8 - EXPEDITION
“Tắt lửa đi.” Quincy nhắc tôi.
“Không… không tắt được. Nó không chịu để bị dập đi.” Tôi luống cuống trong việc dập đi ngọn lửa bé xíu cháy trong lòng bàn tay. Thật khó chịu. Tôi ghét những ngọn lửa nhỏ cháy riu riu. Và tôi cũng thường bị mẹ cằn nhằn vì luôn vặn to bếp điện để nước sôi nhanh hơn.
Ghét của nào trời trao của ấy, tôi đoán vậy.
Soi sáng không được mà tắt thì cũng không xong, tôi quyết định mặc kệ ngọn lửa. Hành lang trước mặt hẹp, và dài - tôi đoán thế. Tối tăm nữa. Tụi tôi xếp thành hàng dọc ba người để đi cùng nhau. Quincy sẽ cầm đèn pin đi trước, tôi ở giữa và Andrew sẽ cầm cung tên đi sau, quay lưng lại để đề phòng có kẻ tấn công từ phía sau; vì tôi chỉ có thể phá vỡ lớp bê tông chứ không thể lấp được nó lại.
Cầu trời cái hành lang này sẽ không biến thành sàn đấu kiếm tiêu chuẩn Thế vận hội.
“Đừng đốt đít tao đấy.” Andrew cảnh báo.
“Tao không đốt rác bừa bãi.”
Cả ba người chúng tôi thận trọng đi sâu vào trong hành lang tối tăm đó. Thú thật rằng tôi đã mong chờ một cái gì đó kinh khủng nhảy ra từ hai bên hành lang, hoặc một con quái vật khủng khiếp gầm ghè ở phía cuối con đường - như một điều hiển nhiên trong các cuộc tìm kiếm cộp mác Á thần Hy Lạp.
Nhưng không. Chẳng có cái gì đáng sợ ở cuối đường cả.
Thay vào đó, chúng tôi chỉ thấy một cánh cửa gỗ. Khép chặt, im lìm. Hương thơm của gỗ tỏa ra ngào ngạt. Tôi gạt Quincy ra một bên và tiến đến trước cánh cửa gỗ chạm khắc tinh xảo đó, đưa ngọn lửa trong tay lúc này đã cháy lớn hơn trước đó lên săm soi những hình chạm trên cánh cửa.
Cánh cửa nổi lên những hình ảnh mà tôi không sao hiểu hết được. Có những chiến thuyền lớn lao đi trong cơn bão biển. Một người đàn ông cưỡi một con ngựa trắng muốt đang giương kiếm trước mặt đoàn bộ binh của ông ta. Lại có một người đàn ông phải đưa đầu vào máy chém. Và còn một ti tỉ những thứ khó hiểu khác được chạm khắc trên cánh cửa mà chẳng ai trong số ba chúng tôi hiểu nổi.
“Nào, mời chỉ huy đi trước.” Andrew cười mỉa.
Tôi qua lại trừng mắt nhìn nó rồi thận trọng xoay nắm đấm cửa. Tức thì cả ba chúng tôi đều đột ngột nhảy lùi về phía sau.
Cái trước mặt chúng tôi là một ngọn lửa vừa mới bùng lên ngay khi cánh cửa bật ra. Ngọn lửa cháy rất dữ dội, nhưng xem chừng nó không thể lan ra bên ngoài khung cửa được.
Tôi hiểu điều này có nghĩa là gì.
Tôi hít một hơi thật sâu.
“Quay trở lại bãi đỗ xe đi.” Tôi nói với hai người bạn của mình.
“Tao tưởng chúng ta tìm đến đúng chỗ rồi đấy chứ?” Quincy trừng mắt.
Andrew bắt đầu nhăn nhó. “Vậy chứ mớ hành động tùm lum mày làm nãy giờ không dẫn đến một cái gì hay ho hơn à?”
Tôi đảo mắt quanh và thở dài. “Tao đâu có nói là sẽ quay trở lại bãi đỗ xe cùng tụi mày đâu.”
Hai đứa nó nhìn nhau và đồng thanh.
“Không.”
“Mày nghĩ mày ngon.”
“Thằng nào nói số ba là số đẹp vậy hả?”
Tôi cảm thấy hết kiên nhẫn với cả hai. Thở hắt một hơi, tôi hất đầu về phía cánh cửa vẫn đang cháy sáng rừng rực.
“Các ông giỏi thì đi mà bước qua.”
Cả hai đột nhiên im bặt. Tôi nên thể hiện vẻ mặt đắc thắng chứ nhỉ?
“Phải có một cách nào đó chứ.” Quincy đưa tay lên cằm. Chắc nó quên rằng mình vừa cạo râu ban tối.
“Chẳng có cách nào cả.” Tôi nhún vai. “Nhìn xem. Trong khi ngọn lửa của tao càng ngày càng cháy mạnh trong lúc tụi mình đi sâu vào trong hành lang tối tăm này thì thậm chí Quincy còn chẳng triệu hồi nổi một cây dây leo non mới nhú.”
Andrew cười gượng.
Hai người bạn của tôi nhìn nhau căng thẳng. Ánh mắt của cả hai chẳng lóe lên được tia hy vọng nào. Tôi cũng không biết mình lấy sự cao ngạo đó từ đâu ra nữa; nhưng ở thời điểm này, Massimiliano de Medici là người duy nhất không được bộc lộ ra sự thật rằng bản thân cậu ta đang cực kỳ sợ hãi và run rẩy trước viễn cảnh phải bước đi một mình.
“Thôi. Quyết như vậy đi.” Tôi quay phắt đi để không phải chào tạm biệt Quincy và Andrew. Tôi rất muốn thế. Tôi sợ phải đi một mình. Tôi không biết phải bám tựa vào ai và điều gì sẽ chờ đợi tôi bên kia cánh cửa.
Nhưng chỉ có một cách để biết mà thôi.
“Liệu mà vác cái xác của mày ra khỏi cái đường ống đó đấy. Yêu cầu đây: Toàn thây và còn thở đều.” Andy nạt.
“Tao sẽ thề là sẽ không vác mày về liệm đâu.”
“Có thể tao sẽ quay lại. Hoặc không.” Tôi vẫn nhìn trân trối vào tấm màn lửa cháy rừng rực ngay trước mắt.
“Bọn tao không cho mày lựa chọn khác.” Quincy gằn.
Tôi hít một hơi sâu và bước qua khung cửa.
Phía bên kia tấm màn lại là một hành lang trải dài tối om, không quá hẹp, đèn đuốc đốt vừa đủ để soi rõ đường đi. Như một phản xạ tự nhiên, tôi đưa tay lên áp vào bức tường và rảo bước một cách thận trọng. Hành lang này không phải là một mê cung, nhưng nó bẻ quặt và rẽ hướng nhiều kinh khủng. Tôi chỉ biết rằng sau khi đã đi qua các khúc rẽ quanh tầm khoảng vài trăm lần thì một hành lang hẹp hơn hơn hiện ra: không được chiếu sáng bằng đuốc, cũng không có bóng đèn điện, hành lang này sáng lên mờ mờ nhờ đống kim loại xếp gọn gàng ở một bên lối đi. Cách tôi khoảng mươi mét là một phần của hành lang, nơi chứa đầy bùn sình nhão thay vì gạch lát. Đoạn hành lang đó kéo dài chắc cũng phải đến mười lăm mét.
Tôi đến đứng bên mép hố bùn và ngó vào đó. Đây có thể là một cái bẫy. Hoặc không, vì chẳng có sự lừa phỉnh nào ở đây cả. Quá rõ ràng rằng bước xuống hố bùn là tự sát. Phía trên trần nhà là một dàn các móc câu hướng xuống phía dưới. Đó có thể là gợi ý cho cách đi qua hố bùn này. Hay là một cái bẫy khác?
Nằm cạnh vài thanh thép được xếp sát ở chân tường là một cái kìm cắt thép lớn và một dụng cụ uốn khung bao thép cơ bản trông cực kỳ đồ sộ. Để cho dễ tưởng tượng thì nó giống như bốn cái thang ghép vào nhau thành một khối lăng trụ, có nhiều mấu đôi để nhiều người có thể cùng làm việc trong cùng một lúc.
Tôi nhìn lên đám móc câu trên trần nhà và phát ra một tiếng thở dài thuồn thuột nghe thật não nề.
Về cơ bản, tôi dự định sẽ uốn các đoạn thép lẻ thành các tay vịn - giống thứ được treo trên tàu điện cho các hành khách không thể tìm được ghế ngồi, và đu qua hết tất cả các móc treo trên trần hành lang để vượt qua hố bùn. Nói thì dễ nhưng làm thì là cả một quá trình tương đối gian nan vì đã lâu lắm rồi tôi không phải làm công việc này bằng tay. Khi mới vào Trại, tôi được huấn luyện phải uốn khung thép bằng tay và dụng cụ thủ công đến khi sản phẩm làm ra phải thật vuông vắn và tròn láng ở bốn góc thì mới được chuyển sang dùng máy ép.
Nhưng thôi, tôi là con trai của Hephaestus mà.
Việc này gian nan là ở chỗ, thay vì chỉ uốn hai tay vịn cho hai bàn tay thì tôi phải uốn đến tám cái; vì đây là loại thép tương đối mềm và sẽ chẳng chịu được cân nặng của tôi quá năm giây dưới tác động của lực hấp dẫn đâu.
Nghĩ là làm, tôi lấy cây kìm cắt thép đập vỡ một mảng sàn và nhặt lấy viên gạch lát vỡ vừa tay để khắc dấu lên thanh thép. Lòng bàn tay tôi rộng cỡ tám centimet, thế nên một cái tay vịn hình tam giác đều với cạnh 10 centimet có lẽ sẽ là hợp lý. Cây thước sắt được đặt sẵn trước đó đã hai lần rơi khỏi tay tôi trong lúc kẻ vạch uốn. Cũng phải thôi, nếu tôi tính toán sai thì sẽ không có lối thoát nào hết.
Sau khi đã kiểm tra kĩ độ dài từng đoạn lẻ, tôi bắt đầu dùng lửa nung nóng những chỗ cần cắt trên thanh thép và dùng kìm cắt chúng rời ra. Công đoạn uốn là công đoạn cần tỉ mỉ và tốn thời gian nhất; tôi phải tra thanh thép và giữa hai mấu kẹp chính xác đến từng milimet và uốn nó thành hình.
Tôi không biết bản thân đã dành ra hết bao nhiêu thời gian trong cái hành lang hũ nút tối thui đó.
Chỗ thép trong hành lang chỉ vừa đủ để tôi uốn được tám chiếc tay vịn, vừa khớp với tám cái móc treo trên trần nhà; chiếc móc cuối cùng được tôi gia cố bằng chỗ thép thừa còn lại để tôi có thể vin vào nó lâu hơn, lấy đà để đu vào bờ bên kia an toàn.
Thử thách tiếp theo đòi hỏi thể lực tốt và độ chính xác cao. Tôi thì chẳng giỏi mấy môn thể thao, nhưng thời điểm hiện tại tôi cũng không có nhiều lựa chọn cho lắm. Ý tôi là chả có cái nào khác ấy.
Tôi nhặt lấy vài cọng dây thép mỏng dưới chân tưởng và uốn nó thành hai cái đỉa quần ở hai bên dùng để móc tay vịn vào đó; mỗi bên bốn cái. Sau khi bôi trơn các khớp bằng một vài động tác khởi động đơn giản, tôi bước đến bên miệng hố bùn - ừ thì điều đầu tiên trước khi chơi thể thao là khởi động, đúng không nhỉ? Tôi thì không thích bị chuột rút cho lắm đâu. Cái hố bùn đó, nó làm tôi sợ. Tôi đã từng tưởng tượng ra đủ mọi tình huống có thể dẫn lối cho bản thân xuống gặp Charon, nhưng không phải là chết ngập trong hố bùn như thế này.
“Có nhanh lên không để còn đi về đây nào?” Tôi tự nạt nộ bản thân. Tự trấn an rằng sống chết gì thì cũng có số cả rồi, tôi rút lấy một cái tay vịn và bật đà nhảy lên đu vào cái móc đầu tiên.
Trời, tôi phải tự nể phục bản thân vì đã chế đủ tám cái tay vịn. Cái tay vịn bằng thép của tôi khi chạm tới móc trên trần nhà, nó không oằn xuống vì lực hấp dẫn như tôi đã nghĩ; mà ngược lại, nó bám chặt vào cái mảnh kim loại trên trần nhà kia luôn. Yên tâm là có chỗ đu bám chắc chắn, tôi từ tốn lôi cái móc thứ hai ra và với đến trạm trung chuyển trên trần nhà tiếp theo. Cứ thế rồi cái thứ ba, thứ tư, năm, sáu, bảy rồi tám.
“Thôi chết” Tôi giật mình khi nhìn qua cái bờ kè bên kia của hố bùn. “Giờ đáp xuống kiểu gì đây?”
Về nguyên tắc thì việc này không khác mấy so với việc ngồi xích đu. Bạn muốn đu về trước, thì phải kéo cái xích đu ra sau. Điều khó nhằn ở đây là, tôi không cách nào nâng được bản thân lên về phía sau lưng cả. Điều này hoàn toàn… nằm ngoài sách giáo khoa. Trong đầu tôi nảy ra một ý; cũng dễ thực hiện, nhưng cái dở của nó là…
“Thôi tầm này thì liêm sỉ là thứ xa xỉ phẩm lắm rồi.” Tôi thở dài. Lo cứu cái thân trước đã.
Để tôi dặn các bạn nhé, sau này nếu có lâm vào tình cảnh phải thực hiện một cuộc tìm kiếm ấy mà, làm ơn tránh xa tất cả các thể loại thời trang và chỉ sử dụng đồ thể thao co dãn tốt mà thôi. Tin tôi đi.
Để giảm được trọng lượng bản thân được chừng nào hay chừng ấy, tôi tháo đôi giày chạy ra và dùng hết sức quăng chúng lên trên sàn nhà trước mặt. Tạ ơn Hermes, chúng đáp đất thành công. Bước tiếp theo trong kế hoạch hẳn là đòi hỏi sự hy sinh một hoặc hai sợi chỉ khâu đũng quần của tôi. Một chiếc quần rách đũng chắc chắn KHÔNG bao giờ có thể trở thành một mốt thời trang như những chiếc jean rách gối được. Cam đoan đấy.
Tôi hít một hơi thật sâu rồi quăng hai chân lên đạp thật mạnh vào tường để giữ chúng yên tại chỗ trong tư thế dạng hết cỡ và chờ đợi một âm thanh “toạc” phát ra từ phía đũng quần. May mắn là không có cái gì bị rách hết; nhưng tôi thì đang thở dốc. Bám thật chặt vào cái móc câu, tôi từ từ di chuyển hai chân lùi dần, lùi dần về sau. Trời, tôi sẽ viêm cơ háng với pha đu ngược này mất thôi. Trượt chân một cái thôi là phải đu lên lại từ đầu, còn tôi thì không muốn tưởng tượng ra cảnh viêm dây chằng háng nằm liệt giường với hai thằng bạn cứ hỏi đi hỏi lại về “Mày làm cái gì mà hai chân không đứng vững nổi thế?” đâu.
Ôi, đây rồi. Tôi đã đu cao lên hết mức có thể. Hai cẳng chân tôi run rẩy, bàn tay phải bấu víu vào cái móc câu bắt đầu trở nên trơn tuột còn mồ hôi hai bên thái dương thì vã ra như tắm. Đó là lúc tôi quyết định buông. Dù sao thì cũng có số cả rồi.
Tôi thả hai chân hợp làm một, co lại để đu về phía trước và duỗi thẳng chúng ra trước khi buông tay và để phần còn lại cho lực quán tính quyết định.
Bỗng tôi thấy mình nằm trên sàn nhà.
Tôi không nhận ra rằng bản thân đã mướt mồ hôi như thế nào trước khi đáp xuống phía dưới sàn nhà đó. Mồ hôi ướt đầm làm tôi lạnh toát. Vậy mà tôi cứ tưởng rằng cái lạnh này là ở dưới bến phà của Charon.
Rồi, giờ thì tôi chưa chết. Tiếp theo?
Tôi dẫn mình đi qua vài hành lang lắt léo nữa trước khi dừng lại ở một hành lang cụt. Đương nhiên rồi, sẽ có một lối thoát khác ẩn sau những bức tường này, nhưng ở đâu thì… tôi không biết. Chưa biết.
Sốt ruột đi qua đi lại trong cái hành lang tối thui chật hẹp ấy làm tôi bắt đầu mất đi sự kiên nhẫn của bản thân. Tôi đã miết đến mòn cả tay lên những bức tường nhằm cảm nhận được sự tồn tại của một không gian bí mật nào đó, giống như cách tôi và Andrew cùng Quincy đã bước được đến điểm đầu của cái mê cung này nhưng vô vọng. Tôi bắt đầu đập nhịp chân lên sàn nhà lát gạch.
“Tiếng vọng này sao lạ quá.” Tôi tự hỏi.
Lùi lại mươi bước, tôi dậm nhịp lên cái sàn nhà một lần nữa. Sàn nhà kêu cộp cộp, khác xa với âm thanh vang vọng lúc nãy ở cuối con đường cụt. Tôi bước lại đúng viên gạch mà mình mới đứng trước đó, quỳ xuống và áp tay lên trên nó. Viên gạch bắt đầu sáng lên biểu tượng Eta của thần Hephaestus rồi dịch chuyển qua một bên. Một cái gì đó vừa mới được đẩy lên trên. Đó là một chiếc máy tính bảng, và cạnh đó, đoán xem?
Một quả bom hẹn giờ.
Cùng lúc đó, hai cánh cửa mà tôi chẳng biết nó từ chỗ nào rơi xuống xuất hiện phía sau lưng tôi và khóa luôn lối ra. Khỏi lẩn.
Tèo tí teo.
Được rồi, giờ chưa phải lúc thổi kèn đám ma. Vấn đề là, vâng đúng rồi, luôn phải chào hàng bằng cụm từ “vấn đề là”; là muốn vô hiệu hóa quả bom thì cần một mã bốn chữ số, và tôi thì chưa biết cái mã đó lấy ở đâu. Có thể là lấy từ một chuỗi số mà tôi chả hiểu nó là cái gì hiện lên trên màn hình chiếc máy tính bảng. Đó là một chuỗi dài ngoằng các chữ số 300x800 - 30 - 0.836 - 0.005 - 420 - 500 và đồng hồ thì đếm ngược từ phút thứ năm. Nếu tôi không nhầm thì với thứ tự này, đây sẽ là…
“Ôi, trời.” Trong thời khắc sinh tử này thì đúng là không nên bỏ phí thời gian, nhưng tôi vẫn cứ phải thở dài một hơi thật não nề cái đã. “Bộ hết trò để đem ra thử thách rồi hay sao?”
Dãy số kia, dĩ nhiên rồi, là một đề bài. Một yêu cầu thiết kế cốt thép cho một dầm bê tông đơn giản; còn mã bốn chữ số kia chính là tổng diện tích mặt cắt của năm thanh cốt thép trong dầm. Tôi cảm thấy bị xúc phạm đôi chút.
Bài toán không quá rắc rối, tuy nhiên có một thứ phát sinh ở đây. Chiếc tablet đã bị vô hiệu hóa chức năng máy tính bỏ túi, thế nên… ừ, tôi chuẩn bị phải tính tất cả những thứ này bằng tay và lấy đến ba chữ số thập phân sau dấu phẩy. Nghe có khác gì lao động khổ sai đâu?
Thời gian còn bốn phút.
Tôi phải nhanh lên thôi. Viết ra tất cả những thứ cần tính toán lên trên chiếc tablet là điều dễ nhất tôi có thể làm, và phần còn lại thì phụ thuộc cả vào độ chính xác của tôi. Athena toàn năng, tôi không phải là đứa giỏi toán lắm đâu; và hóa ra bài toán này hóa ra cũng chẳng phải kiểu thử thách dạng vừa. Nó thử thách tính kiên nhẫn và độ chính xác còn ghê gớm hơn cả cái hố bùn lúc nãy.
Tôi phát điên lên với đủ các loại phân số và phép nhân chia cứ nhảy loạn cào cào trong hộp sọ tôi lúc này nhưng vẫn phải nhắc nhở bản thân rằng với năm phút, tôi chẳng thể nào tự mình kiểm tra lại đáp án cuối cùng; thế nên phải thật chính xác ngay từ lần tính đầu tiên. Sai sót có thể phải đánh đổi bằng mạng sống.
Đáp số tôi tìm ra được là 3098; và phần gây đau đầu cuối cùng đây. Tôi sẽ phải chọn chính xác năm thanh thép với tổng diện tích mặt cắt thấp hơn gần nhất so với cái đáp số kia. Phải thật chính xác, vì diện tích này được quy định trong một bảng tra và tôi thì không bịa ra được cái nào chính xác hơn thế. Con số chính xác mà tôi lục lọi được trong trí nhớ là 2955. Tôi gõ 295 lên bàn phím gắn trên quả bom hẹn giờ.
Còn hai mươi giây.
“Nào.” Tôi tự trấn an. “Con số 5 định mệnh đây.”
Tôi nhắm mắt và và bấm lẹ.
Chẳng biết tôi có phải vừa tự kích hoạt đường đến xuống địa ngục hay không, chị biết là sàn nhà tách ra và tôi thì bị lôi tuột xuống một đường ống dẫn, dẫn đến đâu thì có… giời mới biết.
“Aaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaa” Tôi gào rít bằng tất cả sức bình sinh trong lúc trôi theo đường ống ngoằn ngoèo lúc lượn chỗ này lúc cua chỗ khác; chẳng phải một câu chuyện đáng tự hào lắm, nhỉ? Nhưng thôi, chả nhẽ tôi lại kể ra một hành trình chơi cầu trượt mà ở đó tôi chỉ duỗi tay chân chờ trôi đến điểm cuối; như thế câu chuyện vừa thiếu sinh động, điêu ngoa lại hết sức nhạt nhẽo.
Cuối cùng, đường ống hướng tôi rơi thẳng xuống đất. Tôi còn chưa kịp gào gậu thêm câu nào thì đã rớt cái rầm xuống một cái mặt sàn và lăn lông lốc ra đất, miệng thì đầy tro.
Hóa ra tôi vừa rơi xuống một cái lò sưởi.
Tại sao một cái đường ống trơn nhẵn nhụi lại có thể làm ống khói cho một cái lò sưởi nhỉ? Tôi chịu. Có lẽ vì mắt đã khá quen với môi trường thiếu sáng trong đường hầm khi nãy nên theo phản xạ tự nhiên, hai mắt tôi díu lại vì chói. Tôi mất khoảng hai phút để làm quen với việc chiếu sáng đầy đủ và bắt đầu quan sát kỹ căn phòng.
Ờm… tôi có đến nhầm địa điểm không ấy nhỉ?
Nơi tôi vừa lảo đảo đứng dậy không hẳn là một căn phòng. Nó giống như… một cửa tiệm? Một tiệm bánh. Dọc hai bên cửa hàng có những cái lò nướng bánh mì đen và bánh mì trắng. Trên tủ kính xếp khít những chai rượu rum và whiskey. Cửa hàng cửa hiệu gì mà lại bán cả bánh mì lẫn rượu nhỉ? Và bắt mắt nhất là những chiếc bánh ngọt được xếp ngay ngắn bên trong một cái tủ kính lạnh với đủ các loại hình dáng và kem phủ. Chúng bỗng nhiên làm tôi nhớ đến bữa tiệc sinh nhật nhỏ bên dưới tầng hầm của cabin số Chín vào mùa thu năm ngoái của tôi. Tiệc sinh nhật ở Lửa trại chẳng qua chỉ là thủ tục. Bữa tiệc thực sự nằm ở trong chính cabin của tôi, nơi tôi mời bạn bè thân thiết nhất đến chung vui cùng các anh chị em cùng cha khác mẹ. Có hơi phiền khi đám đông lúc nhúc ấy hay đánh đổ nước lên sàn phòng riêng của tôi, nhưng chẳng sao. Tiệc sinh nhật là những câu chuyện kể mãi không hết.
Tôi tiến lại gần cái lò nướng bánh mì trắng. Tôi đã ăn tối phè phỡn ở khách sạn rồi; tuy nhiên sau cả một quá trình lăn lê bò toài và nhất là quãng đường rung lắc với chiếc cầu trượt khổng lồ khi nãy, bụng tôi lại kêu ré lên. Dạ dày tôi có vẻ đang muốn đi ứng cử làm tay trống trong một buổi biểu diễn văn nghệ thì phải, nó kêu bum bum bum.
Những cái bánh mì ở trong lò trông hấp dẫn thật ấy.
Tôi đã định thò tay vào và moi ra một chiếc cho tới khi chạm được đầu ngón tay đầu tiên vào nó. Tôi rụt lại, chợt nhớ ra ở một nơi xa lạ vắng vẻ như thế này, tự tiện lấy đồ ăn có thể là tự sát. Và tôi lại đứng ngó cái tiệm bánh tiếp, quên mất mục đích thực sự của bản thân khi đến đây là gì.
Đó là trước khi tôi nghe thấy tiếng giày gõ cộp cộp lên mặt sàn.
Tôi như choàng tỉnh khỏi cơn mê. Như mọi khi, tôi đưa tay trái lên chạm vào thanh hidden blade gắn trên cổ tay còn lại để chắc chắn rằng nó sẽ bật lên sẵn sàng cho mọi tình huống. Tôi chờ đợi một con quái vật, hoặc một đấu sĩ nai nịt gọn gàng với đai lưng và giáp chiến chuẩn bị bước ra đối đầu với mình.
Nhưng một lần nữa, chẳng có quái vật nào ở đây cả.
Bước ra khỏi dãy kệ xếp bánh mì là một người đàn ông trung niên phốp pháp với bộ râu quai nón rậm rạp và cặp kính nửa vầng trăng đeo trên mũi. Ông ta mặc áo sơ mi trắng cùng gilê và đi giày âu nện cồm cộp trên sàn nhà.
Ông ta trông khá thân thiện. Nhưng chẳng ai biết đằng sau gương mặt thân thiện đó thực sự là cái gì.
“Xin chào.” Người đàn ông trung niên nói bằng một giọng Anh đặc sệt. “Cậu là ai?”
Tôi chẳng biết phải trả lời như thế nào. Ông ta đứng chống nạnh nhìn tôi từ đầu đến chân. Thật là ngại quá.
Giờ tôi mới để ý đến áo quần của mình. Quần áo của tôi ám đầy bồ hóng đen sì, còn khuôn mặt thì giờ chắc cũng chẳng khác một người Senegal cho lắm. Chẳng ra làm sao cả.
“Trời, cậu đứng ngó làm gì? Bánh mì của ta không tính phí đâu.” Ông ta vừa nói vừa vung vẩy hai tay với cái kẹp giấy trên tay phải. Ông đến cạnh lò bánh và thó lấy một cái, xé đôi rồi chia cho tôi một nửa. Ngoạm một miếng to tướng trên cái bánh mì, ông ta nói vội “Thoải mái đi, chàng trai. Đằng nào Apollo cũng chẳng phải tín đồ của bánh mì, vậy nên ông ta sẽ chẳng đếm chi li từng cái một với mẻ bánh chuyển lên Olympus đâu.
Tôi có quá nhiều thông tin cần khai thác từ cái tràng dài dòng mà ông ta vừa tuôn ra, nhưng trông tôi đần độn và đầu óc tôi thực sự cũng đần độn nốt; thế nên tôi chẳng biết hỏi gì khác ngoài câu, “Ông là ai?”
Người đàn ông quay ngoắt lại, tháo cặp kính nửa vầng trăng ra và bước phăm phăm đến chỗ tôi. “Chết, ta vô phép quá. Cậu đâu phải khách hàng thường.” Ông ta chìa tay ra.
“Ta là Thomas Faynor. Ta có thể giúp gì cho cậu đây?”
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com