Chương 17: Bạn không thể uống nước, uống nước sẽ làm giảm sự căng thẳng(3)
Lưng Kiều Ngọc Hoa hơi gù xuống cộng thêm bệnh tật hành hạ khiến bà không thể duỗi thẳng thắt lưng. Nhưng sự uy nghiêm của một vị lãnh đạo và sự thông thái của một người gần đất xa trời hòa quyện vào nhau một cách kỳ diệu khiến người ta phải ngước nhìn. Hạ Đốn tự nói với chính mình, đừng bỏ cuộc. Nếu mình bỏ cuộc thì mình không thể giúp bà ấy được.
"Tôi rất muốn biết, tại sao lại có một trăm lẻ một con búp bê? Không phải một trăm lẻ hai hay chín mươi chín con?"
"Đây không phải là vấn đề quan trọng. Tôi cứ mua hết con này đến con khác. Lúc mua rất tùy ý, cứ thích là tôi lại mua. Mua con nào tôi cũng đếm nhưng đếm xong lại không nhớ được, có lúc nhiều hơn một có lúc lại thiếu một con. Con số đó không có ý nghĩa gì cả." Kiều Ngọc Hoa bình tĩnh trả lời. Bà hơi cong lưng xuống giống như một con bọ cạp đang im lặng nhếch đuôi, mỉm cười đậu bên vệ đường chờ Hạ Đốn đi qua.
"Đây là một vấn đề quan trọng." Hạ Đốn cương quyết không bỏ qua.
"Cô nói đó là vấn đề thì nó là vấn đề sao? Tôi thấy không có tính thuyết phục. Tôi đến chỗ này không phải để mua tức giận mà là để hỏi ý kiến. Nếu cô không tìm được cách giải quyết thì thôi chứ đừng cố moi ra chuyện để bới móc bằng được." Kiều Ngọc Hoa phản bác.
Người già đều rất cố chấp. Nhưng nếu một nhà tâm lý học đã nhận định một vấn đề thì lại càng cố chấp hơn. Hạ Đốn nói: "Một trăm lẻ một con, đây là một con số rất có ý nghĩa, nhất định đằng sau nó phải có bí mật gì đó."
"Không có, không có bí mật gì hết. Tôi là một người sắp chết, một người sắp chết thì không có bất kỳ bí mật nào cả."
"Bà không nên nói chắc chắn vì nếu nói vậy tức là bà đã đóng lại mọi khả năng để giải quyết việc này, chúng ta rất khó có thể tìm thấy lối ra. Hãy suy nghĩ lại một chút. Tôi nghĩ nhất định phía sau con số một trăm lẻ một này có một cánh cửa bí mật nào đó, nếu tìm được nó thì chúng ta có thể tìm được đường ra." Hạ Đốn háo hức nói. Cô đối với người lớn tuổi đặc biệt là người lớn tuổi sắp chết luôn có một tình cảm quyến luyến sâu sắc.
Dì của bé bị ốm, nhờ người gửi tin đến nói muốn gặp mẹ bé trước khi bà ta mất. Cái nghèo là một sinh vật kỳ quái, nó khiến các mối quan hệ trong gia đình trở nên nhạt nhẽo hoặc bền chặt. Hai nhà đã lâu không liên lạc. Khi gia đình Giáng Hương rất nghèo, thậm chí bé còn không biết người dì này đang ở dưới bóng cây nào, bây giờ mẹ bé tìm thấy một người đàn ông có thể làm phiếu cơm dài hạn thì người dì này mới trồi lên. Mẹ bé biết rõ tất cả những điều này nhưng bà không thể kháng cự loại quan hệ máu mủ ruột già này hơn nữa bà ta còn đang bị bệnh sắp chết. Cái chết là một loại ma thuật có sức mạnh to lớn, nó có thể biến chiến tranh thành hòa bình. Mẹ đã rất hào hứng chuẩn bị cho chuyến thăm người thân này và không nghĩ đến những sắp xếp cho Giáng Hương trong những ngày bà không ở nhà cho đến phút cuối cùng.
"Con đến ở nhà bà Lý đầu thôn mấy ngày nhé?" Mẹ nói.
"Bao nhiêu ngày ạ?" Giáng Hương hỏi.
"Mẹ không biết."
"Dì không cho mẹ trở lại sao?"
"Mẹ không biết."
"Vậy thì tại sao mẹ lại không biết đi trong mấy ngày?" Giáng Hương khó hiểu.
"Bởi vì mẹ không biết tình trạng bệnh của dì tốt hay xấu." Mẹ trả lời.
"Nếu bệnh của dì tốt thì sao?"
"Nếu ổn thì mẹ sẽ về ngay."
"Còn nếu xấu thì sao?"
"Vậy mẹ cũng rất nhanh trở lại."
"Bao giờ có thể tốt hơn chứ?" Giáng Hương hỏi.
"Mẹ không biết."
"Vậy khi nào thì xấu hơn?" Giáng Hương hỏi lại.
"Mẹ không biết nữa." Mẹ lại trả lời.
Vì vậy, Giáng Hương không hỏi nữa. Bé rất buồn vì biết lúc này mẹ chỉ nghĩ đến dì, người phụ nữ mà cô chưa từng thấy trước đây. Giáng Hương ngoan ngoãn đến sống tại nhà bà Lý. Trong ngôi làng này, chỉ có bà Lý là không ghét hai mẹ con bé.
Giáng Hương đến nhà bà Lý một ngày trước khi mẹ bé rời đi. Sáng hôm sau, lúc về tiễn mẹ, Giáng Hương đã nói với mẹ sẽ không đến ở nhà bà Lý. Mẹ rất kinh ngạc và hỏi tại sao? Giáng Hương nói chân của bà Lý bị thối, nó biến thành màu đen rồi. Mẹ thở phào nhẹ nhõm nói còn tưởng chuyện gì. Thối chân(1) là bệnh cũ, không lây, con cứ yên tâm. Giáng Hương định nói mẹ vừa đi thì con sẽ về nhà nhưng bé lại không nói nữa. Bé là một đứa trẻ khôn khéo, bé biết nếu mình nói như vậy thì mẹ sẽ không yên tâm. Bé chưa đưa cho mẹ được món quà gì vì vậy chỉ có thể làm mẹ yên tâm trước khi lên đường.
(1): là bệnh loét do tắc tĩnh mạch chi dưới. Tĩnh mạch chi dưới bị tắc dẫn đến không cung cấp được máu nuôi dưỡng nên bị hoại tử. Lúc đầu bệnh có thể chỉ là viêm rỉ nước, sau đó sẽ lở loét, về già sẽ không đỡ, càng thối càng to, vết thối càng sâu, cuối cùng hoại tử toàn bộ da. Vùng da xung quanh vết loét bị ảnh hưởng, teo lại, chuyển màu thâm đen, gây ra các vết chàm, đóng vảy và ngứa ngáy từng lúc. Một số bệnh nhân đã không được chữa lành trong một vài năm hoặc hơn một thập kỷ, và họ cứ bị bệnh tật hành hạ như vậy.
Mẹ đi mang theo tim, phổi, lòng lợn kho, đây là những thứ mà mẹ đã không cho Giáng Hương ăn trong mấy ngày qua để dành mang đi thăm dì. Xe đường dài đợi đã lâu, lúc lên xe mẹ nói với Giáng Hương phải ngoan ngoãn nghe lời. Mẹ mơ hồ không nói nên nghe lời mẹ, bà Lý hay "phiếu cơm dài hạn". Tóm lại, Giáng Hương quyết định không nghe lời ai, chỉ nghe chính mình. Sau khi tan học, Giáng Hương đến nhà bà Lý và nói với bà già nửa điếc rằng tối nay bé sẽ không đến đây. Bà Lý nói, ồ, hôm nay mẹ cháu không đi nữa sao? Giáng Hương học theo giọng điệu của bà và nói vâng vâng. Bà Lý không hỏi nữa mà chăm chú gõ vào đôi chân đã biến thành màu đen.
Ngài Tô Tam đội mũ lưỡi trai và đeo kính râm lớn che kín cả khuôn mặt. Hôm nay bầu trời nhiều mây.
Sau màn chào hỏi, Hạ Đốn hỏi: "Thật sự là máu sao? Lòng bàn tay và trán."
"Không phải máu. Nhưng trong lòng tôi, nó cũng giống như máu thậm chí còn đáng sợ hơn cả máu."
"Xin cứ tiếp tục."
Tô Tam nói: "Đàm phán với người nước ngoài thì còn đỡ vì các quy tắc đã được xây dựng từ trước nên không có liên quan nhiều đến người đàm phán. Nhưng trong công việc hàng ngày lại có ảnh hưởng rất lớn. Tôi không thể giải thích rõ ràng quan điểm của mình, một số ý kiến rất có giá trị mà không được ủng hộ, tất nhiên, các nghị quyết không được hình thành cũng không được thực hiện, gây ra tổn thất rất lớn trong công việc."
"Ngài muốn thay đổi tình trạng này chủ yếu là vì công việc, đúng không?"
"Về cơ bản. Nhưng tôi không cao thượng như cô nghĩ."
"Ngài còn mục đích gì nữa sao?"
"Cô sẽ không cười tôi chứ?"
"Tôi sẽ không cười ngài, đối với người thành thật, tôi sẽ chỉ có kính nể."
"Được, tôi sẽ nói với cô. Tôi muốn làm quan chức nhà nước. Chứng bệnh sợ phát ngôn này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thăng tiến của tôi."
"Ngài vô cùng quan tâm đến việc thăng chức à?"
Tô Tam rất trịnh trọng nói: "Đúng vậy, tôi rất quan tâm. Đó là lý do tại sao tôi phải đến gặp bác sĩ tâm lý. Nếu cô nói với người khác rằng cô muốn làm quan chức, mọi người sẽ cười nhạo cô còn nếu cô nói muốn đi ăn trộm có lẽ người ta sẽ không kinh ngạc như vậy. Ngay cả vợ tôi cũng không hiểu tôi. Cô ấy làm kinh doanh và gia đình chúng tôi có rất nhiều tiền. Cô ấy nói gia đình chúng tôi đã vượt tầm trung và đến trình độ giàu có nên dù tôi không cần làm gì cũng có thể sống một cuộc sống sung túc đến hết đời. Nhưng tôi không muốn sống một cuộc sống tầm thường như thế. Tôi thường cảm thấy mình là con trai của một tù trưởng cổ đại. Tôi thực sự muốn nắm giữ nhiều quyền lực hơn và đứng lên giải cứu người dân trong thời kỳ nước sôi lửa bỏng. Nói rộng hơn chút đó là muốn đóng góp nhiều hơn cho thế giới, mang lại lợi ích cho nhiều người hơn nữa. Trở thành một chính trị gia, đây là lý tưởng cả đời của tôi, cô sẽ cười nhạo tôi sao?"
"Không, sao tôi lại cười ngài chứ? Ngược lại tôi rất khâm phục lòng dũng cảm và sự cống hiến của ngài. Ngài không vì lợi ích cá nhân mà vì mục tiêu và lý tưởng của xã hội." Hạ Đốn vội vàng đáp lại. Đây hoàn toàn không phải là một biện pháp tâm lý gì mà là những suy nghĩ thực sự của cô. Trong phòng khám tâm lý này, nhiều người nói về nỗi đau khổ của họ và tìm kiếm sự thay đổi. Vì lợi ích của tất cả mọi người như thế này, chỉ có số ít.
"Cảm ơn cô đã hiểu tôi." Tô Tam nhẹ nhõm giãn chân mày, rồi lại nhíu mày nói: "Hạn chế của tôi là khả năng hùng biện. Ở thời đại này, một chính khách không có tài hùng biện tốt, giống như một người phụ nữ không có dáng người nhưng lại muốn làm người mẫu vậy, điều đó là không thể. Vì việc này mà tôi rất lo lắng, đây là một loại tàn tật, không biết cô có thể giúp gì cho tôi không" Tô Tam chờ mong nhìn Hạ Đốn.
"Thứ lỗi cho tôi nói thẳng, tôi cảm thấy ngài đang đưa ra một vấn đề không đúng sự thật."
Tô Tam bối rối: " Cô nói gì vậy?"
"Tôi và ngài đã nói chuyện trong một thời gian khá dài nhưng tôi không nhận thấy bất kỳ vấn đề nào với khả năng giao tiếp của ngài."
Tô Tam bất mãn nói: "Không phải tôi đã nói rồi sao? Nếu chỉ nói chuyện với một hoặc ít người thì sẽ không có vấn đề gì."
"Đúng vậy, ngài vừa nói rằng đây là một khuyết tật về trí tuệ và tài năng. Chúng ta biết, nếu một người có tật ở chân thì khi anh ta đi lại trước mặt một người hay hai người hay bất kể bao nhiêu người thì cái chân đó vấn khập khiễng, đúng không?"
"Đúng."
"Vì vậy, tôi không đồng ý với những gì ngài nói đây là sự khuyết tật về trí tuệ và tài năng. Nếu ngài muốn thay đổi thì phải bắt đầu từ đây.".
"Cô nghĩ rằng tôi chưa từng thử thay đổi suy nghĩ sao? Không! Tôi đã tự nói với bản thân mình một nghìn lần một vạn lần, kể cả những câu mà các vận động viên thường tự động viên mình trước khi lên sân, ví dụ như mọi người đều là đồ ngốc, bạn là người giỏi nhất thế giới, v.v ... Tôi đã thử tất cả. Nhưng không có tác dụng gì. Tôi không phải là người giỏi nhất thế giới, tôi không thể tự lừa dối mình, nếu tôi còn không biết điều này thì tôi là loại chính trị gia nào? Tôi càng tự nhủ mình đừng lo lắng, tôi lại càng lo lắng. Hơn nữa, đến lúc đó tim của tôi đập loạn xạ, dường như đã trở thành vô số quả bom nhỏ, lẩn khuất sau mắt, bên tai, trên đầu ngón tay, thậm chí các huyệt trên lòng bàn chân của tôi cũng có thể cảm nhận được nhịp đập của trái tim. Nếu chỉ có trái tim khó chịu thì còn có thể chịu đựng được nhưng kinh khủng nhất là bàng quang của tôi cũng quấy rối dường như sắp nổ tung và chảy hết nước ra ngoài. Cô biết đấy, đây là một điềm báo rất kinh khủng, nếu tôi tè ra quần trong một tình huống trang nghiêm như vậy thì thật là xấu hổ. Vì vậy, bất kể lúc ấy đang diễn ra cuộc đàm phán quan trọng như thế nào thì tôi cũng phải đứng dậy và đi vệ sinh. Hầu hết thời gian, tôi chỉ có thể chảy ra vài giọt chất lỏng, thậm chí không thể nhấn chìm một con kiến. Tôi rất buồn lòng về vấn đề này nhưng không thể làm gì được. Tôi đã đi khám và bác sĩ nói đó là vấn đề về tuyến tiền liệt(2). Khi bác sĩ làm một loạt các xét nghiệm và nói với tôi rằng tuyến tiền liệt của tôi rất bình thường, tôi đã vô cùng thất vọng. Tôi hy vọng đó là vấn đề về tuyến tiền liệt, vậy thì tôi vẫn có thể được cứu nhưng rất tiếc, không phải. Bây giờ, ai sẽ cứu tôi?"
(2): Phì đại tiền liệt tuyến (BHP – Benign prostatic hyperplasia) có các tên gọi khác như u xơ tiền liệt tuyến, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt lành tính. Là bệnh thường gặp ở người đàn ông trên 50 tuổi gây ra các triệu chứng như: tiểu nhiều, tiểu khó, bí đái, tiều dắt.
Tô Tam tuyệt vọng, trong đôi mắt cơ trí còn có chút hơi nước, Hạ Đốn biết bây giờ, ông ta vô cùng chán nản.
Hạ Đốn nói: "Đừng lo, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng. Điều tôi muốn biết bây giờ là việc này diễn ra trong bao lâu rồi?"
"Đã mấy chục năm rồi."
"Cụ thể nó bắt đầu khi nào?" Hạ Đốn cố gắng hỏi điểm mấu chốt.
"Thật khó nhớ. Những chuyện đã qua không quan trọng. Tôi muốn giải quyết hiện tại."
"Đúng, chúng ta phải giải quyết hiện tại. Nhưng tất cả những vấn đề trong hiện tại đều có ảnh hưởng từ quá khứ. Kí ức của chúng ta không bao giờ quên bất cứ điều gì, chúng chỉ được lưu giữ ở một nơi nào đó mà thôi. "
Tô Tam nói một cách ngờ vực: "Nó nghiêm trọng đến vậy sao?"
" Nó còn nghiêm trọng hơn ngài nghĩ."
"Tôi biết rằng nhiều nhà tâm lý học đang hỏi điểm mấu chốt, như thể họ sẽ không thể giải quyết vấn đề trừ khi phải lôi kéo cả họ hàng hang hốc ra khỏi mồ. Tôi khuyên cô nên bỏ ý nghĩ này đi, cha mẹ tôi rất hòa thuận và sống rất hạnh phúc từ khi tôi còn nhỏ. Quá trình đi học, đi làm của tôi đều thuận buồm xuôi gió. Nếu cô có phương pháp nào khác thì hãy thử còn không thì tôi khuyên cô đừng lãng phí thời gian vào vấn đề này."
Hạ Đốn chưa từng gặp phải một thân chủ không nghe lời như vậy. Tuy có một số người tức giận đến mức không hợp tác nhưng đó là bởi vì thói quen và tính cách của họ chứ không phải cố ý đối chọi gay gắt với bác sĩ tâm lý. Tô Tam thực sự có tố chất của một chính trị gia là thích nắm trong tay mọi chuyện. Hạ Đốn phải kéo ông ta ra khỏi trạng thái này và cô phải trở lại vai trò của một nhà tư vấn và nắm bắt hoàn toàn hướng đi của câu chuyện.
Hạ Đốn nói: "Hình như ngài đã đọc rất nhiều sách tâm lý?"
"Không dám nói nhiều, một ít thôi."
"Tôi có xem qua một quan điểm như thế này, không biết ngài đã đọc chưa?"
"Mời nói."
"Đó là—-ngay cả trong những đứa trẻ được chăm sóc cẩn thận, chấn thương tinh thần là điều không thể tránh khỏi."
"Tôi không biết ai đã nói điều này?"
"Đây là những gì Freud đã nói."
"Những gì ông ấy nói chưa chắc đã đúng."
"Ông ấy nói có đúng không không quan trọng. Ngài tiêu nhiều tiền để ngồi đây, coi như ngài không quan tâm đến vấn đề tiền bạc còn thời gian thì sao? Đối với một chính trị gia luôn muốn nắm quyền kiểm soát mọi thứ như ngài, lãng phí thời gian chẳng khác nào một vụ mưu sát."
Những lời này khiến Tô Tam gật đầu liên tục. Hạ Đốn tiếp tục: "Vì vậy, ngài muốn khả năng giao tiếp của mình được cải thiện là việc của bản thân ngài, không phải việc của tôi. Nhưng vì mục tiêu này, chúng ta phải cùng nhau cố gắng."
Tô Tam nói: "Ý của cô là chúng ta có thể thử chữa ngựa chết thành ngựa sống một lần."
"Tôi chưa bao giờ nghĩ ngài là một con ngựa chết. Nếu ngài đến đây để nhờ sự trợ giúp từ tôi thì bây giờ phương pháp của tôi là muốn biết việc xuất hiện nỗi sợ hãi khi nói chuyện trước đám đông của ngài bắt đầu từ bao giờ?"
Tô Tam rơi vào trầm tư. Một lúc sau, anh ta nói: "Tôi nhớ lại một chuyện. Lúc đó, tôi cũng không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng chẳng qua càng về sau càng nghiêm trọng hơn."
Hạ Đốn theo sát hỏi: "Ngài có thể nói chi tiết cho tôi biết được không?"
"Tất nhiên". Tô Tam liếm môi, cơn khát nước bất ngờ làm ông ta không biết làm sao. Hạ Đốn đã nhạy bén quan sát được hiện tượng này, trong lòng cảm thấy vui mừng vì mọi chuyện đang diễn biến theo chiều hướng tốt.
"Tôi có thể uống nước được không?" Tô Tam hỏi.
"Không thể." Hạ Đốn quả quyết cự tuyệt.
"Sao ở chỗ cô lại giống như trại tập trung của Đức Quốc xã(3) vậy, ngay cả nước cũng không có sao?" Tô Tam rất bất mãn.
(3): còn gọi là Đệ Tam Đế chế hay Đế chế thứ ba, là nước Đức trong thời kỳ 1933 – 1945 đặt dưới một chế độ độc tài toàn trị chịu sự kiểm soát của Adolf Hitler và Đảng Quốc Xã (NSDAP). Dưới sự thống trị của Hitler, nước Đức đã biến đổi thành một nhà nước phát xít toàn trị cai quản gần như mọi mặt của đời sống.
"Điều này là vì muốn tốt cho ngài. Bây giờ ngài cảm thấy khát nước không phải vì ngài thiếu nước trong cơ thể mà là do ngài cảm thấy những lời ngài sắp nói khiến ngài căng thẳng, khô miệng và khó nói. Nếu ngài uống nước thì sự căng thẳng này sẽ bị hòa tan giống như một người lâm trận bỏ trốn." Hạ Đốn giải thích rõ ràng tỉ mỉ.
"Không uống thì không uống." Tô Tam đành phải từ bỏ khát vọng uống nước, tiếp tục nhớ lại kí ức đã chôn giấu từ lâu.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com