Chương 2
Yến lao lên, cái chõng rung lắc mạnh như sắp sập, thô bạo lay tôi dậy.
"Dậy mày ơi, dậy nhanh!" Lại đổi về nói giọng Hà Nội rồi, con bé linh hoạt phải biết.
Tôi mơ màng mở mắt, ngồi dậy và mất một lúc để định hình mọi chuyện. Trời vẫn còn tối đen như hũ nút, cây đèn đã cạn dầu, tắt ngúm từ lâu, cuốn sách tôi đọc dở nằm lăn lóc ở đầu giường cùng với cặp kính cận và cái đồng hồ bố tặng tôi. Yến lại gọi:
"Dậy đi con này! Nhanh đi đón bình minh! Mặt trời sắp lên rồi!"
Hai chữ "bình minh" đánh thức tên nhiếp ảnh gia trong tôi, thúc giục tôi lồm cồm bò dậy, với cái kính cận đeo xộc xệch lên mũi, rồi tôi nhảy xuống giường, xỏ tạm đôi dép dưới chân, chạy vào nhà vệ sinh, vốc một ít nước lên rửa mặt, đánh răng. Vệ sinh cá nhân xong, tôi quay ra góc nhà, nơi đang ngổn ngang đồ đạc của tôi. Đống đồ như một mảng hỗn độn phá vỡ cái gọn ghẽ của căn nhà này vậy. Lôi cái máy ảnh ra khỏi túi, lắp ống kính, lắp phim, đội cái mũ lưỡi trai lên, tôi quay ra nhìn Yến tỏ vẻ đã sẵn sàng lên đường.
Yến nãy giờ vẫn ngồi trên cái chõng tre chờ tôi, con bé nhìn tôi cười ngặt nghẽo. Tôi ngại ngùng đỏ ửng cả hai tai lên, Yến lại càng có dịp để cười to hơn.
"Sao mà mày cứ cuống hết cả lên thế?"
"Thì mày bảo tao phải nhanh lên mà?"
"Mặt trời ngày nào mà chẳng mọc rồi lặn. Không ngắm được hôm nay thì ngày mai, có sao đâu?"
"Thôi tao lỡ dậy rồi, dắt tao đi đi!"
"Rồi, đi thì đi!" Yến vẫn còn cười, bước xuống khỏi cái chõng, ra hiệu cho tôi đi theo.
Nhà Yến ở ngay gần biển, chúng tôi cứ đi dọc theo con đường đất phía sau nhà là ra đến nơi. Mặt trời chưa mọc, Yến và tôi đi chân trần dọc theo bãi biển, để làn cát ấm và dòng nước lành lạnh vuốt ve lòng bàn chân. Cát bây giờ như một đôi tất dễ chịu, nó không nóng bỏng gang chân như lúc mặt trời đã lên tới đỉnh đầu. Bất chợt, Yến kéo tay tôi, chỉ về phía cuối chân trời. Ông mặt trời ló rạng rồi.
Mặt trời ở đây không mọc, nó vọt lên từ mặt biển, tứa ra một thứ ánh sáng hanh hao như lòng đỏ trứng bị đánh vỡ. Thứ ánh sáng đây mang lại sự sống, nó làm cho cái mùi tanh của cá, của rong rêu, vị mặn mòi của muối biển đặc quánh lại, thành một thứ không khí có thể nếm được. Tôi vội vã giơ cái máy ảnh lên để bắt lại khoảnh khắc "mặt trời đội biển nhô màu mới", mải mê tìm kiếm những khoảnh khắc để đời, qua ống ngắm máy ảnh, tôi thấy đoàn thuyền đánh cá trở về từ xa xa, đoàn thuyền rong ruổi, chạy đua cùng mặt trời, căng buồm với gió khơi. Những chiếc thuyền chài xanh xanh đỏ đỏ, vững chãi tiến về bờ, chúng đang thực hiện một vũ điệu ngàn đời với biển cả, một vũ điệu của sự chinh phục và biết ơn. Con người nhỏ bé đứng ngang hàng với thiên nhiên vũ trụ. Tôi nghe thấy những tiếng gọi nhau í ới của ngư dân, những câu chào thân mật, những lời trò chuyện về đêm bám biển mệt nhọc nhưng phấn khởi. Hình ảnh của "đoàn thuyền đánh cá" trong thơ Huy Cận hiện lên rõ mồn một trước mắt tôi, kỳ diệu và huy hoàng.
Hai ba chiếc thuyền đã cập bờ, mấy gã trai tráng nhảy xuống khỏi, bắt đầu kéo lên, thanh niên sức dài vai rộng, cởi trần trùng trục, để lộ cái thân hình rắn rỏi rám nắng xếp hàng theo chiều dài sợi dây kéo, căng tràn sức trẻ. Mấy tay buôn đã bắt đầu lân la đi hỏi giá, vài cô bác lớn tuổi dậy sớm đi lựa hải sản tươi về nấu nướng, có cả những đứa trẻ chỉ cao đến ngang đầu gối tôi theo mẹ ra chợ, níu lấy áo mẹ thật chặt như sợ chỉ cần buông ra là sẽ lạc mất. Tôi chụp lại hết tất thảy, tôi không muốn bỏ sót bất cứ một chi tiết nào vào một buổi sáng khác lạ này, khác lạ vì tôi dậy sớm hơn bao giờ hết, và thứ đón lấy tôi sáng nay không phải là những giấy tờ và bút viết mà là ánh ban mai cùng làn khói sóng.
Đang phấn khích với những thứ mới lạ, bỗng dưng Hoàng Yến kéo tay tôi đi lại gần một chiếc thuyền vừa mới cập bến. Ban đầu, tôi cứ nghĩ con bé muốn cho tôi xem trên một chiếc thuyền đánh cá thật sự có gì, nhưng mãi sau này ngồi nghĩ lại, tôi mới ngẫm ra Yến có suy nghĩ khác.
Đây là thuyền của Quỳnh, cái người hôm qua chúng tôi gặp ở hàng tạp hóa đầu làng. Quỳnh cùng với mấy anh em đang hì hục khuôn những thùng cá tươi xuống khỏi thuyền, nó đã cởi cái áo ngoài ra buộc ngang hông, thân trên chỉ còn một cái áo ba lỗ đã ngả sang màu cháo lòng cáu bẩn. Yến và tôi bước lại gần, nhưng nó dường như không để ý, chỉ có mấy thanh niên choai choai đang đứng ở mạn thuyền là thấy:
"Ơ Yến về rồi à?"
"Yến về rồi đi chơi với anh một hôm nhá!"
"Ai đi cùng em Yến đấy?"
Giọng chúng nó cợt nhả, có thằng còn lột hẳn cái áo đang mặc trên người ra khoe mẽ cái dáng hình phong trần của mình. Rồi chúng nó cất giọng hát, cái điệu hò "Lý kéo chài" quen thuộc tôi vẫn hay nghe trên đài ra-đi-ô cùng bố, nay được trình diễn bởi những "nghệ sĩ chính gốc", câu hát cứ vang vang, náo nhiệt và rộn ràng.
Gió lên rồi căng buồm cho khoái
Gác chèo lên ta nướng khô khoai, hò ơi!
...
Không ai chống chèo, không ai chống chèo
Ơ hò ơi hò là hò hò ơi!
...
Nhậu cho năm hết tháng qua khoan hỡi khoan hò biển khơi mà rong ruổi ớ hơ là hò
Không lo chết chìm, không lo đói nghèo
Ơ hò ơi hò là hò hò ơi!
...
Mấy cô nàng trên bờ xinh quá
Xuống cùng anh ta hát ta vui, hò ơi!
Đến đoạn này chúng nó phá lên cười giòn tan:
"Yến xinh gái lên thuyền chơi với bọn anh cho vui không?"
Tôi cũng cười cười huých vai Yến:
"Kìa, lên với các anh không?"
Yến không nói gì, gật đầu cho có lệ, nãy giờ nó cứ nhìn mông lung đi đâu ấy, hình như nó chẳng để ý đến đôi ba lời trêu ghẹo của lũ trai làng, cứ ngóng theo một bóng người nào ở mãi xa. Mấy lời hát hò cứ xen lẫn với tiếng hì hục khuân vác, chúng nó vừa làm vừa cười cợt. Quỳnh vừa đi đâu quay lại, lừ mắt liếc cái lũ đang chơi nhởi kia:
"Có làm việc cho tử tế không?"
Mấy gã trai cao lớn vai rộng vừa nghe thấy cái giọng khô khốc cất lên kia thì co rúm lại, tắt ngay nụ cười, nhanh chóng tản ra, đứa thì trèo lại vào thuyền dọn dẹp, đứa thì chạy đi kéo lưới, đứa thì vác những thùng cá tươi ra chỗ mấy gã buôn đang đứng để chào hàng, chẳng mấy chốc chỉ còn lại chúng tôi và Quỳnh. Nó vẫn không để ý tới tôi và Yến, ngồi xuống gỡ cái đám lưới. Yến xắn tay lên, cũng ngồi xuống, cất lời:
"Tao giúp nhé?"
Tôi cũng vội ngồi thụp xuống dù không biết phải làm gì, một tay ôm máy ảnh, một tay cũng sờ vào đám lưới, nhưng Quỳnh đã ngăn lại tất cả.
"Không cần. Mày dẫn 'công tử' đi đâu thì đi đi."
"Để tao giúp, tay mày lại rách ra rồi kìa."
"Kệ tao, này là việc của tao!"
Lại là những lời nói nhát gừng cộc cằn. Yến thôi không "tranh" việc của Quỳnh nữa, kéo tôi đứng phắt dậy, trước khi đi, vẫn quay lại nói với người đang ngồi kia:
"Chiều không có việc gì bận thì đi chơi với tao và Minh."
Quỳnh không đáp, cứ chăm chú với cái lưới trên tay, như thể chỉ cần rời mắt là nó sẽ biến mất. Đôi bàn tay chai sần và chằng chịt sẹo của nó thoăn thoắt gỡ từng nút thắt một cách dứt khoát. Cái tốc độ ấy nhanh tới nỗi, tôi cứ đứng đực ra nhìn theo ngưỡng mộ, nhanh nhẹn mà chính xác và tỉ mỉ, như một nghệ nhân đang thi triển một công việc đã quen thuộc đến nằm lòng.
Yến không quan tâm đến nó nữa, kéo tôi đi. Xin thề là trong cả cuộc đối thoại vừa rồi, tôi như một kẻ tàng hình ngờ nghệch, hết bị động ngồi xuống lại bị kéo đứng lên rồi bị dắt đi. Yến vừa kéo tôi đi ra xa khỏi cái thuyền của Quỳnh vừa lẩm bẩm cái gì đấy, nhưng tôi không nghe được, và tôi cũng không dám hỏi, nom Yến trông vẫn bình thường, nhưng cái thái độ con bé toát ra thì như một quả bom hẹn giờ, chỉ cần động nhầm chỗ là phát nổ ngay lập tức. Chúng tôi đi thêm một đoạn thì Yến dừng đột ngột, quay ra hằn học:
"Mày chụp cái gì thì nốt đi. Nhanh còn về ăn sáng, tao đói rồi!"
Tôi không dại mà chụp choẹt thêm nữa, lắc đầu:
"Về... về. Tao cũng đói."
Yến nghe xong thì quay phắt lại đi thẳng về hướng sáng nay chúng tôi đi ra, cái dáng người nhỏ bé của Yến như đang chất chứa cả một bầu tâm sự to tướng quá khổ mà có cạy mồm cũng không hé ra tí nào. Tôi đi theo phía sau, cứ chốc chốc lại cất lời hỏi mấy câu vu vơ để phá vỡ cái bầu không khí kì quái này, nhưng Yến không trả lời, hoặc nếu có thì chỉ vài câu ngăn ngắn.
Yến dẫn tôi đi ăn bánh canh cá lóc, bát bánh canh đậm đà, nước dùng ngọt, cá tươi. Cái quán nhỏ chỉ có vài bộ bàn ghế gỗ đã cũ, nằm nép mình dưới một gốc cây già, bác bán hàng xởi lởi, cứ liên tục hỏi tôi ăn có vừa miệng hay không. Hơi nóng từ tô bánh canh bốc lên thơm phức, quyện với mùi hành lá, ngò gai thái nhỏ. Sợi bánh canh trắng ngà, dai mềm, óng ánh trong thứ nước dùng trong vắt được ninh từ xương cá. Mấy miếng cá lóc được chiên sơ, vàng ươm, săn chắc mà không hề bị khô.
Tôi hít hà một hơi rồi ăn ngấu nghiến, tấm tắc khen:
"Ngon quá Yến ơi! Lần đầu tao ăn món này đấy!"
Yến chỉ lẳng lặng ăn, đôi đũa gắp một cách vô hồn. Yến không nhìn tôi mà nhìn đăm đăm đi đâu ấy.
"Ừ, ngon thì ăn nhiều vào." Giọng Yến đều đều, không cảm xúc.
Thấy Yến như vậy, tôi biết có nói thêm về bát bánh canh thơm phức, ngon lành trước mặt cũng vô ích. Tôi ngừng lại một chút, lấy hết can đảm, cố dùng một giọng thản nhiên nhất có thể:
"Cái chị Quỳnh đó... là bạn mày hả?"
Đôi đũa trên tay Yến khựng lại giữa không trung, bàn tay đang cầm thìa cũng cứng lại, tôi thấy rõ những khớp tay trắng bệch của Yến siết chặt. Vài giây sau, Yến mới từ từ đặt đũa xuống, không thèm ăn nữa.
"Bạn bè gì đâu. Người cùng làng thôi."
Yến nói, rồi ngước lên nhìn thẳng vào mắt tôi, ánh mắt sắc lại như lời cảnh cáo.
"Ăn đi, nguội hết bây giờ."
Câu nói đó như một cánh cửa sắt đóng sầm lại ngay trước mặt tôi, tôi hiểu rằng mình vừa chạm vào một vùng cấm. Không khí im lặng trở nên đặc quánh, còn nặng nề hơn cả lúc nãy. Vị đậm đà của miếng cá trong miệng tôi bỗng dưng nhạt thếch, tôi chỉ biết cúi mặt ăn cho xong bữa, không dám hỏi thêm một lời nào nữa. Tiếng xì xụp của những người khách khác trong quán, tiếng sóng biển xa xa, sao lúc này nghe lại rõ mồn một đến thế.
***
Chúng tôi về lại nhà, bố của Yến đã lên trường, mẹ Yến cũng vừa đi chợ về, đang gác lại cái xe Thống Nhất vào tường. Tôi lăng xăng chạy lại bê hộ bà mấy thùng đồ lớn nhỏ gá ở gác-ba-ga vào trước, Yến lững thững đi vào sau, ngồi xuống bộ trường kỷ. Sau cái lần ở hàng bánh canh, tôi không dám đụng vào Yến nữa, chưa bao giờ tôi thấy bộ dạng này của con bé cả. Tôi cất lại máy ảnh rồi đi xuống bếp với mẹ Yến, bà đang dỡ mấy món hàng vừa mua ra, khoe tôi mấy con mực tươi rói. Tôi cười cưới đáp lời, rồi bẽn lẽn đi lại gần, thì thầm với bà:
"Bác ơi, cái Yến nó cứ lầm lì như kia là thế nào hả bác?" Tôi nói thật chậm rãi để bà nghe và hiểu được hết những gì tôi muốn truyền đạt.
"Ôi dào, kệ cha nó. Cứ giở giở ương ương thế ấy mà!" Bà vừa xởi lởi đáp, vừa thoăn thoắt nhặt mớ rau muống biển, không ngẩng lên nhìn tôi.
Tôi đánh trống lảng qua chuyện khác, hỏi bà xem có chuyện gì tôi giúp được không, bà xua tay, đẩy tôi ra khỏi bếp, không cho tôi động vào bất cứ cái gì. Tôi cố nán lại mà vô ích, đành đi lại ra nhà trước, Yến đã vào buồng, tôi không làm phiền, đi ra cái chõng tre lúc sáng cùng với quyển sổ và cây bút máy, bắt đầu viết về những gì đã xảy ra.
Một buổi sáng dài với hàng tá những thứ mới mẻ và cả những xúc cảm khó hiểu. Tôi ghi xuống những dòng đầu tiên cho cuốn "hồi ký" của mình, những dòng suy nghĩ lạ lẫm và lộn xộn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com