Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tây Môn công tử

Sự trôi chảy của thời gian dù hữu ý hay vô tình thì con người cũng không cách nào ngăn trở. Mấy mùa hoa nở lá rơi, nhân gian luôn biến đổi. Diệp Khai bây giờ đã là chàng thiếu niên mười lăm tuổi.

Cậu bé Diệp Khai ngày nào lon ton bám lấy sư phụ bây giờ đã là một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Đôi mắt chàng rất to, sáng và đầy vẻ thông minh. Trong đôi mắt lúc nào cũng phảng phất ý cười. Diệp Khai vóc người mảnh mai, đường nét trên mặt vô cùng thanh tú. Trên môi chàng luôn treo một nụ cười, một nụ cười ấm áp nắng xuân.

Tuổi thiếu niên hiếu động vô cùng. Diệp Khai cũng không ngoại lệ. Chính Tâm Sơn Trang ngày ngày đều náo nhiệt. Bản tính lém lỉnh, đầu óc lanh lợi, Diệp Khai thường xuyên bày trò nghịch ngợm, đôi khi khiến người ta dở khóc dở cười.

Buổi tối mùa xuân khí trời ấm áp, hoa xuân nở rộ, hương thơm ngào ngạt tỏa khắp sơn trang. Bình rượu Trúc Diệp Thanh men nồng quyến rũ. Trên cái bàn đá, chậu hoa đỗ quyên nở vào dịp Nguyên Đán vẫn chưa tàn, sắc hoa còn vương vấn vẻ xuân ngời. Lý Tầm Hoan nhấp từng ngụm rượu, khoan khoái thưởng thức bầu không khí tuyệt dịu. Có tiếng gió vụt qua rồi một cái bóng đáp xuống cái ghế đối diện ông. Một bình rượu xuất hiện trên bàn. Một giọng nói vang lên:

- Sư phụ, uống rượu một mình không có vui đâu. Để con bồi người.

Không ai khác mà chính là Diệp Khai vừa từ trong nhà cầm bình rượu phi thân ra. Diệp Khai bây giờ cũng trở thành một kẻ có tửu lượng đáng gờm rồi. Lý Tầm Hoan mỉm cười, đánh nhẹ vào vai đứa đồ đệ nghịch ngợm, mắng yêu:

- Tiểu tử quậy phá này!

Diệp Khai cười một cái, mở nắp bình rượu, nâng lên:

- Tiểu Diệp kính sư phụ.

Lý Tầm Hoan cũng nâng bình rượu uống cùng với đồ đệ. Hai sư đồ đều trông có vẻ rất vui. Diệp Khai uống vài hớp rượu rồi vươn tay ngắt một bông hoa đỗ quyên cài vào vạt áo. Lý Tầm Hoan nhìn chàng, bất giác bật cười:

- Ta dưỡng dục mười mấy năm, cuối cùng lại dưỡng ra một bạn rượu!

Diệp Khai cũng cười, bông đùa:

- Không phải sư phụ có lãi rồi sao? Dưỡng ra một một đồ đệ vừa có thể hầu hạ sư phụ, vừa biết làm trò vui cho sư phụ, còn có thể làm bạn rượu với sư phụ. Sư phụ không phải uống rượu một mình dưới trăng, đỡ buồn chán biết bao.

Diệp Khai nói xong thì lại uống thêm một hớp rượu. Lý Tầm Hoan trêu chàng:

- Ta uống rượu một mình không buồn chán. Ngược lại con lắm lời quá ta lại thấy chán đó.

- Sư phụ... - Diệp Khai phồng má dỗi - Con không lắm lời thì ai làm sư phụ cười cả ngày chứ?

Lý Tầm Hoan cốc yêu chàng một cái, cười khẽ. Diệp Khai xoa xoa trán, bật cười theo sư phụ. Diệp Khai bây giờ đã lớn, đã biết làm trò mua vui cho sư phụ, tăng thêm sinh khí cho Chính Tâm Sơn Trang.

Uống rượu được một lúc, Diệp Khai chợt nói:

- Sư phụ, hay là chúng ta chơi một trò chơi nho nhỏ đi.

- Con lại muốn bày trò gì đây?

Diệp Khai cười cười:

- Chúng ta chơi đối câu đối đi sư phụ.

Lý Tầm Hoan lại mỉm cười. Đồ đệ này ông dạy văn dạy võ bao nhiêu năm nay, bây giờ đã biết thi thố cùng sư phụ rồi đây. Ông nhấp một ngụm rượu rồi nói:

- Được. Con dám chơi lẽ nào ta sợ con sao? Con chỉ cần không thua, ta sẽ cho con ăn hai phần bánh bao. Còn nếu con thua thì phải làm việc nhà thay gia nhân ba ngày.

Diệp Khai tỏ ra rất hào hứng:

- Thành giao! Mời sư phụ ra đề trước.

Lý Tầm Hoan vuốt lại mép tay áo, nhìn một vòng cảnh vật. Và ông nghĩ ra một câu. Diệp Khai nghe câu của sư phụ, nghĩ một lúc rồi đối lại. Câu đối hoàn chỉnh vô cùng, tương xứng vô cùng. Đến phiên Diệp Khai ra câu đối. Tất nhiên không làm khó được Lý Thám Hoa rồi. Hai sư đồ cứ đối đáp luân phiên như vậy đến khi ánh trăng xế bóng, Hiến Tổng Quản phải giục họ đi ngủ. Diệp Khai không thua. Diệp Khai học hành tử tế, chữ nghĩa vốn không kém cỏi và sư phụ cũng không muốn làm khó chàng. Lý Tầm Hoan dặn lão Hiến làm thêm nhiều bánh bao cho thiếu chủ.

Những thời khắc yên bình thì gia đình rất yên ấm. Nhưng cũng có những thời khắc...

Hai cái bóng từ trong nhà vọt ra rừng trúc. Lá trúc bay lả tả. Gió thổi rào rạt một vùng. Hai sư đồ đang đuổi nhau trên không. Lý Tầm Hoan nâng người lên một cái, thoáng chốc đã chặn trước mặt Diệp Khai. Diệp Khai chỉ biết cười hì hì nhìn cây trúc côn trên tay sư phụ rồi lẳng lặng đáp xuống đất.

Nơi hành lang, Diệp Khai đang quỳ trên một đống sỏi, trước mặt là cái lư hương cắm cây hương thật to. Hai tay chàng xoa xoa mông còn miệng thì đang nhiệt tình thổi cây hương. Hiến Tổng Quản mang trà vào cho Lý Tầm Hoan. Đi ngang qua chỗ Diệp Khai, ông lắc đầu thương hại:

- Thiếu chủ a thiếu chủ, cậu quên là ai dạy võ công cho cậu rồi sao? Còn định dùng khinh công để chạy trốn nữa chứ.

Diệp Khai làm vẻ phụng phịu:

- Được rồi Hiến thúc à. Con đã đủ thảm rồi. Thúc đừng trêu chọc con nữa.

Hiến Tục bật cười rồi bỏ đi luôn. Diệp Khai vẫn kiên trì thổi cây hương. Nhưng dường như cây hương không đáp lại tâm ý của chàng.

Hiến Tục mang trà vào cho Lý Tầm Hoan. Ông đặt trà xuống, góp lời:

- Thiếu chủ đúng là càng lớn càng nghịch ngợm. Nhưng mà trang chủ cũng đừng quá tức giận.

Lý Tầm Hoan chỉ cười, rót ra một ly trà. Ông nâng ly, thổi nhẹ. Hiến Tổng Quản lại nói:

- Mà võ công của thiếu chủ tiến bộ nhanh thật. Ở tuổi của cậu ấy đạt được như vậy thật sự rất xuất chúng. Đúng là không phụ tâm sức của trang chủ.

Lý Tầm Hoan nhấp một ngụm trà rồi mới lên tiếng:

- Tiểu Diệp vốn là một kỳ tài võ học. Với võ công của nó, nếu muốn bước ra giang hồ thì ta cũng có thể yên tâm. - Nhìn lão quản gia - Đặc biệt một điều, khinh công của nó thật sự rất tốt, chính ta cũng không ngờ.

- Vậy sao? - Hiến Tục tỏ vẻ hiếu kỳ.

Lý Tầm Hoan lại nhấp trà rồi mới nói tiếp:

- Tuy vẫn là "Yến Tử Tam Sào Thủy" do ta truyền thụ nhưng Diệp Khai đã kế thừa vượt bậc. Thêm vài năm bồi dưỡng nữa thì ta nghĩ rằng khó có người nào có thể qua được khinh công của nó.

Hiến Tổng Quản tỏ ra rất tâm đắc:

- Xem ra trang chủ thật sự đã có được một truyền nhân ưu tú, không làm nhục uy danh của người.

Lý Tầm Hoan lại nở nụ cười mà không nói thêm lời nào. Hiến Tục chào trang chủ, lui ra ngoài làm việc.

Lý Tầm Hoan đi xa mấy ngày. Ông dặn Diệp Khai ở nhà luyện võ, không phá phách lung tung. Diệp Khai vâng dạ rất ngoan ngoãn. Nhưng sư phụ vừa đi nửa ngày thì chàng trai nhà ta liền vọt xuống núi chơi.

Diệp Khai không đi quanh quẩn trong sơn trấn nữa, từng ngóc ngách chàng đã quen thuộc quá rồi. Ngoài sơn trấn có một con sông, Diệp Khai gọi một chiếc thuyền qua sông. Bên kia sông là một làng chài nhỏ. Diệp Khai có biết nơi này, sư phụ thỉnh thoảng cũng hay dẫn chàng đến đây. Đám trẻ của làng chài cũng hay sang sơn trấn chơi và Diệp Khai cũng từng gặp chúng. Đi một vòng làng chài, Diệp Khai gặp một người quen. Hắn lúc nhỏ hay qua sơn trấn chơi và đã kết bạn với Diệp Khai trong một lần chàng xuống núi. Hắn nướng cá, mua ít rượu mời Diệp Khai. Hai người đã đánh chén rất vui vẻ.

Sau khi uống rượu ở làng chài, Diệp Khai đi tiếp. Chàng đi ra khỏi làng chài, đi mãi đi mãi thì lại vào đến rừng sâu. Khu rừng này cảnh sắc khá đẹp. Diệp Khai cảm thấy thú vị nên càng đi càng sâu. Diệp Khai đi đến một con suối nhỏ. Nước trong vắt. Hai bên bờ suối có những khóm hoa dại rất đẹp. Diệp Khai ngắt một bông hoa dại cài vào áo rồi đi dọc theo con suối. Một vùng nước chợt bị xáo động rất mạnh. Bọt nước trắng xóa.

Đánh nhau! Là đánh nhau thật. Một nhóm người đang vây đánh một thiếu niên bên suối. Thiếu niên đó chống trả quyết liệt nhưng xem ra hắn đang bị thương. Một tên cầm kiếm đánh ngã hắn xuống suối. Lưỡi kiếm sắc lạnh vung lên. Người thiếu niên kia đang đối diện với cái chết.

Nhưng chỉ nghe tiếng thanh kiếm rơi vào nước rồi một cột sóng bắn lên đẩy tên đó ngã xuống. Người bịt mặt từ đâu xông tới giải cứu chàng thiếu niên. Người bịt mặt đó chính là Diệp Khai. Thấy tình thế nguy cấp, Diệp Khai đã xé một mảnh y phục che mặt lại rồi xông ra ứng cứu.

Diệp Khai đỡ chàng thiếu niên kia lên. Cả đám người vây đánh chàng. Diệp Khai một mình chống đỡ. Diệp Khai tay không tấc sắc nhưng cả đám người đều bị đánh rơi vũ khí. Thân thủ của Diệp Khai vô cùng linh hoạt, ra chiêu chuẩn xác. Đám người đó hợp lại võ công cũng không tầm thường nhưng đều bị Diệp Khai đánh bại. Chàng thiếu niên kia có chút ngỡ ngàng khi thấy một người có võ công cao như vậy. Khi triệt hạ hết đám người đó, Diệp Khai cắp chàng thiếu niên, phi thân mất dạng.

Diệp Khai đưa người vừa cứu đến một góc rừng yên tĩnh, đặt y nằm dưới gốc cây. Cả người y đã ướt sũng, y phục vấy máu. Diệp Khai chặc lưỡi nói:

- Xem ra các hạ bị thương không nhẹ đâu. Nhà các hạ ở đâu để ta đưa về?

Nhưng người đó không trả lời Diệp Khai ngay mà lại nói:

- Xin đa tạ ân công đã tương cứu. Võ công của ân công quả là không tầm thường. Xin thỉnh giáo tôn danh.

Diệp Khai nói:

- Chỉ là một chút bản lĩnh phòng thân. Ta cũng chỉ là kẻ qua đường, không đáng nhắc tới. - Đỡ y lên - Các hạ không tự về được đâu. Để ta đưa huynh đi.

- Tại hạ... nhà tại hạ ở xa lắm. - Người kia vừa thở vừa nói - Tại là Tây Môn Ngọc Phách, nhà ở Tô Châu.

- Tô Châu? - Diệp Khai tỏ vẻ ngạc nhiên - Ở Tô Châu sao lại đến tận nơi này, còn bị truy sát nữa?

Tây Môn Ngọc Phách có vẻ khó nói:

- À... chuyện này thì... Tại hạ theo lời thân phụ đi tìm một vị tiền bối để bái phỏng. Không ngờ gặp phải kẻ thù truy sát. Bây giờ tại hạ và gia nô đã lạc nhau rồi.

Diệp Khai lại nói:

- Nếu như vậy thì chắc họ đang tìm các hạ. Ta sẽ đưa các hạ đi theo hướng ban đầu chắc sẽ gặp nhau.

Tây Môn Ngọc Phách tỏ ra rất vui mừng:

- Xin đa tạ ân công.

Diệp Khai phẩy tay:

- Đừng gọi ân công nữa, nghe nặng nề quá.

- Xin đa tạ công tử. - Ngọc Phách đổi xưng hô.

Diệp Khai không nói gì thêm, chỉ đỡ người đó đứng dậy rồi dìu y đi. Hai người đi một lúc thì nghe có mấy tiếng gọi "Thiếu gia! Đại thiếu gia!". Diệp Khai hỏi:

- Có phải người nhà của các hạ không?

Tây Môn Ngọc Phách gật đầu. Vậy là họ tiến gần hơn về phía tiếng gọi đó. Gia nô, thị vệ của Tây Môn Ngọc Phách gặp lại thiếu gia của mình trong tình trạng thảm hại thì thiếu điều hồn xiêu phách tán.

Diệp Khai giao phó y cho gia nô, xua tay không nhận lời cảm ơn. Một nam nhân trung niên nói với Ngọc Phách:

- Đại thiếu gia, cậu bị thương rồi. Tìm chỗ trị thương trước đã. Chờ cậu khỏe lại rồi hãy đi tìm người.

Diệp Khai cảm thấy tò mò. Chàng chú ý nghe xem họ nói gì.

Tây Môn Ngọc Phách lắc đầu:

- Không được, phụ thân ta đã hẹn với tiền bối, chúng ta không thể đến trễ. Hơn nữa chuyện này liên quan đến an nguy của Tây Môn Gia.

- Nhưng cậu bị thương thế này... - Nam nhân trung niên nghĩ ngợi rồi nói - Thế này đi. Tạm thời tìm chỗ cho đại thiếu gia nghỉ ngơi trước. Nô tài sẽ đi tìm người, nói qua tình hình, mong ông ấy thông cảm.

Tây Môn Ngọc Phách gật đầu:

- Như vậy cũng được. Phiền thúc thúc rồi.

Nam nhân trung niên lúc bấy giờ mới quay sang Diệp Khai:

- Xin đa tạ vị tráng sĩ đây đã tương cứu. Xin thỉnh giáo đại danh để Tây Môn Gia tiện báo đáp.

Diệp Khai chỉ nói:

- Chỉ là kẻ qua đường tiện tay mà làm. Xin đa tạ tấm lòng của chư vị. Ở đây không còn việc của ta nữa, xin cáo từ.

Diệp Khai nói xong thì khinh công đi mất. Tây Môn Ngọc Phách nhìn theo hướng Diệp Khai rời đi, lẩm bẩm:

- Người đó là ai mà thần bí quá vậy?

Diệp Khai tuy rời khỏi chỗ nhóm người đó nhưng sự hiếu kỳ về câu chuyện của họ khiến chàng không thể bỏ đi. Chàng đánh một vòng quay lại, âm thầm đi theo họ.

Nhóm người đó ra khỏi khu rừng, đi xe ngựa hết nửa ngày thì đến một thị trấn rất sầm uất. Họ thuê mấy căn phòng tốt để vị thiếu gia kia dưỡng thương. Diệp Khai trước khi đi khỏi nhà có mang theo một ít tiền. Chàng cũng biết là ra ngoài thì phải mang tiền. Đến thị trấn, chàng tháo khăn che mặt, mua một ít bánh bao rồi ngồi ở quán trà đối diện quán trọ theo dõi động tĩnh.

Diệp Khai thấy người nô bộc trung niên của Tây Môn Ngọc Phách rời khỏi quán trọ. Chàng bám theo y. Chàng thấy y đi khỏi thị trấn, đi mãi đến một vùng sơn thôn hẻo lánh. Diệp Khai lúc này đã đi khá xa nơi ở của mình rồi. Người nô bộc đó dừng xe ngựa trước một tòa trang viện khang trang nép mình dưới chân núi. Y phải chờ gia nhân canh cửa bẩm báo một lúc thì mới được vào. Diệp Khai muốn lẻn vào nhưng thấy trang viện này có vẻ cẩn mật nên chàng ra chỗ xe ngựa chờ.

Diệp Khai chờ một lúc lâu thì thấy người nô bộc quay lại. Đi cùng với ông là một người nam nhân trung niên, mình mặc võ phục màu lam, tay cầm trường kiếm, toàn thân chính khí. Người nô bộc mời người đó lên xe ngựa. Chiếc xe ngựa nhanh chóng rời khỏi sơn thôn. Diệp Khai lại bám theo họ về thị trấn. Diệp Khai dự đoán là họ về lại quán trọ nên chàng cứ một đường mà đi, không tiếp cận quá gần vì sợ bị phát hiện. Diệp Khai đoán người cầm kiếm kia có lẽ là một bậc cao thủ.

Quả nhiên là họ trở lại quán trọ. Diệp Khai dùng khinh công đột nhập vào quán trọ. Và chàng nghe được cuộc nói chuyện của những người ở đó.

Tây Môn Ngọc Phách nói như nức nở:

- Tiền bối, bây giờ chỉ có người mới có thể cứu được cả nhà con thôi. Nếu tiền bối không ra tay tương cứu thì e là Tây Môn Thế Gia sẽ không còn gì nữa.

Người mới đến cất giọng trầm trầm:

- Hiền điệt đừng quá bi thương. Dựa vào giao tình nhiều năm của ta và Tây Môn huynh, gặp chuyện như vậy ta chắc chắn phải giúp. Nhưng trong hoàn cảnh này, trực tiếp đối đầu không phải cách hay. Ta nghĩ là nếu có thể cầu cứu một người thì tốt lắm.

Người nô bộc hỏi:

- Là ai?

Người mới tới trong lời nói lộ ra sự kính nể:

- Tiểu Lý Phi Đao Lý Tầm Hoan.

Diệp Khai nghe đến đây thì không khỏi động tâm. Chàng chú ý lắng nghe thật kỹ.

- Dựa vào uy tín và mối quan hệ trên giang hồ của Tiểu Lý Phi Đao, chỉ cần ông ấy chịu ra mặt thì chuyện này sẽ giải quyết êm đẹp, không có đổ máu. - Người mới tới nói tiếp.

Tây Môn Ngọc Phách thở dài:

- Nhưng Lý lão tiền bối biệt tăm đã nhiều năm, từ lâu đã không can dự vào chuyện giang hồ nữa. Làm sao ông ấy chịu ra mặt chứ?

- Cái khó nằm ở chỗ đó. - Người kia nói tiếp - Nếu mà có Lý Tầm Hoan thì mọi chuyện dễ dàng hơn nhiều. Thú thật ta cũng không biết hiện giờ ông ấy đang ở đâu. E rằng trên đời này chỉ có một người biết mà thôi.

- Là ai? - Người nô bộc hỏi.

- Kiếm khách A Phi. - Người mới tới lại nói.

Diệp Khai nén tiếng cười. Câu trả lời này quả đúng như chàng dự đoán. Phi thúc thúc và sư phụ... ấy da, cái tình huynh đệ của họ chàng biết rõ hơn ai hết. Hai người họ một năm sẽ gặp nhau ít nhất là một lần. Phi thúc thúc thương Diệp Khai lắm, lần nào cũng mua rất nhiều đồ cho chàng. Diệp Khai cũng rất thích Phi thúc thúc, chỉ có điều là mỗi lần sư phụ và thúc thúc gặp nhau thì Diệp Khai cảm thấy mình thật dư thừa và thật... chói sáng.

Diệp Khai rất ngưỡng mộ tình tri kỷ của sư phụ và Phi thúc thúc. Trong thâm tâm chàng vẫn mong muốn sau này mình cũng sẽ có một người huynh đệ như vậy. Nhưng đó là chuyện của sau này. Bây giờ chàng phải nghe cho hết câu chuyện kia đã.

Người trong phòng nói tiếp:

- Nhưng có điều cũng không mấy người biết A Phi hiện giờ hành tung nơi nào.

Tây Môn Ngọc Phách lộ vẻ thất vọng:

- Vậy bây giờ còn cách nào để cứu Tây Môn Thế Gia hay không?

Người khách kia nói:

- Hiền điệt đừng quá lo lắng. Tạm thời bây giờ cứ tịnh dưỡng trị thương trước đã. Qua vài ngày nữa chúng ta sẽ khởi hành đi Tô Châu.

Và họ không nói gì nữa. Diệp Khai thở nhẹ, nhanh chóng rời khỏi quán trọ.

Diệp Khai đi mua ít rượu uống. Chàng thích uống rượu, xem nó như món đồ uống hàng ngày. Nhâm nhi bình rượu, Diệp Khai ngẫm nghĩ vài chuyện. Qua vài lời nói của những người đó, chàng cơ hồ hình dung ra sư phụ của mình có tầm cỡ thế nào đối với giới võ lâm ngoài kia. Vốn biết sư phụ mình là nhân vật có tiếng tăm nhưng chàng cũng ít thấy qua thái độ của người khác đối với ông. Bây giờ thì có lẽ chàng đã hiểu phần nào. Chàng cũng hiểu vì sao từ nhỏ sư phụ đã dạy dỗ mình cẩn thận như vậy. Có lẽ cái danh dự "truyền nhân của Tiểu Lý Phi Đao" chính là một gánh nặng.

Nhưng Diệp Khai hiện tại chưa thể hình dung được sức nặng của nó. Chàng chưa bước ra giang hồ, chưa thấy được thị phi, cạm bẫy của thế giới phức tạp đó. Giới võ lâm sau này luôn cho rằng cái danh tiếng "truyền nhân của Tiểu Lý Phi Đao" là một điều kiện thuận lợi để Diệp Khai củng cố địa vị trên giang hồ của mình. Điều này đúng. Nhưng mấy ai biết chính cái thanh danh này đồng thời là một áp lực vô hình đè nặng lên chàng. Có rất nhiều chuyện mà Diệp Khai muốn tránh cũng không thể tránh chỉ vì chàng là đồ đệ của Lý Tầm Hoan. Nhưng đó là chuyện của tương lai, cái tương lai mà cho đến khi thật sự trải nghiệm thì Diệp Khai mới tin là trên đời còn có thể có những chuyện oái oăm đến thế. Dù sao đi nữa, Diệp Khai của hiện tại lẫn sau này đều luôn rất tự hào vì mình có một sư phụ như thế, một xuất thân như thế.

Diệp Khai cảm thấy thị trấn này rất náo nhiệt nên muốn ở lại vài ngày. Thị trấn đúng là rất náo nhiệt. Diệp Khai được vui chơi rất thỏa thích. Diệp Khai vẫn chưa kịp nghĩ đến hậu quả nếu sư phụ trở về mà không thấy chàng ở nhà. Trong những lúc cao hứng, ít ai kịp nghĩ đến hậu quả lắm.

Nói chuyện vị Tây Môn công tử kia, năm nay vừa tròn mười bảy tuổi. Được Diệp Khai cứu mạng, chàng bắt đầu đâm ra nghĩ ngợi. Vị tráng sĩ hành tung kỳ bí kia đã chiếm hết tâm trí của chàng. Chàng nhớ mãi đôi mắt to tròn, đầy sức hút của người đó. Khi vừa khỏe lại, trên đường trở về Tô Châu, chàng đã họa một bức tranh. Bức tranh vẽ một người che mặt, y phục có chút lôi thôi, trên áo cài một bông hoa dại, mái tóc buông xõa, đôi mắt rất đẹp. Và bức họa ấy Tây Môn Ngọc Phách luôn giữ bên mình. Mối duyên tao ngộ tuổi thiếu thời này chàng luôn hi vọng ngày sau sẽ có dịp trùng phùng.

Sau ba ngày rong chơi thì Diệp Khai cũng trở về. Chính Tâm Sơn Trang bốn bề vô cùng yên tĩnh. Diệp Khai không biết là sư phụ đã về hay chưa, cứ theo thói quen, chàng vừa về đến là đã nhảy một cái qua lan can vào nhà. Nhưng vừa qua khỏi bậc cửa chính thì Diệp Khai phải đứng chôn chân tại chỗ.

Trong phòng khách, bạch y đại hiệp đang rất tao nhã nâng ly trà mới pha. Trên bàn, cạnh bộ ấm trà men trắng là một cây trúc côn. Cây trúc côn quen thuộc vô cùng. Diệp Khai bắt đầu thấy cổ họng có vị đắng. Chàng không dám lên tiếng.

Lý Tầm Hoan nhấp một ngụm trà rồi cất lời:

- Còn nhớ đường về sao?

Diệp Khai nuốt nước bọt. Chàng tiến lại gần sư phụ, cười một cái đầy thiện cảm rồi làm ra bộ dạng dễ thương:

- Sư phụ... làm sao con có thể quên đường về với sư phụ được chứ?

Chàng đấm đấm vai cho ông:

- Sư phụ đi mấy ngày, Tiểu Diệp nhớ sư phụ vô cùng. Người đi đường có vất vả lắm không?

"Chát!" một tiếng. Cây côn trúc đã đánh vào mông Diệp Khai. Lần này thì xem ra miệng lưỡi cũng không có ích rồi. Sư phụ nghiêm giọng nói:

- Nằm xuống! Hôm nay xem ta dạy dỗ con thế nào.

Đúng là tai nạn đến không ai ngờ được. Con chỉ là đi chơi một chút thôi mà. Sư phụ à... Trong lòng Diệp Khai có hàng vạn tiếng kêu ai oán nhưng chàng không dám nói ra. Chàng lẳng lặng phất vạt áo nằm sấp xuống sàn nhà. Cái sàn vừa lạnh vừa cứng. Diệp Khai chợt nghĩ nếu sư phụ phạt trong phòng có nệm ấm chăn êm thì sẽ tốt hơn nhiều. Nhưng hoàn cảnh này thì không thể mặc cả được.

Lý Tầm Hoan nhịp đầu côn trúc, bắt đầu chất vấn:

- Ta dặn con ngoan ngoãn ở nhà mà con dám bỏ đi. Con đã đi đâu?

- Con chỉ... con chỉ đi xuống núi chơi một chút thôi mà. - Diệp Khai tỏ ra vô cùng oan ức.

- Chơi một chút liền đi ba ngày? - Sư phụ không có vẻ gì là tin tưởng - Có phải bây giờ lớn rồi thì không nghe quản thúc nữa đúng không?

- Oan ức quá a... - Diệp Khai phân trần - Con không bao giờ có suy nghĩ đó đâu.

Lý Tầm Hoan lạnh lùng nói:

- Ba mươi côn, tự mình đếm.

- Ơ sư phụ... nghe con giải thích đi mà. Oan ức quá... - Diệp Khai bật dậy cản côn.

"Bốp!" một tiếng. Cây côn không thương tình đánh thẳng vào mông làm chàng phải ngã sấp ngay xuống đất. Và rồi liên tục mấy tiếng "bốp bốp". Cơn đau kéo đến. Diệp Khai nhất thời tối tăm mày mặt. Nhưng khi mông đã hưởng được gần mười gậy thì chàng kịp nhận ra mình nên làm gì. Diệp Khai bắt đầu đếm.

A... sư phụ không thể nương tay hơn sao? Diệp Khai gào thét ở trong lòng. Mỗi một lần côn trúc giáng xuống là một lần chàng đau thấu trời. Đương nhiên, đòn phạt của một thiếu niên mười lăm tuổi phải đau hơn khi còn là đứa trẻ bảy tám tuổi rất nhiều.

Tiếng trúc côn cứ bôm bốp rất đều. Diệp Khai xiết chặt tay, cắn môi để không phải biểu lộ sự đau đớn. Nhưng dòng mồ hôi dính bết y phục đã tố cáo chàng. Chỉ mới hai mươi côn mà chàng cảm thấy như mông sắp bị đánh nát rồi.

"Bốp!"

"Hai lăm... sư phụ..."

Diệp Khai thật sự là muốn xin nương tay. Sư phụ ra tay một chút xót thương cũng không có. Chàng nghe tiếng gió thoảng bên tai. Nhưng côn thứ hai mươi sáu không đánh xuống. Có một giọng nói quen:

- Đại ca, đừng đánh nữa.

Diệp Khai hướng mắt nhìn lên. Một người đang giữ lấy cây côn trên tay Lý Tầm Hoan, môi khẽ mỉm cười. Diệp Khai biết là ai rồi. Chàng ngay lập tức bật dậy, níu áo người đó, mừng rỡ:

- Phi thúc thúc! Cứu con. Sư phụ đang đánh con đó.

Lý Tầm Hoan gọi khẽ:

- Phi đệ.

Rồi ông nhìn sang Diệp Khai:

- Con đừng nghĩ Phi thúc sẽ cứu được con. Nhanh nằm lại cho ta.

Diệp Khai nấp sau lưng A Phi, mắt long lanh đáng thương:

- Tiểu Diệp bị đòn đau lắm đó. Thúc mau cứu Tiểu Diệp đi.

A Phi cười cười, nựng má Diệp Khai một cái rồi khuyên can:

- Thôi được rồi đại ca, lỗi gì thì cũng đánh rồi, tha cho nó đi. - Vờ trách mắng Diệp Khai - Con lại quậy phá gì chọc giận sư phụ vậy? Không ngoan tí nào.

Diệp Khai cúi mặt làm ra vẻ ăn năn hối lỗi. Lý Tầm Hoan bất lực bỏ cây côn xuống, nói:

- Thôi được, nể mặt đệ, không đánh nữa. - Nghiêm mặt bảo Diệp Khai - Về phòng quỳ hai canh giờ tự phản tỉnh. Dám bày trò thì đừng trách sư phụ.

Diệp Khai lay lay tay áo A Phi:

- Thúc thúc...

A Phi lắc đầu, dỗ ngọt:

- Tiểu Diệp à, sư phụ còn đang tức giận. Con chịu thiệt chút đi.- Giơ cao túi giấy cầm ở tay - Phi thúc có mua nhiều bánh bao cho con lắm.

Diệp Khai cúi đầu dạ nhỏ. Chàng lễ chào hai vị trưởng bối rồi lầm lũi đi về phòng mình. Lý Tầm Hoan và A Phi đều thở dài nhìn theo đứa trẻ đó.

Hai người huynh đệ tâm giao lâu ngày không gặp. A Phi ở lại Chính Tâm Sơn Trang liền mấy ngày, cùng Lý Tầm Hoan đối ẩm hàn huyên suốt ngày đêm không chán. Tình tri kỷ đó cả võ lâm đã đồn đại thành huyền thoại, ai ai cũng ngưỡng mộ.

------

Chú thích cho ai không rõ:

- Nói thật là trong nguyên tác của Cổ Long tiên sinh, bạn Diệp Khai hơi... thụ thật. Nguyên tác tả bạn ấy rất là đẹp, đặc biệt khi giả gái là thành đại mỹ nhân luôn, và có thói quen ngắt hoa cài lên áo. Khụ khụ...

- A Phi hay Tiểu Phi là một nhân vật trong hệ liệt Tiểu Lý Phi Đao của Cổ Long. A Phi là một kiếm khách, là tri kỷ của Lý Tầm Hoan. Dân hủ cũng ship hai người này thành một cp ấy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com