Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Ngược về quá khứ.

!!!: Câu chuyện mượn bối cảnh lịch sử để xây dựng nội dung, mọi tình tiết đều là tưởng tượng.









Không gian ẩm thấp nhỏ bé của căn hầm núp ra xa rìa ngoài khu ổ chuột nồng mùi tử thi dày đặc, lợn cợn những khối nặng nề lởn vởn trong không khí, đè nén lên buồng phổi của bất cứ ai xuất hiện gần quanh. Có vài ba cái xác chồng lên nhau, mắt trợn trắng nhìn vào hư vô, nhục thể dần chuyển màu tím tái khi hàng triệu tế bào đang phân rã một cách nhanh chóng. Có mấy cái xác đơn lẻ nằm ngả nghiêng không lành lặn rải rác khắp căn phòng hơn mười mét vuông, tức là khoảng cách chỉ vài chục phân. Giữa từng lớp mùi của cái chết và sự sống giao thoa nén chặt, loáng thoáng mùi máu tanh, như có như không, chẳng dễ nắm bắt.

Và thoáng qua, phải nghe kỹ mới nhận thấy, một nhịp thở thoi thóp, nhẹ tựa làn mây trong. Đôi mắt mờ đục run rẩy chỉ hé mở, không để ý thì cũng chẳng nhận ra. Người nọ bao bọc bởi máu, chả biết máu của ai, từ trên mặt, xuống khắp người. Bên chân trái mất hẳn một miếng thịt bắp, máu tí tách chảy, gần đầu gối được buộc chặt bởi miếng vải rách nhằm cầm máu, miếng thịt bị cắt vì lở loét vẫn còn đỏ rực trên đất. Lướt qua, chẳng ai nghĩ đấy là người sống, dù máu vẫn nóng. Bên ngoài lẫn lộn tiếng súng, tiếng gào khóc, tiếng cầu xin, tiếng chửi bới, ngay sát trên tầng hầm. Những âm thanh hỗn loạn vang vọng, lướt qua, dội lại, đưa khung cảnh đẫm máu dưới căn hầm trở nên rùng rợn hơn bao giờ hết.

Khu ổ chuột Warsaw được Đức Quốc Xã xây dựng để "bắt giữ" những "tù nhân" Do Thái. Cơ sở vật chất nghèo nàn, vệ sinh không được đảm bảo, hàng chục nghìn người chết một cách "tự nhiên" do dịch bệnh giống như bên trong căn hầm. Bên trên là tra tấn, là bóc lột, là cả các cuộc vùng lên nhỏ lẻ dễ dàng bị dập tắt bởi súng đạn và quyền lực. Tất cả sự tàn khốc ấy được vây lấy bởi bức tường thép gai sừng sững, lạnh lẽo và cao lớn, với cánh cổng lớn mà mỗi lần mở ra đều sẽ nối tiếp những cảnh tượng kinh hoàng.

Bỗng, đôi mắt tưởng chừng đã mãi mãi nhắm lại mở to, da mặt đầy những vết máu khô khẽ cau lại tạo thành các vết nứt nham nhở, lộ rõ vẻ căng thẳng. Nguyên do là bởi cánh cửa phía trên chợt mở. Những người biết đến căn hầm đều đang ở dưới này, hiển nhiên, chỉ còn lại một người sống sót, dù hơi thở đã yếu đến mức tan vào không khí. Cửa mở, hoặc là có người chạy đến trốn, hoặc là quân đội đến dọn dẹp. Tiếng động bên ngoài khuếch đại trong vài giây ngắn ngủi rồi lại bị ngăn cách, chứng tỏ có người đã đi vào, nhưng kì lạ làm sao, chẳng có bất cứ thay đổi gì. Phải một lúc sau, âm thanh nức nở mới to dần. Tiếng khóc ấy nhuốm lên không gian màu sắc của sự thống khổ, dằn vặt, hơn hết, là bất lực. Chỉ có những kẻ ngoài cuộc mới bàn đến chuyện thắng thua, còn bất cứ ai tham gia chiến tranh đều chỉ cảm thấy đau đớn khôn cùng.

Người đi vào là một chàng lính trẻ, nom mới độ đôi mươi, mang quân phục của Đức Quốc Xã. Trên người anh lấm lem đất cát, hai cánh tay nổi bật với màu đỏ thẫm như nhung, trông chẳng khác gì mới được vớt ra từ biển máu. Khuôn mặt đẫm nước mắt, nước mũi và mồ hôi trộn lẫn căng thẳng đến mức cứng đờ, mặc cho hỗn hợp chất lỏng nhem nhuốc. Chàng ta thận trọng đi xuống nơi sâu nhất, lặng người trước khung cảnh lộn xộn dưới ánh sáng mỏng manh và thứ mùi đặc quánh. Rồi, người lính kính cẩn nghiêng mình, lặng lẽ tưởng niệm những người đã khuất. Anh cởi chiếc áo ngoài ra phủ lên tay, cố gắng đưa các thi thể về lại cạnh nhau.

Khi chàng lính bước đến bên người duy nhất còn sống kia, người ấy đã rơi vào hôn mê. Đó là một cậu bé. Hình thể của em nhỏ nhắn với chi chít các vết thương, mắt em nhắm lại, như lạc vào giấc mộng an yên, nơi em tự do và hạnh phúc. Anh lính cau mày suy nghĩ trước khi bao bọc em trong chiếc áo khoác của mình, bế em lên. Anh sẽ cứu đứa trẻ này.

Mất một khoảng thời gian để người lính Đức đưa cậu bé Do Thái đến được căn cứ bí mật của anh giữa đống đổ nát do bom mìn, nhỏ bé, tồi tàn, nhưng an toàn. Anh chỉ có thể sơ cứu qua loa cho cậu, còn chiếc chân trái do bị hoại tử, anh đã cắt hẳn phần chân từ đầu gối trở xuống. Cậu bé vẫn chưa tỉnh lại, mà cũng chẳng biết có thể tỉnh lại không. Chỉ cần cậu mở mắt, anh sẽ nghe theo mọi quyết định của cậu đối với số phận của chính cậu.

Cậu bé choàng tỉnh, rồi lại nhắm chặt mắt, nhíu chặt mày, quằn quại vì đau đớn. Người lính không có ở đây, chỉ có nỗi đau thể xác và sự mục ruỗng từ linh hồn dằn vặt đứa trẻ không thôi. Cậu thấy bóng dáng của anh khi mặt trời tắt hẳn, quân phục trên người anh khiến anh trông chẳng khác nào thần chết đang bước tới. Mắt cậu trợn lên, ánh nhìn biểu lộ rõ sự bài xích, thù địch, đến mức cả cơ thể cậu cũng ngay lập tức vặn vẹo.

Anh lính thở dài, bắt đầu lên tiếng giải thích. Anh kể lại mọi chuyện từ lúc bước vào căn hầm đến tận thời điểm hiện tại và bảo rằng mình không hề có ý xấu.

Hoá ra, bố anh cũng là một người lính, từ khi anh chào đời ông đã theo quân đội, anh sống với mẹ ở một làng chài hoang vắng. Vốn sẽ theo nghề đánh cá, bố lại tự dưng xuất hiện, mang anh vào chiến trường. Thể lực và sức bền tốt, anh rất được coi trọng trong binh đoàn, nhưng thực chiến lại là khía cạnh hoàn toàn khác. Việc đối diện với sự sống đang chết dần hoặc thậm chí là chấm dứt một sự sống của loài người chẳng hề giống như loài cá, nhưng chúng lại có rất nhiều điểm tương đồng. Xác người chất thành đống trông y như đàn cá vừa được đánh bắt đang chờ chế biến. Cách viên đoạn xuyên qua cơ thể người cũng hệt như cách cái lao xiên cá hoạt động. Và hình ảnh những đôi mắt mở to vì cái chết đột ngột ăn mòn tâm trí người lính hằng đêm, để giờ đây, dù lớn lên từ biển cả, anh không thể ăn cá được nữa. Anh lính rơi vào nhà tù ảo ảnh của bản thân mà không nhận ra cậu bé đã xoay lưng lại với anh mà ngủ quên từ lúc nào.

Sáng hôm sau, cậu bé thức dậy đã chẳng thấy tăm hơi người lính đâu, chỉ thấy một khẩu phần ăn quân đội được đặt ngay ngắn bên cạnh. Từ đấy trở đi, tuy vẫn giữ im lặng với người lính, nhưng không khí giữa hai bên đã hoà bình hơn rất nhiều. Anh chàng chỉ xuất hiện khi trời đã tối đen, hôm có hôm không, cung cấp nhu yếu phẩm cho cậu, nghỉ ngơi một đêm rồi biến mất.

Đến khi vết thương đã lành hẳn, cậu hồi phục tương đối, người lính hỏi cậu định làm gì tiếp theo. Cậu bé bỗng ngẩn ngơ. Anh cũng kiên nhẫn chờ cậu tìm câu trả lời, không giục giã, không hối thúc.

Phải đến mấy hôm sau, cậu bé mới mở miệng nói chuyện lần đầu tiên, nhưng lại chẳng nhắc gì tới tương lai. Cậu nói về gia đình đã mất, về những người đồng hương, về sự xua đuổi của chủ nghĩa bài Do Thái, về sự giết chóc. Cậu đã di chuyển khắp nơi kể từ khi sinh ra, lang thang, tựa kẻ lưu lạc, cho đến khi bị bắt vào khu ổ chuột này năm ngoái. Cậu bảo rằng, ý chí của dân tộc cậu mạnh mẽ và bền bỉ xiết bao, mặc cho dịch bệnh hoành hành, mặc cho sự phủ nhận của người ngoài, tôn giáo và văn hoá vẫn được gìn giữ và phát triển, dù cho chỉ còn chút hơi tàn. Thế mà chẳng hiểu sao, cậu mệt mỏi lắm.

Rồi cả hai im lặng. Bầu trời cao vời vợi, tối tăm mịt mù, lâu lâu sẽ có tiếng khóc, chửi rủa, rên rỉ, và cả tiếng vũ khí vọng lại trong đêm. Không ai ngủ được.

Hai tâm hồn lạc lõng, cô độc tìm thấy nhau, tồn tại chung một khoảnh khắc.

Có một cuộc sống mới đã hình thành, trong chiến tranh, giữa bom đạn. Người lính Đức đi ra ngoài từ sáng sớm đến tối muộn, cậu bé người Do Thái thì dưỡng thương trong thời gian suy ngẫm cho sự sống. Bọn họ có những đêm thức trắng, chia nhau mấy mảnh quá khứ vụn vặt, gặm nhấm chút giấc mộng nhỏ bé được gói ghém kĩ càng. Cậu bé kể về những ngày lễ liên tiếp của dân Do Thái, cậu phụ trách âm nhạc cho những buổi tụ tập vài ba người, mọi người sẽ cùng ngồi xuống cầu nguyện. Cậu nói rằng âm nhạc là thứ đẹp đẽ, vô hình với sức nặng khủng khiếp đến nhường nào. Anh sẽ mang về giấy và bút cho cậu, kể cho cậu nghe về số người ít ỏi trong làng, đa phần là người già, anh khi đó là đứa trẻ duy nhất, được họ chăm sóc chu đáo ra sao, giúp đỡ họ sửa chữa đồ đạc như nào. Cả hai sẽ cùng bật cười khi anh lính nhắc về chuyện anh được ưu ái đặt cho biệt danh 'chàng kỹ sư', và cậu nhóc bên cạnh sẽ ngả đầu lên vai anh, vừa nghe anh nói về việc làm cho cậu một cây sáo, vừa hí hoáy với những bản nhạc của mình.

Một ngày nọ, người lính thực sự quay về với một cây sáo cũ. Anh bảo, cây sáo được mua từ thị trấn bên ngoài khu ổ chuột, anh không rõ lắm về cơ chế của các loại nhạc cụ nên chưa thể tự tay làm cho cậu bé một cây sáo riêng, tuy nhiên, anh chắc chắn sẽ tặng cậu cây sáo độc nhất vô nhị vào ngày không xa. Thế là cứ vài ngày, tiếng sáo nhẹ nhàng thoang thoảng lại vang lên giữa đêm khuya vắng vẻ, như có như không, hoàn toàn che lấp bởi âm thanh chiến tranh, nhưng nó tuyệt nhiên không dừng lại.

Tiếc rằng, chiến tranh thì lấy đâu ra chỗ cho bình yên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com