Chương 50: Viết Hoàng's POV (2)
Năm lớp 11, cuộc thi bắn cung trẻ của Quân được tổ chức cùng địa điểm với giải giao hữu Vovinam các câu lạc bộ. Lúc đến sân vận động, tôi vô tình đi lạc vào nơi diễn ra trận chung kết võ Vovinam. Đáng lẽ tôi sẽ rời khỏi ngay lập tức, nhưng khi thấy thân hình nhỏ nhắn đứng hiên ngang dưới sân thi đấu, bước chân tôi vô thức dừng lại. Cô bé với ngoại hình hệt như búp bê sứ trong trí nhớ của tôi, giờ đây toát lên khí chất mạnh mẽ. Trên người em mặc bộ võ phục màu xanh dương đậm, vạt áo đắp lên nhau và đai vàng ở eo được em thắt thành dạng cổ xẻ. Có lẽ vì tò mò về một mặt hoàn toàn khác này nên tôi chuyển hướng, từ từ di chuyển đến khán đài để xem trận đấu rõ hơn.
Tôi không am hiểu võ thuật, hoàn toàn mờ mịt với những chiêu thức em tung ra. Nhưng có thể thấy được, khuôn mặt em chẳng hề sợ hãi khi đối thủ dùng sức mạnh áp đảo. Tôi như bị cuốn theo trận đấu, trái tim trở nên nặng nề, lo lắng cô bé dưới sân bị đánh trúng. Tận đến lúc tiếng hò reo phấn khích của khán giả vang lên, trọng tài tuyên bố chiến thắng thuộc về em, tôi mới thở phào.
Khánh Vy không nhận ra tôi, em đứng trên bục vinh quang, hàm răng trắng cắn chặt chiếc huy chương vàng, hiện rõ dáng vẻ kiêu hãnh của người chiến thắng. Ngày hôm ấy, tuy bỏ lỡ trận đấu của Quân nhưng tôi lại thấy một Khánh Vy hoàn toàn khác mà tới tận sau này tôi hiểu rằng, trái tim nhiệt huyết và mạnh mẽ ấy mới chính là con người thật của cô gái tôi thương.
"Nhà vợ em mở võ đường. Người yêu em sở hữu hoàng đai Đệ tam đẳng Vovinam, kỷ lục liên tiếp đạt bảy huy chương vàng thành phố, biết múa côn nhị khúc và từng học qua kiếm thuật. Anh còn dám không, ạ?" Tôi muốn liệt kê thêm thành tích từ hồi tiểu học của bạn gái, nhưng nhìn sắc mặt tái mét của anh họ, tôi nghĩ mình không nên khoe mẽ. Anh ta không đẹp trai như tôi, học cũng chẳng giỏi bằng, sao tìm người yêu tuyệt vời giống tôi được? Đã vậy, trên thế giới này chỉ có duy nhất một Nguyễn Huỳnh Khánh Vy, và tôi thuộc về em ấy.
Anh họ cau có: "Mày tưởng tao sẽ sợ một đứa con gái à?"
Tôi nghiêng đầu, tránh để người lớn phát hiện, hé miệng rồi chỉ lên môi: "Anh thấy chiếc răng này của em trông khác hẳn với 31 chiếc còn lại không?"
Anh ta nheo mắt đánh giá, nghiêm túc gật đầu: "Ờ, hình như sáng hơn."
"Anh biết vì sao không?"
"Sao?"
"Vì bị người yêu em đấm mẻ nên phải bọc sứ đấy."
"..." Gương mặt anh họ đông cứng, khóe môi giật liên tục: "Nghe... tự hào quá nhỉ?"
Tôi gật đầu.
"Nó đấm hỏng răng mày đấy, đáng lẽ mày phải ghét nó chứ? Yêu đương kiểu quái quỷ gì mà bạo lực thế?"
"Đừng gọi "nó", gọi "em ấy" được rồi." Tôi nhắc khéo, lại nói: "Lúc đấy chưa hẹn hò, do em dọa người yêu trước."
"Đờ mờ, tao gọi hẳn "bé" cho tình cảm nhé?"
"Không được!" Tôi nghiến răng, máu nóng dồn lên. May thay anh họ không chú ý đến sự thất thố của tôi. Bình ổn lại trạng thái, tôi lột vỏ tôm rồi ân cần đặt vào bát anh: "Em nhớ hồi bé anh rất thích ăn tôm."
Anh họ trừng mắt: "Tao ghét ăn tôm."
Các bác không nghe được nội dung cuộc hội thoại của hai đứa, thấy vậy thì khen anh em chúng tôi yêu thương nhau. Có người lớn ở đây, anh họ không thể gây sự quá đáng. Anh nhìn chăm chăm con tôm trong bát rồi lườm tôi: "Mày cố tình gài tao đúng không?"
"Em nào dám."
Đúng lúc này, bác cả lên tiếng hỏi chuyện anh hai. Tôi không để ý đến anh họ nữa, vội chăm chú nghe, sợ mình bỏ sót chi tiết quan trọng.
"Phía công ty, cháu giải quyết tới đâu rồi?" Giọng bác ôn tồn: "Nếu thiếu tiền thì nói với bác. Đều là người nhà cả, bác sẽ hỗ trợ."
Anh Khang cười nhẹ: "Cháu vừa thu xếp xong, mọi thứ vẫn ổn bác ạ."
Bà nội ở bên cạnh, bàng hoàng hỏi: "Xảy ra chuyện gì? Khang... thiếu tiền là thế nào?"
Bác cả ngạc nhiên, quay sang nhìn bố tôi: "Chú chưa kể cho mẹ sao?"
Chỗ tôi ngồi cách xa bố nên tôi chẳng thể nhìn rõ biểu cảm trên gương mặt ông. Nhưng hình như, bố không muốn đề cập tới việc này. Ông nói với một thái độ lãnh đạm: "Chuyện nhỏ trong nhà, giải quyết xong thì thôi. Mẹ có tuổi rồi, tội gì phải nhắc để mẹ lo lắng."
"Chuyện này mà nhỏ? Thế nhà chú không còn chuyện lớn nào nữa đâu." Bác tư chợt nói chen vào, cả bác dâu: "Ông này, công việc của thằng Khang để nó tự giải quyết, bố mẹ đâu che chở mãi được. Nhà chú ấy còn đang... thôi."
Âm lượng nhỏ dần, tôi không nghĩ bác ấy đang nhắc khéo chồng mà đang gợi chuyện của gia đình tôi. Không gian bàn ăn như đặc quánh lại, tôi cảm nhận được sự nặng nề trong hơi thở. Mẹ tôi lên tiếng, muốn chuyển hướng câu chuyện nhưng bà nội vẫn gặng hỏi. Đến tuổi này, bà thừa đoán được vấn đề không dừng lại ở "chuyện nhỏ trong nhà". Cuối cùng tôi cũng loáng thoáng nhìn thấy vẻ nôn nóng lướt qua trên gương mặt bố. Và anh Khang mở lời, hoàn toàn làm trái ngược ý ông.
Anh hai chỉ tóm gọn lại đầu đuôi sự việc. Tôi mím chặt môi, âm thầm quan sát bố mẹ, lại nghĩ có lẽ đêm nay sẽ rất dài. Tôi hơi buồn ngủ rồi.
Tôi giả vờ đánh rơi đũa, cúi người, nhanh chóng nhìn thấy bàn tay đang đặt trên đầu gối của mẹ nắm chặt thành một khối. Khớp ngón nổi lên, thỉnh thoảng run nhẹ, hẳn trong lòng bà đang vô cùng khó chịu. Tôi thở dài, nhặt đũa. Anh họ ngồi bên cạnh ghé sát vào người tôi, kinh ngạc hỏi: "Oh, shit! Mày đồng ý bán xe thật à? Hay bố mày bắt bán thế?"
Thấy tôi gật đầu, anh họ trố mắt: "Não mày ngâm nước rồi à? Biết con xe đấy bao nhiêu tiền không? Tự dưng rước việc không liên quan vào người!"
Tôi đau đầu, chẳng còn tâm trạng tranh cãi: "Anh mới là người không liên quan đấy, đừng dạy em phải sống thế nào."
"Giận hả? Tao lo cho mày thôi, đằng nào ông Khang với mày cũng không cùng mẹ ruột. Nhỡ..."
"Anh ngậm miệng được chưa?" Tôi ngắt lời, suýt mất bình tĩnh. Đột nhiên, tôi không thể kiềm chế nổi khi phải nghe những từ ngữ từng lọt vào tai mình vô vàn lần.
"Hoàng thấy mẹ khổ không? Mẹ vừa nuôi con vợ trước, vừa nịnh nọt hết người này đến người kia. Các bác thì khó tính, bố con lại vô trách nhiệm, Hoàng tưởng mẹ sống sung sướng lắm hả?"
"Thế Hoàng biết mẹ phải gắng gượng trong cái nhà này vì ai không? Vì hai anh em, nếu không mẹ bỏ bố mày lâu rồi! Mà mỗi việc chào to cái mồm lên cũng không xong. Mẹ đã dặn bao nhiêu lần là thấy bố về phải ôm bố. Sao mày cứ làm khổ mẹ thêm thế hả Hoàng?"
Qua ngần ấy năm, tôi vẫn không thể đặt đáp án chính xác cho tình cảm giữa mẹ và anh Khang. Rốt cuộc, bà có thật sự coi anh như con ruột không? Hay chỉ vì... để tồn tại trong gia đình.
Bởi vậy, tôi không dám tiết lộ chuyện mình đồng ý với bố dùng tiền bán xe để bù vào khoản lỗ trong công ty của anh hai. Dẫu sao khi biết tin bố đứng tên chiếc xe được mua để tặng tôi trong ngày sinh nhật, mẹ đã rất tức giận. Giấy không gói được lửa, mẹ vẫn biết, và anh Khang kể hết sự thật dù trước đấy bố dặn phải giữ bí mật. Nhìn biểu cảm hiện hữu trên khuôn mặt mỗi thành viên trong gia đình, lòng tôi chùng xuống. Giá như lúc này, anh ba trả lời tin nhắn để tôi được ôm nỗi hy vọng rằng mình vẫn còn điểm tựa giữa cuộc đời chơi vơi.
Bữa cơm kết thúc cùng bầu không khí hoàn toàn trái ngược với lúc bắt đầu, gia đình tôi xin phép về trước. Ra đến đầu ngõ, tôi chợt thấy anh Khang cúi gập người: "Con xin lỗi vì đã giấu mẹ chuyện bán xe. Quả thực, khi ấy con cũng bất đắc dĩ. Đợi Hoàng lên đại học, con sẽ mua một chiếc mới cho em."
Đèn đường chiếc rọi xuống, phác họa nụ cười dịu hiền của mẹ. Bà vỗ vai anh Khang, điềm đạm nói: "Mẹ còn mừng vì công việc của con được thu xếp ổn thỏa. Anh em trong nhà phải giúp đỡ lẫn nhau, con không cần mua xe đâu, em nó còn nhỏ."
"Hoàng vào đại học cũng cần phương tiện đi lại mẹ ạ. Huống hồ, lần này do con bán gấp xe của em."
"Xe đứng tên bố chứ không phải của em. Con đừng nghĩ nhiều."
Nghe vậy, nét mặt anh Khang cứng đờ. Tôi đoán đúng, tâm trạng mẹ đang rất tệ, ngay cả bố cũng chẳng tốt hơn. Tôi sợ họ sẽ không kiềm chế được mà tiếp tục trận cãi vã còn dang dở hồi chiều. May thay, tiếng khóc của cu Bi vang lên, phá vỡ sự bối rối đang quẩn quanh tại nơi này.
"Oa oa... Bố, bố... bố oa oa... đi về... Oa oa..."
Mẹ vuốt dọc sống lưng Bi, nhẹ giọng dỗ dành, rồi nói với anh hai: "Chắc Bi buồn ngủ, con mau đưa thằng bé về đi. Cuối tuần nhà mình ăn bữa cơm với nhau, lâu lắm con không về nhà rồi."
"Vâng. Vậy con xin phép bố mẹ, con đưa Bi về trước."
"Ừ."
Anh Khang vừa rời đi, bầu không khí mới dịu lại lập tức trở nên căng thẳng. Màn đêm như dải lụa đen tuyền, che lấp những vì sao xa. Tôi ép mình hòa vào cảnh vật, lắng nghe tiếng gió rít khe khẽ, cuốn theo những chiếc lá khô xào xạc dọc theo lề đường để thay cho hàng ngàn lời tổn thương sắp ập tới.
Mãi một lúc sau, bố mới mở lời: "Tôi đi lấy xe."
"Hai bố con về nhà đi, mẹ còn công việc nên tối ngủ lại ở văn phòng." Mẹ hướng mắt về phía tôi, rồi lấy điện thoại gọi cho chú tài xế.
Tôi ngập ngừng: "Cũng muộn rồi, công việc không để ngày mai xử lý được ạ?"
Mẹ xem đồng hồ, ước tính thời gian tài xế đến đón: "Mai mẹ còn có cuộc họp, Hoàng ngoan ngoãn về nghỉ ngơi, học bài nhé."
Ánh mắt tôi đổ dồn vào bố, khẩn cầu ông sẽ giữ mẹ ở lại. Nhưng bố lặng thinh, tựa như đây là chuyện giữa tôi và mẹ, không liên quan đến ông ấy.
Ồ, tôi đang hy vọng điều gì ở người đàn ông đã phụ bạc tình cảm của vợ mình đây?
Ông ấy là một kẻ hèn nhát.
Cũng là, bố tôi.
Mẹ không quay đầu, thậm chí chẳng nhìn bố. Trên đường về, tôi không kìm được mà hỏi ông: "Bố, chuyện bán xe... bố không định xin lỗi mẹ ạ?"
Cánh tay đang di chuyển nhịp nhàng theo chiều của vô lăng khựng lại, tôi nghe thấy giọng nói nghiêm nghị của bố vang lên trong xe: "Chuyện nhỏ, không cần thiết phải xé to."
Chuyện nhỏ...
Giống lời bác tư nói ban nãy, nếu chuyện này nhỏ thì nhà tôi còn chuyện nào lớn nữa? Chung quy, ông ấy chẳng hề cảm thấy bản thân đã phạm sai lầm. Tôi không biết năm ấy xảy ra biến cố gì, liệu bố đã hối lỗi trước mẹ chưa nhưng điều tôi nhìn nhận được ở tuổi mười tám là khi tìm thấy đứa trẻ kia, việc đầu tiên bố làm không phải cho mẹ, cho hai anh, hay cho thằng con út chẳng hề hay biết chuyện xưa cũ này một lời giải thích mà là chất vấn mẹ rằng tại sao bà lại giấu ông. Rõ ràng biết người phụ nữ ấy mang thai nhưng bà lại lựa chọn im lặng. Tàn nhẫn khiến ông chẳng biết chút tin tức nào về mẹ con họ.
Mẹ nói, bà cố ý để trừng phạt ông. Tới tận bây giờ, bố mới biết chuyện người phụ nữ ấy đã mất từ mấy năm trước, và cả sự tồn tại của con gái mình. Tôi tự hỏi, rốt cuộc ai mới là kẻ đáng thương nhất trong cuộc tranh đấu này đây? Người vợ hy sinh tuổi xuân vì chồng, ngày qua ngày thu mình trong bốn góc tường hay cô gái đôi mươi ngây thơ tin vào những lời đường mật của gã đàn ông mà chẳng hề hay biết anh ta đã có gia đình trên thành phố. Hoặc là, sinh mạng vô tội được tạo ra từ sai lầm của họ, bị cuộc tranh đấu giữa những người trưởng thành giằng xé đến thương đau.
Tôi lắc đầu, nhưng tôi biết kẻ đáng trách là ai.
Chính là bố tôi, người đàn ông mà tôi đã nhìn bằng ánh mắt tôn kính suốt mười mấy năm nay. Là người, từ khi nhận thức được cuộc đời, lòng tôi đã dâng lên một khao khát rằng: "Mình sẽ trở thành một người đàn ông như bố."
Người như bố...
Rốt cuộc sẽ ra sao?
Phản bội gia đình hay tệ bạc, hèn nhát?
Ông ấy không còn giống trong ký ức của tôi. Và tôi nhận ra điều mình nghĩ chỉ là giấc mơ được thêu dệt bởi những mong đợi viển vông.
...
Đêm nay, bố mẹ vắng nhà. Tôi không biết sau khi đưa tôi về, bố đã đi đâu. Có lẽ đến khách sạn, hoặc qua công ty tìm mẹ. Tôi ngả người xuống giường, đờ đẫn nhìn lên trần nhà, điện thoại gần hết pin cũng chẳng buồn cắm sạc. Suy cho cùng, những tin nhắn còn dang dở kia chưa chắc đã nhận được lời hồi đáp.
Bất chợt, tiếng chuông điện thoại vang lên. Dường như Chó bị đánh thức, đôi mắt tròn màu vàng của nó đột ngột mở lớn, nó ngơ ngác một hồi rồi nhảy lên giường, sà vào lòng tôi. Thỉnh thoảng, cái đuôi xù xì lại ngoe nguẩy mỗi khi được tôi gãi cằm.
Nhìn tên người gọi hiển thị trên màn hình, lòng tôi rối ren. Tôi lưỡng lự bắt máy: "Anh ạ."
"Anh vừa họp xong, giờ mới cầm điện thoại. Bố về lâu chưa?"
"Bố về lúc chiều ạ."
"Ừ, trong nhà thế nào rồi?"
Tôi cắn nhẹ môi dưới. Rõ ràng khi nãy tôi có vô số tâm sự muốn giãi bày với anh Khôi, nhưng hiện tại, những lời chưa kịp cất lên bỗng chốc trở thành chiếc lá bị gió cuốn ngược vào lòng, chẳng thể thoát ra khỏi khuôn miệng. Suy cho cùng, tôi không mong anh trai đang ở nơi xứ người phải bận lòng chuyện gia đình.
"Vẫn ổn anh ạ."
"Chuyện của người lớn em đừng tham gia, mấy ngày này tập trung ôn thi đi. Ưu tiên việc học trước."
"Vâng..."
Tôi đáp lại, sự im lặng bao trùm lên đoạn hội thoại. Cách đầu dây điện thoại, tôi có thể nghe được tiếng đồng hồ vang lên "tích... tắc...". Tự hỏi, đã bao lâu rồi chúng tôi chưa trò chuyện cùng nhau? Không tính tin nhắn, lần cuối hẳn vào đợt Tết, khi anh Khôi vô tình phát hiện ống đựng tranh ở trong phòng tôi và tôi tâm sự với anh về mong muốn được trở thành kiến trúc sư của mình.
Anh Khang bảo còn công việc chưa hoàn thành, dặn dò tôi thêm vài câu rồi cúp máy. Vừa tắt cuộc gọi thì tôi nhận được tin nhắn từ Huy. Huy hỏi tôi có tiện qua nhà nó không. Tôi đồng ý, dẫu sao đêm nay bố mẹ cũng chẳng về.
...
Huy không sống cùng gia đình mà thuê một căn chung cư ở gần trường. Thời điểm tôi đến nhà, nó đang nấu cơm trong bếp.
"Giờ mới nấu à?" Tôi dựa người vào tủ bếp, mân mê quả dưa chuột mà Huy vừa ngâm nước muối.
"Nãy có chút việc, vừa mới về." Huy lấy dưa chuột từ tay tôi, trừng mắt cảnh cáo tôi không giúp được gì thì đừng nghịch lung tung. Nó rửa sạch dao, bắt đầu thái dưa chuột thành từng lát. Nhìn vẻ ngoài trông Huy khá hời hợt, nhưng thực chất lại rất cầu toàn, đặc biệt là trong chuyện nấu nướng. Huy từng nói, nó thích tận hưởng cảm giác hoàn thiện một món ăn, từ khâu chuẩn bị cho đến dọn dẹp. Vì vậy, phòng bếp nhà nó lúc nào cũng được sắp xếp ngăn nắp, đúng trình tự và chưa bao giờ thiếu nguyên liệu.
Tôi mở tủ lạnh, ngó nghiêng một hồi rồi lấy hộp sữa chua. Lần trước tôi thấy Khánh Vy ăn sữa chua của hãng này, lúc liếm xong vỏ hộp, đôi mắt hạnh của em sẽ híp lại. Tôi chưa thử bao giờ, cũng tò mò xem liệu nó có ngon đến mức ấy không.
"Sống một mình mà mua nhiều đồ thế? Hình như tao chưa thấy tủ lạnh nhà mày trống bao giờ." Tầm mắt tôi rơi xuống mấy hộp bánh kem lạnh Hàn Quốc, Khánh Vy cũng thích ăn loại bánh này. Hôm nọ tôi đặt người gửi về Việt Nam nhưng vẫn chưa nhận được hàng.
Huy dùng chuôi dao đánh vào mu bàn tay tôi: "Mày định âm mưu xấu xa gì với tủ lạnh nhà tao hả?"
"Tao chẳng thèm..." Tôi đứng thẳng lưng, đóng tủ lạnh rồi xua tay: "Mày lo nấu cơm đi, sắp nửa đêm rồi còn chưa ăn tối."
Huy cầm dao, đứng chống nạnh lườm tôi: "Đừng tưởng tao không biết ý đồ của mày."
"... Để tao xếp bát đũa phụ mày nhé?" Tôi tức thời, cười xuề xòa.
Bữa tối ở nhà bà tôi không ăn nhiều. Lúc này, ngửi mùi thơm từ nồi gà hầm thuốc bắc Văn Huy nấu khiến bụng tôi bắt đầu cồn cào. Tay nghề nấu nướng của Huy rất tốt, nó còn điều chỉnh gia vị sao cho hợp khẩu vị tôi. Đang ăn thì Huy bất chợt đứng dậy mở tủ lạnh lấy lon bia, nó bật nắp rót đầy ly rồi đẩy về phía tôi.
"Uống với tao."
"Nay gặp phải chuyện gì à?" Tôi nhíu mày. Hầu hết chúng tôi chỉ uống rượu bia vào những buổi liên hoan hoặc có hẹn trước nên tôi đoán hôm nay tâm trạng Huy không ổn. Huống hồ, chẳng phải bỗng dưng nó gọi tôi đến nhà một cách đột ngột như vậy.
Huy trầm mặc, không đợi tôi đặt câu hỏi thứ hai, nó đã tiến đến kéo tay tôi: "Lên sân thượng hóng gió không?"
Điều này càng khiến tôi chắc chắn hơn về suy đoán của mình. Huy còn bảo tôi mang theo mấy lon bia. Đã hơn mười giờ, những gia đình xung quanh đã đóng kín cửa, hành lang bên ngoài vắng tanh, trong không gian tĩnh lặng chỉ nghe được tiếng bước chân khẽ khàng.
Tòa chung cư Huy ở cao hai mươi tầng. Vừa mở cửa, gió đã lùa vào người tôi. Tuy đang là mùa hè nhưng đứng trên sân thượng thì tôi vẫn thấy hơi lạnh. Biết trước đã mang theo áo khoác, tôi thầm nghĩ.
"Này..." Tôi gọi Huy, thấy nó ngồi sụp xuống nền gạch lát, lưng dựa vào tường. Tôi đành ngồi bên cạnh nó, nhận lấy lon bia Huy đưa. Nó cũng tự mình bật nắp rồi đưa lên miệng uống một hớp lớn.
Hai đứa im lặng, tôi lén quay sang, thấy Huy liên tục uống bia, chẳng mấy đã hết một lon. Tôi sợ nó say, vội ngăn lại: "Uống ít thôi, kẻo mai lại nằm liệt ra đấy."
Dưới ánh trăng, tôi lờ mờ nhìn thấy đôi môi đang mím lại của Huy, hẳn nó đã cố gắng kiềm chế để không bộc phát hết thảy thứ cảm xúc tiêu cực đang tích tụ trong lòng. Tôi thở dài, vỗ nhẹ lên lưng nó: "Rốt cuộc có chuyện gì?"
"Không, chỉ là..." Huy dần bình tĩnh lại. Nó ngập ngừng, mãi một lúc mới trả lời: "Tao... vừa bị từ chối thôi."
Tôi sững sờ: "Ánh hả?"
"Ừ."
"Tao tưởng mày không định tỏ tình nữa."
"Tao không tỏ tình, mà Ánh... nói khéo với tao." Huy đặt lon bia xuống đất, lại xoa mái tóc rối như tơ vò: "Ánh chúc tao thượng lộ bình an, rồi bảo vị trí của tao trong lòng em ấy cũng giống như Nam, đều là người bạn thân thiết nhất. Thế nên Ánh không muốn đánh mất tình bạn với tao."
Nó lắc đầu, cười khổ: "Thằng này đâu ngốc, đương nhiên tao biết Ánh sợ tao làm liều mà tỏ tình trước lúc đi du học, đến lúc đấy hai đứa sẽ khó xử biết bao. Em ý không có nhiều bạn bè, tao nào dám... khiến cô gái mình thích thất vọng chứ?"
Tôi lặng thinh, lắng nghe Huy tâm sự. Lại rũ mắt nhìn kim đồng hồ quay, từng giây từng phút nặng nề trôi qua, chẳng biết chúng đang cố gắng níu kéo khoảng thời gian này, hay nỗi cô đơn vô tình bủa vây nơi đây. Tôi không ngờ mới mấy tiếng trôi qua mà mọi chuyện lại phát triển theo chiều hướng như vậy.
Huy thích Ánh từ khi nào, tôi không rõ. Chỉ nhớ hôm ấy Huy hỏi tôi rằng cô gái đi bên cạnh Khánh Vy tên gì. Cứ như vậy những ngày sau đấy, tôi luôn thấy Huy cầm trong tay quyển sổ ghi chú, cậu chàng cẩn thận viết từng sở thích, thói quen của người thương vào trang giấy trắng.
"Mày ơi, rõ ràng đây là điều tao muốn. Nhưng sao tao thấy... đau đớn quá?" Huy gác cằm lên đùi, co người lại, nó thều thào bằng chất giọng yếu ớt. Tôi đoán, có lẽ Huy đã say rồi, nên nó mới dám bộc lộ hết thảy nỗi lòng. Tôi muốn an ủi Huy, nói với nó rằng chỉ cần ngủ một giấc, vì ngày mai sẽ là khởi đầu mới. Nhưng ngay cả chính tôi cũng chẳng thể vượt qua cảm giác trái tim quặn thắt ấy một cách dễ dàng.
"Đừng kiềm chế, tao nghe đây." Tôi vỗ nhẹ lên vai Huy.
"Tao vẫn ổn..." Huy nghiêng đầu, nheo mắt nhìn tôi: "Mày nghĩ trung bình mười kẻ yêu đơn phương thì sẽ có bao nhiêu người may mắn nhận được lời hồi đáp nhỉ?"
"Tao không biết."
"Ừ, chẳng hiểu thần Cupid sắp xếp thế nào. Nhưng ngài ấy đã chọn trúng mày. Thế nên mày đừng khiến con bé kia tổn thương."
Chúng tôi như đổi vai, Huy khuyên tôi rất nhiều điều. Tới tận lúc nằm sõng soài trên giường thì trong đầu tôi vẫn văng vẳng lời nói của Huy:
"Khánh Vy vô tư chứ không vô tâm. Đến một lúc nào đấy, con bé sẽ phải mệt mỏi với những lời nói dối của mày."
Em sẽ mệt mỏi.
Nhưng ai lại muốn nghe những lời tiêu cực đây?
Ngày hôm nay dài đến mức, tôi chẳng nhớ nổi mình đã trải qua bằng cảm xúc nào. Là vui hay buồn? Hoặc có thể, là khoảnh khắc mọi giác quan tê liệt, chẳng thể phân biệt đâu là thực, đâu là mơ. Tôi thấy hơi lạnh, định đứng dậy tăng nhiệt độ điều hòa. Nhưng cơ thể bỗng nặng nề, ngay cả việc nhấc tay lên cũng khó khăn, ngỡ như chút sức lực cuối cùng đã bị hút cạn. Trí não của tôi bắt đầu rối loạn, dòng suy nghĩ liên tục vỡ vụn rồi tan biến khiến tôi không tài nào tỉnh táo nổi.
Trong giây khắc ý thức của tôi trở nên mơ hồ, thì tôi lờ mờ thấy được bóng người đứng trước mặt mình. Hình như là Huy, nó đang lay người tôi, còn nói rất nhiều điều nhưng tôi không thể nghe rõ. Cứ thế, tôi ngủ gục trên vai Huy lúc nào không hay. Tận đến khi mở mắt lần nữa, tôi mới bàng hoàng nhận ra nơi đây chẳng phải phòng ngủ của Huy mà là bệnh viện.
Thấy tôi tỉnh dậy, Huy mới kể đêm qua tôi sốt cao. Đến rạng sáng, nó thấy tôi vẫn chưa hạ sốt nên buộc phải đưa tôi đến bệnh viện.
"Chắc do ngồi ngoài gió lâu quá. Xin lỗi nhé, tao không nghĩ mình lại say như vậy." Huy đưa ly nước ấm vừa rót cho tôi.
"Có gì đâu, mày cũng biết tao bị bệnh như cơm bữa mà."
"Bởi vậy nên tao mới lo cho mày nhất."
Tôi gượng cười, chợt nhớ đến trạng thái của Huy ngày hôm qua, tôi hỏi: "Mày vẫn ổn chứ?"
"Tao ổn, do hôm qua lỡ uống hơi nhiều thôi." Huy gật đầu: "Mà giờ tao phải về nhà lấy đồ, lát nữa tao quay lại. Mày ở đây nghỉ ngơi nhé!"
"Ừ."
Một lúc sau khi Huy ra ngoài, bác sĩ vào kiểm tra, còn dặn tôi phải xét nghiệm máu và nước tiểu. Tôi dịch người tìm một tư thế thoải mái, khổ nỗi giường bệnh khá chật chội với một gã cao hơn mét tám như tôi. Dường như do ngủ quá nhiều nên lúc này tôi chẳng thể nhắm mắt nổi, dù cơ thể đang cảm thấy rã rời. Tôi chán nản nhìn lên trần nhà, yên lặng lắng nghe tiếng cười nói rôm rả của giường bên cạnh. "Bạn cùng phòng" của tôi là một cậu bé học mẫu giáo. Qua cuộc hội thoại giữa cậu nhóc và bố mẹ, tôi lờ mờ đoán được em ấy vừa trải qua cuộc phẫu thuật.
"Cục vàng cục bạc của mẹ chiều nay muốn ăn gì nào?"
"Con ăn bim bim, bim bim ạ."
"Thế em bé ăn thêm bốn chìa cháo nữa rồi mẹ bảo bố đi mua bim bim nhé?"
Ban nãy Huy đã đặt cháo ở bệnh viện cho tôi.
Nhưng tôi không thích ăn cháo.
Vì mỗi lần bị bệnh, tôi sẽ phải ăn cháo cả tháng trời. Có những lúc, do ăn cháo trắng thường xuyên nên khẩu vị của tôi kém đến mức cứ hễ ăn món khác lại buồn nôn. Cậu bé kia cũng ghét ăn cháo giống tôi nhưng bố mẹ em ấy chẳng hề tỏ ra bực bội khi dỗ dành con trai. Còn tôi, từ nhỏ đến lớn đã quen với việc ngồi thẫn thờ trong bệnh viện.
Hình như do đang bệnh nên tâm tình của tôi trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Dòng ký ức ùa về một cách đột ngột, chúng không cho phép tôi chống cự mà liên tục tấn công phòng tuyến cuối cùng trong trái tim tôi. Tôi nhớ những ngày lẻ loi trên giường bệnh, gia đình đã quá quen thuộc với sức khỏe của tôi đến nỗi chẳng buồn lo lắng nữa. Người lớn bận rộn với công việc của mình, bố mẹ chỉ đến khi anh trai gọi báo bệnh tình của tôi đã kéo dài nhiều ngày chưa khỏi. Lâu dần, số lần hai anh đến cũng ít hơn, cuối cùng chỉ còn một mình bà nội. Nhưng sau này sức khỏe bà nội yếu hơn, các bác khuyên bà không được đi xa nữa. Thời gian trôi qua, tôi chẳng còn cảm giác buồn tủi khi ở một mình trong phòng bệnh.
Ấy vậy mà giờ đây khi bắt gặp hình ảnh ấm áp ở giường bên cạnh, cổ tôi chợt thấy nghèn nghẹn. Tôi không muốn thừa nhận rằng mình rất ghen tị với cậu bé đó.
Thật tệ! Tôi ghét cô đơn, càng ghét phải mở mắt để nhìn sự trống trải hiện hữu xung quanh mình. Giá như giờ phút này, tôi có thể ngủ một giấc thật dài... Lúc ấy, hẳn tôi sẽ may mắn mơ thấy cảnh tượng bố mẹ lo lắng vì nghe tin tôi nhập viện, hay anh ba đồng ý về nước sau nhiều năm chiến tranh lạnh với bố, hoặc... là em - người con gái mà tôi muốn gặp hơn bao giờ hết. Chỉ cần là em thì viễn cảnh nào tôi cũng bằng lòng bước vào.
"Mày nghĩ trung bình mười kẻ yêu đơn phương thì sẽ có bao nhiêu người may mắn nhận được lời hồi đáp nhỉ?"
Xác suất để điều ước thành sự thật là bao nhiêu? Tôi chẳng thể đưa ra một con số cụ thể, nhưng Huy đã nói đúng. Tôi là một kẻ may mắn khi được thần Cupid chọn trúng. May mắn đến mức, vào khoảnh khắc tôi ngỡ từng tế bào trong cơ thể mình đang dần bị ăn mòn bởi nỗi cô đơn thì vị cứu tinh mang theo ngàn vì sao lại bước đến trước mặt tôi rồi nói rằng:
"Anh ơi, em đến rồi ạ!"
Hoá ra, chỉ cần một câu nói thôi cũng đủ để xoa dịu trái tim đã mục ruỗng từ lâu.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com