Vườn
Bác Hồ không chỉ trồng cây lấy gỗ, cây bóng mát, cây hoa, cây cảnh..., mà còn chú trọng trồng các loại cây ăn quả.
Sau hơn 50 năm xa cách, năm 1957 Bác Hồ về thăm quê. Nhân dịp này, các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền tỉnh Nghệ An biếu Người 10 cây cam giống được lấy từ Nông trường Đông Hiếu, huyện Nghĩa Đàn.
Mười cây cam tỉnh nhà được Bác Hồ trồng ở khu vườn ngay sau nhà sàn thành hai hàng thẳng, mỗi hàng năm cây, cây nọ cách cây kia ba mét.
Được chăm sóc chu đáo, cả mười cây cam đều phát triển tốt, sớm cho quả và quả ngọt.
Trước đây, khi cam chín, Bác Hồ thường bảo các đồng chí phục vụ hái cam trong vườn Bác tặng các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Và, thường vào những phiên họp Hội đồng Chính phủ cuối năm hoặc đầu năm, Bác Hồ đều lấy cam trong vườn Bác tặng mọi người. Từ các vị Bộ trưởng đến các nhân viên phục vụ cuộc họp, ai cũng đều được Bác Hồ tặng cam.
Tháng 1-1962 Bác Hồ tiếp đồng chí GiécmanTitốp, Anh hùng vũ trụ Liên Xô tại nhà sàn của Bác. Sau đó, Bác mời Anh hùng GiécmanTitốp ra thăm vườn cam và tự tay hái cam tặng.
Bác Hồ vẫn thường mong muốn: sau bữa ăn hằng ngày trong mỗi gia đình, mọi người đều được hưởng trái cam, quả chuối... Điều Bác mong muốn tuy giản dị, nhưng mang ý tưởng dân sinh lớn.
Trải qua nhiều năm, theo quy luật tự nhiên, mười cây cam Bác Hồ đã trồng đều già cỗi. Để giữ kỷ niệm vườn cam Bác Hồ, những cán bộ làm nhiệm vụ bảo tồn di sản của Người tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch vẫn cố gắng duy trì để có vườn cam tươi tốt như khi Bác Hồ còn sống.
3 cây cọ dầu
Suốt cuộc đời mình, Bác Hồ không chỉ lo cho đất nước được độc lập, đồng bào được tự do, ấm no, hạnh phúc, mà Người còn quan tâm đến mọi mặt, mọi việc của đời sống nhân dân, điều gì có lợi cho nhân dân là Bác luôn quan tâm và lo lắng, từ việc trồng rau, trồng cây ăn quả, nuôi cá để cải thiện bữa ăn hằng ngày đến việc trồng cây lấy gỗ, cây bóng mát, cây lấy dầu làm thức ăn.
Cuối tháng 5-1966, Bác Hồ đi thăm Trung Quốc. Khi đến đảo Hải Nam, Bác thấy ở đây có loại cây cọ có thể lấy quả ép dầu làm thức ăn bình thường cho con người. Nghĩ đến đời sống của đồng bào mình vẫn còn quá nhiều khó khăn, Bác nói với những người đi cùng: "Vùng này, đất và khí hậu cũng giống nước ta, ta có thể xin lấy giống cây cọ dầu vùng này về trồng thử. Nếu cây phát triển tốt, sau này đề nghị ngành Nông nghiệp nhân giống và phát triển loại cây này để lấy quả ép dầu cho nhân dân dùng".
Bác đã cho đem ba cây cọ dầu từ đảo Hải Nam về nước và trồng trong khu vườn Phủ Chủ tịch. Dẫu chúng ta chưa thực hiện được điều mong muốn của Bác, song, mỗi khi nhìn ba cây cọ dầu xanh tốt, hằng năm vẫn cho nhiều quả, chúng ta luôn biết ơn tấm lòng của Bác đối với nhân dân
Cây vú sữa miền Nam
Năm 1954, sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Việt Nam tạm thời chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, đồng bào miền Nam sống đau khổ dưới ách chiếm đóng của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Trong đau khổ, đồng bào miền Nam luôn hướng về miền Bắc, về Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Đầu mùa xuân năm 1955, trên con tàu Kilinki (Ba Lan), đoàn cán bộ của Văn phòng Trung ương Cục miền Nam tập kết ra miền Bắc. Đoàn vinh dự được mang cây vú sữa miền Nam ra biếu Bác Hồ với tấm lòng kính yêu vô hạn của đồng bào miền Nam đối với Bác. Bà mẹ liệt sĩ Lê Thị Sảnh ( còn gọi là mẹ Tư Tố) ở Ranh Hạt thuộc ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, là người đã trao cho đồng chí chỉ huy Đại đội 370 pháo binh, Tiểu đoàn 307 cây vú sữa cao hai tấc được ươm trồng trong một chiếc bình tích bằng sành. Ngày mồng 3 Tết năm ấy, đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (người phụ trách đoàn) đã đưa cây vú sữa vào Phủ Chủ tịch kính tặng Bác Hồ.
Cây vú sữa được Bác Hồ trồng ngay gần bờ ao, bên cạnh ngôi nhà 1954, nơi Bác ở bốn năm đầu tiên trong Khu Phủ Chủ tịch. Cây vú sữa vốn là loài cây ưa khí hậu nóng ở miền Nam và ít chịu được lạnh ở miền Bắc, do vậy, những ngày đầu mới trồng, cây còn nhỏ và rất khó chăm sóc. Hằng ngày, mặc dù bận nhiều công việc, nhưng trước giờ làm việc buổi sáng, hay sau giờ làm việc buổi chiều, Bác đều dành thời gian tự tay chăm sóc, vun tưới cho cây vú sữa. Mùa đông giá rét, Bác nhắc các đồng chí phục vụ bện rơm quấn quanh thân cây, lấy mùn tấp vào gốc để chống lạnh cho cây. Mùa mưa bão, Bác nhắc nhở anh em chằng chống cho cây khỏi đổ.
Tháng 5-1958, Bác Hồ chuyển sang sống và làm việc tại ngôi Nhà sàn. Cuối năm đó, Bác đã đề nghị chuyển cây vú sữa trồng ở phía sau Nhà sàn để Bác chăm sóc được thuận tiện hơn, dường như Bác muốn cây vú sữa miền Nam luôn ở gần bên Bác. Hằng ngày, làm việc tại Nhà sàn, Bác vẫn nhìn thấy cây vú sữa để hình ảnh miền Nam luôn trong trái tim Người.
Cây vú sữa lớn dần, cành lá xum sê và vươn cao, rễ đâm sâu vào lòng đất, đủ sức chống đỡ mưa to gió lớn, Bác căn dặn những người làm vườn rút kinh nghiệm để chăm sóc cây vú sữa ngày càng tốt. Khi cây vú sữa ra hoa, kết quả. Những lứa đầu cây ra quả, quả nhỏ và không sai. Thấy vậy, Bác nói với các đồng chí phục vụ: "Có lẽ mình chưa biết rõ cách chăm bón nên cây ra quả nhỏ và không nhiều". Các đồng chí phục vụ thưa với Bác là cây vú sữa này do không hợp với khí hậu miền Bắc nên cho quả ít và nhỏ. Bác suy nghĩ một lát rồi nói: "Các chú có nhớ, khi đi thăm Hồ Tây với Bác, các chú đã thấy cây vú sữa ở đó ra nhiều quả và quả lại to không? Các chú cần tìm các nhà chuyên môn làm vườn để học hỏi thêm kinh nghiệm trồng cây vú sữa". Anh em phục vụ làm theo ý Bác, từ đó với những phương pháp chăm sóc mới, cây vú sữa cho quả nhiều và to hơn. Thấy vậy, Bác rất vui. Có lần, đồng chí phục vụ hái quả vú sữa chín cây mời Bác, Người nói: "Chú hãy chờ cho quả chín đều, hái một lần rồi chia cho mọi người".
Đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, Bác càng mong muốn được một lần vào thăm đồng bào miền Nam, nhưng do tình hình chiến sự ác liệt và sức khoẻ Người đã giảm sút nhiều nên ước nguyện đó của Bác không thực hiện được. Có lẽ, bởi thế nên sau những chuyến đi công tác xa lâu ngày trở về, Bác thường ra đứng ngắm cây vú sữa. Tình thương, nỗi nhớ của Bác đối với miền Nam tha thiết nhường nào! Giờ đây, cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng Bác đã vươn cao to lớn, vững chắc, cành lá xum sê toả bóng mát trên ngôi Nhà sàn của Bác
Râm bụt
Sau hơn năm mươi năm xa cách, ngày 14-6-1957, Bác Hồ về thăm quê nhà: làng Kim Liên (còn gọi là Làng Sen) xã Nam Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Tuy xa nhà lâu ngày và dù bận nhiều việc lớn, nhưng Bác Hồ vẫn nhớ rất rõ ngôi nhà Bác từng ở những năm thơ ấu. Từ lối đi tới các đồ đạc trong nhà và vị trí những đồ đạc ấy... Bác đều không quên. Bác tự vạch cây đi theo lối cũ để vào nhà. Và, Bác bảo với mọi người rằng ở phía bên phải nhà Bác trước kia có hàng dâm bụt được xén bằng ngọn.
Trở lại Hà Nội, sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, hình ảnh ngôi nhà Bác ở làng Sen - như bao ngôi nhà ở các làng quê Việt Nam thân thuộc - với hàng dâm bụt, hàng cau ... luôn khắc sâu trong tâm trí Bác.
Ngày 2-3-1958, trên đường đi công tác về, Bác Hồ nói với đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác và đồng chí bảo vệ là Bác muốn có một ngôi nhà sàn nhỏ bên ao cá để ở và làm việc cho thoáng. Sau khi chuyển sang ở và làm việc tại ngôi nhà sàn, Bác Hồ bảo với các đồng chí phục vụ trồng hàng rào dâm bụt phía trước nhà sàn.
Hàng dâm bụt phía trước nhà sàn cách nhà 16m, cao 1,3m, dài 52m, được chia thành bốn đoạn bởi ba chiếc cổng đi vào nhà - hai cổng nhỏ hai bên và chiếc cổng chính rộng hơn thẳng giữa nhà.
Hàng râm bụt được xén đều ngọn ở độ cao bằng nhau, nhưng sát hai bên cổng chính thì xén cao hơn 20cm để tạo nên hai cái trụ cổng tự nhiên bằng cây. Cổng chính không có khung chỉ đơn giản là một lối vào.
Hai cổng nhỏ đều được làm khung bằng tre, uốn hình cong, rồi cho cây râm bụt từ hai bên sườn cổng leo vắt lên, bình dị và tự nhiên như bao cổng nhà ở các làng quê Việt Nam.
Ở cuối hàng râm bụt trước nhà sàn, cạnh đầu chiếc cầu nhỏ xinh uốn cong bắc qua ao cá, có hai khóm râm bụt trồng cạnh nhau. Hai khóm râm bụt này đều tươi tốt, vươn cao, tán xoè rộng, cành loà xoà trên đầu người nở đầy hoa.
Phía bờ ao bên kia, đối diện với nhà sàn, cũng trồng một hàng râm bụt. Hàng râm bụt này dài 115 mét, bề rộng phía ngọn 1m được xén bằng ở độ cao 1,1m lượn ven con đường nhỏ men theo ao cá, từ đầu chiếc cầu nhỏ bắc qua ao cá tới gần ngôi nhà Bác Hồ ở và làm việc những năm đầu tại Khu Phủ Chủ tịch, và bao quanh một bên Vườn quả Bác Hồ. Hàng râm bụt này, cùng với vườn quả, ao cá, con đường nhỏ ven bờ ao, và những cây bụt mọc, phượng vĩ, liễu, tràm liễu, dừa, vú sữa, bàng, ổi quanh bờ ao, góp phần tạo nên vẻ đẹp yên ả, thanh bình, thơ mộng của nơi Bác Hồ sống và làm việc.
Câu chuyện Bụt Mọc
Những lần đến thăm Nhà sàn và ao cá Bác Hồ, nếu không được giới thiệu, chắc hẳn hầu hết mọi người sẽ ngạc nhiên trước những rễ cây lạ trồi cao khỏi mặt đất, tựa như những pho tượng Phật bằng gỗ mộc, kích thước to, nhỏ, cao thấp đa dạng, lô nhô xếp liền nhau quanh sườn bờ ao bên trái ngôi Nhà sàn và gần chiếc cầu nhỏ uốn cong bắc qua ao cá, tạo ra một sự kỳ thú của cảnh quan tự nhiên.
Vì tất cả bộ rễ nhô lên khỏi mặt đất có hình tựa như hình ông bụt đứng dầm chân, soi gương bóng nước nên Bác Hồ đã đặt tên loài cây này là cây bụt mọc.
Sát bên đầu phía nam chiếc cầu nhỏ bắc qua ao cá cũng có một cây bụt mọc. Vào đầu năm 1965, anh em phục vụ phát hiện ra cây bụt mọc này bị mối xông đã hỏng đến quá nửa thân, sợ cây đổ bất ngờ gây nguy hiểm vì nó mọc ngay cạnh con đường nhỏ quanh ao cá mà hằng ngày Bác và mọi người thường qua lại, các đồng chí trong cơ quan quyết định chặt bỏ cây. Khi biết được ý định đó, Bác đã nói: “Chặt bỏ một cây hỏng thì dễ dàng thôi nhưng trồng được một cây mới thì rất khó. Bởi vậy các chú hãy tìm cách chữa cho cái cây bị mối xông đi đã”. Rồi Bác chỉ cho anh em một kinh nghiệm chữa cây bị mối xông như sau: Trước hết, cạo sạch phần thân cây bị mối xông, sau đó dùng vôi, rơm nhồi vào trong và cuối cùng dùng xi măng trát phía ngoài thân cây. Bác phân tích: Vôi có tác dụng chống mối và côn trùng xâm nhập; rơm tạo thành lớp mùn giúp cây phát triển bình thường; xi măng ngăn không cho nước ngấm vào thân cây thêm mục nát, đồng thời giữ cho thân cây cứng cáp. Anh em đã làm theo lời Bác và sau một thời gian, cây bụt mọc đã sống lại, không bị mối xông, phát triển tốt.
Chuyện về việc chữa cây bụt mọc qua đi tưởng như chỉ đơn giản có thế, nhưng sau này, trong buổi nói chuyện tại một hội nghị cán bộ quản lý, Bác Hồ đã kể lại câu chuyện chữa cây bụt mọc để nhắc nhở chung mọi người làm việc gì cũng phải suy xét cho kỹ, tìm phương pháp tối ưu để đạt kết quả tốt nhất, và Người kết luận rằng: “Việc quản lý, giáo dục, xem xét cán bộ cũng phải như vậy - đừng thấy cán bộ phạm khuyết điểm đã vội vã kết luận ngay và thi hành kỷ luật mà không cần suy xét gì. Đó là thói quan liêu. Trách nhiệm của người cán bộ quản lý là phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc cán bộ phạm khuyết điểm. Như vậy cán bộ mới trưởng thành, cán bộ quản lý mới làm tròn trách nhiệm của người lãnh đạo”.
Cây bụt mọc mang ý nghĩa đặc biệt trên đã bị đổ do cơn bão số 3, tháng 7-1977, nay chỉ còn lại phần gốc cao tới hai mét như bằng chứng của một kinh nghiệm quý báu mà Bác đã để lại cho chúng ta và một bài học mang giá trị thực tiễn lớn lao cho những người làm cán bộ quản lý.
Cây dừa
Đến thăm quan ngôi nhà sàn Bác Hồ tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, chúng ta đều thấy ngay ở vườn trước nhà sàn có hai cây dừa cao, xanh tốt, sai quả, trồng đối xứng nhau được gọi là hai cây dừa miền Nam. Hai cây dừa này được lấy từ Công viên Thống nhất về trồng tại đây năm 1958, sau khi Bác Hồ chuyển sang nhà sàn ở và làm việc. Dừa là hình ảnh của miền Nam thân thương, vì thế hằng ngày Bác Hồ thường trực tiếp chăm sóc cho hai cây dừa, theo dõi sự phát triển đều đặn của từng cây.
Cũng như đối với cây vú sữa miền Nam trồng ở phía sau nhà sàn, mỗi khi mùa đông đến, Bác Hồ luôn nhắc các đồng chí phục vụ chống rét cho hai cây dừa khi cây còn non. Khi một cây bị sâu bệnh, Bác hướng dẫn cụ thể cho các đồng chí phục vụ cách chữa trị cho cây. Được chăm sóc tốt hai cây dừa đều sai quả. Cứ đến mùa, Bác nhắc anh em phục vụ hái dừa chia cho mọi người. Người còn truyền cho anh em kinh nghiệm dân gian: lấy muối bọc vào giấy bản rồi đặt vào phần ngọn cây trước lúc dừa trổ hoa để cây ra nhiều trái hơn.
Cây dừa vốn là hình ảnh đặc trưng của miền Nam. Trong thời gian bệnh nặng, Bác vẫn hướng về miền Nam với nỗi nhớ da diết. Trước giờ phút lâm chung, khi đang nằm trên giường bệnh, một lần tỉnh dậy Bác Hồ nói muốn uống nước dừa. Hiểu rõ tình cảm của Bác với miền Nam, anh em phục vụ đã hái dừa trên hai cây dừa trồng trước nhà sàn, lấy nước dâng Bác. Người đã nhấp một chút nước dừa miền Nam như muốn mang về cõi vĩnh hằng hình ảnh của miền Nam yêu dấu. Sau khi Bác mất, nhà thơ Tố Hữu vào thăm lại nhà sàn, nhìn hai cây dừa càng nhớ Bác, ông đã viết mấy vần thơ:
Dừa ơi! Cứ nở hoa đơm trái,
Bác vẫn chăm tay tưới ướt bồn...
Vào năm 1962, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ về thăm tỉnh Phú Thọ. Sau khi Bác nói chuyện với đồng bào, cán bộ và chiến sĩ trong cuộc mít tinh tại thị xã Phú Thọ, Bác đến thăm Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, thăm Đền Hùng, thăm đơn vị bộ đội pháo binh. Đặc biệt, Bác còn dành thời gian trực tiếp đến thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống của bà con xã viên Hợp xã Nam Tiến, huyện Lâm Thao. Đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã sau khi báo cáo với Bác về những cố gắng của bà con vượt qua những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và đời sống, đã thay mặt xã viên hợp tác xã biếu Bác quả dừa "đặc biệt". Đó là một quả dừa nảy ra hai mầm.
Ngày 19-8-1962, quả dừa hai mầm này được trồng trong khu vườn gần bờ ao cá đối diện với nhà sàn tạo thành cây dừa đôi lạ mắt. Bác Hồ gợi ý trồng cây dừa hai mầm độc đáo này gần đường đi lại để mọi người đều được xem. Hơn bốn mươi năm qua, nay cây dừa hai mầm vẫn xanh tốt, vẫn cho quả sai và đều.
Ngoài ra, trong vườn Bác còn hai cây dừa Inđônêxia (nhân dân Inđônêxia đã biếu Bác nhân dịp Hồ Chủ tịch dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thăm hữu nghị nước Cộng hoà Inđônêxia tháng 2-1959); hai cây dừa Thanh Hoá trồng phía bên kia bờ ao, đối diện với nhà sàn; hai cây dừa Xiêm trồng ven ao cá.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com