Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 95: Dưỡng-trí-viện

Kim Mỹ ở dinh thự của Hoài Ân nghĩ ngơi hai hôm thì bắt đầu vào công việc. Buổi sáng thứ hai, cô mang theo cặp táp cùng một túi đựng hoạ cụ. Cũng giống như Hoài Ân, Kim Mỹ là người không để ý quá nhiều đến bạc tiền. Duy chỉ cẩn trọng, nâng niu chiếc túi hoạ cụ ấy, bởi nó đựng những vật dụng gắn liền với cuộc đời của một hoạ sĩ. Cho thấy cô là một người kính nghiệp, có đam mê và rất yêu nghề.

Chừng mười phút sau Hoài Ân cũng ăn vận đàng hoàng đi ra. Thì ra nàng có việc ở Chợ Lớn nên sẵn cho Kim Mỹ đi nhờ xe xuống viện dưỡng trí. Còn có con Lam, nó vẫn duy trì thói quen theo hầu Hoài Ân như hình với bóng.

- Thưa cô đến nơi rồi.

Sốp phơ chạy chậm chậm trên đường Cái Quan cũ rồi dừng xe cách cổng chừng mươi bước. Kim Mỹ mang đồ xuống xe định đi vào thì Hoài Ân gọi lại nói:

- Chị vào đó nhớ phải cẩn thận nha.

Kim Mỹ vỗ ngực trả lời:

- Ừ chị biết rồi. Em yên tâm.

- Chiều em sẽ ghé đón chị.

- Cảm ơn cục cưng.

Kim Mỹ nhìn lên cổng lớn in ba chữ Dưỡng-Trí-Viện, cô hít sâu thở ra một hơi rồi tiến vào. Kim Mỹ nhìn một vòng các toà nhà rồi định đi tìm người có thể trao đổi công việc.

- Chưa đến lúc thăm bệnh đâu. Phiền cô chờ một chút.

Người gác cổng nói lớn khi thấy cô đứng lớ ngớ trước cổng, Kim Mỹ mở bóp lấy một tấm danh thiếp đưa cho anh ta mà nói:

- Tôi là người của phòng tranh Đá Vàng đã có hẹn trước, phiền anh thông báo với quan quản đốc dùm tôi.

Người gác cổng nhíu mài nhìn tấm giấy trên tay Kim Mỹ, anh ta không biết chữ nên cũng không nhận lấy, chỉ mở cổng cho cô vào và chỉ:

- Cô đi vào hướng này, mỗi khu đều có bảng ghi tên, cô theo chỉ dẫn sẽ gặp quan.

- Cám ơn anh.

Kim Mỹ lịch sự nói lời cảm ơn rồi đi theo hướng anh ta chỉ. Quả nhiên đều có phân khu, nhà quan quản đốc, nhà lương y An Nam, nhà điều dưỡng. Kim Mỹ không mấy khó khăn để đến trước cửa nơi làm việc của quan quản đốc mà gõ cửa. Một người đờn ông trung niên đeo mắt kiếng đồi mồi đang cặm cụi viết gì đó trên bàn ngẩn đầu nhìn cô.

- Dạ chào quan.

- Chào cô...

Kim Mỹ bước vào vừa tự giới thiệu:

- Tôi là Kim Mỹ, người của phòng tranh Đá Vàng, phụ trách mảng ký hoạ.

Quan quản đốc à một tiếng rồi kéo ghế mời cô ngồi:

- Tôi có nhận được thơ của bà chủ Biên, cũng có ý chờ cô đến. Chỉ là tôi không ngờ cô đến sớm như vậy.

Kim Mỹ lịch sự đáp lời:

- Thưa, tôi ngồi tàu vào Nam sớm nên tôi đến sớm. Không phiền quan chứ ạ.

Quan quản đốc rót trà đưa đến vừa nói:

- Tất nhiên là không phiền rồi. Cô ở Bắc mà sao nói giọng nghe lạ vậy cà.

Kim Mỹ cười rạng rỡ đáp:

- Trước tôi sanh đẻ ở Bạc Liêu. Sau mới ra Bắc làm việc.

- Thảo nào nói giọng miền Tây. Thôi, mời cô đi theo tôi. Tôi sẽ giới thiệu sơ về nơi này rồi sắp xếp người theo để hỗ trợ cô tác nghiệp.

- Dạ, nhờ quan.

Quan quản đốc dẫn Kim Mỹ đến dãy nhà phía sau. Đến đoạn hành lang thì gặp một người thiếu nữ độ hai lăm, hai sáu tuổi,. Dáng cao ráo mặc áo blouse cộc tay, đầu đội mũ y trắng. Mắt sáng, mũi cao ngũ quan dễ nhìn nhưng lại phờ phạc, trông có vẻ mệt mỏi.

- May quá, cô Khánh đây rồi. Tôi định tìm cô nè.

Nữ điều dưỡng tên Khánh ấy dừng lại:

- Quan tìm tôi có chuyện chi?

- Đây là cô Mỹ, làm ở phòng tranh đến đây để vẽ ký hoạ. Nhờ cô hướng dẫn cô ấy thay tôi.

Khánh lịch sự chào Kim Mỹ:

- Chào cô.

- Chào cô.

Chừng hai đàng chào hỏi nhau xong thì quan quản đốc mới đưa cho Khánh một tờ giấy ghi danh sách của những người bệnh phù hợp tiêu chí sẽ được ký hoạ.

- Cô Khánh dẫn cô Mỹ đi một vòng xong thì đưa cô đến gặp những con bệnh ghi trong này.

- Nhưng tôi còn phải...

Khánh chưa kịp dứt câu thì quan quản đốc xua tay cắt lời:

- Việc của cô hôm nay sẽ giao cho cậu Hiệp làm thay. Phần cô cứ hỗ trợ cô Mỹ cho đến khi cô xong việc thì thôi.

Khánh nhìn sơ tờ giấy rồi gật đầu:

- Tôi biết rồi.

Sau khi quan quản đốc đi khỏi. Khánh xụ mặt, xong vẫn lịch sự chỉ tay mời cô nọ đi theo mình. Vừa đi cô vừa giới thiệu:

- Chỗ này có hết thẩy mười lăm tòa nhà được gọi chung là Trại nuôi bệnh. Có nhà quan quản lý, nhà quan lương y An Nam, nhà các thầy điều dưỡng, nhà các viên gác, nhà tắm, nhà bếp, chuồng ngựa, chuồng heo bò, nhà người đánh xe, trại thợ mộc, kho thuốc...

Trong lúc Khánh luyên thuyên không ngớt thì Kim Mỹ nghe thấy tiếng chuông kêu lên leng keng, một nhóm người có đàn ông, đàn bà tay sách nách mang giỏ đệm đầy quà bánh đi vào. Khánh lại chỉ tay về hướng dãy nhà đối diện nói:

- Đến giờ thăm bệnh nên gác cổng cho người thân vào. Điều dưỡng sẽ điểm danh rồi cho con bệnh ra gặp nhau.

- Mỗi lần gặp như vậy bao lâu vậy... ừm... cô?

Kim Mỹ hơi khó xưng hô, dù gì cũng mới vừa gặp nhau. Khánh tinh ý nên vừa nói vừa giải thích:

- Chừng nửa tiếng thôi. Có người bệnh nhẹ, tỉnh táo thì nói chuyện được lâu. Có người nặng quá nói dăm ba câu là lên cơn, lúc đó điều dưỡng sẽ đưa vô. Mà tôi độ nhỏ tuổi hơn, xin cô đừng gọi là cô, tôi ngại lắm.

- Vậy tôi nên xưng như thế nào đây?

- Ừm... em hay cô em gì cũng được. Tôi xin phép được gọi cô là chị cho gần gũi nha.

Kim Mỹ bật cười rồi cũng gật đầu đồng ý. Khánh cũng vui vẻ dẫn cô đi tiếp các nơi khác. Hai người đi qua một cây cầu sắt bắt qua con suối lớn. Đến một khoảng đất như một công viên rộng lớn theo hình bàn cờ, có nhiều cây xanh và thảm cỏ mượt mà. Hai dãy nhà xây cất cách nhau một khoảng xa, đều đặn, ngay ngắn. Các dãy nhà ngăn cách nhau bởi các hàng rào bông dăm bụp được cắt tỉa gọn gàng. Chính giữa có một đài cao để giám hộ quan sát, phòng con bệnh leo rào bỏ trốn.

Khánh chỉ tay vào một dãy nhà được xây kiên cố như nhà tù, một lầu một trệt, bên ngoài có tường cao giăng kẽm gai bên trên, cổng vào chật hẹp kín mít , bên trong  trại có nhiều hàng rào song sắt.

- Đó là nơi nguy hiểm nhất ở đây. Giam cầm những bệnh nhân trong lúc điên đã từng giết người hoặc có dự tính giết người.

Cô lại cười nói:

- Nhưng ít con bệnh thật lắm. Chủ yếu là mấy người giả điên để trốn đi lính. Vào đó rồi... là hết điên ngay.

Kim Mỹ nhìn thấy ở phía tay mặt. Có nhiều căn nhà nhỏ lẻ, nằm rời rạc, xung quanh có vườn tược. Bệnh nhân ở đấy được tự do đi lại, họ còn đang trồng trọt và vui thú điền viên. Cô thắc mắc hỏi:

- Sao họ mặc áo bệnh nhân mà có vẻ nhàn nhã quá vậy?

Khánh liền giải đáp:

- Đó là khu dành cho bệnh nhân nhà giàu với người nước ngoài, ở đó rất tươm tất và sạch sẽ. Khu bệnh An Nam còn lại chia làm hai hạng. Hạng có trả tiền được ăn uống khá hơn là... hạng thí. Tất cả người bệnh phải mặc quần áo riêng của nhà thương, có người giặt giũ. Người bệnh tỉnh được cho đi làm rẫy, làm ruộng hoặc giúp đỡ nhà bếp cùng làm các việc lặt vặt khác.

Đi thêm một đoạn, Khánh lại chỉ:

- Trại bên này là trại bệnh lao, vì sợ bị lây nhiễm nên ít ai dám lui tới. Nói chung, từ dãy này cho tới dãy tít đằng kia có kiểu kiến trúc giống nhau, những dãy còn lại được xây cất theo đặc thù của từng bệnh trạng.

Khánh nhìn lại tờ giấy lúc nãy quan quản đốc đưa cho mình, mới quay sang nói với Kim Mỹ:

- Chố này rộng lắm, chị có thăm cũng không hết. Thôi, tôi đưa chị đến gặp những người cần gặp vậy.

- Ừm làm phiền... em nha.

Khánh nở nụ cười vô cùng sáng lạng, để lộ đôi đồng điếu nhỏ nhỏ xinh xinh khiến cho Kim Mỹ bất giác ngẩn ngơ nhìn. Sau đó, cô lại vô thức đi theo Khánh ngược về phía cầu sắt.

Ở một góc sân xi măng, nhóm bệnh nhân ngồi rập trên nền đất mà đan chiếu. Đầu ai cũng được cạo trọc lóc, mình mẩy ốm teo, quần vải đen, áo vải trắng nhưng đã ngã màu cháo lòng từ lúc nào.

Thình lình có người đang làm bỗng ngã nằm ra đất lăn lê bò lết rồi lại cười:

- Thả tao ra, tao phải đi, đi đặn kiếm con tao chớ. Lũ khốn nạn đó nó đạp bụng tao, nó muốn giết chết con tao. Trời ơi, con ơi đợi một chút má sẽ tới cứu con mà.

Nói xong lại cười ha hả lên một tràn. Điều dưỡng đứng quan sát gần đó vẫn bình tĩnh như đã quá quen, đợi người bệnh quẫy đạp cho đã, một hồi sau mới đi lại nhẹ nhàng:

- Rồi biết rồi, vô trong uống thuốc xong rồi tôi dẫn đi kiếm con nha.

Người bệnh đó lập tức trố mắt cười ngô nghê, bắt lấy tay người điều dưỡng rồi lại mếu máo như sắp khóc:

- Hứa nha... hứa dẫn đi kiếm con nha. Chứ tao nhớ con tao lắm á.

16/3/2025.

Tác giả: Chủ nhật vui vẻ. Đọc tới đây nhớ vote cho tuii ❤️🇻🇳

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com