Chương 2
Nhà mới của gia đình tôi nằm lọt thỏm giữa một khu đất mà nếu nói hơi quá thì chẳng khác gì vùng hoang sơ chưa được khai phá. Cả vùng ấy, vào thời điểm chúng tôi chuyển đến, rộng đến mức mắt tôi - một đứa trẻ năm tuổi - cứ tưởng có thể chạy mãi mà không đụng vào đâu. Vắng vẻ đến rợn người. Không hàng quán, không hàng xóm thân quen, chỉ có gió thổi và tiếng chim kêu vang từ những bụi cây rậm rạp đâu đó.
Cả khu chỉ có đúng bốn ngôi nhà xây rải rác, cách nhau bằng những bãi cỏ mọc cao đến tận đầu gối người lớn. Cỏ um tùm, xanh rì nhưng ngả vàng khi nắng chiếu thẳng vào, bập bềnh như sóng khi gió lùa qua. Mỗi lần đi học về, tôi phải rón rén men theo con đường đất đỏ - vừa hẹp vừa ngoằn ngoèo - để khỏi giẫm trúng đám bùn nhão bên cạnh. Đường chưa được đổ bê tông, lồi lõm, lấm lem và cứ mưa là ngập đến mắt cá. Có những chỗ lối đi bị lấn bởi mấy bụi cây dại, gai nhọn đâm vào vạt quần sột soạt, nghe rõ mồn một trong không gian yên ắng.
Hai bên đường là ao. Đúng vậy, ao - to và sâu, nước sẫm màu vì đầy bèo tây và rong rêu. Tôi từng đứng khựng lại chỉ vì nghe tiếng bõm từ trong đó, tưởng tượng ra một con gì đó trồi lên - cá sấu, thuồng luồng, hay con ma dưới nước - đủ khiến tôi vội vàng chạy thục mạng về nhà, dép trái dép phải không màng, cái thọt lên mắt cá chân, cái văng xuống đâu còn chả biết.
Ngôi nhà của tôi khi ấy là tòa "cao ốc" đúng nghĩa - năm tầng, mặt tiền sơn xanh nhạt, nổi bật hẳn lên giữa cả vùng đất trống. Ban công từng tầng đều có lan can sắt uốn lượn hình hoa, kiểu cách như nhà cổ Pháp nhưng sơn vẫn còn mới, chưa bong tróc. Mỗi lần có ánh mặt trời chiều hắt vào, ngôi nhà sáng lên trong nắng như một khối hình giữa biển cỏ xanh. Cũng vì cao nên từ tầng năm nhìn xuống, tôi thấy hết mọi thứ: đồng cỏ, ao, đường đất, ... và cả bóng những con trâu đen nhánh đang thong thả đi qua khu nhà như chủ nhân thật sự của nơi này.
Những con trâu đó khiến tôi vừa tò mò vừa... hơi sợ. Đám trẻ chăn trâu vẫn thường tụ tập ở bãi đất trống sau nhà tôi, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu như những tay cao bồi tí hon, thổi sáo trúc hoặc cười hò hét rượt nhau chạy trên cỏ. Trâu đi đâu cũng để lại dấu chân tròn trịa và mùi ngai ngái đặc trưng, in hằn trên mặt đất như một lời khẳng định: "Nơi này là của bọn tao."
Tôi nhớ có một buổi sáng mùa xuân, trời hửng nắng sau mưa, tôi đang loay hoay cài cúc áo để đi học thì nghe mẹ hét thất thanh từ tầng hai xuống:
- Trâu! Trâu vào kìa! Cái chuối mới trồng của mẹ!!!
Tôi chạy ào ra cửa, và cảnh tượng trước mắt khiến tôi không tin vào mắt mình: một con trâu to đùng - không phải kiểu to vừa, mà là to đến mức tôi thấy nó còn lớn hơn cái xe của bố - đang điềm nhiên đứng trước cửa nhà, đầu cúi xuống gặm ngấu nghiến cây chuối non mà mẹ tôi vừa trồng tuần trước. Lá chuối rách toạc, bẹ bị lật tung, đất xới lên lấm lem cả nền. Nó gặm, rồi nhai chóp chép như đang thưởng thức món ăn khoái khẩu nhất đời, còn cái đuôi thì vung vẩy như thể đang thư giãn.
Mẹ tôi thì đứng trên tầng hét vọng xuống, còn tôi chỉ biết đứng chết lặng, nửa hoảng hốt nửa kinh ngạc. Phải đến khi một đứa trẻ chăn trâu ở xa chạy tới hú lên mấy tiếng, con trâu mới thong dong quay đầu bỏ đi, để lại bãi chiến trường lầy lội và một cây chuối què quặt nằm nghiêng.
Ký ức đó theo tôi rất lâu - không chỉ vì sự ngạc nhiên khi thấy trâu phá nhà, mà vì nó nhắc tôi rằng dù nhà mình nằm ở thủ đô, có địa chỉ rõ ràng, nhưng những gì xung quanh lại hoàn toàn khác hẳn: thiên nhiên hoang dã, mênh mông, không rào chắn, không trật tự - và cũng không hề nhàm chán.
Nhưng không chỉ có trâu, đồng cỏ hay ao sâu làm tôi thấy bất an - thứ khiến tôi thực sự rợn người lại là một khu nghĩa địa cũ kỹ nằm ngay gần khu đất nhà tôi. Nó không có tường rào, không cổng, chẳng có lấy một cây hương hay ánh đèn leo lắt nào để làm dịu đi cảm giác lạnh lẽo. Chỉ là một khoảng đất hơi nhô cao lên so với mặt đường, cỏ mọc dại lấn hết cả lối đi, len qua những ngôi mộ rải rác và phủ kín từng viên gạch, từng mảnh bia đá.
Những ngôi mộ ở đó cũ đến mức tôi không đọc nổi chữ khắc, có cái vỡ nát, có cái nghiêng ngả như sắp đổ. Bia đá loang lổ màu thời gian, rêu xanh bám dày đặc như một lớp da khô héo của quá khứ. Ở đó thường chỉ có mỗi gió thổi qua., và cái gió ở đó lúc nào cũng lạnh hơn, lặng hơn, và thổi thẳng vào gáy tôi mỗi lần tôi trót liếc mắt về phía ấy. Không bóng người nào ở đó ngoại trừ những bước chân tình cờ của lũ trẻ con trong xóm chúng tôi - trong những lần chơi trốn tìm, đứa nào cũng cố tránh xa khu ấy như một điều luật ngầm.
Từ sân thượng tầng năm nơi nhà tôi đặt sào phơi quần áo - có thể nhìn xuống thẳng khu nghĩa địa đó. Lúc mới dọn về, tôi còn thấy thích. Từ trên cao, mọi thứ trông bé xíu, giống như mấy mô hình giấy trong truyện tranh tôi hay đọc. Nhưng dần dần, cái nhìn ấy càng mờ nhòe đi. Những gì bé xíu kia dần mang dáng dấp âm u, gợi lên một thứ im lặng đặc quánh mà tôi không tài nào lý giải được.
Tôi nhớ rõ có một tối gió thổi rất mạnh, trời chưa mưa nhưng mùi đất ẩm đã xộc lên ngai ngái. Tôi lên tầng phơi đồ giúp mẹ. Lúc ấy, tôi vừa kẹp chiếc áo trắng cuối cùng lên dây thì nghe thấy tiếng móc sắt ở đầu dây rung lên leng keng , như thể ai đó vừa khẽ giật vào. Tôi quay đầu lại, không có ai. Mọi thứ vẫn đứng yên, ao vẫn bay, dây vẫn căng. Nhưng cái cảm giác bị quan sát thì rõ ràng đến mức da gà nổi rần rần trên cánh tay.
Tôi không khóc, cũng không hét - nhưng tay chân run đến mức suýt đánh rơi cả cái kẹp áo. Tôi thu người lại, cúi đầu, bước thật nhanh về phía cầu thang mà không dám ngoái đầu nhìn. Cảm giác lúc ấy là nếu tôi lỡ quay lại, sẽ thấy gì đó mình không nên thấy. Và điều đó, đối với một đứa trẻ năm tuổi, còn đáng sợ chẳng kém gì mấy con ma trong phim kinh dị.
Có những đêm tôi mơ thấy khu nghĩa địa ấy. Trong mơ, tôi đứng ở sân thượng, gió vẫn thổi, và đột nhiên từ giữa những ngôi mộ cũ, có một người mặc áo trắng từ từ bước ra. Người đó không có mặt, không có tay mà là một cái bóng trắng trơn tuột như tờ giấy, lặng lẽ ngẩng đầu nhìn tôi. Tôi lúc nào cũng tỉnh dậy vào đúng khoảnh khắc đó - mồ hôi lạnh ướt gáy, tim đập thình thịch, mắt mở trừng trừng trong bóng tối phòng ngủ.
Vì thế, tôi luôn tìm cớ để không phải ngủ một mình. Nhất là vào mùa hè - cái mùa mà ve kêu suốt ngày, ếch nhái từ ao vọng lên suốt đêm. Ban ngày, tiếng ve nghe như nền nhạc cho một khung cảnh đầy nắng và tiếng cười. Nhưng ban đêm, chúng hóa thành một thứ âm ỉthanh kéo dài, đơn điệu, buồn thảm. Tiếng "ộp ộp" trầm trầm từ dưới ao, hòa cùng tiếng cây cối xào xạc, gió rít qua khe cửa - tất cả chắp vá thành một thế giới mà trong đó, giấc ngủ luôn đi kèm với những nỗi sợ mơ hồ cho tôi.
Mẹ tôi thường trêu:
- Ếch nó hát ru đấy, sợ gì con?
Tôi chẳng bao giờ dám cãi, chỉ cười hề hề. Nhưng trong lòng thì thầm nghĩ: nếu đây là ru ngủ, thì chắc chắn là bài ru của ma. Thế nên, tôi thường mon men chui vào ngủ với bố, hoặc lẻn vào giường với mẹ, giả vờ đi tìm gối hay "kiểm tra xem mẹ còn thức không". Tôi cần hơi người. Cần tiếng thở đều đặn. Cần cái động nhẹ của một ai đó trở mình để chắc chắn rằng mình vẫn còn ở thế giới của người sống.
Bây giờ, khi đã lớn, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn không khỏi bật cười. Có thể tôi đã tưởng tượng quá nhiều. Có thể khu nghĩa địa ấy cũng chỉ là một bãi đất vô danh của một thời cũ kỹ nào đó. Nhưng những nỗi sợ không tên ngày xưa - những giấc mơ kỳ lạ, những lần rùng mình giữa chiều gió - lại khiến tuổi thơ tôi trở nên sống động một cách kỳ lạ.
Như tôi đã nói, khu xóm nơi gia đình tôi chuyển tới hồi ấy chỉ vỏn vẹn có bốn căn nhà, nằm lơ thơ giữa bãi đất rộng như chưa được khai phá hết. Nhà tôi là căn thứ tư - cao nhất, mới nhất, còn thơm mùi gạch vữa. Ba căn còn lại nằm lùi về phía sau một chút, không sát hẳn vào nhau, mỗi nhà một vẻ, một nếp sống, một âm thanh quen thuộc vang lên mỗi sớm chiều.
Nhà gần nhất là nhà cô Hiền - người phụ nữ mà mẹ tôi thường gọi là "cô hàng xóm trẻ trung nhất xóm này". Cô có hai người con gái, một lớn một nhỏ. Đứa lớn tên Linh, bằng tuổi tôi, học cùng lớp mẫu giáo khi đó, tóc ngang vai, hay buộc cao lên như đuôi ngựa, dáng người hơi gầy nhưng mặt mũi sáng sủa, nét cười kín đáo. Em gái của Linh tên là Mèo - tôi cũng không rõ tên thật là gì, nhưng ai cũng gọi vậy, và con bé cũng chấp nhận điều đó như một phần tên mình. Mèo tròn trịa, má phính, lúc nào cũng mặc áo hai dây màu sặc sỡ và chạy lon ton quanh sân với cây kẹo mút to tướng. Hai chị em chẳng giống nhau chút nào: chị có nét xinh kiêu kỳ, em thì dễ thương như gấu bông.
Nhà thứ hai là nhà của chú Tuấn - dáng người cao gầy, nước da ngăm, giọng nói lúc nào cũng sang sảng. Vợ chồng chú có một đứa con gái tên Chíp. Nó gầy nhom như que củi, hai đầu gối lúc nào cũng trầy xước, mấy vết sẹo nhỏ vì trèo cây hay chạy té không biết bao nhiêu lần. Nhưng được cái, nó nghịch ngợm và nhanh mồm nhanh miệng, chơi gì cũng hăng, đánh nhau cũng dai.
Căn thứ ba là nhà bác Oanh - người phụ nữ lớn tuổi nhất trong xóm nhưng lúc nào cũng mặc áo cánh hoa và buộc tóc gọn gàng, hay cười hiền hiền. Bác có hai người con gái đã lớn, lớn đến mức mà tôi - lúc đó mới năm , sáu tuổi thì họ đã đang học đại học rồi. Mẹ tôi bảo, "đúng ra con phải gọi là bà Oanh đấy", nhưng bác Oanh chỉ cười:
- Thôi, gọi bác là được rồi. Bà nghe già lắm!
Tôi gật đầu vâng dạ, rồi vẫn gọi bác là "bác Oanh" như cách bác mong.
Cuối cùng là nhà bác Tuyến - một gia đình lúc nào cũng nhộn nhịp như thể lúc nào cũng có ngày Tết. Ba người con, hai trai một gái. Hai đứa con trai nghịch như quỷ sứ, hễ bọn tôi vừa quét sân xong là y như rằng chúng nó đá bóng làm tung đất cát lên hết. Tóc lúc nào cũng rối, áo luôn vắt vai chứ chẳng bao giờ mặc tử tế. Mẹ tôi bảo:
- Cả xóm không ai phá như hai thằng cu nhà bác Tuyến.
Nhưng ai cũng thương, vì chúng hiền lành, chỉ phá chứ không hư. Đứa con gái út thì mới chào đời chưa lâu. Bé xíu xiu, da hồng hồng như miếng mochi, mỗi lần khóc là cả xóm nghe thấy. Những hôm bé ngủ ngoan, bác Tuyến hay bế ra hiên nhà ngồi đung đưa võng, nhìn lũ trẻ con chúng tôi chơi đùa mà cười không dứt.
Mỗi nhà, một âm thanh. Một nhịp sống. Một hơi ấm.
Chúng tôi - đám trẻ của bốn căn nhà ấy - dù chẳng ruột rà máu mủ, nhưng tự khắc gắn bó với nhau như thể có sợi dây vô hình cột chặt vào từng tiếng gọi í ới giữa trưa hè, từng cục đất ném qua hàng rào, từng cái áo dính mực mà chẳng ai dám khai là của ai.
Hồi đó, khi tôi vừa dọn về xóm mới, những người bạn đầu tiên tôi thân là hai chị em Linh - Mèo, con cô Hiền, và con bé Chíp gầy nhẳng nhà chú Tuấn. Bốn đứa con gái tụm vào nhau như những cục kẹo dính, suốt ngày chạy loanh quanh sân xi măng trước nhà, miệng không ngừng í ới gọi tên nhau, tay chân thì không lúc nào sạch sẽ.
Chúng tôi coi nhau như chị em trong nhà, thân đến mức sáng ra vừa thấy mặt đã nhao nhao:
- Hôm nay ai làm đại ca?
Quy trình bầu chọn luôn bắt đầu bằng một trò thiêng liêng mang tính chất định mệnh: oẳn tù xì.
- Oẳn... tù... xì... ra cái gì ra cái này!
- Á... thua rồi!
- Kìa, Mây lại thắng!
- Sao chị Mây toàn thắng vậy trời?
Không hiểu tại sao, nhưng tôi luôn thắng. Cứ oẳn tù xì là tôi thắng. Có đứa bảo tôi phù phép. Có đứa giận dỗi gào lên "Chơi lại đi!". Nhưng cuối cùng thì vẫn phải cúi đầu cam chịu, xếp tôi ngồi lên ghế nhựa đỏ chót, long trọng tuyên bố:
- Đại ca Mây, có chỉ đạo gì ạ?
- Hôm nay... chơi gia đình đi! Tao làm bố, Linh làm mẹ. Mèo làm con. Chíp làm... con chó.
- Hả?! Sao em lại là chó?!
- Không thích thì đổi. Tao làm mẹ, Linh làm bố, Mèo làm chó, Chíp làm con trai.
- Ủa? Tụi mình toàn con gái mà...
- Kệ! Con gái cũng đóng vai được!
- Thôi được rồi... Nhưng làm chó là được ăn thịt gà đầu tiên nha!
- Chó gặm xương trước mà!
Vậy là trò "gia đình" diễn ra ầm ĩ khắp sân trước nhà cô Hiền. Mỗi đứa đội một cái rổ lên đầu, tay cầm muỗng nhựa làm micro, nói năng y như diễn kịch truyền hình. Có lúc đang đóng cảnh đi chợ thì Chíp bất ngờ nhảy xổ vào, tru lên "Gâu gâu!" làm cả lũ gào rú bỏ chạy. Có lúc Linh và tôi tranh cãi vì ai là người trả tiền điện.
Cho đến một hôm, tôi đang lom khom lấy cái ghế nhựa để "dựng cảnh" thì vô tình tay cấn phải một góc nhọn. Một vết rách nhỏ, máu rịn ra, chẳng đáng gì - nhưng với tụi nhỏ, đó như là thảm họa cấp quốc gia.
- Á!! Đại ca bị chảy máu rồi!!
- Trời ơi!!! Có ai có ơ gâu không?! Ở đâu có ơ gâu hả mẹ ơiii!!!
- Cứu! Cứu! Đưa đại ca vào nhà! Mèo, chạy đi lấy bánh mì!!! Nhanh lên! Cho ăn để đỡ mất máu!
- Trời ơi, cái tay đỏ hết rồi! Đỏ như tương ớt!
Tôi ngồi bệt dưới đất, mặt nhăn nhó, tay hơi rát nhưng bụng thì cười muốn bể. Bởi vì đứa thì giúi tôi bịch snack bò khô, đứa thì xé giấy vệ sinh lau máu cho tôi như bác sĩ thực thụ, đứa thì ngồi sụt sịt lo lắng thật sự.
- Mày... đừng chết nha. Tao còn chưa trả mày cái cặp kẹp tóc...
- Ừ... mai tụi mình vẫn chơi gia đình nha... đừng có bỏ tụi tao!
Tôi ngẩn người ra. Nhìn ba đứa nhóc con đang vây quanh mình, mặt mày lấm lem, lo lắng đến mức tưởng sắp mất người thân, tôi bỗng thấy lòng ấm lên như cái chăn bông mẹ tôi hay phơi dưới nắng. Vết thương thì nhỏ thôi, chắc chưa đầy một centimet. Nhưng tình cảm lúc đó - thì to lắm. Đủ để tôi nhớ mãi suốt những năm sau này, dù có đi qua bao mùa oẳn tù xì nữa.
---
Dù tôi cũng là con gái, nhưng từ sớm, tôi đã nhận ra mình không hợp với những trò "con gái" chút nào. Đám bạn chơi thân toàn là con gái: Linh, Mèo, Chíp - dễ thương, ngoan ngoãn, hay buộc tóc hai bên, chơi búp bê, làm đồ hàng . Kể cả con Chíp, dù nó có hơi nghịch xíu, nhưng nó vẫn ra dáng một đứa con gái. Nhưng tôi thì lại hoàn toàn ngược lại.
Tôi chẳng có nổi một con búp bê nào tử tế, không biết cắm hoa nhựa vào bình như mấy đứa nhỏ trong xóm, càng không biết nấu "cơm nước" bằng lá cây và nắp chai. Thứ tôi thích, là mô hình siêu nhân. Chính xác là Siêu Nhân Gao - cái series huyền thoại từng khiến đám con trai xóm tôi điên đảo suốt một thời gian dài. Và tất nhiên, đó là "di sản" tôi mang theo từ Tèo và Quạ - hai thằng bạn chí cốt của thời chung cư, những "đồng đội Gao" đầu tiên trong đời tôi.
Tôi nhớ, mỗi lần chơi là phải tranh nhau:
- Tao làm Gao đỏ!
- Không được! Hôm qua mày làm rồi!
- Tao mới mua cái thẻ biến hình nha! Tao có quyền!
- Vậy tao làm Gao vàng... Mày làm Gao đen đi!
Chúng tôi nằm bò ra nền gạch, tay cầm mô hình nhựa, miệng thì gào tên chiêu thức như thể đang chuẩn bị cứu thế giới khỏi một con quái vật đang tấn công chung cư tầng 24. Đám siêu nhân nhựa rơi lạch cạch xuống sàn, gãy tay gãy chân mà vẫn là báu vật.
Thế nên khi tôi về xóm mới, mang theo cả đống siêu nhân trong balo, tôi hí hửng khoe:
- Tụi bây biết siêu nhân Gao không? Tao có Gao đỏ, Gao trắng nè!
Ba đứa bạn mới - Linh, Mèo và Chíp - tròn mắt nhìn, rồi nghiêng đầu như thể tôi vừa nói tiếng ngoài hành tinh.
- Siêu nhân gì kỳ vậy chị Mây?
- Con gái gì mà chơi mấy thứ đó...
- Mà tóc chị Mây ngắn cũn, giống con trai lắm luôn á!
Tôi nhún vai, chẳng buồn giải thích. Có những sở thích mà không cần ai hiểu - miễn mình thấy thích là đủ. Nhưng thú thật, cũng có lúc tôi thấy buồn. Cảm giác như mình bị lệch nhịp khỏi cả đám, cứ phải nén lại cái phần ngầu ngầu cá tính trong mình để vừa vặn với "nhóm bạn con gái".
Chỉ có một người duy nhất trong xóm đó hiểu tôi. Và đó là... thằng con trai thứ hai của bác Tuyến.
Thằng đó tên gì tôi chẳng nhớ rõ - vì ai cũng gọi nó bằng biệt danh: "Thằng Tí phá". Không phải vô cớ đâu. Nó nghịch hơn cả Tèo và Quạ cộng lại, nghịch đến mức bác Tuyến lúc nào cũng phải kè kè cây roi mây treo trước cửa như một lời cảnh cáo.
Nó từng chỉ tôi cách chọc chó mà không bị cắn - bằng cách đứng sau hàng rào mà thè lưỡi ra trêu. Nó dạy tôi "chiêu" đạp xe không cầm lái, hai tay giang ra như chim bay, mắt nhắm tịt trong ba giây. Cũng chính nó là người rủ tôi đi hái trộm mận nhà hàng xóm, nhét đầy túi áo rồi vừa nhai vừa chạy trối chết khi bị rượt.
Tôi và nó hợp cạ đến mức tụi trẻ con khác phải đứng từ xa nhìn, vừa sợ vừa ngưỡng mộ:
- Trời ơi chị Mây chơi với thằng đó luôn hả?
- Ghê thiệt... hai đứa đó mà lập nhóm là xóm mình tiêu đời!
Ừ, lúc ấy tôi chẳng quan tâm gì ngoài việc có người hiểu mình. Không cười nhạo mô hình siêu nhân, không bắt tôi buộc tóc hai bên, không gọi tôi là "kỳ cục" chỉ vì tôi không biết ru con búp bê bằng giọng ru "Ầu ơ".
Chỉ cần vậy thôi - tôi thấy mình có chỗ đứng. Một vị trí nhỏ xíu trong đám trẻ ồn ào, nhưng là của riêng tôi.
Thằng Tí nhỏ hơn tôi một tuổi, nhưng thằng đó lanh như chớp, láu cá như quỷ, và có một cái sở thích đặc biệt: chuyên đi hù người khác, mà người nó khoái hù nhất lại chính là tôi. Nó biết tôi sợ ma, sợ đến mức nghe tiếng cửa kẽo kẹt là đủ co chân chui vào chăn. Thế là cứ rảnh là nó bịa chuyện:
- Ê, hôm qua tao đi ngang nghĩa địa sau nhà, tao thấy có người mặc áo trắng, tóc dài, đứng quay lưng lại. Tao gọi hoài không quay...
- ... Rồi sao?
- Rồi... không có rồi gì hết. Mày nghĩ xem, sao mà nó không quay?
Tôi nghe mà rợn tóc gáy, miệng gào lên "Im điiii", nhưng trong lòng thì đêm về run cầm cập, nghe gió lùa thôi là đủ tưởng tượng ra cả chị áo trắng với hai hốc mắt đen thùi lùi.
Cái ác là nó rất biết điểm yếu của tôi, và càng tôi nhát thì nó càng được đà dọa tiếp. Lúc nào cũng bày ra cái giọng trầm trầm rủ rỉ:
- Mày biết không, chỗ gốc đa cuối đường có người treo cổ hồi xưa đó...
- Ở nhà bà Hạnh có cái gương mà nửa đêm soi vô sẽ thấy người đứng sau...
- Có lần tao đi ngang cái nhà hoang, thấy đèn tự nhiên bật lên...
Cứ thế, mỗi lần chơi về là tôi bám lấy mẹ, không rời nửa bước, nằm ngủ còn phải kéo chăn che kín đầu như cái bánh tét.
Ấy thế mà tôi vẫn chơi với nó. Còn đi đạp xe cùng nó ra tận khu nhà cũ - cái khu chung cư mà tôi từng sống với Quạ, Mí, vàTèo. Đó là một chiều nắng hanh, trời trong veo, tôi chẳng ngờ hôm ấy lại là một cuộc phiêu lưu khốn khổ.
Tí đạp xe dẫn đường, còn tôi hí hửng theo sau, lòng hồi hộp khi nghĩ tới việc được thấy lại "quê cũ". Nhưng tới nơi, tôi mới ngớ người nhận ra: khu nhà cũ hóa ra không xa như tôi tưởng - chỉ là tôi không nhớ đường về thôi.
Tôi còn đang loay hoay ngắm nghía, thì Tí dựng xe, quay sang cười đểu:
- Thôi, tao về nha. Mày tự nhớ đường về đi!
- Cái gì?!
- Thử trí nhớ đi. Từng là đại ca mà!
Rồi nó leo lên xe phóng cái vù, bỏ lại tôi đứng như trời trồng giữa con đường lạ hoắc, nắng đang tắt dần. Hoàng hôn đổ xuống, ánh sáng nhuộm mọi thứ thành màu cam đỏ chạng vạng, bóng cây dài ngoằng trườn lên vỉa hè như những cái tay mảnh khảnh.
Tôi bắt đầu hoảng. Vừa đạp xe vừa ngó nghiêng. Nhà ai cũng lạ, đường nào cũng na ná nhau. Đầu óc tôi quay như chong chóng, tim đập thình thịch vì vừa sợ lạc, vừa sợ "chị áo trắng" mà Tí kể lảng vảng đâu đó.
Cuối cùng, mất gần một tiếng, tôi mới mò được về nhà, mặt mày bơ phờ, bụi đất bám đầy chân. Nhưng còn chưa kịp kêu "Mẹ ơi!", thì mẹ tôi - tay vẫn cầm roi mây - từ đâu bước ra với vẻ mặt lạnh như băng:
- Về rồi đấy à?
- ... Dạ...
- Đi đâu từ chiều tới giờ?!
- ... Dạ... con đi chơi...
Không chờ tôi giải thích gì thêm, mẹ tôi vung roi. Tôi hét toáng, vứt cả xe, chạy khắp xóm như vịt bị dí. Mèo và Linh đang ngồi bày trò nấu ăn bằng lá cũng há hốc mồm nhìn theo, Chíp thì vỗ tay cười khanh khách như xem xiếc.
Thằng Tí thì đứng nép sau cổng, nhe răng cười như chó được xương. Tôi thề, nếu không đang bị rượt thì tôi đã quay lại đạp cho nó một cái rồi!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com