương vốn cũng chỉ lập ra Nội Các để phụ giúp mình nhưng sau thời của ông và Chu Đệ, các vua đã không đủ cứng rắn để khống chế Nội Các nữa, dẫn đến việc quyền lực của đám này có cơ hội để bành trướng.)

Bị đánh gậy, chứng tỏ bản thân là quan tốt, quan thanh liêm, trung thần, mới vẻ vang làm sao!

Rất nhiều quan văn, đặc biệt là nhóm Ngôn Quan như Ngự Sử, hở ra là chỉ trích Hoàng Đế vài câu. Hoàng Đế cười hề hề chịu mắng, nhận lỗi, thì chính là bậc minh quân biết nghe lời can gián. Ngược lại, Hoàng Đế nổi trận lôi đình, chính là biểu hiện của hôn quân, bạo quân, các Ngôn Quan phải tiếp tục mắng, mắng thật hăng, mắng cho đến nơi đến chốn!

Các Hoàng Đế nhà Minh, đặc biệt là từ sau thời Nhân Tông, hầu như không ai có thể tránh khỏi việc bị chỉ trích thẳng mặt. Vô số quan văn dẫm lên mặt mũi Hoàng Đế, cho Hoàng Đế vài cái bạt tai vang dội, đều được đội trên đầu vầng hào quang "trung thần", lưu danh sử sách.

Hồng Vũ Đế và Vĩnh Lạc Đế là hai ngoại lệ duy nhất. Dám mắng thẳng mặt hai vị này? Mất đầu là chuyện nhỏ, nặng hơn thì cả nhà, thậm chí cả dòng tộc đều bị hành hình.

Tiếc thay, con cháu của người tài giỏi chưa chắc đã là kẻ dám nghĩ dám làm.

Sau Chu Đệ, chỉ có Gia Tĩnh Đế là dám đối đầu với nhóm văn thần, còn lại, kể cả Minh Nhân Tông và Minh Tuyên Tông được Chu Đệ yêu thích, tán thưởng, cũng không làm được.

Chu Nguyên Chương và Chu Đệ đều là Hoàng Đế xuất thân từ chiến trường, đều hiểu rõ một đạo lý: nói lý lẽ với đám thư sinh, chắc chắn sẽ không cãi lại, những lúc như vậy, cứ trực tiếp vác đao đặt lên bàn là hiệu quả nhất.

Cổ và đao, cái nào cứng hơn?

Đương nhiên là cái sau.

Thời Hồng Vũ, Khánh Thành Quận Chúa được hào quang của Chu Nguyên Chương che chở, đám quan viên Lễ Bộ trừ khi não rút gân, còn không làm gì có ai dám gây khó dễ cho nàng ấy.

Hồng Vũ Đế băng hà, Kiến Văn Đế lên ngôi, đám văn nhân kia lại được thể làm tới, chuyện phong tước hiệu của Khánh Thành Quận Chúa lần nữa được lôi ra bàn tán.

Kiến Văn Đế là vị Hoàng Đế nhân hậu, rất giỏi tiếp thu ý kiến của bề tôi.

Quan viên Lễ Bộ vừa dâng tấu chương, Hoàng Đế lập tức tỏ ý, tước hiệu Công Chúa quả thật không thích hợp, nên đổi thành Quận Chúa đi thôi.

Công Chúa cao quý do đích thân Thái Tổ Cao Hoàng Đế phong, lại là bậc trưởng bối của Kiến Văn Đế, không hề phạm bất cứ lỗi lầm nào, công dung ngôn hạnh nức tiếng, cả thiên hạ ai mà chả biết, cứ vậy bị Hoàng Đế mới lên ngôi giáng xuống làm Quận Chúa. Cả phủ đệ, nghi trượng, bổng lộc, trong một đêm đều bị hạ xuống một bậc.

Đây là đạo lý gì vậy?

Nói khó nghe thì ai cũng có thể chụp lên đầu Kiến Văn Đế cái mũ bất hiếu.

Khánh Thành Quận Chúa đã ngoài bốn mươi, gần năm mươi, bị Kiến Văn Đế đối xử như vậy, tức đến run cả tay. Đây không chỉ là vấn đề địa vị, tài sản, mà còn là vấn đề mặt mũi, thể diện!

Chỉ vì vài lời bàn ra tán vào của đám nho sĩ hủ lậu, tước hiệu do Thái Tổ Cao Hoàng Đế ban cho nàng ấy cao quý như vậy, nhưng nói đổi là đổi, nói thu hồi là thu hồi ư?

Có phân biệt được đâu mới là thân thích của mình không?

Tức giận thì tức giận, nhưng Khánh Thành Quận Chúa cũng nhanh chóng nhận ra, so với các đường đệ đã được phong phiên Vương thời Hồng Vũ, nàng ấy vẫn còn may mắn chán.

Quận Chúa cũng nhạy bén phát hiện, Hoàng Đế tuy thừa hưởng sự nhẫn tâm của Chu Nguyên Chương nhưng cách hành xử thì không giống chút nào, quá mức nóng vội, quá mức ngây thơ, tưởng rằng chỉ dựa vào đám thư sinh giỏi nói suông là có thể khống chế được các phiên Vương ư?

Kiến Văn Đế đọc sách, đọc đến ngu người rồi chứ gì?

Sau khi Chu Vương, Đại Vương bị lưu đày, cả nhà Tương Vương bốc cháy, biến thành đèn Khổng Minh, Khánh Thành Quận Chúa đã dự cảm thấy sắp có chuyện chẳng lành.

Quả nhiên, Kiến Văn Đế sau khi bóp chết vài quả hồng mềm, định ra tay với quả hồng cứng, thì lại đá phải tấm sắt.

Chu Đệ là ai? Là hán tử hung tợn khiến Bắc Nguyên vừa nghe tên đã sợ mất mật.

Bảo Chu Đệ ngồi yên chờ chết? Ngoan ngoãn dâng nộp đất đai tài sản? Đúng là nằm mơ giữa ban ngày!

Vậy nên, vào ngay năm Kiến Văn thứ nhất, Yên Vương đã giương cao lá cờ Tĩnh Nan, mồm hô hào tuân theo di chiếu của tiên Đế, công khai tạo phản.

Khánh Thành Quận Chúa sớm đoán được Chu Đệ sẽ phản, nhưng không ngờ hắn lại nhanh đến vậy! Chỉ trong bốn năm ngắn ngủi, từ năm Kiến Văn thứ nhất đến năm Kiến Văn thứ tư, hắn đã đánh đến tận Kinh Thành.

Thiên tử dù có hồ đồ đến đâu cũng là bậc Quân Vương nắm giữ cả thiên hạ. Chu Đệ chỉ là một phiên Vương mà có thể bức triều đình đến mức này, rốt cuộc là do chất nhi ngoan của bọn họ làm Hoàng Đế quá thất bại, hay do vị hoàng thúc phiên Vương kia quá lợi hại đây?

Vốn dĩ, việc tranh giành ngai vàng của hai thúc chất Chu Đệ và Chu Doãn Văn chẳng liên quan gì đến Khánh Thành Quận Chúa, nào ngờ Hoàng Đế vì muốn trì hoãn bước tiến của Yên Vương, tranh thủ thời gian, lại tìm đến nàng ấy, muốn nàng ấy làm thuyết khách.

Khánh Thành Quận Chúa đương nhiên không bằng lòng, Hoàng Đế lại không muốn mang tiếng ép buộc đường cô, bèn mời Thái Hậu Đặng thị ra mặt, dùng nước mắt làm vũ khí, lại còn lôi cả tiên Đế Hiếu Khang ra. Khánh Thành Quận Chúa dù trăm vạn lần không muốn cũng phải đồng ý.

Nếu nàng ấy không qua sông gặp Chu Đệ, nước mắt của Thái Hậu có thể dìm chết nàng ấy, đám nho sĩ hủ lậu trong triều sẽ nhân cơ hội, gán cho nàng ấy cái mũ lãnh khốc vô tình.

Rốt cuộc ai mới là kẻ lãnh khốc vô tình đây? Là ai, là kẻ nào đã dâng sớ xin Hoàng Đế bỏ đi tước hiệu Công Chúa của nàng ấy? Khánh Thành Quận Chúa hận đến nghiến răng, bảo sao lúc còn sống, Thái Tổ Cao Hoàng Đế lại chán ghét đám văn nhân kia đến vậy, từng tên từng tên đều chẳng làm được việc gì ra hồn, đáng giết cả lũ!

Thuyền của Khánh Thành Quận Chúa đi đến giữa sông, đã có thể nhìn thấy bóng người ở bờ bên kia.

Yên Vương đã sớm nhận được tin, bày sẵn nghi trượng, đợi sẵn ở bờ sông.

Thuyền cập bến, Khánh Thành Quận Chúa vừa đặt chân lên bờ, Chu Đệ đã tiến lên một bước, hành lễ trước: "Đã lâu không gặp, đường tỷ vẫn mạnh khỏe chứ? Cao Hoàng Đế băng hà đã bốn năm, Cô cũng đã bốn năm chưa gặp đường tỷ rồi."

Quả không hổ là Chu Đệ, chiêu bài tình thân này đánh rất đúng lúc. Thấy thần sắc trên mặt Yên Vương không giống giả vờ, nghĩ đến những chuyện không thuận lợi mấy năm nay, hai mắt Khánh Thành Quận Chúa cũng đỏ hoe.

Hai tỷ đệ nắm tay nhìn nhau, lệ rơi trong gió, đây mới chính là tình thân ruột thịt của bọn họ này!!

Đứng trong đội ngũ phía sau Yên Vương, Mạnh Thập Nhị Lang lặng lẽ quay đầu, kiên quyết không thừa nhận hắn vừa bị chiều cao của Khánh Thành Quận Chúa đả kích nặng nề. Vóc dáng đó, dung mạo đó, đúng là phải cho đám con cháu hậu thế đời sau dám bêu rếu, nói Chu Nguyên Chương mặt ngựa xem để rửa mắt, gen của lão Chu gia tuyệt đối là hàng cực phẩm!

Sau màn chào hỏi ngắn gọn, Yên Vương nghênh đón Khánh Thành Quận Chúa vào doanh trại. Nghi trượng tiếp đón, đãi ngộ đặc thù dành riêng cho Khánh Thành Quận Chúa, tất cả đều được Chu Đệ ứng theo cấp bậc Công Chúa mà làm. Khánh Thành Quận Chúa vô cùng cảm động, mang danh là thuyết khách của Kiến Văn Đế, song, lòng nàng ấy đã sớm nghiêng về phía Yên Vương.

"Tuyên nhi, Cao Hú, Cao Toại, đến bái kiến đường cô đi." Yên Vương dìu Khánh Thành Quận Chúa ngồi vào vị trí chủ tọa, cười nói: "Đường tỷ, tỷ còn nhớ Định Viễn Hầu không?"

"Là nghĩa tử của Cao Hoàng Đế, Thẩm Lương đúng không?"

"Không sai, Tuyên nhi là đích tử độc tôn của Định Viễn Hầu, vẫn luôn theo bên cạnh Cô, đã được Cô nhận làm nghĩa tử. Nhớ lại năm đó, thật sự là... hầy!"

Chu Đệ thở dài, Khánh Thành Quận Chúa cũng trầm mặc, cảm thấy lòng nặng trĩu. Nhận lễ của Thẩm Tuyên và huynh đệ Chu Cao Hú, với thân phận trưởng bối, nàng ấy ôn tồn dặn dò vài câu, rồi lại quay sang Chu Đệ.

Dù nghiêng về bên nào, những lời cần nói, nàng ấy vẫn phải nói.

"Thiên tử đã viết chiếu thư tự nhận tội, nguyện cùng Điện hạ cắt đất, chia đôi thiên hạ thành hai bên Nam – Bắc mà cai trị, chỉ xin Điện hạ lui binh."

Yên Vương trầm mặc hồi lâu, thở dài một tiếng: "Từ khi Thiên tử đăng cơ, gian thần lộng quyền. Cô khởi binh là tuân theo di chiếu của Cao Hoàng Đế, Tĩnh Nan, Thanh Quân Trắc! Chứ nào phải nhằm vào quyền lực, cớ gì lại phải cắt đất cho Cô!"

Nghe vậy, Khánh Thành Quận Chúa im lặng hồi lâu, cảm giác như có khối đá nghẹn ngay cổ họng.

Mục đích thật sự khi Yên Vương khởi binh, cả thiên hạ đều rõ, nhưng hắn cứ khăng khăng lấy "Tĩnh Nan" ra làm cái cớ, nàng ấy cũng chẳng có cách nào phản bác....

Nói về diễn xuất, Yên Vương đã sớm đạt đến trình độ xuất thần nhập hóa. Giả ngu gì đó, càng làm càng thành thạo.

Còn Thiên tử đang ở Nam Kinh kia... đúng là đầu óc có vấn đề, suốt ngày giao du với đám nho sĩ hủ lậu, không phải giả ngu, mà là thật sự hồ đồ.

Đang không biết nên đáp lời thế nào, Yên Vương lại nói: "Đường tỷ có biết Chu Vương, Tề Vương giờ đang ở đâu không?"

Khánh Thành Quận Chúa đáp: "Thiên tử đã triệu Chu Vương hồi kinh, nhưng chưa khôi phục tước vị, Tề Vương thì đã được thả ra."

Nghe vậy, Yên Vương ngẩn người mất vài giây, đột nhiên vỗ đùi, khóc rống lên.

Khánh Thành Quận Chúa ngạc nhiên, chuyện gì vậy? Đang yên đang lành, sao tự dưng lại khóc?

"Điện hạ?"

"Thiên tử làm như vậy, còn gì là tình thân cốt nhục? Cô thật sự đau lòng thay!"

Chứng kiến Hoàng Đế làm ra những hành động không màng tình thân, nhất định phải khóc! Khóc thật lớn mới được!

Yên Vương càng khóc càng hăng, Khánh Thành Quận Chúa lo lắng đến toát mồ hôi hột. Một đại hán trung niên khóc lóc trước mặt nàng ấy như vậy, Yên Vương mặt dày không thấy ngại, chứ nàng ấy thì thấy trong người bứt rứt, ngại ngùng lắm....

Muốn nhờ Thẩm Tuyên và huynh đệ Chu Cao Hú khuyên nhủ, lại phát hiện hai thân nhi tử của Chu Đệ cũng đang rưng rưng nước mắt, vừa khóc vừa hô: "Phụ vương, Vương thúc". Nghĩa tử của Chu Đệ khá hơn chút đỉnh, nắm tay siết chặt, ánh mắt lộ ra sát khí, nom còn đáng sợ hơn cả tiếng khóc của Yên Vương.

Khánh Thành Quận Chúa khuyên mãi không được, cũng chỉ đành bất lực, không khuyên nữa, nghĩ một hồi, cũng khóc theo. Vướng vào cái mớ bòng bong của hai thúc chất Chu Đệ - Chu Doãn Văn, nàng ấy mới là người nên khóc đây này!

Trong giây lát, tiếng khóc vang vọng cả lều lớn của Yên Vương, vô cùng bi thảm.

Binh sĩ bên ngoài lều ai nấy đều ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Mạnh Thanh Hòa cố tình trà trộn vào đội tuần tra tặc lưỡi, xem ra, khả năng diễn xuất và tài khóc lóc của người Chu gia, ai nấy đều rất phi thường. Hắn chỉ không biết, Thẩm Chỉ Huy có tham gia vào vở kịch tình thâm cảm động kia hay không.

Tưởng tượng chút đỉnh về cảnh nào đó, Mạnh Thập Nhị Lang rùng mình, xoa xoa cánh tay, không được, không thể tưởng tượng tiếp nữa, quá đáng sợ rồi.

Tiếng khóc rấm rứt kéo dài gần nửa canh giờ mới dần ngưng. Binh sĩ canh gác bên ngoài thở phào nhẹ nhõm, còn Yên Vương và Khánh Thành Quận Chúa bên trong lại lần nữa quay về chủ đề chính.

Yên Vương lau nước mắt, vẻ mặt đau xót, nói: "Thiên tử bị gian thần mê hoặc, khuyên can vô dụng, chỉ còn cách dùng vũ lực để can gián."

Quận Chúa vội nói: "Đánh đánh giết giết chắc chắn sẽ tổn thương tình cảm đôi bên, làm vậy sao mà được? Có việc gì cứ từ từ thương lượng."

Yên Vương lắc đầu: "Chỉ có quét sạch gian thần, thỉnh Thiên tử khôi phục điển chương và các pháp chế do Cao Hoàng Đế đặt ra, xá tội cho các phiên Vương, trả lại đất phong, mọi người mới có thể ngồi xuống, cùng nhau thương lượng được."

Quận Chúa trợn mắt, làm đến mức đó mà mới chỉ được ngồi xuống thương lượng thôi hả?

"Thiên tử nếu đáp ứng thỉnh cầu của Cô, Cô lập tức thu binh, quay về Bắc Bình, không còn mong cầu gì khác."

"Thiên tử đã bằng lòng cắt đất cầu hòa, Điện hạ làm vậy, chẳng phải hơi quá đáng sao?"

"Cầu hoà ư?" Chu Đệ hừ lạnh, lấy ra bức thư do Bắc Bình gửi đến, đưa cho Khánh Thành Quận Chúa: "Cô cũng không nhiều lời, đường tỷ tự xem đi."

Thư do Chu Cao Sí viết, nội dung là triều đình muốn trưng thu biên quân ở các Vệ Sở ngay biên ải Liêu Đông về Nam Kinh. Các tướng lĩnh Hà Bắc nghe tin, lập tức ồ ạt xuất kích, vất vả một phen, mới chặn được phần lớn biên quân đang xuôi về phía Nam, chỉ trong chớp mắt ngắn ngủi đó mà Liêu Đông đã loạn cào cào cả lên. Yên Vương phi nghe tin, quyết định phái quân trấn thủ Bắc Bình đến Vệ Sở Liêu Đông, lại điều động một phần kỵ binh Mông Cổ từ các Thiên Hộ Sở đến, mới không để Liêu Đông xảy ra chuyện. Kẻ địch mà biên ải Đại Minh phải phòng bị không chỉ có hàng xóm Bắc Nguyên, mà còn cả dã nhân Nữ Chân và các bộ lạc khác sống gần Liêu Đông.

"Thiên tử cầu hòa, chẳng qua là do gian thần muốn trì hoãn bước tiến đại quân của Cô, chờ đợi viện binh từ các nơi được triệu tập đến mà thôi! Đường tỷ nghĩ đi, tàn dư Bắc Nguyên vẫn còn nhăm nhe lãnh thổ Đại Minh, vào lúc này lại trưng dụng biên quân ngay biên ải Liêu Đông? Tên nhãi ranh đó có nghĩ đến hậu quả hay không?"

Cầm bức thư trên tay, sắc mặt Khánh Thành Quận Chúa trở nên vô cùng khó coi.

Tiếp đó, Yên Vương lấy ra bằng chứng cho thấy Thị Trung Hoàng Quan, Tu Soạn Vương Thúc Anh, Đô Ngự Sử Luyện Tử Ninh chiêu mộ binh mã ở Quảng Đức cùng các nơi khác. Chiếu thư Cần Vương do Phương Hiếu Nhụ soạn thảo cũng được bày ra trước mặt Quận Chúa.

Yên Vương rớm hai giọt lệ mặn chát, ném thêm một mồi lửa: "Biết rõ Cô sẽ phát hiện ra những hành động lén lút này, nhưng vẫn phái đường tỷ đến đây thuyết khách, nó có nghĩ đến việc Cô sẽ nóng giận, làm ra hành động gì đó ảnh hưởng đến an nguy của đường tỷ không? Đường tỷ vì Thiên tử mà vất vả bôn ba, Thiên tử lại đối đãi với Thiên tử như thế này ư?"

Sắc mặt Khánh Thành Quận Chúa càng trở nên tối tăm hơn.

"Ngẫm lại lúc trước, Cô một hơi đưa cả ba nhi tử vào kinh, nếu Thiên tử thật lòng có ý cầu hòa, tại sao không phái Ngô vương, Hành vương đến đây gặp Cô? Thiên tử không chịu để thân đệ đệ của mình làm sứ giả mà lại cưỡng ép đường tỷ đến gặp Cô, thành ý ở đâu?"

Nghe xong cả tràng dài chất vấn của Chu Đệ, Khánh Thành Quận Chúa hoàn toàn câm lặng, một câu cũng không thể trả lời, mặt mày sa sầm như sắp nhỏ nước.

Chu Đệ chuyển giọng: "Thiên tử tuy bất nhân, Cô lại không thể bất nghĩa. Cô niệm tình thân cốt nhục, mong Thiên tử có thể đuổi hết gian thần, tạ tội trước lăng tẩm của tổ tông, khôi phục pháp chế của Thái Tổ Cao Hoàng Đế, nếu không..."

"Nếu không thì sao?"

"Đường tỷ hãy nói với Thiên tử, đợi đại quân của Cô tiến vào Nam Kinh, đó cũng chính là ngày thúc chất hội ngộ."

Khánh Thành Quận Chúa không biết nên đáp lại thế nào mới phải.

Hoàng Đế không đáp ứng yêu cầu, Yên Vương chắc chắn sẽ khai chiến?

"Đao thương vô tình, cũng xin đường tỷ nói với các đệ muội một tiếng, khi đại quân của Cô tiến vào Nam Kinh, bọn họ nên an phận thủ thường trong phủ đệ, mới có thể bình an vô sự."

Nói cách khác, đừng có chạy lung tung, cũng đừng hòng nghĩ đến việc liên thủ để úp sọt hắn, nếu không, đừng trách hắn không nể tình thân!

Đến lúc này, Khánh Thành Quận Chúa mới phát hiện nàng ấy đã sai, hoàn toàn sai. Mấy trò vặt của Chu Doãn Văn thì tính là gì, Chu Đệ mới thực sự là kẻ tàn nhẫn, quyết tuyệt.

Hiểu rõ không thể thuyết phục Chu Đệ, Quận Chúa không nói thêm gì nữa, cũng chẳng còn tâm trạng nán lại đại doanh của Yên Vương, ngay trong hôm đó đã lên thuyền trở về bờ bên kia.

Chu Đệ tỏ ra rất cung kính, đích thân tiễn đưa.

Tâm trạng của Khánh Thành Quận Chúa vô cùng phức tạp, mấy lần định nói gì đó, cuối cùng tất cả đều hoá thành một tiếng thở dài.

"Ý của Điện hạ, ta nhất định sẽ truyền đạt lại cho người cần nghe. Chỉ mong Điện hạ giữ lời hứa, đến ngày đó, hãy tha cho chúng ta một con đường sống."

"Cô đương nhiên sẽ giữ lời. Chỉ mong chuyện mà đường tỷ đã đáp ứng với Cô, cũng nên sớm thực hiện."

Nếu không phải do hoàn cảnh không thích hợp, Khánh Thành Quận Chúa thật sự rất muốn tặng cho Chu Đệ cái trợn mắt bất mãn. Nói thêm nữa cũng vô ích, sự việc đã đến nước này, chỉ có thể hy vọng Chu Đệ sẽ thật sự động lòng trắc ẩn, đừng để uổng phí lần hiếm hoi nàng ấy quyết định tin tưởng hắn.

Thuyền ra giữa sông, nhớ đến bức thư tay mà Yên Vương đưa cho nàng ấy đang được giấu trong tay áo, Khánh Thành Quận Chúa gọi tâm phúc đến: "Sau khi về thành, tìm người đưa thư đến phủ Ngụy Quốc Công, rồi đến phủ Tào Quốc Công... Nhớ kỹ, người đưa thư nhất định phải đáng tin cậy."

"Nô tỳ tuân lệnh."

Đứng bên bờ sông, nhìn thuyền của Quận Chúa dần khuất bóng, Yên Vương đặt tay lên bảo kiếm bên hông, cao giọng ra lệnh: "Ngày mai nhổ trại, vượt sông ở Qua Châu!"

Chúng tướng đồng thanh hô vang: "Tuân lệnh!"

Ngày Quý Sửu, tháng sáu, năm Kiến Văn thứ tư, Yên quân tập hợp tất cả các thuyền chiến từ Cao Bưu, Giang Đô, Thông Châu, Thái Châu về Qua Châu, lệnh cho Đô Chỉ Huy Hoa Tụ và hoạn quan Bạch Cẩu Nhi làm tiên phong, bày binh ở Phổ Tử Khẩu, dẫn thủy quân vượt sông.

Thịnh Dung trước đó được thân binh hộ tống về Nam Kinh, vừa khéo lại đang bố trí phòng ngự ngay tại đây. Hắn thống lĩnh nhóm tân binh mới chiêu mộ từ Ninh Ba, Vĩnh Thanh và những nơi khác, cùng Yên quân triển khai đại chiến.

Yên quân quen tác chiến trên bộ, kỵ binh đi đến đâu nghiền nát quân địch đến đó, nhưng lại không giỏi thủy chiến. Số binh sĩ biết bơi không nhiều, một khi bị quân Nam Kinh đánh cho rơi xuống sông, vùng vẫy vài cái là chìm nghỉm.

Quân Nam Kinh nắm chắc điểm yếu này, không đánh giáp lá cà với Yên quân, mà dàn hàng ngang, dùng trường thương dài ngoằng, cứ thế quét cho Yên quân rơi xuống nước.

Bị Yên quân túm lấy trường thương kéo xuống sông thì làm sao?

Không làm sao hết! Ông đây biết bơi, bơi lên vẫn có thể tiếp tục đánh!

Mạnh Thanh Hòa nhìn chiến lược bày binh bố trận của quân Nam Kinh, không hiểu sao cứ cảm thấy quen quen.

Vỗ trán một cái, chính nó! Lúc Yên quân phá đội hình mai rùa của Thịnh Dung cũng là dùng chiêu này.

Mạnh Thanh Hoà mượn dùng thần bài Thái Tổ Cao Hoàng Đế của Thiết Huyễn để bảo toàn Mạnh gia thôn, Thịnh Dung cũng không chịu thua kém, tham khảo ngay chiêu dùng trường thương đẩy người của hắn để chơi chớt Yên quân?

Quả đúng là phong thủy luân chuyển, ra ngoài giang hồ lăn lộn, có vay thì ắt sẽ có trả!

Mạnh Thanh Hòa lùi lại một bước, tránh cây trường thương đang quét tới, mặt mày tái mét, trừng mắt nhìn quân Nam Kinh ở phía đối diện, có chút đạo đức nghề nghiệp nào không vậy? Hai con mắt chỉ để trưng cho đẹp chắc? Hắn là thương binh đấy!

Cao Phúc và đám người vây quanh bảo vệ Mạnh Thanh Hòa, mặt còn trắng hơn cả hắn, nhìn là biết có dấu hiệu say sóng.

Bên bọn họ còn tạm ổn, Trịnh Hòa đứng ngay mạn thuyền đã nôn đến mức hoa mắt chóng mặt. Nhưng dù gì Trịnh Hòa vẫn là Trịnh Hòa, một bên nôn ọe dữ dội, một bên vẫn không quên vung đao chém người. Vừa dũng mãnh, vừa kính nghiệp như vậy, xứng đáng là Thái giám Tam Bảo vang danh trong tương lai!

Thẩm Tuyên là một trong số ít tướng lĩnh Yên quân không bị địa hình ảnh hưởng, xuống ngựa lên thuyền, dáng đi vẫn vững vàng, sát khí ngập trời.

Trên mặt sông, hai quân giao chiến kịch liệt, tiếng pháo ầm ầm, thỉnh thoảng lại có thuyền chiến va chạm, bắt đầu cận chiến. Chỉ có một thuyền chiến vẫn luôn là ngoại lệ, Thẩm Chỉ Huy một mình cầm thương đứng ngay mũi thuyền, trơ mắt nhìn hết thuyền này đến thuyền khác căng buồm lướt nhanh qua thuyền của y như đang chạy trốn, sống chết cũng không chịu đối chiến với y, sắc mặt đen như đáy nồi.

Đen đến cùng cực, Thẩm Tuyên dứt khoát buông trường thương, giương cung bắn tên, một mũi tên đi một mạng.

Tưởng có thể thoát khỏi y sao, không cần cận chiến, y vẫn có thể giết người!

Những kẻ phi nhân loại như Thẩm Tuyên dù sao cũng chỉ là số ít, Yên quân, bao gồm cả Chu Năng, vẫn quen đánh trận trên bộ, đổi sang thủy chiến, lập tức kém hẳn một bậc. Chân đứng không vững, còn phải đề phòng trường thương của quân Nam Kinh bất ngờ tập kích, thật sự là khổ đến mức không nói nên lời.

Quân Nam Kinh trên sông như cá gặp nước, Yên quân nhanh chóng rơi vào thế bất lợi. Nếu không nhờ Trần Tuyên mới đầu hàng dẫn thủy quân liều chết chiến đấu, e rằng đến cả Yên Vương cũng phải chịu chung số phận rơi xuống sông cho cá ăn.

Kiến Văn Đế đã có lệnh trước, binh sĩ quân Nam Kinh không dám trực tiếp vung đao chém chết Chu Đệ, có điều, nếu hắn tự rơi xuống sông, đó sẽ tính là tai nạn ngoài ý muốn, nào có thể đổ lỗi cho bọn họ được chứ!

Yên Vương nhanh chóng nhận ra chuyện bất ổn, lớp bảo hộ thần kỳ của hắn dường như không có chút nào tác dụng khi thuỷ chiến như thế này, trong lòng lập tức kinh hãi.

Thấy Yên Vương gặp nguy, Thẩm Tuyên lập tức hạ lệnh cho thuyền tiến lại gần, giải vây cho Vương gia luôn là việc cấp bách, cần ưu tiên hàng đầu.

Đúng vào lúc quân Nam Kinh dồn hết sự chú ý vào Yên Vương và Thẩm Tuyên, thuyền chiến chở Chu Cao Hú và Chu Cao Toại lặng lẽ rời khỏi vòng chiến, ngay dưới sự bất cẩn của quân Nam Kinh, cưỡng ép vượt sông thành công, lên được bờ bên kia.

Yên quân vừa lên bờ đã như mãnh hổ thoát khỏi cũi, như lợn rừng xuống núi... Ể? Cách ví von này có hơi sai sai thì phải...

Mạnh Thanh Hòa sờ sờ mũi, không nghĩ lung tung nữa, vớ lấy đao bên hông, theo sát Cao Phúc và những người khác, lũ lượt xuống thuyền.

Yên quân vừa lên bờ đã lập tức bố trí hỏa pháo, họng pháo đen ngòm đồng loạt nhắm vào quân Nam Kinh trên bờ và cả dưới sông, nã pháo ầm ầm.

Nhược điểm của nhóm tân binh lập tức bại lộ, đánh trận mà thuận buồm xuôi gió thì còn được, một khi thế trận nghiêng về phe địch, tinh thần sẽ nhanh chóng tan rã, thất bại cũng chỉ là chuyện sớm muộn.

Thịnh Dung bất đắc dĩ, chỉ đành hạ lệnh rút lui. Binh lực trong tay hắn chỉ còn từng này, mất hết thì chẳng biết đào đâu ra người bổ sung nữa.

Yên quân lại lần nữa chuyển bại thành thắng. Sau khi đại quân lên bờ, Yên Vương khích lệ Mạnh Thanh Hòa - người đã hiến kế, lại vỗ mạnh vào lưng Chu Cao Hú, nói ra một câu rất nổi tiếng, đã được ghi lại trong sử sách: "Đại ca Thế tử của con vốn hay đau ốm, con hãy cứ nỗ lực đi."

(Câu gốc là "勉之! 世子多疾 Tức: Miễn chi! Thế tử bệnh tật nhiều. Mình chuyển sang nghĩa dễ hiểu nhất cho mọi người dễ đọc luôn. Để mọi người hiểu vì sao sau này em Hú cứ đinh ninh là anh Đệ định truyền ngôi cho ẻm. =))))))

Chu Cao Hú nghe xong thì phấn khích, hăng hái, vô cùng kích động.

Đây là ý gì? Đây là tín hiệu muốn truyền tước vị cho y chứ còn gì nữa!

Cao Dương Quận Vương trong cơn phấn khích, hoàn toàn không nghĩ đến việc phụ Vương y lại quen thói ném cho y tờ chi phiếu khống, quá mức mừng rỡ, sức chiến đấu lập tức tăng vọt, dẫn quân đuổi theo Thịnh Dung, gào thét truy đuổi không buông.

Không đánh chết cũng phải đánh cho tàn phế, có thể đánh thẳng vào Nam Kinh thì càng tốt!

Nhìn Chu Cao Hú chạy đi xa, Mạnh Thanh Hòa ngửa mặt nhìn trời, có lão phụ thân như Vĩnh Lạc Đế, bị coi như con dê béo để xẻ thịt, Cao Dương Quận Vương cũng chỉ có thể cam chịu nhận mệnh.

Tháng sáu, ngày Mậu Ngọ, Yên quân tiến đến Trấn Giang. Yên Vương nghe theo kế của mưu sĩ, lệnh cho thuyền chiến treo cờ đi lại trên sông, lại phái người đến dưới thành hô hào, kêu gọi quân thủ thành đầu hàng.

Thiên Hộ Hậu Vệ Yên Sơn – Cao Phúc chính là người được chọn tiếp nhận sứ mệnh "vinh quang" này. Hắn ta đến dưới thành, đứng nghiêm chỉnh, giơ loa lên, dựa theo bản thảo Mạnh Thanh Hòa soạn sẵn, gào to: "Binh sĩ trong thành nghe đây! Các ngươi đã bị bao vây! Mau buông vũ khí xuống đầu hàng! Yên Vương Điện hạ nhân từ, tính mạng của các ngươi chắc chắn sẽ được bảo toàn! Nếu không đầu hàng, hậu quả tự gánh lấy! Thấy thuyền chiến trên sông không? Thủy quân đều đã quy phục Yên Vương Điện hạ rồi! Cố chấp chống cự chỉ có con đường chết! Yên Vương Điện hạ khởi binh Tĩnh Nan là vì thiên hạ xã tắc! Các ngươi còn không mau bỏ tối theo sáng thì còn đợi đến khi nào? Lỡ mất cơ hội này thì không có đường cứu vãn nữa đâu!"

Lời lẽ tuy có chút lộn xộn, không giống ai, nhưng hiệu quả mang lại rất tốt. Quân thủ thành nghe xong, xôn xao kinh hãi: "Thủy quân đã đầu hàng, chúng ta còn làm gì được nữa đây?"

Sông Trường Giang đã không thể cản nổi bước tiến của Yên quân, dựa vào mấy cây giáo trong tay bọn họ mà muốn chống lại Yên Vương ư? Đúng là nực cười!

Tướng giữ thành Đồng Tuấn triệu tập tâm phúc bàn bạc đối sách. Mọi người biểu quyết, kết quả hơn một nửa số người đều nguyện ý đầu hàng Yên Vương.

Trấn Giang là yết hầu bảo hộ Kinh Thành, chẳng lẽ triều đình lại không đối đãi tốt với các võ tướng ở đây? Nên bọn họ mới đồng loạt muốn nhảy việc như thế.....?

Đúng vậy, ai cũng nghĩ, các võ tướng ở Trấn Giang sống rất thoải mái, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, vì nơi bọn họ trấn giữ gần Nam Kinh, bọn họ lại càng dễ trở thành mục tiêu công kích của các Ngôn Quan. Chỉ cần một chút gió thổi cỏ lay, tấu chương kể tội bọn họ sẽ được dâng lên cả mớ. Nghĩ đến kết cục của Trần Tuyên, tướng giữ thành Giang Đô, Đồng Tuấn mạnh mẽ đập bàn, triều đình bất nhân với bọn họ, bọn họ cần gì phải tiếp tục bán mạng, bảo vệ đám nho sĩ hủ lậu đó nữa chứ!

"Mở cổng, nghênh đón Yên Vương Điện hạ vào thành!"

Trấn Giang thất thủ, đường đến Nam Kinh đã không còn chướng ngại.

Tháng sáu, ngày Canh Thân, Yên quân đóng quân tại Long Đàm. Từ Kinh Thành nhìn ra xa, đã có thể thấy được cờ lớn của Yên Vương tung bay trong gió.

Kiến Văn Đế lại triệu tập quần thần hỏi kế. Có đại thần đề nghị Hoàng Đế rời Kinh Thành xuống phía Nam, tạm lánh mũi nhọn của Yên quân, đợi chiêu binh mãi mã và các Cần Vương trong thiên hạ nổi dậy rồi hẵng phản công.

"Nghịch tặc Yên Vương mượn danh nghĩa Tĩnh Nan, mồm cứ luôn nói Thanh Quân Trắc nhưng lại bức bách Thiên tử rời kinh, người có hiểu biết trong thiên hạ sớm muộn cũng sẽ nhận ra được dã tâm thật sự mà đứng lên thảo phạt hắn. Đến lúc đó, Bệ hạ chỉ cần phất cờ, ra hiệu lệnh là có thể dẹp yên phản loạn."

Nghe có vẻ hơi lý tưởng hóa, nhưng bọn họ cũng là vì Kiến Văn Đế mà suy tính.

Sông Trường Giang hiểm trở đã không thể ngăn cản bước tiến của Chu Đệ, Thịnh Dung bị Yên Vương bắt sống, Trường Hưng hầu Cảnh Bình Văn lâm bệnh nguy kịch, Ngụy Quốc Công Từ Huy Tổ đóng cửa ở từ đường, từ chối tiếp khách, còn như Lý Cảnh Long thì chỉ là hạng bao cỏ bỏ đi. Trong triều không còn tướng tài, ai có thể chống lại Yên Vương được bây giờ? Chi bằng tạm thời rút lui, núi xanh còn đó, lo gì không có củi đốt. Kiến Văn Đế mới là chính thống, chỉ cần ngài còn sống, Yên Vương mãi chỉ là kẻ phản nghịch! Cả thiên hạ sẽ cùng nhau thảo phạt hắn!

Kiến Văn Đế có chút do dự, nên đi hay ở đây?

Phương Hiếu Nhụ lại kiên quyết phản đối kế sách mà đại thần kia vừa trình bày. Y còn nổi trận lôi đình, mắng chửi thậm tệ vị đại thần nọ, mắng chưa đã, còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với người ta.

Tội nghiệp cho vị Tông Nhân Lệnh râu tóc bạc phơ, cả người run rẩy, máu mũi chảy ròng ròng, bị mắng đến mức vuốt mặt không kịp: "Tặc tử! Ngươi chắc chắn đã bị nghịch tặc kia mua chuộc, nhằm làm hỏng danh tiếng thánh minh của Bệ hạ!"

Thánh minh?

Thánh minh cái đầu X chứ thánh minh!

Vị Tông Nhân Lệnh xuất thân từ dòng dõi Công Hầu huân quý tức đến mức mặt đỏ tía tai, mắt trợn ngược, hôn mê bất tỉnh.

Phương Hiếu Nhụ khinh bỉ liếc nhìn Tông Nhân Lệnh đang được khiêng đi, nói với Kiến Văn Đế: "Kinh Thành còn hai mươi vạn tinh binh, tường cao hào sâu, sao lại không phòng thủ được chứ? Có thể huy động bách tính trong ngoài thành đốn gỗ, vận chuyển đá, gia cố thành trì, ai thông đồng với nghịch tặc thì khép vào tội mưu phản. Nghịch tặc Yên Vương liên tiếp giao chiến vài trận, đại quân đã mỏi mệt, làm sao có thể đóng quân, đánh lâu dài với chúng ta được? Hết lương thảo, bọn chúng ắt sẽ loạn! Lúc đó, quân thủ thành có thể xuất kích, nhất định có thể đại thắng!"

Kiến Văn Đế lại lần nữa nghe theo Phương Hiếu Nhụ, tự tay chặt đứt con đường thoát thân cuối cùng của mình.

Bách tính trong Kinh Thành bị ép đi đốn gỗ, vận chuyển đá, ngày đêm không được nghỉ ngơi, mệt mỏi sinh bệnh, người chết la liệt.

Biết được là do Phương Hiếu Nhụ bày mưu hiến kế cho Hoàng Đế cưỡng bức lao dịch, bách tính đương nhiên không dám bất kính với Hoàng Đế, nhưng vừa làm việc vừa "hỏi thăm" mười tám đời tổ tông của Phương Đại Học Sĩ thì hoàn toàn không có chướng ngại.

Tin đồn Phương Hiếu Nhụ có quan hệ mật thiết với Cẩm Y Vệ lại lần nữa lan truyền rầm rộ. Khác chăng chỉ là lần này, không chỉ bách tính nguyền rủa, mà danh tiếng của y trong giới văn nhân cũng tụt dốc không phanh.

Phương Hiếu Nhụ vẫn không hề hay biết, lại cùng Trâu Công Cẩn và các văn thần khác tâu với Kiến Văn Đế, xin xử tử Lý Cảnh Long, nói Lý Cảnh Long chắc chắn có liên hệ với Yên Vương. Cả Tả Đô đốc Từ Tăng Thọ, Cốc Vương, Tề Vương cũng không thoát khỏi, ngay cả Khánh Thành Quận Chúa cũng bị chỉ mặt gọi tên.

Kiến Văn Đế không nghe, Phương Hiếu Nhụ cùng đồng bọn dứt khoát tự mình động thủ, quần ẩu một trận ngay lúc thượng triều, suýt chút đã đánh chết Lý Cảnh Long.

Khi được đưa ra khỏi cung, hai mắt Lý Cảnh Long đỏ ngầu, oán hận tràn ngập không cách nào che giấu.

Về phủ, hắn ta lập tức sai người liên lạc với Từ Tăng Thọ, Cốc Vương và Tề Vương. Không thể chần chừ nữa, nếu không lôi tên Hoàng Đế kia xuống khỏi ngai vàng, chơi chết đám nho sĩ Phương Hiếu Nhụ, sớm muộn gì bọn bọ cũng mất mạng!

Lấy ra bức mật thư do tâm phúc của Khánh Thành Quận Chúa đưa cách đây không lâu, Lý Cảnh Long cười lạnh, không may làm rách vết thương trên mặt, nụ cười lập tức trở nên méo mó dữ tợn.

Đừng trách Lý Cảnh Long bất nhân bất nghĩa, chỉ có thể trách Thiên tử luôn nghe lời lũ nho sĩ hủ lậu kia, không cho Công Hầu huân quý và võ tướng bọn họ con đường sống!


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com