7.
Ánh nắng buổi sớm còn mềm như lụa, vừa trải nhẹ trên mái đình làng đã nghe tiếng xe kéo lọc cọc lăn bánh ngang chợ. Vợ chồng cậu hai Kỳ xuống xe, tay trong tay, bước chầm chậm vào khu chợ làng vốn đã quen mặt với cả hai từ thuở còn son rỗi.
Người trong chợ thấy cậu Kỳ và mợ hai Diệp ghé lại xưởng vải thì ai nấy đều trầm trồ. Cái tên nhà hội đồng Nguyễn từ lâu đã là tiếng thơm lừng lẫy ở cả vùng. Mà trong mấy người con của ông hội đồng Chính, thì cậu hai là người được lòng dân nhất, vì hiền, vì giỏi, mà còn vì thương vợ.
Nghe đâu, vụ lúa ở Đồng Tháp vừa rồi đều do một tay cậu lo liệu. Cậu đích thân xuống ruộng, đi ruộng sâu ruộng cạn, nói cười cùng tá điền, chẳng nề hà gió nắng. Bởi vậy, người trong nhà bảo ông hội đồng ngày càng nể cậu, nhiều chuyện lớn chuyện nhỏ đều giao cậu gánh vác. Mà đâu chỉ giỏi chuyện làm ăn, cậu hai còn là người chồng mực thước. Đứa gia đinh đưa nước trong bếp từng xầm xì: "Mợ hai đang có tin vui", nên hôm nay cậu đưa mợ ra chợ may đồ mới, cho mợ được thoải mái hơn trong mấy tháng tới.
Ở cái làng này, nói cậu Kỳ hiếm người sánh là chẳng quá lời. Cứ thử nhìn qua cậu cả Khanh thì biết, cậu cả lâu nay cứ đi biệt tăm lên Sài Gòn, ai cũng đồn là cặp bồ, bỏ bê mợ cả Cầm. Người ta nói tiếng lành đồn xa, mà tiếng dữ còn đồn xa hơn. Cậu hai thì khác, bên ngoài làm việc, về nhà lo cho vợ. Mỗi bước đi của cậu, mỗi cử chỉ với mợ hai, đều khiến người ngoài phải tấm tắc khen thầm.
Tới xưởng vải, cậu hai căn dặn cô thợ may bằng cái giọng trầm ấm, nửa cười nửa chăm chút:
"Đo cho vợ tui, lựa cho cổ mấy bộ màu hồng. Cổ thích màu hồng lung lắm."
Chị chủ xưởng bật cười khúc khích, đưa tay vuốt nhẹ mép áo:
"Chà, cậu Kỳ coi bộ rành tánh vợ quá ha! Cô thiệt có phước đó nghen, cô Diệp."
Mợ hai Diệp mỉm cười nhẹ. Nụ cười vừa e dè, vừa thản nhiên như thể đã quen với những lời trêu chọc:
"Dạ... chị khéo nói, làm em mắc cỡ hà."
Tiếng nói tiếng cười vừa dứt, thì chị chủ bất chợt nghiêng đầu ra cửa, rồi đưa tay chỉ:
"Ủa, kia không phải cô út sao? Mà đi với cậu nào đó kìa?"
Nghe nhắc đến em chồng, cả cậu hai và mợ hai cùng quay ra nhìn. Diệp nhìn theo bản năng, còn cậu Kỳ thì chỉ liếc qua rồi quay mặt vào trong, như đã rõ mọi chuyện.
Chỉ có Diệp là còn đăm đăm nhìn theo. Nhìn cái dáng cao gầy, trắng trẻo và chững chạc của người đàn ông trẻ đi bên cạnh cô út. Họ bước đi không vội, không gần quá nhưng cũng không xa. Ánh mắt người kia đôi khi nghiêng về phía Quỳnh, còn Quỳnh thì vẫn là Quỳnh, bước nhẹ nhàng như không màng mọi ánh nhìn.
Thấy vợ còn chăm chú, cậu hai nhẹ giọng, tay đặt lên vai cô:
"Là cậu Quang. Con trai bá hộ Lê."
Lê Minh Quang. Cái tên ấy như khơi dậy một tầng ký ức đã từng vang vọng đâu đó trong những câu chuyện trà dư tửu hậu của các bà các cô trong nhà.
Người ta nói, trước khi cô Quỳnh được gửi sang Tây học, nhà bá hộ đã ngấp nghé hỏi cưới. Lúc ấy Quang và Quỳnh chỉ vừa mười một, mười hai tuổi, học chung một thầy, dù ở hai làng khác nhau. Quang mỗi lần rảnh rỗi đều đạp xe lên làng Hạ, mang theo vài cuốn sách, mấy viên kẹo đường phèn và một tâm tình chưa kịp nói. Cái tình của Quang nhẹ như sương mà bền như khói bếp, chẳng bao giờ tan hẳn, nhưng cũng chẳng cháy bùng.
Rồi Quỳnh sang Tây. Đi tận ba năm. Đến lúc trở về, tưởng chừng chuyện cũ đã theo sóng nước Sông Tiền trôi mất. Vậy mà hôm nay giữa chợ quê, người ta lại thấy họ đi bên nhau.
Đo đo đạc đạc cũng xong, cậu hai và mợ hai nắm tay nhau đi dọc con đường làng, bước chầm chậm như người không vội.
Giữa những lời chào, những ánh mắt dõi theo, mợ hai khẽ nghiêng đầu, giọng thản nhiên như thể hỏi về thời tiết:
"Mình... cô út với cậu Quang là gì của nhau vậy?"
Cậu hai đáp, giọng đều, không buồn không vui:
"Cậu Quang thương con út... nhưng nó thì không."
Câu trả lời ngắn ngủi, mà đủ khiến lòng Diệp bỗng chùng lại. Hai người vẫn nắm tay, nhưng như có khoảng lặng nào đó đang rơi xuống giữa lòng đường.
Ở một góc khác của làng chợ, Quỳnh và Quang ngồi bên hàng chè đậu ván. Hàng chè xưa lắm rồi, bà chủ tóc bạc, răng nhuộm, chè vẫn đậm và nóng như thuở hai người còn nhỏ.
Quang nhìn Quỳnh, ánh mắt như người vừa gặp lại một kỷ niệm cũ:
"Hôm nay... chắc là lần đầu gặp Quỳnh từ lúc Quỳnh về."
Quỳnh không cười, chỉ gật đầu:
"Ừm."
Rồi cô hỏi thẳng, cái kiểu hỏi không lòng vòng, chẳng để ai có đường lùi:
"Giờ Quang ra sao? Lấy vợ chưa?"
Quang nhìn ly chè trước mặt, không trả lời ngay. Mãi một lúc sau mới khẽ đáp, giọng nhỏ đến độ phải lắng tai mới nghe kịp:
"Thì... chưa. Vẫn đợi mà."
Một câu trả lời ngắn ngủn, nhưng đủ để người hiểu ý sẽ hiểu.
Quỳnh cười nhẹ, rồi nhìn thẳng vào mắt Quang, ánh nhìn không e dè cũng không xô lệch:
"Ra vẻ đàn ông rồi, thì phải cưới vợ, sinh con. Giống mấy ông anh của tui vậy đó."
Quang lặng đi một nhịp. Giọng anh trầm xuống:
"Tui không có ai để cưới. Mà... thật lòng, tui cũng không muốn cưới ai."
Quỳnh bật cười. Một tiếng cười thật, thứ mà chẳng mấy ai làm cô cười được. Quang là người duy nhất khiến cô cười như vậy, vì Quang là người duy nhất trong đời không tính toán, không rào trước đón sau. Tình cảm của Quang dành cho cô là thứ tình cảm mộc mạc, thầm lặng, không đòi hỏi và cũng không níu kéo.
Quỳnh hiểu rõ cậu Quang thương cô. Nhưng cậu không chen vào cuộc đời cô như người ta thường làm. Cậu không ồn ào, không ghen tuông, không dở trò và cũng không chờ để giành lấy. Nếu không có duyên, Quang sẵn sàng buông. Nhưng nếu có một chỗ nhỏ trong lòng Quỳnh cho Quang ngồi lại, cậu sẽ ở đó, không động, không lay.
Và sáng hôm ấy, giữa chợ làng, trong lòng mỗi người là một nỗi niềm riêng. Có chuyện không cần nói mà vẫn nghe được. Có câu không cần hỏi mà vẫn biết ý.
Làng vẫn thế. Nhưng lòng người... có khi đã khác xưa rất nhiều.
Không biết ai đã chọc giận điều gì, mà sau khi đi chợ về, cô út Hải Quỳnh mặt mày đã sa sầm. Chân vừa bước lên thềm nhà trên, áo còn phất gió, cô đã gọi lớn:
"Con Ốc! Ra đây tao hỏi!"
Tiếng gọi dội từ lòng hiên gỗ ra ngoài sân, khiến bọn gia đinh dưới bếp ngớ người. Con Ốc từ phía sau rèm vội vàng lật đật chạy lên, áo còn chưa cài khuy cho ngay ngắn. Mặt nó tái mét, vì nó hiểu rõ tính cô út. Đụng tới cô, không cẩn thận là tiêu.
Cô út chỉ thẳng vào mặt con nhỏ, đôi mắt đen lay láy lúc này trở nên sắc lẻm:
"Đứa nào làm rớt cái vòng thạch của tao để trên bàn? Khi nảy tao để quên trên khay, giờ bể tan nát. Ai bất cẩn vậy?"
Con Ốc đứng run như cầy sấy. Gân cổ nổi lên, mồ hôi nhỏ giọt bên thái dương. Nó cúi đầu, ấp úng:
"Dạ... dạ... con không biết, thưa cô út."
Câu trả lời không có sức nặng. Quỳnh nhếch môi, ánh mắt bắn ra tia sắc lạnh:
"Không biết hả? Mày giỏi nói dối. Trong nhà chỉ có mày, thằng Khoai với con Hương là được lên nhà trên. Mà mày nói không biết? Mày tưởng tao dễ qua mặt hả?"
Không khí bỗng căng ra như dây đàn. Con Ốc rấm rứt, môi nó mấp máy mấy lần mà chẳng nói thêm được lời nào. Không lẽ nhận vơ chuyện mình không làm? Mà nếu không khai, cô út nổi giận thì khổ thân.
Giữa lúc ấy, cậu hai Kỳ từ ngoài sân bước vào, tay vẫn còn cầm ấm nước trà mới rót cho vợ. Nghe tiếng ồn ào, cậu nhíu mày:
"Chuyện gì mà sáng sớm đã lớn tiếng vậy?"
Quỳnh không thèm quay lại, giọng sẵng sàng:
"Không phải chuyện của anh. Chỗ này tui đang xử lý tụi nhỏ. Mời anh ra chỗ khác."
Câu nói rơi xuống như một nhát dao chém ngang mạch không khí.
Cậu Kỳ đứng khựng lại, mắt không còn ánh dịu dàng thường ngày:
"Mày nói chuyện kiểu gì vậy út? Anh lúc nào cũng đàng hoàng với mày, mà mày nói năng hỗn láo vậy hả?"
Quỳnh quay phắt lại, mặt đối mặt với anh trai:
"Tui đã nói rồi. Việc dạy dỗ gia đinh trong nhà này không tới lượt anh dạy tui phải làm sao!"
Giọng Quỳnh sắc như kim, cứng như đá. Rồi cô chỉ tay về phía bàn trà bên vách:
"Cái vòng thạch tui mua bên Pháp, để trên đó, giờ bể. Là đồ tui quý. Dạy tụi gia đinh cẩn thận là lạ sao?"
Cậu Kỳ cắn răng, lồng ngực phập phồng. Nhưng vẫn cố giữ giọng trầm:
"Chỉ là cái vòng. Muốn thì để tao đền."
Quỳnh cười khẩy:
"Anh khỏi giả nhân giả nghĩa. Anh làm như mình tốt đẹp lắm chắc. Giỏi diễn!"
Câu nói như xé toạc lớp bình thản của Kỳ. Mắt cậu đỏ bừng, không vì xấu hổ mà vì tức tối. Hơi thở cậu nặng dần. Nhưng đúng lúc lửa trong lòng sắp bốc lên, thì Diệp từ phía cầu thang lên tiếng:
"Có chuyện gì vậy mình?"
Cô chưa kịp đặt tay lên vai chồng, thì cậu Kỳ nói khẽ, giọng như có gai:
"Đứa nào làm bể cái vòng thạch của con út, nó hỏi tội."
Diệp lúc ấy khựng lại. Một giây sau, cô như sực nhớ điều gì, rồi chậm rãi quay nhìn về phía Quỳnh:
"À... cô út... lúc nãy tui lỡ tay làm rớt chiếc vòng, làm nó bể. Mà lúc đó em chưa về, tui tính để đó rồi sẽ nói sau. Giờ em biết rồi, cho tui xin lỗi. Để tui mua cho em cái khác nghen?"
Lời xin lỗi nhẹ nhàng, chân thành. Không giấu giếm, không né tránh. Nhưng Quỳnh không đáp ngay. Cô khoanh tay, mắt lạnh tanh:
"Mợ qua Pháp mua cho tui, phải giống y như vậy."
Không phải yêu cầu, mà là thách thức.
Cậu hai lúc này không còn giữ được bình tĩnh:
"Nè, mày quá đáng rồi nha, Quỳnh!"
Nhưng Quỳnh chỉ nhếch môi, ánh mắt xoáy thẳng vào cậu:
"Thấy chưa? Giỏi diễn thôi. Đây mới là bản chất thật của anh mà anh hai. Anh tưởng tui không biết sao?"
Một câu nói rơi như đá ném vào lòng nước. Mặt cậu hai chợt sầm lại, rồi không nói không rằng, quay lưng bỏ đi. Cái bóng áo trắng của cậu lướt qua thềm như cơn gió lặng.
Diệp còn đứng lại, không hiểu câu nói của cô em chồng là ám chỉ điều gì. Có điều gì giữa hai anh em mà cô chưa từng biết? Hay là Quỳnh chỉ nói trong cơn giận?
Quỳnh lúc này bỗng dịu lại, như một cơn giông vừa tan:
"Vậy nha, chị qua Pháp mua lại cho tui cái vòng, hay nhờ ai cũng được. Miễn là giống. Còn tụi nhỏ... tui hù vậy thôi. Ai nỡ hành tụi nó đâu. Anh hai thì... nóng nảy quá hen, mợ."
Cô nói xong, quay lưng bước thẳng vào phòng, tà áo khẽ lướt qua ngạch cửa.
Diệp nhìn theo, không nói lời nào.
Cô quay sang con Ốc, nhẹ giọng:
"Con lui xuống đi."
Con Ốc như người chết trôi vừa vớ được bờ, nó líu ríu cúi đầu, mắt ầng ậc nước, miệng lí nhí:
"Dạ... dạ... con cám ơn mợ hai..."
Rồi nó quay lưng, chạy vụt xuống nhà dưới. Dưới chân thềm, nó khóc. Không vì bị la, mà vì biết có người đứng ra đỡ cho mình một trận đòn oan. Nó thoát. Nhưng trong lòng nó biết rõ từ hôm nay, nhà này không còn yên ả nữa.
Bởi sáng hôm nay, chỉ có bốn người chứng kiến: cô út, vợ chồng cậu hai, và con Ốc.
Nhưng chỉ một người trong đó, là còn đang ngập giữa cơn sóng ngầm chưa kịp hiểu – mợ hai Ngọc Diệp.
_______________________
Chương này hơn 2000 chữ lên liền cho nóng nèeeee. Vote liền đi chứ thấy cũng phờ lốp đó😌
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com