Chương 21
Tôi nhắn vào nhóm chat gia đình chuyện buổi biểu diễn trong lễ kỷ niệm thành lập trường, còn kèm theo một sticker tôi trộm được từ chỗ Ngao Bính, chân thành mời gọi người thân bạn bè đến cổ vũ tiếp thêm sức mạnh cho tôi.
Mẹ tôi đấm ngực dậm chân, ba tôi thở dài tiếc nuối. Lý Mộc Tra trong nhóm dùng emoji chém giết đám giám sát viên đến thanh tra hôm đó không biết bao nhiêu lần. Lý Kim Tra khoe ngay tấm vé máy bay vừa mua ba giây trước, nói dừng hợp tác để quay về đón tôi. Tôi bảo hắn ta mau mau hoàn vé, kiếm mớ to rồi quay lại bao tôi lì xì hai trăm mười ngàn.
Lý Kim Tra bảo tôi mơ giữa ban ngày.
Cả bốn người họ đều bận rộn chuyện riêng, không đến được cũng là chuyện thường tình. Tôi như ông già ở nhà quê trông cháu đứng trước điện thoại, nhấc lên rồi lại đặt xuống, sau đó chắp tay sau lưng ngẩng đầu lên trời than dài: "Bận cũng tốt, bận cũng tốt."
Thái Ất vỗ cái tay bự như cánh quạt lên lưng tôi: "Không sao, thầy sẽ quay phim dưới sân khấu, đảm bảo ba mẹ và hai anh em không bỏ sót chi tiết nào."
Tôi nói: "Thôi, làm ơn thay cái máy quay hồng phấn lỗi thời của ông đi. Đồ cổ đó quay được tôi một phần trăm khí chất thì tôi lạy ông luôn."
Thái Ất mập tức thì nổi khùng: "Cái gì mà lỗi thời! Máy quay này khẩu độ f1.8, còn có chống rung, trình độ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đấy, biết không hả? Đúng là đồ không biết gì." Tôi ậm ừ "ừ ừ đúng đúng", bộ râu nhỏ của Thái Ất run bần bật vì tức. Tôi chẳng buồn quan tâm, liền đi tìm Ngao Bính.
Hôm tổng duyệt tôi cũng miễn cưỡng tham gia một chút nhưng không nhiều. Dù sao tôi cũng chỉ là người đánh chuông tam giác vớ vẩn, có trên sân khấu hay không cũng chẳng có khác biệt gì nhiều, không cần tập luyện cũng bắt nhịp được.
Người trong hội sinh viên giờ cũng biết mối quan hệ giữa tôi và Ngao Bính rồi. Tôi xách túi đựng bass cùng cái chuông tam giác nhỏ đi tới, mấy ánh mắt đó dính chặt lấy tôi như keo 502, hất ra cũng không rơi.
Cũng không phải kiểu soi mói hay bàn tán như lần trước nên ai cũng trở nên thân thiện hơn. Biểu cảm của họ tôi từng thấy rồi, vào một năm, một tháng, một ngày, một giờ, một phút nào đó, trên mặt bố của Ngao Bính. Tôi dùng khuỷu tay huých huých Ngao Bính: "Nhà ngoại đông người thật đấy."
Ngao Bính đang kiểm tra nguồn điện sân khấu, đảm bảo bass cắm vào là có tiếng, nghe vậy thì ngẩng đầu lên, ngơ ngác nhìn tôi: "Nhà ngoại gì?"
"Không có gì đâu, lo việc của cậu đi." Tôi đút tay vào túi quần, dáng vẻ lười nhác ngẩng mặt lên đối diện với đám người đó, trò này tôi rành lắm.
Đám "nhà ngoại" của Ngao Bính nhìn tôi như hổ rình mồi, tôi bèn nở một nụ cười khiêu khích. Thì sao nào? Ngao Bính thích tôi đấy, hehe.
Có một cô gái nhào lên muốn đánh tôi, bị hội trưởng buộc tóc hai bên cùng một cậu con trai khác ngăn lại.
Buổi tổng duyệt trôi qua khá suôn sẻ, Thái Ất nhân danh giáo viên hướng dẫn lượn tới, đứng dưới vỗ tay cổ vũ tôi và Ngao Bính.
Tôi hỏi: "Quay xong chưa? Đưa em xem thử, em có đẹp trai không?"
"Quay rồi quay rồi, đẹp đẹp đẹp." Thái Ất qua loa, vỗ vai Ngao Bính, "Em cũng đẹp trai."
Ngao Bính lễ phép mỉm cười: "Cảm ơn thầy Thái Ất."
"Ấy ấy ấy." Thái Ất cười híp mắt, mặt tròn phúng phính nở ra như đóa cúc vạn thọ. Ông già này vốn chẳng đứng đắn, quen sống ngang hàng với đám trẻ, ít khi được người ta gọi bằng "thầy" một cách kính trọng thế nên đắc ý lắm.
Tôi nhìn ông mà hết nói nổi, định phán vài câu thì ngón tay bị ai đó nhẹ nhàng nắm lấy. Tôi quay đầu, bắt gặp ánh mắt sáng rực rỡ của Ngao Bính. Khi thấy tôi nhìn lại cậu liền mỉm cười. Dưới ánh hoàng hôn, thuỷ triều dâng lên rồi hạ xuống như nhịp thở của mặt đất, nhấn chìm những tảng đá đen sì như quái thú đang nằm phục, chỉ còn lại mặt biển lấp lánh ánh sáng.
Tôi biết cậu ấy muốn nói gì, cậu không mở miệng tôi cũng đoán ra được, chắc chắn trăm phần trăm.
Tôi tự tin: "Tớ đẹp trai lắm, tớ biết." Ngao Bính bị tôi cướp lời. Cậu phản ứng mất hai giây rồi bật cười, gật đầu lia lịa: "Cậu rất đẹp trai!"
Tôi gãi má. Câu này nghe cũng chẳng khác gì mấy, chỉ thay mỗi "tôi" thành "cậu" thôi. Nhưng khi thốt ra từ miệng Ngao Bính hiệu quả lại hoàn toàn khác, cứ như bị ném vào phòng tắm thả đầy 30 viên bánh xà phòng ngũ sắc, lưng và chân được bong bóng nâng lên, bay tới tận trần nhà.
Tôi cũng gật đầu, gật mạnh và nhanh đến mức có thể che đi nụ cười đầy đắc ý: "Cậu cũng rất đẹp trai!" Ngao Bính lại siết nhẹ đầu ngón tay tôi: "Ừm!"
Thái Ất đứng bên cạnh nhìn tôi và Ngao Bính thì thầm to nhỏ, cười khà khà rồi thở dài: "Phải cho ba mẹ em xem mới được, con trai họ sao mà rẻ mạt quá đi..." Tôi vòng qua Ngao Bính, giơ chân đá Thái Ất một cái. Thái Ất bị đá bật lên như lò xo.
Ngoài Thái Ất, fanclub của tôi còn có ba thành viên trung thành. Dương Tiễn đảm bảo sẽ đến từ sớm để chiếm vị trí hàng đầu xem tôi diễn. Tôn Ngộ Không bảo Dương Tiễn cổ hủ quá, vừa nói vừa khoe cái ghế sửa bóng đèn vác từ nhà tới, định đặt giữa sân làm ghế VIP. Dương Thiền bảo Tôn đại ca nguyên thủy quá rồi, sau đó lục từ hộc tủ ra chiếc máy quay hồi xưa dùng để theo đuổi idol, ống kính dài đến nửa cánh tay, đảm bảo chụp ra được những bức ảnh thần thánh.
Tôi chẳng mặn mà với mấy bức ảnh thần thánh gì đó lắm nhưng vẫn giơ ngón cái khích lệ: "Em quay cho Ngao Bính thật đẹp, nhớ chụp nhiều ảnh hai đứa bọn anh vào, không cần người ngoài, đừng có làm Ngao Bính xấu nhé, không thì liệu hồn." Dương Thiền đầy tự tin: "Yên tâm đi tam ca, em PTS chuyên nghiệp lắm đấy."
Tôi bảo tốt nhất là như thế. Chụp đẹp rồi có thưởng hậu hĩnh, mời làm thợ chụp chính cho đám cưới của tôi.
Dương Thiền bảo thôi khỏi, bảy giờ sáng em không dậy nổi. Có lương tâm thì đưa tiền mặt luôn cho em đi.
Tầm thường, đúng kiểu nhân loại tầm thường.
Tôi phất tay, bảo nhỏ cút lẹ.
Dương Thiền cười híp mắt rồi đi, tay mảnh mai xách cái máy quay hơn chục cân nhẹ như đang cầm bịch giấy vệ sinh. Tôi lại thấy tò mò sao nhỏ đó lại thích tên họ Lưu kia, không biết thích hắn ở điểm nào. Nếu tôi học ngành thần kinh học, nhất định sẽ tìm cơ hội moi não nhỏ ra cắt lát nghiên cứu, giá trị nghiên cứu chắc còn cao hơn cả não của Einstein.
Tôi ngồi trong giảng đường lớn học tiết đại cương, tôi cùng Dương Tiễn hiếm khi được học với nhiều người sống đến vậy. Nó ngồi hàng đầu, nghe chăm chú không chớp mắt; còn tôi ngồi hàng cuối, lật sách chơi điện thoại cũng vui vẻ không kém.
Tôi đang nhắn tin cho Ngao Bính. Giờ tôi cảm thấy cái điện thoại này tồn tại chỉ để giúp tôi nhắn tin cho cậu ấy.
Ngao Bính vừa tan học, đang chuẩn bị về ký túc thay đồ. Cậu chụp cho tôi cái sân khấu ngoài sân trường đã được dựng lên hoàn chỉnh, xung quanh trải thảm đỏ và đặt mấy cái đèn chiếu sáng khổng lồ. Cậu còn đặc biệt chụp cho tôi máy bắn pháo hoa mini rồi giải thích công dụng của nó. Đợi đến lúc chúng tôi biểu diễn, cái máy này sẽ phụt ra một loại pháo hoa nhỏ như kim tuyến, rất đẹp.
Tôi cảm thán: Tuyệt thật.
Ngao Bính lại gửi thêm tin nhắn. Tôi như nhìn được thấy khuôn mặt đang mím môi đắc ý của cậu: Tớ chạy qua rất rất nhiều cửa hàng mới chọn được cái an toàn nhất đó.
Tôi khen cậu ấy ngay. Tôi là phiên bản fan cuồng của Ngao Bính, nuông chiều cậu ấy vô điều kiện: Cậu giỏi quá đi!
Ngao Bính gửi lại một biểu tượng con thỏ con lấy tay che mặt ngại ngùng.
Tôi cố gắng nhịn không đập bàn rầm rầm trong tiết học, rất kiềm chế gửi lại một icon chó con đang vỗ tay. Cái này cũng là trộm từ bộ sticker của Ngao Bính, cậu cực kỳ mê mấy bộ sticker động vật dễ thương. Chết mất, chắc kiếp trước tôi Lý Na Tra phải là người chuyên tích đức hành thiện giúp đỡ thiên hạ, chứ nếu không thì sao ông trời lại cho tôi được yêu một người đáng yêu thế này.
Mà khoan, không đúng. Cái ông Thiên Đế trên trời ấy có làm gì đâu, chỉ là kẻ đứng ngoài cuộc thôi.
Là Ngao Bính đã thay đổi tôi, là Ngao Bính yêu tôi, là Ngao Bính đã cứu tôi. Cậu ấy mới là "ông trời" của tôi.
Tôi tắt màn hình điện thoại, liếc nhìn lên bục giảng.
Giáo sư là một ông già râu trắng, đang viết đến cái bảng đen thứ tư. Những dòng chữ phấn kia với tôi như thiên thư, nhưng tôi tin chắc đêm trước kỳ thi cuối kỳ mình sẽ tạo ra được kỳ tích, nên tôi chẳng định nghe gì cả, chống cằm nhìn ra ngoài cửa sổ.
Vị trí giảng đường này quả là đỉnh cao, đối diện ngay sân thể chất. Tôi thấy cái sân khấu khổng lồ sừng sững, dù khoảng cách khá xa nhưng trong mắt tôi nó như một viên chocolate có thể nằm trọn trong lòng bàn tay. Ban ngày không cần ánh đèn, nó nằm đó dưới ánh nắng như đang ngủ, chờ đến đêm tối mới tỉnh dậy.
Khó mà diễn tả được cảm giác lúc đó, nhưng tôi thực sự có chút mong chờ ngày hội trường này.
Đó là một loại cảm xúc đã lâu không có, tôi vậy mà lại háo hức như mong đợi điều gì đó như hồi còn nhỏ.
Mà chắc chắn Ngao Bính còn mong đợi hơn tôi nhiều. Dạo này cậu cứ như đang ngâm mình trong lon Coca-Cola vậy, bước đi cũng không còn cứng nhắc như thường, thỉnh thoảng còn nhún nhảy đầy hứng khởi, bật lên cao không quá 5cm khỏi mặt đất mà đuôi tóc cậu ấy lại tung lên một vòng cung lớn. Cái dây buộc hình hoa sen kim loại phản chiếu ánh sáng, khiến người ta không nhìn rõ hình dạng.
Niềm vui của cậu ấy như bệnh cúm truyền sang tôi. Thế là tôi cũng vui theo.
Ông giáo sư râu trắng hô "Tan học!", tôi lập tức vơ lấy cặp chạy ào ra ngoài.
Người đi ngoài hành lang chậm như quay slow-motion, tôi thì lao như tên lửa Đông Phong, chạy thẳng về ký túc xá.
Ngao Bính đã thay đồ xong rồi, chính là bộ đồ chúng tôi đi mua cùng nhau. Nếu mặc riêng lẻ thì tôi vẫn thấy nó chẳng xứng với cậu, nhưng khi Ngao Bính cầm cây đàn bass của tôi lên, những hoa văn màu mè trên mặt đàn lại hoà hợp kỳ diệu với những họa tiết graffiti trên áo, vô cùng đẹp đẽ thuận mắt.
Thì ra mắt thẩm mỹ của tôi lại có tính tiên tri đến vậy, tôi đúng là thiên tài Lý Na Tra!
Tôi ném cặp lên ghế: "Ngao Bính!"
Cậu xoay một vòng 360 độ trước mặt tôi trình diễn bộ đồ.
Cậu hỏi đầy mong đợi: "Thế nào?"
Tôi ôm cậu vào lòng, vò tóc cậu: "Cậu đẹp chết đi được!"
Ngao Bính cười khúc khích.
Tôi cũng thay đồ, cái khăn trải picnic kia tôi phải buộc mất mười phút. Ngao Bính đứng bên cạnh cũng nhìn mười phút, cuối cùng thở dài một tiếng, bước đến giúp tôi cài khuy áo.
"Khuy này phải cài ở đây, cái kia mới cài ra sau." Cậu ấy kiên nhẫn chỉ tôi. "Cậu cài sai rồi, nên mới không cài được."
Dù là áo của tôi nhưng Ngao Bính lại hiểu rõ nó hơn cả tôi. Đúng là một cái áo rất "Ngao Bính".
Tôi cúi đầu nhìn cậu, cậu ấy đang chăm chú nhìn phần trang trí ở cổ áo tôi. Từ góc nhìn của tôi, tóc trên đỉnh đầu cậu ấy mềm mại gọn gàng, chỉ có vài sợi ngắn nổi loạn vểnh ra, chắc là hôm nào đó chải đầu mạnh tay quá làm đứt luôn phần đuôi tóc.
Ngao Bính có hàng mi rất dài và đẹp, nhưng chỉ phần đuôi dài chưa đến vài milimet là hơi cong lên. Thế nên khi nhìn trực diện sẽ không nhận ra, chỉ khi đến rất gần, nhìn từ trên xuống hoặc dưới lên mới thấy rõ độ dài mềm mại ấy.
Sống mũi cậu có độ cong hoàn hảo, tỷ lệ môi thì xinh đẹp đến kỳ diệu. Khi Nữ Oa nặn ra cậu chắc chắn có mời Michelangelo làm cố vấn. Đây chính là sự giao thoa giữa thần thoại Trung Hoa và văn hóa thần thánh phương Tây, Ngao Bính là một cột mốc vĩ đại trong nền văn minh loài người.
Nhưng gương mặt ấy lại chỉ là một trong vô vàn ưu điểm của cậu. Ngao Bính có trí thông minh để nghiên cứu học thuật, cũng có sự khôn ngoan để yêu cuộc sống. Cậu kiên nhẫn, biết chịu đựng, biết chờ đợi dù hoàn toàn có thể lựa chọn rời đi. Cậu lễ phép và khiêm nhường, thật lòng tôn trọng mỗi người, vì cậu tin rằng mỗi người đều ánh sáng thuộc về riêng mình.
Ngao Bính là người lương thiện. Cậu luôn đưa tay kéo người khác lên, và cậu luôn sẵn sàng làm điều đó. Cậu có chính kiến, có thể quyết định con đường của mình, cũng có thể hết lòng dựa vào một ai đó, vì cậu biết cách yêu.
Cậu như tinh linh trong rừng, từng bơi qua biển cả và băng qua núi non rộng lớn nên hiểu được thế giới bao la, và vì vậy lại càng yêu thương cỏ cây nhỏ bé xanh tươi.
Tôi vẫn luôn tin rằng, khuôn mặt xinh đẹp ấy chỉ là món quà mà trời đất ban cho vì tấm lòng thiện lương của cậu. Vì ông trời cũng không nỡ để cậu bị chôn vùi giữa thẩm mỹ đầy tầm thường và hà khắc của xã hội, sống một đời vô danh mờ nhạt. Vì trên người cậu đã có quá nhiều điều tốt đẹp, nên mới thưởng cho chút đặc quyền nhỏ bé ấy, để cậu có thể tranh thủ thở một hơi khi tỏa sáng rực rỡ.
"... Ngao Bính." Tôi cúi đầu, khẽ nói, "Tớ thích cậu đến chết mất."
Ngao Bính ngẩng đầu, hàng mi cũng theo đó run lên, để lộ đôi mắt trong vắt bên dưới.
"Tớ biết." Cậu ấy cười nói,
"Tớ cũng thích cậu nhất."
.
Trời tối sầm lại, ánh đèn sân khấu và ánh trăng cùng nhau treo lên cao.
Dương Tiễn và Tôn Ngộ Không lén lút chui vào hậu trường, còn tôi thì ngồi trên ghế gỗ tự kỷ không nói năng gì.
Dương Tiễn nhìn tôi đến ngẩn người: "Mày lén vào bếp ăn trộm bột mì của người ta à?"
Tôn Ngộ Không phá lên cười vang trời lở đất: "HAHAHAHAHAHAHA!"
Tôi không muốn nói chuyện, toàn thân đều tê dại.
Lên sân khấu thì phải trang điểm. Một lễ kỷ niệm thành lập trường đại học thì làm gì có nhiều chuyên viên trang điểm? Người trang điểm cho tôi chính là cái cô lúc tổng duyệt xông lên muốn quyết chiến với tôi kia.
Cô ta xách túi đồ trang điểm bước tới, trong mắt là sát khí ngút trời. Khi cô ta moi ra được một lọ kem nền trắng đến dọa người từ trong đống chai lọ mà tôi không nhận ra nổi cái nào, tôi đã biết có chuyện chẳng lành.
Tôi vừa định nhấc chân bỏ chạy thì xui xẻo làm sao lại bị Ngao Bính bắt gặp. Cậu lập tức chạy đến đè tôi xuống ghế: "Đừng chạy, đừng chạy mà, chỉ lần này thôi. Đèn trên sân khấu sáng lắm, không trang điểm thì không lên hình được đâu."
Ngao Bính khỏe điên, tôi mới cựa quậy chút đã bị cậu ấy ấn chặt không nhúc nhích được nữa.
Cô gái kia tỉnh bơ thử màu kem nền lên cổ tay. Có vẻ cô ta chưa hài lòng, tôi tận mắt thấy cô ném lọ kem nền kia lại, rồi lấy ra một tông màu còn trắng hơn nữa.
Ngao Bính vẫn còn đang an ủi tôi: "Tin tớ đi, Na Tra. Cậu trang điểm lên chắc chắn sẽ rất đẹp trai!"
Lòng tôi nguội lạnh như tro tàn.
Tôi tất nhiên không trắng như Ngao Bính. Cậu ấy thuộc loại da trắng lạnh bẩm sinh, à mà từ "trắng lạnh" này cũng là do Ngao Bính dạy tôi. Trước đây tôi cứ thấy da mình hơi ngăm, nhất là khi đứng cạnh cậu ấy, dù rõ ràng tôi cũng không phơi nắng nhiều. Nhưng Ngao Bính nói da tôi không phải đen, mà là da khỏe mạnh màu lúa mì, cậu ấy rất thích. Thế là tôi đã trơn tru mà làm hòa với màu da của mình.
Nhưng khi cô gái đó bôi kem nền lên mặt tôi, tôi thấy mình không thể làm hòa nổi nữa.
Tôn Ngộ Không cười đến nỗi phải bám cột mà nôn khan. Dương Tiễn thì cũng tốt tính, vỗ vai tôi: "Không sao, mày vẫn có thể vào vai Tào Tháo."
Tôi giơ chân đá thẳng vào đầu gối nó.
Dương Tiễn né nhanh: "Triệu Cao cũng được đấy, mày có tố chất đó mà."
Không chịu nổi nữa. Tôi xắn tay áo đứng dậy định đánh nhau với nó.
Tôi trang điểm xong thì không thấy Ngao Bính đâu nữa, bởi vì mỗi lần cậu thấy tôi là lại cười, cười đến độ người run lên như sàng gạo khiến người trang điểm cho cậu không thể làm việc nổi. Kết quả là tôi bị đuổi đi, thật sự tức muốn chết.
Tôi phải gọi điện hỏi tội ông già nhà tôi một trận. Mẹ tôi trắng thế kia, tôi thành ra thế này chắc chắn là lỗi của bố tôi.
Tôi tìm một góc có sóng tốt, mở WeChat ra gọi video cho bố.
Màn hình vừa hiện lên cái mặt tôi, chính tôi còn giật mình. Cái cô kia thật sự hận tôi đến là sâu sắc.
Biểu tượng dấu ba chấm dưới avatar của bố tôi nhảy một lúc lâu, hơn một phút mà vẫn không ai bắt máy. Lạ thật. Tôi cúp máy rồi gọi lại, lặp đi lặp lại ba lần vẫn không có ai nghe.
Tôi, Lý Na Tra, là loại người không đạt được mục đích thì không bỏ cuộc, thế là gọi lần thứ tư.
Cuối cùng cũng bắt máy, gương mặt to đùng của bố tôi hiện lên: "Sao thế, Na Tra..."
Ông ấy khựng lại. Tôi dùng khuôn mặt trắng hơn cả xác chết ba ngày nhìn ông chằm chằm.
"... Na Tra, mặt con..." Bố tôi cố gắng nhịn cười, lục lọi cả bụng chữ nghĩa mới moi ra được một câu nghe lọt tai: "Mặt con, ừm, rất độc đáo."
Tôi cười kiểu chuyên nghiệp: "Cảm ơn bố, cảm ơn vì đã sinh ra con đen nhẻm như này."
Bố tôi phải cố hết sức để giữ nghiêm nét mặt, nếp nhăn trên mặt ông căng đến độ thành da mịn không tì vết. Tôi để ý thấy sắc mặt ông cũng tái nhợt, kiểu tái như mất máu. Chức năng video call của WeChat giờ hiện đại thật, còn có cả làm đẹp da.
Bên kia có người đang nói chuyện với bố tôi, rất nhiều người, còn có một giọng nghe rất giống mẹ tôi. Tôi hỏi: "Mẹ cũng ở đó với bố à?"
"Ờ, mẹ con à, bà ấy ở đây." Bố tôi trả lời qua loa.
Ông ấy che micro lại, tôi không nghe thấy gì nữa. Có thể hiểu được, công việc của họ đúng là có nhiều chuyện tôi không thể biết, cũng coi như một cách bảo vệ tôi. Bố mẹ tôi vẫn luôn chăm sóc tôi như trẻ con vậy.
Tôi đợi họ nói chuyện xong, tay nhàm chán nghịch cái chuông tam giác trong tay, không nhịn được mà ngáp một cái. Không có Ngao Bính tán gẫu, buồn muốn chết, cậu ấy sao vẫn chưa trang điểm xong vậy?
Tôi đột nhiên nheo mắt lại.
Tay bố tôi khẽ run, phông nền trắng tinh đằng sau lệch qua một bên. Tôi thấy trên tường treo một cái poster, không phải mấy câu khẩu hiệu đỏ chót của đồn công an mà là hướng dẫn rửa tay bảy bước.
Bố tôi mặc thêm một cái áo khoác bên ngoài, quấn rất kín. Nhưng khi góc máy quay nghiêng đi, tôi liền thấy khe hở ở cổ áo, bên trong là một chiếc áo vải xấu tệ, tuyệt đối không phải phong cách polo già cỗi trong tủ đồ của bố tôi.
Sọc xanh trắng.
Tôi bắt đầu nhìn lại khuôn mặt tái nhợt kia của bố tôi.
"Bố." Tôi hỏi, "Bố đang ở đâu vậy?"
Tôi cố gắng nói thật chậm, cảm thấy tim mình bình lặng như mặt hồ mùa thu. Từ khi sinh ra, tôi chưa từng thấy lòng mình có thể bình tĩnh đến thế, như thể nó đã ngừng đập vậy.
Cha tôi cuối cùng cũng bỏ tay ra, điều chỉnh lại góc quay, vậy mà ông vẫn cười được: "Bố đang làm việc nè. Vụ án chưa kết thúc, tối nay chắc phải tăng ca. Mai sinh nhật con có mẹ và hai anh con ở nhà với con nhé, bố sẽ cố gắng tranh thủ về sớm, đến lúc đó sẽ tặng bù cho con một cái bánh kem."
Tôi hít một hơi thật sâu.
Tôi thấy việc mình còn nói được là kỳ tích thứ chín của thế giới. Tôi nghiến chặt răng đến nỗi lợi cũng đau, lại hỏi: "Bố, con hỏi bố đang ở đâu vậy?"
Tôi thấy bố tôi đơ người.
Có lẽ lúc này ông mới nhận ra rằng tôi đã không còn là đứa trẻ con nữa, không còn là cái đứa có thể bị lừa bởi một lời nói dối vụng về, ngây ngô tin lấy tin để mà không hề nghi ngờ gì nữa.
Hồi lâu, bố tôi thở dài.
"Bệnh viện." Ông nói, rồi vội vã bổ sung, "Chỉ là bị thương nhẹ thôi, không sao cả nên không nói con biết. Con còn phải biểu diễn trên sân khấu nữa mà. Nhanh lên, đi chơi vui vẻ vào, sau này bố xem video thầy Thái Ất quay cho con."
"Bệnh viện nào?" Giọng tôi trầm xuống.
Bố tôi không chịu nói.
Tôi cúp máy, gọi ngay cho mẹ tôi. Bà cũng chỉ mơ hồ nói tránh: "Ây da Na Tra, con tin bố con đi, thật sự không sao đâu. Con cứ chơi cho vui đi, mai mẹ về nấu giò heo con thích ăn, tổ chức sinh nhật cho con nhé?"
Tôi lạnh giọng: "Mẹ, Lý Kim Tra và Lý Mộc Tra có biết chuyện này không?"
Mẹ tôi im lặng.
Lý Kim Tra bên kia lệch múi giờ không bắt máy. Tôi gọi cho Lý Mộc Tra, hắn ta nghe xong câu hỏi thì ngẩn người, câu đầu tiên lại là: "Biết rồi à? Ai nói cho biết vậy?"
Tôi bật cười.
Tôi vậy mà vẫn còn cười được, tôi thấy mình đúng là vô tâm thật.
"Sao? Ý anh là gì?" Tôi hỏi Lý Mộc Tra, "Cả nhà các người giấu em là rất có lý, ý là vậy đúng không?"
"Em rất vô dụng đúng không? Cả nhà bốn người đóng cửa sống với nhau, chuyện gì cũng nói cho nhau biết; còn em thì không quan trọng, em không cần biết gì hết, đúng không?"
"Không phải, bọn anh không có ý đó." Cuối cùng Lý Mộc Tra cũng phản ứng lại, vội vàng nói, "Na Tra, em bình tĩnh chút, nghe anh giải thích đã..."
"Em nghe anh nói gì?!"
Mắt tôi mờ đi, nhìn gì cũng phủ một lớp đỏ nhạt. Tôi giận dữ gào lên: "Em phải nghe các anh nói cái gì? Em chẳng lẽ không xứng biết gì à? Chỉ có anh với Lý Kim Tra mới là con của bố mẹ, còn em thì không à? Nếu hôm nay em không tự phát hiện, thì các người còn định giấu em đến bao giờ? Các người có coi em là người nhà không?!"
Cơn giận đó phá tan mọi vỏ bọc giả tạo. Tôi không thể tự lừa mình được nữa. Tôi ghét chính mình, không nhịn được mà nói những lời độc địa nhất, dù tôi biết rõ bố mẹ không muốn tôi lo lắng, Lý Kim Tra và Lý Mộc Tra cũng chỉ muốn tôi có một sinh nhật vui vẻ. Tôi biết họ cũng đau, cũng khổ, tôi biết họ yêu tôi, nhưng tôi không chịu nổi nỗi phẫn uất và bi thương này.
Tôi vốn không giỏi chịu đựng, nên mới tự dối mình rằng mọi chuyện đều không sao cả.
Tôi có thể không quan tâm bất cứ điều gì, nhưng đó là bố tôi, mẹ tôi, hai anh tôi, tôi chỉ có từng ấy người thân.
Thế nhưng vì sao?
Vì sao tôi lại không được biết gì? Vì sao bố tôi vào viện mà tôi lại không được hay biết? Vì sao tôi phải tự mình mò mẫm như thám tử, như một kẻ điên loạn mới chạm được đến sự thật?
"Bố đang ở bệnh viện nào?"
Tôi hỏi Lý Mộc Tra lần cuối.
Lý Mộc Tra nghiến răng.
Cuối cùng hắn vẫn chịu nói: "Bệnh viện Nhân dân tỉnh, khu ngoại trú..."
Tôi còn chưa nghe rõ số phòng bệnh thì đã dập máy.
Tôi ném cái chuông tam giác trong tay đi, lao thẳng ra khỏi trường.
Tôi chạy rất nhanh. Tôi biết chắc lại có vô số người đang nhìn tôi, coi tôi là yêu ma, là quái thai, là dị loại. Tôi không quan tâm. Dù họ nhìn tôi thế nào, tôi cũng không để tâm. Bây giờ tôi chỉ muốn gặp bố tôi.
"Na Tra!" Thái Ất hét to tên tôi phía sau, "Na Tra!"
Tôi không quay đầu lại. Thái Ất béo như một quả bóng, không đời nào đuổi kịp tôi.
"Cái thằng nhóc ngốc kia... Na Tra! Em còn không biết bố em nằm tầng mấy! Thầy chở em đi!" Thái Ất gào hết sức từ phía sau.
Tôi dừng lại.
Thái Ất thở hồng hộc đuổi kịp, kéo tôi vào bãi đỗ xe dưới hầm. Ông ta lại bắt đầu giảng đạo lý: "Bố mẹ em không nói cho em biết là vì sợ em lo, chứ không phải vì cảm thấy em vô dụng, em đừng giận họ..."
Tôi đứng nhìn ông: "Bố em nằm tầng mấy?"
Thái Ất ngập ngừng một chút: "Tầng bốn, phòng 428, sao thế?"
Tôi gật đầu.
Tôi nói với ông: "Thầy đi nói với Ngao Bính một tiếng, em có việc gấp, đi trước, xin lỗi."
Thái Ất sửng sốt, sau đó nhảy dựng lên: "Na Tra! Quay lại cho thầy! Em —"
Những lời sau đó tôi không nghe nữa.
Tôi lôi xe máy từ dưới ký túc xá của Thái Ất ra, phóng ra khỏi cổng trường. Bảo vệ đuổi theo tôi đến hai trăm mét, cuối cùng chạy không nổi nữa, đứng sau lưng tôi mắng chửi tục tĩu.
Tôi không nghe rõ lão mắng gì, tôi chẳng nghe được gì hết.
Tôi hiểu rất rõ bố tôi là người thế nào.
Vài năm trước lúc truy bắt tội phạm, ông dẫn người ngã lăn từ cầu thang xuống, gãy chân, nhưng hôm sau vẫn bó bột đi làm tiếp, còn mắng người hừng hực khí thế, cả ba tầng trên dưới đều nghe rõ mồn một.
Mà lần này ông phải nằm viện, sắc mặt lại còn tái nhợt thế kia, ông bị thương nặng tới mức nào?
Một nỗi sợ muộn màng tràn khắp tay chân tôi. Tôi thấy lạnh buốt tứ chi, rồi chợt nhận ra một sự thật, có khi chút nữa thôi là tôi đã mất bố.
Có khi chút nữa thôi... tôi vĩnh viễn không được gặp lại ông nữa.
Tôi lao vào bệnh viện, giờ thăm nom đã qua từ lâu. Nhưng không bác sĩ y tá nào cản được tôi, tôi giống như con thú hoang bị ép tới đường cùng, lảo đảo lao vào thang máy, cái lồng sắt khép kín ấy đưa tôi lên tầng bốn. Tôi nhìn thấy bố mẹ tôi.
Họ biết tôi sẽ tới nên đã đợi sẵn.
Họ cũng hiểu con họ là đứa thế nào. Dù không ai nói số phòng, tôi cũng sẽ lật tung tất cả bệnh viện trong thành phố để tìm bằng được. Tôi là kiểu người điên như vậy đấy.
"Tra nhi..." Mẹ tôi cẩn thận mở lời.
Chỉ khi cảm thấy có lỗi với tôi, mẹ mới dùng giọng nói đó để gọi tôi.
Tôi ghét kiểu giọng điệu ấy từ tận đáy lòng. Mẹ tôi thì có lỗi gì với tôi đâu?
Bà đã nuôi một đứa con như tôi lớn khôn, đã dành biết bao thời gian vì tôi, bà yêu tôi hơn vạn vật trên đời.
Từ đầu đến cuối, chỉ có tôi là mắc nợ bà.
Tôi bước lên một bước, bố tôi đang nằm trong phòng, trên chiếc giường bệnh đơn dành riêng cho ông.
"Tra nhi." Bố tôi cũng gọi tôi, giọng y hệt mẹ tôi.
Tôi im lặng nhìn ông.
Tôi lại nhận ra một điều, bố tôi đã già rồi.
Hồi nhỏ, tôi thấy bố là người vĩ đại nhất thế giới.
Ông bận rộn công việc, chẳng mấy khi có thời gian đưa tôi đi chơi. Ông và mẹ tôi giống nhau, đều dâng hiến cả đời mình cho quốc gia và nhân dân.
Nhưng chỉ cần rảnh được chút thời gian, bố mãi mãi là bố tôi, ông cõng tôi trên vai chạy khắp nơi, vì vậy tôi không sợ độ cao.
Tôi từng ngồi trên vai ông, nhìn thấy cả thế giới hùng vĩ.
Bây giờ tôi cao bằng bố rồi, vai tôi cũng rộng như ông.
Bố tôi không biết từ khi nào đã phải nhuộm tóc để che đi sợi bạc.
Chắc dạo này ông không có thời gian đi cắt tóc, chân tóc lộ rõ toàn màu trắng xám như dãy núi Himalaya đảo ngược. Chân núi phủ đầy tuyết, còn đỉnh núi lộ ra cho người khác thấy thì vẫn cao ngất hiểm trở.
Tôi bước đến bên giường bố.
Mẹ tôi tiến lại gần, nắm lấy tay tôi: "Tra nhi, không phải bố mẹ không quan tâm con... chỉ là muốn con có một sinh nhật thật vui..."
"Con không quan tâm có sinh nhật hay không." Tôi nói.
"Sao con lại nói thế!" Mẹ tôi cuống lên, "Lúc nhỏ con mong chờ ngày này thế nào chứ. Con còn viết thiệp mời cho bố mẹ nữa, mẹ vẫn còn giữ... mấy hôm trước con còn gọi điện nói sẽ cùng người yêu đón sinh nhật mà..."
"Ồ." Tôi hiểu ra, gật đầu, "Không nói cho con biết, thật ra là lỗi của con."
Mẹ càng cuống hơn: "Tra nhi, mẹ không có ý đó..."
Tôi bình tĩnh nhìn mẹ.
Mẹ tôi cũng đã già, nơi khóe mắt hiện rõ nếp nhăn.
Hồi nhỏ tôi thường khen mẹ đẹp như thiếu nữ mười tám.
Mẹ chẳng bao giờ tỏ ra vui, chỉ gõ đầu tôi rồi khen tôi miệng dẻo.
Sau này tôi mới biết, mẹ chưa từng ham sắc đẹp thanh xuân.
Mẹ tin vào những dặm dài phong sương mà mình đã đi qua, tin vào sự từng trải, trí tuệ, kiên cường mà thời gian trao cho, đó mới là tất cả của mẹ.
Mẹ tôi là người tốt như thế. Vậy mà tôi cứ khiến mẹ buồn, khiến mẹ thất vọng.
"Tra nhi." Bố tôi gọi tôi, vỗ vào mép giường, "Ngồi đi."
Đầu óc tôi giờ không thể tự vận hành được nữa.
Tôi như cái máy, bố bảo ngồi thì tôi ngồi xuống.
"Bố không sao." Hôm nay tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần câu này, nhưng bố tôi vẫn phải lặp lại.
Ông vén áo bệnh nhân lên, vòng eo cuốn đầy băng dày, mà ông thì nói như không có gì: "Chỉ là trên đường đi làm gặp phải mấy tên cướp, không để ý nên bị đâm một nhát. Chuyện tuần trước rồi, giờ thực ra cũng gần xuất viện rồi, chỉ là hôm qua sơ suất làm bung chỉ nên mới không về nhà mừng sinh nhật con được."
Bố vẫn còn nhớ sinh nhật tôi. Nhưng tôi chỉ nhìn chằm chằm vào mấy lớp băng gạc.
Tôi gần như có thể tưởng tượng ra vết thương kinh khủng bên dưới.
Tôi hỏi bố: "Bắt được bọn cướp chưa?"
Nếu ông nói chưa, tôi sẽ tự đi bắt.
Tôi phải lần lượt bắt hết bọn chúng, tự tay giết sạch.
Sau đó tôi ra đầu thú.
Ba mươi năm, án chung thân hay tử hình gì cũng được, tôi nhất định phải giết chúng.
Bố tôi lại cười đầy kiêu hãnh, vỗ đầu tôi: "Tất nhiên là bắt rồi. Nếu không thì nhát dao này chẳng phải chịu oan quá sao?"
Tôi ngẩng đầu nhìn ông.
Bố tôi thở dài: "Bố già rồi, nếu là lúc trước, bốn thằng cướp thì đã là gì chứ. Năm xưa bố với mẹ con hai người hợp sức, dồn một ổ khủng bố có dao tới mức không có đường thoát, lần đó còn được cấp trên trao mỗi người một huân chương hạng hai..."
"Bố." Tôi gọi.
Bố dừng lại phần hồi tưởng, "Ừ, bố nghe đây."
Tôi lại gọi: "Mẹ."
"Mẹ đây, mẹ cũng đang nghe đây." Mẹ ngồi cạnh, ôm lấy vai tôi.
Tôi giờ vai quá rộng, mẹ dang cả hai tay ôm cũng không trọn, chỉ có thể vòng tay ôm hờ như vậy.
Tôi cúi đầu.
"Sau này đừng giấu con nữa."
"Không giấu nữa, sau này tuyệt đối không giấu nữa, ai dám giấu con mẹ liều với người đó!" Mẹ vội vàng thề.
Rồi lại cẩn thận nhìn tôi: "Đừng giận nữa có được không? Tra nhi?"
Tôi ậm ừ trong cổ: "Con không giận."
Mẹ tôi không nói gì nữa, chỉ ôm tôi, nhẹ nhàng vuốt tóc tôi.
Bố tôi cũng đưa tay ra, vỗ lưng tôi nhè nhẹ.
Hồi nhỏ họ đã dỗ dành tôi thế này, bây giờ cũng vậy.
Tôi cuối cùng đã hiểu ra, tôi mãi mãi không thể trưởng thành trong mắt cha mẹ, vì tôi là con của họ, vì tôi là út trong nhà, vì tôi vẫn là đứa con cáu lên là nói năng hồ đồ, làm tổn thương người thân...
Khi tôi ra khỏi bệnh viện, trời đã hoàn toàn tối đen.
Mẹ muốn đưa tôi về trường nhưng tôi từ chối.
Tôi dắt chiếc xe máy đi chầm chậm trên vỉa hè, mỗi bước chân nện xuống mặt đất đều không một tiếng động.
Hai chân cuối cùng cũng bắt đầu mỏi nhừ, kéo theo cả hai cánh tay. Lớp trang điểm dày nặng trên mặt đã bị tôi rửa sạch, vài lọn tóc phía trước bị ướt dính vào trán, tôi không lau, nước cứ thế nhỏ tí tách xuống.
Người trên phố ngày càng thưa thớt, con đường ngày càng rõ ràng. Cho đến khi tôi có thể nhìn thấy bóng phản chiếu của thành phố trên mặt đường, tôi mới chợt nhận ra trời đang mưa.
Một trận mưa rất lớn, đến mức có thể nhấn chìm cả hơi thở của tôi.
Tôi vẫn dắt xe đi về phía trước, rồi dừng lại.
Ngao Bính đứng ở đằng xa.
Cậu nhìn thấy tôi, giơ ô lên chạy về phía tôi.
Cậu chạy rất nhanh, đến mức chiếc ô mở to cũng không thể cản nổi bước chân cậu lao về phía tôi. Cuối cùng khung ô bị gió bẻ gãy, tán ô rũ xuống như một con bướm chết.
Ngao Bính dứt khoát ném chiếc ô vào thùng rác ven đường.
Nhưng cậu dường như không phải mất đi vật che mưa, mà là vứt bỏ một chiếc xiềng xích vướng víu, bước chạy càng lúc càng nhanh hơn.
Tôi lo cậu sẽ trượt chân vì đạp phải vũng nước, muốn kêu cậu chạy chậm lại, nhưng mở miệng lại không thể phát ra âm thanh nào.
Ngao Bính dừng lại trước mặt tôi.
Tôi nhìn rõ bờ vai ướt sũng của cậu, vẻ buồn bã trên gương mặt cậu, và sự hoang mang của chính tôi phản chiếu trong đôi mắt cậu.
Tôi hé miệng, gọi tên cậu: "... Ngao Bính..."
"Thầy Thái Ất nói hết với tớ rồi," Ngao Bính vội ngắt lời tôi, cậu hiếm khi ngắt lời tôi. "Tớ không sao, tớ thật sự không sao đâu."
Cậu giơ tay lên, định che gió che mưa cho tôi, nhưng tay cậu chỉ lớn đến vậy, còn tôi thì đã ướt sũng hoàn toàn dưới cơn mưa này.
Phần bụng dưới bắt đầu đau âm ỉ, tôi buông tay khỏi tay lái mô tô, từ từ ngồi xổm xuống.
Vũ trụ của tôi cũng đang mưa to.
Vũ trụ của tôi cũng không có ô.
Thân thể của Ngao Bính không đủ để chắn gió che mưa cho tôi, nên cậu từ bỏ hành động che trên đầu tôi, cúi xuống ngồi cùng tôi, ôm lấy đầu tôi vào lòng.
Quần áo của cậu cũng bị mưa làm ướt sũng, dán sát lên mặt tôi, lạnh ngắt; nhưng nhiệt độ từ làn da cậu nhanh chóng truyền sang, nóng hơn cả tiết trời oi ả đầu thu của vùng lòng chảo.
Ngao Bính hôn nhẹ lên đỉnh đầu tôi từng chút một, như thể đang an ủi tôi, hoặc có lẽ là đang tự an ủi chính mình.
Cậu khóc rồi.
Tôi phân biệt được rõ, thứ rơi xuống người tôi cái nào là mưa, cái nào là bằng chứng cho tình yêu và sự xót xa của Ngao Bính dành cho tôi.
Vị mằn mặn lan đầy đầu lưỡi. Đó là nước mắt của tôi.
Tôi siết chặt hai tay, nắm chặt lấy vạt áo sau lưng cậu.
Tôi bật khóc nức nở trong vòng tay Ngao Bính.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com