Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

5. Rời Õsaka lên Edo

5. Rời Õsaka lên Edo

Lệnh lên Edo của lãnh chúa

Tôi đi từ Ōsaka lên Edo là năm Ansei thứ năm (1858-ND), lúc mới 25 tuổi. Năm đó, từ phủ của ông Okudaira có lệnh gọi tôi lên Edo nói là có việc cần. Khu Yashiki của lãnh địa ở Edo có một người rất chuộng Hà Lan học tên là Okami Hikozo (Cương-Kiến Ngạn-Tào), thuộc đẳng cấp sĩ tộc cao cấp. Thế nào đó mà ông ta lại có ý muốn mở một trường tư thục về Hà Lan học ở Yashiki của lãnh địa, liền chạy ngược chạy xuôi, tập hợp học sinh và giúp đọc sách nguyên bản. Lãnh chúa Okudaira dùng tôi làm giáo viên dạy. Trước đó, đã thuê hai học giả là Matsuki Kōan (Tùng-Mộc Hoằng-An) và Sugi Kōji (Sam Hanh-Nhị) .

Nhưng vì biết tôi đang học ở Ōsaka, nên không thuê người ngoài nữa mà bảo cho gọi Fukuzawa là người của lãnh địa lên. Vì vậy, đã có người đến gọi tôi.

Lúc đó, ở Edo còn có cả cậu Okudaira Iki. Về quan hệ với cậu Iki, tôi có chuyện để có thể tự hào về mình. Với Okudaira Iki, không thể không có ác cảm, không thể không có xung khắc, nhưng tôi chưa đánh, cãi nhau với con người đó bao giờ. Việc cậu ta nhìn tôi như kẻ địch và lừa phỉnh thì tôi đã hiểu rõ khi rời khỏi Nagasaki. Khi tôi lên đường từ Nagasaki, cậu ta còn ra lệnh: "Mày về Nakatsu đi! Về thì đưa lá thư này cho người này, chuyển lời nhắn cho người kia". Thế nên tôi đành ngoan ngoãn tỏ vẻ vâng lời, nhưng trong thâm tâm lại nghĩ: "Nói toàn chuyện ngu ngốc! Tôi nhất quyết không về đấy! Tôi đi Edo đấy!". Tôi chỉ không nói ra thôi chứ việc tôi giận dữ ra đi về sau này cậu ta cũng có biết.

Thế nhưng sau đó, tôi có gặp cậu Iki vài lần và không hề nói chuyện thù hận gì, mà lại cố tình ngụy trang bằng toàn những điều tỏ vẻ biết ơn về nghĩa cũ, trong đó có cả chuyện tôi đã sao trộm sách của cậu ta. Kẻ tám lạng, người nửa cân, cậu ta có tồi thì tôi cũng tệ. Tôi không nói điều đó với ai, không lộ ra trên sắc mặt và vẫn luôn tỏ vẻ kính trọng đối với ông Karō và cậu ta lại là cậu ấm của Karō. Về việc cho gọi tôi lên Edo, tôi không hề có ý kiến phản đối gì và quyết định đi ngay. Thực ra mà nói, tội của tôi còn lớn hơn cậu Iki.

Ba người đồng hành

Về việc từ Ōsaka lên Edo, tôi xin tạm gác lại. Trước đó, tôi về Nakatsu gặp mẹ, xin cáo biệt. Đúng dịp đó bệnh dịch tả đang lan tràn. Hàng xóm nhà tôi cũng toàn những người bị nhiễm bệnh và tử vong rất nhiều. Trong khi dịch bệnh đang hoành hành, tôi lại lên tàu quay lại Ōsaka, ở đó chuẩn bị qua loa và lên đường hướng thẳng về phía Edo.

Đại khái vì đó là việc công, nên ở vào địa vị của tôi thường sẽ được cấp cho một người hầu trên đường đi và trong thời gian làm việc. Cả lần này, họ cũng cấp cho tôi khoản tiền vừa đủ để chi tiêu cho một người hầu. Tôi không bao giờ nghĩ mình là Kerai (Gia-lai) của lãnh chúa, nên cũng không cần gì cả. Thế nhưng lại có lộ phí đã được chi ra ở đây. Đợi một chút, trong trường có ai muốn đi Edo không? Nếu muốn đi tớ sẽ dẫn đi. Thực ra vì lý do thế này mà tớ có được một khoản tiền! Ngay lúc đó có người xin được đi cùng là cậu Okamoto Shūkichi (Cương-Bản Chu-Cát), tức là Furukawa Setsuzō (Cổ-Xuyên Tiết-Táng) (người Hiroshima). Tôi mới bảo:

- Được, anh sẽ dẫn chú đi. Nhưng có điều chú phải thổi cơm cho anh, được không? Lên đến Edo sẽ có chỗ ở, có cả gạo nước và người ta còn cho mượn nồi niêu, bếp nấu. Nếu thực sự bỏ người hầu thì không có ai nấu cơm cho. Thay vào đó, anh sẽ dẫn chú đi, chú thấy thế nào?

- Thổi cơm thì đâu có gì. Em sẽ thổi!

- Thế thì hãy đi cùng anh!

Đồ đạc của tôi gửi lại người bạn đồng hương. Cùng đi có cậu Okamoto với một người vùng Bicchū (Bị-Trung) tên là Harada Raizō (Nguyên-Điền Lỗi-Tạng), cùng là học sinh trường Ogata. Cả ba tất nhiên là cuốc bộ. Khi đó là vào khoảng hạ tuần tháng 10, trời hơi se lạnh, nhưng dễ chịu như tiết đầu xuân, không có ngày nào gặp phải trắc trở và đến Edo bình an vô sự.

Trước hết, chúng tôi đến Yashiki của ông Okudaira ở Shiodome (Tịch-Lưu), Kobiki-chō (Mộc-Vãn-đinh). Khu Yashiki hạng trung nằm ở Teppōzu (Thiết-Pháo-Châu) và người ta nói cho chúng tôi mượn nhà ở đó, nên tôi với cậu Okamoto vào ở đó luôn. Hai chúng tôi ở cùng nhau và tự nấu nướng. Còn cậu Harada đồng hành thì vào học ở trường của thầy Ōtsuki Shunsai (Đại-Quy Tuấn-Trai) ở Shita'ya (Hạ-Cốc), Neribeikōji (Luyện-Biên-Tiểu-Lộ). Ở Edo, tôi có vài người bạn tri kỷ và dần dần cũng thấy vui.

Lên Edo không phải để học mà để dạy

Như thế là tôi đã lên Edo. Trong thời gian sống ở khu Yashiki hạng trung của lãnh chúa Okudaira ở Teppōzu, con em trong lãnh địa cứ một lần ba hoặc năm người lại kéo lên học. Ngoài ra còn có năm, sáu người từ nơi khác cũng đến, nên tôi làm công việc là dạy họ.

Đúng như tôi đã nói từ trước, học trò của Ōsaka lên Edo không phải là để tu luyện. Chính họ cũng có một sự tự hào và tin tưởng rằng cứ lên Edo là để dạy. Tôi cũng thử lên Edo và trong lúc muốn biết một cách toàn diện về giới Hà Lan học ở Edo ra sao, thì một hôm tôi đã đến chơi nhà anh Shimamura Teiho.

Anh Shimamura là một người theo học ngành y trong trường Ogata, sau đó lên Edo và làm những việc như dịch sách vở tiếng Hà Lan. Tôi biết anh rất rõ và đến thăm thì bao giờ cũng nói chuyện sách vở, học thuật. Khi đó, chủ nhà đang dịch cuốn sách về sinh lý học, liền mang cuốn nguyên bản ra và bảo có một chương tiết này không làm thế nào cắt nghĩa được. Tôi thử xem thì thấy đúng là chỗ khó hiểu thật. Tôi hướng về phía chủ nhà và hỏi anh đã nói chuyện với các bạn bè khác chưa. Anh bảo đã hỏi bốn, năm người bạn thân là những ai, những ai đó mà họ cũng không hiểu được. Hay đấy! Để tôi giải nghĩa cho mà xem! Tôi nói thế, nhưng ngồi đọc chăm chú thì thấy khó thật.

Tôi ngồi yên lặng ngẫm nghĩ trong khoảng nửa tiếng thì hiểu rõ được ngọn nguồn và bảo ý nghĩa đại khái là thế này, theo anh thì sao? Hiểu ra được thì thấy đó chẳng có gì là to tát. Bữa đó cả chủ lẫn khách đều vui. Đoạn đó nói về mối quan hệ giữa ánh sáng và thị lực, về chuyện đặt hai ngọn nến và châm lên thì bóng người sẽ như thế nào. Nói chung là chỗ khá khó, chắc chắn có trong cuốn sách mang tên Seiri Hatsumō (Sinh-lý Phát-mông) mà anh Shimamura đã dịch. Chỉ qua một điều nhỏ như vậy cũng đủ để tôi thầm yên tâm. Trước hết, ở mức độ đó thì giới học thuật ở Edo cũng không có gì đáng sợ cả.

Thử sức các học giả Edo

Tôi đã từng hỏi các bậc đàn anh đi trước về những chỗ khó hiểu trong sách nguyên bản và qua đó cũng là để ngầm thử sức họ. Tôi chọn những câu mà hồi ở Ōsaka đã có ai đó không đọc được hoặc có khả năng sẽ không đọc được và làm bộ mặt không hiểu, đem đi hỏi, nhưng lần nào những người mang danh học giả cũng đều không đọc được. Ngược lại, điều đó làm tôi thích thú.

Thực ra, việc lừa và đem ra thử người như thế, xét về mặt đạo đức là một tội lớn, nhưng lúc đó huyết khí sôi sục của một thanh niên làm tôi không kìm nổi mình. Kết quả là trong thời gian ở Ōsaka tôi cùng với bạn bè cùng trường đã rất coi thường giới trí thức Edo. Tôi nghĩ, nếu cứ tin một cách mù quáng và tự mãn về mình như thế là một sai lầm lớn, nên phải thử xem sức của họ đến đâu. Dù biết rằng, đó là điều xấu mà vẫn thử làm.

Phát tâm với nền học thuật của người Anh

Như vậy, đại khái tôi cũng nắm bắt được về tương quan trong giới Hà Lan học và trước hết an tâm vì điều đó. Nhưng ở đây lại nảy sinh sự bất ổn lớn khác. Một năm sau khi tôi bước chân đến Edo, tức là năm Ansei thứ năm (1858-ND), "Gokakoku jōyaku" (Ngũ quốc điều ước) được ký kết và Yokohama thực sự là nơi được mở cửa. Bởi vậy, tôi đã đi Yokohama thăm thú.

Khi đó, người nước ngoài mới chỉ lác đác đặt chân lên Yokohama và xuất hiện những ngôi nhà nho nhỏ, mái hình sò mọc lên đâu đó. Người nước ngoài sống và mở cửa hàng luôn ở đây. Tôi thử đến, nhưng hoàn toàn không hiểu được ngôn ngữ. Tôi nói họ không hiểu và họ nói thì tôi cũng chẳng hiểu gì. Biển hiệu của cửa hàng đã không đọc được, mà những tờ nhãn dán trên vỏ chai cũng không hiểu. Nhìn đâu cũng không thấy chữ nào có trong vốn hiểu biết của mình. Tiếng Anh hay tiếng Pháp thì cũng không hiểu.

Khi đi loanh quanh trong khu đó, tôi gặp một cửa hàng của người Đức tên là Kniffler. Ông thương gia đó là người Đức nên hiểu được tiếng Hà Lan. Phát âm tiếng Hà Lan của tôi, ông ta không hiểu, nhưng viết ra thì hiểu được nghĩa, nên tôi vừa nói chuyện vừa mua đồ và quay về Edo. Phiền một nỗi Yashiki có giờ giới nghiêm. Tôi đi từ 12 giờ đêm hôm trước đến 12 giờ đêm hôm sau, tức là đã đi bộ ròng rã suốt một ngày một đêm.

Đi lại vùng Ko'ishikawa

Từ Yokohama về, tôi quên cả mỏi chân, vì thực ra quá thất vọng. Chuyện đến thế này thì không còn phương cứu chữa. Bao nhiêu năm sống chết, điên cuồng miệt mài học đọc sách vở Hà Lan, bây giờ lại không được tích sự gì. Nhìn biển hiệu của cửa hàng mà còn không đọc được, thì quả thực đáng ngán ngẩm quá! Lúc đó, tôi đã thực sự cảm thấy thất vọng.

Nhưng nhất quyết không thể cứ thất vọng mãi được. Những ngôn từ người ta dùng ở đó, những dòng chữ người ta viết ở đó là tiếng Anh hay tiếng Pháp chứ không sai. Đất nước chúng ta đang ký điều ước và định mở cửa, như thế sau này chắc chắn sẽ cần tiếng Anh. Với tư cách là một nhà Tây phương học mà không biết tiếng Anh thì dù biện minh thế nào cũng không thể chấp nhận được. Từ bây giờ không có cách nào hơn là phải học tiếng Anh - đó là ý nghĩ của tôi sau ngày đi Yokohama về. Trong một thời điểm, tôi có thất vọng, nhưng đồng thời lại làm nảy sinh ý chí mới và quyết định là sẽ chú tâm vào học tiếng Anh.

Nhưng việc học tiếng Anh lại không có đầu mối, không biết phải làm thế nào. Ở Edo, không có một nơi nào dạy tiếng Anh. Dần dần hỏi han mới biết, vì lúc đó chuẩn bị ký điều ước nên có một người thông dịch của Nagasaki tên là Moriyama Takichirō (Lâm-Sơn Đa-Cát-Lang) lên Edo để làm công việc của Mạc phủ. Tôi nghe tin đồn ông biết tiếng Anh, nên định đến tận nhà để học. Nhà ông ở khu phố Suidō-chō (Thủy-Đạo-đinh), Ko'ishigawa (Tiểu-Thạch- Xuyên). Tôi đi đến đó để nhờ dạy tiếng Anh. Ông Moriyama bảo rằng gần đây rất bận việc công, nhưng nếu tôi có ý muốn học thì ông sẽ dạy cho vào những buổi sáng sớm, trước khi đi công cán. Ông bảo hãy đến vào lúc sáng sớm.

Lúc đó, tôi sống ở Teppōzu. Từ Teppōzu đến Ko'ishigawa có lẽ hơn 2 Ri (khoảng 7.8km-ND) và mỗi sáng tôi đều dậy sớm đi bộ đến. Nhưng hôm nay đến, họ bảo ông đã đi làm, ngày mai đến lại. Sáng hôm sau đến sớm thì lại bảo ông có khách, không tiếp được. Dù đến lúc nào ông cũng không có thời gian để dạy cho. Đó không phải là do ông Moriyama không nhiệt tình, mà vì đang là lúc chuẩn bị ký điều ước, nên ông rất bận. Thực tế ông không có lúc nào rảnh mà dạy cho tôi.

Thấy tôi mỗi sáng đến mà không có thời giờ để dạy cho được thì tội quá, nên bảo: "Hay là buổi tối cậu đến được không?". Tôi bảo sẽ đến vào buổi tối. Từ hôm ấy, cứ mỗi khi mặt trời lặn là tôi đi ra khỏi nhà. Đường đi qua khu có trường Cao đẳng thương nghiệp ở gần Kanda-bashi (Thần-Điền-kiều), Hitotsu-bashi (Nhất-kiều), là chỗ vắng người và rất đáng sợ, vì có một cây thông rậm rạp, sừng sững gọi là khu Gojiingahara (Hộ-Trì-Viện -Nguyên). Ở khu đó, rất dễ gặp những kẻ trấn lột. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ cảm giác sợ hãi khi từ Ko'ishikawa về vào lúc mười một hay mười hai giờ đêm.

Mặc dù vậy, việc học buổi tối cũng lại như trước, tối nay ông Moriyama có khách, tối khác lại có người phụ trách về đối ngoại cho gọi nên phải đi. Với những lý do đó, tôi không có cách nào khác. Tôi đi liền hai ba tháng mà ông không dành được cho buổi nào. Vì thế, vẫn chưa thể làm được gì. Thêm vào đó, ông Moriyama cũng không phải là người am hiểu tiếng Anh, chỉ ở mức biết cách phát âm mà thôi. Không còn cách nào khác, tôi đành phải từ bỏ ý định nhờ ông Moriyama.

Xin vào Bansho Shirabejo

Trước đó, khi đi Yokohama, tôi đã mua hai cuốn hội thoại Hà Lan - Anh mỏng ở cửa hàng ông Kniffler. Tôi ngồi một mình đọc cuốn đó mà không có từ điển. Nếu có từ điển song ngữ tiếng Anh và tiếng Hà Lan thì không cần có thầy tôi cũng có thể tự mình học được, nên rất muốn có từ điển trong tay, nhưng ở Yokohama không có chỗ nào bán. Làm cách nào cũng không mua được.

Hồi ấy, ở Edo có trường chuyên về Tây phương học của Mạc phủ đóng ở Kudanshita, tên là Bansho Shirabejo (Phiên-thư Điều-sở). Tôi nghe nói, ở đó có rất nhiều từ điển, nhưng bảo muốn mượn thì họ nói phải xin nhập môn. Nhưng không phải võ sĩ cứ muốn vào trường của Mạc phủ là được cho phép vào ngay. Ông Rusu'i (Lưu-thủ-cư) của chính lãnh địa đó phải đóng dấu vào đơn xin nhập môn mới được. Tôi đến chỗ ông Rusu'i, nhờ đóng dấu, sau đó mặc Kamishimo , đi đến Bansho Shirabejo và xin nhập môn. Hồi đó, ông Mitsukuri Gempo (Ky-Tác Nguyễn-Phủ) , ông của cậu Mitsukuri Rinshō (Ky-Tác Lân-Tường) , là người đứng đầu trường và cho phép tôi nhập môn ngay. Nếu vào được đó sẽ có thể mượn được từ điển.

Tôi xin mượn và cầm cuốn từ điển song ngữ Anh - Hà Lan trên tay. Ở đó có một phòng dành cho những người đến học, nên tôi ngồi đó xem một chút, bỏ tấm khăn bọc trong tay nải ra định gói vào mang về thì họ bảo không được, xem ở đó thôi chứ không được mang về nhà. Thế này là hết cách! Hàng ngày mà cứ phải cuốc bộ từ Teppōzu đến Kudanshita thì không được. Vì vậy, từ ngày xin vào đó tôi chỉ đến đúng một lần và bỏ.

Tự học nhờ từ điển

Nhưng cũng may là dần dần có những thương gia đi Yokohama. Tôi nhờ họ tìm xem có cuốn từ điển song ngữ Anh - Hà Lan không, thì thấy có một bộ gồm hai tập từ điển song ngữ Anh - Hà Lan, thêm cả phần ký hiệu phát âm có tên là Holtrop . Cuốn từ điển đó rất nhỏ, nhưng giá những 5 Ryō. Sau đó, tôi đệ đơn xin lãnh chúa Okudaira mua giúp.

Như thế cũng tạm được, chỉ cần có cuốn từ điển này là không cần nhờ thầy nữa. Và tôi quyết tâm tự mình nghiên cứu. Hàng ngày, hàng đêm tôi cắm cúi tra cứu cuốn từ điển đó, tự học hoặc thử dịch những câu tiếng Anh ra tiếng Hà Lan, cố gắng chú tâm làm sao để có thể quen được với tiếng Anh.

Tìm bạn học tiếng Anh

Tôi đã một mình quyết định như vậy, nhưng thế nào cũng phải có bạn học cùng. Tôi nghĩ, mình thấy khổ sở thế nào thì các nhà Hà Lan học lúc đó cũng thấy khổ sở như thế chứ không sai. Khổ công học từ trước đến nay mà thành ra chẳng giúp ích được gì. Tôi định thử bàn với bạn bè, nhưng điều đó không phải dễ, vì suy nghĩ của tất cả những nhà Hà Lan học, mà trước hết là tôi, đều như nhau.

Nếu bảo những tri thức về Hà Lan học mà chúng tôi đã khổ công học tập trong bao nhiêu năm trời không giúp ích gì, phải ném hết đi để chuyển sang Anh học và một lần nữa bắt đầu một sự khổ cực mới thì quả thực là một câu chuyện quá cay đắng. Cũng như một người học bơi những ba năm hay năm năm, đến khi bơi được lại bỏ luyện tập và lần này lại bắt tay vào học cách leo cây, coi như việc học từ trước đến nay thành số không. Nghĩ như thế nên rất khó mà quyết được.

Có lần, tôi đến gặp anh bạn học là Kanda Takahira (Thần-Điền Hiếu-Bình) và đem chuyện chuyển hướng sang học Anh học ra bàn thì anh bảo:

- Không, thế là đủ rồi. Tớ cũng nghĩ chán từ trước và cũng đã thử một phen, nhưng không có đầu mối nào. Thực ra là không biết phải bắt đầu từ đâu cả. Thời gian trôi đi, thế nào cũng sẽ có cách để học đọc sách tiếng Anh, nhưng hiện giờ thì chẳng thể làm gì được. Mà thôi, các cậu còn trẻ khỏe, cứ làm đi, khi nào phương hướng rõ ràng, nhất định tớ cũng học. Chỉ có điều là hiện giờ, với lý do gì tớ cũng không nghĩ là sẽ chuyển sang Anh học!

Sau đó, tôi tìm đến nhà anh Murata Zōroku (Thôn-Điền Táng-Lục) (sau này đổi tên thành Ōmura Masujirō) ở phố Ban-chō (Phiên-đinh) và cũng khuyên y như vậy. Nhưng anh nhất quyết không làm theo. Tuy nhiên, lý luận của anh lại hoàn toàn khác với anh Kanda. Anh bảo:

- Cậu đừng có lao vào những chuyện vô bổ như thế! Tôi không học những thứ như vậy. Đúng là một việc không cần thiết. Liệu có ai khổ công đọc những sách tiếng Anh khó như thế không? Những sách cần thiết thì người Hà Lan đã dịch ra rồi. Đọc những bản dịch đó không phải là đã quá đủ sao?

- Có thể thế! Đấy cũng là một cách nghĩ. Nhưng người Hà Lan không phải cuốn nào cũng dịch ra. Hôm trước tôi đi Yokohama mà kinh ngạc quá. Cứ tình hình này Hà Lan học sẽ chẳng giúp ích gì nữa đâu. Thế thì chẳng phải học tiếng Anh hay sao?

Tôi nói đến thế mà anh Murata vẫn khăng khăng:

- Không, không, tớ không học là không học! Nhất quyết không học gì cả! Có học thì các cậu học đi! Nếu cần, tớ sẽ đọc sách dịch của người Hà Lan, chẳng sao cả!

Anh cứ khăng khăng như vậy. Biết rằng có nói thêm nữa cũng không lay chuyển được, nên lần này tôi tìm đến nhà anh Harada Keisaku (Nguyên-Điền Kính-Sách) ở khu Ko'ishikawa. Anh Harada rất nhiệt tâm bảo:

- Làm gì tớ cũng làm! Ai nói gì tớ cũng mặc! Nhất định sẽ cùng học nhé!

Anh nói vậy, nên tôi bảo:

- Hay quá, thế thì bắt tay vào cùng học đi! Ai nói gì cũng mặc, anh em mình sẽ làm đến cùng!

Tôi với anh Harada khá tâm đầu ý hợp. Vào đúng thời kỳ chúng tôi đọc sách tiếng Anh thì có một cháu bé từ Nagasaki lên. Cháu bé này biết tiếng Anh, nên chúng tôi gọi đến để học cách phát âm. Hoặc thỉnh thoảng có những người phiêu dạt và ở lại luôn đó một thời gian dài. Khi đất nước mở cửa, xuất hiện các chuyến tàu qua lại và thỉnh thoảng cũng có người về nước. Những người đó mà về đến nơi thì cũng có khi chúng tôi đến tận nơi gặp họ ở để hỏi.

Khi đó, điều khó nhất trong tiếng Anh là phát âm. Chúng tôi không định học ở họ ý nghĩa của từ, mà chỉ học cách đánh vần, nên trẻ con cũng tốt mà người phiêu bạt cũng không sao. Chúng tôi đã tìm những người như thế để học hỏi. Trước hết, chúng tôi thử dịch từ tiếng Anh ra tiếng Hà Lan, tra cứu từng chữ, từng chữ một và dịch chữ đó sang tiếng Hà Lan.

Việc sửa lại câu văn tiếng Hà Lan cho chỉnh và tóm ý câu văn không phải khó nhọc gì, chỉ có điều phải khổ sở đọc cho chính xác cách đọc của câu văn đó. Nhưng chuyện này dần dần khi đã quen cũng không đến nỗi khó khăn. Chỉ khổ một điều là khởi đầu, khi chúng tôi định bỏ Hà Lan học để chuyển sang Anh học thì luôn có một ý nghĩ rằng, kết quả của việc học tập bao nhiêu năm ròng bị bỏ phí, rằng cuộc đời những hai lần phải khổ cực, nhưng đó là một sai lầm lớn!

Nhìn vào thực tế, nói là Hà Lan hay Anh cũng chỉ là hai thứ ngôn ngữ được viết theo chiều ngang, có quan hệ gần gũi, ngữ pháp hầu như giống nhau, nên năng lực đọc sách Hà Lan thì cũng dùng để đọc sách tiếng Anh được, chứ hoàn toàn không phải là vô ích. Lúc đó, tôi mới phát hiện ra ý nghĩ cho rằng, chúng khác nhau như việc bơi dưới nước với việc leo trên cây chỉ là sự ngu muội nhất thời mà thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com