Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Thương anh, thương em

Giờ đi ngủ, lán trại chìm vào tĩnh lặng, Huyền Tuấn cũng rời khỏi bàn làm việc để trở về buồng. Anh ngồi thẫn thờ bên chiếc bàn gỗ cũ kĩ, mặt bàn trải đầy những giấy tờ lộn xộn như thể chủ nhân của chúng đã rời đi rất vội. Tuấn đặt mảnh lựu đạn màu đen đã bóng loáng sau nhiều năm đồng hành cùng anh qua những khói lửa lên cái xấp trắng ngà đó. Rồi chẳng biết làm gì, anh cứ ngồi trong vầng sáng mờ của ngọn đèn dầu vặn nhỏ, đôi mắt mông lung như chìm vào màn đêm.

Đêm này không có trăng, trời lúc nào cũng một mảnh tối đen nên không biết đã qua bao lâu rồi. Thứ duy nhất có thể khiến Huyền Tuấn ý thức được thời gian đang trôi dần chỉ có ngọn lửa đang chập chờn chực tắt ngúm của chiếc đèn dầu. Đột ngột, anh bật dậy như thể vừa lỡ ngủ quên trong ca trực, vô thức cúi người chạm đến cái ngăn kéo nhỏ luôn được khóa chặt dưới bàn. Lần mò tìm chìa khóa rồi mở ra, anh cầm lên một xấp những tờ giấy thoạt nhìn như giấy lộn: chúng đã ngả vàng, có tờ thì nhăn nhúm, quăn góc, tờ thì thậm chí còn cháy sém một mảng. Có khoảng ba chục tờ như thế. Tuấn gạt hết những thứ trên bàn sang một bên rồi cẩn thận đặt xấp giấy kia lên, cẩn thận như thể thứ anh đang cầm là một xấp giấy bạc vậy.

Nhưng không, ấy là những lá thư mà anh đã viết trong suốt quãng đường không có Hùng ở bên cùng đồng hành. Quãng đường ấy chẳng biết là bao xa, anh cứ mơ hồ mà đi mãi trong màn sương trắng xóa, không biết bao lâu rồi. Những lá thư có lẽ bởi được viết giữa nơi vô định như thế, nên chúng không đề địa chỉ người nhận, cũng chẳng có ngày gửi đi. Mấy lá thư khi ngắn khi dài, bức thì nắn nót như in, bức thì qua loa vội vã như thể được viết nơi đầu chiến tuyến. Trong cái sự lộn xộn ấy, chỉ có nội dung thư lúc nào cũng hướng về một phương duy nhất: mặt trận. Những mẩu tin kháng chiến, những bước tiến trong bản kế hoạch mà cả hai đã vạch ra, chuyện cậu Tiến, cậu Bình cũng lên đường nhập ngũ,... Có đôi khi, họa hoằn lắm mới bắt gặp một đôi dòng tâm sự của riêng người viết.

Huyền Tuấn nhìn mảnh lựu đạn ở góc bàn, anh nhớ in, bức thư đầu được viết ngay trong đêm Minh Hùng hy sinh. Lá thư ấy được gấp làm tư, có lẽ là bức nguyên vẹn nhất. Trong thư, những dòng mực đã nhòe đi theo năm tháng không che được nỗi mất mát của cậu học trò khi ấy. Giờ đọc lại, dường như anh vẫn cảm nhận được cơn đau cứ dội lên trong lồng ngực.

...

"Anh Hùng,

Xin lỗi vì lúc sáng không kịp tạm biệt mà đã đi mất, anh cũng biết dạo gần đây nhiều công chuyện quá. Hình như từ lúc chúng ta quen nhau đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi với anh tách ra thì phải. Nói thật là, xung quanh tôi bây giờ đang lạ lẫm lắm, đến cái cây trước cửa phòng cũng chẳng hề quen.

Nghe nói, anh đã có một chiến công xuất sắc, thật tiếc vì tôi không kịp ở đó để chúc mừng... Mà hình như anh Hùng cũng không biết rõ đúng không? Cũng phải, anh rời đi vội quá..."

...

Huyền Tuấn chỉ đọc đến đấy rồi đứng dậy. Anh rời khỏi bàn làm việc, đưa tay nâng tấm liếp cửa sổ, nhìn sâu vào cái bóng tối đen đặc, xuyên qua từng cụm sương lãng đãng như thể đang cố gột rửa đi sự mù mịt trong lòng mình. Cái ngày mà Hùng hy sinh ấy, anh như thể bị đày đến một vùng chiến sự khốc liệt lạ lẫm, xung quanh toàn những mảnh lựu đạn đen thui bay tứ phía. Những mảnh lựu vỡ ấy găm thẳng vào cơ thể cậu thư sinh là anh rồi xuyên hẳn qua, để lại trên cơ thể những lỗ sâu không ứa máu, nhưng mơ hồ đau. Anh lắc đầu một cái thật mạnh để rũ cái cảm giác ám ảnh ấy ra khỏi đầu. Nhưng cái này đi, cái kia lại tới.

Bức thư đã được Tuấn úp xuống nhưng từng chữ một vẫn cứ hiện lên trong đầu anh thật rõ ràng như mới hôm qua. Hay thật là mới hôm qua. Cho đến bây giờ, anh vẫn không biết thực sự hơn chục năm đã trôi đi hay tất cả chỉ là một cơn mơ nát vụn như quả lựu đạn đó. Anh nhớ về cơn mơ năm nào, cơn mơ chẳng biết là vui hay buồn, hay thực ra là hụt hẫng.

...

"...Này, khi nãy tôi thiếp đi một lúc, mơ thấy nước mình độc lập, toàn những gương mặt trẻ lạ lẫm cùng chung tiếng cười. Họ ôm lấy nhau mà khóc, trên vai ai cũng choàng lá cờ, một lá cờ trông lạ lắm, nhưng chỉ nhìn qua thôi đã khiến tôi thấy thân thương, tự hào vô cùng. Có người băng trắng đầu nhưng khi nằm trên cáng vẫn cao giọng hát. Anh biết cậu ấy hát bài gì không? Bài này anh quen lắm, đúng là "Bút sáng cờ sao" đấy. Tôi nghe mà rưng rưng nước mắt, quay đầu tìm anh. Tôi cứ tìm mãi mới thấy anh ngồi dưới một gốc cây to, trên tay cầm quả lựu đạn vỡ mất một mảnh, đã rút kíp nổ, nhưng mà lạ là nó không nổ. Tôi có kéo anh dậy chung vui, nhưng anh bảo mệt quá, nghỉ một lát. Thế rồi anh thiếp đi, thiếp đi..."

...

Chưa bao giờ cái viễn cảnh đất nước hòa bình, dân tộc tự do mà Huyền Tuấn tưởng tượng ra lại thiếu đi bóng dáng Minh Hùng. Dường như đối với anh, Minh Hùng chính là một mảnh ghép quan trọng trong cái vầng sáng thắng lợi ấy, là một phần bắt buộc phải có, phải tồn tại. Nếu không có Hùng, cuộc đời của anh sẽ ra sao đây và trong cuộc trường kỳ kháng chiến này, liệu sẽ có một người chiến sĩ tên Huyền Tuấn hay không? Giữa anh với Minh Hùng không chỉ đơn thuần là tấm lòng của hai người đồng đội với nhau, trong sâu thẳm trái tim anh vẫn luôn tồn tại sự biết ơn vô kể đối với Hùng. Chính người này đã cho anh một cơ hội được sống đúng với cái nghĩa của sự sống, sống cho dân tộc và Tổ quốc, sống cho một lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang dưới ánh đạn bom.

Vậy mà, ánh sáng ngày độc lập còn chưa kịp tới, người đã vội vã rời đi. Minh Hùng chỉ còn đồng hành trong trí nhớ của anh, với những bức thư không gửi. Đã hàng chục lần, Tuấn viết rồi xé, rồi đốt, rồi ném đi, nhưng chẳng hiểu vì sao những lá thư đó vẫn cứ kiên trì trở về bên anh, nằm lại trong chiếc ngăn kéo nhỏ, nằm lại cùng hàng tá những dự định hai người còn đang ấp ủ.

Và anh cứ tưởng chúng sẽ nằm đó mãi, hệt như cái cách mà "Bút sáng cờ sao" nằm lại trong trí nhớ của anh. Nhiều năm trôi qua, có những lúc Tuấn tưởng chừng như mình đã quên mất giai điệu hào hùng năm nào, nhưng rồi chỉ một chút gợi nhớ nho nhỏ, bài hát ấy lại vọng lại từ miền ký ức xa xăm. Hay thực ra là anh không thể quên được cậu học trò trường Bưởi đã tự tay viết nên bài hát ấy, hoặc là cả hai? Huyền Tuấn không biết, ít nhất thì anh không muốn biết, có lẽ bởi một khi đưa ra đáp án đồng nghĩa với việc anh phải chấp nhận một vài sự thật đáng để đau lòng.

Kể từ cái ngày định mệnh ấy, Huyền Tuấn không hát lại "Bút sáng cờ sao" nữa, bởi lẽ dù có cố gắng đến đâu, anh cũng không còn thể hiện cái nét hào hùng vốn có của bài ca năm nào. Nhưng đêm nay, cùng với dũng khí đối mặt với câu chuyện năm xưa, chính anh đã cất giọng hát vang bài ca thuở nào. Đối với anh, không một liều thuốc nào có thể khiến các đồng đội nhỏ tuổi của mình,và với cả chính anh, thấy vững tâm hơn vào cuộc chiến khốc liệt này bằng giai điệu ấy cả. Một giai điệu đã lâu nhưng không bao giờ cũ, rằng:

Trong tâm ta hằng nung nấu một khát khao

Bàn tay cầm bút vẫn giương cao lá cờ...

Không biết lá cờ mà ngày ấy Minh Hùng viết trông như thế nào, có là máu đỏ da vàng, có khiến dân mình cảm thấy vừa tự hào, vừa biết ơn chăng... Có lẽ là có, đôi tay ấy của Hùng dễ sẽ dệt nên một lá cờ như thế lắm. Nghĩ đến đây, Tuấn như thể đang thấy trong màn đêm lẳng lặng kia có một bóng dáng ai đó lưng đeo khẩu súng, vai vác lá cờ đang vẫy tay chào mình.

Là Minh Hùng ư? Anh về gửi lại lá cờ trong bài hát năm ấy đấy ư?

Huyền Tuấn đưa tay toan đỡ lấy nhưng hình bóng nọ tan biến mất, chỉ còn lại mảng sương đêm mơ hồ. Anh gục xuống bên chân bàn, lặng lẽ ôm lấy một nỗi buồn không tên và mong chờ sẽ có một ai lặng lẽ đặt tay lên vai mình như nhiều năm về trước. Nhưng không có ai. Tuấn vịn vào bàn đứng dậy, gom hết những bức thư trên bàn lại, cẩn thận đọc từng dòng từng dòng một. Càng về sau, khoảng cách giữa các bức thư càng thưa dần, sự ráo hoảnh trong ấy cũng ngày một tăng thêm. Anh thừa biết tất thảy những thứ ấy đều chỉ là lớp mặt nạ mà anh ép bản thân phải đeo lên, để thôi hoài nhớ về một dòng kỉ niệm, để cho những cảm xúc nọ đừng bung bét hết ra...

Và có lẽ anh đã làm khá tốt điều ấy trong suốt hơn chục năm đằng đẵng. Tuấn gói ghém cảm xúc của mình như một bí mật không tên. Anh sống với nó nhưng lại không dám chạm vào nó, cũng chẳng dám nhớ về những thứ thuộc về người kia.

Giá như anh có thể sống thế mãi thì có lẽ đã lại hay. Nhưng "Lê Minh Hùng" lại là một điều gì đấy đặc biệt quá, đặc biệt đến nỗi anh có thể nhìn thấy, cảm thấy bóng hình người ấy ở khắp mọi nơi mình từng đi qua, trong tất cả các phút giây mà mình đã chiến đấu, trên khắp các mặt trận và bước đường mình hành quân. Anh không làm được, Huyền Tuấn không thể giả vờ như Minh Hùng không tồn tại, không thể coi như trái tim mình không hề rỉ máu.

Chỉ là cơn đau âm ỉ ấy anh đã gặm nhấm nhiều rồi, lâu rồi, anh đã quen với nó như với người thương. Nhiều khi, Tuấn còn biết ơn rằng bản thân có thể cảm nhận được điều ấy, để mà biết rằng trái tim mình vẫn còn đương sống. Anh yêu Minh Hùng, yêu cả nỗi đau mà người đó để lại, nhưng chỉ yêu thôi, anh không muốn chấp nhận hiện thực rằng người thương lại chỉ còn tồn tại trong cái buồng giam gọi là hồi ức. Huyền Tuấn hi vọng một ngày nào nắng lên, Minh Hùng vẫn sẽ ngồi bên chiếc bàn gỗ xưa cũ, cặm cụi viết sửa một bản nhạc mới cho Đất nước này. Không chạm tới cũng được, chỉ cần còn có thể nhìn thấy gương mặt anh...

Nhưng vào giây phút mà anh một lần nữa cất lên tiếng hát, một lần nữa "Bút sáng cờ sao" hồi sinh giữa núi rừng chiến tuyến, anh biết tất thảy những nỗ lực của mình đã trở nên tan nát. Rồi thì chính tay anh đã rạch nát tầng giấy mỏng che đậy đi vết thương lòng đau đớn, chính anh - người giữ trong tay chiếc chìa khóa cấm, đã vặn mở cánh cửa lấm lem những máu. Nhưng biết sao đây, không lẽ anh có thể lừa dối chính anh được mãi? Không lẽ anh lại để cho những người đồng chí trẻ tuổi kia nhụt chí trên chiến trường? Không! Thà rằng anh tự nã súng vào trái tim mình, còn hơn là chấp nhận những điều ấy. Lòng đau thì đau thật, nhưng không chỉ với anh, hay Lê Minh Hùng, mà là với hàng triệu triệu đồng bào Việt Nam, không có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất nước. Hôm nay anh hi sinh trái tim mình, để đổi lấy trái tim đất mẹ ngày sau. Còn hơn cả đáng giá.

Ngày hôm nay nhìn thấy những đồng chí nhỏ tuổi của mình suy sụp tinh thần, Huyền Tuấn như nhìn thấy chính bản thân anh của ngày đó. Không nhớ là ai, hay điều gì đã dẫn anh đi qua những năm tháng ấy, nhưng ngày hôm nay, anh muốn chính anh là người dẫn dắt các em đi qua cơn đau. Không chỉ vì bản thân anh, hay những cậu trai trinh sát ấy, mà còn vì chính cuộc kháng chiến này. Nó đã kéo dài quá lâu, và những người vợ còn được mấy lần mười năm để nhớ chồng đi lính, những người mẹ còn mấy lần mười năm để lo cho đứa con yêu? Mười năm ấy, bao nhiêu chiến sĩ sẽ phải dùng xác vá đường, lấy hồn mình vá những hố bom?

Thôi thì để một mình anh gánh chịu, một mình anh đau đớn. Huyền Tuấn trầm ngâm một lát rồi cúi người lấy chai dầu nhỏ dưới chân bàn, đổ thêm vào cho ngọn đèn khỏi tắt. Căn buồng nhỏ thoáng chốc sáng lên, ánh đèn dầu in bóng anh lên lá quốc kỳ treo trên bức tường bên cạnh. Anh lấy giấy và bút, chấm mực rồi đề những chữ đầu tiên:

...

Gửi người đồng chí đầu tiên - người em thương nhất.

Không biết nơi ấy anh ra sao, xa nhau có lẽ đến vạn dặm, thư chẳng biết về đâu. Anh khoan hẵng ngạc nhiên, tự hỏi sao em lại gọi anh bằng cái danh xưng ấy, bởi lá thư này cũng chẳng phải về tiền tuyến như mọi khi.

Anh khỏe không? Đang lúc giao mùa, anh nhớ giữ gìn lấy. Giờ này bên em trời đã về khuya, không có trăng, ngoài cửa sổ chỉ có lũ đom đóm đang loay hoay như đang gọi hồn. Thú thực ban nãy, em tưởng chúng đã gọi anh tới đây, để gửi cho em một lá cờ đỏ sao vàng. Hoặc, nói với em đôi lời nào đó.

Thế mà không, căn phòng này vẫn cứ lặng im giữa núi rừng sâu thẳm, bên tai em chỉ còn thì thầm tiếng vọng của một nỗi nhớ ngút ngàn. Anh Hùng này, mãi cho đến hôm nay, trong tâm trí em dường như vẫn còn vang lên một tiếng nổ đáng sợ. Một tiếng nổ câm. Lạ phải không? Rõ là em chưa từng nghe thấy, nhưng lại như thể đã nằm lại đó cùng anh...

Bao nhiêu lâu nay, em cứ đắm mình vào một cơn đau kéo dài đến mỏi mòn, nó như một màn sương đêm lạnh lẽo và cô đặc, giam em vào một cõi nào đấy chẳng rõ đường đi. Em đã lạc trong ấy bao lâu, bao lâu... Những giây giờ đau khổ ấy, với em thật chẳng rõ ràng. Có những lúc em nghĩ đã thật nhiều năm qua đi, lại có những khi tưởng chừng cơn đau kia hẵng còn mới lắm. Cơn đau, có lẽ là cách tốt nhất để người ta nhìn thật rõ trái tim mình, như cái cách mà em đã thấy nó thương anh.

Nhớ anh Hùng lắm, cứ mỗi ngày thức giấc, em lại thấy nỗi nhớ đó lại càng lớn thêm. Em nhớ lần đầu mình trở thành bạn của nhau, nhớ tờ giấy nhạc rơi trên nền lớp học năm nào, nhớ cả những lần hai đứa mình cùng ngồi lại để vẽ nên một bức hình cho tương lai thật tươi sáng. Anh biết không, lúc ấy đôi mắt anh đã sáng ngời hy vọng, sáng ngời tương lai. Chính đôi mắt anh đã khiến em ngày một vững tin vào con đường mà mình đã chọn. Ngày ấy em ngưỡng mộ anh vô kể, ao ước mình sẽ được sống đầy lý tưởng như anh. (Và em làm được rồi, Hùng ạ, biết ơn anh nhiều lắm.) Nhưng rồi thời gian dần trôi, dường như cái "tình đồng chí" mà em dành cho anh đã bị thứ gì làm cho khác đi mất. Em vẫn nhìn anh, vẫn ngưỡng mộ anh, nhưng với một ánh nhìn khác. Em không khống chế được đôi mắt mình, anh ạ, khi mà chúng đã quen với việc tìm kiếm dáng hình anh giữa biển người. Chỉ là, khi ấy em vẫn chưa hề biết thứ tình cảm mà em ôm ấp với anh là gì, nó mơ hồ và rộng lớn quá còn em thì chỉ như một chú nai tơ chưa hề bước vào đời.

Em đứng đây rồi, sao anh lại nằm yên? Mau lên chứ! Khoác súng lên vai! Em muốn trông thấy anh hiên ngang dù giữa vòng vây giặc. Em muốn mai này ta đón gió hòa bình gửi về hậu phương, nhặt mảnh bom rơi để vá những con đường, những con đường đã thấm đầy biết bao xác thịt chiến sĩ, những chiến sĩ như anh. Và khi cái ngày ấy đến, sau tất cả những thăng trầm mà mình trải qua bên nhau, có thể nào em sẽ có được một đáp án cho riêng mình không anh?

Thế mà, khi mà em vẫn chưa kịp biết câu trả lời, anh đã rời đi. Trái tim em khi ấy tưởng đã ngừng đập, em như thể bị ném vào một màn đêm vĩnh hằng và đặc quánh vậy. Em không tin, không dám tin, cho đến khi chạm tay mình vào những mảnh lựu đạn nóng rực ấy - mảnh lựu đạn đã tiễn gót anh đi. Em coi nó như một mảnh linh hồn anh đã gửi lại để vá trái tim đã vỡ nát của mình. Còn nhớ ta gặp nhau khi em mười sáu, anh mười bảy; rồi ta trưởng thành dần, em đôi mươi, anh hăm mốt. Nhưng Hùng ơi, em đã ba mươi, sao anh chưa ba mốt?

Trận chiến này không cấm niềm thương yêu, nhưng em không dám quá nhung nhớ về anh dù là trong hơi thở. Em sợ mình sẽ ngã xuống. Nhưng anh biết không, thời gian càng qua đi, em càng hiểu rõ trái tim mình. Em hốt hoảng nhận ra, rằng hình bóng anh đã âm ỉ đốt lòng em tự bao giờ, rằng thứ tình cảm mông lung thuở nào, giờ đã gói gọn trong chữ "thương". Em thương anh. Nhưng càng thương anh thì em lại càng cố ngăn mình nhớ về. Lâu rồi từ khi nhận ra điều ấy, em không còn nhìn kỹ mảnh lựu đạn năm xưa nữa. Nhưng đến hôm nay, khi em một lần nữa hát lên bài ca "Bút sáng cờ sao", cảm giác ấy lại ùa về và em biết, đã đến lúc mình phải chấp nhận hiện thực này đi thôi... Đã đến lúc em để anh đi, để anh được gói thân trong màu cờ năm ấy, trong lá cờ hôm nay; đã đến lúc em phải truy điệu anh bằng khúc hát năm nào. Nhưng em vẫn sẽ thương anh, sẽ mang niềm thương ấy gói trong từng viên đạn phá vỡ tiếng súng kẻ thù.

Và Hùng này, anh biết không, nếu một mai này em sẽ theo anh mà chưa kịp nhìn ngắm non sông thái bình, dân tộc tự do thì cũng không sao hết. Bởi bên cạnh em lúc này đây là những người đồng chí nhỏ tuổi, cũng đương tiếp bước hai ta giữ gìn Tổ quốc. Các em ấy là những cậu trai tuổi đời còn chưa vừa nắm tay, vậy mà đã dám dũng cảm cầm súng thay cọ để mà vẽ nên tương lai Đất nước. Nhìn các em ấy đoàn kết và kiên cường, em lại nhớ về những năm tháng tuổi trẻ của hai ta. Anh ơi Đất nước của chúng ta, đã nuôi dưỡng được những mầm non tươi đẹp nhất. Và cũng cảm ơn những đứa trẻ ấy (bước chân khỏi chiến trường và nhiệm vụ, em vẫn muốn cho các em ấy một tuổi thơ) đã khơi lại cho em những cơn đau tê dại, để đêm nay em tự tay mình gỡ đi đôi mắt đầy ráo hoảnh mà em đã mang.

Trong cả vạn con chữ mà em gửi cho anh mấy năm nay, chỉ có lá thư này mới là em thật nhất, là Huyền Tuấn mà anh quen...

Huyền Tuấn: Cậu học trò trường Bưởi gặp anh năm mười sáu, chàng thanh niên khóc anh năm hai mốt và người chiến sĩ cộng sản chỉ dám nhớ về anh qua những trang thư nơi chiến trận. Chừng ấy năm em mơ hồ trong thứ tình cảm vô danh, để rồi ngay khi nó vừa hé cánh đã đành xếp lại phía sau để dành cả con tim cho Tổ quốc.

Em yêu nước mình rồi mới yêu anh, nhưng anh biết không, chính anh cũng là một phần Đất nước.

...

Lần cuối cùng, anh sẽ bộc bạch hết những dòng tâm sự trong lòng mình cho người ấy nghe, rồi buông bỏ. Anh sẽ không còn chờ đợi một bóng hình dĩ vãng nữa, vết thương kia thôi thì cũng phơi bày ra đi, để một ngày nào đấy nó sẽ lành lại. Không còn e dè, Huyền Tuấn để cho bản thân chìm vào những đắm đuối từ thuở thiếu thời, vào những xúc cảm kéo dài. Một lần này thôi, anh sẽ thành thật với bản thân, với chàng trai si tình tên Nguyệt Huyền Tuấn chứ không phải với tư cách một người chiến sĩ.

Thú thực, bản thân anh cũng không biết đêm ấy mình đã viết những gì nữa, cũng không nhớ bản thân đã thiếp đi tự khi nào. Chỉ là trong cơn mơ màng, dường như anh lại thấy lũ đóm ẩn hiện giữa bóng tối bao la, kéo theo một bóng hình mà suốt đời này anh không thể quên được. Minh Hùng nhẹ bước đến, cúi người bên chiếc bàn gỗ nhỏ. Huyền Tuấn dường như thấy được ý cười trong đôi mắt đã trẻ hơn mình đến bao nhiêu tuổi ấy. Anh cảm nhận được hơi thở ấm nóng phả lên gò má mình, Hùng hôn lên gương mặt anh thật trìu mến rồi tháo lá cờ treo trên tường xuống mà phủ lên người anh.

- Cảm ơn em. - Anh nghe người kia nói vậy, giọng nói truyền đến từ miền xa xăm. - Những đứa trẻ của em cừ lắm, em cũng vậy. Hãy chiến đấu cho những tiếng gà, những đụn khói, những con đường làng lấm lem, em nhé, và... cảm ơn em đã thương anh, cảm ơn ta đã thương nhau rất nhiều.

Những tưởng Huyền Tuấn sẽ choàng tỉnh và ráng đưa tay giữ lấy bóng hình người thương. Vậy mà không, trong cơn mơ ấy, anh đã dừng chân lặng lẽ nhìn theo từng bước người đi xa, xa mãi. Anh đã thừa nhận tình yêu của mình và đồng thời buông xuôi tình yêu ấy chỉ trong một buổi tối ngắn ngủi mà cũng dài lê thê. Anh chấp nhận trải cái đau mười năm trong vài giờ, chấp nhận róc máu thịt một phần trái tim trả cho người đã khuất, cho dĩ vãng đã xa.

Đêm nay chỉ còn ánh đèn tĩnh lặng, như đồng cảm mà le lói rồi vụt tắt ngay khi giấc ngủ nồng kéo đến trong căn buồng nhỏ đơn sơ. Ngôi sao vàng dường như đã sáng lên, trên vầng trán người chiến sĩ say ngủ như thể đất mẹ đã mượn vì sao ấy mà hôn đứa con mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com