Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 21

Tôi gửi thông tin về buổi biểu diễn hôm kỷ niệm thành lập trường vào nhóm chat nhỏ của gia đình, lại gửi thêm một cái sticker trộm được từ chỗ Ngao Bính, thành khẩn mời người thân và bạn bè chí cốt đến cổ vũ, hò hét, động viên cho tôi.

Mẹ tôi đấm ngực dậm chân, cha tôi thì thở dài tiếc nuối, Lý Mộc Tra dùng emoji giết không biết bao nhiêu lần đám kiểm soát viên đến kiểm tra ngày hôm đó trong nhóm chat, Lý Kim Tra khoe vé máy bay vừa mua ba giây trước để về nước, nói là tạm gác chuyện làm ăn rồi về đón cùng tôi.

Tôi bảo anh ta nhanh chóng trả vé máy bay đi, kiếm được món hời thì về lì xì tôi bao phong bì đựng 210.000 tệ là được.

Lý Kim Tra bảo tôi nằm mơ đi.

Bốn người họ mỗi người đều có việc bận, không đến được cũng là lẽ đương nhiên. Tôi như một ông già lưng còng bị bỏ lại phía sau, cứ thẫn thờ ngồi trước điện thoại, hết nhấc lên rồi lại đặt xuống, sau đó chắp tay sau lưng ngửa mặt lên trời thở dài: "Bận rộn chút thì tốt, bận rộn chút thì tốt."

Bàn tay to bè như cái quạt mo của Thái Ất vỗ mạnh vào lưng tôi: "Không sao, tôi ở dưới quay phim cho cậu rồi, đảm bảo cha mẹ với hai người anh của cậu sẽ không bỏ lỡ bất kỳ chi tiết nào."

Tôi liền bảo: "Thôi đi, ông làm ơn nâng cấp cái máy quay cùi bắp màu hồng kia mau, đồ lỗi thời như vậy có quay ra được một phần mười độ đẹp trai của tôi không?"

Lão béo Thái Ất lập tức cuống lên: "Cái gì mà đồ lỗi thời! Cái máy quay này của ta khẩu độ f là 1.8, đã vậy còn chống rung, trình độ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đó có biết không? Đúng là không biết nhìn hàng."

Tôi ậm ừ bảo ông nói gì cũng đúng, bộ râu lưa thưa của Thái Ất run bần bật vì tức, tôi chẳng thèm để ý ông ta, bèn đi tìm Ngao Bính.

Hôm tổng duyệt tôi cũng miễn cưỡng tham gia một chút, nhưng không nhiều. Dù sao tôi cũng chỉ là cái thằng gõ kẻng tam giác vớ vẩn, có tôi trên sân khấu hay không cũng chẳng khác biệt mấy, chả cần tập cũng có thể phối hợp trơn tru với những người khác.

Người của hội sinh viên cũng biết quan hệ của tôi và Ngao Bính rồi. Khi tôi xách bao đàn bass và cái kẻng tam giác đi tới, ánh mắt của đám người này dính chặt vào người tôi như keo 502, hất mãi cũng không ra.

Mà đây chẳng phải là kiểu ánh mắt dò xét và bàn tán xôn xao như lần trước, nên trông mọi người đều trở nên hiền hòa dễ gần. Vẻ mặt hiện tại của bọn họ thì tôi cũng từng thấy rồi, vào một năm một tháng một ngày một giờ một phút nào đó, sẽ xuất hiện trên mặt cha em.

Tôi huýnh cùi chỏ vào Ngao Bính: "Nhà ngoại của em đông người ghê."

Em đang kiểm tra nguồn điện trên sân khấu, đảm bảo cắm bass vào là có tiếng, nghe vậy em ngẩng đầu lên, ngơ ngác nhìn tôi: "Nhà ngoại nào?"

"Không sao, em cứ làm việc của em đi." Tôi đút tay vào túi quần, nghênh ngang nhìn thẳng vào mắt bọn họ, cái này là sở trường của tôi rồi.

Đám "nhà ngoại" của em nhìn tôi chằm chằm, tôi liền ném cho họ một nụ cười khiêu khích.

Thì sao nào, Ngao Bính thích tôi đấy, hì hì.

Có một cô gái xông lên định đánh tôi, nhưng bị hội trưởng buộc tóc hai chùm và một chàng trai khác ngăn lại.

Buổi tổng duyệt diễn ra khá suôn sẻ, Thái Ất mượn danh nghĩa là thầy cố vấn để lượn lờ tới đây, ngồi bên dưới vỗ tay cho tôi và Ngao Bính.

Tôi hỏi ông ta: "Quay được chưa? Cho tôi xem thử, coi có đẹp trai không?"

"Quay rồi, quay rồi. Đẹp trai, đẹp trai, đẹp trai." Thái Ất nói qua loa với tôi, rồi vỗ vỗ vai em, "Cậu cũng đẹp trai lắm."

Ngao Bính lễ phép cười: "Cảm ơn thầy Thái Ất."

"Ôi ôi ôi." Thái Ất bật cười đến mức gương mặt béo ú biến thành một đóa cúc vạn thọ. Ông già này quen thói không coi ai ra gì, với ai cũng có thể xưng hô ngang hàng, hiếm khi nghe người khác cung kính gọi mình là thầy nên lấy làm đắc ý lắm.

Tôi hết nói nổi ông ta, định bụng sẽ móc mỉa ổng mấy câu, nhưng ngón tay lại bị ai đó nắm lấy.

Tôi quay đầu sang thì thấy Ngao Bính đang nhìn tôi, mắt em ánh lên sáng ngời. Thấy tôi nhìn thì em liền mỉm cười, thủy triều lên xuống như mạch đất đang hô hấp dưới chiều hoàng hôn, nhấn chìm hoàn toàn những tảng đá đen ngòm như quái thú nằm phục sẵn, chỉ còn lại mặt biển lấp lánh ánh bạc.

Tôi biết em muốn nói gì, em không mở miệng thì tôi cũng đoán được, chắc chắn 100% luôn.

Tôi tự tin: "Anh rất đẹp trai, anh biết mà."

Ngao Bính bị tôi cướp lời. Em ngẩn ra hai giây, sau đó bật cười, gật đầu lia lịa: "Anh đẹp trai thật!"

Tôi gãi gãi mặt. Tôi cảm thấy mấy chữ này cũng na ná nhau, chỉ là đổi từ "tôi" thành "anh" thôi. Nhưng từ miệng Ngao Bính thốt ra thì hiệu ứng lại khác hẳn. Tôi như bị ném vào một phòng tắm chất đầy ba mươi quả bóng xà phòng, những bong bóng ngũ sắc nâng đỡ lưng và lòng bàn chân, đẩy tôi chạm cả vào trần nhà.

Tôi cũng gật đầu, nhưng rồi lắc đầu thật nhanh để che đi nụ cười tự mãn: "Em cũng rất đẹp trai!"

Em lại véo lấy đầu ngón tay tôi: "Vâng!"

Thái Ất vui vẻ nhìn tôi và em ghé tai nhau nói nhỏ, bèn lắc đầu thở dài: "Đáng lẽ phải cho cha mẹ cậu xem, thằng nhóc này đem giá đi xào thịt bò hết rồi hay sao ấy..."

Tôi vòng qua người Ngao Bính, tung cước đá Thái Ất một phát.

Cú đá của tôi làm Thái Ất nhảy dựng lên như lò xo.

Ngoài Thái Ất ra, đội hậu cần của tôi còn có ba thành viên trung thành. Dương Tiễn tuyên bố chắc chắn sẽ đến sớm, hắn muốn chiếm hàng ghế đầu để xem tôi diễn trò. Tôn Ngộ Không bảo Dương Tiễn lạc hậu quá, vừa nói vừa cho tôi xem cái ghế dùng để sửa bóng đèn hắn ta vác từ nhà đến, định sẽ bê ra sân vận động làm ghế VIP. Dương Thiền bảo anh Tôn cũng nguyên thủy quá rồi, sau đó lôi cái máy quay phim mà nhỏ mua từ hồi còn đu idol ra khỏi góc tủ, quả ống kính phải dài bằng phân nửa cánh tay tôi, đảm bảo chụp phát nào lung linh phát đấy.

Tôi không mấy hứng thú với ảnh ọt lung linh gì đó, nhưng tôi vẫn khích lệ Dương Thiền bằng cách giơ ngón tay cái: "Em chụp cho Ngao Bính đẹp trai chút, với cả chụp cho bọn này nhiều ảnh vào biết chưa? Kiểu ảnh chỉ có hai bọn tôi chứ không có người ngoài ấy, đừng chụp ảnh dìm Ngao Bính quá, không thì liệu hồn."

Dương Thiền tràn đầy tự tin đáp: "Yên tâm đi anh Ba, em là dân photoshop chuyên nghiệp đó."

Tôi bảo với nhỏ tốt nhất là như vậy. Chụp đẹp thì có thưởng lớn, tôi sẽ mời nhỏ làm nhiếp ảnh gia số một trong đám cưới của tôi.

Dương Thiền nói: "À cái này thì thôi khỏi, bảy giờ sáng em không dậy nổi đâu. Có chút lương tâm thì cứ trực tiếp cho tiền em là được."

Thô tục, lũ người phàm này quá thô tục.

Tôi vẫy tay, bảo nhỏ mau cút đi.

Dương Thiền cười híp mắt, cánh tay mảnh khảnh vác cái máy quay hơn chục cân nhẹ bẫng như xách túi giấy vệ sinh. Tôi lại tò mò không biết nhỏ rốt cuộc thích cái thằng họ Lưu kia ở điểm nào. Nếu chuyên ngành của tôi là Khoa học thần kinh, tôi sẽ tìm cơ hội mổ não nhỏ này ra và cắt lát để quan sát, bộ não của nhỏ còn có giá trị nghiên cứu hơn cả não Einstein đấy.

Nay tôi phải học ở giảng đường lớn, tiết này là môn đại cương, tôi và Dương Tiễn hiếm khi được học cùng nhiều người sống như vậy. Hắn ta ngồi ở hàng đầu lắng nghe say sưa, còn tôi chiếm một chỗ ở hàng cuối vừa lật sách vừa chơi điện thoại cũng rất vui.

Tôi gửi tin nhắn cho Ngao Bính, bây giờ tôi cảm thấy toàn bộ giá trị của cái điện thoại này chỉ là để nhắn tin cho em.

Ngao Bính vừa tan học, đang định về ký túc xá thay quần áo. Em chụp cho tôi xem cái sân khấu đã hoàn thành ở sân vận động, mấy chiếc đèn chiếu sáng khổng lồ đặt xung quanh mặt sàn trải thảm đỏ, Ngao Bính còn chụp riêng cho tôi cái máy bắn pháo hoa, giới thiệu cho tôi chức năng và giá trị của thứ này: Đợi đến khi chúng ta biểu diễn, cái này sẽ phun ra từng chùm pháo hoa nhỏ xíu, đẹp lắm đó.

Tôi cảm thán: Thật tốt.

Em gửi cho tôi thêm một tin nhắn khác, tôi có thể tưởng tượng ra vẻ mặt khi mím môi tự mãn của em: Em phải kiếm qua rất rất nhiều cửa hàng mới chọn được loại an toàn nhất đó.

Tôi liền khen em. Tôi là fan cuồng chân chính của Ngao Bính phiên bản nuông chiều vô điều kiện mà: Em giỏi quá!

Ngao Bính gửi cho tôi một cái nhãn dán thỏ con xấu hổ che mặt.

Tôi ráng kiềm lại thôi thúc muốn đập bàn ầm ầm trong giờ học đại cương, cố gắng dằn xuống rồi gửi lại cho em một cái nhãn dán chó con vỗ tay. Đây cũng là trộm từ chỗ Ngao Bính, em thật sự rất thích mấy cái nhãn dán hình động vật nhỏ. Chết tiệt, Lý Na Tra tôi kiếp trước nhất định là một người tốt bụng vô địch vũ trụ, hay làm việc thiện giúp đỡ người gặp nạn, nếu không ông trời sao có thể cho tôi hẹn hò với một người đáng yêu như vậy chứ.

À, cũng không đúng, ông trời trên kia chẳng làm gì cả. Ông ta chỉ là kẻ rảnh tay ngồi nhìn thôi.

Chính Ngao Bính là người đã thay đổi tôi, là em thích tôi, là em cứu rỗi tôi. Em mới là ông trời của tôi.

Tôi tắt màn hình điện thoại, liếc mắt nhìn lên bục giảng.

Giảng viên là một ông lão râu tóc bạc phơ, đang mài mò viết đến tấm bảng thứ tư rồi. Mấy con chữ bằng phấn kia đối với tôi chẳng khác gì thiên thư, nhưng tôi sẽ tự tạo ra kỳ tích vào đêm trước kỳ thi cuối kỳ. Thế nên tôi căn bản không định nghe giảng, bèn chống cằm trông ra ngoài cửa sổ.

Vị trí của giảng đường lớn rất ư là thuận lợi, vừa đúng đối diện với sân vận động. Tôi đã thấy sân khấu khổng lồ kia đứng sừng sững từ xa, dù cách cả đoạn vẫn như thanh sô-cô-la có thể nắm gọn trong lòng bàn tay. Ban ngày không cần đèn, nó cứ ngủ yên dưới ánh mặt trời, chờ đợi màn đêm buông xuống.

Thật khó để diễn tả cảm giác đấy, tôi thực sự mong chờ tới ngày kỷ niệm thành lập trường.

Đây là một trải nghiệm đã lâu không có, tôi vậy mà vẫn sẽ giống như hồi nhỏ mong đợi một điều gì đó sắp xảy ra.

Em có lẽ còn mong đợi hơn tôi. Mấy ngày nay em cứ như ngâm mình trong lon Coca-Cola vậy, đi đứng cũng không còn đoan trang như trước nữa, thỉnh thoảng lại nhún nhảy lí lắc nom rất vui vẻ, mỗi bước nhảy chân sáo không cao quá năm centimet so với mặt đất, chiếc đuôi ngựa phía sau đầu lắc lư thành một vòng cung lớn hơn, cái vòng tóc hình hoa sen bằng kim loại phản chiếu ánh sáng, khiến người ta nhìn không rõ hình dạng.

Niềm hạnh phúc của em cứ như bệnh cúm vậy, còn lây sang cả tôi, thế là tôi cũng thấy hạnh phúc.

Vị giáo sư già thông báo đã hết giờ, tôi vội vớ lấy cặp sách rồi phi ra ngoài.

Lầu son gác tía trong mắt tôi đều biến thành chuyển động chậm, tôi như một quả tên lửa Đông Phong lao thẳng một đường, đâm sầm vào ký túc xá.

Em thay quần áo xong rồi, chính là bộ chúng tôi cùng nhau mua. Nếu mặc riêng lẻ thì tôi vẫn cảm thấy bộ quần áo này không xứng với em; nhưng khi em cầm cây bass của tôi lên, những đường vân sặc sỡ trên mặt đàn lại hòa lẫn với những hình vẽ graffiti trên quần áo, trông vô cùng thuận mắt.

Hóa ra gu thẩm mỹ của tôi lại có tính dự đoán cao như vậy, Lý Na Tra tôi đúng là thiên tài.

Tôi ném cặp lên ghế: "Ngao Bính!"

Ngao Bính quay lưng về phía tôi, rồi lại xoay đủ ba trăm sáu mươi độ cho tôi xem cách ăn mặc của em.

Em mong đợi hỏi: "Thế nào?"

Tôi ôm chặt em vào lòng, xoa xoa mái tóc em: "Em đẹp trai chết mất."

Ngao Bính bật cười khúc khích.

Tôi cũng thay quần áo của mình, cái thảm lót dã ngoại kia tôi mất mười phút mới buộc xong. Em ở bên cạnh cũng nhìn suốt mười phút, cuối cùng em thở dài, bèn tiến lên một bước giúp tôi cài cúc áo.

"Cúc này là cài ở đây, cúc này phải cài ra sau." Em giải thích với tôi, "Anh cài ngược rồi, nên không cài được."

Dù đây là quần áo của tôi, nhưng em lại quen thuộc hơn tôi. Quả nhiên là chiếc áo sơ mi đậm chất "Ngao Bính".

Tôi cúi đầu nhìn Ngao Bính, em đang chăm chú ngó món đồ trang trí ở cổ áo tôi. Từ góc độ của tôi, tóc trên đỉnh đầu em trông gọn gàng và mềm mại, vài sợi tóc ngắn lộn xộn chìa ra khỏi đám tóc chính, chắc là hôm nào chải đầu mạnh tay quá nên làm đứt mất nửa phần tóc phía sau.

Em có hàng mi tuyệt đẹp và dày rợp, nhưng chỉ có phần đuôi dài vài milimet là cong lên. Nên khi nhìn thẳng vào em thì không thể tưởng tượng được độ dài của những sợi lông vũ đó, chỉ khi đến gần thật gần rồi nhìn từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên trên mới nhận ra sự thật này.

Sống mũi của em có đường cong vô cùng hoàn hảo, tỷ lệ môi có thể nói là tuyệt diệu. Nữ Oa khi nặn ra em chắc chắn đã mời Michelangelo* đến làm cố vấn, đây quả thực là sự giao thoa giữa lịch sử thần thoại Trung Hoa và văn hóa quỷ thần của phương Tây, Ngao Bính chính là một kỳ tích và cột mốc vĩ đại trong văn minh nhân loại.

Nhưng khuôn mặt của em chỉ là một điểm nhỏ bé nhất trong vô số ưu điểm của em. Ngao Bính vừa có trí thông minh để nghiên cứu học thuật, vừa sở hữu sự thông thái lớn lao để yêu thích cuộc sống; em giàu lòng kiên nhẫn, sẵn sàng nhẫn nại và chờ đợi, dù em có thể chọn từ bỏ và rời đi; em lịch sự lại khiêm tốn, dành cho mọi người xung quanh sự tôn trọng từ tận đáy lòng, bởi vì em tin rằng mỗi người đều có những điểm sáng thuộc về riêng họ.

Ngao Bính là một người tốt bụng, em sẽ vươn tay cứu rỗi người khác và luôn nguyện ý làm như vậy. Em rất có chính kiến, tự quyết định con đường mà mình muốn bước tiếp trong đời, nhưng cũng có thể toàn tâm toàn ý dựa dẫm vào một người nào đó, bởi vì em hiểu thế nào là yêu. Em linh hoạt như một chàng tinh linh của rừng già, từng ngao du qua biết bao vùng biển rộng lớn và núi non trùng điệp, nên em đã thấu tỏ sự vĩ đại của vũ trụ, và vẫn thương lấy những thứ tầm thường như cỏ cây.

Tôi luôn tin rằng khuôn mặt chỉ là món quà và sự bù đắp mà thế giới này ban tặng cho em vì lòng nhân hậu của em. Bởi vì trời đất cũng không muốn em bị chôn vùi trong biển người mênh mông bởi gu thẩm mỹ thô kệch và khắc nghiệt của xã hội, sống một cuộc đời bình thường vô vị; âu cũng do trời đất đã nhét vào em quá nhiều phẩm chất tốt đẹp, nên mới ban cho em cái đặc quyền nhỏ bé này, để em có thể tranh thủ nghỉ ngơi trong lúc cố gắng tỏa sáng.

"Ngao Bính." Tôi cúi đầu, khẽ nói, "Anh thích em chết mất."

Em ngẩng đầu, rèm mi cũng theo đó mà vén lên, lộ ra đôi mắt ẩn giấu bên dưới.

"Em biết." Em cười nói.

"Em cũng thích anh nhất."




Trời sụp tối, đèn sân khấu và ánh trăng cùng nhau leo lên.

Khi Dương Tiễn và Tôn Ngộ Không lẻn vào hậu trường, thì tôi đang ngồi tự kỷ trên ghế dài.

Dương Tiễn nhìn tôi mà ngẩn người: "Mày đi ăn vụng bột mì của người ta ở bếp à?"

Tôn Ngộ Không phá ra một tràng cười kinh thiên động địa: "Ha ha ha ha ha ha!"

Tôi không muốn nói chuyện, cả người tôi đều tê dại hết rồi.

Lên sân khấu là phải trang điểm, lễ kỷ niệm trường đại học làm gì có nhiều chuyên gia trang điểm như vậy, mặt tôi là do một cô gái lúc tổng duyệt muốn xông lên quyết một trận sống mái với tôi trang điểm cho.

Lúc cô ả xách túi trang điểm đi tới thì tôi đã nhìn thấy sát khí nồng đậm trong mắt cô ta, đợi đến khi cô ả lấy ra một lọ kem nền trắng bệch đến đáng sợ từ đống chai lọ mà tôi chả phân biệt được đâu là đâu, tôi mới nhận ra chuyện chẳng lành sắp ập tới.

Tôi nhấc chân định chạy, xui xẻo bị Ngao Bính bắt được, em vội vàng chạy tới giữ tôi lại chỗ ngồi: "Anh đừng chạy, đừng chạy mà, chỉ lần này thôi, ánh sáng trên sân khấu đặc biệt mạnh, nếu không trang điểm thì chụp không thấy mặt đâu."

Ngao Bính khỏe thật đấy, tôi cố gắng giãy giụa một chút, em vậy mà ghìm tôi bất động như tượng.

Cô gái kia tỉnh bơ thử màu trên cổ tay. Có vẻ cô ả vẫn chưa hài lòng lắm, vì tôi tận mắt thấy cô ta bỏ cái lọ đó lại rồi lấy ra một tông màu trắng hơn từ trong túi.

Ngao Bính vẫn khuyên tôi: "Anh tin em đi, Na Tra. Anh trang điểm lên chắc chắn rất đẹp trai!"

Lòng tôi lập tức lạnh ngắt như tro tàn.

Đương nhiên tôi không trắng bằng Ngao Bính, da em thuộc kiểu trắng lạnh trời phú, tiện thể nói luôn cái từ "da trắng lạnh" này cũng là em bảo tôi. Trước đây tôi cứ nghĩ da mình hơi ngăm, đặc biệt là khi đứng cạnh em, mà rõ ràng tôi cũng không phơi nắng nhiều. Em lại bảo màu da của tôi không phải là ngăm, chỉ là màu lúa mì khỏe khoắn thôi, em thích lắm - thế là tôi dễ dàng dung hòa với làn da của mình.

Nhưng khi cô gái kia bôi kem nền lên mặt tôi, tôi lại thấy bản thân mình không thể dung hòa nổi nữa rồi.

Tôn Ngộ Không lăn ra cười đến mức phải vịn cột nôn khan, Dương Tiễn còn có chút lương tâm, hắn vỗ vai tôi: "Không sao, mày vẫn có thể đóng vai Tào Tháo."

Tôi dồn sức đạp vào đầu gối hắn.

Dương Tiễn né nhanh như cắt: "Triệu Cao* cũng được, mày có tiềm năng lắm đó."

Chịu hết nổi rồi. Tôi đứng dậy xắn tay áo, muốn đánh cho hắn một trận tơi bời.

Sau khi trang điểm xong thì tôi không gặp lại Ngao Bính nữa, vì em cứ thấy tôi là cười, cười đến mức cả người run rẩy như đang sàng gạo, người trang điểm cho em căn bản không làm được. Thế là tôi bị đuổi ra, thật sự muốn phát điên lên mất.

Tôi phải gọi điện thoại chất vấn ông già mới được. Mẹ tôi trắng trẻo vậy mà, tôi sinh ra như thế này chắc chắn là lỗi của cha tôi.

Tôi tìm một góc có sóng tín hiệu tốt, lôi WeChat của cha ra rồi gọi video cho ông ấy.

Màn hình lập tức hiện ra khuôn mặt to tướng của tôi, đến tôi còn giật nảy mình, cô ả kia hận tôi đến thế là cùng.

Ba dấu chấm bên dưới ảnh đại diện của cha tôi nhảy nhót hơn một phút mà vẫn không ai bắt máy.

Lạ thật. Tôi cúp máy gọi lại, lặp đi lặp lại ba lần, vẫn không ai nghe điện thoại.

Lý Na Tra tôi là người không đạt được mục đích thì sẽ không bỏ qua, nên tôi gọi lần thứ tư.

Lần này cuối cùng cũng thông, cái mặt to bự không kém của cha tôi bèn hiện ra: "Sao vậy Tra nhi..."

Giọng ông ấy ngưng bặt, tôi dùng bản mặt trắng hơn cả người chết được ba ngày của mình nhìn trân trân vào ông.

"... Tra nhi, mặt của con..." Cha tôi cố gắng nhịn cười, sắp xếp từ ngữ nửa ngày trời mới lôi ra được một câu nghe lọt tai từ cái bụng đầy chữ nghĩa của mình, "Mặt con nhìn, ừm, rất độc đáo."

Tôi nở một nụ cười rất chuyên nghiệp, nói: "Cảm ơn cha, cảm ơn cha đã sinh con ra đen thui thế này."

Cha tôi nhịn cười khổ sở đến nỗi những nếp nhăn trên mặt ông căng ra thành một lớp da mịn tựng. Tôi nhận thấy sắc mặt cha tôi cũng trắng bệch, là kiểu trắng bệch do mất máu quá nhiều, chức năng gọi video của WeChat bây giờ cũng khá đầy đủ, đến cả hiệu ứng làm đẹp cũng có rồi.

Bên kia có người đang nói chuyện với cha, trong đó có một giọng rất giống mẹ tôi. Tôi hỏi: "Mẹ cũng ở bên cha à?"

"À, mẹ con à, bà ấy ở đây." Cha tôi đáp qua loa.

Ông ấy che micro lại, thế là tôi không nghe thấy gì nữa. Có thể hiểu được, dù sao nghề nghiệp của họ quả thật có rất nhiều thứ tôi không thể biết, cũng coi như là bảo vệ tôi, cha mẹ lúc nào cũng coi tôi như trẻ con mà chăm sóc.

Tôi đợi họ nói xong, xách cái kẻng tam giác trên tay lơ đễnh lắc lư, không nhịn được ngáp một cái. Không có Ngao Bính ở bên để trò chuyện đúng là chán chết, sao em vẫn chưa trang điểm xong nhỉ?

Tôi đột nhiên nheo mắt lại.

Bàn tay của cha tôi run lên một chút, cái nền trắng như tuyết nghiêng sang chỗ khác. Tôi thấy tấm poster treo trên tường không phải cái loại khẩu hiệu đỏ chói của Cục cảnh sát mà ngược lại là "Bảy bước rửa tay".

Bây giờ cha tôi đang mặc một chiếc áo khoác ngoài, còn quấn kín mít. Nhưng khi góc quay camera chuyển đi thì tôi liền thấy bên dưới khe hở ở cổ áo khoác là một chiếc áo chất liệu rất tệ, tuyệt đối không phải là loại áo polo cũ kỹ một màu trong tủ quần áo của cha tôi.

Áo sọc xanh trắng.

Cuối cùng tôi cũng xem xét lại cái khuôn mặt trắng bệch của cha tôi.

"Cha." Tôi hỏi, "Bây giờ cha đang ở đâu?"

Tôi cố gắng nói thật chậm, cảm thấy tim mình như một mặt hồ tĩnh lặng. Từ khi sinh ra đến giờ, tôi chưa từng cảm nhận được trái tim mình có thể bình lặng đến vậy, dường như nó đã ngừng đập rồi.

Cha tôi đành bỏ tay ra, chỉnh camera lại cho ngay ngắn, ông ấy vậy mà vẫn có thể cười được: "Cha đang đi làm mà. Giờ này vụ án vẫn chưa kết thúc, tối nay chắc phải tăng ca rồi. Sinh nhật ngày mai thì mẹ con với hai anh ăn mừng cùng con nhé, cha sẽ ráng về sớm, đến lúc đó bù cho con một cái bánh kem."

Tôi bèn hít sâu vào.

Lúc này mà tôi vẫn có thể phát ra âm thanh thật là kỳ tích thứ chín của thế giới. Tôi nghiến chặt răng đến nỗi phần nướu cũng đau nhức, lại hỏi một lần nữa: "Cha, con hỏi cha bây giờ đang ở đâu?"

Tôi nhìn cha tôi mà ngẩn người.

Hình như lúc này ông ấy mới nhận ra tôi đã không còn là trẻ con nữa, tôi đã không còn là đứa bé sẽ tin sái cổ vào những lời nói dối vụng về mà họ bịa ra, từ đầu đến cuối đều không hề hay biết nữa rồi.

"Bệnh viện." Cha tôi đáp, rồi vội vàng thêm vào: "Chỉ bị thương nhẹ thôi, không sao đâu, nên cha không nói với con. Chẳng phải con sắp lên sân khấu biểu diễn sao? Mau đi đi con, chơi vui vẻ nhé, lát nữa cha xem video thầy Thái Ất quay cho con sau."

"Bệnh viện nào?" Tôi hạ giọng hỏi.

Cha tôi không chịu nói cho tôi biết.

Tôi cúp điện thoại của ông ấy, gọi thẳng cho mẹ. Mẹ tôi cũng úp úp mở mở: "Ôi dào Tra nhi, con cứ tin cha con đi, ông ấy thật sự không sao đâu. Con cứ chơi vui vẻ, ngày mai mẹ về làm món chân giò con thích ăn để chúc mừng sinh nhật con, được không?"

Tôi lạnh giọng: "Mẹ, anh Kim Tra và anh Mộc Tra có biết chuyện này không?"

Mẹ tôi liền im thin thít.

Bên phía Kim Tra thì lệch múi giờ, anh ta không nghe điện thoại. Tôi lại gọi cho Mộc Tra, anh nghe thấy câu hỏi của tôi cũng ngớ người, câu đầu tiên lại là: "Em biết rồi à? Ai nói cho em vậy?"

Tôi bật cười.

Vậy mà tôi vẫn có thể cười thành tiếng, tôi tự thấy mình vô lương tâm thật.

"Sao vậy," Tôi hỏi Mộc Tra, "Mấy người giấu tôi còn thấy có lý, ý là vậy chứ gì."

"Tôi vô dụng lắm đúng không? Cả nhà bốn người các người đóng cửa bảo nhau, bí mật gì tin tức gì cũng thông báo cho nhau; còn tôi thì không quan trọng, tôi thì không cần biết gì cả, ý là vậy đúng không?"

"Không phải, chắc chắn là không có ý đó." Mộc Tra lúc này mới phản ứng lại, gấp gáp muốn chữa cháy, "Tra nhi à, em bình tĩnh đã, em nghe anh nói trước đi..."

"Tôi phải nghe anh nói cái gì?!"

Mắt tôi gần như không nhìn rõ gì nữa, mọi thứ đều phủ lên một lớp màu đỏ nhạt. Tôi giận dữ hỏi: "Tôi nghe mấy người nói cái gì? Chẳng lẽ tôi không xứng đáng biết chuyện gì sao? Chỉ có anh với Kim Tra là con trai của cha mẹ, còn tôi là con rơi con rớt à? Nếu hôm nay tôi không tự mình phát hiện ra thì mấy người còn định giấu tôi đến bao giờ? Mấy người có coi tôi là người nhà không hả?"

Cơn phẫn nộ lập tức xé tan lớp vỏ bọc giả tạo, tôi thật sự không có cách nào tự lừa dối mình được nữa. Tôi ghét chính bản thân mình, tôi không nhịn được mà nói ra những lời cay độc nhất, tôi biết rõ cha mẹ không muốn tôi lo lắng, cả Kim Tra lẫn Mộc Tra đều muốn tôi đón sinh nhật vui vẻ. Tôi biết rõ họ cũng đau đớn, cũng khổ sở không kém, tôi biết rõ họ yêu tôi, nhưng tôi không thể chịu đựng cơn giận dữ và buồn bã kia.

Tôi vốn dĩ là người không giỏi nhẫn nại, nên mới tự lừa dối mình rằng cái gì tôi cũng không quan tâm.

Cái gì tôi cũng có thể không để ý, nhưng đó là cha tôi, đó là mẹ tôi, đó là hai người anh trai của tôi, tôi chỉ có bấy nhiêu người nhà thôi.

Nhưng dựa vào cái gì chứ?

Dựa vào cái gì mà tôi cái gì cũng không hay biết, dựa vào cái gì mà ngay cả chuyện cha tôi nhập viện bị thương tôi cũng không được biết? Dựa vào cái gì mà tôi phải tự mình đi tìm, giống như Sherlock Holmes phải bóc tách từng lớp bí mật, giống như một kẻ điên loạn la hét thì mới có thể biết được sự thật?

"Cha ở bệnh viện nào?"

Tôi hỏi Mộc Tra lần cuối.

Mộc Tra nghiến răng.

Anh ta cuối cùng cũng chịu thua: "Bệnh viện tỉnh, khoa ngoại..."

Tôi không đợi anh nói xong số phòng bệnh đã vội cúp điện thoại.

Tôi ném cái kẻng tam giác trên tay xuống đất, lao ra khỏi trường.

Tôi cố gắng chạy hết tốc lực, tôi biết chắc chắn lại có rất nhiều người đang nhìn tôi, họ coi tôi là ma quỷ, là quái thai, là dị loại. Tôi không quan tâm, họ nghĩ gì về tôi thì tôi đều không quan tâm, bây giờ tôi chỉ muốn gặp cha tôi.

"Na Tra!" Thái Ất í ới gọi tôi ở đằng sau, "Na Tra!"

Tôi chẳng buồn quay đầu lại. Thân hình Thái Ất tròn vo như một quả bóng, ông ta căn bản không thể đuổi kịp tôi.

"Cái thằng ngốc này... Na Tra! Cậu còn không biết cha cậu ở tầng mấy! Để tôi đưa cậu đi!" Thái Ất ở phía sau ra sức hét lớn.

Tôi đứng khựng lại ngay.

Thái Ất thở hổn hển đuổi theo tôi, sau đó kéo tôi về phía bãi đỗ xe dưới tầng hầm của trường. Ông ta lại sắp lên lớp dạy dỗ tôi rồi: "Cha mẹ cậu cũng không muốn cậu lo lắng, thật sự không phải là ghét bỏ cậu không giúp được gì đâu, cậu đừng giận họ..."

Tôi đứng đó nhìn ông ta: "Cha tôi ở tầng mấy?"

Thái Ất ngập ngừng một lát: "Tầng 4, phòng 428, sao vậy?"

Tôi gật đầu.

Tôi bảo ông ta: "Ông đi nói với Ngao Bính một tiếng, tôi có việc gấp, phải đi trước đây, xin lỗi."

Thái Ất ngẩn người, rồi nhảy dựng lên: "Na Tra! Cậu quay lại cho tôi! Cậu-"

Những lời còn lại của ông ta chẳng lọt nổi vào tai tôi.

Tôi lôi chiếc xe máy của mình ra khỏi bãi đỗ xe dưới ký túc xá của Thái Ất, hấp tấp phóng xe ra khỏi cổng trường, bảo vệ đuổi theo tôi chừng hai trăm mét, cuối cùng đuổi không kịp thì chửi rủa sau lưng tôi rất tục tĩu.

Tôi không nghe thấy ông ta chửi gì, hoàn toàn không nghe nổi một câu.

Cha tôi là người như thế nào thì tôi rõ nhất. Mấy năm trước, ông ấy đuổi bắt tội phạm và bị ngã từ cầu thang xuống rồi gãy chân, ngày hôm sau đã bó bột xong đi làm tiếp, còn có thể hùng hồn quát mắng người khác, trên dưới ba tầng lầu đều nghe rõ mồn một.

Điều gì có thể khiến ông ấy phải nhập viện, khiến sắc mặt ông nom tái nhợt như vậy? Ông đã bị thương nặng đến mức nào chứ?

Một nỗi sợ hãi muộn màng trào lên khắp tứ chi, tôi chỉ cảm thấy tay chân lạnh cóng, rồi tôi đột nhiên nhận ra một sự thật: có lẽ tôi suýt chút nữa đã mất cha rồi.

Có lẽ tôi đã đến rất gần việc mãi mãi mất đi cơ hội gặp lại cha.

Tôi xông vào bệnh viện, giờ thăm bệnh đã qua lâu rồi. Nhưng y tá và bác sĩ đều không cản được tôi, tôi cứ như một con thú dữ cùng đường, loạng choạng bước vào thang máy, cái lồng sắt kín mít đưa tôi lên tầng bốn để gặp cha mẹ mình.

Họ biết tôi sẽ đến, nên đã đợi sẵn ở đó. Họ cũng hiểu rõ con người tôi, dù không ai nói cho tôi số phòng bệnh, tôi cũng sẽ tìm hết tất cả các bệnh viện trong thành phố, tôi chính là một kẻ điên như vậy đó.

"Tra nhi..." Mẹ tôi cẩn thận mở lời.

Mẹ tôi chỉ khi cảm thấy có lỗi với tôi mới dùng giọng điệu này để nói chuyện. Tôi ghét cay ghét đắng điều đó, mẹ tôi còn nợ tôi cái gì chứ? Bà đã nuôi nấng một đứa con như tôi cho đến khi nó trưởng thành, bà đã dành bao nhiêu thời gian cho tôi, bà yêu tôi hơn mọi thứ trên đời. Từ đầu đến cuối, chỉ có tôi mắc nợ bà.

Tôi bước lên một bước, cha tôi đang nằm trên giường bệnh bên trong, gian phòng bệnh hai người này chỉ có một mình ông ấy.

"Tra nhi." Cha cũng gọi tôi, ông còn dùng giọng điệu y hệt của mẹ nữa.

Tôi lặng thinh đối diện với cha.

Cha tôi già rồi, tôi nhận thức được chuyện này chứ.

Thuở còn trẻ dại, tôi luôn cảm thấy cha tôi là người cao lớn nhất trên thế gian. Ông bận trăm công nghìn việc, dĩ nhiên không có nhiều thời gian dẫn tôi đi chơi, ông ấy cũng giống như mẹ tôi, cống hiến bản thân cho đất nước và nhân dân. Nhưng chỉ cần có thể tranh thủ được chút thời gian nào thì cha tôi vĩnh viễn là cha tôi, ông ấy sẽ cõng tôi trên vai chạy khắp nơi, nên tôi không bao giờ sợ độ cao, tôi đã được nhìn ngắm thế giới hùng vĩ nhất trên vai cha tôi rồi.

Bây giờ tôi đã cao bằng cha tôi, vai cũng rộng ngang ông ấy.

Cha tôi đã cần đến thuốc nhuộm để duy trì mái tóc đen trong lúc tôi chả hay biết gì. Gần đây chắc ông ấy không có thời gian đi cắt tóc, chân tóc đen nhánh đã lốm đốm bạc trông như một dãy Himalaya lật ngược, chân núi tích tụ một lớp tuyết dày mềm xốp, đỉnh núi lộ ra cho người khác thấy lại thẳng đứng và không thể trèo lên.

Tôi bước thêm mấy bước nữa, đến bên giường cha tôi.

Mẹ chậm rãi tiến lại gần, bà nắm lấy tay tôi: "Tra nhi, cha mẹ không phải là không quan tâm đến con, chúng ta chỉ muốn con đón sinh nhật vui vẻ..."

"Con không quan trọng chuyện có tổ chức sinh nhật hay không." Tôi nói tiếp.

"Sao con lại nói như vậy!" Mẹ vội vàng nói, "Con xem hồi nhỏ con mong chờ ngày này thế nào, tấm thiệp mời con gửi cho cha mẹ, mẹ vẫn còn giữ đây. Còn mấy hôm trước con gọi điện thoại, nói muốn cùng bạn trai đón giao thừa..."

"À." Tôi hiểu rồi, bèn gật đầu cái rụp, "Việc cha mẹ không nói cho con biết những chuyện này thực ra là lỗi của con."

Mẹ tôi càng lo lắng hơn: "Tra nhi, mẹ không có ý đó..."

Tôi bình tĩnh nhìn mẹ.

Mẹ tôi cũng già rồi, đuôi mắt đã hằn lên vết châm chim. Trước đây tôi luôn khen bà đẹp như thiếu nữ mười tám, mẹ tôi chẳng bao giờ tự mãn, chỉ gõ nhẹ vào đầu tôi khen tôi dẻo miệng. Sau này tôi mới hiểu, mẹ tôi chưa bao giờ tham lam vẻ đẹp của tuổi xuân thì, bà tin tưởng vào những gian nan vất vả mà bà đã trải qua, tin tưởng vào kinh nghiệm, trí tuệ, sự mạnh mẽ mà năm tháng ban tặng, đó mới là tất cả của bà.

Mẹ tôi tốt đẹp như vậy, nhưng dường như tôi luôn làm mẹ buồn lòng, luôn khiến mẹ phải thất vọng.

"Tra nhi." Cha tôi lại gọi, ông vỗ vỗ mép giường bệnh, "Ngồi xuống đi."

Đầu óc tôi đã không thể tự chủ suy nghĩ được nữa. Tôi hành xử chẳng khác gì người máy, cha bảo tôi ngồi thì tôi liền ngồi xuống đó.

"Cha không sao." Hôm nay tôi nghe câu này không biết bao nhiêu lần rồi, nhưng cha tôi vẫn phải lặp lại.

Ông vén vạt áo bệnh nhân lên, phô ra phần eo quấn băng dày cộp, nhưng lời nói thốt ra lại nhẹ tựa lông hồng: "Chỉ là trên đường đi làm gặp phải một đám cướp, không cẩn thận bị đâm cho một nhát. Chuyện từ tuần trước rồi, giờ này thật ra sắp được xuất viện, rốt cuộc hôm qua không cẩn thận làm bung chỉ nên không về nhà đón sinh nhật con được."

Cha tôi vẫn nhắc đến sinh nhật tôi, nhưng tôi chỉ vào những lớp băng trắng toát kia. Tôi gần như có thể tưởng tượng ra nỗi kinh hoàng bên dưới tầng vải đó.

Tôi hỏi cha: "Bắt được bọn cướp chưa?"

Nếu ông ấy nói chưa bắt được, tôi sẽ tự mình đi bắt. Tôi phải bắt hết bọn chúng, phải tự tay giết sạch mới thỏa. Sau đó tôi sẽ đi đầu thú, ba mươi năm tù chung thân hay tử hình cũng chả sao, tôi nhất định phải giết chúng cho bằng được.

Nhưng cha tôi lại nở nụ cười đầy tự hào, ông vỗ vỗ đầu tôi: "Đương nhiên bắt được rồi, nếu không nhát dao này của cha chẳng phải là chịu thiệt quá sao?"

Tôi liền ngẩng đầu nhìn ông.

Cha tôi thở dài: "Cha cũng già rồi, chứ như hồi trẻ thì bốn tên cướp đã là gì. Hồi đó cha với mẹ con liên thủ, ép một ổ khủng bố có dao không còn đường chạy luôn, lần đó cấp trên còn tặng cho cha với mẹ con mỗi người một Huân chương Nhị đẳng..."

"Cha." Tôi gọi ông.

Cha tôi tạm dừng đoạn phim hồi ức khi xưa lại, "ừm" một tiếng: "Cha nghe đây."

Tôi lại gọi: "Mẹ."

"Mẹ cũng ở đây, mẹ nghe con nói ." Mẹ tôi ngồi bên cạnh, ôm lấy vai tôi. Tôi đã lớn phổng rồi, bà duỗi thẳng cả hai cánh tay cũng không thể ôm trọn tôi, chỉ có thể ôm hờ hững như vậy.

Tôi cúi đầu xuống.

"Sau này cha mẹ đừng giấu con nữa."

"Không giấu nữa, sau này tuyệt đối không giấu nữa, ai dám giấu con thì mẹ sẽ nổi giận với người đó!" Mẹ vội vàng thề thốt với tôi.

Bà lại cẩn thận nhìn tôi: "Đừng giận nữa có được không? Tra nhi à?"

Tôi nghẹn giọng: "Con không giận."

Mẹ không nói gì nữa, chỉ ôm chầm lấy tôi, hết lần này đến lần khác vuốt ve tóc tôi.

Cha cũng vươn tay ra, nhẹ nhàng vỗ lưng tôi.

Hồi nhỏ họ cũng dỗ dành tôi như vậy, bây giờ vẫn chưa hề thay đổi. Cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng mình vĩnh viễn không thể trưởng thành khi ở bên cha mẹ, bởi vì tôi là con của họ, bởi vì tôi là con út trong nhà, bởi vì tôi vẫn là đứa trẻ hễ xúc động là nói năng lung tung, rồi lại làm tổn thương người nhà.




Khi tôi ra khỏi bệnh viện, trời đã tối đen như mực.

Mẹ muốn đưa tôi về trường nhưng tôi từ chối.

Tôi đẩy chiếc xe máy chậm rãi trên vỉa hè, mỗi bước chân giẫm xuống nền đất đều không phát ra một tiếng động.

Hai chân tôi bắt đầu mỏi nhừ, kéo theo cả cánh tay nữa. Lớp trang đậm lòe trên mặt đã bị tôi rửa sạch, mấy sợi tóc ướt nhẹp phía trước đã rũ xuống, tôi không thèm lau, cứ mặc cho nó nhỏ nước tí tách.

Người trên đường càng ngày càng thưa thớt, phố xá càng trở nên thông thoáng hơn. Đến lúc tôi thậm chí có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của thành phố trên mặt đất thì mới nhận ra trời đổ mưa rồi.

Trận mưa tầm tã này có thể nhấn chìm cả hơi thở của tôi.

Tôi đẩy chiếc xe máy tiếp tục đi về phía trước, rồi bất chợt dừng lại.

Ngao Bính đang đứng ở đằng xa.

Em nhìn thấy tôi rồi, còn cầm ô chạy về phía tôi. Em chạy nhanh lắm, dù chiếc ô đã xòe rộng cũng không che hết được bước chân em lao tới chỗ tôi - cuối cùng thanh xương của ô cứ thế gãy gập trong gió, giống hệt con bướm chết với đôi cánh rũ rượi.

Ngao Bính dứt khoát ném chiếc ô vào thùng rác bên cạnh, nhưng có vẻ không phải là em mất đi vật che mưa, mà ngược lại như vứt bỏ được một đoạn xiềng xích vướng víu, tốc độ càng nhanh hơn.

Tôi lo em trượt chân ngã vào vũng nước, tôi muốn bảo em chạy chậm lại, nhưng khi mở miệng thì không nói được gì.

Ngao Bính dừng lại trước mặt tôi, tôi nhìn rõ sự ướt át đọng trên vai em, vẻ buồn bã trên mặt em, còn có sự bất lực của tôi trong mắt em.

Tôi há miệng gọi tên em: "Ngao Bính..."

"Thầy Thái Ất có nói với em rồi," Ngao Bính vội vàng ngắt lời tôi, em rất ít khi ngắt lời tôi, "Em không sao, em không sao thật mà."

Em giơ tay lên muốn che mưa chắn gió cho tôi, nhưng tay em chỉ có vậy, mà tôi đã bị cơn mưa này xối đến ướt sũng từ lâu rồi.

Bụng dưới bắt đầu đau nhói, tôi bèn buông tay lái xe máy ra, chậm rãi ngồi xổm xuống.

Trong vũ trụ của tôi cũng có mưa tuôn rả rích. Trong vũ trụ của tôi cũng chẳng có cái ô nào.

Thân hình em không đủ bao bọc cho tôi khỏi bão táp, em liền từ bỏ hành động che trên đầu tôi, cũng ngồi xổm xuống ôm lấy đầu tôi.

Quần áo của em cũng ướt đẫm vì cơn mưa ngoài kia, bám vào gò má lạnh buốt; nhưng hơi ấm từ da thịt em nhanh chóng truyền sang, còn nóng hơn cả thời tiết hanh khô vào đầu thu ở lưu vực nữa.

Ngao Bính cứ nhẹ nhàng hôn lên đỉnh đầu tôi hết lần này đến lần khác, như thể em đang an ủi tôi, hoặc cũng có lẽ là đang an ủi chính mình. Em khóc rồi, tôi phân biệt được những giọt nào rơi trên người là nước mưa, những giọt nào là bằng chứng cho tình yêu và sự xót xa em dành cho tôi.

Vị mặn chát tràn ngập đầu lưỡi tôi. Là nước mắt của tôi đây mà.

Hai tay tôi nắm chặt lấy vạt áo sau lưng em.

Vòng tay của Ngao Bính cứ thế ôm trọn tiếng òa khóc nức nở của tôi.

      

        

_________

*: Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni (1475-1564), thường được biết đến với tên Michelangelo, là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư và nhà thơ người Ý thời kỳ Phục hưng.

*: Triệu Cao (khoảng 258 TCN – 207 TCN) là một nhân vật chính trị thời nhà Tần trong lịch sử Trung Quốc. Ông được cho là một hoạn quan và giữ vai trò quan trọng dưới thời ba vị vua Tần: Tần Thủy Hoàng, Tần Nhị Thế và Tần Tử Anh. Nhiều người cho rằng ông đóng vai trò chủ chốt trong sự sụp đổ của nhà Tần.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com