Chương 03:
Kiều Vạn Sơn thấy khó hiểu.
Hắn cứ tưởng người đọc sách thì sẽ không tin mấy thứ này.
"Phương tiên sinh?" Đợi người kia đến gần, Kiều Vạn Sơn khẽ gọi.
Hôm nay nắng hơi gắt, Phương Khanh ngẩng đầu, hơi nheo mắt, hàng mi dài theo đó rung rung.
"Kiều đại ca." Phương Khanh đáp.
Lẽ ra chào hỏi xong là được, nhưng Kiều Vạn Sơn rốt cuộc không nhịn được: "Phương tiên sinh cũng tin mấy cái này sao?"
Trong lòng hắn cứ cảm thấy Phương Khanh không giống người nơi đây.
Những thứ hư vô mù mịt này, bọn dân đen dốt nát như bọn hắn tin thì thôi, chứ sao Phương tiên sinh cũng như phàm nhân bọn hắn?
Nhìn người này chẳng ham muốn điều gì, đặc biệt là cái kính cận ấy, gọng mạ vàng, gác trên sống mũi, khiến cả người toát lên vẻ quý phái.
Hắn đến giờ cũng chưa thấy ai đeo kính, trừ kính lão của bà già thì không tính.
Phải đọc bao nhiêu sách mới đeo nổi thứ kính ấy chứ?
Kiều Vạn Sơn thật lòng cho rằng kính chính là biểu tượng của học vấn, đôi kính đó đặt ở cái miếu bà trên đỉnh đồi đất này, đúng là chẳng hợp tí nào.
"Ồ, cái này..." Phương Khanh vừa nói vừa giơ hai túi đồ trong tay —— "Vừa nãy gặp đội trưởng, cháu trai ông ấy khỏi sốt, nên ông lên gửi đồ cho bà cụ, nhưng lại bị gọi đi họp gấp, tôi giúp ông mang lên đây thôi."
Không trả lời thẳng là tin hay không, nhưng trong lòng Kiều Vạn Sơn lập tức thấy yên ổn.
Hắn nghĩ mình giờ buộc phải tin mấy thứ này, nhưng vẫn thấy không cam lòng, có người không tin như Phương Khanh, hắn cũng thấy an ủi.
***
Tuần đầu tiên sau đợt lao động tập thể, thứ bảy trường nghỉ, Phương Khanh không phải dạy.
Trời còn chưa sáng, cậu đã dậy nhóm lửa nấu cơm, ăn lót dạ xong để phần lại trong nồi chờ cha dậy ăn, rồi cầm sách ra cửa tranh thủ ánh sáng sớm đọc một lúc.
Chưa bao lâu đã nghe tiếng còi của đội trưởng, Phương Khanh cất sách, cầm theo lưỡi liềm đến tập hợp.
Nhà cậu ở xa, đến nơi thì người ta đã đủ cả rồi.
Đội trưởng là ông già hơn năm mươi, tên Vương Phú Quý, dáng dấp đúng kiểu "phú quý", thân hình như Phật Di Lặc, đầu hói trọc loáng, chỉ còn vài sợi tóc lơ thơ bám trụ, giọng nói to vang, nghe đầy sinh khí.
Thấy Phương Khanh đến, ông ta nói: "Nhìn đồng chí Tiểu Phương đây, tích cực chưa! Có bát sắt rồi mà vẫn đến kiếm điểm công, tôi thấy mọi người nên học tập đồng chí Tiểu Phương! Yêu lao động, thì ngày lành để thôn Thanh Thủy chúng ta thành thôn xuất sắc không xa nữa đâu!
Không biết ai bông đùa: "Cho tôi lương thì tôi cũng tranh đi làm!"
Cả đám người cười ầm lên.
Đội trưởng phải thổi còi vài cái mới yên.
Thật ra ruộng nhà Phương Khanh vốn ít, đất lại xấu, trồng như không, chẳng thu được bao, dạy học mỗi tháng được mười đồng, giờ ai cũng tranh nhau kiếm công điểm, cuối năm lĩnh chia còn phải bù tiền, cậu không đi làm thì Tết đến cha con chỉ có gió Bắc mà ăn thôi.
Phương Khanh đứng ngượng một bên, khổ cũng chẳng biết nói với ai, đành chờ phân công.
Kiều Vạn Sơn lặng lẽ dịch lại gần phía cậu, lúc chia nhóm thì năm người một tổ, họ cùng tổ với hai anh nông dân cao to khác và một nhóc câm, cả nhóm lũ lượt ra đồng.
Trong đám còn có mấy thanh niên trí thức nghe nói từ Thượng Hải xuống, tường gạch đỏ trong thôn có hàng chữ sơn đỏ to tướng: "Nông thôn là một bầu trời rộng lớn, đến đó sẽ có nhiều thành tựu".
Không ít thanh niên thành phố hưởng ứng lời kêu gọi, lên núi xuống quê góp sức cho tiến bộ xã hội chủ nghĩa.
Phương Khanh cũng không thấy ở mảnh đất vuông vức nhỏ bé này thì làm được gì to tát, nhưng đã là cấp trên nói, cậu vẫn ghi vào sổ, dạy học trò cũng phải dạy như thế.
Mấy thanh niên trí thức Thượng Hải nói giọng mềm như tơ, cậu nghe không hiểu, nhưng họ làm việc rất hăng, tranh việc, làm gương, đến đội trưởng cũng khen thanh niên thành phố giác ngộ cao.
Mặt trời mới nhô nửa vòm trời, Phương Khanh đã mệt bở hơi tai, nhưng chẳng ai dừng, cậu cũng ngại kêu.
Trước kia nhà cậu còn ruộng, đất ít nên làm thong thả, giờ theo đội đông nên rất vất vả.
Thêm lúc nữa, Kiều Vạn Sơn đi tới: "Phương tiên sinh, nghỉ chút đi!"
Hai anh nông dân kia cũng rất tinh ý, bảo cậu và nhóc câm cùng ra gốc cây nghỉ.
Phương Khanh ngồi xuống, nhóc câm ngồi cạnh.
Nhóc tên Từ Lục, là con út, cha mẹ đặt tên sơ sài, gọi là Lục.
Nghe nói hồi nhỏ nó lanh lợi, miệng ngọt, gặp ai cũng gọi anh chị bác mợ, rất được lòng, mà xui là sáu tuổi đêm sốt cao không chữa kịp, khỏi rồi thì câm, đầu óc cũng đần đần.
Nhà đông con, không lo hết được, nó lại ngốc, chẳng làm được gì, chẳng ăn no được bữa nào, gần hai mươi rồi mà gầy đét như cây sậy.
Nhưng trông lại đáng yêu, mắt to tròn, miệng nhỏ, cười lên hai má hõm sâu đồng tiền, còn hai cái răng khểnh, nhìn như con nít.
Dân làng nhìn mà thở dài "phí quá", nhưng nó nghe không hiểu, ai nói gì nó cũng cười, ngoan ngoãn, dễ bắt nạt.
Phương Khanh cầm ấm nước định hỏi nó uống không, quay đầu thì thấy nó đang nhìn đăm đăm đám trí thức.
Chợt thấy nó xách ấm chạy ra đồng.
Thì ra trí thức Lý Thư Hoa không cẩn thận bị liềm cứa vào chân.
Đám thanh niên mới xuống quê, dùng liềm không quen, bị thương là thường, nhưng vết thương cũng không nặng, lát sau máu ngừng.
Chỉ là Từ Lục lo lắng hơn ai hết, giằng lấy liềm ném xa, không cho Lý Thư Hoa đụng vào.
Lý Thư Hoa định lấy lại, nó ôm cánh tay anh khóc hu hu.
Có người trêu: "Từ Lục à, mày thương Lý Thư Hoa thế, sau này vợ người ta cũng không bằng mày đâu!"
Người khác đệm: "Thì làm vợ thằng nhỏ đi, trông cũng hợp ghê!"
Cả đám cười ngặt nghẽo.
Từ Lục nghe không hiểu, thấy người ta cười nó cũng ôm tay Lý Thư Hoa cười theo.
Lý Thư Hoa thì bực, hất tay làm nó loạng choạng ngã ngồi, đơ ra một lúc mới hoàn hồn.
Phương Khanh chạy lại đỡ nó về.
Một lát, Từ Lục như nhớ ra gì, lại chạy ra đồng, nhặt cái ấm ban nãy nhét vào tay Lý Thư Hoa, chưa kịp ai phản ứng đã chạy về ngồi ngay ngắn, mắt to nhìn người.
Lý Thư Hoa cầm ấm quay lại trừng mắt, nó làm như không thấy.
Lý Thư Hoa không thích ánh mắt đeo bám trong veo ấy, như soi sạch con người mình, không biết từ bao giờ tên ngốc ấy cứ bám theo anh, đuổi mãi không dứt.
Thanh niên Thượng Hải đi cùng lại đùa giọng Thượng Hải: "Này, Thư Hoa, thằng nhóc tuy ngốc nhưng nhìn cũng được đấy, không thì mày nhận nó đi?"
Anh gắt: "Ghê chết, thích thì mày nhận!"
Anh nhíu đôi mày tuấn tú, chẳng nói Từ Lục là đàn ông, mà vừa ngốc vừa câm, có tự dâng đến anh cũng chê.
Mặt trời lên cao, dân làm đồng dần rút về gốc cây, trải giày vải dưới mông ngồi nghỉ, chuẩn bị về ăn trưa.
Từ Lục thấy Lý Thư Hoa ngồi xuống liền sáp lại, lại bị đuổi về, ôm ấm nước tu tu từng ngụm, vừa uống vừa len lén nhìn, tưởng không ai biết, nào ngờ ai cũng thấy, lại cười ầm lên.
***
Kiều Vạn Sơn đón khăn tay Phương Khanh đưa, lau mồ hôi.
Khăn tay vuông vức, giặt sạch sẽ, hắn ngại bẩn không dám chùi mặt, Phương Khanh thấy thế vội bảo: "Không sao đâu, vốn để lau mồ hôi mà."
Hắn mới dám lau.
Gái đã gả trong thôn đều thô kệch, nói năng chả kiêng dè, làm việc chẳng kém gì đàn ông, dùng khăn tay càng ít thấy, đàn ông dùng khăn tay thì đây là lần đầu hắn thấy, mà lại không ghét.
Kiều Vạn Sơn thấy đồ của Phương Khanh như chính con người cậu, sạch sẽ, tinh tế, mát lành, cả thôn Thanh Thủy chẳng ai giống cậu, và hắn thích cái tinh tế ấy.
***
Chẳng bao lâu sau, nhà nhà trong thôn Thanh Thủy đập nồi xoong chảo, nói là luyện thép đuổi kịp Mỹ vượt Anh.
Vương Phú Quý dẫn người đến nhà Phương Khanh tháo nửa cái nồi sắt trên bếp đất.
Phương Tự Thành lúc điên lúc tỉnh, giờ không rõ tỉnh hay điên, cứ tưởng mình vẫn là địa chủ, ngồi ngoài cửa mắng hết hơi: "Thằng chó chết Vương Phú Quý, không có tao mày chết đói, mày muốn đập nồi nhà tao thì bước qua xác tao đã!"
Đội trưởng vẫn cười: "Phương lão gia, thời này khác rồi, đâu còn là nhà ông nữa. Tỉnh lại đi!"
Rồi quay sang Phương Khanh: "Thầy phong thủy nói rồi, chỗ này luyện thép hợp, mà ở cuối thôn chỉ còn nhà cậu, dọn đi tiện."
Phương Khanh tối sầm mặt: "Vậy cha con tôi ở đâu?"
Đội trưởng khoát tay: "Tìm chỗ mà dựng nhà mới đi!"
Phương Tự Thành gào khản cả giọng: "Tao chết cũng phải chết ở đây, đừng hòng đuổi tao!"
Đội trưởng thản nhiên: "Không đi thì thép luyện không xong, không theo kịp Liên Xô, trên hỏi xuống, tôi cứ nói nhà họ Phương không muốn góp sức cho xã hội chủ nghĩa, đến lúc đó đi cũng phải đi thôi!"
Rồi dẫn người ôm đống sắt bỏ đi.
Phương Khanh đứng đờ ra, không biết làm sao, nếu chỉ mình cậu thì còn ở ký túc xá trường, giờ thêm cha, nhà không phải muốn dựng là có, chẳng lẽ cha con cậu phải ngủ ngoài trời?
Đúng lúc đó Kiều Vạn Sơn tới gọi cậu đi nhận cơm tập thể, nhà ai đông người thì cho vợ con đi nhận, về ăn mới đủ, chứ nhà ít người thì toàn ăn canh.
Hắn nghĩ hai nhà đều neo đơn, một ông cha điên, một bà mẹ bệnh, chi bằng cậu làm, Phương Khanh đi nhận cơm, cuối năm chia thêm ít công điểm cho cậu.
Đến nơi thấy Phương Tự Thành ngồi khóc lóc như con nít, Phương Khanh cũng ngồi bên, cạnh là đống quần áo dọn sẵn, Kiều Vạn Sơn giật mình, tưởng cậu bỏ đi xa, hỏi ra mới biết đầu đuôi, giận đòi đi tìm đội trưởng.
Phương Khanh vội giữ: "Thôi đi Kiều đại ca, đến nước này rồi, tìm ông ta cũng vô ích, để tôi tính tiếp."
Cả hai im lặng một lúc.
Kiều Vạn Sơn rụt rè: "Hay là... hai người dọn sang nhà tôi ở?"
Phương Khanh chưa kịp phản ứng, chỉ sững người nhìn hắn.
Kiều Vạn Sơn vội nói thêm: "Nhà tôi rộng mà!"
-
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com