Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 1

Trưa hè năm tôi khoảng bốn đến năm tuổi, trời nắng đến độ có thể nghe thấy cả tiếng hơi nóng bốc lên từ mặt đường dưới kia, mặc dù tôi đang ngồi trong nhà, cách mặt đất hai mươi tư tầng. Ánh nắng chiếu xiên qua khung cửa sổ lớn, len qua lớp rèm màu kem mỏng tang treo lửng lơ, khiến cả căn phòng như nhuộm một màu vàng óng ánh, thứ ánh vàng trong veo như ruột quả chanh tươi, vừa ngọt ngào vừa chói chang.

Nắng rọi lên mặt sàn gạch bóng loáng thành từng vệt dài, phản chiếu những hình thù méo mó của chậu cây cạnh cửa, chiếc ghế nhựa nhỏ xíu tôi vẫn hay ngồi ăn vặt mỗi chiều. Thỉnh thoảng, vài cơn gió yếu ớt luồn vào từ khe cửa mở hé, đủ để làm lay nhẹ góc rèm, nhưng không đủ sức khuấy động lớp không khí đang lửng lơ trong nắng. Không khí trong nhà như đặc lại, mùi sáp thơm từ tủ quần áo trộn với mùi áo nắng khô và tiếng ve kêu ngoài kia, tạo nên một cảm giác vừa uể oải vừa thân thuộc đến lạ.

Phía dưới sân chung cư là một tán cây xà cừ già, cao vút, nhưng nhìn từ trên tầng hai mươi tư xuống, ngay cả nó cũng chỉ bé như một mảnh vải màu xanh sẫm, lặng im giữa nắng. Những đứa trẻ ở tầng dưới đang chơi đùa, tiếng gọi nhau í ới vang lên như vọng từ một thế giới khác, xa xôi đến mức tôi không chắc mình thực sự nghe thấy, hay chỉ tưởng tượng.

Tôi sống ở tầng hai mươi tư của một khu chung cư cao tầng kiểu cũ. Tòa nhà màu trắng đã ngả sang xám, từng bậc cầu thang sắt sơn xanh bắt đầu bong tróc, để lộ lớp kim loại rỉ sét bên dưới. Tầng của tôi là tầng gần như cao nhất, nơi thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng gió rít qua khe cửa vào ban đêm, và buổi sáng thì mặt trời ló rọi thẳng vào mặt khiến tôi phải nheo mắt lại.

Từ ban công nhà mình nhìn xuống, tôi thường tưởng tượng cả khu sân chơi nhỏ bé kia là một sa mạc, nơi lũ trẻ là những nhà thám hiểm tí hon. Nhưng từ độ cao ấy, mọi thứ đều trở nên nhỏ xíu: chiếc xích đu thành một vạch ngang đen mảnh, cái cầu trượt chỉ là một vệt cong đỏ bé tẹo, còn người lớn thì như những con kiến thưa thớt bò qua lại dưới nắng. Tôi hay đứng đó rất lâu, tay bám vào lan can sắt, mắt nheo lại vì chói, để ngắm cái thế giới phía dưới – một thế giới náo nhiệt mà tôi biết, nhưng dường như cũng thật xa xôi.

Và giữa cái nắng oi ả ấy, ở tầng cao ấy, tôi đã có một tuổi thơ rộn ràng – bắt đầu từ những người bạn đầu tiên trong đời.

---

Không chỉ có tôi, ở tầng ấy còn có hai cậu bạn bằng tuổi, hai mảnh ghép kỳ lạ mà nếu thiếu đi thì tuổi thơ tôi sẽ chẳng thể nào trọn vẹn: Tèo và Quạ.

Tèo là đứa dễ nhận ra nhất trong đám trẻ con ở chung cư – đầu nó trọc lóc như trái dừa, bóng đến nỗi tụi tôi từng thử dán sticker lên trán nó xem có dính được không. Mỗi lần trời nắng, đầu Tèo hắt ánh sáng như một chiếc gương nhỏ, đến mức tụi tôi đùa nhau rằng nếu đem cậu ấy lên sân thượng thì chẳng cần bật đèn. Dáng người Tèo lúc nào cũng hơi gù xuống, lưng cong cong như ông già tí hon, vừa chạy vừa thở phì phò. Cậu ấy không lanh lợi, cũng chẳng nhanh nhẹn gì cho cam, nhưng lúc nào cũng mang theo một vẻ tồ tồ dễ mến, kiểu ngố ngố mà chẳng ai nỡ ghét. Tèo hay cười, cái miệng rộng đến tận mang tai, mỗi lần cười lại hô hố như thể vừa phát hiện ra bí mật động trời vậy. Nó cũng là chuyên gia ăn vụng của tầng mươi tư chúng tôi – đặc biệt là bim bim tôm cay mẹ nó mua để dành. Nhiều lần, trong lúc mẹ nó đang lúi húi phơi đồ, Tèo đã kịp thò tay vào ngăn tủ, lôi ra một gói rồi chạy mất hút như chớp. Đến khi bị phát hiện, cậu ấy chỉ đứng chống nạnh, vừa gãi đầu vừa nhe răng cười trừ: "Tại cái Mây nó đòi ăn ấy!"

Chúng nó hay gọi tôi là Mây – một cái tên nghe vừa nhẹ hều vừa... không có tí gì ngầu, thế mà lại hợp với tôi một cách kỳ lạ. Mẹ tôi gọi tôi bằng cái tên đó từ bé, bảo là mong tôi lớn lên sẽ nhẹ nhàng, an yên như áng mây trôi trên trời. Nhưng trong mắt bọn Tèo với Quạ thì tên tôi có nghĩa hơi khác.

Tèo từng nói:

– Gọi là Mây vì mày hay lơ ngơ như kiểu mây trôi thững thờ ấy.

Còn Quạ thì tỉnh bơ chêm vô:

– Còn tao thấy mày đanh đá như quỷ ấy, chả hợp cái tên Mây tí nào, thấy Tèo gọi vậy nên gọi theo thôi.

Mỗi đứa một lý do, chẳng cái nào giống cái nào, mà cũng chẳng có cái nào đúng hoàn toàn. Nhưng tôi thích nghe tụi nó gọi "Mây ơi!" bằng cái giọng kéo dài, lè nhè và thân quen. Có khi là lúc tôi đang lom khom trốn mẹ trong góc hành lang, có khi là tiếng vọng từ cầu thang máy vọng lên, hoặc có khi là tiếng gọi réo khi cả bọn đói bụng rủ nhau về ăn cơm.

Tên là Mây, nhưng thật ra hồi nhỏ tôi chẳng nhẹ nhàng chút nào. Tôi cắt tóc tém như con trai, chạy nhảy như quỷ, la hét như còi xe, và chỉ "bay lơ lửng" đúng nghĩa khi nằm dài dưới sàn nhà mát rượi sau một trận chiến giả đến đuối hơi. Vậy mà không hiểu sao, cái tên ấy cứ ở lại với tôi đến tận bây giờ – như một vệt ký ức mềm mại giữa cả đống ồn ào và hỗn loạn của tuổi thơ.

Còn Quạ – cái tên nghe như biệt danh nhưng tôi chẳng nhớ nổi tên thật của nó là gì nữa – thì khác hoàn toàn. Quạ có làn da ngăm ngăm rám nắng, tóc đen rối như tổ quạ đúng nghĩa, và đôi mắt sắc lạ kỳ so với một đứa con trai mới năm tuổi. Cậu ấy luôn có gì đó trầm hơn, lanh hơn và... có khí chất thủ lĩnh một cách vô thức. Trong mắt tôi ngày ấy, Quạ điển trai một cách rất khó tả – không phải đẹp kiểu trắng trẻo như mấy anh trên tivi chị họ tôi mê, mà là cái đẹp ngang ngược, nghịch ngợm. Có lẽ là bởi vì Quạ luôn dẫn đầu trong mọi trò phá làng phá xóm, từ trèo tường hái xoài đến bày trò nhảy từ bậc thềm tầng hai mươi tư xuống cầu thang như ninja. Tôi còn nhớ cái lần Quạ trèo sang ban công nhà hàng xóm để lôi trái banh bị rơi, lúc quay lại còn giơ lên quả gì đó chôm được trên ban công đối diện, cười toe toét: "Lấy nhầm đó, ai biểu trồng gần lan can làm chi!"

Ba đứa tôi – một đứa đầu trọc lóc, một đứa mắt sắc như mèo rừng, và một đứa là... tôi. Tôi cũng không chắc mình là kiểu gì trong cái hội ấy. Không nhanh nhẹn như Quạ, không tưng tửng như Tèo, nhưng bằng cách nào đó, tôi luôn ở chính giữa hai đứa. Lúc chơi thì tôi làm trọng tài, lúc chia đồ ăn thì luôn được phần to, lúc bị người lớn mắng thì hai đứa kia giấu tôi sau lưng, kiểu "nó không làm gì hết, tụi con rủ nó thôi." Tôi từng nghĩ, nếu có khái niệm "gia đình chọn lựa", thì tụi tôi đã là một gia đình như thế – không cùng máu mủ, nhưng thân thiết đến mức chẳng cần phân biệt.

Mẹ của Tèo và mẹ của Quạ, với tôi, cũng chẳng khác gì mẹ ruột. Mỗi khi mẹ tôi đi làm ca tối ở cơ quan, tôi sẽ được "gửi tạm" ở một trong hai nhà kia – tùy hôm. Cảm giác bước vào căn hộ nhà Tèo là ngửi thấy ngay mùi xà bông thoang thoảng – cái mùi thơm ngọt ngào như kẹo, bám vào khăn lau mặt và áo ba lỗ của Tèo. Còn nhà Quạ lại nồng đượm mùi khô mực nướng, không rõ từ đâu mà có, nhưng quen đến mức tôi cứ ngửi thấy là biết mình đang ở "vùng lãnh thổ" của Quạ.

Mỗi nhà đều có một chiếc ghế gỗ dài đặt gần cửa sổ – nơi tôi thường ngồi cùng mẹ của hai cậu, ăn bát cơm chan nước thịt, hoặc đôi khi chỉ là cơm với muối mè, mà sao vẫn thấy ngon đến kỳ lạ. Bữa cơm không có TV, không có điện thoại, chỉ có tiếng quạt quay kẽo kẹt và giọng người lớn kể chuyện trời ơi đất hỡi: chuyện bà ở tầng 12 mới chuyển tới không chịu đóng cửa sổ, chuyện ông bác bảo vệ ngủ gật bị tụi trẻ con dán sticker lên trán... Tôi ngồi nghe, đôi khi cười khúc khích, đôi khi gật gù như thể mình hiểu hết, mà thật ra trong đầu chỉ nghĩ đến chuyện tí nữa có được ăn kem hay không.

 Trong nhóm, tôi không phải thủ lĩnh được phong, nhưng kiểu gì cũng là đứa hét to nhất, bày trò nhiều nhất và đánh đau nhất. Mỗi lần tụi nó giành đồ chơi là tôi hét: "Im hết đi, đứa nào giành nữa là không được chơi luôn!" – và lạ cái, tụi nó nghe thiệt. Có lẽ cũng vì cái vẻ "hổ báo cáo chồn" đó mà tôi chơi được với Tèo và Quạ – hai đứa nghịch ngợm không kém, nhưng lại khá ngoan khi ở gần tôi. Mỗi lần ba đứa chơi chung, nhìn từ xa ai cũng tưởng tôi là thằng nhóc thứ ba, cho đến khi tôi lên tiếng – giọng the thé nhưng lanh lảnh – thì người ta mới à lên: "Ủa, con bé!"

Nhưng cũng vì chơi thân như thế mà thỉnh thoảng, các mẹ lại trêu chọc bằng cái giọng nửa đùa nửa nghiêm:

– Thế cái Mây thích Tèo hay Quạ đấy?

– Chọn đi con, mai mẹ làm mâm trầu cau cho!

Nghe xong, tôi lúc nào cũng lắc đầu nguầy nguậy như gà con gặp mưa, mặt nhăn như bị bắt uống thuốc đắng:

– Thích gì mà thích! Trời đất ơi, tụi nó là đệ của con mà!

Ừ, với tôi lúc đó, tình cảm đơn giản lắm. Tèo và Quạ không phải "crush", càng không phải "chồng tương lai" như các mẹ hay đùa. Tụi nó là đồng đội, là bạn đánh trận giả, là hai cái bóng luôn lẽo đẽo theo tôi mọi trò nghịch dại. Tôi không cần ai trong hai đứa "lấy làm chồng" cả – tôi chỉ cần tụi nó ở đó, chơi chung, cười chung, bị la chung – vậy là vui rồi.

Những ngày ấy – giữa tầng cao, nắng vàng và những tiếng cười không đầu không đuôi – tôi đã có một tuổi thơ yên bình đến mức chẳng bao giờ nghĩ sẽ có ngày phải nói lời chia tay.

---

Dưới tầng 14 còn có Mí – một cô bé khác trong nhóm chúng tôi, và cũng là người duy nhất có cái gì đó rất mỏng manh và dễ vỡ, như thể chỉ cần chạy nhanh một chút thôi cũng đủ khiến con bé bay mất luôn. Mí có đôi mắt to tròn như viên bi thủy tinh, trong vắt và luôn ánh lên một thứ gì đó mong manh khó tả – kiểu ánh nhìn của người hay mơ mộng. Con bé nói năng nhỏ nhẹ, luôn đều đều, và đặc biệt hay thở dài vô cớ. Hồi ấy chúng tôi thường trêu: "Mí lại nhớ thằng Quạ hả?", rồi cả đám ôm bụng cười trong khi Mí chỉ chu môi lườm một cái rồi quay đi, cái lườm cũng nhẹ như lông vũ bay trong gió.

Mí sống trong một gia đình theo kiểu "nghệ sĩ", hay ít nhất là theo cách tụi trẻ con tụi tôi hiểu. Mẹ của Mí dạy nhạc, còn bố hình như làm việc ở nhà xuất bản – tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ nhà Mí luôn có mùi giấy mới, mực in và một cái kệ cao tít đầy sách tranh màu mè. Có lẽ cũng vì vậy mà Mí sáng tạo hơn bọn tôi rất nhiều. Trong khi tôi, Tèo và Quạ còn đang mải tranh giành nhau con siêu nhân bị gãy chân, thì Mí đã cặm cụi dùng kéo cắt từng miếng bìa carton làm "điện thoại xịn" cho cả nhóm. Những chiếc điện thoại đó được vẽ tỉ mỉ bằng màu sáp, có hình mèo máy, siêu nhân, thậm chí có cả cái "nút gọi" màu đỏ được dán bằng miếng giấy dính.

Tôi vẫn còn nhớ rõ một lần, Mí mang lên tầng 24 cho chúng tôi một chiếc hộp đựng đầy "tác phẩm": những chiếc vòng tay đan từ len thừa mẹ bé, vài bức tranh sáp vẽ cảnh ba đứa tôi đang đánh trận, và một cuốn sổ tay nhỏ bìa cứng có dán nhãn "Bí mật của nhóm tụi mình – không được mở nếu không phải bạn thân!!!" Mí là kiểu người như thế – luôn lặng lẽ tạo ra những điều đẹp đẽ cho bọn tôi, dù chẳng ai bảo, chẳng ai nhờ.

Dù là con gái, Mí ít chơi búp bê như những đứa con gái khác cùng tuổi. Một phần vì con bé thích vẽ vời hơn, phần lớn còn lại là do bị tôi và hai thằng kia "đào tạo" thành đồng đội siêu nhân từ hồi mới bập bẹ đọc chữ. Nhìn Mí đội mũ nhựa, cầm kiếm nhựa và hét lên "xung phong!" dù giọng nhỏ xíu, tôi thấy chẳng có gì là sai cả. Nó vẫn là con gái như tôi, nhưng là kiểu con gái mà sau trận giả vẫn cặm cụi tô lại hình siêu nhân cho đậm màu.

Tôi vẫn nhớ một lần cả bọn chia phe đánh nhau giả: tôi và Mí là đội trưởng, còn Tèo và Quạ giành nhau làm phản diện. Cuộc chiến diễn ra ngay hành lang tầng 24, với bệ cửa sổ là căn cứ địa, cái ghế nhựa làm xe tăng và chiếc nắp nồi của mẹ Tèo được phong là "khiên bất khả xâm phạm". Chúng tôi hét vang trời, chạy qua chạy lại như gió, tay chân lem nhem mực bút lông và mồ hôi, nhưng gương mặt đứa nào cũng sáng bừng lên như thể vừa thắng một trận chiến thật sự. Mí là đứa duy nhất trong nhóm có thể vừa chiến đấu vừa... làm tư liệu, con bé tranh thủ lúc tạm nghỉ để vẽ lại cảnh ba đứa tôi đang "đánh nhau long trời lở đất", với đường nét loằng ngoằng nhưng màu sắc rực rỡ vô cùng.

Bốn đứa chúng tôi – một con bé hay mơ mộng, một thằng trọc đầu ngố tàu, một thằng nghịch như quỷ và tôi – đã sống trọn một mùa hè như thể thời gian là điều không tồn tại. Chúng tôi chia nhau từng viên kẹo me, từng lon Coca mẹ không cho uống, từng cái chăn mỏng trải dưới sàn khi lăn ra ngủ vạ sau buổi sáng quậy phá. Những buổi trưa nóng hầm hập, cả đám nằm vật ra sàn gạch mát lạnh, thở phì phò như những chú chó con mệt nhoài. Những buổi chiều, tiếng mẹ từ đầu hành lang vọng lại: "Tèo ơi! Về nhà!" hay "Quạ! Lại ăn vụng nữa hả trời ơi!"

Có một buổi chiều nọ, sau giờ học mẫu giáo, bốn đứa chúng tôi – tôi, Tèo, Quạ và Mí – lũ lượt kéo nhau về, ba lô còn chưa cởi hẳn ra lưng đã lập tức... chui tọt vào nhà con Mí. Căn nhà tầng thấp nhỏ nhỏ của nó luôn mát mẻ một cách khó hiểu, có mùi thơm ngai ngái từ bộ bàn ghế gỗ và thoang thoảng mùi giấy sách và màu vẽ trên gác.

Chúng tôi không vào để chơi búp bê – tất nhiên. Chúng tôi kéo một cái chiếu ra giữa phòng, hào hứng ngồi xem nó vẽ, mỗi đứa một tay chỉ trỏ:

– Ê vẽ tao siêu nhân đỏ đi!

– Tao siêu nhân xanh!

– Mí, tao muốn có đôi cánh! Tao muốn bay!

Mí – con bé mắt tròn long lanh như thủy tinh – lúc nào cũng cặm cụi tô tô, vẽ vẽ, vẽ xong lại xé tranh ra đưa từng đứa như trao vé bước vào thế giới riêng. Nhưng có hôm, nó cất luôn bút, nhảy phắt lên mở tivi, chuyển ngay kênh có chương trình Siêu Nhân Gao đang chiếu.

Tôi và hai thằng kia há hốc miệng. Con Mí trước đây từng chê bai mấy trò đánh đấm, suốt ngày vẽ hoa, vẽ bướm, vẽ công chúa. Vậy mà giờ... nó ngồi co chân, dán mắt vào màn hình, vừa nhai bim bim vừa hồn nhiên tranh vai siêu nhân hồng của tôi!

– Không được! Mí, tao mới là siêu nhân hồng!

– Kệ Mây, hôm nay tao đăng ký trước rồi!

Chúng tôi tranh cãi um sùm, Mí thì cười hì hì như thể vừa thắng lớn trong một cuộc chiến không khói lửa. Mẹ nó từ bếp nhìn ra, vừa lau tay vừa cười khúc khích:

– Trời ơi, con Mí dạo này nhiễm "tính trai" hết rồi! Hồi trước còn la mấy đứa kia đánh nhau ầm ĩ, giờ ngồi xem siêu nhân giành vai như thật...

Mẹ Mí không chỉ dễ thương, bà còn nấu ăn rất ngon. Mỗi lần bọn tôi tụ họp ở đó là kiểu gì cũng có đồ ăn: nào là mì xào xúc xích, khoai chiên, cá viên chiên chấm tương ớt, cả trà đá pha đường ngọt lịm như ở quán. Không phải tôi chê mẹ tôi hay mẹ của hai đứa kia, nhưng thật sự, mẹ Mí có một khả năng kỳ diệu trong việc hiểu khẩu vị con nít.

Chúng tôi ngồi chờ, bụng đói meo, vừa xem vừa ngửi mùi thơm lan ra từ gian bếp. Ai cũng chuẩn bị tinh thần để lao vào một bữa "quốc yến", tôi thậm chí còn lấy giấy lau tay trước như đang chuẩn bị dự tiệc...

Và đúng ngay lúc ấy – cánh cổng nhỏ kẽo kẹt mở ra, ba cái bóng quen thuộc xuất hiện như từ dưới đất chui lên: mẹ tôi, mẹ Tèo và mẹ Quạ – mỗi người một vẻ, nhưng chung một biểu cảm: cau mày, tay chống nạnh.

– Mây!

– Tèo!

– Quạ!

Cả ba chúng tôi đơ người như tượng, còn Mí thì giật mình làm đổ cả chén nước chấm. Lúc ấy, chúng tôi mới sực nhớ ra một chuyện động trời: đi chơi mà chưa xin phép ai hết. Quá mải mê với siêu nhân và đồ ăn ngon, ba đứa bỏ luôn bài bản "trình báo phụ huynh", và giờ thì...

– Dạ... tụi con... tụi con định xin nhưng... nhưng mà...

Không ai nói hết câu. Cơm chưa ăn, nhưng nỗi lo "no đòn" thì đã đầy bụng. Mùi khoai chiên vẫn thơm phức, bát cá viên vẫn còn nóng hổi, mà ba cái miệng nhỏ không đứa nào nuốt nổi một miếng. Mí nhìn tôi ái ngại, cố dúi cho tôi cái xúc xích như an ủi, nhưng tôi chỉ lắc đầu.

Cái cảm giác bị mẹ nhìn từ đầu đến chân, giữa lúc đang "trốn" ăn vụng, mới là món ăn kinh điển của tuổi thơ – món roi đang đợi tôi ở nhà, ăn vào nhớ suốt đời.

Giờ nghĩ lại, tôi ước gì mình có thể ghi âm lại hết – từng tiếng cười vang vọng giữa hành lang tầng 24, từng bước chân lon ton chạy dọc hành lang gạch đỏ, từng cái nhíu mày của Mí khi màu sáp bị lem, cả mùi bim bim Tèo giấu trong hộp giày cũ... Chúng tôi chẳng biết mình đang sống trong những ngày đẹp nhất đời. Chúng tôi chỉ biết là chúng tôi có nhau – và thế là đủ.

---

Rồi từng người, từng người một chuyển đi. Trước tiên là Quạ, ba cậu ấy đổi công tác, chuyển nhà sang quận khác. Ngày Quạ đi, tôi ngồi thừ ở ban công, nhìn cái xe tải chở đồ nhỏ dần giữa con đường nắng gắt. Sau đó là Tèo – cả nhà chuyển về quê vì bà nội bệnh. Tôi vẫn còn nhớ hôm chia tay, mẹ Tèo ôm tôi rồi dúi vào tay tôi một bịch bánh sữa nhỏ: "Tặng con, mai không thấy thằng Tèo phá nữa chắc con buồn lắm." Tôi không nói gì, chỉ lắc đầu. Nhưng tối đó, tôi đã khóc trong chăn.

Chỉ còn tôi và Mí. Một thời gian sau, đến lượt gia đình tôi cũng chuyển đi. Lúc thu dọn đồ đạc, Mí lên tầng chúng tôi chào tạm biệt tôi, tay ôm chặt cuốn sổ vẽ, ánh mắt nó long lanh như thể sắp khóc. Tôi vẫy tay. Không biết đó có phải lần cuối chúng tôi gặp nhau không, vì sau đó tôi không quay lại chung cư ấy nữa.

Mùa hè năm ấy khép lại, chẳng có tiếng ve nào kết thúc nó cả. Chỉ có những khoảng trống lặng im trong tim tôi – cái cảm giác lần đầu tiên biết xa bạn là như thế nào. Một nỗi buồn không thể gọi thành lời.

---

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com