1. Thời thơ ấu
1. Thời thơ ấu
Quê quán và song thân của Fukuzawa Yukichi
Cha tôi là Fukuzawa Hyakusuke (Phúc-Trạch Bách-Trợ), một võ sĩ của lãnh địa Nakatsu (Trung-Tân), thuộc quyền quản hạt của lãnh chúa dòng họ Okudaira (Áo-Bình) ở Buzen (Phú -Tiền) . Mẹ tôi là Ojun (Ư-Thuận), con gái cả của gia đình võ sĩ Hashimoto Hamaemon (Kiều- Bản Tả-Vệ-Môn) cùng lãnh địa. Đẳng cấp của cha tôi có tư cách được tiếp diện lãnh chúa trong những buổi nghi lễ nhất định, nên có hơn những lính quèn Ashigaru (Túc-khinh) , nhưng cũng chỉ là tầng lớp võ sĩ cấp thấp, ví như chức quan Haninkan (Phán-nhiệm-quan) bây giờ.
Trong lãnh địa, cha tôi làm Motojime-yaku (Nguyên-đế-dịch) giữ phiên ở Kurayashiki (Thương-ốc-phu) của lãnh địa Nakatsu đóng tại Ōsaka (Đại-Phản) trong một thời gian khá dài.
Sinh ra ở Ōsaka
Bởi vậy, gia đình tôi không ở dưới lãnh địa mà chuyển cả lên Ōsaka. Anh chị em tôi đều sinh ra ở Ōsaka. Gia đình tôi có năm anh chị em. Tiếp theo anh trai cả là ba chị gái và tôi là con út. Tôi sinh năm Tempō (Thiên-Bảo) thứ năm (1834-ND), ngày 12 tháng 12 . Khi đó, cha tôi 43 tuổi, còn mẹ thì 31 tuổi.
Nhưng tháng 6 năm Tempō thứ bảy (1836-ND), một điều bất hạnh đã ập xuống, cha tôi lâm bệnh và qua đời, để lại một mình mẹ tôi với năm con nhỏ. Khi đó, anh trai tôi 11 tuổi, còn tôi mới lên 3. Chúng tôi không thể ở lại Ōsaka mà cả mấy anh chị em đều theo mẹ về nhà dưới lãnh địa.
Cả năm anh em không hợp phong tục ở Nakatsu
Sau khi trở về Nakatsu, tôi nhớ là dù thế nào anh em tôi cũng không thể hòa nhập được với mọi người ở Nakatsu. Nói là không thể hòa nhập không phải vì một nguyên nhân sâu xa. Chúng tôi có rất nhiều anh chị em họ cả bên cha và bên mẹ. Tất cả phải đến vài chục người. Hơn nữa, trẻ con hàng xóm cũng không thiếu. Nhiều như vậy, nhưng sao anh em chúng tôi không thể hòa đồng với một ai. Nguyên nhân đầu tiên là do lời ăn tiếng nói. Anh em chúng tôi đều nói tiếng Ōsaka. Giả sử câu mà người Nakatsu nói là "Sōjachiko", thì chúng tôi lại nói "Sōdeomasu" (nghĩa là: Đúng là như vậy -ND). Cả hai bên đều thấy lạ, nên thành ra càng ít nói chuyện với nhau.
Hơn nữa, mặc dù mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở Nakatsu, nhưng do sống ở Ōsaka lâu, nên cũng đã quen nếp sống ở đó đến mức tất cả quần áo, đầu tóc của chúng tôi đều không theo kiểu nào khác ngoài kiểu Ōsaka. Mà đã mặc Kimono may ở Ōsaka thì đương nhiên sẽ phải khác với kiểu ở Nakatsu. Ngoài sự khác biệt về áo Kimono và tiếng nói ra, không còn nguyên nhân nào khác, nhưng vì là trẻ con, nên chúng tôi rất ngượng đi ra trước mọi người và tự nhiên hình thành thói quen ở lì trong nhà, chỉ anh em chơi đùa với nhau.
Nền giáo dục Nho gia
Cần nói thêm rằng cha tôi vốn là một người theo nghiệp đèn sách. Tất nhiên là ông theo Hán học. Khi ở Ōsaka, công việc của cha tôi là tiếp xúc với những gia đình giàu có ở Ōsaka như Kazimaya (Gia-Đảo-Ốc), Kō-no-ike (Công-Trì) để thỏa hiệp về các khoản nợ, nhưng ông không hề thích thú chút nào. Ông muốn trở thành một trí thức chuyên việc đèn sách, hơn là làm việc tiếp xúc với tiền bạc. Vậy mà không ngờ lại phải cầm lấy bàn tính, đếm tiền hay thỏa hiệp xin hoãn các khoản nợ. Trí thức thời xưa khác xa trí thức Tây học thời nay. Thời xưa, một trí thức thuần khiết là người chỉ nhìn tiền bạc đã thấy đó là điều dơ bẩn. Một người như vậy mà phải làm công việc hoàn toàn trần tục, thì chuyện có tỏ ra bất bình cũng không phải là không có lý. Bởi vậy, khi dạy dỗ con cái, ông cũng theo những giáo điều Nho học. Tôi xin đơn cử một chuyện thế này.
Hồi đó, tôi vẫn còn nhỏ, chưa thể nói đến chuyện học chữ nghĩa gì được, nhưng anh trai mười tuổi và chị gái lên bảy, lên tám của tôi thì đã có thầy chuyên dạy viết chữ đến nhà kèm cặp. Cả trẻ con hàng phố cũng đến học cùng. Thầy dạy chữ I, ro, ha, ni, ho, he, to thì được, nhưng vì là Ōsaka nên thầy dạy luôn cả phép tính nhân như 2 nhân 2 bằng 4, 2 nhân 3 bằng 6. Đó là chuyện đương nhiên, nhưng thấy thế cha tôi bảo: "Thầy dạy những điều không ra sao cả! Lại dạy trẻ cả thói tính toán con buôn thì tôi không thể tưởng tượng được! Tôi xin cho các con thôi học!". Cha tôi nói rồi lôi anh chị tôi đi ra khỏi lớp.
Sau này, tôi được biết chuyện đó qua lời kể của mẹ. Qua đó, có thể hình dung cha tôi là một người nghiêm khắc trong mọi chuyện. Chỉ xem những ghi chép còn lại cũng có thể thấy cha tôi là một người thuần Nho. Sinh thời, ông rất tin tưởng thầy Itō Tōgai (Y-Đằng Đông-Nhai) của vùng Horikawa (Quật-Hà) và tâm đắc với câu: "Sống phải thành tâm thành ý, giữ mình ở cả những nơi không ai để mắt tới, không làm gì để phải xấu hổ". Câu nói đó đã trở thành gia phong của gia đình tôi.
Sau khi cha tôi mất, mẹ và năm anh em chúng tôi không hòa nhập với người khác, cũng ít kết giao với người ngoài, từ sớm đến chiều chỉ sống với những câu chuyện kể của mẹ và hình bóng của người cha đã khuất mà như vẫn còn hiện hữu đâu đó.
Anh em quần tụ, tách biệt với bên ngoài
Ở Nakatsu, anh em tôi khác mọi người xung quanh cả về áo Kimono và lời ăn tiếng nói, nên tự nhiên đoàn kết với nhau, ngầm thấy mình cao quý hơn, coi người xung quanh là trần tục. Ngay cả với anh chị em họ, chúng tôi cũng nhìn dưới tầm mắt và không bao giờ đả động đến những việc họ làm. Số ít chọi với đám đông nên chúng tôi từ bỏ ý định khuyên can họ, vì dù có nói, họ cũng không thấu. Trong thâm tâm, chúng tôi không coi đó là chuyện mình cần quan tâm. Tựu trung lại là coi thường người khác.
Bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in là mặc dù ở trong nhà tôi nói cười, đùa nghịch rất hoạt bát, nhưng không biết trèo cây và cũng không biết bơi. Điều đó không phải do một nguyên nhân nào khác, mà chỉ vì không ra ngoài chơi hòa đồng với trẻ con cùng lãnh địa mà thôi.
Gia phong đúng mực, nhưng không hà khắc
Như đã nói ở trên, anh em tôi từ nhỏ đã khác với những người xung quanh cả về lời ăn tiếng nói lẫn lối sống. Bị tách biệt, nên nhiều khi cảm thấy buồn mà người ngoài không biết. Nhưng ngay cả những lúc ấy, chúng tôi cũng vẫn giữ gìn nền nếp, gia phong. Trong nhà chúng tôi không còn người cha nghiêm nghị, nhưng mẹ tôi sống mẫu mực, nên anh em tôi không những không một lần to tiếng với nhau, mà khi trưởng thành lên cũng không biết đến những chuyện xấu bên ngoài. Mặc dù không có ai dạy dỗ, mẹ tôi lại không phải là người nghiêm khắc, hay trách mắng, nhưng tự nhiên gia đình tôi trở nên như thế là nhờ vào nền nếp mà cha tôi để lại cùng với tình mẫu tử sâu sắc của mẹ đã cảm hoá anh em chúng tôi.
Tôi xin kể lại một chuyện có thực. Về đàn nhạc thì tôi chưa bao giờ có ý định nghe đàn Shamisen (Tam-vị-tuyến) hay một loại nhạc cụ nào khác. Tôi luôn mang trong mình một ý nghĩ cho rằng, đó là thứ mình không việc gì phải nghe, phải chơi và từ đó trong đầu cũng không nảy ra ý định đi xem các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Chẳng hạn, cứ vào mùa hè, ở Nakatsu có diễn ca kịch. Vào dịp này, người ta diễn rộn rã suốt bảy ngày liền. Khi các diễn viên người vùng quê công diễn thì chức dịch lãnh địa sẽ ra một thông báo rất nghiêm quy định rằng: Các võ sĩ không được lại gần, không được quanh quẩn bên ngoài tường đá của đền thờ Sumiyoshi (Trú-Cát). Nhưng dù sao đó cũng chỉ là một tờ lệnh. Các võ sĩ thô tục đeo kiếm, che mặt nạ và phá hàng rào đi vào. Nếu nhắc nhở thì ngược lại sẽ bị họ mắng té tát, nên ai cũng sợ. Người hàng phố trả tiền mới được vào xem, còn võ sĩ đã lén lút vào xem không mà lại còn tỏ vẻ ra oai.
Trong số rất nhiều võ sĩ như thế, chỉ gia đình tôi là không đi xem. Nhất định không đi! Đã có lệnh cấm không được vào phạm vi này thì không bén mảng đến dù chỉ một bước chân! Mặc cho bên ngoài có chuyện gì đi nữa thì mẹ tôi, dù là phụ nữ mà cũng không hề nói một câu về ca kịch, anh trai tôi cũng không rủ các em đi, trong nhà hoàn toàn không ai đả động gì đến. Mùa hè trời nóng, người ta thường ra ngoài hóng mát. Nhưng ngay gần nhà có diễn ca kịch mà chúng tôi dường như không bao giờ có ý định ra xem. Dù có vở hay đến thế nào, chúng tôi cũng không bàn tán và thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
Lớn lên thành nhà sư - ước vọng của cha tôi
Như trên đã nói, sinh thời cha tôi chắc hẳn không mấy hứng thú với công việc quá ư tầm thường mà ông phải làm. Nếu như vậy thì tìm cách thoát ra khỏi Nakatsu cho xong, nhưng dường như ông không hề có ý định đó. Dù có chuyện gì ông cũng ngậm đắng nuốt cay và yên phận với chút bổng lộc nhận từ lãnh địa. Điều này có lẽ là do thời thế lúc bấy giờ, con người ta không thể tự do tiến thoái. Bây giờ ngẫm lại, tôi thấy thương cha vô cùng.
Khi cha tôi còn sống đã có một câu chuyện thế này. Trong thâm tâm, cha tôi tính sẽ trao cả quyền thừa kế tài sản của gia đình Fukuzawa cho anh tôi. Nhưng đứa con thứ năm là tôi lại sinh ra. Khi mới lọt lòng tôi đã là đứa trẻ khá khoẻ mạnh. Nghe bà đỡ bảo: "Đứa trẻ này chỉ cần cho ăn đủ sữa là sẽ lớn nhanh như thổi thôi!", cha tôi rất mừng. Ông nói đi nói lại với mẹ tôi rằng: "Nó có vẻ là đứa trẻ ngoan đấy. Lớn lên chừng 10 hay 11 tuổi thì cho nó vào chùa làm sư". Sau này, mẹ kể cho tôi như vậy. Thỉnh thoảng bên lề câu chuyện mẹ tôi còn bảo: "Ngày trước, không hiểu sao cha con hay nói sẽ cho con vào chùa học kinh Phật. Nếu cha con còn sống thế nào con cũng vào chùa làm sư rồi đấy!".
Sau này, khi lớn lên và nghĩ lại lời cha nói, tôi nghĩ có lẽ ông nghĩ như vậy là vì dưới thời phong kiến, ở Nakatsu tồn tại một trật tự xã hội ví như chiếc hộp bị chèn cứng đồ, hàng trăm năm cũng cứ y nguyên như thế, không hề nhúc nhích! Cũng như: "Con vua thì lại làm vua, con vãi ở chùa thì quét lá đa", ở Nakatsu con Karō (Gia-lão) lại làm Karō, con Ashigaru lại trở về với kiếp Ashigaru. Những thứ bị chèn chặt trong đó có qua bao nhiêu năm cũng không hề biến chuyển gì. Thử ở vào địa vị của cha tôi mà nghĩ, dù cố gắng thế nào cũng không thể làm nên danh tiếng. Nhìn ra bên ngoài thấy chỉ có đi tu là giải pháp tốt nhất. Bao nhiêu người vốn chỉ là con người hàng cá cũng có thể trở thành chức sắc trong nhà chùa. Tôi đoán việc cha muốn tôi trở thành nhà sư có thể là vì lý do như vậy.
Chế độ đẳng cấp là kẻ thù kìm kẹp cha tôi
Nghĩ như vậy thì việc trong suốt 45 năm cuộc đời, cha tôi bị bó buộc bởi lề lối phong kiến, không thực hiện được ý nguyện của mình, đành ngậm đắng nuốt cay từ giã cõi đời thật buồn thương thay cho ông. Mỗi lần nhớ đến nỗi dằn vặt trong thâm tâm cha tôi vì lo cho tương lai của đứa con mới lọt lòng đã phải quyết tâm cho đi tu và tình phụ tử sâu sắc của cha làm tôi càng thêm căm phẫn chế độ đẳng cấp phong kiến. Tôi như được tâm sự với cha và khóc thầm một mình vì thương ông. Với tôi, chế độ đẳng cấp chính là kẻ thù kìm hãm cha tôi.
Mười lăm tuổi bắt đầu chí hướng đọc sách
Tôi đã không trở thành một nhà sư như cha mong muốn. Không trở thành nhà sư, mà ở nhà nên dĩ nhiên là tôi phải đi học. Thế nhưng không ai kèm tôi cả. Anh trai hơn tôi có 11 tuổi, còn ở giữa thì toàn là chị gái. Mẹ tôi một thân một mình, nhà không có anh nô hay người hầu, nên mẹ phải tự thổi cơm nấu nước, chăm sóc đàn con nhỏ và không thể nghĩ đến việc kèm con học tập, mà nói đúng ra là đành bỏ mặc.
Theo lệ thường, ở lãnh địa, trẻ con có đọc Luận ngữ hay Đại học, nhưng không ai khuyến khích chúng cả. Ở đó, không có đứa trẻ nào lại thích đọc sách. Chắc không chỉ có tôi là ghét sách vở. Trẻ con trên đời này đều không thích. Tôi lại ghét cay, ghét đắng nên toàn nghỉ ở nhà, không làm gì. Không học viết chữ và cũng không đọc sách. Cứ như thế cho đến năm 14 hay 15 tuổi gì đó tôi mới bắt đầu cảm thấy xấu hổ vì người mà tôi biết ở gần đó đã đọc tinh thông mọi thứ sách vở, chỉ có tôi vẫn chưa đọc được gì cả.
Văn tài thiên bẩm
Sau đó, tự tôi bắt đầu cảm thấy thích đọc sách thực sự và xin vào trường tư thục ở làng. 14, 15 tuổi mới bắt đầu học, nên rất xấu hổ. Người khác đã học đến Kinh Thư hay các tác phẩm kinh điển Nho gia khác, còn tôi thì mới chỉ ngồi tập đọc Mạnh Tử. Nhưng có một điều kỳ lạ là khi tổ chức hội giảng về Mạnh Tử, Mông Cầu hay sách Luận ngữ thì dường như tôi có chút năng khiếu thiên bẩm, có thể giải nghĩa một cách mạch lạc. So với thầy dạy đọc buổi sáng, tôi có thể vượt thầy nếu buổi chiều có hội giảng nghĩa về bài đó. Đơn giản là thầy chỉ đọc được chữ, nhưng không nắm bắt được ngữ nghĩa, nên không thể là đối thủ tranh phần thắng bại với tôi.
Đọc thông mười một lần cuốn Tả truyện
Hồi đó, tôi chuyển trường hai, ba lần, nhưng người dạy tôi học Hán văn nhiều nhất là thầy Shira'ishi (Bạch-Thạch) . Chỉ trong bốn, năm năm học đọc sách chữ Hán, tôi đã có thể dễ dàng giải nghĩa và tiến bộ nhanh đến không ngờ. Khi học ở trường của thầy Shira'ishi, tôi chỉ đọc toàn sách kinh điển Nho gia như Tứ thư, Ngũ kinh. Sách Luận ngữ, Mạnh Tử thì tất nhiên rồi! Ngoài ra, tôi còn chú tâm nghiên cứu tất cả kinh sách trong bộ Tứ thư, Ngũ kinh. Thấy tôi ham học, thầy dạy cho cả Kinh thư nữa. Hơn thế còn thường được nghe thầy giảng về Mông Cầu, Thế thuyết, Tả truyện, Chiến quốc sách, Lão Tử, Trang Tử.
Sau đó, tôi còn tự học một mình. Sách về lịch sử, tôi đọc những cuốn như Sử ký, Tiền hậu Hán thư, Tấn Thư, Ngũ đại sử, Nguyên Minh sử lược... Trong số đó, đặc biệt tôi đọc thông thạo Tả truyện. Các học trò khác chỉ đọc được ba, bốn quyển trong số 15 quyển, nhưng tôi đọc thông hết cả bộ, thậm chí đã đọc đi đọc lại đến 11 lần và thuộc lòng những đoạn cho là hay. Như thế, đại khái tôi có thể được liệt vào hàng những Nho sinh khá giỏi.
Tuy nhiên, học phái mà tôi theo khi đó là phái Kame'i (Quy-Tỉnh) , vì thầy tôi là "tín đồ" của ông Kame'i, nên thầy không dạy tôi làm thơ và còn cười nhạo các học phái chuyên việc thi phú khác. Có lần ông bảo tôi: "Hirose Tansō (Quảng-Lại Đạm-Song) thơ thì không biết đặt đề, chữ thì không viết nổi một chữ Hán, chỉ là người viết được một, hai câu đầu hay làm thơ Haikai (Bài-Giai) mà thôi, chứ chẳng thể làm nên trò trống gì!". Bây giờ, tôi nghĩ: Thầy nói sao học trò răm rắp nghe theo y như thế, quả thực là điều buồn cười. Không chỉ với thầy Hirose Tansō, mà cả với Rai San'yō (Lại Sơn-Dương) tôi cũng không tin tưởng và đánh giá không ra gì. Lúc đó tôi nghĩ: "Văn chương gì mà thô thiển đến thế là cùng. Viết như Rai San'yō, mà gọi là văn chương thì chẳng có ai mà không viết được! Cũng như người ngắn lưỡi, có ngọng líu lo thì cố nghe người ta cũng hiểu được". Đại khái là tôi đã có thái độ cực đoan đến như vậy là vì đã được học từ thầy dạy.
Hơn nữa, chúng tôi đều rất coi thường giá trị cuốn Nihongaishi (Nhật Bản ngoại sử) của thầy San'yō. Nhưng thời đó, không chỉ thầy Shira'ishi, mà cả cha tôi cũng thế. Hồi cha tôi ở Ōsaka thì thầy San'yō ở Kyōto, chắc chắn có nhiều cơ hội kết giao, nhưng không mảy may có mối liên hệ nào. Thầy Noda Tekiho (Dã-Điền Địch-Phổ) là bạn thân của cha tôi. Ông là người thế nào tôi không rõ, nhưng việc cha tôi xa lánh thầy San'yō mà thân với thầy Tekiho thì có nghĩa thầy Tekiho là một nhà Nho thuần khiết, cũng như thầy Kame'i ở Chikuzen chỉ theo kinh điển chính thống chứ không du nhập Chu Tử học. Vì vậy, những người theo phái này tất nhiên là không ưa gì học phái của thầy San'yō.
Khéo tay hay làm
Ở trên, tôi mới chỉ nói đến việc học. Về những việc khác, nếu so với trẻ con nhà các sĩ tộc khác trong lãnh địa, tôi là đứa trẻ khéo tay, thích ngồi tỉ mẩn làm các đồ vật. Chẳng hạn, khi có vật gì bị rơi xuống giếng phải làm thế nào để lấy lên được, hay khi không mở được khóa tủ, phải công phu nắn cong đinh làm sao để có thể chọc vào lỗ khóa cạy ra được là những việc mà tôi rất thích. Cả Shōji (Chướng-Tử) tôi cũng dán rất đẹp, nên không chỉ làm ở nhà mình mà còn đi làm thuê cả cho họ hàng nữa. Đại thể là việc gì cũng làm được, nên đôi khi tôi cũng hãnh diện về mình.
Tôi càng lớn lên công việc càng nhiều. Vốn là gia đình võ sĩ nghèo, nên tôi tự mình làm tất cả, từ việc đóng mũi Geta đến khâu lại Setta bị mòn, tôi cũng cố công làm. Không chỉ tự sửa đồ của mình, tôi còn khâu lại guốc dép cho mẹ và các anh chị. Có khi tôi mua cả kim khâu chiếu về và tự vá lại mặt chiếu. Cũng có khi tôi làm từ những việc như chẻ tre ra ken vào khung sắt làm thành thùng đựng nước đến cả việc chữa cửa bị hỏng, dọi lại mái nhà bị dột.
Cứ như thế, một mình tôi hì hục làm tất cả mọi việc. Sau đó, tiến dần lên tôi thực sự bắt đầu công việc của một người thợ, khi thì làm Geta, khi lại tỉ mẩn sửa kiếm. Tất nhiên tôi không biết mài kiếm, nhưng những việc như sửa bao kiếm và chuôi kiếm, hay những việc khác liên quan đến vật dụng kim loại thì làm được. Bây giờ, ở nhà tôi vẫn còn một chuôi kiếm mà tôi làm, giờ đã bị mối mọt xông, trông rất vụng. Tất cả những việc kể trên là do tôi học được từ một võ sĩ làm nghề phụ ở gần nhà.
Ngạc nhiên với giũa răng cưa Edo
Trong nghề gia công đồ kim loại, giũa là dụng cụ cần thiết nhất. Dụng cụ đó phải làm bằng tay và việc chế tác là cả một sự khổ công. Sau này, khi có dịp lên Edo (Giang-Hộ) tôi đã rất ngạc nhiên với kỹ thuật của thợ thủ công ở đó. Làm giũa bình thường thì bẻ cong thanh sắt thế này, thế kia còn tạm xoay sở được, chứ làm giũa để mài răng cưa quá khó đối với tôi.
Tôi vẫn còn nhớ là khi lên Edo, đã đi đến Ta-machi (Điền-đinh) ở Shiba (Chi). Trong ngôi nhà nằm ngay bên phải đường đi, tôi thấy một cậu bé đang cặm cụi mài những mắt giũa. Cậu ta trải một tấm da xuống bên dưới giũa và dùng giũa nhọn mài răng cưa thoăn thoắt. Tôi đứng lại nhìn, trong lòng thầm nghĩ: "Đúng là đô thị lớn có khác! Họ có những kỹ thuật không phải ai cũng có thể làm được. Những việc ấy trong mơ mình còn không dám nghĩ đến! Mình còn chưa bao giờ có ý định làm một cái giũa để từ đó mài những răng cưa. Ở đây, trẻ con mà cũng bắt chước làm theo y như vậy thì kỹ nghệ sẽ theo đó phát triển lên là phải thôi!".
Lý do của sự ngạc nhiên khi đến Edo lúc đó là vì từ nhỏ ngoài việc đọc sách ra tôi chỉ toàn làm những việc tầm thường và nghĩ những điều thông tục. Khi lớn lên, tôi cũng thích làm những công việc đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo và cũng đã mua dụng cụ này dụng cụ kia về định thử làm một vật gì đó, thử khâu lại một vật gì đó, nhưng tất cả những thứ tôi làm ra đều rất vụng, tức là trong đầu tôi không có chút tư duy thẩm mỹ nào.
Cuộc sống thường nhật của tôi cũng tuềnh toàng như vậy. Từ những việc như quần áo hay ăn ở, tôi đều không bao giờ để ý chải chuốt. Ở trong căn nhà như thế nào, mặc quần áo gì với tôi đều không quan trọng. Thậm chí, tôi còn không có chút phong lưu nào đến mức chưa bao giờ nghĩ đến việc để ý xem bên ngoài người ta đang có trào lưu mặc kimono hình hoa văn gì. Về sở trường thì ở mức khi làm kiếm tôi có nghĩ xem đã được hay chưa, hình dáng thế nào. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là do nhớ được vài thao tác và chút cầu kỳ mà tôi có được một cách rất tự nhiên mà thôi.
Vác bình rượu đi giữa thanh thiên bạch nhật
Sự tuềnh toàng của tôi là tính cách bẩm sinh từ nhỏ. Tôi không hề quan tâm đến tình hình xung quanh. Trong lãnh địa, những người như các võ sĩ hạng thấp khi đi mua rượu, dầu đốt hay xì dầu đều phải tự mình ra phố. Thế nhưng, thói quen chung của các võ sĩ thời đó là thường đi vào buổi tối và thường che mặt. Còn tôi lại ghét cay ghét đắng việc phải che mặt.
Từ khi cha sinh mẹ đẻ, tôi chưa từng làm thế bao giờ. Đi ra ngoài mua một chút thì có sao đâu mà phải che mặt? Vả lại khi mua tôi trả tiền cho họ cơ mà! Thế nên, tôi cứ để mặt và đầu trần như thế mà đi. Vì là võ sĩ nên thường giắt hai thanh gươm lớn nhỏ, nhưng tôi cứ vác bình đi mua rượu giữa thanh thiên bạch nhật. Tiền đó là của tôi chứ đâu có phải của ăn trộm mà phải giấu? Tôi nghĩ như vậy nên khi thấy mọi người trong lãnh địa lén lút đi là thấy nực cười. Âu đó cũng là lối suy nghĩ kiểu trẻ con và tôi đã rất hãnh diện về mình.
Khi mời khách đến nhà, mẹ tôi thường có thói quen thết đãi củ cải và Gobō (Ngưu-bảng) . Điều đó là cần thiết và tôi ngoan ngoãn làm theo chỉ dẫn của mẹ. Nhưng tôi chúa ghét việc khách tập trung đến nhà uống rượu lai rai. Hễ khi nào mời khách thì trước khi họ đến, tôi làm hết phần việc của mình. Đến tối, khi khách đã đông đủ thì vì tôi cũng thích rượu nên uống rất nhanh, ăn cơm và vào chỗ để đồ ngủ. Sau khi khách về mới ra ngủ ở chỗ thường ngày.
Quyết không chịu thua ông Egawa Tarōzaemon
Anh tôi ngày càng có thêm nhiều bạn hữu. Tôi cũng nghe họ bàn luận về chuyện thời thế, nhưng không có quyền tham gia, mà chỉ được loanh quanh chạy việc vặt.
Ở Nakatsu lúc đó người ta rất ngưỡng mộ hai học giả. Một là Inkyo-sama (Ẩn-cư-dạng) của vùng Mito (Thủy-Hộ) , tức là ông Rekkō (Liệt-Công) , và hai là ông Shungaku (Xuân-Nhạc) của vùng Echizen (Việt-Tiền) . Lúc đó giới trí thức gọi Rekkō là Rōkō (Lão-công) , còn người dân thường thì gọi là Go-inkyo-sama (Ngự-ẩn-cư-dạng). Vì ông thuộc một trong ba dòng dõi được Mạc phủ sủng ái nên các Fudai-Daimyō (Phổ-đại Đại-danh) rất ngưỡng vọng, không một ai gọi là Inkyo trống không mà lúc nào cũng phải đệm những từ chỉ sự kính trọng như Go-inkyo-sama của Mito, hoặc Rōkō của Mito. Người ta bảo ông là nhân vật uyên bác nhất thiên hạ, nên tôi cũng nghĩ như thế. Tiếp nữa, lại có ông Egawa Tarōzaemon (Giang-Xuyên Thái-Lang-Hữu-Vệ-Môn) , vốn là Hatamoto (Kỳ-Bản) của Mạc phủ nên đằng sau tên gọi cũng kèm theo Sama, tức là Egawa-sama. Ông cũng được người đương thời đánh giá cao.
Có lần trong câu chuyện kể của anh trai, tôi có nghe lỏm thấy rằng: Ông Egawa Tarōzaemon là anh hùng của thời đại, có thể đứng giữa trời lạnh mà chỉ cần mặc một manh áo. Lúc đó, tôi nghĩ thế thì ai cũng làm được và liền sau đó không hỏi han ai, đêm nào cũng cứ mặc một áo, ngủ trên chiếu mà không cần chăn đệm. Mẹ tôi nhìn thấy lo lắng bảo: "Ngủ như thế thì cảm lạnh đấy!" và cố gắng ngăn, nhưng tôi bướng bỉnh không nghe, cứ như vậy suốt một mùa đông.
Lúc đó, tôi chừng mười lăm hay mười sáu, tuổi mà con người ta không chịu thua kém ai và thân thể cũng khá dẻo dai nên chịu đựng được.
Đối đáp giữa hai anh em
Thời đó, thường trong thiên hạ cứ nói học hành là nhắc đến Hán học. Anh tôi tất nhiên là một người chỉ biết có Hán học. Nhưng khác với các nhà Hán học một điều là anh theo học phái của thầy Ho'ashi Banri (Phàm-Túc Vạn-Lý) ở Bungo nên có học thêm cả số học, tính toán nữa. Thầy là một đại danh Nho gia, nhưng cũng rất thích số học. Theo thuyết của thầy thì kẻ sĩ phải biết coi trọng súng ống và bàn tính. Phó mặc việc tính toán cho người làm và súng ống cho quân lính là một sai lầm lớn.
Tư tưởng này được lưu truyền đến Nakatsu và nhiều Nho sinh chí khí ở Nakatsu đã chuyển sang chuyên tâm học số học. Anh tôi cũng theo những người đi trước học số học và đạt đến trình độ khá giỏi. Điều này hơi khác với những nhà Nho thường thấy, nhưng anh vẫn coi trọng "Hiếu, đễ, trung, tín", tức là vẫn thuần Hán học. Có lần anh hỏi tôi:
- Tương lai em định làm gì?
Tôi bảo:
- Thì làm sao để thành người giàu nhất nước Nhật và tiêu tiền ấy thôi!
Thấy mặt anh cau lại, vẻ khó chịu, nên tôi phải hỏi lấp lời ngay:
- Anh thì sao?
Anh trả lời rất nghiêm chỉnh:
- Giữ đạo "Hiếu, đễ, trung, tín" cho đến lúc chết!
Tôi nghe và chỉ còn nước ậm ừ. Nói thế để thấy anh tôi là một người như thế nào. Anh có những suy nghĩ rất lạ. Có lần anh quay sang tôi bảo:
- Anh là con trưởng, phải có trách nhiệm quản lý gia đình mình, nhưng muốn thử làm con nuôi một gia đình nào thật khó tính xem sao. Anh sẽ thử phụng sự bố mẹ nuôi mà thật bảo thủ, nói thế nào cũng không xuôi. Chắc chắn sẽ không có chuyện gì xảy ra cả.
Đó là bởi vì khi ấy thường có chuyện nhận con nuôi, nhưng hiếm khi quan hệ giữa con nuôi và bố mẹ nuôi được thuận buồm xuôi gió. Anh cho rằng, lỗi đó là thuộc về phía người con nuôi. Còn tôi thì nghĩ ngược hẳn lại. Tôi chẳng thấy hay ho gì việc đi làm con nuôi, thậm chí lại còn đại ghét nữa. Có ai dại gì đi phụng dưỡng người không sinh thành ra mình! Khi đó, tôi khoảng mười sáu hay mười bảy tuổi gì đó. Đại thể là ý kiến của hai anh em rất trái ngược nhau.
Tâm tính của mẹ tôi
Mẹ tôi có những thú vui rất lạ, khác hẳn với bên ngoài. Bà thích kết giao với những người thuộc tầng lớp dưới của xã hội. Không chỉ nông dân, thợ thủ công, người buôn bán mà cả những người dưới đáy xã hội như Eta hay những người ăn mày, mẹ tôi cũng gần gũi họ mà không hề tỏ ra khinh miệt, lời lẽ trong khi nói chuyện vẫn hết sức kính cẩn, hoà nhã.
Về mặt tín ngưỡng, có vẻ như mẹ tôi cũng như mấy bà mấy cô hàng xóm không sùng một loại đạo nào. Nhà tôi vốn thuộc phái Tịnh độ chân tông, nhưng mẹ tôi không đi nghe thuyết giáo và bảo: "Đi chùa để chỉ lạy Phật A-di-đà thì kỳ quá. Mà lại thấy xấu hổ nữa!". Mẹ vẫn thường hay nói với anh em tôi như vậy, nhưng hàng tháng, không bỏ sót một lần nào mẹ không cho gạo vào túi để mang đến chùa và ra viếng mộ (bây giờ túi đựng gạo đó của mẹ vẫn được giữ gìn rất cẩn thận).
Mẹ không sùng bái Phật A-di-đà, nhưng rất tốt bụng với các nhà sư. Đối với vị hoà thượng ở ngôi chùa gần nhà mà chúng tôi là Phật tử ở đó thì đương nhiên, nhưng cả các nhà sư tôi quen ở trường, mỗi khi mời về nhà mẹ cũng đều rất vui và thết đãi chu đáo. Như thế có nghĩa là mẹ tôi không ghét bỏ gì đạo Phật, nhưng có lẽ mẹ quan niệm Phật giáo là ở tâm từ bi hỷ xả của con người.
Bắt chấy cho người nghèo
Tiện đây có một câu chuyện tôi muốn kể lại. Ở Nakatsu, có một bà ăn xin nghèo khổ mà tính tình lại không bình thường, mọi người thường gọi là Chie. Hàng ngày, bà đi vòng quanh chợ ăn xin. Bà rất bẩn, người hôi không còn lời nào để tả, quần áo rách rưới, đầu tóc bù xù, lúc nào cũng lổm ngổm những chấy rận, có thể nhìn được bằng mắt thường.
Những khi trời nắng mẹ thường gọi: "Này bà Chie, vào đây tôi xem nào!". Mẹ gọi bà vào sân, bảo ngồi ở chỗ đám cỏ và xắn tay áo bắt chấy cho bà. Mẹ bắt đầu bắt chấy là tôi bị gọi ra giúp. Chấy nhiều đến mức như vơ được, không thể đặt lên đá và giết bằng móng tay. Mẹ bảo tôi ngồi bên cạnh và bà đặt chấy lên một hòn đá, còn tôi chuẩn bị một viên đá nhỏ vừa tay để sẵn sàng đập chết. Mỗi lần bắt phải được đến 50 hay 100 con. Xong việc, cả tôi và mẹ giũ quần áo rồi rửa tay bằng mày thóc. Có một điều gần như đã thành quy định, mỗi khi những người ăn mày cho bắt chấy, mẹ tôi lại đem cơm cho họ.
Đấy có lẽ là một trong những thú vui của mẹ, còn tôi thì thấy bẩn quá, không chịu được. Bây giờ nhắc lại tôi vẫn thấy nôn nao trong người.
Giẫm lên giấy nháp và giấy thờ
Khi tôi 12 hay 13 tuổi gì đó đã xảy ra một chuyện như thế này. Lúc anh trai đang dọn đống giấy cũ, tôi vô tình giẫm lên liền bị anh mắng té tát:
- Mắt không nhìn hay sao mà giẫm lên thế hả? Nhìn kỹ xem trên giấy viết gì đây này! Không thấy có tên Okudaira Daizennotaifu (Áo-Bình Đại-Thiện-đại-phu) đây à!
Nghe anh nói có vẻ là bực thật, nên tôi bảo:
- Thế ạ? Thế mà em không biết.
- Không biết, nhưng có mắt thì phải nhìn chứ! Em nghĩ gì mà lấy chân giẫm lên giấy có ghi tên ông lớn như thế? Đạo của người quân tử để ở đâu?
Thấy anh còn thuyết cao siêu, khó hiểu và mắng gay gắt, nên tôi ở vào thế không xin lỗi không được.
- Em sai thật! Em xin lỗi!
Tôi cúi gập người, ra chiều hối lỗi, nhưng trong thâm tâm thì thấy mình đâu có gì sai và nghĩ: "Đúng là chuyện vớ vẩn quá đi! Giẫm vào tờ giấy có ghi tên ông lớn chứ có phải giẫm lên đầu ông ta đâu mà sợ!". Tôi bất bình lắm. Và thế là trong đầu óc trẻ thơ của tôi liên miên nhiều ý nghĩ.
Theo như anh tôi nói, giẫm lên tờ giấy nháp có ghi tên ông quan đã là xấu, thế còn giẫm lên tờ ghi bản vị thần thì sao? Khuất mắt trông coi, tôi đã thử giẫm lên tờ giấy có ghi bản vị thần, nhưng không thấy có chuyện gì xảy ra. "Hừm, có sao đâu? Trò này hay đấy! Mình sẽ mang ra nhà vệ sinh cho mà coi!". Và tôi thử mang ra nhà vệ sinh thật. Mặc dù nơm nớp sợ bị ai phát hiện, nhưng sự việc đã diễn ra suôn sẻ. "Mình đã tận mắt chứng kiến rồi đấy thôi! Sao anh cứ phải khư khư những điều nhảm nhí như thế để làm gì nhỉ?".
Tự tôi thấy mình như phát minh ra được một điều hay ho. Chỉ riêng chuyện đó là tôi không nói với mẹ và chị, vì nếu nói ra chắc chắn sẽ bị mắng nên đã im lặng.
Xem thực thể thần Inari
Lớn thêm độ hai, ba tuổi nữa thì có vẻ như trí óc tôi cũng khá hơn và tin chắc rằng những điều người già nói về sự linh nghiệm của các vị thần chỉ là bịa đặt. Tôi có ý định muốn tự mình quan sát thử một vị thần là thần Inari (Đạo-Thành) xem sao. Tôi không biết trong đền thờ thần Inari ở nhà cha nuôi tôi có đặt cái gì nên đã mở xem thử. Mở ra thì thấy bên trong chỉ là một viên đá. Tôi liền lấy ra và lén nhặt viên khác bỏ vào. Tôi lại thử mở cửa đền thờ của nhà ông Shimomura (Hạ-Thôn) thì thấy thần thể chỉ là một mảnh gỗ. Tôi lại thản nhiên nhấc ra và bỏ đi. Đến ngày Hatsu'uma (Sơ-Ngọ) , người ta không hề phát hiện ra, vẫn giương cờ quạt, đánh trống chiêng, dâng rượu thần như bình thường. Nhìn cảnh đó, tôi cười khoái chí một mình: "Ngốc thật! Viên đá mình bỏ vào mà cũng được cúng bái, được dâng rượu thần!". Ngay từ nhỏ, tôi đã không sợ thần và cũng không lấy làm hân hoan với sự hiện hữu của Phật. Tôi không hề tin vào bói toán, thần chú và cũng không tin cả chuyện người ta truyền rằng, cáo hay đi lừa phỉnh người. Vì hồi đó, tôi còn trẻ con nên tâm hồn rất trong sáng.
Bắt bí thầy cúng thần Inari
Một lần có người phụ nữ rất lạ từ Ōsaka đến. Thực ra, đó là con gái của ông Tempōjiya Matsuemon (Truyền-pháp-tự-ốc Tùng-hữu-vệ-môn) làm nghề vận chuyển hàng hóa trên sông. (Hồi chúng tôi còn ở Ōsaka ông vẫn thường ra vào nhà tôi luôn). Cô chừng 30 tuổi, đến Nakatsu và loan tin rằng có thể sai bảo được thần. Cô có Gohei (Ngự-tệ) và nói bất cứ ai cầm Gohei đó cầu nguyện, thì thần sẽ phù hộ cho họ.
Cô thổi tù và làm bằng con ốc lớn đi rong qua cả nhà tôi. Khi ấy, tôi chừng 15 hay 16 tuổi. Tôi mới bảo cô: "Cái này có vẻ hay đấy. Cháu sẽ cầm và thử phất xem sao. Cho cháu cầm với!". Nghe thấy thế, cô chăm chăm nhìn tôi rồi bảo: "Không được đâu, cậu bé ạ!". Tôi không chịu và hùng hổ dọa lại: "Cô chẳng bảo ai cầm cũng được cơ mà!". Tôi nói thế và trong lòng thấy khoái trá vì đã bắt bí được cô ta.
Bất bình với chế độ phân biệt đối xử
Tôi ở Nakatsu từ nhỏ, nên việc khó chịu với chế độ phân biệt đối xử cứng nhắc ở Nakatsu là điều không phải vô lý. Trong phong tục của Nakatsu đã có một sự phân biệt đối xử được hình thành chặt chẽ giữa các võ sĩ. Sự chia đẳng cấp một cách cứng nhắc, không chỉ trong việc công của lãnh địa, mà cả trong quan hệ giữa từng cá nhân. Đến cả thế giới của trẻ thơ cũng có phân biệt sang hèn, trên dưới. Con của võ sĩ cấp cao khi nói với trẻ con nhà võ sĩ cấp thấp như chúng tôi, thì từ ngữ dùng cũng khác. Chẳng hạn, khi nói với họ chúng tôi phải thật lễ phép: Cô hoặc cậu làm thế này, thế kia. Còn khi nói với chúng tôi thì họ lại dùng những từ như: Mày làm cái này, cái kia. Mọi việc đều phải theo trật tự như vậy. Trong trò chơi đùa nghịch của trẻ con mà cũng có sự phân biệt đối xử, nên tôi không thể nào không bất bình cho được.
Thế nhưng, khi học cùng trường với con em của các gia đình võ sĩ cao cấp, tôi lại luôn học trội hơn. Không chỉ về chuyện học hành, mà cả về sức khỏe cũng không chịu thua kém. Vậy mà trong quan hệ bạn hữu, trong các trò đùa nghịch của trẻ con vẫn luôn đè nặng một sự phân biệt đối xử thì thật là quá đáng. Ngay từ nhỏ, tôi đã bực không chịu nổi.
Bị mắng vì chữ Kashitsuji
Không chỉ giữa trẻ nhỏ, mà về sự phân biệt sang hèn giữa người lớn với nhau đám chức dịch cũng rất hay gây phiền toái. Tôi nhớ rõ một lần anh tôi viết thư gửi ông Karō . Vẫn quen kiểu thư từ giữa các trí thức Nho gia, anh tôi viết "Kashitsuji" (tức "Hạ-chấp-sự") ở tờ giấy ngoài tựa như phong bì thư bây giờ và đã bị mắng thậm tệ: "Sao bay lại viết "Kashitsuji" là thế nào? Về viết lại thành "Otoritsugishū" (Ngự-thủ-thứ-chúng) và mang đến đây!". Nói rồi, ông ta ném lá thư về phía anh tôi. Tôi đứng bên cạnh anh chứng kiến cảnh ấy mà tức đến phát khóc.
Sau đó, tôi dần trưởng thành lên và dù là trẻ con cũng đã bắt đầu hiểu được việc đời. Khi đó, trong số anh em họ hàng tôi cũng có một, hai người theo đường học hành. Đặc biệt, có một người rất ham đọc sách. Vì cũng cùng là võ sĩ hạng thấp, nên khi biết chuyện của anh tôi, họ tỏ ra rất phẫn nộ. Nghe thấy thế, tôi đã gạt đi: "Thôi đi! Đúng là ngốc nghếch! Khi mà vẫn còn ở đây thì bàn ngu luận đó phỏng ích gì! Bất bình mà tìm cách đi khỏi đây được thì tốt! Nếu chưa thoát khỏi đây thì đừng có nói đến chuyện ấy!". Lần nào nghe họ phàn nàn, tôi cũng ngăn lại như vậy. Đấy suy cho cùng cũng chỉ là tính cách của riêng tôi mà thôi.
Không biểu lộ niềm vui, nỗi giận
Trong lần đọc một cuốn sách chữ Hán, tôi bắt gặp câu nói rằng: "Không được biểu lộ niềm vui, nỗi giận". Tôi thấy câu nói ấy quả là chí lí và một lòng tâm niệm đấy chính là lời vàng ngọc cho mình. Tôi giữ điều dạy đó trong tâm. Ai có khen, tôi cũng chỉ tỏ ra vui bề ngoài, nhưng thực tâm tôi không lấy làm điều mừng. Bị miệt thị, tôi cũng không lấy làm điều giận dữ. Tôi càng không để cho mình giận dữ vì điều gì và cũng không cãi nhau với chúng bạn bao giờ. Tôi chưa túm ai lại, chưa đánh ai và cũng chưa bị ai đánh bao giờ. Không chỉ hồi trẻ con mà từ thuở nhỏ cho đến khi về già, tôi cũng chưa bao giờ vì giận dữ mà chạm đến thân thể ai.
Chỉ duy nhất một lần, khoảng 20 năm về trước, trong trường của thầy Ogata có cậu học trò rất nghịch. Đã nhiều năm, tôi bảo ban, lo cho cả chuyện ăn ở mà cậu ta vẫn không nghe lời, thậm chí còn tam tứ phen bày trò xấc láo. Có lần không hiểu làm gì ở đâu mà nửa đêm cậu ta đi uống rượu say về muộn và làm trò quá trớn, nên tôi mới bảo: "Đêm nay không được ngủ, ngồi quỳ đấy!", nhưng vừa đi khỏi đã thấy cậu ta ngáy khò khò. Bực quá, tôi mới quay lại túm vai, lay mạnh bắt phải tỉnh dậy. Nhưng sau đó ngồi nghĩ một mình, tôi hối hận vô cùng. "Mình đã làm một việc chẳng ra gì. Đời mình chưa bao giờ phải dùng sức mạnh vũ phu để hành xử người khác mà hôm nay lại trót làm một việc thế này!". Và cứ thế, tôi tự hối lỗi như thể vị hoà thượng trót phạm giới luật vậy. Đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên.
Từ nhỏ, tôi đã có tật hay nói hơn những người bình thường khác. Việc gì cũng cãi đến cùng, không chịu thua ai bao giờ, nhưng không tranh luận kiểu các Nho sinh. Nói là tranh luận nhưng cũng không bao giờ cãi găng đến mức đỏ mặt tía tai để giành phần thắng. Khi đang tranh luận mà có ai đó khăng khăng cãi ngang, thì tôi chỉ nghĩ thầm trong bụng: "Đồ ngốc ấy lại nói chuyện ngớ ngẩn rồi đây!" và không nói chuyện sâu thêm nữa.
Tôi còn tự nhủ không được ngại gian khó, đi đâu cũng được, miễn là phải thoát ra khỏi Nakatsu. Một mình tôi cứ thầm cầu mong như vậy và cuối cùng đã đặt được chân lên đất Nagasaki (Trường-Kỳ).
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com