Hạ
Chương 0: Hạ
Mấy quán cà phê với thương hiệu lớn, bầu không khí sặc mùi "tiền" nằm ngay trên ngã tư những con phố lớn với mặt tiền đường mang đậm sự đắt đỏ. Thử bước vào đó mà xem, một ly cà phê đá cũng bằng cả hai tô phở, nơi đó vốn chắc chỉ phù hợp cho mấy kẻ thích tỏ ra mình giàu có đến mức nào, đăng hình khoe lên mạng rồi cả ngày lại chẳng dám nốc hết một ly nước bé xíu. Rốt cuộc từ bao giờ, một ly nước đã quyết định cách người ta đối xử với ai đó trên tàu điện vậy nhỉ?... Cá chắc là không phải.
"Xích ra xíu coi!"
Tiếng kêu ca của một gã đàn ông đầu đội nón xô, tay xách nách mang trùm kín mặt vang lên, phía sau là một người trông có vẻ bảnh bao - ôi thôi khỏi cần biết đó là cậu quản lý "may mắn" và chàng nghệ sĩ nổi tiếng nào đó - nghệ thì ít mà sĩ thì nhiều. Những người khác trên chiếc tàu điện chật ních phải cố nhích từng bước, dạt sang hai bên cho cậu một cách miễn cưỡng trong khi mấy fan girl của chàng trai (trông có vẻ là) nghệ sĩ kia chen lên muốn chụp hình với thần tượng của mình. Một cô nàng tay cầm ly Starbucks đắt xắt ra miếng, tuyệt nhiên đứng giữa lối ở yên vị trí khi nãy vẫn đang đứng, vẻ mặt trông như kiểu đã mười năm rồi không ngủ liếc nhìn hai người.
"Chị gái xích ra được không, Celeb của tụi em dễ ngất lắm ạ-"
"Celeb của mấy người là Hamster hả?"
Cô nàng đó đáp lại, tuyệt nhiên không có vẻ gì là chống đối hoặc là anti fan. Chỉ đơn giản cô đang muốn "thi vấn đáp nhanh" cho cuộc trò chuyện này kết thúc càng lẹ làng càng tốt". Nhưng nó trông có vẻ đanh đá nhiều hơn trước ánh nhìn của mấy fan nữ phát cuồng kia.
"Chị xích ra dùm tôi!"
"Tôi không xích ra cậu làm được gì tôi?"
Đáng tiếc thay, cô ả không nói ra điều đó mà chỉ lẳng lặng bỏ đi sang một bên đứng trước ánh nhìn căm ghét của mấy nàng fan girl cuồng nhiệt đang đứng vây quanh. Nốc lẹ cho hết ly Starbucks, một cô gái ở trong đám đông lên tiếng, có vẻ sân si nhiều hơn là ghét bỏ gì cô.
"Mới uống lần đầu à? Chắc dân nhà quê mới lên nên mới khát đến vậy phải không?"
"... Mấy người mua cà phê để khoe khoang, tôi mua để uống."
Cô đáp lại, ngay khi chiếc tàu điện dừng lại, cô bước xuống chả buồn nhìn lại mấy thứ xô bồ sau lưng, sau lần này cô nàng cũng biết được rằng: Một ly nước không quyết định cách mọi người hành xử với ai đó, không hoàn toàn. Sau khi thoát khỏi cái nơi ấy với thực nghiệm xã hội nho nhỏ cô vừa làm và đem lại kết quả "thà đi uống trà đá sướng hơn", cô bắt grab đi về lại xóm cũ - cái nơi mà có dùng google map thì cũng chẳng biết đường nào để chỉ. Trên suốt đoạn đường đi, ngồi phía sau lưng một ông chú độ bốn mươi, cô luôn miệng chỉ đường đi cho hắn... Trước khi cả hai lạc đường.
"Rẽ phải"
"Bên trái"
"Chờ chờ, khúc này đừng có rẽ-"
"Thôi đi cô ơi, thời buổi hiện giờ có gu gồ map hết rồi. Đâu có như mấy ông xe ôm truyền thống hồi xưa đâu mà phải đợi cô chỉ đường"
Ông chú ấy cười khà khà, không quan tâm mà cứ đi theo con đường mòn rõ ràng trước mắt. Cô gái kia chỉ biết cười trừ, nụ cười đầy nhạt nhẽo.
"... Ông chú, chạy grab bao năm rồi?"
"Hả? Từ hồi 25 tuổi"
"Trùng hợp thật, bạn trai cháu cũng chạy grab, cháu và anh ấy gặp nhau vào lúc anh ấy 25 tuổi và đang chạy grab"
"Ủa vậy hả? Hai đứa sao rồi? Thấy cũng còn trẻ quá trời"
"Bọn cháu chia tay rồi. Anh ấy không còn nhớ cháu nữa"
Trong một khoản khắc, sự im lặng kéo dài trong cái nắng oi bức và tiếng ve trong con đường mòn với những bụi tre dọc hai bên cùng với con mương nhỏ cạn khô nước, đoạn đường ấy cứ như thể dài vô tận, đã qua tận 30 phút thời gian đáng lẽ phải đến nơi từ lâu mà vẫn chưa thấy dấu hiệu con đường này dừng lại hay thay đổi.
"Chết thật, cô chịu khó tí nhé... Sao mà mãi vẫn không ra được thế không biết"
"... Sao mà ra được"
Cô mỉm cười, trước ánh nhìn khó hiểu của ông chú kia.
"... Danh Đan, không ngờ anh đã quên cả con đường này rồi"
Những suy nghĩ đó thoáng qua trong cô, nhưng cô cũng không muốn mình đến muộn với lời hẹn của một trong những người mình mang ơn...
"... Chú, có những vật trên đời này không thể nhìn chỉ bằng mắt. Chúng ta quan sát bằng giác quan, và bằng trái tim... Con đường này cũng vậy."
"Danh Đan..."
"Ồ? Ngã rẽ đây rồi, may thật"
Giọng của ông chú ấy phá tan sự im lặng, khu phố phía sau con đường với những rặn tre xuất hiện - một khu phố vắng, xung quanh rất ít người trẻ. Hầu hết chỉ là các cụ ông cụ bà bán hàng rong. Chiếc xe dừng lại, cô bước xuống trả tiền trả nón cho ông ấy, bàn tay nán lại đôi lúc.
"Nơi này là quê cô hả?"
"Là một nơi cháu mang ơn. Cháu không có quê"
"Tính ra cô giống bạn gái của tôi hồi trẻ ghê, cổ cũng có tính cách giống cô lắm..."
"... Trần Danh Đan, anh vẫn nhớ đường về xóm tôi... Vậy mà không nhớ tôi"
Cô mỉm cười, lấy chiếc tay nải màu xám xanh cũ kỹ của mình rồi quay lưng đi. Để lại một câu nói có chút gì đó không nỡ. Là cô đấy, người bạn gái chỉ sống trong mùa hạ của hắn. Rốt cuộc, đó là khoản thời gian cô để mình yếu đuối, lỡ yêu một người để rồi sang mùa hạ năm sau, họ lại chẳng còn nhớ cô nữa...
"... Đừng lạc đường nhé"
Cô luôn gọi tên của hắn, chỉ là sợ, sợ một ngày nào đó bản thân cũng sẽ quên đi. Lần này thật kỳ lạ, như thể mùa hạ lần này đang là một điềm báo. Cô không thường gặp lại những người trong quá khứ mà mình đã đánh mất, lại càng không phải là người khiến cô không nỡ để họ rời đi.
Một mạch đi thẳng đến cuối xóm, dừng lại ở một quán cà phê vỉa hè. Cái mùi cà phê phin và trà đá trong một ngày nắng nóng của mùa hạ với làn gió thô ráp, chỉ mang đến sự hoài niệm cho cô.
"Ê, bà cụ 90. Về rồi hả?"
Một giọng nói có vẻ đanh đá vang lên, một cô gái tầm tuổi thiếu niên đứng dựa vào căn nhà lợp lá dừa sau lưng, tay bấm điện thoại.
"90 cái đầu em mày."
"Nhầm, bà mùa hạ"
"Bà tám đâu rồi Thu?"
"Bà ấy đi làm cái gì đó với Gia Kỳ rồi"
"À..."
Gia Kỳ - người cháu đầu tiên của bà tám, một người bán hàng rong, trên vai luôn vác một đống đồ như chổi, gương, kẹp, ốp điện thoại, đồ hốt rác,... Nhưng kèm vào đó là những món đồ cổ, những món tưởng chừng như vô dụng nhưng lại có ích vô cùng với những người như cô. Anh ta là một người có thể nói là tài giỏi, nhưng ngặc nghẽo làm sao khi cuộc đời lại khiến anh khiếm thính ngay từ lúc sinh ra. Bà tám cũng vậy, nhưng bà ấy không khiếm thính hay bất cứ tàn tật nào. Bà ấy... Chỉ khó chiều thôi. Là một người bán trà đá, cà phê lề đường. Song lại là kẻ nuôi dạy thành công rất nhiều người như cô gái này. Siêu tầm đồ cổ là thú vui của bà, bà tuyệt nhiên không bán cho ai hay trao đổi... Không như Gia Kỳ, bà ấy đã già, ở yên một chỗ chứ chẳng đi khắp nơi bán dạo.
Mỹ Thu - đứa cháu thứ hai của bà tám, là đứa nhóc nằm ở lứa tuổi cợt nhả nhất. Người ghi chép lại những "chứng bệnh"... Chúng ta sẽ nói điều đó sau. Ghi chép về những món đồ cổ và công dụng của chúng? Cũng là công việc của con bé đó.
"Thầy Phong đâu rồi?"
"Ông ấy chết rồi. Chết ba mùa hè rồi đó?"
"... Xin lỗi"
Ý nghĩa cho sự sống của cô, vốn dĩ là tồn tại trong mùa hè ngắn ngủi rồi bị quên lãng. Nhưng công việc của cô, là trở thành một vị lương y - chuyên chữa trị những căn bệnh mà bác sĩ tâm lý và bác sĩ chuyên khoa cũng không thể trong thời đại này.
Giữa cuộc sống của chúng ta, luôn có những thứ, những căn bệnh xuất phát từ tâm lý của con người. Tác nhân gây ra những căn bệnh ấy không xa lạ gì mà là chính chúng ta, những cảm xúc của ta chính là vi khuẩn - chúng lây lan cho những người yếu đuối hơn, song lại biến chất rồi gây nên những căn tâm bệnh không rõ nguồn cơ. Những người như cô - chính là vị lương y chuyên chữa trị căn bệnh này.
Bóng dáng một bà cụ lòm còm bước đến quán, vắt chiếc khăn rằn ri lên vai, tấm áo nâu sờn cũ mang đậm dư vị thời gian. Đôi mắt bà ấy lộ rõ vẻ sắt bén, dù những vết chân chim trên mắt đã nói lên những câu chuyện không lời.
"Cháu nó về rồi đó hả? Ngạc nhiên ghê nhỉ, nay lại quyết định kết thúc mùa hè của mình ở xóm cơ đấy"
Giọng nói ôn tồn của bà lão cất lên, thu hút sự chú ý từ cô.
"Cháu về rồi"
Cô nàng cúi đầu kính cẩn trước người bà ấy, nở nụ cười nhẹ.
"Mày đúng là... 3 năm trước thầy mày rời đi, mày chẳng thèm đi tìm nó. Vậy mà nó lại dành cả đời để thương yêu mày... Đúng là cái loại nghiệp chướng"
Bà ta đi ra phía sau, rót cho cô một ly trà đá rồi đặt mạnh xuống bàn như dằn mặt, khiến cô chỉ biết cười trừ.
"Xin lỗi..."
"Thằng nhóc đó nó thương mày, mà mày đúng là..."
Cái giọng của bà đi từ ôn tồn điềm đạm sang điều gì đó như dạy dỗ một đứa trẻ cãi lời. Những câu từ như muốn găm thẳng vào tâm trí của nó, để nó chẳng thể nào quên được. Trương Tuấn Phong - hay cái gọi thân thuộc là Thầy Phong. Gọi là thầy cơ đấy, nhưng vốn dĩ cũng chỉ là một thằng oắt chạt tuổi đầu tư. Đối với bà tám của chúng nó đây còn trẻ con chán, nhưng cũng chẳng thể vì tuổi tác mà quên được những gì Phong đã có thể làm, thầy Phong và bà Tám - hai người dường như ai vướng vào cái nghề này cũng nghe tên một hai lần. Có thể gọi là một huyền thoại trong việc dẫn dắt bước đi của người mới chập chững. Nhưng than ôi, mấy ai lại được ghi danh đời đời trong cái nghiệp này? Còn sống được qua tuổi 50 đã là gì đó nghe quá viễn tưởng, họ chỉ dành thời gian của mình để giúp người, chứ chẳng bao giờ nghĩ đến việc yêu ai. Mà cái từ "yêu" trong đây nghe cũng hơi xa vời quá rồi?
"Thằng Phong nó rõ thích mày... mày lại đi thương mãi một thằng chạy xe ôm"
"Bà Tám có vấn đề gì với lựa chọn của đứa cháu này à?"
Nhắc đến cái mối tình của mùa hạ 25 năm trước - đó có lẽ là hình phạt lớn nhất trong đời của cô. Trần Danh Đan - ba từ, một cái tên, có lẽ đã trở thành một điều gì đó mãi không thể quên được dù có bao nhiêu mùa hạ trôi qua đi nữa.
"Tao chả vấn đề gì"
Bà Tám nói, giọng bà nghe không hề có nghĩa gì giống như câu nói bà thốt ra. Nó phải là "Tao có rất nhiều vấn đề với mày" mới hợp lý được đôi chút với tông giọng của bà lúc này. Tông giọng ấy hạ xuống, nhường chỗ cho những giây phút kể lễ về chuyện xưa của bà
"Hồi xưa thằng đó nó yêu mày như thế, tao nghĩ sớm muộn gì bây cũng đồng hành cùng nhau... Thế mà giờ vậy đấy, mày còn định sống bao nhiêu mùa hạ vất vưởng thế này nữa hả cháu?"
À phải... trong thế giới của họ, làm gì có chuyện "về chung một nhà".
"Vất vưởng ạ? Cháu gọi nó là sự tự do"
Cô bình thản ngồi uống trà đá, vị trà đậm, vừa đắng vừa chát vừa chạm đến đàu lưỡi là phải nhả ra ngay. Chắc bà Tám không cố ý đâu, chắc vậy...
"Cháu không phải nói rồi sao? Bà nuôi cháu từ nhỏ cũng phải biết chớ... Con cháu của bà, đụng đến đời ai là người đó khổ... Vả lại cháu cũng không muốn có mối quan hệ gì xa hơn tình "thầy trò" với thầy Phong..."
"Chỉ là cháu không chấp nhận được việc thầy ấy rồi sẽ lại lãng quên cháu sau một mùa hạ thôi, bà Tám ạ..."
"Vậy mà mày lại yêu một thằng chạy xe ôm? Nó chưa đủ khổ hả cháu?"
"Thì thấy đủ khổ rồi cháu mới buông tay đấy"
"Chứ chẳng phải vì mày ngậm ngùi chấp nhận việc thằng đó đã quên mày chỉ sau một mùa hạ ba tháng ngắn ngủi à?"
Cô chỉ ngước nhìn, vẻ mặt lộ rõ sự bất mãn. Từ bao giờ bà Tám của cô lại trở nên đanh đá đến mức khó ưa như này vậy?
"... Ừ, bà ngưng cái vụ bắt bẻ cháu được rồi."
"Tao bà mày, tao không được nói à?"
"Từ bao giờ bà quan tâm đến sự biến mất của thầy Phong vậy? rồi bà đem nó làm trách nhiệm cho cháu?? Không nói chắc không ai nghĩ, trước đó bà và Tuấn Phong cũng chả ưa gì nhau ha?"
Cô khó khăn lắm mới dám nói lên được mấy thứ mà người đời nghe xong sẽ phán hai từ "mất dạy", nhưng biết làm sao được? Cái sự nhẫn nhịn nó chỉ đến thế, không phải lúc nào cô cũng muốn bản thân phải câm lặng nghe mấy lời của bà ấy. Thầy Phong còn sống thì chả chuyện gì đoái hoài đến cô, đến lúc vừa đột ngột rời đi lại dội cả mớ trách nhiệm và than trách lên một đứa chả biết bao mùa hạ rồi mới quay trở về đây, cô bực tức cũng dễ hiểu.
"Cháu không có về xóm để nghe bà lèm bèm. Giờ là đối tác làm ăn, không còn bà cháu nữa thì đừng có bảo cháu phải làm gì thì cháu làm đó. Cháu không có bỏ tiền để trở lại làm cháu của bà"
"Mày mất dạy-"
"Ê cái mùa hạ kia, thôi đôi co với bà Tám đi. Tui cháu ruột bả tui hiểu... Mà kệ nó đi phải hay không? Người chết cũng đã chết, mấy người đôi co được gì? Bà Tám nữa, bà huống hồ muốn thiêu sống chỉ xuống cho ông Phong hay gì?"
Con Mỹ Thu nãy giờ đứng bấm điện thoại giờ mới lên tiếng can ngăn, tay ngoắc cô về phía mình để tách hai con người này ra.
"Nói thế chứ chị đừng giận tui, tui cũng chỉ là... ừ, nạn nhân của việc làm cháu bà Tám thôi mà. Bảo sao ông Kỳ ổng toàn đi khắp nơi bán dạo, kể từ lúc đi đến giờ có lần nào chở về xóm đâu? Chắc là không chịu được tính khí của bà Tám..."
"Cứ kệ bả đi giùm tao... càng nhắc càng bực. Mà đâu phải là tao không muốn quan tâm đến việc sống chết của thầy Phong, chỉ là bả cứ như đang đem điều đó đổ lỗi cho tao vậy. Điều đó mới đang ghét ấy chứ?"
Cô nói, giọng hậm hực. Giận thì có giận, nhưng vốn dĩ mục đích của cô về đây đâu phải chỉ để trở thành nạn nhân thứ hai của việc làm cháu bà Tám. Hít một hơi giữ bình tĩnh, giọng cô khàn khàn, có chút gì đó sầu não cất lên hỏi
"Mỹ Thu, quyển ghi chép cách chữa trị và cách kê đơn thuốc cho bệnh "Sắc Phong Hạ" nằm đâu vậy?"
"Hả?"
Cô thở dài, quả nhiên giới trẻ bây giờ, đến cả tên hán Việt của mấy loại bệnh cũng chả biết... Nhưng thà giải thích còn hơn cô bỏ thời gian ra để nói chuyện với bà Tám.
"Sắc màu lúc kết thu"
"À... trong nhà ấy, hình như tui quẳng nó dưới chiếu... Để chút vào tìm cho"
"khỏi. chị mày ở đây lâu hơn thời gian mày xuất hiện trên cõi đời này nữa đó, để tao vào tìm"
Kéo chiếc cửa được làm từ lá dừa đan lại với nhau sang một bên, căn phòng với những hiện vật mà nói không ngoa chắc được lưu lại từ thời nhà Tống Nhà Minh gì đó. Không khó để tìm thấy quyển ghi đó vì nó nằm ngay trên ván ngựa, cầm trên tay một quyển sớ dày có những trang giấy được nối với nhau bằng chỉ trắng, có lẽ đây là hiện vật cuối cùng còn sót lại, kể về sự vỹ đại trong cuộc sống của người thầy dẫn dắt cô trong những giây phút đầu.
"Một người như chị cũng sài "phao" hả?"
"Mày nghĩ tao là thần thánh gì mà không sài phao...?"
"Vị lương y như từ mẫu chuyên khoa bốc phét và ăn lời cắt cổ từ bệnh nhân"
"Có cái đầu mày"
Mỹ Thu nó cười hả hê, nhưng chỉ có người duy nhất biết được quyển sớ này rốt cuộc có ý nghĩa thế nào nên cũng dễ hiểu mà.
"Mỹ Thu, sau khi biến mất. Tuấn Phong lão có ghé sang ngôi trường đầu xóm không?"
"Hả? Không, ổng đi một mạch và bảo rằng đi dạo... thế là chẳng bao giờ quay lại nữa"
"..."
Đổi lại chỉ là sự im lặng từ cô, được chôn.. Vậy thì quá tuyệt. Những hiện vật làm nên tên tuổi và thành tựu của hắn vẫn còn nguyên vẹn, có chăng là nằm dưới đất. Moi thông tin từ con bé Thu luôn dễ như vậy. Nhưng tại sao hắn lại rời đi mà không mang theo chúng nhỉ...
Cầm theo quyển sớ, bước chân của cô đi như bay vút ra đầu xóm, dưới tán cây phượng xòe ra một tông đỏ rực trong nắng, ở ngay dưới gốc là một tảng đá lớn với một ngôi miếu nhỏ khác ở bên cạnh. Đã ba năm, trải qua ba cái nắng oi ức của mùa hạ mà dường như chẳng ai đến đây để tìm hiểu về sự biến mất của hắn. Những bông phượng rơi rớt, rụng đầy lớp lá dừa khô dùng để lợp ngói cho ngôi miếu, rồi những bông phượng bị dập nát dính trên đó, tỏa ra cái mùi gì đó hăng hắc nhưng lại khó để nhận biết. Ồ thôi nào, có ai cấm một "bác sĩ" xuất hiện ở đây và trộm đồ của"mentor" của mình đâu?
"Ờ thì... cứ xem như là những kinh nghiệm của ông được truyền lại cho đời sau, với người kế thừa chúng là tôi... Thấy thế nào?"
Cơn gió thô ráp mang theo cái thời tiết nóng bức của mùa hè bay qua, đem những bông phượng đỏ rực lìa cành mà rơi xuống, tiếng xẻng chống xuống, làm đòn bẩy nhấc phần đá hoa cương của ngôi miếu vang lên cả vùng trời. Cô không phải là người tin vào thứ gì đó như ma quỷ thần thánh, không phải lúc này.
"Rời đi mà không mang theo 'thánh vật' của mình sao? Ông nghĩ gì vậy, Tuấn Phong..."
Đưa tay quét đi bông phương bị dập nát trên chiếc miếu nhỏ kia ra, cái tên quá đỗi thân thuộc đập vào mắt cô, bầu trời phía trên như đỏ thẫm một màu của máu, mang theo từng dư vị của quá khứ khiến ta rùng mình khi nhớ về. Cái tên được khắc trên bia trong miếu, từng nét trên mặt đá hoa cương là từng giây tâm hồn của cô như thể bị bóp nát, trái tim thắt lại đến khó thở.
Tên của cô: "Hạ"
_________________________________________________________________
Tựa lưng vào gốc phượng, vứt cây xẻng qua một bên chả thèm đoái hoài nữa. Nhìn sang ngôi miếu, từng giây nhìn vào nó là từng lúc cô bị giằng xé bởi những gì vốn dĩ sẽ được họa lên bằng câu "yên bình", nay khi trở về xóm mọi thứ lại "điên" quá tầm kiểm soát.
Mùa hè nào cũng vậy, như một vòng xoay mãi không có hồi kết. Nhưng vào lần này - trở lại xóm gặp lại người mình đã phá lệ để yêu, cãi nhau với người mà mình vốn dĩ mang ơn sâu đậm, mang xẻng đến phá ngôi miếu chứa những vật của người mình từng yêu... Mùa hạ này, thật sự không giống như những mùa hạ khác.
Những mùa hạ trước kia dường như là để gặp gỡ, mùa hạ này dường như lại là một điềm báo - một điềm gở của sợ thương nhớ và kỷ niệm cho những mùa hạ sau này. Những điều này thật quen thuộc, cứ như cô đang bước một chân lên chuyến tàu không khứ hồi. Lúc mà giao thoa giữa sự sống và cái chết, mở đầu và sự kết thúc đối mặt nhau và cắt nhau trên một đường ray. Những gì đẹp nhất cũng như tồi tệ nhất xuất hiện trở lại trước mắt ta, qua từng khung cửa sổ trên tàu như một rạp phim - để ta nhìn lại những gì ta đã trải qua, những hỉ nộ ái ố trên cuộc đời này. Tất cả đều tập trung lại vào mọt nơi, đưa cho ta thứ lựa chọn cuối cùng.
Trong một thời khắc, dường như cô đã thiếp đi, dưới tán cây phượng rực rỡ đó. Để lại cả cuộc đời của mình và cả bản thân của mình trong đó. Chẳng còn gì luyến tiếc, chỉ muốn đi tìm sự nghỉ ngơi cho bản thân mình.
"Ánh nắng có cần phải chói như vậy không..."
Trong khóe mắt cô, một bóng người đứng tựa lưng vào tảng đá, cây đèn dầu trên tay người đó tỏa ra cái mùi mang đậm màu sắc của mùa hạ. Nó lại như một thứ điều khiển tâm trí cô. Cái giọng lãnh đạm nhưng nghiêm khắc của gã vang lên ngay bên cạnh, tiếng cười mà cô ghét đến tận xương tủy lần nữa phát ra.
"Cần gì đem theo cho nặng người... Thầy luôn có một biện pháp bảo vệ những vật thuộc về thầy mà... Phải bảo vệ chứ, để em học trò cũ nào đó không táy máy tay chân đấy. Hửm?"
Gã búng trán cô một phát đau điếng, đôi mắt cô nặng nề mở ra sau cú búng đó, để cho ánh sáng trở lại trong sự u uất lặng thầm của mùa hạ. Chẳng có ai cả, tất cả mọi chuyện vừa xảy ra cứ như thể một giây cô ảo tưởng. Nhưng trong thâm tâm cô, mấy lời đó cô khao khát được lắng nghe nó một lần nữa.
__________________________________
Quay lưng trở về lại quán của bà Tám, vẻ trống rỗng khó có thể miêu tả bằng từ hiện rõ trong biểu hiện của cô. Một người sống một cuộc đời vô nghĩa, dài đằng đẵng để giúp người, nay lại có vẻ bất lực hoàn toàn trước câu chuyện của bản thân mình. Nghe khá hài đấy.
"Bà chị chịu ló mặt về rồi đấy?"
"..."
Ừ thì, rõ ràng là cô cũng muốn nói gì đó đáp lại, nhưng với cái sự trống trải bùa vây hiện giờ chỉ có thể ậm ừ, tỏ vẻ đã nghe-đã hiểu-không muốn trả lời cho con bé Thu. Vẻ mặt đầy sự chán nản nhưng lại chất chứa nhiều điều phía sau đó. Bài tay với lấy cái tay nải của mình, đi thẳng một mạch từ cuối xóm đến cuối xóm, nơi có một ga xe lửa dường như không hề có tên trên hệ thống đường ray và nhà ga.
HÌnh như, chỉ hình như thôi. Vào đúng cái giây phút gật ngủ dưới tán cây phượng, linh hồn của cô vĩnh viễn ở lại đó, chỉ còn lại thân xác này, một cái vỏ trống rỗng đang vất vưởng hoàn thành những thứ còn lại mà linh hồn kia vẫn chưa hoàn thành - cô- à không, nó bây giờ, chỉ còn là cái bóng của mùa Hạ. Đang đi tìm kiếm bản thân mình và câu trả lời cho câu hỏi "Tại sao?"
Trên chuyến tàu ấy, nó không biết mình đã ngồi bao nhiêu lần và rời đi bao nhiêu lần. Rốt cuộc có ý nghĩa gì:
Khi có người trao cho mình thứ mật ngọt rồi đem cho ta toàn vị đắng?
Khi loài người chỉ sinh ra và chết đi?
Khi...
Nó tựa đầu vào cửa sổ kính của con tàu, đôi mắt lim dim rồi thiếp đi đầy hối tiếc vì vẫn chưa thể trả lời những câu hỏi kia. Khi con tàu đi vào đường hầm và ra khỏi đó, gió heo mây thổi vù qua những tấm kính, tiết lập thu rồi, người con gái ấy... Cũng rời đi rồi.
Và đó, là kết thúc của một mùa Hạ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com