# 88
Đại phá được thành Đồng Lạc, quân khởi nghĩa thu thêm được mấy vạn hàng binh. Sau khi ổn định được đội hình sau trận chiến, Nguyễn Văn Lang thừa thắng xông lên, tiếp tục kéo quân lên phía Bắc, chỉ hai ngày sau đã áp sát kinh thành, uy hiếp trực diện đến ngai vàng của vua Đoan Khánh.
Lại nói về vua Đoan Khánh. Chỉ trong mấy ngày phải nhận liên tiếp hai tin thua trận, y tức giận, hóa điên như một con quỷ, cầm kiếm giết loạn trong cung. Vì việc đó mà có hơn hai mươi thái giám và cung nữ vô tội uổng mạng dưới lưỡi kiếm của y. Sau đó, vua Đoan Khánh cũng không được yên ổn một chút nào. Y lại tiếp tục nhọc công tìm cách đối phó với mười mấy vạn nghĩa quân đang thần tốc tiến tới. Đoan Khánh vốn không giỏi trong việc bàn mưu tính kế. Y đi đi lại lại giữa thư phòng, miệng liên tục quát tháo mà chẳng đưa ra được ý kiến gì. Lũ quần thần a dua sợ uy của Đoan Khánh, cũng chẳng rảnh rang đầu óc mà nghĩ được kế gì hay. Về sau, Khương Chảy mới bàn:
- Quân lính cấm vệ đã bị Lê Vũ mang hết ra sa trường. Bây giờ ở kinh thành chẳng còn mấy người. Nếu điều quân ở các trấn về thì cũng không kịp. Theo hạ thần, hay là ta dùng tạm các phạm nhân bị nhốt trong tù, cho họ ít tiền, rồi thúc giục họ ra sa trường ngăn cản phản quân. Bọn phạm nhân dù có yếu cũng có thể cầm cự được với phản quân chừng hai, ba ngày. Trong thời gian đó, hoàng thượng ra chiếu chỉ điều quân ở các trấn về hộ vệ kinh thành, may ra có thể vãn hồi được thế cục.
Vua Đoan Khánh lúc ấy đang bí, thấy có người đưa ra kế sách là đồng ý ngay. Mệnh lệnh của vua truyền xuống dưới. Gần hai vạn phạm nhân được thả ra và tập hợp lại dưới lá cờ triều đình. Mỗi phạm nhân được phát cho năm quan tiền cùng giáp phục, khí giới, sau đó bị đẩy ra ngoài chiến đấu với nghĩa quân.
Vua Đoan Khánh và Khương Chảy đều là những kẻ ngu ngốc nên không để ý rằng gần hai vạn tù nhân mà họ đẩy ra chiến trường đều là những lương dân vô tội bị bọn chúng bắt bớ và giày xéo hàng ngày. Xưa kia, dưới thời vua Thái Trinh, số lượng phạm nhân trong kinh thành cùng lắm chỉ có khoảng mấy nghìn người. Ấy thế mà đến thời Đoan Khánh, con số ấy lên đến tận hai vạn. Hàng ngày họ bị nhốt trong những nhà lao chật chội, luôn miệng rủa xả vua quan tàn bạo. Vì vậy, ngay khi bị vua Đoan Khánh đẩy ra ngoài kinh thành, bọn họ rủ nhau chạy trốn hết. Vua tôi Đoan Khánh vì thế mà mất hết cả chì lẫn chài
Ngay lúc đó, mười mấy vạn nghĩa quân cũng áp sát kinh thành. Vua Đoan Khánh một mặt khẩn cấp đi gọi quân các sứ, một mặt sai Lê Quảng Độ thống lĩnh chút binh lực ít ỏi trong thành để cự địch. Lê Quảng Độ đóng chặt cửa thành, lợi dụng thành cao hào sâu, định chống chọi lâu dài với nghĩa quân.
Nguyễn Văn Lang lại triệu các tướng đến để tìm cách phá thành Đông Kinh. Các tướng đều nhận định trận này không quá khó khăn, nhưng vì tường thành quá cao nên thương vong chắc chắn sẽ rất lớn. Trong lúc mọi người đang rộn ràng tranh luận kế để giảm thương vong thì Trịnh Duy Đại đứng ở giữa trướng dõng dạc cất tiếng. Y không hướng về Nguyễn Văn Lang, người chỉ huy cao nhất của nghĩa quân, mà chỉ nhìn Lê Oanh, nói:
- Bẩm Giản Tu Công. Hạ thần có một cách chẳng cần mất một binh, một tốt cũng công hạ được thành Đông Kinh.
Các tướng đều ồ lên, ngạc nhiên. Lê Oanh hào hứng:
- Thế thì tốt quá. Khanh hãy nói ra để mọi người cùng biết.
Trịnh Duy Đại ngẩng cao cái đầu của mình, vuốt chòm râu dài cười khà khà ngạo nghễ rồi mới cất lời:
- Người trấn thủ kinh thành là Lê Quảng Độ vốn là bạn tâm giao với hạ thần. Ông ta là một người thức thời, nhạy bén. Hạ thần nguyện viết một phong thư dụ hàng, ông ta chắc chắn sẽ mở cửa thành đón quân ta vào. Chỉ có điều, xin Giản Tu Công hãy mở lượng bao dung, cố gắng trọng dụng một nhân tài như ông ta, phong cho ông ta một chức lớn trong triều đình sau này.
Lê Oanh nghe vậy, vội liếc về phía Nguyễn Văn Lang xin ý kiến. Nguyễn Văn Lang vốn không ưa gì anh em họ Trịnh và Lê Quảng Độ vì hai tên này đã lật lọng, trực tiếp gây ra cái chết của Trường Lạc Thái Hoàng Thái Hậu, chị của ông. Tuy nhiên, vì đại thế trước mắt, ông vẫn gật đầu, tỏ ý đồng tình với kế sách của Trịnh Duy Đại. Lúc ấy, Lê Oanh mới nói với Trịnh Duy Đại:
- Vậy thì khanh hãy mau y kế mà thực hiện.
Trịnh Duy Đại chắp tay tạ từ, sau đó lùi ra khỏi trướng về trại của mình để viết thư. Thư dụ hàng được Trịnh Tuy đích thân mang vào kinh thành. Tường thành tuy cao nhưng thân thủ của Trịnh Tuy cũng chẳng thấp, dễ dàng lẻn được vào trong. Trịnh Tuy tìm được Lê Quảng Độ, tận tay trao mật thư cho hắn. Lê Quảng Độ xem xong thư, chẳng hề đắn đo suy nghĩ, hẹn giờ Thìn hôm sau sẽ cùng hành động.
Buổi sáng hôm sau, Lê Oanh cùng Nguyễn Văn Lang và anh em họ Trịnh dẫn đại quân đến đứng trước cổng chính của thành Đông Kinh. Trên tường thành, lính triều đình khuôn mặt tỏ vẻ lo âu, giương cao cung tên sẵn sàng nghênh chiến. Nghĩa quân vẫn đứng ngoài tầm bắn tên đứng đợi. Đến khoảng giờ Thìn, trên đỉnh tường thành Đông Kinh bỗng nhiên phát hỏa. Ngọn lửa chẳng biết từ đâu, bất thình lình thiêu rụi cả một tòa tháp canh bằng gỗ dựng trên đỉnh thành. Quân lính nhốn nháo rủ nhau dập lửa. Trong lúc quân triều đình mất tập trung thì cổng thành ở bên dưới bỗng nhiên mở toang ra.
Trịnh Duy Sản là kẻ hành động đầu tiên, y quất roi, thúc ngựa chạy thật nhanh về phía cổng thành. Năm nghìn binh lính dưới quyền y cũng chạy theo. Lính triều đình ở trên thành nhìn thấy cảnh tượng như vậy thì hoảng sợ lắm. Bọn họ toan trút mưa tên xuống quân của Trịnh Duy Sản ở bên dưới thì từ chính giữa tường thành, tiếng trống vang lên ầm ầm khiến tất cả ngơ ngác. Theo ngay sau đó là tiếng nói của Lê Quảng Độ. Y thét lên với binh lính giữ thành:
- Hỡi các anh em. Vua Đoan Khánh là tên bạo chúa. Y còn tại vị ngày nào thì nhân dân còn khổ ngày đấy. Các anh em hãy theo ta đầu hàng, đón vị vua mới lên cai trị đất nước.
Nói xong, Lê Quảng Độ hướng về phía Lê Oanh quỳ xuống. Toàn thể lính canh giữ trên tường thành thấy cổng thành đã bị phá, phản quân tràn vào, mà người trấn giữ kinh thành đã đầu hàng liền đồng loạt quỳ xuống, đầu hàng theo.
Thành Đông Kinh bị nghĩa quân chiếm được mà không mất một binh, một tốt. Nguyễn Văn Lang ra lệnh cho các tướng truy bắt vua Đoan Khánh, ai bắt được sẽ được phong tước Bá. Các tướng đều tuân theo, tức tốc chạy về phía hoàng cung, háo hức lập công lĩnh thưởng. Đăng Dung cũng tham gia vào cuộc truy đuổi vua Đoan Khánh. Chàng căm ghét vua Đoan Khánh đến tận xương tủy nên muốn bắt được y để trả thù cho Đông Hoa và những người vô tội đã chết.
Đăng Dung không dẫn theo quân lính, mà chỉ đi cùng với các em mình là Vũ Hộ, Mạc Đốc, Mạc Quyết. Bốn người lao ngựa vun vút trên đường phố, không hướng về phía hoàng cung mà chạy về một ngôi nhà nhỏ ở gần hồ Thiền Quang, nơi tụ họp bí mật của tổ thám báo do Đăng Dung thành lập. Trước khi tấn công kinh thành, chàng đã mật báo cho họ phải theo dõi tung tích của vua Đoan Khánh. Khi chàng đến nơi, căn nhà vắng tanh, không có ai cả. Đăng Dung đứng chờ một lúc, mới thấy người phụ nữ cao tuổi trong tổ thám báo của mình cưỡi ngựa chạy về.
Theo lời kể của bà ta thì buổi sáng nay, toàn bộ tổ thám báo đều núp ở bên ngoài hoàng thành để theo dõi nhất cử nhất động của nhà vua. Khi biết tin Lê Quảng Độ dâng thành Đông Kinh cho nghĩa quân, vua Đoan Khánh lập cùng với đám lâu la trốn ra ngoài, vượt sông Hồng chạy lên hướng Bắc. Tổ thám báo sau khi biết được tung tích của nhà vua liền cử một người quay lại báo tin cho Đăng Dung, còn lại thì vẫn tiếp tục bám theo nhà vua.
Đăng Dung biết được hướng chạy của vua Đoan Khánh, tức tốc lên ngựa, chạy lên phía Bắc. Khi đến sông Hồng, đã có một người trong tổ thám báo của chàng chuẩn bị thuyền, chờ sẵn. Đăng Dung cùng với các em mình lên thuyền chèo sang tả ngạn sông Hồng. Sang bên kia bờ, chàng lần theo các dấu hiệu do người của mình để lại mà rong ngựa chạy tiếp.
Cả đoàn người chạy liền một mạch cả sáng, cả chiều không nghỉ, đến lúc sẩm tối thì thấy bóng dáng của đoàn người ngựa của vua Đoan Khánh ở phía xa. Đoàn tùy tùng của nhà vua có khoảng năm mươi người, tốc độ di chuyển không được nhanh lắm vì còn mang theo khá nhiều vàng bạc, châu báu. Bốn anh em Đăng Dung cảm thấy phấn khích liên giương cao vũ khí, xông thẳng về phía trước.
------
Thành Đông Kinh: tên gọi của Thăng Long Hà Nội thời Lê Sơ
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com