Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Write|P2 - Mã phách: 07


KHỞI ĐẦU - LÀ LỰA CHỌN CỦA BẠN

Phòng 2: "Để tôi kể bạn nghe về giấc mơ của mình, nơi tôi đã tìm thấy một bảo vật: Một tấm gương phản chiếu rõ lòng người."

Thí sinh: Kí

Số báo danh: 18

Mã phách: 07

___________________________________

Khung Cửa Sổ

Trời về chiều. Những ánh nắng cuối cùng của ngày tàn chiếu qua khung cửa sổ, rọi lên khuôn mặt mệt mỏi của lũ bạn tôi. Đã là tiết cuối của buổi chiều và tinh thần đứa nào cũng rệu rã hết cả. Hai ca Văn, mỗi ca kéo dài gần hai tiếng mà chỉ được ngăn cách bằng vẻn vẹn mười lăm phút ra chơi, đã nghiền nát tinh thần của từng đứa, khiến ngay cả những đứa đam mê nhất cũng khó lòng mà trụ lại được. Thầy tôi tạm dừng bài giảng, dường như ông cũng nhận ra sự chán chường đang len lỏi trong bầu không khí lớp học. Ấy quả là một ân xá lớn cho đám chúng tôi, cả bọn mừng rỡ cất sách vở và ngồi chờ đợi một tiếng chuông tan trường. Nhưng thầy tôi nom không được thoải mái như thế, khuôn mặt ông hơi có vẻ gì cau có, lưỡng lự: chân mày nhíu chặt và môi thì bặm lại.

Thầy ngẩng đầu lên khỏi laptop và nhìn mớ hỗn độn mệt mỏi ở dưới lớp, đoạn thầy đứng dậy, cầm lấy phấn, vừa viết vừa nói:

- Thầy chọn đội tuyển ghép để bồi dưỡng cho thi Học sinh giỏi Quốc Gia.

Thầy tôi nói nhẹ tênh như thể chỉ đang thông báo một tin tức không quan trọng, ấy thế mà lớp tôi dừng bặt mọi hoạt động. Tôi nghe tim mình đập điên cuồng trong lồng ngực, thấp thỏm và lo âu như chính bản thân tôi. Đội tuyển Quốc Gia đối với tôi giống như một giấc mơ tôi khao khát chạm tay vào ngay từ những ngày đầu nhập học. Tuy vậy, lớp tôi không phải nơi dễ “chơi” như thế. Người ta bảo rằng con gái chuyên Văn dịu dàng và thường có đôi chút ngẩn ngơ, nhưng đối với tôi thì ấy hẳn chỉ là lớp vỏ bọc vô hại cho cái bản chất gai góc bên trong. Đứa nào cũng mang trong mình sự hiếu thắng và muốn đè bẹp đứa khác dưới chân. Chúng nó vẫn cười với nhau vui vẻ trong khi ganh đua, giẫm đạp nhau để có được vinh quang. Tôi cũng không phải ngoại lệ, vì nếu không tranh đấu thì giấc mơ của tôi cũng sẽ mãi chỉ nằm trong mộng tưởng hão huyền và xa vời.

Chúng tôi chờ đợi thầy xướng lên những cái tên. Dường như đứa nào cũng lo âu, bởi lẽ lớp học im phăng phắc chỉ còn lại tiếng hơi thở nặng nề lẫn vào tiếng tim đập thình thịch. Từng cái tên một được viết ra, mười hai cái tên mà chẳng mấy chốc đã chỉ còn một. Thầy tôi dừng lại và lưỡng lự. Ông nhìn lướt qua chỗ tôi, rồi nhìn một đứa khác ở cuối lớp. Tim tôi hẫng một nhịp, lòng bàn tay dấp dính mồ hôi. Thầy quay người lên bảng và chậm rãi viết. Nhưng ngay khi thấy tên mình xuất hiện rõ mồn một trên nền bảng xanh, đầu óc tôi lại bỗng như ngừng hoạt động. Sự sung sướng giống như một ngọn núi lửa phun trào mãnh liệt trong cả trái tim lẫn bộ não. Đúng vậy! Cái tên đó nên là, phải là tên tôi, bởi chỉ có tôi mới chứng minh được rằng Học sinh giỏi Quốc gia là sân chơi của tôi và sẽ chỉ là của tôi thôi! Tôi thậm chí có thể cảm thấy adrenaline chạy dọc cơ thể và gào thét âm thanh của kẻ chiến thắng. Phải! Kẻ chiến thắng!

Chuông tan học đột ngột vang lên và phá vỡ bầu không khí căng thẳng trong lớp. Tôi chầm chậm đứng dậy, bước ra ngoài, đầu óc hãy còn quay cuồng với những ý nghĩ riêng.

-

Những ngày học Đội tuyển ghép với tôi là những ngày ở thiên đường. Dù rằng nó hẳn giống một lò luyện ngục hơn, vì khối lượng bài tập lẫn stress ngày một tăng lên. Nhưng tôi hạnh phúc với điều đó. Được đắm chìm trong kiến thức, và đặc biệt là được đắm chìm trong văn học với tôi hẳn là điều tuyệt vời nhất trần đời! Bởi đời thì chẳng có gì đẹp bằng văn, lộng lẫy bằng thơ và kỳ diệu như ngôn từ; bởi đời thì chẳng có gì soi tỏ lòng người bằng văn chương và bằng nghệ thuật. Khao khát ấy hun cháy tôi mỗi ngày, ép tôi làm việc như một cỗ máy mà tôi hoàn toàn không phản kháng gì, vì để có được thứ mình mong muốn, tôi sẵn sàng làm một cỗ máy.

Nhưng có một điều tôi quên mất: máy móc thì không thể thay thế con người, bởi máy móc thì không có trái tim mà văn chương thì cần tới trái tim nghệ sĩ hơn bao giờ hết.

Thời gian trôi nhanh như cánh chim qua cửa, nhoáng một cái đã đến vòng thi chọn chính thức. Tôi bước vào phòng thi với một tâm thế tự tin. Tôi đã nhồi vào đầu tôi hàng trăm trang kiến thức, tích trữ vào trong bộ não bé bỏng một mớ lời giảng của hàng chục giáo sư mà đôi khi tôi thực ra cũng chẳng hiểu chúng nói về cái gì, nhưng tôi vẫn tự hào và tự tin rằng sẽ chẳng có ai đủ sức để qua mặt được tôi.

Đề không khó, nhưng nó ở một lĩnh vực mới quá, một lĩnh vực mà cần trái tim rung cảm nhiều hơn và phải chăng vì thế mà tôi làm không tốt. Tôi không biết và cũng không muốn biết tại sao. Đề chỉ ở mức tầm trung và thừa sức để tôi đánh bại tất cả, nhưng tôi làm không tốt. Thế thì còn ai quan tâm tôi học như thế nào, tôi cực khổ ra sao, khi cuối cùng kết quả thi chỉ gói gọn trong vỏn vẹn có hai chữ “không tốt”, hay nặng nề hơn, là một chữ “tệ”. Tôi đoán được kết quả, nhưng tôi không dám đối diện với cái kết quả ấy. Tất cả những gì tôi học được, tất cả những gì tôi dày công ghi nhớ giờ đều trở thành sự giễu cợt cho cái đần độn của tôi.

Tôi nhận được những ánh mắt thương cảm và chế nhạo vào ngày có kết quả. Dường như chúng bạn thương cảm tôi vì cố gắng quá nhiều, mà cũng chế nhạo tôi vì cố gắng quá nhiều. Tôi bần thần cả ngày hôm ấy. Kết quả là một thứ tôi đã đoán được, nhưng cũng là thứ tôi không sẵn sàng để đối mặt. Ánh mắt của từng người một chĩa vào tôi như những mũi giáo sắc, thất vọng, thương xót và cả khinh bỉ, tất cả đâm xuyên qua tự tôn của tôi, chọc cho nó rách bươm, nát bét.

Bạn bè cố gắng an ủi tôi, rằng Quốc gia không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc đời học sinh. Nhưng làm sao họ hiểu được nó có ý nghĩa với tôi như thế nào, tại sao họ phải áp đặt bản thân họ lên tôi bởi họ không làm được còn tôi thì có thể? Hay ngoài mặt là những lời an ủi, nhưng bên trong thì là sự đàm tiếu? Bởi tôi cũng có hơn gì họ đâu khi tôi cũng chỉ là một kẻ thất bại, cũng chỉ là một con cá tầm thường trong cái một cái ao nhà thô kệch. Đầu óc tôi chìm trong những ý nghĩ ấy, bị bủa vây bởi sự mơ hồ và thấy ác cảm với bất cứ ai nói lời ủi an. Và phải chăng vì thế, tôi trượt dài trên vết xe đổ của mình: điểm số tuột dốc không phanh và luôn cáu bẳn với mọi người. Đến cả những đề Văn dễ nhất, tôi cũng không thể xử lý nó dễ dàng. Tôi sợ mình sẽ nhìn thấy những ánh mắt thất vọng ấy một lần nữa, sợ tôi sẽ phải đối mặt với sự thực rằng tôi không làm được gì cả, và rằng văn chương với tôi chỉ là người khách lữ hành ở tạm một đêm trong một túp lều cảm xúc xiêu vẹo rồi vội vã rời đi ngay khi hừng đông để kiếm một chỗ trú chân xa hoa hơn. Nhưng rồi càng gồng mình, tôi lại càng thất bại và hy vọng cũng cứ thế lụi tàn. Tôi lạc lối trong một mê cung, cố gắng để tìm cho mình một lối ra rồi lại đâm đầu vào ngõ cụt.

Thế rồi giữa những cơn hoảng loạn và mê dại, tôi chợt nhìn thấy Ngọc. Ngọc là một đứa luôn đứng gần cuối lớp tôi. Nó không phải một đứa ngốc nhưng nó lười và thường để tâm trí thả đi đâu trong suốt những tiết học. Thầy cô chẳng ưa cũng chẳng ghét nó, bạn bè thì đứa quý đứa không nên cũng chẳng khác nào một nhỏ vô hình trong lớp. Nhưng Ngọc lạc quan. Lúc nào nó cũng cười và dù cuộc đời chẳng có gì vui tươi, nó vẫn cười. Ngọc cũng yêu văn chương, dù rằng những yêu thương nó bày tỏ lên trang viết không nhiều và cũng chẳng mấy khi nó nhận được lời khen từ giáo viên, Ngọc vẫn yêu văn chương. Cái yêu của Ngọc rõ ràng có gì đó khác tôi nhưng cụ thể là cái gì thì tôi không chắc.

Tôi nói chuyện với Ngọc khi chỉ còn hai đứa ở trường. Ấy là một hôm nắng to và cả hai ở lại vì không có ai đưa về. Thường ngày thì Ngọc sẽ tự đi xe nhưng hôm ấy xe nó hỏng (Ngọc bảo thế) và từ một đứa thường đi lẻ bóng trong giờ bán trú buổi trưa, tôi bỗng có thêm một người đồng hành bất đắc dĩ. Ngọc lải nhải với tôi đủ thứ chuyện, từ chuyện tình cảm của một đứa lớp bên cho tới cái mầm be bé trên một cái cành to to của cái cây ngoài cửa sổ mà nó mới quan sát được. Nhưng đối với tôi thì điều ấy thật phiền phức và vô lý, khi một người yêu văn chương lại dám lơ đãng trong tiết Văn chỉ để quan sát một thứ không liên quan ở ngoài cửa sổ. Và tôi trách nó:

- Tao mừng là mày yêu thiên nhiên. Nhưng sẽ thật tệ nếu mày không tập trung trong giờ học.

- Đầu óc đôi khi cũng cần thoải mái, và đặc biệt là giờ Văn, áp lực quá nhiều viết Văn sẽ không hay đâu.

- Mày cũng có bao giờ được thầy khen đâu mà.

- Đấy là bởi vì cứ vào giờ là tao thấy áp lực, thế nên tao mới tự tin hơn khi tao viết trên mạng.

Tôi im lặng, có lẽ Ngọc nói đúng nhưng tôi không thích quan điểm ấy. Tuy vậy, tôi cũng chẳng phản bác được. Và để tránh cho một cuộc chiến không đáng có, tôi lảng sang truyện khác:

- Nhưng rõ ràng là mày yêu văn chương, đúng không?

- Cái yêu của tao với của mày không giống nhau. – Ngọc cười rộ lên rồi lại nói tiếp. – Yêu của tao là yêu thôi, yêu theo cái kiểu không vụ lợi. Còn kiểu của mày thì căng thẳng và nhiều mong muốn hơn. Đối với tao thì văn chương là một thứ keo kiệt, nghĩa là mày yêu nó, phải tốn cho nó rất nhiều nhưng nhận lại thì chẳng bao nhiêu. Giả như mày nhét vào đầu hàng chục cuốn sách, hàng trăm tờ tài liệu thì thứ mày nhận được chỉ là cách cảm thụ văn học tốt và đôi khi là mấy bài học làm người thôi. À thì tất nhiên tao không coi nhẹ mấy cái đó… Nhưng tựu chung, tao muốn viết những gì tự tận sâu bên trong tao nhiều hơn là phải viết theo ý của một ai đó. Mày cũng yêu văn chương nhưng mày lại mong cầu quá nhiều. Đừng nên yêu nó theo kiểu vụ lợi thì mày sẽ thấy bản thân nhẹ nhõm hơn và văn chương tự sẽ nảy nở trong lòng mày thôi. Bởi “thi ca là một tôn giáo không kỳ vọng” mà.

Tôi không trả lời Ngọc và nó cũng im lặng. Trong đầu tôi bỗng xoay vần đủ thứ từ thầy cô, gia đình, bè bạn cho tới những trang văn, rồi một cái xoáy sâu như hố đen hút toàn bộ mớ hỗn độn ấy vào trong và nuốt chửng chúng, đầu tôi bỗng rỗng không và trong vắt như bầu trời ngoài cửa sổ. Đúng vậy. Chỉ có kẻ bước ra khỏi khung cửa sổ, mới có thể vẽ bầu trời trải dài khắp trang giấy.

___________________________________

Đôi lời nhận xét:

Chính tả: Không có lỗi chính tả.

Giám khảo 1:

Xây dựng nhân vật: 

Diễn biến tâm lí nhân vật chính ở đoạn cuối chuyển quá nhanh. Có thể cậu ta sau khi nghe xong lời khuyên đã ngộ ra điều gì đó, song vẫn cần phải có thời gian suy ngẫm và chuyển hướng suy nghĩ nhân vật.

Tâm lí nhân vật được chia làm hai phần rõ rệt: Ban đầu và hiện tại. Khi đọc bài, phần ‘ban đầu’ được khắc họa kĩ và nổi bật hơn rất nhiều phần còn lại. ‘Hiện tại’ bị lấn át khiến cho hình ảnh nhân vật “tôi” trong đầu người đọc không có ‘sự thay đổi’.

Cốt truyện:
 
Thiếu mất chi tiết chiếc gương phản chiếu lòng người.
Trên lí thuyết - tức những thứ được viết trong bài làm - nhân vật tôi đã thay đổi. Nhưng thực tế trong cảm nhận của người đọc, ngoài ngộ ra một số điều thì cậu ta chưa thay đổi gì cả. Bởi diễn biến truyện dừng ngay tại lúc cậu ta chỉ mới bắt đầu chớm nở những suy nghĩ khác. Bản chất đề bài đề 2 vốn là để đề cao sự tốt đẹp, mặt tích cực của những người vẽ được bầu trời trải dài khắp trang giấy (ngay từ câu “vẽ được bầu trời trải dài khắp trang giấy” nó đã thể hiện phần nào sự tích cực rồi). Tiếc là mã 7 đã không thể hiện được điều đó. 

Mạch truyện: 
Đoạn cuối hơi nhanh.

Giám khảo 2:

Cốt truyện rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu. Người đọc có thể ngay lập tức hình dung ra bối cảnh và phân cảnh của câu chuyện ngay từ khúc đầu, từ đó dễ dàng dõi theo nhân vật chính. 
Nhìn chung, điểm nhấn tươi sáng của câu chuyện là nhân vật “Ngọc” – tuy chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng lại đem lại cảm giác mát mẻ tươi mới – kéo người đọc ra khỏi cảm xúc tiêu cực của nhân vật chính. Chi tiết nhỏ này lưu lại ấn tượng giống như một viên đá quý nhỏ đính lên nền vải đen, tạo ra một điểm nhấn khác biệt, làm cho người đọc vô thức dồn sự chú ý đến nhân vật này hơn. Lời thoại của nhân vật mang tầng ý nghĩa sâu sắc, là thông điệp ngầm gửi đến người đọc, lưu lại dư vị nhẹ nhàng.
Văn bản súc tích mạch lạc, tình tiết rõ ràng, không có quá nhiều những thăng trầm gây khó hiểu. 

Tuy nhiên:

Lời văn và cốt truyện tuy bình ổn, nhưng lại quá “yên bình”. Dù là khi nhân vật chính thể hiện sự hồi hộp, lòng hiếu thắng, hay khi tuyệt vọng và trượt dài sau thất bại, lời văn lại không lột tả được hoàn toàn những cảm xúc này. Mặt tự sự và miêu tả rất tốt, nhưng cảm xúc cho câu chuyện và cách dẫn dắt người đọc cần được trau dồi.
Câu chuyện kết thúc là một cái kết mở, nhưng lại để lại cảm giác chơi vơi hụt hẫng cho người đọc. Khách quan mà nói, câu chuyện giống như một đoạn ngắn trích ra từ một câu chuyện dài, hoặc có thể nói nó giống như chỉ là một phần lời mở đầu của một cuốn tiểu thuyết dài hơn là một câu chuyện hoàn chỉnh – theo cả cốt truyện và ngữ nghĩa. 
Người đọc có thể sẽ dễ chán và thất vọng sau một lần đọc vì họ sẽ mong chờ điều gì đó xảy ra, nhưng kết cục là chẳng có gì. Đặc biệt điểm này cần lưu ý. 
Chưa có sự sáng tạo nào về nội dung. 

Giám khảo 3:

Giọng văn rất êm, rất hay, từ ngữ của bạn rất phong phú và có hình ảnh. Việc bạn sử dụng nhiều các tính từ miêu tả, hạn chế việc lặp lại từ ngữ khiến cho văn phong của bạn thêm phần trau chuốt.

Về nhân vật, nhân vật được khắc họa rất đời thường, nhưng cũng thiếu đi điểm nhấn mà trở nên bình thường trong mắt người đọc. Nhân vật được chú trọng xây dựng nội tâm, lời nói và suy nghĩ không có gì mâu thuẫn nhau nhưng cái nhân vật cần được trao cho chính là cơ hội tỏa sáng. Nhân vật Ngọc cũng vậy, ít đất diễn hơn nhưng bù lại nhân vật này đóng tốt vai trò xúc tác, tạo ảnh hưởng tới nhân vật chính.

Lại nói về cốt truyện thì mình thấy tiếc thật sự.

Nhưng có một điều tôi quên mất: máy móc thì không thể thay thế con người, bởi máy móc thì không có trái tim mà văn chương thì cần tới trái tim nghệ sĩ hơn bao giờ hết.”

“Yêu của tao là yêu thôi, yêu theo cái kiểu không vụ lợi. Còn kiểu của mày thì căng thẳng và nhiều mong muốn hơn. Đối với tao thì văn chương là một thứ keo kiệt, nghĩa là mày yêu nó, phải tốn cho nó rất nhiều nhưng nhận lại thì chẳng bao nhiêu.”

Bạn đã chọn một vấn đề rất đặc biệt để truyền tải rồi và chính những vấn đề này sẽ đáp ứng được chủ đề của câu chuyện mà bạn cần tập trung khai thác. Nếu bạn khai thác tốt thì cả câu chuyện của bạn sẽ thăng hoa rất nhiều. Khi đọc đến đây thì mình có sự chờ đợi vô cùng lớn ở truyện của bạn nhưng khi nhận ra đây là đoạn chốt kết truyện thì mình cảm giác hụt hẫng không thể nào tả được. 

Cốt truyện của bạn không có gì mới mẻ, những tình tiết trong truyện của bạn đều không quá độc lạ nhưng chính những gì mình nói trên sẽ là điểm bứt phá cho câu chuyện của bạn. Nhưng cuối cùng bạn lại không tập trung bộc lộ nó, dẫn đến việc khiến cho câu chuyện của bạn trở nên chóng vánh và sơ sài. Truyện của bạn cần được đầu tư viết dài hơn thì mới có thể đạt được sự trọn vẹn.

Hơn nữa, nhân vật đã có phần đúc kết “Chỉ có kẻ bước ra khỏi khung cửa sổ, mới có thể vẽ bầu trời trải dài khắp trang giấy” nhưng phần đề: “Để tôi kể bạn nghe về giấc mơ của mình, nơi tôi đã tìm thấy một bảo vật: Một tấm gương phản chiếu rõ lòng người” thì không hề được đề cập. Có vẻ như bạn đã bỏ qua mất yêu cầu của đề bài, một sai sót cực kì nghiêm trọng.

Điểm: 6. 083

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com