Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

2 - Tình Sầu

Không phải chiều nào Đông Doanh cũng đến trường để đứng lớp, mỗi ngày đến trường của mỗi đứa trẻ đều được sắp xếp theo thời gian biểu và tất nhiên Đông Doanh cũng có thời gian biểu cho mình. Có những ngày không lên lớp vào buổi chiều, Đông Doanh cũng ghé vào trường xem qua bài tập về nhà của mấy đứa học trò nhỏ, có khi là đến để đọc mấy cuốn sách cũ ở thư viện hoặc có khi là đứng lớp thay cho vài người thầy người cô khi họ phải hoàn thành bài giáo trình của mình vào cuối tháng.

Tiết học buổi chiều mang đến bầu không ấm áp và dịu nhẹ hẳn, không có ánh nắng chói chang của mặt trời rơi vào giấc sắp ban trưa khi bọn trẻ tan học, không gian cũng yên tĩnh hơn, bên tai chỉ có tiếng xào xạc của gió trên nhánh cây, không giống như buổi sáng phải nghe tiếng máy ghe nổ đùng đùng. Đông Doanh nhìn bọn trẻ từ phía trên bục giảng mới thấy rõ từng mặt đứa nào đứa nấy cũng ngây ngô và đầy đáng yêu, có nhiều đứa còn ham nghịch ngợm mà quên cả việc mình đang học, anh có thấy song chưa hề la rầy bọn trẻ một tiếng nào, ngược lại còn đến gần quan tâm bọn trẻ hơn, tạo cho chúng một cảm giác ân cần.

Bởi vậy nên trong trường, chẳng có đứa trẻ nào mà không thích thầy Doanh hết.

Tan lớp, khi xung quanh chẳng còn đám trò nhỏ nào nữa, anh liền thở dài một hơi. Ai nói làm thầy là dễ, ngoài việc đứng dạy ở lớp, tối về nhà đâu phải an nhàn nằm ngước nhìn trần nhà rồi ngủ đến sáng, còn phải soạn tư liệu cách giảng dạy trong tuần bằng tay, xem qua tập vở của bọn trẻ và còn chấm điểm bài tập nữa chứ.

Anh nhìn hai chồng vở trước bàn, lấy trong chiếc cặp da ra hai sợi dây cắt ra từ vải thừa, anh xếp những chiếc tập cong góc vào cho ngay rồi lấy dây buột làm sao mà vừa dễ cầm mà vừa lại không rơi rớt cuốn nào.

Vở ở quê khác hẳn so với mấy cuốn vở ở Sài Gòn rất nhiều. Nhớ cái hồi anh đi học ở Sài Gòn, nhìn vào cuốn vở nào cuốn vở ấy đều thấy mà ham. Trang giấy thì trắng, thơm tho, cả cuốn tập có bìa đầy đủ màu sắc và dày hơn rất nhiều. Đâu như ở vùng quê nghèo, vở thì mỏng tét, đầu góc vở thì cong, giấy thì có khi cũ kỹ ố vàng nhem nhuốt màu chì đen xì trên tay mấy đứa nhỏ hằn lên.

Mọi thứ ở vùng đồng bằng này quả ra còn hoang sơ quá, Đông Doanh nghĩ, có được cái trường xây lên cho bọn trẻ học thôi thì chưa đủ, anh ước gì bản thân khắm khá lên một chút, ngõ ý xin phép rồi chi tiền lên Sài Gòn mua ít tập vở và dụng cụ học tập cho bọn trẻ thì tốt biết mấy. Dẫu biết những người thuộc cổ đông xây dựng lên cái ngôi trường này cũng thuộc dạng giàu có trong xứ, dưng sao chỉ mới dựng gạch cho vững đất mà đã đi khoe khoang bêu rếu công nên làm ra. Đúng là có trường có lớp thì bọn trẻ mới có nơi để học, mà cơ sở vật chất còn chưa hoàn thiện, ghế chả biết ngồi được bao lâu, bàn chả biết khi nào mới mua mới lại, Đông Doanh không muốn phải quan tâm đến những việc không đáng lẽ dành cho anh, chỉ vì anh là một người thầy ở xứ xa về đây dạy, cũng muốn góp ý đến trường vài lời.

Suy cho cùng thì tất cả chỉ là suy nghĩ vu vơ của anh mà thôi, điều khiến Đông Doanh đáng để nghĩ nhất chính là số tiền nợ đang thách thức mạng sống mẹ con anh kia kìa.

Đông Doanh đang loay hoay không biết phải đem cả chồng vở và cặp da cùng một lúc như thế nào, chúng không nặng, chỉ là anh có hai bàn tay và mười ngón tay, cỡ nào cũng không cầm hết. Đúng lúc thì Minh Khanh xuất hiện bên ngoài cửa sổ, đầu cứ ngó nghiên vào trong, thoạt nhìn thôi đã biết Minh Khanh tìm ai.

- Anh Doanh, tan lớp rồi hả?

- Ừ, à em giúp anh đem chồng vở này ra xe dùm anh có được không?

Minh Khanh đứng nép bên cửa, nghe anh gọi vui liền mà chạy đến, nhanh tay nhanh chân được việc được kêu. Là Đông Doanh kêu, thì giống gì cậu cũng làm, chỉ cần ở cạnh Đông Doanh thì nguyện có chết trong tay anh cậu cũng nguyện, bởi hỏi ai khi yêu mà lại không có mong mỏi hay ước mơ được ở cạnh người mà mình yêu. Minh Khanh biết hình ảnh của cậu trong mắt Đông Doanh là như thế nào nên cậu mới thở phào tự tin thể hiện trước mặt anh.

Trên đời làm gì có cái việc yêu thầm người khác là bị kết tội đâu, dẫu cho mai này người ta không yêu mình thì cũng là chuyện của mai này, có khi chuyện của mai này sẽ bị thay đổi bởi chính chúng ta của hiện tại.

Cứ ngỡ như là hai đứa con nít bị thầy cho tan lớp trễ, Đông Doanh cùng với Minh Khanh tan trường với những nụ cười êm dịu hơn cả cái trời chiều hôm ấy, vai áo bay trong gió chiều thấy rõ dáng, mái tóc cũng vui đùa theo gió mà rủ dưới đôi mi cong. Ở đâu đó, khoảng cách giữa họ, lại rút ngắn đến lạ.

Minh Khanh đặt chồng vở vào rổ xe đạp. Đứng vắt hai tay ra sau lưng, kể không ngừng những câu chuyện hồn nhiên cho Đông Doanh nghe khiến anh chỉ biết gật đầu cười ngơn ngớt. Cậu đi cạnh anh, dần dần rồi lùi ra sau lưng, cậu đang ao ước, đang chờ đợi một điều gì đó đến với mình. Thấy Đông Doanh cứ dắt chiếc xe đạp đi về phía trước mà quên mất sự hiện diện của mình, Minh Khanh mau chóng trở nên hụt hẫn, sợ anh quên cậu, sợ anh bỏ cậu ở lại phía sau.

Khi lòng Minh Khanh sắp phải bùng nổ cái cảm xúc rối bời thì Đông Doanh đã quay đầu lại gọi tên cậu. Mọi âm thanh hỗn tạp xung quanh Minh Khanh bỗng dưng im lặng, tai cậu giờ đây chỉ nghe rõ tên mình phát ra từ giọng của người mà cậu thầm thương suốt bao tháng qua kể từ ngày gặp gỡ. Cậu ngước mắt lên nhìn Đông Doanh đang đứng đợi, trong lòng đã thật sự bùng nổ, nó khiến Minh Khanh sắp rơi nước mắt, nó mang đến cho cậu cái cảm xúc rộn ràng mà có nằm mơ mộng cậu mới dám có.

- Hay em lên xe đi, anh chở em về.

Minh Khanh gật đầu rồi leo thật nhanh lên yên sau, tưởng chừng việc này chỉ có trong giấc mộng của chính cậu tạo ra, mọi thứ tồn tại thật đến nổi, Minh Khanh dám đặt cái tin của mình vào mơ mộng của bản thân.

Đi qua cây cầu sắt nhỏ tạm bợ, bánh xe lăng đến đâu thì những miếng ván sắt nhấp nhô phát ra những tiếng rầm rầm đến đó. Minh Khanh nhìn con nước đang lên sát mép bờ, dập dìu theo cơn gió, cái mùi sông nước miền Tây Nam Bộ vốn có mà ngày nào cậu cũng ngửi giờ đây chỉ là một thứ được đưa vào quên lãng, làm sao Minh Khanh có thể ngửi lấy mùi hương thiên nhiên này khi ngồi ở sau, ngửi được cái mùi thơm xa lạ đến phấn khích.

- Anh Doanh, hay là anh chở em tới nhà cô Tiêu rồi mình đi bộ vô nhà em được không anh?

Đông Doanh ít mấy lần đón đưa Minh Khanh về nhà như này bởi vì từ trường về nhà anh xa hơn với lại nếu chở Minh Khanh về thì anh phải đánh một vòng quay xe về lại trường. Chỉ khi mấy hôm bất đắc dĩ mưa gió Minh Khanh không tản bộ về nhà được, đợi cho đến khi trời tạnh, thì sẵn tiện còn ở lại anh mới ngõ ý chở cậu về.

Đường vào nhà Minh Khanh thì Đông Doanh không nhớ lắm bởi có khi nào mà anh đi ngang thường xuyên đâu, đạp xe đi đến đâu không nhớ phải rẽ co nào thì anh hỏi cái người hát líu lo ngồi ở sau. Anh cũng chẳng nhớ nhà cô Tiêu ở đâu, chỉ ậm ự một tiếng cho người ta yên lòng, anh ngồi ở trước nhìn mây trắng trên bầu trời xanh trong đang trôi dần ở phía xa xa chân trời. Chân thì cứ theo nhịp đạp xe về phía trước, tay thì cằm chắc cổ xe khỏi bị lão đão, tâm trí anh quá yên tịnh nên sanh ra nghĩ ngợi lung tung.

Đi sang đến xã bên, Đông Doanh nhìn cái nắng chiều xuyên qua mái lá dưới sạp rau củ quả hai bên đường, ngộ ra mới biết ở đây là chợ. Chợ chiều cũng khá đông người qua lại, anh đạp xe chầm chậm lách qua hàng người đang đứng hai bên đường. Nào thì cô thì chị mang áo gấm lụa cầm giỏ tre hay rổ nứa đầy ụ rau thịt đặng chiều về còn có cái để thổi cơm, các anh các chú thì sức dài vai rộng vác trên lưng mấy bao tải đi lớp lớp nhau cho kịp chuyến đò, xong việc về sớm thì nằm võng đung đưa cho khỏe thân. Mỗi người mỗi việc có khi lắm vất vả nhưng điều mà họ mong mỏi nhất cuối ngày chỉ đơn giản là buổi cơm gia đình khi trời đã tắt nắng bên chiếc đèn trong dầu ấm cúng, hay đơn giản là bàn trà ấm bên điếu thuốc cháy đỏ của các ông bên cạnh còn có hộp trầu nhai vui miệng của các bà.

Niềm vui đơn sơ là thế, đối với họ chỉ cần có cái mà đủ ăn, có cái đủ mặc, có nhà đủ ở bốn mùa từ năm này sang năm khác, miễn sao ở với con cháu cả đời mà có đất để nằm nghỉ đến khi cạn hơi thở thì là điều hạnh phúc. Đông Doanh chưa từng chán nản về cuộc sống của mình ở miền đất phù sa, chịu cực với gió trời ở đây anh cũng quen, nhiều khi anh sợ mình trở về Sài Gòn lâu ngày, nhanh chóng bị sự sa hoa lôi kéo, liền quên đi cách sống giản dị ở nơi đây mà không muốn về.

Anh đạp xe rời khỏi chợ đông người cũng không biết đã chạy mất hút qua khỏi nhà cô Tiêu từ khi nào.

Minh Khanh ngồi ở sau vỗ vai anh vài cái, thắng xe được phanh lại kêu lên một tiếng ke két thật to dưới dốc cầu chất đầy gạch đỏ. Cậu vịn vào vai Đông Doanh thật vững trèo xuống xe, từ đây đi bộ vào nhà cũng được, anh chạy hút không quá xa.

Đầu ngõ dẫn vào nhà Minh Khanh là nhà cô Tiêu, nhà cô thì có hai cửa chủ yếu là kinh doanh buôn bán. Cửa chính thì hướng ra đường chợ vào hai buổi, sớm với chiều để cô ra ngồi bán rau với bán thịt, cá, còn cửa sau nhìn ra hướng đi vào trong ngõ là tiệm tạp hóa của vợ chồng con trai cô Tiêu. Thằng con trai cô thì đi làm tuốt trên Bình Chánh, mỗi tháng gửi về cho vợ nó một chút để có cái mà mua sữa mua tả cho con, nhắc tới con cái với vợ nó mới nhớ. Thằng con nó mới thôi nôi cách đây mười bữa nửa tháng, nó về mần cái tiệc cũng nho nhỏ, rồi trước ngày về lại Bình Chánh nó liền làm cho vợ nó cái sạp đặng mở tiệm tạp hóa, để vợ nó vừa trông con vừa giúp gia đình một bộn.

Nhà thiếu bóng đàn ông cũng co ro hẳn, đến cái cửa sổ cũng khóa chặt, nhà thì toàn là đàn bàn phụ nữ chân yếu tay mềm nhỡ có chuyện thì cũng hãi, thôi thì sáng mở cửa tiệm, chập năm giờ chiều vắng người đi chợ thì gia đình cô Tiêu mới dẹp cửa hàng vô nhà, đóng trái cửa trong ở yên trong nhà nằm võng coi truyền hình cho lành. Tối dẫu là nằm xuống chiếu đi ngủ cũng phải bật đèn cho sáng, cho lũ trộm nó nghĩ là nhà còn thức, nó không dám bẻn vào.

Nói nghe thì có vẻ đơn giản, làm cho xong chuyện, chứ ăn trộm dạo này gan to, chúng lẻn vào nhà chém giết như chơi. Dù là nhà cô Tiêu không phải giàu sang, cũng không phải làm ăn khắm khá dư của dư để gì nhưng cô không sợ gia đình mình mất của mà cô sợ mất mạng người.

Đông Doanh có nhìn qua cửa tiệm tạp hóa ở sau nhà, mái hiên rộng che trước cửa che nắng thoáng cũng mát, người vào mua hàng cũng không đông mà cũng không thưa, chỉ tội cái cảnh chị vợ vừa ôm thằng bé đang khóc oa oa trên vai vừa loay hoay bán hàng, mà thương biết nhường nào.

Anh nhìn sang mái đầu của người đi cạnh, trong lòng cũng thấy thương lây rất nhiều. Đâu phải ai cũng có một cuộc sống như nhau, mỗi người mỗi cảnh.

Cả Minh Khanh cũng vậy, ngoài mặt anh hay thấy cậu cười cậu nói vui vẻ lắm mà có ngờ nào, Đông Doanh là người đầu tiên và cũng là người duy nhất được nghe Minh Khanh kể về cuộc đời của cậu.

Ngoài mẹ ra thì Minh Khanh không có ai là máu mủ ruôt thịt với cậu nữa, bởi vốn lẽ mẹ cậu là người ở sứ Bà Rịa về đây từ trước khi cậu ra đời. Sống với mẹ từ nhỏ, được bà con xóm giềng thương tình giúp đỡ, không ai nói gỡ nói trách một lời nào. Cho đến hôm cậu mười sáu tuổi, mới có chuyện xảy ra.

Hàng xóm hay bàn chuyện nhau lời lẽ chuyện cậu lớn lên trong vòng tay mẹ thiếu đi cách dạy dỗ của cha rồi sinh tánh sinh dạng không giống với mấy thằng con trai trạt tuổi trong xóm, có khi còn lỡ miệng nói bậy mà cứ cho đó là lời hay lời phải. Đúng thì cậu không có cha, nói cho thẳng thừng thì cậu là con hoang nhưng cậu sanh tánh sanh dạng ra sao, thì đó cũng là cuộc sống của cậu, họ không có quyền nói ra những lời khó nghe như thế.

Đông Doanh cũng có vài lần nhìn cho kỹ mấy hồi, lướt mắt quanh vẻ ngoài của Minh Khanh, anh không có ý gì bậy bạ, chỉ là nhìn qua rồi xem xem mấy thằng con trai trong xã trên nói có lý hay không. Nhìn hoài nhìn mãi cũng chẳng biết có điểm nào để bàn tán hay do Đông Doanh ở xã hội phát triển trên Sài Gòn lâu năm mới thấy bình thường.

Xã hội này có hai loại người, một là kiểu người sống tình sống nghĩa, không biết người khác lạ hay quen, ở sứ nào, chỉ biết là họ có nỗi khổ riêng trong lòng nghe rồi thấy mà thương. Còn có những người lạc hậu, cho rằng thái độ, lý lẽ và định kiến của họ là điều hay điều phải, mạnh dạng giơ tay đưa ra ý chê bai người khác mặc kệ bất cứ điều gì. Nên chuyện về Minh Khanh cũng chẳng phải to tát hay đặc biệt gì, chỉ là tụi con trai trong xóm nhìn lấy mà khinh, bèn thêm mắm thêm muối đặt điều vài chuyện không có thật để tôn thờ vẻ cao thượng của bản thân, để dân tình nghe rồi ghét cậu giống tụi nó, chớ Minh Khanh đã làm hại ai bao giờ.

Chiều chiều là đàn vịt cũng đi tắm, chúng lần lượt nhảy xuống mương, ngụp đầu xuống nước rồi giơ cánh vẩy vẩy, bơi khi nào mà đã cái chân bơi rồi mới lên bờ chờ ăn tối. Trong ngõ vào không thưa dân, nhà cũng cách nhau hai ba chục bước chân, đến tối bật đèn mà đứng trước cổng ngó ra cũng thấy ánh đèn nhà bên cạnh. Đi ngang qua nhà nào thì nhà nấy vang tiếng chó sủa đến um tai, có người ngồi trong nhà ngó ra nhìn xem là ai, lạ hay quen.

Một con ngõ không quá dài, tản bộ dọc theo cũng không phiền đến ai, không có ngã rẻ, không có cầu bắt qua, dưới lối đi mòn chỉ toàn là đất cát và cỏ dại. Minh Khanh tươi cười chạy nhanh về phía trước, tầm mắt của Đông Doanh bị hàng rào phủ đầy hoa Huỳnh Anh che khuất, anh chỉ nghe rõ tiếng cậu cười cùng ai đó.

Đã là cuối ngõ, Đông Doanh dắt chiếc xe đạp đi qua khỏi bụi Huỳnh Anh dài tươi mát màu vàng, hiện lên trước mắt là chiếc cổng sắt cũ kỹ đậm màu nâu gỉ sét theo thời gian. Anh dần bước đến gần khung cửa, căn nhà bên trong cũng dần hiện ra trước mắt.

- Hay anh vô nhà em ngồi chơi nghỉ mệt, uống chút trà rồi về. 

Thấy Minh Khanh vẫy tay gọi, anh cũng không dám từ chối. Dù sao anh cũng có công chở người ta về nhà, người ta mang ơn còn không hết, làm sao anh  mà dám nuôi bụng nuôi dạ cái ý quay xe bỏ về. Người ta sang nhà anh thường xuyên còn chẳng ngại, anh có gì để mà sinh ngại với người ta, vào nhà chơi thì hỏi thăm bác gái với ngồi uống chút nước, người ta có làm gì anh đâu mà không hiểu sao anh lại thấy ngần ngại đến vậy.

Đông Doanh dẫn xe vào sân, cũng ưa gọn dựng sát vào hàng rào cạnh cửa, đây cũng là lần đầu tiên mà anh đến nhà một ai khác từ lúc anh chuyển lên ở Vĩnh Long.

Hồi trước ở Cần Thơ, tuy là không có bạn thân thiết nhưng anh lại có những người anh người bạn đồng nghiệp hay mời đến nhà chơi, dù là tiệc lớn tiệc nhỏ, dù là sang để uống trà chơi cờ tướng thì đều tìm đến anh, mời anh một tiếng. Hể mà anh sang không được thì họ cũng không có buồn lòng, còn vỗ vai hẹn anh dịp khác. Hể mà anh sang chơi thì đối với họ đó là một niềm vui.

Chắc do vì Đông Doanh ở đây chưa đủ lâu để nhận được cái nền vui từng có khi xưa, dù sao thì Minh Khanh cũng là người khiến anh bắt đầu tìm lại được những niềm tâm sự như xưa, như một sự khởi đầu trong mối quan hệ.

Quay lại nhìn căn nhà đơn sơ sau lưng, cũng thật yên bình.

Một cơn gió thổi qua, những chiếc lá của cây si ở tuổi già chuyển vàng rơi rụng tựa như hàng trăm cánh hoa rời nụ để tìm tình yêu của mặt đất. Đông Doanh cảm nhận rất rõ cái yên ả ở đây, không đón quá nhiều ánh nắng chói chang, nhẹ nhàng và mát mẻ.

Minh Khanh vội đi vào nhà, để lại người mẹ hiền ngồi dưới mái hiên đang thuê đỡ vạt áo rách vai đang hướng mắt về phía Đông Doanh. Ân cần tựa như ánh nhìn của mẹ anh.

Đông Doanh gật đầu chào bác gái, bác cũng hiếu khách đứng dậy mời anh vào nhà.

- Ừ, vô nhà ngồi chơi cho mát đi con.

Đây là lần đầu tiên Đông Doanh đến nhà Minh Khanh chơi, mỗi lần hai người ngồi lại với nhau để trò chuyện thì đều ngồi bên bàn trà của nhà Đông Doanh, cái không gian ở nhà anh nó khác hoàn toàn với nhà cậu, lẽ vì anh sống một mình còn cậu thì ở với bác gái.

Căn nhà nhỏ được dựng gạch đỏ, trán qua một lớp xi-măng không đều tay, khung cửa chỉ tạm bợ bằng gỗ đơn sơ, thoáng nhìn cũng thấy đơn sơ, cái làm anh chú ý đến chính là mái nhà, nửa bên lót tôn, nửa bên lót lá. Cũng chẳng biết ban ngày ở trong nhà ra sao, chỉ đoán là rất nóng.

Đông Doanh ngồi xuống bên chiếc bàn trà đón khách dưới hiên nhà, trên bàn cũng chẳng có gì đặc biệt, ngoài bộ ấm trà thì còn có hộp nhựa trắng đựng mứt gừng và cái khay gạt tàn thuốc làm bằng hộp thiết cũ ký ám mùi thuốc lá.

- Con tên chi? Năm nay bao nhiêu tuổi? Gốc gác ở đâu?

- Dạ thưa bác, con tên Đông Doanh, con tuổi Tí, nhà ở gốc Sài Gòn.

- À, là người Sài Gòn, quê quán con ở đây hay sao?

- Dạ thưa không, con về đây để làm giáo sư.

Minh Khanh cầm một chiếc bình thủy, đôi tay quen việc khéo léo cho trà vào, rồi rót nước sôi trong bình thủy vào ấm, chờ tầm năm phút sẽ có trà thơm mà uống. Bởi nên ở miền Tây mến khách, chẳng biết gần hay xa, họ đều chào đón rất nhiệt tình và hồn hậu. Thường thì bàn trà được làm bằng gỗ rồi trãi một miếng giấy bóng dày lên. Bàn trà đón khách thường được đặt ở dưới hiên nhà, hướng vào cửa chính hoặc nếu nhà ai khá giả thì họ làm luôn ở phòng khách với bộ bàn trà bằng gỗ khắc hình rồng đắc tiền. Trà lúc nào cũng được pha khi khách vừa đến để khi rót mời vẫn có được độ ấm vừa phải, nếu trà nguội cứ việc đổ vào ấm một ít nước sôi vừa phải, tránh đổ vào nhiều sẽ loãng màu và nhạt vị.

Ấm trà được mở nắp tỏa ra một làn khói nhẹ, cái mùi trà hoa lài thơm bay vào mũi cái hơi ấm. Minh Khanh rót cho mẹ trước như lời lễ phép kính lão, rồi mới rót cho Đông Doanh, riêng cậu thì không thích uống trà đắng nên chỉ ngồi cạnh vào bàn trò chuyện. Ban đầu cậu cứ e dè, cuối mặt xuống bàn nhìn đôi bàn tay mười ngón đan vào nhau, yên lặng một hồi lâu rồi mới dám ngước mắt lên hòa vào câu chuyện.

- Ảnh làm giáo sư cùng trường với con đó má.

- Vậy thì tốt quá còn chi, Minh Khanh nhà bác mà có bạn như vầy bác mừng lắm.

Đông Doanh nhìn sang Minh Khanh, anh biết rất rõ những mối quan hệ của cậu với người khác. Nếu có thể, anh vẫn muốn bản thân mình nhận được sự đón tiếp từ mẹ cậu, nhận được một vị trí trong tâm Minh Khanh. Dẫu sao anh cũng không có bạn, tưởng chừng có người bạn duy nhất mà hắn cũng quay lưng với anh chỉ vì mấy đồng tiền sinh lãi. Anh cũng nên xem, đây là điều tốt.

- Bác gái yên tâm, từ rầy sắp tới con sẽ giúp đỡ em Khanh thật nhiều.

- Tốt quá, tốt quá rồi.

Nhìn bác gái thở phào nhẹ nhõm trong lòng, anh cũng vui lây, nhìn nụ cười tươi mừng của bác cũng khiến anh an ủi phần nào. Làm anh nhớ đến mẹ.

Đã gần hai tháng anh chưa viết thư hay gọi về nhà cho mẹ một lần nào, anh biết mẹ sẽ buồn chuyện của anh lắm và ngay cả anh cũng thấy ấy nấy rất nhiều.

- Hay là anh ở lại ăn cơm với hai mẹ con em luôn nha.

Minh Khanh ngỏ ý. Dẫu sao ở nhà cũng có ít người, thêm người ngồi lại trò chuyện cuối buổi cơm cũng vui, nhưng Đông Doanh cũng phải xin phép từ chối, đường về nhà có đoạn rất tối, không có đèn, nên rất khó mà quan sát với lại anh còn phải xem qua hai chồng vở để trên rổ xe của bọn học trò nhỏ, nên anh xin phép về nhà trước trời tối bữa sau anh lại ghé chơi lâu lâu.

Ly trà nhỏ bằng xứ khi chiều cũng cạn nước và nguội lạnh, Đông Doanh dắt chiếc xe rời khỏi sân, trước khi về còn không quên chào bác gái. Trước mắt đã có đóm sáng nhỏ từ ánh đèn trước cổng của nhà bên cạnh, Minh Khanh vẫn muốn tiễn Đông Doanh về vài bước nữa, nên quyết theo anh tản bộ một chút.

- Em vào nhà lo cơm nước với bác gái đi, anh tự về được rồi.

Ngập ngừng một hồi lâu Minh Khanh cũng cười mím môi gật đầu đồng ý. Đông Doanh leo lên yên xe nhưng vẫn không quên quay lại nhìn vào Minh Khanh bé nhỏ, anh xoa lên mái đầu của cậu như một lời an ủi hứa hẹn có dịp sau lại đến. Hành động nhỏ này đối với tận sâu trong lòng Minh Khanh mà nói thì đó là một niềm hạnh phúc to lớn, mỗi đêm cậu sẽ mang niềm hạnh phúc này ôm vào lòng để nhớ, đặt dưới gối để dưới đầu, xem nó như là thứ mà bản thân không được quên.

- Anh về đây.

- Anh về cẩn thân.

Minh Khanh đứng trông cho đến khi hình bóng của Đông Doanh đi mất rồi mới cười tủm tỉm nhớ lại cái xoa đầu lúc nãy, cậu chạy vào nhà với bác gái nhanh tay phụ bác thổi cơm cho buổi tối.

Bác gái vo gạo đã sạch, ngồi vá tiếp chiếc áo còn dang dở. Trong ánh lửa hồng bị con trai bác che đi một nửa, ngoài việc bác có thể thấy rõ đứa con trai hiền từ của mình đang cố gắng chấm củi lữa nấu cơm thì bác cũng có thể đoán được cảm xúc và tâm trạng của Minh Khanh chỉ qua hai lần nhìn thấy cậu nghiên mặt hiện lên nét cười.

Khói đã tỏa bên nồi cơm, Minh Khanh ngồi lên giường cạnh mẹ, ngồi xếp bằng bắt đầu nhóm chiếc đèn dầu.

- Nói má nghe coi, con với cậu Doanh đã đi đến đâu rồi?

Nghe bác gái hỏi vậy, Minh Khanh cũng chưng hửng tròn mắt nhìn.

- Má, tụi con chưa có chi với nhau hết. Ảnh chỉ là đồng nghiệp với con thôi.

- Thiệt hông?

- Thiệt mà má.

- Thiệt cái đầu cha mày, má nuôi mày đến nay bao nhiêu tuổi rồi hả Minh Khanh? Con đừng có giấu má, khai thiệt má nghe coi.

Minh Khanh cố tình né mặt bác gái, ban đầu cậu cũng không muốn khai chuyện cho bác nghe vì sợ bác la rầy, sợ bác cho rằng cậu là một đứa còn ngây dại chưa gì đã yêu người ta. Nhưng không nói, thì cứ giấu mãi thì cậu cũng chẳng yên, từ nhỏ cậu đã có cái tính là có chuyện gì cũng nói với mẹ.

Cậu chụm thêm củi dừa vào lò đang cháy đỏ, ngồi bên bếp nghe tiếng bộp bộp của lửa bén vào củi, tóe tia lửa nhỏ bên trong, cậu ngập ngừng một hồi lâu cũng nói.

- Là con, là con phải lòng ảnh trước. Mà má, má đừng có trách ảnh với má cũng đừng có rầy con. Con biết là con còn dại, lẽ ra con nên quan tâm đến nghề giáo sư này để không phụ lòng má mới lẽ.

Minh Khanh chạy đến bên mẹ. Cậu đặt tay lên đùi bác, thể hiện rõ việc nhận lỗi. Minh Khanh yêu một ai đó là việc không bao có lỗi, cậu thấy có lỗi là vì phụ lòng mẹ, phụ công nuôi dưỡng cùng với hy vọng hơn hai mươi năm của mẹ. Cậu chỉ mong bác không giận cậu, không bắt phạt quỳ gối như lúc nhỏ là được.

- Con từng này tuổi, má không cấm con quen ai hay là yêu ai. Má chỉ mong con nhìn cho kỹ người để sau này không phải mang buồn tủi như má lúc trẻ, con hiểu chưa?

Nghe bác gái nói thế Minh Khanh cũng yên lòng, cậu ở cạnh Đông Doanh trong khoảng thời gian dẫu là không dài nhưng cậu dám khẳng định chắc nịt rằng cậu đã nhìn đúng người. Một người có học vấn cao, có nhà có cửa ở Sài Gòn, đặc biệt hơn là anh còn độc thân, vậy ngại gì mà Minh Khanh không lựa chọn làm người để mắt.

Gian bếp đã tỏa mùi thơm của gạo được nấu chín, Minh Khanh nhanh tay cầm lấy hai miếng vải cầm nồi, hai tay đem nồi cơm nhỏ vào bàn, lấy ra chảo cá lòng tong kho tiêu của bác gái, ra sau nhà hái thêm trái bí vào luộc nữa là đủ bữa cơm nhà.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com