Chương 12: Bức tranh hoàn chỉnh
Hân đứng lặng người ở một góc hành lang. Ngón tay của nó run lên vì kinh hãi khi phát hiện ra hành động mà chị Thuỳ đã làm vào hôm ấy. Đồng thời nỗi xót xa cũng khiến Hân không biết nên trách hay thương cảm cho chị. Những phụ nữ trong vụ việc này, ai cũng có lỗi sai, ai cũng có điều thống khổ. Người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người phụ nữ bị bạo hành và nó, một con nhóc mất đi tình yêu thương từ bố. Nỗi mất mát ấy như mối mọt đục lỗ trong tâm hồn họ, khiến phần khuyết thiếu ấy không ngừng lan rộng, xoáy sâu vào nỗi đau và khuếch đại hận thù trong họ.
Tiếng thở dài đáng ra không nên có từ một thiếu niên đương tuổi ăn tuổi học như Hân kéo dài thườn thượt. Nó vỗ vỗ hai bầu má phúng phính như muốn quên đi, tránh xa phiền não về vụ án mang đến quá nhiều nỗi đau thương này. Chợt dì Vân bỗng xuất hiện ngay trước mặt nó mà Hân chẳng hề hay biết, dì gõ đầu nó không thương tiếc, chau mày gằng giọng quở trách:
"Mày đi mua đồ ăn kiểu gì mà cả tiếng không về? Mẹ mày đang lo quýnh lên kia kìa. Mau, đi về phòng thăm chị ấy đặng còn về nhà chuẩn bị bài vở đi học thêm."
"Dạ... dạ!" Hân lè lưỡi, nó vốn định nói chuyện với chị Thoa phóng viên một chút thôi, đâu ngờ giữa đường lại gặp chị Thuỳ nên mới lố thời gian như thế.
Dì Vân thở dài, sóng bước cùng Hân đi về phòng bệnh, giữa đường dì bỗng níu tay nó: "Hân à. Về chuyện dì nói trước đó..."
Nó liền lắc đầu tỏ ý từ chối, thậm chí còn không để dì Vân nói hết câu: "Không cần đâu dì. Con không muốn đi khám tâm thần đâu. Những chuyện này con có thể tự vượt qua được."
Dì Vân đã luôn muốn đưa nó đi khám tâm lý lần nữa ở khoa tâm thần từ lâu. Cả dì Vân và mẹ Thuỷ đều lo lắng cho Hân bởi biến cố nó phải trải qua quá khủng khiếp, nào ai có thể tỉnh trí sau khi bị truy sát, nhận nước và phát hiện bố mình qua đời dưới bàn tay thủ ác của kẻ cùng xã bao giờ. Song Hân biết dẫu cho nó có đi tham vấn tâm lý thì vết thương lòng này vĩnh viễn chẳng thể chữa lành, hơn nữa, nó không muốn vì một lần lỡ lời mà để lộ bí mật của vụ án với bất kỳ ai, dẫu đó có là bác sĩ tâm lý. Hân chấp nhận đơn thân độc mã chống chọi với cơn sang chấn tâm lý sau biến cố, bất quá là chấp nhận sử dụng thuốc hỗ trợ chứ cương quyết không mở lòng theo đề nghị của bác sĩ. Nó tự thấy chính mình đã bị ép trưởng thành hơn rất nhiều so với độ tuổi mười sáu, và dần chấp nhận chuyện ấy sau nhiều đêm trằn trọc mất ngủ.
Bởi thứ mà nó mất đi đã đổi lại sự an toàn cho mẹ nó.
Dì Vân nhìn thẳng vào đôi mắt kiên định của nó, cuối cùng không khuyên giải gì thêm nữa.
Hai tháng sau biến cố ở xã Phong Vị, Hân bắt đầu năm học mới với rất nhiều sự quan tâm đến từ thầy cô và bạn bè. Hầu hết đều muốn tìm hiểu sự thật và nghe nó thuật lại những điều kinh hoàng nó phải trải qua trong mùa hè đầy giông bão. May mắn thay, mẹ nó và dì Vân đã đoán trước việc này thông qua tình trạng tương tự xảy ra tại xóm nhỏ nơi nó quay lại cư trú, cũng là nhà dì Vân, nên họ liên lạc trước với Ban giám hiệu nhà trường, khẩn thiết yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp bảo vệ tâm lý cho Hân. Tuy vậy, sự tò mò của con người là thứ mối mọt có thể ăn mòn cả sắt. Hân vẫn phải chịu sự dò xét, hỏi han từ những người bạn tọc mạch. Rốt cuộc nó bắt buộc phải dùng đến chiêu bài cuối cùng, Hân lôi bọc đựng thuốc lên đến gần chục loại, đủ hình dạng và màu sắc ra trước mặt bạn cùng lớp, bình thản uống hết rồi nói:
"Bác sĩ tâm lý dặn mình không được nhắc lại chuyện đã xảy ra, nếu không sẽ ảnh hưởng nặng tới tình trạng bệnh. Nếu bất chấp làm trái lời chẩn đoán có thể dẫn tới việc sang chấn tinh thần, có khi còn phải nhập viện."
Nghe thấy Hân doạ như thế, những bạn học tò mò tọc mạch đều lảng đi hết cả. Nó biết làm thế chắc chắn sẽ khiến các bạn dần xa lánh mình, bởi đâu ai muốn đánh bạn với một đứa mắc chứng tâm lý nặng. Mà dẫu có người thực sự quan tâm nó với tư cách bạn bè, thì phụ huynh của họ cũng sẽ ngăn cản. Nhưng không sao, nó cũng không để ý tới nữa.
Vụ án ở hồ Vọng Nguyệt thực sự khiến người ta đồn dồn sự quan tâm trong thời gian dài. Với tính chất dã man và thủ đoạn hiểm ác, lời khai của các nhân chứng, bị can chồng chéo tình tiết lên nhau như một câu chuyện trinh thám hấp dẫn khiến nhiều người bị cuốn hút và theo dõi xuyên suốt quá trình khởi tố diễn ra. Đã gần nửa năm trôi qua với ba phiên toà công khai mà họ vẫn chưa định rõ tội nghiệt của từng bị cáo, từng tình tiết ngẫu nhiên có, sắp đặt có lần lượt bị phanh phui khiến mọi việc trở nên rắc rối hơn nhiều.
Ai là nạn nhân, ai là hung thủ cũng cần được suy xét kỹ càng.
Hoàng là nhân vật mấu chốt trong vụ án, nhiều tội ác được hắn trực tiếp gây ra. Ở các phiên toà hắn cũng là kẻ bị dân chúng đến quan chứng chửi bới, chỉ trích nhiều nhất. Trên mặt báo, ảnh chụp của Hoàng bị bôi đen đôi mắt, song điều ấy cũng không thể xoá đi sự căm ghét của người dân đối với một gã vũ phu kiêm sát nhân và buôn người như Hoàng.
Các tội danh ban đầu của Hoàng được xác định là sát nhân trực tiếp với hai nạn nhân: Nguyễn Văn Tùng và Đỗ Văn Trung. Cấu kết với đầu nậu buôn người, bắt cóc trẻ em. Hành hung và cố ý gây thương tích với nạn nhân, vợ hợp pháp Hoàng Thị Thuỳ. Cố sát bất thành với các nạn nhân Nguyễn Thị Ngọc Hân, Hoàng Thị Thuỳ và Đặng Thị Mân. Đầu têu trong vụ phóng hoả nhà hai mẹ con Đỗ Thị Như Thuỷ và Nguyễn Thị Ngọc Hân. Âm mưu giết người bất thành đối với Nguyễn Thị Ngọc Hân. Chỉ với chừng ấy tội danh cũng đã đủ khiến Hoàng lãnh án chữ rồi. Song ngay trước khi bị bắt và trong quá trình bị tạm giam, tinh thần của Hoàng luôn nằm trong trạng thái hoảng loạn. Hắn thường xuyên gào thét rên rỉ trong giấc ngủ, khi tỉnh táo lại luôn làm ra hành vi kỳ lạ, bước đầu chẩn đoán tâm thần cho thấy Hoàng có dấu hiệu bị sang chân tâm lý, loạn thần. Đây cũng là vấn đề lớn trong việc định danh tội cho Hoàng. Chính vì vậy mà trong phiên toà sơ thẩm phán định Hoàng hai mươi năm tù giam cho các tội danh trên đã bị dân chúng phản ứng kịch liệt, hàng chục bài báo lên tiếng phản đối gây áp lực mở lại toà phúc thẩm để xét lại hình phạt tương ứng cho tội ác hắn gây ra.
Về phía Hải, em trai và cũng là đồng loã của Hoàng trong quá trình hắn gây án, Hải đã chủ động đầu thú và thành khẩn khai báo xuyên suốt quá trình điều tra và xử án. Các tội danh của Hải được phán định bao gồm đồng loã giết người, phi tang xác chết. Hỗ trợ, tham gia vào đường dây buôn người. Không tố giác tội phạm. Đồng loã trong hành vi mưu sát. Là kẻ trực tiếp phóng hoả nhà hai mẹ con Đỗ Thị Như Thuỷ và Nguyễn Thị Ngọc Hân. Trái ngược với anh trai, Hải thành khẩn nhận tội với hy vọng có khả năng gặp lại vợ và con gái sau khi thụ án, gã mong chờ được lãnh án số dù phải ngồi tù đến hàng chục năm hay non nửa đời người, miễn là còn sống để có thể được nhìn con cái lớn lên.
Tội ác của Hoàng và Hải quá rõ ràng, chẳng người nào có thể nhín chút lòng thương cảm dành cho bọn chúng. Tuy nhiên phần phán xử đối với tội lỗi của Đặng Thị Mân và Hoàng Thị Thuỳ lại khác. Bởi lẽ hai người phụ nữ này đều có phần đáng thương và đáng trách. Ngoài việc chỉ trích những kẻ sát nhân hung hiểm là Hoàng và Hải, luồng dư luận cũng chia đôi mỗi khi nhắc đến bà Mân và chị Thuỳ.
Thuỳ bước đầu được xác nhận là đã đầu thú về việc gián tiếp gây ra cái chết cho ông Lý Văn Hưng, đồng thời dẫn đến vụ việc ngộ độc thực phẩm của gần mười người khác trong xã khi chị đánh bã đàn heo trong nhà. Sau quá trình điều tra, Thuỳ còn thú nhận đã thường xuyên dùng lá trúc đào dung lượng nhỏ ngâm với nước trà để hai ông bà Lý Văn Hưng và Đào Thị Hoàng Mai trong thời gian dài. Chính hành vi này gây ra sự khó khăn trong việc phán định tội danh cho cả chị và dì Mân.
Nữ phóng quyền Kim Thoa, như những gì chị ấy từng nói, luôn đứng về quyền lợi của hai người phụ nữ này. Các bài báo của chị sắc sảo, chỉ rõ trọng tâm vấn đề: dì Mân cùng chị Thuỳ đều là những nạn nhân của Hoàng, Hải và bọn buôn người. Nguồn cơn đến từ hành vi nhẫn tâm của chúng khiến bà Mân mất con, ông Trung vì đi đối chất với Hoàng và Hải trong nhà bà Hồng mới mất mạng.
"Ác độc nào bằng lòng dạ đàn bà. Nếu hai tên kia làm việc sai trái thì cứ báo công an là xong, đằng này đi đầu độc ba mạng người nhà người ta. Đúng là bọn ác phụ."
"Người làm, trời nhìn. Ác tới mấy cũng không thoát nổi lưới trời, sao cứ phải để tay mình nhuốm máu theo."
"Mấy người nếu không nói được gì tử tế thì im đi. Mất con, mất chồng, bị bạo hành, thế mà vẫn phải đứng nhìn bọn thủ ác thong dong, ai mà cầm lòng cho đặng?"
"Đúng đó. Nếu không phải cả nhà họ đồng loã che giấu tội ác cho em gái và con trai thì đâu phải gánh nghiệp nhân quả đến mức mất mạng. Con thú hoang bị dồn đến đường cùng còn rứt giậu, nói chi là con người."
Ngày tuyên cáo phúc thẩm càng đến gần, những người dân quan tâm vụ án hồ Vọng Nguyệt càng tranh cãi hăng say hơn. Từ cơ quan đến hàng quán, hầu như ở đâu cũng nghe thấy luận bàn về vụ việc. Hiển nhiên, những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất luôn là thân nhân của các bị cáo, nhân chứng.
Giữa tiếng xôn xao của hàng trăm người dân đến xem buổi xét xử công khai, Hân và dì Vân dìu mẹ mình ngồi xuống hàng ghế dành riêng cho nhân chứng sau giờ giải lao ngắn ngủi. Phiên toà đã kéo dài hơn nửa ngày mà vẫn chưa ra phán định, lần này họ sẽ biết bản án cuối cùng dành cho từng bị cáo trong vụ án hồ Vọng Nguyệt, không khí căng thẳng bao trùm khắp nơi. Đã nhiều lần ngồi ở chỗ này song nó chưa bao giờ và sẽ không bao giờ quen được cảm giác ngột ngạt, bức bối mỗi khi nhìn thấy bóng lưng Hoàng và Hải ngồi sau vành móng ngựa cùng với dì Mân và chị Thuỳ. Bà Thuỷ đã dần hồi phục sau hậu phẫu và tiếp tục điều trị bỏng song song với hoá trị ung thư phổi, sức khoẻ bà yếu dần đi, cả người gầy rộc và sụt cân nhiều đến mức mỗi lần nhìn mẹ Hân đều thấy xót xa. Dì Mân ngồi thẳng lưng trong bộ đồ phạm nhân đen trắng, gương mặt dì xanh xao thấy rõ. Khi phát hiện mẹ con Hân, dì ngoái lại và mỉm cười như muốn chào hỏi. Đôi mắt dì dần có thần sắc trở lại, có lẽ là do hôm trước chị Thoa vừa thông báo tin tức mới về đường dây buôn người từng bán con của dì.
Trái ngược với thái độ chấp nhận mọi thứ với niềm hy vọng của dì Mân, Thuỳ trông có vẻ lo lắng. Trên nét mặt chị vẫn còn vương lại sự sợ hãi mỗi khi nhác thấy hành động nhấc tay của gã chồng cũ. Chị nép vào người dì Mân như gà con trốn dưới cánh mẹ, mà dì Mân cũng khoác lấy vai chị, bảo bọc như thể đã xem chị là thằng Đức ngày xưa, những mong có thể bảo vệ chị trước tên ác ôn từng hành hạ chị.
Hân đánh mắt quan sát thái độ của hai anh em Hoàng, Hải. Trừ anh Hải đã luôn thành khẩn khai báo, có thái độ ăn năn thực sự thì Hoàng dường như luôn chìm trong thế giới mộng mị riêng mình. Trong một góc phòng, Thơm và con gái cũng đến, đứa trẻ ngây thơ lớn tiếng gọi bố mình: "Bố Hải! Bố Hải ơi!" Với cánh tay nhỏ xíu vẫy vẫy. Hải quay lại nhìn con bé rồi bật khóc, những giọt nước mắt muộn màng. Thơm nhìn người chồng đầu ấp tay gối khóc nức nở như một đứa trẻ mà lòng đượm buồn, chị không hề biết đến những chuyện anh cùng gia đình chồng đã làm. Dường như họ không xem chị là người thân trong nhà, hoặc giả, Hải có đủ tình thương dành cho chị để giữ chị tránh xa vũng nước bẩn thỉu mà anh đang đắm chìm. Song dẫu có là vì lý do gì đi nữa, lòng chị vẫn bức bối lắm. Chị không biết mình nên hận chồng, hay thương xót cho anh. Hải cục súc, nóng nảy nhưng chưa từng đánh đập Thơm như anh chồng. Anh cũng đối xử với con gái đầy yêu thương, chiều chuộng. Lúc ẵm con gái rời khỏi xã về nhà mẹ đẻ, Thơm còn tưởng chuyện trùng tang rồi sẽ sớm được giải trừ, mẹ con chị rồi sẽ về lại căn nhà tổ yên ổn bên chồng. Nào ngờ, đó là lần cuối chị còn được gặp anh. Lần sau gặp lại, là cách nhau một song sắt nhà tù.
Từ phía sau bức tường nơi vị trí chủ toạ, một loạt luật sư, công tố viên và thẩm phán bắt đầu lục tục vào chỗ. Thẩm phán chủ toạ phiên toà phúc thẩm hôm nay là một người đàn ông tầm thước, trang phục gọn gàng theo đúng quy chuẩn, gương mặt màu bánh mật trông vô cùng nghiêm khắc. Ông ngồi xuống vị trí chủ toạ có bảng tên "Nguyễn Văn Thành" rồi đánh mắt liếc xuống hàng ghế bị cáo và nhân chứng, bất cứ ai chạm đến cái nhìn ấy đều bất giác co rụt người vì sự sắc sảo bén ngót của nó. Ông Thành lật mở những tài liệu dày cộp, nhàu nhĩ do được kiểm tra, đọc và dò lại nhiều lần suốt thời gian qua, sau cùng lên tiếng:
"Sau khi hội ý kỹ càng, dựa trên hiến pháp và pháp luật Việt Nam ban hành, tôi tuyên cáo..."
Bản án đã được gieo xuống như cây nhân quả cuối cùng cũng nở hoa sau bao nghiệp chướng gây ra bởi bàn tay con người. Hân siết lấy tay mẹ mình, đưa mắt đau đáu nhìn về khoảng không phía trước. Bóng lưng dì Mân trở nên nhỏ bé và mờ dần, Hân bật khóc.
Trời hôm ấy xanh biếc, không một gợn mây.
Hân ngước lên nhìn màu thiên thanh qua khung cửa sổ gỗ phủ đầy dây leo trường xuân, bàn tay đang soạn giấy tờ lặng lẽ khựng lại. Cô đứng dậy bước tới đón lấy giọt mật vàng chày dài trên mái tóc đen nhánh đã quá bờ vai, nơi đáy mắt loang loáng chút nỗi lòng buồn man mác. Hân nhìn quanh căn phòng đã gắn bó với mình hơn bốn năm trời mài mòn ghế trên giảng đường đại học. Sau hôm nay, cô sẽ dọn ra riêng và bắt đầu công việc mới tại một công ty Luật. Bốn bức tường đã hơi ố vàng chất chứa đầy kỷ niệm, đồ vật trong phòng cũ sờn song đong đầy hồi ức. Mất cả buổi trời dọn dẹp phòng ốc, Hân vẫn chưa chọn ra được thứ gì nên mang đi, thứ gì cần bỏ lại.
Cánh cửa gỗ bỗng kẽo kẹt vang lên tiếng gõ cửa, rồi dì Vân bước vào trong. Gương mặt dì đã có nếp nhăn, làn da xô lệch lại với nhau, thoáng thấy những đốm đồi mồi. Dì nhìn đống bừa bộn Hân đang dọn chưa xong, khẽ chau mày nhưng không phàn nàn gì cả.
"Xuống đi con, mâm cỗ dọn xong rồi." Dì Vân nói.
"Vâng." Hân gật đầu. Cô đi theo bước chân chậm chạp của dì xuống từng bậc cầu thang.
Hôm nay là giỗ năm thứ ba của mẹ Hân.
Bàn thờ gia tiên có thêm một bức ảnh đen trắng, gương mặt bà Thuỷ hiền hậu mỉm cười sống động như đang còn sống. Ba nén nhang được thắp lên, cong thành những đường tròn trịa. Mâm cỗ được dì Vân nấu không thịnh soạn, sang đến năm thứ ba rồi, giỗ chạp gì chỉ tổ chức trong nhà. Mà gia đình Hân ngoại trừ cô, cũng chẳng còn ai khác nữa.
"Hôm nay lại có thư đến." Dì Vân nói, rồi đưa sang cho Hân một bức thư. Địa chỉ gửi được ghi rõ là từ trại giam Long Thành.
Thư của dì Mân. Hân mân mê lá thư trên tay, vuốt ve thật kỹ lưỡng. Mỗi năm vào ngày này dì Mân sẽ gửi thư cho cô, viết ra những tâm tư giấu kín suốt một năm dài. Ngoại trừ bức thư nhận được trong ngày giỗ mẹ, dì Mân không bao giờ gửi thêm bức thư nào khác. Có lẽ dì không muốn xen vào cuộc đời Hân, dì sợ rằng nếu ai đó biết được cô có liên hệ với một người từng tù tội sẽ ảnh hưởng đến Hân. Dẫu cho Hân luôn gửi thư và đến thăm dì mỗi khi có dịp, dì cũng chưa từng chấp nhận gặp gỡ hay phản hồi.
Sáu năm kể từ khi bản án được phán quyết, dì Mân và chị Thuỷ đều nhận án tù giam tương đương bảy và năm năm. Đây đã là án số thấp nhất dành cho bị cáo phạm tội cố sát. Hoàng, dẫu cho cố gắng tỏ ra bị loạn thần, vẫn không thoát khỏi án chữ. Hải đang thi hành án ở một trại giam khác mà Hân không nhớ địa chỉ, anh ta phải nhận án hơn mười năm tù giam cho tội buôn người có tổ chức và gây tổn thất, và thêm mười hai năm tù cho tội đồng loã giết người, tổng cộng hơn hai mươi năm tù tội. Song nếu cải tạo tốt, anh ta vẫn có cơ hội được nhìn thấy con gái tốt nghiệp cấp ba. Riêng chị Thuỳ, với tội sát bị phán định cải tạo không giam giữ một năm, và thêm năm năm tù giam với tội mưu sát bất thành, riêng hành vi đồng loã buôn người được xử trắng án do hành động dưới sức ép và bị đe doạ bởi người chồng vũ phu.
Hân nhớ rõ bản án ấy như thể phiên toà phúc thẩm chỉ vừa diễn ra ngày hôm qua. Bí mật về chuyện mẹ cô tham gia vào kế hoạch mưu sát một nhà ba người họ Lý ở xã Phong Vị đã hoàn toàn bị giấu kín đến cùng. Dì Mân lựa chọn thú nhận mọi tội lỗi về mình, bởi lẽ dì không muốn có thêm một đứa trẻ mất mẹ.
Còn chưa kịp gỡ phong thư ra xem thì từ ngoài cổng lại có tiếng gọi. Dì Vân ra mở cửa, đon đả chào hỏi. Nghe thấy giọng người quen thuộc, Hân nhận ra ngay đó là chị Thoa. Kim Thoa bước vào trong với giỏ trái cây, từ sau khi tham gia vào viết loạt bài ủng hộ, bảo vệ phụ nữ trong vụ án hồ Vọng Nguyệt, chị Thoa vẫn luôn lui tới thăm hỏi mẹ con cô. Kể từ khi bà Thuỷ mất, chị Thoa cũng không vì thế mà ngắt liên lạc. Ngược lại, nhờ có những bài viết, bài báo của chị mà Hân mới nhận được học bổng cùng số tiền ủng hộ từ mạnh thường quân để hoàn thành việc học đại học. Mẹ cô ra đi chỉ sau ba năm kể từ khi phiên toà kết thúc, mang trong người căn bệnh ung thư lại suy nhược thêm bởi thương tích bỏng lên đến gần 50%, bà Thuỷ không đủ sức lực để thoát khỏi bàn tay tử thần. Ba năm chống chọi lại với căn bệnh đã là kỳ tích. Hân từ chối quay lại căn nhà của hai mẹ con ở xã Phong Vị, cô lựa chọn bán đi mảnh đất đó ngay khi hợp thức hoá quyền sở hữu đất và dọn đến ở cùng với dì Vân.
"Chào chị mới đến." Hân cất tạm bức thư của dì Mân vào túi quấn, rồi mời chị Thoa ngồi chung mâm tiệc.
"Chị gửi chút trái cây cúng cho chị Thuỷ nhé. Nghe nói em chuẩn bị dọn ra riêng và đi làm à, chúc mừng em." Thoa đưa giỏ trái cây cho Hân, sẵn tiện thăm hỏi.
"Tui đã bảo nó cứ ở lại đây mà nó không chịu. Đòi ra riêng, thân gái một mình lỡ có chuyện gì rồi sao." Dì Vân nghe đến chuyện Hân ra riêng liền lên tiếng phàn nàn, khoé mắt bà đã có chút ướt đẫm. "Chị Thuỷ chỉ có một đứa con gái là nó, giờ bả đi trước rồi, tui phải thay chỉ trông chừng nó mới đúng. Vậy mà chưa đủ lông đủ cánh nó đã đòi bay đi, cô Thoa xem khuyên nhủ nó cho tui với."
Vấn đề ra riêng sau khi tốt nghiệp đại học Hân đã thảo luận với dì Vân nhiều lần, song dì vẫn thường càm ràm và khuyên ngăn cô. Hân biết dì đã xem mình như con cái ruột rà mới quan tâm lo lắng đến vậy, nhất là sau sáu năm trời cô vẫn phải sử dụng thuốc điều trị tâm lý, song Hân cho rằng nếu mình cứ rúc mãi trong lòng dì thì cô sẽ chẳng bao giờ vượt qua được quá khứ. Có những thứ cần người thân ở bên để tiếp thêm động lực, nhưng cũng có nhiều việc chỉ có thể độc lập đối mặt, độc lập vượt qua.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com