Chương 1 - Gió Va Vào Núi
Sáng đầu đông. Trời chưa lạnh buốt, nhưng gió đã rít qua khe cửa như kim may luồn vào lớp áo len. Sương phủ nhè nhẹ quanh thị trấn nhỏ nằm nép dưới chân núi, khiến mọi thứ khoác lên màu xám nhạt – trầm, và cũ.
Trên con dốc thoai thoải lót đá ong, có một tiệm sách nhỏ mang tên "Sương Thảo". Mặt tiền bằng gỗ lim, biển hiệu khắc chữ Nho sơn mực tàu đã phai, treo lệch bởi gió. Không ai nhớ tiệm mở từ bao giờ, cũng chẳng mấy người lui tới. Nó chỉ đứng đó – lặng lẽ, như một người quen không ưa trò chuyện.
Sáng nay, người quen đó đang quét sân.
Duy Khương – ba mươi tuổi, dáng người gầy nhưng vững, mặc áo len cổ lọ và khoác ngoài chiếc áo dạ xanh đậm, động tác quét chậm rãi, không vội vã, không thừa. Trước mặt anh, từng chiếc lá khô cuộn theo đường chổi như thể đã được định sẵn chỗ phải rơi.
Cho đến khi, phía sau anh, vang lên một tiếng "Choang!" – khô khốc, nặng nề, kèm theo một tiếng rít quen thuộc của vali kéo đập xuống nền đá.
Chậu cây sứ trước nhà vỡ vụn trước mũi giày cậu. Mảnh sành bắn tung tóe, một mảnh cắt qua tay trái cậu.
Phan Lạc văng tục.
– Mẹ kiếp... chỗ quái gì mà trơn như bôi mỡ lợn vậy?!
Duy Khương dừng tay. Anh không vội quay đầu. Gió vẫn lướt qua và lá vẫn rơi. Nhưng tiếng phàn nàn kia thì lạc tông, như một nhát dao cắm vào mặt nước tĩnh.
Khi anh xoay người lại, trước mắt là một thanh niên khoảng hai mốt hai hai, đầu tóc rối bù, nhuộm màu nâu đậm, chiếc mũ trùm xộc xệch, áo hoodie nhàu nát, tay trái trầy xước vì đập xuống bậc thềm, má phải đỏ lên một mảng. Vali lăn sang một bên, khóa kéo xệ xuống. Mặt cậu ta cau có, mắt trợn lên đầy giận dữ như thể chính Duy Khương là kẻ đẩy cậu ta ngã.
– Cậu té vì đá dốc, không phải vì tôi bôi trơn bậc cầu thang. Giọng Duy Khương trầm thấp, không lạnh nhưng cũng chẳng dễ gần.
Phan Lạc nhíu mày, chẳng buồn nhận lỗi. Cậu móc ví, rút ra mấy tờ tiền nhàu nát.
"Tôi đền. Bao nhiêu?"
Người kia liếc xuống tay cậu. "Tay cậu đang chảy máu."
"Không sao. Tôi quen rồi."
"Không phải quen là không cần chữa." Anh quay lưng vào nhà, một lát sau quay lại với hộp y tế. "Vào. Tôi xử lý vết thương trước."
"Không cần ông lo." Phan Lạc quay lưng, giọng chua loét.
"Nhưng tôi đang lo. Vì sân nhà tôi dính máu." – người kia đáp, lạnh tanh.
Phan Lạc đứng sững vài giây. Cuối cùng, như bị sự kiên quyết trong giọng nói đó đánh bật mọi phản kháng, cậu lặng lẽ bước vào.
Căn nhà gỗ trần đơn sơ, sạch sẽ đến nghiêm cẩn. Mỗi thứ đều được sắp xếp ngăn nắp: sách xếp theo độ cao, ấm trà đúng góc bàn, cây thước gỗ dài treo bên cạnh cửa sổ.
Người đàn ông ngồi xuống ghế, ra hiệu cậu chìa tay. Cậu đưa tay ra, môi mím lại khi cồn thấm vào vết rách. Nhưng người ấy không dịu dàng. Cũng không ác ý. Chỉ làm đúng – như thể đó là nguyên tắc.
"Lần sau đi đứng cho cẩn thận. Nếu chậu sứ không vỡ, chắc chắn cổ chân cậu sẽ gãy."
Phan Lạc gằn giọng: "Cảm ơn vì đã lo. Nhưng tôi không cần dạy đời."
"Vậy thì cần y tế." Người kia dán băng cá nhân xong, buông một câu rồi đứng dậy. "Xong rồi. Mời ra khỏi nhà."
Cậu bị tiễn ra đúng nghĩa – không ác cảm, không nặng lời, nhưng như một cái đóng cửa thẳng vào mặt.
Buổi trưa, Phan Lạc tấp vào một quán ăn lề đường. Ăn xong, cậu lục túi – và thấy ví đã biến mất. Bị móc. Đơn giản vậy thôi.
Tại nhà trọ đầu phố, chủ trọ lắc đầu:
"Không có tiền, không giấy tờ, không cọc – tôi không dám nhận."
Trời dần đổ tối. Gió từ núi thổi về lạnh hơn ban chiều. Phan Lạc lê từng bước chân, không mục tiêu. Cậu không còn tiền, không nơi để về, cũng chẳng ai để gọi.
Cho đến khi ánh đèn vàng hiện ra từ một hiên nhà quen thuộc. Cậu dừng lại.
Là Sương Thảo – tiệm sách nằm ẩn mình giữa dốc đá. Là nơi ban sáng vừa cãi nhau, vừa bị xem như đứa trẻ vô ý thức. Là nơi có người đàn ông chẳng mảy may sợ thái độ của cậu.
Không hiểu sao, Phan Lạc lại kéo vali đến trước cửa ấy. Đứng như kẻ trộm trước ngưỡng cửa. Gõ hay không gõ?
Cốc. Cốc. Cốc.
Tiếng gõ vang lên rồi im bặt trong gió.
Một lúc sau, cánh cửa mở ra.
Người đàn ông đứng đó, nhìn cậu từ đầu đến chân – đôi giày dính bùn, bàn tay băng tạm bằng giấy ăn, gương mặt xám vì đói và mệt.
"Lại bị thương?"
Phan Lạc cố nặn ra một nụ cười:
"...Lần này là bụng đói."
Duy Khương không cười, chỉ nghiêng người sang bên:
"Vào đi."
Duy Khương rót trà, chậm rãi.
– Cậu tên gì?
– Phan Lạc. Hai chữ. Dễ nhớ.
– Đi đâu?
– Tránh người. Tránh trách nhiệm. Tránh cả bản thân. Tóm lại là – tôi không muốn ai hỏi tôi sống kiểu gì.
– Cậu tưởng như vậy là ngầu?
– Còn hơn ông ngồi pha trà trong cái áo len như sắp vào chùa học kinh Pháp cú.
Duy Khương không cười. Anh đặt ly trà xuống bàn, đi vòng ra phía trước, tay đút túi áo khoác.
– Vậy ra, cậu là kiểu vô gia cư – ngông nghênh, bất cần, và lắm mồm?
– Có ai dạy tôi sống tử tế đâu? Tự tồn tại tới giờ là giỏi rồi.
– Không ai dạy... thì để tôi dạy.
Phan Lạc bật cười – tiếng cười lạc lõng.
– Ông muốn làm cha tôi chắc?
– Không. Tôi sẽ là người đầu tiên giúp cậu cư xử cho đàng hoàng.
Không khí trong căn phòng nhỏ bỗng trầm hẳn. Tiếng đồng hồ gỗ tích tắc dội lên rõ ràng hơn bình thường.
Phan Lạc dựa người ra sau, cằm ngẩng lên:
– Ông nghiêm túc?
– Rất nghiêm túc.
– Ông nghĩ mình có tư cách?
– Cậu vừa nằm sấp ngoài hiên nhà tôi, miệng phun lửa, máu chảy tay mà vẫn bướng. Cậu cho tôi lý do nào để phải nể?
Một nhịp lặng.
Phan Lạc nhìn anh hồi lâu. Cuối cùng cậu cười nhạt, nhướng mày:
– Được. Tôi ở lại đây vài hôm. Để xem ông có dạy được gì.
Cậu đứng dậy, kéo vali lạch cạch về phía cầu thang gác lửng. Không xin phép, không thèm ngoái lại.
Duy Khương nhìn theo, không gọi, không ngăn. Anh chỉ rút từ ngăn bàn một chiếc thước gỗ dài, đặt cạnh ấm trà đã nguội.
Không phải đe dọa.
Mà là một lời nhắc.
Từ giờ, trong nhà này – gió có thổi tới đâu, cũng phải biết điểm dừng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com