Hồi 13: Đứa Trẻ Đó!
Mùa hè Nam Kỳ oi đến nghẹt thở. Ruộng đã gặt xong, chỉ còn trơ gốc rạ cháy vàng dưới nắng. Trên những mãnh ruộng tươi tốt ở xóm Hạ, nơi mấy đời dân làng trồng lúa, dựng chòi, treo võng và làm lễ rước thần hoàng mỗi tháng Ba, giờ có lính khố xanh dựng rào tre, căng bảng " Khu vực trưng dụng – phục vụ canh nông ".
Cả xóm im lìm như nín thở.
Tiếng mõ chùa buổi chiều vang xa, não nề hơn mọi ngày.
Miến ngồi co chân trước thềm, hai tay ôm gối, mắt đỏ hoe. Trong nhà, mợ Hai vẫn ngồi bất động từ sáng, áo bà ba lụa đã nhăn nheo, mắt không còn kẻ, tóc rối, tay nắm chặt chuỗi hạt bồ đề – nhưng miệng không niệm nổi một tiếng.
Từ ngày ông Hội đồng Mít bị lính đến bắt đi, mợ Hai gần như hoá đá. Người ta nói ổng bị đưa lên huyện, giam tạm chờ lệnh từ Sài Gòn. Tội danh: không tuân chỉ thị trưng dụng ruộng xóm Hạ để trồng đay phục vụ công nghiệp Pháp.
Dân làng xì xầm:
" Ổng dám cãi lại cấp dưới của Tổng đốc Phương đó mà. . . "
" Ổng già rồi mà còn chấp làm chi. Không giao đất, giờ coi đó. . . "
Miến không hiểu hết chuyện chính trị. Con bé chỉ biết từ lúc ông ngoại nuôi bị bắt, mợ Hai không còn vuốt tóc nó mỗi sáng, không còn nhắc nó giặt áo dài trắng, không còn cười nhẹ khi Miến nhõng nhẽo đòi ăn bánh cam nóng.
Miến đứng dậy, đi tới bên mợ, nắm lấy tay mợ.
" Má ơi, má ăn miếng gì đi má . . . con sợ. . . "
Mợ Hai không đáp, nhưng nước mắt chảy ra trên gò má xanh xao.
⸻
Sài Gòn – Dinh thự Chợ Lớn
Trong ánh đèn ủy mị, mợ ba Yến vừa chải tóc, vừa nói:
" Chị không sợ người ta căm ghét em. Chị chỉ sợ một ngày nào đó, em quên mất mình từng là dân. "
Tổng đốc Phương ngồi đối diện, tay nắm ly rượu Martell, mắt đăm chiêu. Mợ ba Yến bước lại gần, áp tay lên vai tổng đốc Phương, thì thầm:
" Ông Hội đồng Mít không phải loại người phá hoại. Ổng chỉ cứng đầu. Nếu em đưa ổng ra xử, dân quê mình sẽ không nhìn em bằng mắt người nữa. "
Tổng đốc Phương thở dài. Cô đặt ly xuống, đứng dậy, cài lại cúc áo vest.
" Chị nói đúng. "
Mợ ba Yến siết tay cô:
" Về đi. Nhưng đừng làm điều không thể rút lại. "
⸻
Chiếc ô tô con bọ đen bóng dừng trước sân đình. Tổng đốc Phương bước xuống, áo vest đen, ánh mắt nghiêm. Dân làng kéo ra đứng hai bên, ánh mắt vừa sợ vừa tò mò. Mợ Hai dắt Miến tới, cúi đầu không nói. Tổng đốc Phương liếc nhìn Miến – đứa bé mắt đỏ hoe, da hơi ngâm, trông có vẻ quê mùa, rồi quay đi.
Sau một hồi họp ngắn, tổng đốc Phương bước ra, giọng rắn rỏi:
" Ông Hội đồng Mít sẽ không bị đưa ra tòa án binh. Nhưng kể từ hôm nay, ông bị cách chức, và mảnh đất xóm Hạ sẽ thuộc về chính quyền Pháp để trồng đay phục vụ công nghiệp thuộc địa. "
Tiếng xì xào vang lên.
Tổng đốc Phương ngẩng đầu:
" Tôi đã cố giữ phần người trong cuộc xử lý này. Ai muốn giữ được phần đất còn lại, thì sống yên. Đừng khiến tôi phải quay lại với một lệnh khác. "
Rồi cô bước xuống bậc thềm. Khi đi ngang qua mợ Hai, cô dừng lại, khẽ nói đủ để mợ nghe:
" Vợ tôi là người tốt. . . Nhưng tôi thì không, lần này là lần cuối cùng, tôi nương tay với cha cô. "
Mợ Hai không đáp, nhưng mắt long lanh lệ. Miến nắm tay mợ chặt hơn.
Buổi chiều trời không nắng, không mưa – chỉ là một màn u ám như tro phủ lên cả xóm Hạ.
Tin ông Hội đồng Mít được thả về lan đi như gió. Nhưng ai cũng biết, cái "được thả" đó chỉ là một cách nói nhẹ để che giấu một cú ngã lớn:
Ông bị cách chức. Mảnh đất xóm Hạ – một phần linh hồn của làng Đê Đê – chính thức bị tịch thu để trồng đay cho Pháp.
Mấy ngày sau đó, Miến phụ má chăm ông ngoại nuôi.
Người đàn ông từng oai phong đi khắp cùng làng cuối xóm, từng vung tiền cúng đình, từng chống nạnh bảo dân:
" Tao giàu, nhưng tao không bán ruộng cho tụi Tây! "
Giờ tóc bạc hơn, mặt xạm đi, áo dài nhàu nát, và. . . ánh mắt cụp xuống như người gãy sống lưng.
Người làng không ai dám lên tiếng.
Miến siết tay thành nắm đấm. Nó không hiểu hết chuyện đất đai, nhưng nó hiểu: ông ngoại bị bắt vì không chịu giao đất, và người đàn bà kia – người cao lớn mặc vest – chính là người đã cướp ông đi.
Ánh mắt Miến nhìn tổng đốc Phương đầy căm giận – ánh mắt của một đứa bé chưa hiểu hết sự đời, nhưng đã biết thù.
Ông Hội đồng nằm trên giường, thở dài. Mợ Hai thắp nến, móm cháo cho ông ăn, tay run. Miến ngồi co lại nơi góc vách, mắt vẫn đỏ.
" Con ghét bà đó lắm. . . cái bà mặc đồ đen. . . bà là người ác. Bà làm má khóc, làm ông ngoại bị bắt, lấy luôn ruộng của mình. "
Mợ Hai quay đi, không nói.
Miến sụt sùi:
" Con mà lớn. . . con sẽ không tha cho bả đâu. . ."
Mợ Hai nhìn Miến thật lâu. Đôi mắt mợ mờ mịt nước, vừa thương vừa sợ.
⸻
Xóm Hạ, vài ngày sau vụ xử lý ông Hội đồng Mít.
Miến ngồi bên bờ ruộng, chân đung đưa, hai mắt vẫn đỏ hoe. Trời sắp mưa, những cụm mây sẫm màu giăng kín bầu trời Vĩnh Long, gió thổi từng cơn làm lúa rạp đầu. Nó ném hòn đá xuống vũng nước, lòng vẫn hậm hực.
" Cái bà đó. . . bả là người ác. . . bả không biết thương ai hết. . . "
Phía xa, xe công vụ của Tổng đốc Phương vừa rời khỏi làng. Miến dõi theo như một kẻ oán thù nhỏ bé.
Chiếc xe băng qua bờ kênh, bánh lấm bùn. Trong xe, Tổng đốc Phương trầm mặc. Tay cô nắm nhẹ cây gậy chỉ huy, mắt dõi ra ngoài cửa kính.
" Con bé đó... nó tên gì? " – Tổng đốc Phương hỏi.
Viên quan cấp dưới của tổng đốc Phương ngồi cạnh, gương mặt nghiêm túc, đôi mắt sắc lạnh, nở nụ cười rất nhẹ.
" Người ta gọi là Miến. Nghe nói là con nuôi của mợ Hai, cháu ngoại ông hội đồng Mít ở xóm Hạ, mở nhặt nó được từ lò gạch hồi mười mấy năm về trước. . . "
Tổng đốc Phương nhíu mày:
" Lạ quá. . . có cái gì trong mắt nó, khiến tôi cảm giác như mình từng thấy ở đâu đó. "
Viên quan cấp dưới cười khẽ:
" Chắc tổng đốc chỉ bị ám ảnh thôi. Ở quê, con nít đứa nào mà chẳng như đứa nấy. Nhìn hoài, thấy giống nhau cả. "
Tổng đốc Phương quay đi, nhưng lòng vẫn nặng như có đá.
⸻
Đêm về, Miến nằm trong lòng mợ Hai, thiêm thiếp ngủ. Mợ thì vẫn nhìn nó mãi, không hiểu sao đứa bé này càng lớn lại càng có nét rất lạ – như không phải dân quê, mà như có một khí chất nào đó ẩn sâu: ngạo nghễ, sắc sảo.
Một luồng gió lạnh thổi qua khung cửa, lung lay tấm rèm cửa. Mợ siết nhẹ tay con bé, không biết rằng mình đang ôm trong tay đứa con của quyền lực, đứa trẻ của tình thù, và một mầm bi kịch mà chính mợ cũng sẽ bị cuốn theo sau này.
⸻
Từ ngày ông Hội đồng Mít bị cách chức, nhà họ Phạm như lùi hẳn vào bóng tối.
Người ta không còn thấy ông chống gậy đi ra đình làng như trước. Cũng không ai còn gọi ông là "cậu Mít" hay "ông Hội đồng" nữa – chỉ lặng lẽ gọi bằng "ông già Mít", nói nhỏ như sợ chạm vào một thứ từng sáng rỡ nhưng giờ han rỉ.
Ông vẫn còn vài mẫu ruộng sát mé kinh, đất tốt, trồng đủ lúa ăn. Nhưng những người khác trong làng – đặc biệt là dân nghèo – thì mất trắng. Đất xóm Hạ giờ đã rào lại, lính canh, nông dân cày xuyên suốt đến đen đúa trơ xương, mùi phân đay nồng nặc cả bầu trời. Dân làng phải làm thuê trên chính mảnh đất từng của mình. Mỗi sáng, họ đi ngang qua nhà ông Mít, không còn cúi đầu chào như xưa – mà nhìn lướt qua với ánh mắt xa cách, không thân, không thù, chỉ là. . . người từng có, giờ chẳng còn.
Mợ Hai ít ra khỏi cổng. Từ sau hôm ông về nhà, gầy rộc người, mợ không còn hay nói hay cười. Bữa cơm đơn giản hơn xưa. Không còn gà hấp muối, cá lóc um nghệ như mỗi khi nhà có quan trên ghé thăm. Giờ chỉ còn canh rau tập tàng, chén nước mắm và nồi cơm vừa đủ trong nhà ăn. Gia nhân cũng thưa thớt đi, nhà ông chỉ giữ lại vài đứa nhỏ lanh lợi, để chạy việc lúc cần.
Miến, ban đầu còn hỏi:
" Sao mình không mua bánh bó dừa nữa hả má? "
Rồi sau đó cũng thôi.
Con bé bắt đầu hiểu – bằng cái hiểu lặng lẽ của một đứa trẻ biết nhìn ánh mắt của người lớn để đo cái buồn. Nó không còn nũng nịu, không đòi đi chơi chợ phiên. Nó hay ngồi yên trên bờ kênh, nhìn ra ruộng. Mắt nó không còn lấp lánh như trước.
Một buổi sáng, ông Hội đồng Mít, bây giờ là ông Mít chống gậy ra bờ kinh, chỗ gốc dừa nước cũ. Ngày trước nơi đây là chỗ ông đứng chỉ tay ra ruộng, sai người cuốc, sai dân cày. Giờ ông ngồi xuống chỗ đá mòn, tay rút điếu thuốc rê. Châm lửa, hút một hơi thật dài, mắt nhìn cánh đồng bên kia đã mọc lên mầm đay xanh rì.
" Tụi nó trồng nhanh thiệt. . . " – ông nói, giọng khô như lá mục.
Phía xa, vài người dân đang cày thuê cho đồn điền mới. Họ không nhìn về phía ông. Có người từng là tá điền nhà ông, từng ăn cơm dưới chái nhà sau, giờ lom khom đội nón lá, miệng mím chặt.
Ông nhắm mắt. Tay run run. Không phải vì già – mà vì cái im lặng của người từng được nghe gọi là "ông lớn", giờ không còn ai buồn gọi tên.
⸻
Đêm. Đèn dầu lập lòe. Miến nằm gối đầu lên chân mợ, nghe tiếng quạt mo quạt nhè nhẹ.
" Má nè! "– nó khẽ hỏi – " hồi đó ông ngoại con là người có quyền phải không má? "
Mợ không đáp ngay. Một lúc sau mới nói, giọng chậm, nhẹ:
" Ừ. . . ổng từng có, nhiều lắm. "
" Sao giờ mình không còn gì hết vậy má? "
Mợ thở dài. Tay mơn man vuốt tóc Miến.
" Chừng nào đất còn là của người dân, thì mình còn. Mất đất, là mất cả gốc rễ. "
Miến không hiểu hết. Nhưng nó thấy mợ buồn. Nó dụi mặt vào tay mợ, khẽ thì thầm:
" Miến thương má. . . "
Mợ gật đầu. Nhưng lòng mợ như bị lật ra một khoảng trống lớn. Mợ ôm con bé vào lòng, không biết rằng mình chỉ là một khúc rẽ nhỏ trong cuộc đời nó – đứa bé mà gốc gác thật sự. . . là một cái gì đó lớn hơn, đau hơn, và đang tới rất gần.
.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com