Chương 54: Viết Hoàng's POV
Hai mươi tám ngày, 672 giờ, 40.320 phút, 2.419.200 giây.
Tôi nhớ em.
Và tôi muốn được gặp em, dù chỉ trong chốc lát.
Đã biết bao nhiêu lần tôi đứng trước nhà em, do dự nhấc điện thoại rồi lại cất vào túi áo, thập thò như một tên trộm vặt hèn nhát. Tôi không dám, vì nàng công chúa của tôi tốt đẹp đến thế, em không nên bị vấy bẩn bởi những ngày tháng ngổn ngang trong cuộc đời tôi.
[Viết Hoàng ơi, em dậy rồi ạ.]
[Nay bố em nấu canh chua cá lóc, em ăn ba bát cơm lận. Anh nhớ ăn uống đầy đủ, không được bỏ bữa đâu đó.]
[Em vừa đi lễ với mẹ về, em còn xin bùa bình an cho anh đấy. Hôm nào mình gặp thì em đưa anh nha.]
[Viết Hoàng ơi...]
Viết Hoàng...
Viết Hoàng...
Viết Hoàng...
Nhìn vào câu chữ, cách màn hình điện thoại, tôi vẫn tưởng tượng được khuôn mặt nhỏ nhắn đang giương lên nụ cười tươi mà thủ thỉ bên tai tôi những chuyện lặt vặt thường ngày. Giọng em êm ái, trong trẻo tựa tiếng chim hót líu lo buổi sớm, đôi khi từng tiếng "Viết Hoàng ơi, em kể anh nghe..." còn chẳng thể giấu nổi sự phấn kích. Tôi nhắm hờ mắt, cố gắng tách biệt bản thân với thế giới bên ngoài, chỉ như vậy thì tâm trí tôi mới dễ dàng hiện hữu một mình hình bóng em. Đây là cách thức tôi vẫn thường thực hiện để xoa dịu nỗi nhớ em dai dẳng suốt thời gian qua.
"Cả ngày chỉ biết chúi mũi vào điện thoại, con không còn việc gì khác hả?" Tiếng ly nước đập xuống bàn kính nương theo giọng điệu bực tức của mẹ mà vang lên. Tôi chậm rãi mở mắt, lại nghe mẹ nói tiếp: "Rảnh rỗi quá thì lo hỏi thăm bố con đi, cũng không biết cụ bà chia tài sản như thế nào."
Mấy hôm trước bố tôi tự ý đưa em gái lên Hà Nội, hai người họ tiếp tục cãi nhau một trận lớn. Sau đấy, bố tức giận rời khỏi nhà, mẹ cũng chuyển về ở chung cư riêng. Bố tôi nói rằng bà nội bệnh nặng, không biết có thể qua được mùa thu năm nay không nên bố muốn để bà gặp cháu gái lần cuối, đồng thời cho con bé nhận mặt gia tiên. Tôi không biết rốt cuộc trong lòng bố có thật sự quan tâm Lam Giang hay không, dẫu sao từ khi đưa em gái đến nhà thì ông ấy cũng chẳng về gặp con bé dù chỉ một lần. Tận tới vài ngày trước khi bệnh tình của bà nội chuyển nặng, tôi và Lam Giang mới gặp được bố.
"Tài sản của cụ bà chẳng có bao nhiêu, giờ còn thêm một đứa cháu nữa. Mẹ đang phải đau đầu dọn đường giúp con đấy, con không thể làm cho mẹ yên lòng một chút sao?"
Tôi khẽ mím môi, muốn đáp rằng mình không có ý định tranh giành tài sản của bà nội. Nhưng tôi biết mẹ sẽ không nghe, dẫu sao người thật sự cần số tài sản ấy cũng chẳng phải tôi.
Có lẽ, mục đích thật sự khi bố đưa Lam Giang về cũng giống mẹ, mọi thứ đều vì căn nhà cũ của ông bà, nơi được anh hai gọi bằng cái tên "miếng mồi béo bở" mà cả họ thèm khát. Anh Khang, anh Khôi đều trưởng thành và có sự nghiệp riêng, tôi lại thân với mẹ hơn. Vì vậy bố mới quyết định gửi hy vọng vào Lam Giang, cho dù khả năng thành công rất thấp thì ông ấy cũng đã khiến mẹ tôi lâm vào tình cảnh chật vật.
Cửa phòng mở ra, còn chưa thấy người bước vào mà tôi đã nghe được giọng nói the thé của bác dâu cả: "Dạo này thím Thu bận quá nhỉ? Đến nỗi mẹ bệnh nặng sắp chết cũng chẳng thấy mặt mũi đâu."
Mẹ tôi không tiếp lời bác dâu cả mà lạnh nhạt đứng dậy bảo tôi qua phòng thăm bà, trước khi ra ngoài chỉ để lại cho bác ấy một câu: "Em khuyên bác lần sau suy nghĩ kỹ rồi hẵng mở miệng. Nếu bác cả nghe thấy vợ mình rủa mẹ chồng bệnh chết thì sẽ nghĩ thế nào?"
Tôi chợt nhớ lời bà nội lo lắng ngày ấy. Kết quả đúng như nỗi sợ của bà, mọi chuyện vẫn không thể cứu vãn được, gia đình mà nội tôi dùng cả đời để vun vén cứ thế đổ vỡ vì hai từ "tài sản". Cuối cùng, mẹ tôi không vào phòng mà dặn dò tôi ngoan ngoãn ở yên trong bệnh viện chăm bà.
"Chiều nay mẹ phải vào Sài Gòn, con nhớ ngoan đấy. Về nhà hạn chế tiếp xúc với con Giang, nó không phải em gái con." Mẹ tôi nghiêm khắc, ngữ điệu cứng rắn nói: "Còn nữa, đừng để mẹ phải nghe thấy chú Dũng gọi điện báo rằng con tiếp tục đến lớp vẽ."
Tôi siết chặt bàn tay, bất lực thỏa hiệp: "Vâng ạ..."
Lúc này, thái độ của mẹ mới dịu lại: "Ừ, mẹ biết Hoàng là cậu bé ngoan ngoãn mà. Mẹ yêu con."
Đợi đến khi bóng dáng mẹ khuất dần sau hành lang bệnh viện, tôi mới lê lết cơ thể rũ rượi quay về phòng bệnh của bà. Tôi lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh giường bệnh, thẫn thờ nhìn vào máy monitor đang hiển thị những con số mà tôi chẳng thể nào hiểu được, chỉ biết từng tiếng bíp vang lên đang nhắc nhở tôi rằng bà nội vẫn ở đây nhưng cũng có thể rời xa bất cứ thời khắc nào.
Nhớ những ngày còn thơ bé, tôi thường gối đầu lên chân bà, nghe bà kể lại câu chuyện xưa cũ, cái thời ông bà phải sống cùng những năm mất mùa đói kém, cùng khát vọng tuổi trẻ vượt qua cả mưa bom bão đạn, để rồi cha ông dùng máu thịt đánh đổi lấy tương lai cho Đất nước,... Cũng giống bao đứa trẻ khác, tôi được thảnh thơi ngủ say trong tiếng hát ru à ơi của bà. Nơi ấy yên bình, êm ấm, và có nội tôi.
Nhưng đã bao lâu rồi tôi không chủ động về thăm bà? Có lẽ nỗi nhớ của tôi bị quên lãng bởi guồng quay cuộc sống, bởi thói ương ngạnh non trẻ, bởi mỗi lần trì hoãn với lý do "mấy hôm nữa về cũng chẳng muộn". Tôi đinh ninh cùng suy nghĩ bà sẽ mãi ở bên tôi, nhưng lại quên mất rằng khi tôi lớn thêm một tuổi thì tóc bà cũng sẽ bạc thêm một mùa xuân.
Bác sĩ nói khả năng cao bà nội không thể vượt qua mùa thu năm nay, các bác cũng bắt đầu rục rịch dò hỏi tin tức về di chúc bà lập lúc tỉnh táo. Mọi người đều lấy lý do bận rộn, chẳng ai muốn gánh vác trách nhiệm chăm sóc mẹ ruột. Tôi giận bản thân, cũng hận lòng tham của bọn họ.
Lại nhớ những lời mẹ nói ban nãy, tôi không khỏi thấy nhọc lòng, ngỡ như có một cơn sóng ngầm đang cuộn trào trong lồng ngực. Mọi suy nghĩ cứ đan xen nhau tấn công tâm trí tôi, chúng lì lợm, dai dẳng mà bám lấy tôi, khiến tôi mắc kẹt giữa những tầng sương mù đặc quánh. Thực ra, kể từ hôm trông thấy Tuấn Phong ngồi mẫu vẽ ở lớp, tôi đã lường trước sẽ có ngày mẹ biết chuyện mình học vẽ thông qua mẹ của gã ta, chỉ không ngờ ngày ấy lại đến vào thời điểm này.
Thật mệt.
Chiều tối chị họ qua trông bà giúp tôi. Tôi không muốn về nhà mà định qua tìm Văn Huy, dẫu sao hiện giờ trong nhà cũng chỉ có mình tôi và cô em gái bất ngờ xuất hiện kia. Nhưng cuối cùng đi được nửa đường, tôi lại quyết định quay đầu xe về hướng nhà mình. Đúng như tôi dự đoán, Lam Giang đang ngồi trước bàn ăn, hẳn con bé đã chờ tôi suốt cả buổi tối. Thấy tôi, hai mắt Lam Giang sáng lên, con bé rụt rè gọi tôi: "Anh về rồi ạ? Em... em hâm thức ăn giúp anh nhé..."
"Để anh làm cho, em cũng chưa ăn tối phải không?" Tôi mở mâm cơm, đồ ăn bên trong đã nguội lạnh. Kể từ sau khi bố mẹ tôi chuyển ra ở riêng thì dì giúp việc chỉ đến dọn dẹp nhà cửa vào một số ngày cố định trong tuần, bình thường tôi hay đặt đồ ăn bên ngoài, còn bây giờ phần lớn cơm nước đều do Lam Giang đảm nhiệm. Tôi hiểu nỗi lo lắng của Lam Giang, cũng từng đề cập chuyện của con bé với bố, nhưng dường như bố tôi không mấy để tâm. Thậm chí ngay cả chuyện con bé có vấn đề về thính lực ông ấy cũng chẳng nhận ra.
Tôi đặt hai bát canh vào lò vi sóng, trong lòng dâng lên cảm xúc khó tả. Tôi biết Lam Giang là một đứa trẻ tinh tế, con bé luôn chú ý tới thói quen của tôi, thế nên mới cố tình để riêng một bát canh không cho hành lá. Ấy vậy, tôi lại phụ lòng tin tưởng của con bé khi bản thân chỉ đang diễn tròn vai một người anh trai tốt đẹp.
"Anh ơi, anh để quá thời gian rồi..." Lam Giang nhỏ nhẹ gọi tôi. Tôi sực định thần, vì không muốn để con bé nghĩ nhiều nên đành hỏi vu vơ: "Dạo này còn đau tai không?"
Lam Giang lắc đầu: "Máy nghe rõ lắm ạ, thi thoảng em còn nghe được cả âm thanh ở xa nữa. Cũng nhờ anh nên em mới..."
"Đợi mấy ngày nữa anh Khang làm thủ tục chuyển trường cho em nhé." Tôi ngắt lời Lam Giang, con bé nghe thấy tôi nhắc tới anh Khang thì vẻ mặt lập tức toát lên sự lo lắng: "Liệu có phiền anh ấy không ạ? Hay qua thời gian nữa mọi người hết bận rồi nói chuyện này sau ạ."
Tôi cười nhẹ: "Không được, như vậy sẽ trễ lịch học của em mất."
Thật ra tôi muốn nói với Lam Giang rằng em cũng là con gái của bố, em có quyền để yêu cầu những điều này, nhưng cuối cùng tôi vẫn không thể thốt thành lời.
***
Kết thúc ngày dài mệt mỏi, tôi thả cơ thể kiệt quệ sức lực của mình xuống giường, chẳng buồn nhấc mí mắt lên nhìn chồng bài vở trên bàn học. Con mèo đang xù lông làm ổ bên cạnh tôi, nó giơ móng vuốt cào vào điện thoại như muốn mở màn hình. Tôi nhéo tai mèo rồi với lấy điện thoại, Khánh Vy mới đăng nhật ký vào ba tiếng trước, em chụp ảnh ở phòng chụp tự động, trên đầu còn đội chiếc mũ lông tai thỏ màu trắng. Em viết một dòng chữ nhỏ phía dưới bức ảnh: "Ai mua thỏ không? ₍⑅ᐢ..ᐢ₎"
Tâm trạng rầu rĩ của tôi thoáng chốc trở nên vui vẻ. Tôi bật cười, thoăn thoắt lưu ảnh rồi gọi điện cho em, chưa tới mười giây Khánh Vy đã bắt máy. Tôi hắng giọng trêu: "Cô chủ có bán thỏ theo cân không?"
Khánh Vy nhập vai rất nhanh: "Anh muốn mua bao nhiêu cân ạ?"
"Bốn mươi ba cân."
"Anh định nấu cho cả làng ăn hay sao mà cần nhiều thịt thỏ vậy?"
"Một mình thôi." Tôi cong môi: "Không cần nấu, anh ăn sống."
Mèo con nhảy cẫng lên ngực tôi, lười biếng cuộn tròn thân hình mập mạp của mình, như thể nghe hiểu được cuộc đối thoại vừa rồi, nó sợ sệt kêu mấy tiếng "meo meo". Tôi bật cười, gãi cằm mèo: "Đừng lo, không ai ăn thịt nhóc đâu."
Bấy giờ, Khánh Vy mới lúng túng mở lời: "Anh dọa em Chó sợ rồi."
Tôi nghịch đệm chân mèo, Chó bực bội vì không được chủ nhân vuốt ve, nó cọ mũi vào cổ tôi lấy lòng. Tôi đăm chiêu, nghĩ đến điều gì bèn nói với Khánh Vy: "Em muốn nhìn mèo nhà anh một chút không? Nó nhớ em."
Không đợi em phản ứng, tôi tiếp tục cất giọng: "Anh cũng nhớ em."
Đầu bên kia im lặng hồi lâu, tôi đoán hẳn cô bé này lại xấu hổ đây mà. Rõ ràng Khánh Vy không ở trước mặt nhưng hình ảnh em trong tâm trí tôi lại chân thực lạ thường. Tôi biết mỗi khi em ngại ngùng, đôi gò má sẽ nhuốm sắc hồng nhè nhẹ như cánh hoa đào đầu xuân khiến tôi không kiềm lòng được muốn trêu chọc em.
"Khánh Vy bật máy quay được không?" Tôi hỏi em. Đợi khoảng mười giây, màn hình đen khịt cũng hiện lên gương mặt nhỏ nhắn của cô nàng. Hình như em vừa tắm xong, mái tóc dài còn phơn phớt những giọt nước. Tôi khẽ nhắc nhở: "Sấy tóc đi kẻo cảm lạnh bây giờ."
Khánh Vy xua tay, em xé bịch bánh quy vừa lấy từ trong ngăn kéo tủ: "Phòng bật điều hòa nên ngồi lát là tóc khô thôi ạ."
"Tóc còn ướt thì không được bật máy lạnh đâu, hại sức khỏe lắm." Tôi nhẹ nhàng dỗ em: "Mau sấy tóc nào, anh sẽ buồn nếu em bị cảm đó."
Cô nhóc bĩu môi, hiển nhiên làm biếng không muốn đứng dậy, nhưng cuối cùng vẫn nghe lời lon ton chạy đi sấy tóc. Đợi tóc khô, em còn đặt điện thoại lại gần cho tôi kiểm tra, rồi lẩm bẩm: "Anh giống mẹ của em thật đấy, lúc nào cũng lo lắng thái quá."
Tôi cười mỉm: "Vậy chẳng phải trên thế giới này đã có thêm một người yêu thương em vô điều kiện sao?"
Khánh Vy thoáng ngẩn người, cánh môi em khẽ mím, nét ngượng ngùng hiện rõ trên gương mặt. Em cất một tiếng "ồ" rồi vội vàng chuyển chủ đề: "Mà... không phải Chó muốn gặp em ư? Nãy giờ chẳng thấy nhóc ta đâu cả."
Con mèo nghe thấy giọng nói quen thuộc đang gọi tên mình, nó nhanh nhảu nhảy lên đầu tôi, cái đuôi xù lông vui vẻ đung đưa trước màn hình điện thoại. Khánh Vy vẫy tay: "Chị chào Chó nhé."
Mèo con vừa xuất hiện, Khánh Vy đã lập tức quăng bạn trai ra đằng sau đầu. Tôi hậm hực nhéo tai mèo, khiến nó ghét bỏ giơ móng vuốt cào tay tôi. Đau lòng hơn là Khánh Vy - cô nàng đáng lẽ phải đứng về phía tôi lại không hài lòng mà trách cứ: "Sao anh suốt ngày bắt nạt em ấy vậy?"
Chó biết Khánh Vy bênh vực mình nên cũng ai oán kêu "meo meo".
Lúc tôi thanh toán hơn mười cân hạt khô thì không thấy con mèo vô lương tâm này hưởng ứng nhiệt tình như vậy, chẳng biết ai mới là chủ nhân thật sự của nó nữa. Khoan, ngẫm lại... Tôi gãi cằm mèo, hỏi nó: "Thích chị Khánh Vy à?"
"Meo meo." Chó dụi mũi vào lòng bàn tay tôi.
"Sau này không được gọi là chị Khánh Vy đâu." Tôi bày ra vẻ mặt của một người cha đang nghiêm khắc dạy đứa con thơ: "Phải gọi mẹ, nghe rõ chưa?"
"Meo meo?" Mèo con ngơ ngác nhìn tôi. Tôi cũng chẳng cần nó phải hiểu được lời này, dù sao thái độ của cô nàng trong điện thoại mới là điều khiến tôi quan tâm. Hiển nhiên, hai má Khánh Vy lập tức đỏ bừng: "Anh đừng nói linh tinh."
"Anh không nói linh tinh." Tôi nhổm người ngồi dậy, đặt mèo con lên đùi: "Anh là bố của Chó, em lại là người yêu anh. Nếu không phải em thì còn ai có thể trở thành mẹ của Chó đây?"
Khánh Vy nửa tin nửa ngờ, em ấp úng muốn đáp lời lại thôi. Cuối cùng, cô nàng không buồn suy nghĩ tiếp nữa, bèn chuyển sang kể về ngày hôm nay của mình. Dạo này Khánh Vy bắt đầu viết bài đăng cho các trang báo và tạp chí mạng, tuy nhuận bút không nhiều nhưng em vô cùng yêu thích công việc này. Từ những lời Khánh Vy kể, tôi cũng cảm nhận được niềm đam mê của em với việc viết lách. Quả thật trong đầu tôi đã hiện lên vài ý tưởng về chuyện chọn trường đại học cho em. Song, tôi vẫn mong trước khi nghe người khác định hướng, Khánh Vy có thể trải nghiệm thêm một thời gian nữa để hiểu được bản thân thật sự thích điều gì.
"Em đã dùng tiền nhuận bút để mua quà cho bố mẹ, chị An, Tèo và cả anh nữa, nhưng chắc phải đợi anh thi xong mới gặp để đưa được." Khánh Vy thở dài thườn thượt: "Quà tặng nên không thể nhờ Nam hay Ánh gửi anh. Mà hình như đợt này anh chỉ học nửa buổi thôi ạ? Hai đứa bảo không thấy anh ở lớp vẽ."
Trái tim tôi chùng xuống, đáy lòng dâng lên một loạt cảm xúc mâu thuẫn, tâm trí tôi lúc này rối như tơ vò. Tôi vừa xúc động, vừa áy náy, lại thấy lực bất tòng tâm khi không thể giải quyết xong tất cả vấn đề để đến bên em ngay tức khắc. Nhất thời, tôi không biết phải trả lời thế nào, nên nói ra mọi chuyện hay tiếp tục vờ như chẳng có gì xảy ra.
Phía bên kia Khánh Vy đang lo lắng hỏi han tình hình học tập của tôi, em dặn tôi phải ăn uống đầy đủ, không được thức khuya, ôn thi quan trọng nhưng vẫn phải đặt sức khỏe lên hàng đầu. Em luôn nhớ tới tôi từng chút một, còn tôi chẳng thể khiến cô bé tôi thương được yên lòng.
Những lời định nói như mắc kẹt trong lồng ngực, giờ phút này tôi chỉ muốn buông xuôi tất cả, chẳng còn tâm trạng quan tâm đến những chuyện kia nữa. Điều duy nhất tôi mong mỏi lúc này, chính là được gặp em.
"Khánh Vy..." Tôi mấp máy môi, thận trọng hỏi: "Em có muốn gặp anh không?"
***
Cuối cùng tôi hẹn gặp em ở quán cà phê vào ngày mai, cũng may bên lớp vẽ mới thông báo cho học sinh nghỉ một tuần trước kỳ thi nên Khánh Vy không hề nghi ngờ về chuyện tôi nghỉ học vẽ. Sau khi cúp điện thoại, tôi ôm con mèo vào lòng, dường như nó cũng cảm nhận được tâm trạng phiền muộn của chủ nhân, cực kỳ ngoan ngoãn nằm yên cho tôi vuốt ve bộ lông mượt. Không hiểu sao, tôi lại thấy con mèo vô tư này rất giống Khánh Vy.
"Chẳng khác mẹ nhóc tẹo nào." Tôi bật cười, sờ chóp mũi nó. Chú mèo lười biếng kêu "meo meo" với vẻ đồng tình.
Ngay lúc này, dưới tầng một vang lên tiếng loảng xoảng. Tôi có linh cảm không lành, vội buông mèo ra rồi rời khỏi phòng. Quả đúng như tôi lo lắng, bố mẹ đã về nhà, trạng thái của cả hai đều rất tệ, họ đang cãi nhau ầm ĩ ở phòng khách, có vẻ nguyên nhân xuất phát từ công việc. Tôi sợ mình chẳng may thêm dầu vào lửa nên im lặng, đợi bố mẹ ra ngoài mới xuống nhà thu dọn đống đổ vỡ kia. Hẳn bố mẹ chỉ về lấy tài liệu chứ không định ở lại.
Khi tôi xuống lầu thì thấy Lam Giang đang cúi người nhặt từng mảnh vỡ, thoáng chốc tôi đã hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện.
"Để đấy anh dọn." Tôi bước tới đỡ Lam Giang dậy: "Em ở đây nãy giờ à?"
Lam Giang tránh sự đụng chạm của tôi, con bé khép nép gật đầu. Tôi không rõ liệu mẹ mình có nói gì khiến Lam Giang tổn thương không, chắc là có, nhưng tôi không biết phải an ủi con bé thế nào. Dẫu sao mối quan hệ của chúng tôi cũng rất gượng gạo. Giữa tôi và Lam Giang không có quá nhiều tình thân, huống hồ tôi vẫn còn lấn cấn với sự tồn tại bất ngờ của cô em gái cùng cha khác mẹ này.
"Anh ơi." Lam Giang rụt rè gọi tôi, con bé cúi thấp đầu: "Em xin lỗi..."
Tôi dọn xong mảnh vỡ, bèn lấy chổi lau sàn nhà vương vãi nước trà. Tôi biết Lam Giang xin lỗi vì điều gì, có lẽ không chỉ con bé mà tất cả mọi người đều cho rằng Lam Giang chính là nguyên nhân dẫn đến bi kịch trong gia đình tôi. Nhưng tôi chợt nghĩ, nếu Lam Giang không xuất hiện thì bố mẹ tôi vẫn sẽ hòa thuận chứ? Tôi đoán, câu trả lời là không.
"Em đâu có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra." Tôi nhanh chóng dọn dẹp sạch sẽ, đứng dậy nhìn Lam Giang: "Đừng nghĩ nhiều, mọi chuyện không phải lỗi của em."
Lam Giang thoáng kinh ngạc, con bé do dự hỏi tôi: "Anh không hận em ạ?"
"Em chỉ là một đứa trẻ thôi."
Tôi biết mình hiểu được tâm lý của Lam Giang, cả hai chúng tôi đều cho rằng bản thân là nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ trong gia đình. Tôi dặn Lam Giang ngủ sớm, sau đấy cũng về phòng tắm rửa. Lúc cởi áo, ánh mắt tôi vô thức rơi xuống hình xăm trên xương quai xanh của mình. Nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy giữa hình xăm bằng mực có một vết sẹo nhỏ. Khánh Vy từng hỏi tôi về lý do xăm hình, khi ấy tôi trả lời qua loa rằng do nổi hứng nên mới đi xăm. Nhưng sự thật, là để che lấp vết sẹo do bản thân tự tay dùng dao rạch này.
Ký ức của tôi về ngày ấy không nhiều, tôi chỉ mơ hồ nhớ cảm giác nghẹt thở khi bị anh họ dìm xuống nước, và những lời mẹ dặn rằng phải cười thật tươi thay vì oán trách người khác. Bởi tôi là cậu bé ngoan, vậy nên tôi sẽ không thấy đau. Thời điểm đó, tôi đã làm một chuyện điên rồ, chính là lấy dao rạch vào người mình để cảm nhận cơn đau đớn. Rồi tôi hiểu một điều, con người khi bị thương đều thấy đau, cũng như vết sẹo sẽ chẳng bao giờ lành lại được.
Mẹ nói, cơ thể tôi hình thành từ máu thịt của mẹ, tôi không được phép làm trái ý bà ấy. Đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng tôi tự gây tổn thương cho bản thân.
Dòng ký ức của tôi bị tiếng chuông thông báo tin nhắn cắt ngang, nhìn tên người gửi quen thuộc, tôi thầm nghĩ chẳng biết liệu Khánh Vy có phải tiên nữ mà ông trời phái xuống đến bên tôi không. Em luôn xuất hiện vào khoảnh khắc tôi khốn khổ nhất và xoa dịu nỗi cô đơn trong lòng tôi.
[Anh thích màu nào ạ?]
Em gửi cho tôi mấy mẫu áo phông. Tôi vội lau khô tay rồi trả lời tin nhắn: [Mua cho anh hả?]
[Dạ.]
[Bây giờ em kiếm được tiền rồi, em sẽ mua mọi thứ cho anh. Anh chỉ cần lựa thôi!]
Tâm trạng tồi tệ của tôi lập tức bị em thổi bay, tôi vui vẻ bấm điện thoại, nổi hứng trêu chọc cô nhóc: [Anh cảm ơn đại gia nhé. Nhưng anh chỉ có hai bàn tay trắng thôi, em không chê chứ?]
[Ồ, vậy em được tính là ở bên cạnh lúc anh chưa có gì trong tay không?]
Tôi bật cười: [Ai bảo anh không có gì? Chẳng phải em đã là tài sản lớn nhất của anh rồi sao?]
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com