HÃY ĐỂ MOZART TRONG BẠN LỚN LÊN...
Một lần, lúc nửa đêm, mình chat với một cô chị trong nhóm các anh chị sinh viên khóa trên giúp mình làm buổi ra mắt chào đón tân sinh viên K44. Mình thì đang ngồi ở nhà chờ trời sáng để đạp xe qua bên khu Hội trường, còn chị thì gửi cho mình chương trình dự kiến. Sau một hồi bàn về công việc, chị bảo chị rất hay đọc các bài viết của mình, mỗi ngày đọc vài bài để lấy cảm hứng.
Rồi chị gửi cho mình một bài hát, bảo tặng em bài hát yêu thích của chị để em nghe chơi. Mình vừa nghe vừa nhớ lại bữa trước làm quen với nhóm có nghe giới thiệu rằng cô chị này vẽ rất đẹp, liền hỏi chị có hay vẽ không, khi nào cho em xem qua vài bức chị vẽ đi. Và chị gửi cho mình xem một album có tên là "Sổ của cổ", ý là những bức hình chụp từ trong sổ tay của cổ. Mình mở link album ra, ngạc nhiên trước những gì trước mắt. Những bức tranh phong cảnh phương Tây vẽ lại từ hình chụp của chị của cô chị ấy đang học ở châu Âu, những góc phố con đường, đơn sơ giản dị mà cuốn hút đến kỳ lạ. Rồi những bức tiếp theo, diễn tả cuộc sống và tâm trạng của một người trẻ. Cảnh một cô gái đang phóng xe xuống một con dốc cao, cảnh người nằm co quắp trên chiếc giường rộng, cảnh người đứng chơ vơ bên trụ đèn.
Mình chuyển từ ngạc nhiên sang xúc động. Rồi mình bật khóc. Mình lúc ấy ngồi tại một căn phòng làm việc rộng lớn. Im ắng đến lạ thường. Giữa không gian, bóng tối bao trùm, nước mắt tràn ra không ngăn lại được.
Vì những bức vẽ, bằng một cách vô hình nào đó, khiến mình có cảm giác như đang nhìn vào thấu suốt tâm hồn của một con người. Những lúc hân hoan cuồng nhiệt, những lúc hoang mang và lạc lối, và cả những lúc điên khùng rất con người. Rồi như một chiếc chậu tưởng ký, những nét phác thảo giản đơn ấy đưa mình trở lại quá khứ, phản chiếu lại hình ảnh của mình một thời tuổi trẻ. Những nhiệt thành của tuổi trẻ, những nỗi cô đơn tuổi trẻ, và những thất vọng chỉ có khi người ta còn trẻ. Một thời của những niềm vui trong veo, và những nỗi buồn cũng trong veo. Những nỗi niềm của quá khứ, một khi đã qua là không bao giờ trở lại.
Vì mình không ngờ rằng cô chị ấy vô tư hay cười mà mình vẫn gặp, ẩn sâu bên trong tâm hồn chị ấy là một nghệ sĩ. Và mình thấy rõ con người nghệ sĩ bên trong chị ấy đang phải trăn trở, đấu tranh với những gì đang diễn ra. Với những gì "người lớn" vẫn nói về cái nghèo của những nghệ sĩ, với ngành nghề đầy tính thương mại mà chị đang học, với những thứ bào mòn tinh thần con người ta hằng ngày, như chuyện tiền ăn hàng tháng, hiểu lầm với bạn bè, những cái tủn mủn vụn vặt của cuộc sống, nó ngăn không cho ta làm điều ta thực muốn.
Vì mình thấy rõ, rằng đối với những người như chị, vẽ là cuộc sống. Cũng như với mình, viết là một cách để giao tiếp, thì đối với chị, vẽ như là một cách để chị giao tiếp với thế giới này. Nó là điều mà ta sinh ra trên trái đất để làm, điều mà ta có thể làm một cách say mê, từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Và nếu không làm điều đó, thì ta dường như không thực sự sống, mà chỉ như đang tồn tại.
Antoine De Saint - Exupery đã viết trong quyển Xứ con người rằng, một lần, ông quan sát những người lao động nằm co quắp vất vưởng trong một toa tàu chở hành khách từ Pháp về Ba Lan. Người đàn ông giống như một tảng đất sét, người đàn bà mệt mỏi và nặng nề. Ông tưởng về những ngày xưa, ngày đầu tiên gặp nhau, hẳn người đàn ông đã mỉm cười với người đàn bà, hẳn anh ta đã tặng cho chị ta một bó hoa. Rụt rè và vụng về, có lẽ anh ta run vì sợ bị khước từ. Nhưng người đàn bà, vốn bẩm sinh hay điệu, tự tin ở nhan sắc của mình, có lẽ thích làm cho anh ta lo âu. Và những người kia, nay chỉ còn là một cái máy để cuốc hay để quai búa, đã nếm trong mình sự nghẹn ngào tuyệt diệu. Exupery tự hỏi: trong cái khuôn ghê gớm nào mà họ đã qua, đã bị cái khuôn đóng dấu như là một cái máy rập.
Rồi ông nhìn đứa trẻ trên tay người đàn bà, đẹp như một Mozart khi còn là trẻ con, một lời hứa hẹn tốt đẹp của cuộc đời. Và ông nghĩ, Mozart trẻ con rồi cũng sẽ bị cái máy rập đánh dấu như mọi người khác. Mozart sẽ từ bỏ âm nhạc của lòng mình và chạy theo những thanh âm thiu ôi trong mùi hôi hám của các quán rượu giải khát. Và ông thấy trong mình một nỗi đau khổ tuyệt vọng không gọi thành tên. Nhưng ông không đau vì sự nghèo túng, xấu xí hay bẩn thỉu đang trưng ra trước mắt. Mà ấy là vì, trong mỗi con người đó, có một phần Mozart bị ám hại.
Trong những khoảng thời gian tăm tối của cuộc đời, mình tưởng cái phần Mozart trong mình đã chết. Nhưng cái phần đó vẫn còn đó, day dứt mình, thôi thúc mình không thôi. Mình vẫn còn nhớ cái cảm giác tiếc nuối và ganh tị mỗi khi ra nhà sách, mỗi khi nhìn thấy một quyển sách mới, một tác giả mới. Khi bắt đầu viết lại, mình đã thôi không còn thấy ganh tị với bất kỳ ai nữa. Và mình cảm nhận rõ Mozart trong mình như một cái cây được tưới nước, không ngừng vươn lên. Mình đã hứa với lòng rằng sẽ cố hết sức để Mozart trong lòng mình không bị ám hại như trước nữa.
Cuối giờ, mình có mang theo một cuốn sách mà mình thích nhất, quyết định tặng lại cho chị ấy. Trong postcard tặng kèm trong sách cho cô chị ấy, mình đã viết: "Hãy nuôi dưỡng người nghệ sĩ trong chị nhé". Mình đã cố gắng với Mozart của mình, nhưng mình không biết chị sẽ làm gì với Mozart của chị ấy. Chỉ muốn nói rằng: Khi đã tìm thấy Mozart trong bạn, hãy luôn cố gắng để cậu bé ấy ngày càng lớn lên.
- Hoài Dạ Vũ -
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com