Hồi 8: Mợ Bỏ Chồng, Rồi Mợ Theo Ai?
Căn nhà gạch ba gian khang trang bề thế của ông địa chủ Thiện, ngày thường vốn xum xuê cây cối mát mẻ, hôm đó oi bức như chực nổ.
Trong gian nhà khách rộng thênh thang, ánh nắng buổi trưa hè oi bức xuyên qua lớp cửa lá sách hắt thành vệt dài trên nền gạch tàu. Không khí ngột ngạt đến nghẹt thở.
Đứng đối diện ông hội đồng Mít là bà má chồng của mợ Hai, gương mặt tái nhợt nhưng vẫn cố giữ vẻ cứng cỏi.
Ông hội đồng Mít ngoài sáu mươi, dáng cao lớn, mắt long sòng sọc, tay cầm chặt con dao găm cán ngà sáng lóa. Theo sau là hai thằng hầu nhà ổng, áo dài đen, đầu đội khăn xếp, mặt hầm hầm như sẵn sàng xông vô đánh người.
Chồng mợ vừa mới ló đầu ra xem chuyện gì mà um sùm trời đất, chưa kịp nói câu nào thì dao đã chỉa thẳng vô mặt.
" Mày còn là người không hả Thiện? Vợ mày còn sống, nhà cửa danh giá, mà mày dắt cái thứ gái chợ mướn về đẻ con rồi bày đặt ra mắt? Tao tới đây là để cắt gân tay thằng rể khốn nạn chớ hổng phải để nghe giải thích! "
Bà má chồng của mợ hai đứng gần đó quýnh quáng chụp tay ông thông gia, hết lời khuyên giải.
" Anh sui. . . từ từ, chuyện đâu còn có đó. . . "
Ông Hội đồng gầm lên.
" Từ từ cái gì? Bà dạy được thằng con bà kiểu đó hả? Cả xóm cười vô mặt nhà tôi rồi đó! "
Mấy người hầu nhà ông địa chủ Thiện đứng gần cửa, mặt căng thẳng nhưng chưa ai dám nhúc nhích. Chuyện lớn mà động tay là không lường nổi. Ông Hội đồng Mít đang sát khí đầy mình.
Ông hội đồng Mít ánh mắt như sắt nhìn lướt qua một vòng rồi y như rằng địa được con nhỏ bé ba, bểu người hầu lôi cổ nó lại cho ông xử lí.
Mợ hai người đàn bà chính thất – thì ngồi ngay chiếc ghế gỗ ở bàn tiếp khách đối diện từ đường, lưng thẳng tắp, tay đặt trên đùi, vẻ mặt như nước lạnh, không buồn không giận, chỉ có ánh mắt là lạnh đến rợn người.
Miến từ lúc đã đứng khép nép ở sau lưng mợ, như muốn bảo vệ mợ, sợ có xô xát đánh nhau, nó còn nhanh tay lẹ chân để làm tấm che cho mợ.
Bé Ba run cầm cập, quỳ rạp xuống đất.
" Ông tha cho con. . . Con có bầu rồi. . . "
Ông Hội đồng cười khẩy.
" Có bầu? Vậy đẻ xong tao cho tiền bắt xe lên Sài Gòn mà nuôi! "
Ông hội đồng Mít quay sang nhìn trừng trừng chồng của mợ.
" Mày là đồ chó đội nón! Con tao tao nuôi hai chục năm trời, học hành, cưới hỏi đàng hoàng, để giờ mày đối xử như vậy? Vợ mày còn sống mà mày dám đưa con khác vô nhà? Tao hỏi mày còn xứng làm đàn ông không? "
Chồng mợ nghẹn giọng.
" Con. . . con cũng muốn giữ thể diện. . . nhưng má con. . . má cũng muốn có cháu. . . "
" Mẹ mày muốn cháu thì kiếm vợ khác cho mày! Sao không hỏi ý vợ mày trước? "
Ông Hội đồng Mít hét lên, dao vẫn lăm lăm trong tay.
Lúc đó, mợ Hai đứng lên. Giọng mợ nhỏ, nhưng sắc hơn dao.
" Cha, để con nói. Người ta muốn có con thì có. Con đây không sanh được, cũng không trách ai. Nhưng chuyện dẫn gái về đặt giữa nhà, kêu làm 'mợ nhỏ', rồi ép con nhìn cảnh này. . . đó là làm nhục. Mà đã làm nhục, thì đừng trách con lạnh lòng. Cái nhà này không phải là nhà của con nữa rồi. Cha đưa con về nhà, cha ơi! Họ muốn có con có cháu thế nào tùy họ, con không muốn quan tâm nữa. Thôi cha tha cho họ đi. Chuyện đã vỡ lỡ rồi con cũng không muốn làm rùm beng! "
Không khí trong nhà đông đặc lại. Ai cũng im lặng.
Ông Hội đồng Mít nghiến răng, ánh mắt còn muốn lột da đứa con rể đốn mạt, nhưng cuối cùng quay phắt lưng.
" Tao để yên hôm nay là tao thương con Hai. Nhưng từ rày trở đi, mày mà dám xuất hiện trước mặt con tao nữa. Tao không để yên đâu. "
Ông hội đồng Mít vung tay, đám hầu mở đường. Mợ Hai quay đi không một lần nhìn lại. Miến đi bên cạnh, mắt ánh lóe lên một tia quyết liệt. Đôi mắt như đang thầm khao khát một điều gì sâu kín.
Từ ngày rời khỏi nhà ông Thiện, mợ Hai dắt Miến về lại nhà cha mẹ mình, căn nhà gỗ quý thơm lừng, mái ngói âm dương to chà bá ở xóm hạ, đám dân trong làng mỗi lần đi ngang qua điều khinh sợ vì ai cũng biết đó là nhà của ông hội đồng Mít khét tiếng dữ tợn ở trong vùng.
Ông Hội đồng Mít vẫn còn nóng giận nhưng thấy con gái về trong câm lặng, lại có đứa con gái nuôi ngày ngày bên cạnh để cho má nó đỡ tuổi thân, nên cũng dịu bớt.
Bà Hội đồng chỉ thở dài.
" Phận đàn bà, muốn hiền cũng không ai để yên. . . "
Miến thì ngày nào cũng theo sát bên mợ. Gặp ai cũng gọi lớn.
" Má ơi! ", ngọt như mía lùi.
Người ngoài nhìn vô, ai cũng tưởng Miến còn nhỏ, còn ngây thơ, chớ đâu biết trong lòng nó từ lâu đã không còn đơn thuần là nghĩa con nuôi.
Thời gian cũng thấm thoát thôi đưa, mợ nuôi Miến lớn chừng mười lăm tuổi, Miến đã ra dáng thiếu nữ, da ngăm ngăm, tóc dày và mắt sáng như trăng mười sáu. Mấy bà hàng xóm hay nói.
" Má con gì mà đẹp đôi quá trời. . . "
Miến rất ngây thơ, nó nghe người trong làng nói thế thì tưởng người ta khen nên về kể lại cho mợ nghe.
Mợ chỉ cười, vuốt tóc Miến.
" Người ta nhiều chuyện thôi, con đừng nghe thiên hạ nói bậy. Vợ chồng, trai gái yêu nhau mới đẹp đôi, chứ mình là má con mà đẹp đôi cái gì! "
Nhưng Miến lớn rồi, đâu phải con nít. Nó biết cái ánh mắt nó nhìn mợ không giống ai. Nó biết mỗi lần mợ đi vắng, lòng nó nhộn nhạo, tay chân bứt rứt. Nó cũng biết, đêm nào mợ nằm quay lưng lại với nó thì y như rằng nó nằm trằn trọc mãi không ngủ được, bận cứ nghĩ trong đầu là mợ hết thương nó rồi hay sao lại không muốn ôm nó ngủ như mọi lần.
Hay là mợ nhớ ông, mợ nhớ ông nên mợ không thèm điếm xỉa đến nó nữa?
Nó nghĩ vậy là do tự cái nết hay suy diễn lung tung của nó, chứ nó đâu có biết mợ nào nghĩ như nó, mợ thương nó còn không hết, sao mợ nở bỏ rơi nó cho được.
Ở nhà ông Hội đồng Mít, mợ Hai và Miến sống trong căn buồng sau từ đường và trước sân trồng đầy cây kiểng. Căn buồng gỗ rộng rãi lúc nào cũng sạch sẽ, mợ Hai vốn nết ở gọn gàng từ hồi còn làm dâu nhà giàu. Từ ngày dọn về đây, mợ ít ra ngoài, chỉ ở nhà nấu cơm, quét sân, trông cây kiểng cho cha.
Buổi sáng, mợ dậy trước, hay châm ấm nước nấu trà, mùi lá trà khô nồng nồng thơm ấm cả căn bếp. Miến khi đó còn nằm cuộn tròn trong mền, tóc rối xù. Mợ không gọi, chỉ hay đặt sẵn ly nước ấm trên cái tủ gỗ nhỏ cạnh đầu nằm. Miến dậy là uống, uống xong mới dụi mắt, cười hì hì:
" Má thương con ghê. . . mới dậy là có nước nóng uống liền. "
Mợ Hai không nói gì, chỉ cười rồi quay lưng đi ra nhà bếp để thổi lửa hâm cơm canh cho Miến ăn đi học buổi sớm trong trường làng.
Cứ thế mà sống qua ngày.
Mợ hay cấy rau cải, rau răm sau hè. Miến phụ trồng mấy bụi húng quế, húng lủi, đem vô nhà nấu canh, làm gỏi. Chiều chiều mợ ra sân, vén tà áo bà ba ngồi lặt rau, Miến tan học buổi sớm ngồi kế bên lựa từng lá, thi thoảng có con sâu nhỏ, Miến giật mình la khẽ, rồi cười ngượng.
Có bữa, trời oi bức, mợ nằm ở cái bộ ngựa gỗ lớn, cột tóc cao, tay phe phẩy cái quạt mo. Miến ngồi sau lưng, lấy dầu dừa vuốt tóc cho mợ. Tóc mợ dài, đen bóng, thơm mùi bồ kết. Miến vuốt từng lọn, vừa làm vừa nói nhỏ.
" Má. . . tóc má thơm quá. Mai mốt tóc con mà bạc, má còn chịu chải tóc cho con hông? "
Mợ cười, nửa như trêu.
" Lớn đầu rồi còn bày đặt. Tóc bạc thì tự lo đi, má đâu sống hoài mà vuốt tóc cho con được. "
Miến ngừng tay, yên lặng một chút. Rồi nói.
" Không cần má sống hoài. Chỉ cần má sống với con. . . lâu lâu thôi cũng được. "
Mợ Hai quay lại, bắt gặp ánh mắt Miến đang nhìn mình, không phải ánh mắt của một đứa con nít nhìn má. Là ánh mắt sâu hơn, lặng hơn, và hơi buồn nữa.
Nhưng mợ không nói gì. Mợ chỉ quay lại, cúi đầu để Miến tiếp tục vuốt tóc. Chuyện gì đến, rồi cũng đến. Nhưng không phải hôm nay.
Buổi tối, hai người nằm chung trên chiếc giường gỗ. Mỗi người một chiếc mền mỏng, nhưng không cách nhau bao xa. Miến hay nằm nghiêng về phía mợ, tay gối đầu, mắt mở trân nhìn lưng mợ thật lâu rồi mới nhắm mắt.
Mợ thì biết hết. Nhưng mợ giả vờ không biết. Bởi lòng mợ cũng có gì đó khó gọi tên. Tình cảm, đôi khi không cần đặt tên liền. Chỉ cần sống bên nhau, lo cho nhau, nhìn nhau mỗi ngày cũng đã đủ đầy.
Ngoài sân, có tiếng dế kêu. Trong buồng, là tiếng thở nhẹ của hai người đàn bà – một người đã từng bị phản bội, một người từ nhỏ đã không ai thương, giờ chỉ còn có nhau, bình yên qua ngày.
Sáng sớm hôm sau, trời âm u, gió kéo về từ thượng nguồn sông Cửu Long. Cây dừa trước nhà kẽo kẹt trong gió, từng tàu lá quơ nhau lật phật. Trong phòng, mợ Hai ngồi trước gương chải tóc, bộ áo bà ba màu tím nhạt làm mợ như người đàn bà trong tranh thủy mặc – yên lặng, mềm mại và xa xăm.
Miến bưng ly nước gừng còn nóng hổi vô, đặt nhẹ xuống bàn gỗ được trạm khắc tinh xảo mà mợ hay dùng để sửa soạn tóc tai, trang điểm son phấn, giọng nhỏ.
" Má uống nước đi cho ấm bụng, ở bên ngoài gió lớn rồi đó. "
Mợ Hai nhìn Miến qua gương, cười nhẹ.
" Ừ, cảm ơn con. Hồi khuya má nghe gió hú, cứ tưởng có mưa. "
Miến kéo cái ghế nhỏ, ngồi phía sau, rồi như quen tay, lấy cái lược mộc trên bàn.
" Để con chải tóc cho má. . . "
Mợ gật đầu. Lược đi qua từng lọn tóc dài mềm mượt, mùi dầu dừa còn vương lại thơm nhẹ như mùi ký ức. Mỗi lần Miến chải tóc cho mợ là một lần im lặng kéo dài, không nặng nề, chỉ là. . . bình yên.
Bên ngoài, tiếng rao lẻ loi của ai đó bán bánh bò nghe vọng từ xa.
" Bánh bò nóng đây. . . bánh bò mới ra lò. . . "
Mợ Hai nghe rồi nói.
" Miến, chạy ra mua mấy cái bánh bò dừa má thích ăn nghe. Mua thêm ít chuối xiêm nữa để nấu chè. "
Miến gật đầu, nhanh tay lẹ chân chạy ù ra con đường đất, bạc mạng đuổi theo người bán hàng rong đang đi hướng ra chợ, cầm tiền đưa cho cô bán hàng rong rồi hớn hở mang đồ ăn về cho mợ.
Hai mợ con nó ngồi ăn bánh bò dừa ở trong buồng.
Nó ngó trộm mợ ăn ngon miệng, mà vui ở trong lòng. Cả đời được ăn chung với mợ, nó chẳng ước gì hơn.
Một lát sau, mợ hỏi khẽ.
" Miến, con có thấy mình lạc lõng trong nhà này không? "
Miến ngừng ăn, nhưng không trả lời liền. Nó nhìn mợ, thấy ánh mắt mợ – vẫn dịu dàng, vẫn cất giấu một điều gì đó mà nó chưa dám gọi tên.
" Không. . . con không thấy lạc lõng. Ở đâu có má, là chỗ con muốn ở. "
Mợ không nói nữa. Tay mợ đặt lên tay Miến. Nhẹ thôi, nhưng ấm lắm. Ấm hơn cả ly nước gừng trên bàn đang còn bốc khói.
.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com