8/ Một là tới nhà trọ, hai là qua Campuchia.
Nguyên Kỳ nằm trên giường, mắt liếc nhìn tờ giấy có địa chỉ nhà trọ mà lúc nãy Đình An viết tay đưa cho y. Bởi vì Nguyên Kỳ không có điện thoại nên hắn không thể viết vào ghi chú giúp y, còn nếu nói miệng thì lại sợ Nguyên Kỳ sớn sác, ngủ một giấc rồi ngày mai thức dậy lại quên béng đi thì tiêu đời, vậy nên Đình An chọn cách viết tay ra cho chắc ăn. Người ta cũng hay nói "nét chữ là nết người", vậy nên chỉ cần nhìn vào từng con chữ gọn gàng, nghiêm túc và vuông vức trên tờ giấy này thôi thì Nguyên Kỳ cũng đủ hình dung ra được phần nào tính cách của người viết: cẩn trọng, rõ ràng, không thích vòng vo.
Tờ giấy mỏng được Đình An gấp lại làm đôi, đường gấp thẳng thớm không hề bị lệch đi dù chỉ một chút. Trên giấy chỉ ghi vỏn vẹn một dòng địa chỉ, bên dưới là hai số điện thoại, một là số của chủ trọ, hai là của Đình An. Dưới dòng địa chỉ có kèm theo lời căn dặn rõ ràng:
[Ra viện lúc 9 giờ sáng. Lấy tiền tôi cho bắt taxi, cấm đi bộ. Gọi điện thông báo cho chủ trọ trước khi tới. Đợi người ra mở cổng rồi hãy vào. Có gì không thoả đáng thì gọi điện cho tôi.]
Không thừa một chữ nào cũng không thiếu một lời nào. Từng chữ đều được viết bằng bút bi xanh, nét chữ đều đều, không nghiêng ngả, không nét thanh nét đậm, câu từ không hoa mỹ cũng không mềm mại nhưng lại có một kiểu ấm áp và cứng rắn rất riêng.
Nguyên Kỳ vuốt nhẹ lên mép giấy rồi ngửa mặt nhìn lên trần nhà, trong lòng dâng lên một thứ cảm xúc khó gọi thành tên. Ngày mai y sẽ ra viện một mình. Và vì biết điều đó nên Đình An đã dặn dò kĩ lưỡng từng li từng tí một, lo lắng chu toàn đến mức chẳng còn chỗ nào để Nguyên Kỳ tự mình lo liệu nữa. Hắn viết tay dòng địa chỉ nhà trọ rất rõ ràng, viết rất to ngay giữa tờ giấy như sợ nếu viết quá nhỏ thì Nguyên Kỳ sẽ đọc nhầm rồi bị lạc. Câu sau còn viết thế này: "Lấy tiền tôi cho mà bắt taxi.". Câu đó được Đình An đè ngòi bút viết xuống đậm đến mức muốn rách cả tờ giấy, gạch chân và thậm chí còn khoanh tròn, chỉ thiếu mỗi việc dán tờ giấy lên trán Nguyên Kỳ cho y khỏi quên. Hắn biết Nguyên Kỳ sẽ tiếc tiền, cũng biết y sẽ muốn đi bộ cho đỡ tốn. Và hắn cấm. Ghi hẳn ra giấy mà cấm.
Sự chu đáo, tỉ mỉ ấy không phải ai cũng có, cũng không phải ai cũng có thể sẵn sàng trao đi cho người khác nhiều đến vậy. Đặc biệt là dành cho một người như y - không thân, không quen cũng chẳng có lý do gì để được người khác chăm lo đến mức ấy.
Nguyên Kỳ thở hắt ra một hơi, ngón tay mân mê tờ giấy gấp gọn trong lòng bàn tay.
Lời Đình An dặn tất nhiên là quan trọng, nhưng mà... tiền bạc thì vẫn quan trọng hơn.
Dẫu cảm động bao nhiêu, trái tim có ấm áp đến mấy thì não bộ của Nguyên Kỳ vẫn chưa bao giờ quên một sự thật: Mình là nô lệ của đồng tiền.
Không phải kiểu bán mạng vì tiền, không phải kiểu người sẽ vì đồng tiền mà sẵn sàng làm chuyện phạm pháp hay vì tiền mà đi làm điều thất đức. Nguyên Kỳ chỉ là người dễ dàng bị đồng tiền chi phối thôi. Là người mà mỗi lần nghe đến hai chữ "miễn phí" thì mắt sẽ sáng lên. Mỗi lần thấy tờ hóa đơn thì lòng sẽ quặn lại. Mỗi lần nghe chữ "giảm giá" là trên đầu mọc ra hai cái tai, sau lưng mọc thêm một cái đuôi ngoe nguẩy, trưng ra bộ dạng vui vẻ mừng rỡ khôn xiết.
Tiền bạc chưa từng làm mờ mắt Nguyên Kỳ, nhưng nó luôn dễ dàng khiến y chệch hướng.
Vậy nên bây giờ, bên tay trái là mảnh giấy viết tay của Đình An với căn nhà trọ uy tín đàng hoàng, bên tay phải là lời hứa hẹn ngọt xớt về một nơi "môi trường tốt, giá cả hợp lý" từ một người nhìn như dân lừa đảo nhưng được đóng mác là bạn thân mười lăm năm của Đình An.
Nguyên Kỳ nghiêng đầu ngẫm nghĩ: Một bên là an toàn. Một bên là... rẻ.
Mà trước giờ cái gì có chữ "rẻ" thì cũng đều hấp dẫn Nguyên Kỳ. Ai mà nói "của rẻ là của ôi" thì Nguyên Kỳ sẽ giận liền, sẽ nghỉ chơi với người đó luôn. Bởi vì suốt bao nhiêu năm sống kham khổ, cái mà người ta gọi là "của rẻ" chính là bạn thân của Nguyên Kỳ. Là người bạn luôn ở bên những ngày y cạn túi, là lựa chọn đầu tiên mỗi khi đi chợ, là chân lý sống còn mỗi lần phải cân đo đong đếm từng nghìn đồng.
"Ủa đồ rẻ đâu có nghĩa là đồ dở, là đồ bỏ đi đâu? Chẳng qua do người ta không biết lựa chọn thôi. Còn mình biết lựa chọn chứ bộ?"
Đó là câu mà Nguyên Kỳ hay nghĩ mỗi lần trong túi hết tiền.
Nguyên Kỳ đã từng ăn cơm hộp chay mười ngàn mà ngon tới mức rơi nước mắt, từng mặc áo giảm giá ngoài chợ đêm mà được khen "mắt thẩm mỹ tốt ghê", từng mua được quyển sách cũ với giá rẻ bèo mà chất lượng thì y như mới khui seal. Cho nên, sâu trong thâm tâm của Nguyên Kỳ, y xem "rẻ" là một kiểu phúc phần. Là vận may được rơi trúng đầu. Là tín hiệu của vũ trụ gửi tới.
Và bây giờ, cái vận may ấy đang lấp ló sau một cái mũ bucket đen thui, đang nói mấy câu rủ rê ngọt như đường, đang dụ dỗ y bằng một thứ hấp dẫn mang tên "chỗ ở giá vài trăm, môi trường lý tưởng, chỗ người quen.".
Nguyên Kỳ gác tay lên trán, ánh mắt đăm chiêu nhìn lên trần nhà như thể đang cân nhắc chuyện quốc gia đại sự. Nhưng thật ra trong lòng y chỉ đang gào rú lên những phép tính hết sức tầm thường: Nếu ở trọ chỗ kia, mỗi tháng mất vài trăm, ăn uống dè sẻn một chút thì vẫn dư được mấy đồng. Còn nếu theo địa chỉ Đình An đưa, giá nhà cao hơn gấp mấy lần, tiền sinh hoạt cũng cao theo... Vậy thì kiếm tiền đến bao giờ mới trả hết nợ cho hắn?
Không được. Không ổn. Không khả thi.
Mà cái người mũ đen kia cũng đâu phải ai xa lạ đâu. Người kia là bạn thân mười lăm năm của Đình An mà? Mười lăm năm! Có ai quen biết nhau lâu như vậy mà lại đi lừa nhau không? Mà nếu anh ta là dân lừa đảo thì chẳng lẽ Đình An không biết?
...Không, chắc là không đâu. Đình An thông minh như vậy, đâu dễ gì bị dắt mũi.
Nguyên Kỳ gật gù, cảm thấy lý lẽ trong đầu mình nghe cũng hợp tình hợp lý. Y liếc nhìn tờ giấy trong tay lần nữa rồi thở ra một hơi thật khẽ.
Cảm ơn anh Đình An vì sự chu đáo, nhưng mà... nếu tiết kiệm được vài trăm thì em vẫn sẽ tiết kiệm.
Dù gì cũng là chỗ người quen. Lại còn quen thân ơi là thân nữa. Nên chắc là không sao đâu.
Ha?
_____
Đúng tám giờ sáng, Nguyên Kỳ đã đứng ngay ngắn trước cổng bệnh viện, tay xách theo túi đồ nhỏ đã được chuẩn bị từ đêm qua. Trời hôm nay hửng nắng, bầu trời trong veo một cách hiếm hoi sau nhiều ngày mưa tầm tã. Ánh nắng sớm trải nhẹ lên mái tóc, lên vành tai, lên cổ áo sơ mi trắng vừa được ủi phẳng phiu từ lúc còn tờ mờ sáng. Cái túi trong tay Nguyên Kỳ cũng đã được y lau chùi sạch sẽ, dây kéo kiểm tra tới lui mấy bận, đồ đạc sắp xếp ngăn nắp, đặt lên đặt xuống nhiều lần mới chịu yên tâm mang theo.
Nghĩ lại thấy cũng kỳ. Hôm nhập viện, Nguyên Kỳ vào đây với một thân thể vừa rách vừa dơ, trên người là bộ đồ lấm lem máu và bùn, ướt sũng, thảm thương. Cái bộ đồ đó chắc đã bị Đình An đem vứt sọt rác luôn rồi hay sao ấy. Lúc đó ngoài cái mạng què của mình ra thì Nguyên Kỳ chẳng còn gì khác. Ấy thế mà hôm nay, lúc bước ra khỏi viện lại trông như người hoàn toàn khác: áo sơ mi trắng, quần jeans xanh nhạt, giày sneaker trắng tinh, tóc tai được cắt tỉa gọn gàng, trông ra dáng tử tế hẳn hoi. Nếu không tận mắt chứng kiến quá trình điều trị thì chẳng ai đoán được Nguyên Kỳ từng nằm bẹp dí suốt một tuần liền với cái hoá đơn thuốc dài tới mức cuộn lại cũng đủ quấn tròn hai vòng cổ tay.
Nguyên Kỳ liếc nhìn tấm kính bên hông toà nhà bệnh viện, soi thấy chính mình rồi khẽ cười một cái. Không phải cười vì thấy bản thân đẹp trai gì cho cam, mà là cái kiểu cười ngại ngùng xen lẫn buồn tủi do chẳng biết nên cảm thấy biết ơn hay thấy mắc cỡ. Bởi lẽ, từ áo mặc đến giày mang, từ giỏ xách đến vài tờ tiền chẵn nhét trong túi, thứ gì trên người y cũng đều là của Đình An đưa cho cả.
Sau hơn một tuần nằm viện, đây là lần đầu tiên Nguyên Kỳ bước ra đến tận cổng chính, nhìn thấy bảng tên to đùng của bệnh viện được mạ vàng treo lừng lững phía trên. Nguyên Kỳ ngẩng đầu đọc từng chữ một rồi khe khẽ thở ra.
Một tuần nằm trong bệnh viện tư nhân với căn phòng buổi sáng có view cây xanh, buổi tối có view thành phố sáng đèn, nước ấm pha sẵn, điều dưỡng gọi một tiếng là có mặt, phục vụ tận tình, chăm sóc chu đáo. Và cái giá phải trả tổng cộng là hơn hai chục triệu. Nguyên Kỳ không cần nhìn lại hoá đơn cũng nhớ rõ từng hạng mục, từng con số được in đậm rõ nét.
Thật sự là xa hoa quá mức cho phép rồi.
Nguyên Kỳ đứng đó, tay ôm giỏ đồ, mắt ngó nghiêng nhìn dòng xe chạy qua chạy lại trên con đường trước cổng. Ánh nắng buổi sáng vừa dịu nhẹ vừa trong trẻo, xung quanh đầu mũi có mùi cây cỏ mới cắt, có mùi thuốc sát trùng từ trong khu điều trị thoảng ra và có cả mùi của sự hồi hộp đang phảng phất quanh lồng ngực.
Nguyên Kỳ biết, đáng lẽ giờ này phải gọi taxi nhờ tài xế đưa mình đến địa chỉ được ghi trên tờ giấy, đến đúng nơi, gõ cửa đúng căn trọ mà Đình An đã tốn công dò hỏi và tìm kiếm cho mình vào đêm qua. Trên lý thuyết thì là vậy. Còn thực tế thì...
"Này, Maltese!"
Nguyên Kỳ giật mình ngẩng đầu lên. Cái người mặc đồ đen thui như một bóng ma đô thị hôm qua đang đứng chắn ngay trước mặt y. Hôm nay cũng như hôm qua, vẫn là mũ bucket, vẫn là áo khoác dài, vẫn là nụ cười toe toét không hề chứa lấy một chút lo âu phiền muộn nào. Người kia cười hì hì bước tới, vỗ vai Nguyên Kỳ một cái rõ kêu:
"Đúng giờ ghê ta!"
Nguyên Kỳ cúi đầu chào người kia một cái cho lịch sự, hai tay vẫn ôm chặt giỏ đồ. Người kia cười tươi ơi là tươi, vung vẩy chìa khóa xe:
"Xe đậu ở kia kìa, đi thôi, hôm nay anh dẫn em đi tham quan nhà mới!"
Nguyên Kỳ nghe vậy thì lặng lẽ sờ tay vào túi quần bên phải, nơi cộm lên một góc giấy nhỏ được gấp gọn nhét bên trong, đó là tờ địa chỉ nhà trọ mà Đình An đã viết tay đưa cho y từ hôm qua. Nguyên Kỳ đứng thừ ra một lúc, tự hỏi:
Giờ sao ta...?
Y ngước mắt lên nhìn người kia đang đứng cách mình vài bước, vẫn là dáng vẻ tùy tiện như hôm qua: miệng ngậm kẹo, người khoác áo khoác, chỉ khác ở chỗ là bây giờ anh ta tháo mũ bucket ra và thay bằng cái nón bảo hiểm màu đen. Người ta đã tới tận nơi đón mình rồi, bây giờ mà mình đổi ý nói "Thôi anh về đi, em không đi nữa" thì chẳng phải là bất lịch sự lắm sao? Nhưng mà... chuyện y không đến chỗ trọ của Đình An, y cũng chưa nói với hắn. Tối qua Nguyên Kỳ đã định nói rồi, nhưng y không có điện thoại nên cũng không liên lạc được.
Do dự một lúc lâu, cuối cùng Nguyên Kỳ cũng ngập ngừng lên tiếng:
"Anh ơi, cho em mượn điện thoại một chút được không ạ? Em... em gọi cho anh Đình An, báo ảnh biết chuyện em đổi chỗ thuê... không thôi... ngại lắm..."
Người kia quay lại nhìn y, mắt sau kính râm nhướng lên, miệng nhai kẹo kêu "lốp bốp":
"Gọi chi giờ này? Họp rồi."
"Dạ?" Nguyên Kỳ chớp mắt. "Họp gì ạ?"
"Họp ban điều hành." Người kia rút cây kẹo ra khỏi miệng, liếm nhẹ một vòng rồi lại đút vào. "Sáng nay là buổi tổng rà soát quý, có cả CEO và mấy vị trong hội đồng quản trị tham dự. Gọi lúc này là gọi vào giữa cao điểm đấy nhá!" Người kia ngả người ra sau, chân đạp nhẹ lên chân chống xe. "Mấy thằng cha trong ban đó không phải dạng dễ tính. Lỡ Đình An đang trình bày mà bị cắt ngang chỉ vì một cuộc gọi riêng, làm ảnh hưởng tới quyết định chiến lược hoặc bị đánh giá thiếu chuyên nghiệp thì không phải chuyện nhỏ đâu."
Nguyên Kỳ nghe tới "hội đồng quản trị", "chiến lược kinh doanh", "thiếu chuyên nghiệp" là mặt xanh lè như tàu lá. Chưa gì mà Nguyên Kỳ đã tự tưởng tượng ra một tòa nhà cao chọc trời, nơi có Đình An đang đứng trước màn hình chi chít số liệu, xung quanh là một đám người mặc vest đen mặt lạnh như băng đang nghiêm túc nghe trình bày. Còn Nguyên Kỳ - một đứa đang xách giỏ đứng chờ ngoài cổng bệnh viện - mà lỡ bấm gọi điện thoại vào lúc đó? Lỡ hắn bị phê bình, bị giảm uy tín, thậm chí... bị cách chức? Trời đất mẹ ơi...
Thấy mặt mũi Nguyên Kỳ trắng dã vì sợ hãi, người kia càng thích thú hơn, không chịu tha mà tiếp tục nhai kẹo lép nhép và hù dọa đều đều:
"Cái buổi họp sáng nay quan trọng lắm đó nha, ngoài chuyện rà soát doanh thu thì còn phải giải trình mảng đầu tư mới với mấy ông trong ban điều hành nữa đó. Nhóc mà gọi lúc này, lỡ Đình An đang trình bày phương án mà điện thoại rung lên, bị mất nhịp, đọc sai một con số thôi là đồ thị chứng khoán bên sàn trượt dốc liền. Nhìn cái biểu đồ đỏ lòm từ trên xuống dưới, mấy cổ đông ngồi họp chắc trào máu tại chỗ."
Hả... Cái gì cơ?
"Ông nào đó trong hội đồng mà nổi giận là có khi bán tháo cả danh mục đầu tư luôn. Đến lúc đó thì bảng giá chứng khoán đỏ lòm, đồ thị rớt như lao dốc không phanh, ban lãnh đạo rung rinh hết, rồi cậu ta bị triệu hồi lên phòng kiểm soát nội bộ trình bày lý do vì sao lại làm đổ cả thị trường..."
Nói đến đây, người kia nhấn nhá từng chữ:
"Thử nghĩ đi... nếu vì một cuộc gọi mà giá cổ phiếu giảm 3 điểm phần trăm, vốn hóa thị trường mất vài chục tỷ đồng thì ai chịu trách nhiệm đây ta?"
Nguyên Kỳ nghe tới "cổ đông", "cổ phiếu" gì đó thì tròn mắt, đầu tự nhiên hơi choáng choáng. Cái gì mà nghe như tài phiệt trong phim Hàn Quốc vậy trời?
Tự nhiên vì một cuộc gọi của mình mà sàn chứng khoán công ty người ta rớt xuống cái ầm? Nguyên Kỳ mới nghĩ đến đó thôi là cả người đã lạnh toát. Trong đầu đột nhiên hiện lên một bảng đồ thị tài chính y từng thấy thoáng qua đâu đó với cái đường biểu diễn đỏ chót, cong cong đi xuống như cái máng trượt nước ở công viên, bên cạnh là đám đông nhà đầu tư tay ôm đầu, miệng kêu gào thất thanh. Nguyên Kỳ tưởng tượng đến cảnh sàn giao dịch nhốn nháo, nhân viên kêu la inh ỏi, đập bàn đập ghế, Đình An thì cầm bút ký nhầm chỗ nên bị mời ra khỏi phòng họp, cổ phiếu lao dốc, giá trị công ty bốc hơi mấy trăm tỷ. Tất cả chỉ vì một cuộc gọi... của mình.
Y vốn không rõ Đình An làm nghề gì, chỉ biết hắn là người có tiền thôi. Không phải cái kiểu người đợi đến ngày lãnh lương, lên phòng kế toán nhận tiền rồi cầm từng tờ một lên đếm trong vui sướng mà là kiểu chỉ ngồi cà phê ba mươi phút, cổ tức đã tự đẻ ra mấy triệu. Giờ lại nghe cái giọng điệu rành rẽ của người kia, y bắt đầu mơ hồ nhận ra... có lẽ mình đã dính líu tới một nhân vật bước ra từ phim Hàn Quốc rồi, lại còn là nhân vật chính con nhà tài phiệt, sống ở tầng lớp thượng lưu các kiểu nữa chứ...
Người kia vẫn nhai kẹo, tay lục túi rút điện thoại chìa ra trước mặt Nguyên Kỳ với nụ cười nửa miệng như cố tình trêu chọc:
"Nè, gọi đi, đừng ngại. Cùng lắm thì Đình An bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp trong công việc thôi, bị chuyển xuống phòng hành chính hoặc cho nghỉ phép không lương một tháng là xong. Không sao đâu nè!"
Nguyên Kỳ giật bắn người, xua tay lia lịa:
"Dạ thôi! Thôi ạ! Chút nữa em gọi cũng được... lúc nào anh ấy rảnh em gọi sau ạ!"
Người kia nhìn vẻ mặt sợ hãi của Nguyên Kỳ thì không nhịn được mà cười rộ lên. Người kia kéo Nguyên Kỳ lại gần, đưa cho y cái nón bảo hiểm, vừa nhìn y gài quai nón vừa lầm bầm như chêm thêm dầu vào lửa:
"Cũng được. Cổ phiếu mà tụt là khổ lắm. Hôm trước có công ty bị phốt thôi mà giá trị thị trường bay màu gần trăm tỷ đó. Nhóc không biết thôi chứ ảnh mà làm phật lòng mấy cổ đông già khó tính thì không khéo tuần sau lên báo luôn chứ chẳng đùa."
"Em... em không muốn anh Đình An ở tù đâu anh..."
Nguyên Kỳ nói xong thì rụt cổ lại như mèo mắc mưa. Người kia nhìn thấy biểu cảm đó thì cười rộ thành tiếng, vừa khởi động xe vừa lầm bầm:
"Dễ dụ ghê, nói gì tin nấy."
"Dạ?"
"Không có gì đâu, lên xe đi cưng."
Nguyên Kỳ nghe vậy cũng nhanh chóng leo lên xe máy của người kia, tay vịn hờ vào gờ yên sau, miệng không dám mở, mắt cũng không dám nhìn bậy, trong đầu thì lại quay cuồng như chảo dầu sôi bị khuấy tung. Mỗi lần xe lăn bánh qua một cái ổ gà là trái tim Nguyên Kỳ cũng nhói lên theo, kèm với đó là một chuỗi hình ảnh tưởng tượng khủng khiếp:
Đình An thất thần rời khỏi phòng họp, cà vạt lệch một bên, cổ phiếu công ty đỏ rực như máu, nhà đầu tư chửi bới đập bàn, quản lý tài chính gào lên trong vô vọng. Còn hắn thì... bị còng tay dẫn đi giữa tiếng xì xầm. Chỉ tưởng tượng vậy thôi mà Nguyên Kỳ muốn khóc tới nơi rồi.
Ngồi một lúc, Nguyên Kỳ không nhịn được tò mò mà chồm người lên một chút, ghé sát vào lưng người kia, cẩn thận hỏi nhỏ như sợ gió thổi bay mất câu chữ:
"Anh... anh Đình An làm nghề gì vậy anh?"
Người kia không quay lại, vẫn tập trung nhìn đường lái xe nhưng lại cười khì khì:
"Sao? Mới nói đó mà giờ tò mò rồi hả?"
"Dạ... tại em thấy ảnh lúc nào cũng bận, mà không hiểu bận cái gì. Hồi đợt em cứ tưởng ảnh là lính cảnh sát hay lính cứu hoả gì đó..." Nguyên Kỳ nói tới đây thì tự thấy mình quá trời là ngu ngốc, xấu hổ muốn chết luôn.
"Lính cứu hoả hả? Cái mặt đó chỉ có đốt nhà người ta chứ sao mà dập lửa được hả em?" Người kia bật cười ha hả, cười xong mới nói. "Đình An là giám đốc chiến lược của HOSE. Mấy năm gần đây chuyển sang phát triển cả mảng tài chính. Vậy nên sáng nay họp là họp chiến lược tái phân bổ danh mục cổ phiếu, ảnh hưởng trực tiếp đến hướng đi của quỹ thị trường luôn đó."
Nguyên Kỳ ngẩn người, gãi gãi má.
"HOSE... nghe quen quen. Hình như em có thấy trên báo hay gì đó thì phải..."
"Ừ, quen là đúng rồi. HOSE là viết tắt của Holdings of Strategic Equity. Công ty tư nhân thôi nhưng đầu tư thì toàn hạng nặng. Nào là tài sản chiến lược, thị trường vốn, M&A, tái cấu trúc doanh nghiệp, tư vấn quản trị... nói chung là tay to trong giới tài chính." Người kia liếc gương chiếu hậu, nhếch mép cười. "Ngày xưa chỉ là một boutique firm nhỏ thôi, giờ thì có mặt trong top ba công ty quản lý tài sản tư nhân có tầm ảnh hưởng nhất Đông Nam Á rồi. Ghê chưa?"
Nguyên Kỳ nghe đến đó thì mặt đơ ra như con cá ngu ngơ, lắc đầu nguầy nguậy.
"Em... em không hiểu gì hết trơn. Nghe như tiếng gió vậy đó..."
Nguyên Kỳ thành thật lắc đầu. Sao mà hiểu được chứ? Y chỉ bắt kịp được mấy từ như "đông nam á", "tư nhân", "top ba" thôi... còn đâu thì toàn là âm thanh trôi tuột qua tai như tiếng sóng.
Người kia nghe vậy thì khoái chí:
"Vậy cũng bình thường. Mấy người trong ngành còn chưa chắc hiểu hết nữa chứ huống chi là nhóc. Nhưng mà hiểu một chuyện là được rồi."
"Chuyện gì ạ?"
"Là Đình An không phải dạng vừa đâu."
Nguyên Kỳ nghe tới câu đó thì nuốt khan một ngụm nước bọt.
Không phải dạng vừa... tất nhiên là y biết rồi.
Cái người chẳng cần suy nghĩ mà rút ví thanh toán hai mươi triệu viện phí không buồn nhíu mày một cái, người vừa có thể nhẹ nhàng xoa trán y lúc y phát sốt cũng có thể vung tay đập y một trận tèm nhem nước mắt chỉ vì dám giấu chuyện bỏ bữa. Người như vậy mà là dạng vừa được sao?
Nhưng mà... Nhưng mà Nguyên Kỳ lại đang cãi lời cái người không phải dạng vừa đó.
Đình An đã dặn rõ: hôm nay bận, không đưa đi được, đã nhờ người quen tìm sẵn nhà trọ uy tín, viết tay địa chỉ, dặn phải đi taxi, không được tự tiện nghe lời người lạ. Lời nào cũng đều chu đáo, cẩn thận, lời nào cũng đặt sự an toàn của Nguyên Kỳ lên hàng đầu.
Thế mà giờ y đang ngồi sau lưng "bạn của Đình An", để người ta phóng xe đưa mình đi mà không biết chính xác là đưa đi đâu, không rõ chỗ ở thế nào cũng không biết mình đang tin cái gì ở người ta. Cái người trước mặt là người Nguyên Kỳ chỉ mới gặp mặt hôm qua, nói chuyện thì vui thật, cười nói cũng khiến người ta thấy gần gũi thật... nhưng nếu nghĩ kĩ thì đến cả tên thật của anh ta Nguyên Kỳ còn chưa hỏi.
Chết rồi... Chết thật rồi...
Nguyên Kỳ hơi nghiêng đầu, cố ngó vào gương chiếu hậu để nhìn mặt người đang lái xe, thế nhưng chỉ thấy kính râm đen thui và cái khẩu trang kín mít. Cũng không hiểu sao tự dưng lúc này trong đầu Nguyên Kỳ lại hiện ra gương mặt nghiêm khắc của Đình An, chân mày hắn nhíu sát lại, vừa túm cổ tay y vừa nạt lớn:
"Bước xuống xe!"
Nguyên Kỳ rùng mình một cái, mồ hôi đã bắt đầu rịn ra hai bên thái dương. Chỉ cần tưởng tượng đến cảnh Đình An tan họp vào buổi trưa, vừa ăn cơm vừa gọi điện đến cho người chủ trọ kia hỏi rằng "Nguyên Kỳ đã đến nhận phòng chưa?", rồi người chủ trọ kia bảo "Không có ai tên Nguyên Kỳ đến đây hết" là toàn thân Nguyên Kỳ như có dòng điện chạy dọc sống lưng.
Rồi tiếp theo sẽ thế nào?
Đình An sẽ gọi lại cho Nguyên Kỳ? Không, y không có điện thoại, hắn cũng không có số của y. Vậy thì hắn sẽ làm gì? Phóng xe đến nhà trọ? Nhưng mà ở đó đâu có ai? Quay lại bệnh viện? Cũng không thấy ai hết?
Rồi cuối cùng hắn sẽ giận, sẽ nổi trận lôi đình, sẽ nhớ mãi cái tên "Giang Nguyên Kỳ" mà ghim sâu trong lòng. Tự nhủ sau này nếu bắt gặp Nguyên Kỳ ở đâu thì sẽ đập y một trận ở đó cho hả dạ.
Ừm... cái đó là Nguyên Kỳ tự suy bụng ta ra bụng người thôi. Nhưng mà với tính cách của Đình An thì cũng đâu phải là không thể xảy ra? Đúng không?
Y nuốt nước bọt cái ực, quay đầu nhìn ra hai bên đường để lảng đi dòng suy nghĩ đang lộn tùng phèo trong đầu. Nhưng càng cố lảng tránh thì mọi thứ lại càng rối ren.
Tại sao mình không ngoan ngoãn bắt taxi đi như hắn dặn?
Tại sao lại mềm lòng với mấy lời dụ dỗ "giá rẻ, môi trường tốt" dù còn chẳng biết nó là chỗ quái quỷ nào?
Tại sao lại lên xe một người mà mình còn chẳng biết tên thật của họ là gì?
Nguyên Kỳ hít một hơi thật sâu, chắp hai tay lại như đang niệm thần chú:
"Chắc không sao đâu, chắc không sao đâu, chắc không sao đâu..."
Nhưng mà càng nói "không sao" thì Nguyên Kỳ càng thấy bụng dạ mình nhộn nhạo lo lắng. Đình An hay có thói quen xem thời sự, mấy lúc hắn vào bệnh viện trông coi Nguyên Kỳ lúc nào cũng mở thời sự lúc 19 giờ để xem. Mà thời sự dạo này toàn đưa tin cảnh báo về tình trạng lừa đảo bắt cóc sang Campuchia và Miến Điện. Nghe phóng viên nói những người bị dụ dỗ sang đó sẽ phải làm việc khổ sai, phải tiếp tục lừa đảo các nạn nhân khác vào tròng. Làm không được hoặc có ý chống đối thì sẽ bị tra tấn dã man bằng đủ thể loại hình phạt thảm khốc. Tiền chuộc thì toàn là giá trên trời, gia đình nào không chuộc nổi thì nạn nhân sẽ tiếp tục bị bán lại cho các đường dây khác, tệ hơn là... mất tích không để lại dấu vết.
Nguyên Kỳ nhớ lại cái lần Đình An vừa gọt táo vừa lạnh giọng bảo mình:
"Cứ mơ mơ màng màng tin bậy tin bạ, có ngày bị bán sang biên giới lúc nào cũng không hay."
Bán sang biên giới...?
Nguyên Kỳ nghĩ tới đó thì bỗng cảm thấy tay chân mình bủn rủn, sống lưng cũng có cảm giác ớn lạnh như bị gió lùa xuyên qua lớp áo sơ mi trắng. Y nhìn sang người đang lái xe - vẫn cái mũ đen, khẩu trang đen, kính râm đen - trông giống hệt như một bóng ma hình người đang chở mình đến một nơi không có đường về.
"Lỡ ảnh không phải bạn Đình An thì sao? Lỡ ảnh là giả dạng thì sao? Lỡ cái nhà trọ đó thật ra là ổ buôn người thì sao?!"
Trong đầu Nguyên Kỳ lúc này là một chuỗi kịch bản đen tối tự biên tự diễn. Y tưởng tượng khi được đưa đến căn nhà trọ đó, bản thân không phòng bị mà sẽ nằm lăn quay ra giường ngủ một giấc, đợi đến khi mở mắt ra thì đã thấy bản thân đang ở trong khu tự trị thuộc địa phận Campuchia, xung quanh là những người đàn ông lực lưỡng cầm dùi cui điện, cầm roi, cầm súng,...
Nguyên Kỳ nuốt nước bọt, khẽ dịch người ra sau một chút, mắt nhìn quanh con đường mình đang đi. Đường này lạ quá, không quen chút nào.
Lại nhìn người phía trước... không biết tên người ta.
Chơi ngu rồi.
Đình An thì cực kỳ ghét cái thói lơ mơ của Nguyên Kỳ, sợ y đi lung tung rồi bị bắt cóc. Nhưng mà trên thời sự nói về mấy chuyện này cũng không được chi tiết lắm, không đủ răn đe Nguyên Kỳ, cho nên hắn đã "nhiệt huyết" tải cả ứng dụng TikTok về, ngày nào cũng mở mấy video "Sự thật về khu tự trị ở Campuchia" cho Nguyên Kỳ xem. Còn mở cả mấy clip đại sứ quán dẫn team đến khu tự trị chuộc người về, người nào người nấy được dẫn ra cũng chỉ còn là da bọc xương, nói không nói được, đi cũng không đi được, thê thảm trông như vừa thoát khỏi địa ngục trần gian.
Nguyên Kỳ xem mấy cái đó mà tối đến ám ảnh ngủ không nổi. Bởi qua lời kể của nạn nhân, mọi việc ở đó thật sự rất kinh khủng, ghê rợn vượt qua cả trí tưởng tượng của con người. Có video còn nói nạn nhân bị nhốt trong một căn phòng không có cửa sổ, không được ăn cơm mà còn bị ép làm việc mười tám tiếng liên tục, không đạt KPI thì bị sốc điện, bị đánh bằng gậy sắt, bị ghế gỗ đập lên đầu, bị roi điện quất rách da, móng tay móng chân bị rút sạch sẽ,... Còn có cả chuyện bị đưa ra đảo bán nội tạng, nhiêu đó thôi đã ghê rợn lắm rồi, vậy mà Đình An còn bồi thêm một câu "Mổ sống, không tiêm tê.".
Hồi được cho xem, Nguyên Kỳ đã sợ đến mức phải chui vô chăn nằm thụp xuống, vừa rấm rứt khóc vừa càm ràm Đình An:
"Em không muốn coi nữa… sao anh cứ mở mấy cái này hoài vậy… Em không thích coi đâu mà..."
Đình An thì đứng ngay đầu giường, vẫn hướng cái loa điện thoại vào đầu Nguyên Kỳ:
"Nghe cho biết sợ, để sau này có ai tiếp cận còn biết đường mà né xa. Ngu ngốc đần độn có ngày bị lừa đi thật thì ai biết đường mà tìm về? Cởi chăn ra rồi xem tiếp, nhanh lên."
Hồi đó Nguyên Kỳ còn cãi:
"Em không ngây thơ tới mức đó đâu…"
Giờ thì sao?
Giờ thì đây, một màn thể hiện xuất sắc nhất của "em không ngây thơ tới mức đó".
Không biết tên thật của người lái xe.
Không có nhân chứng nào xác nhận y đi đâu.
Không có điểm đến rõ ràng.
Chỉ có đúng một lời hứa miệng rằng "anh sẽ dắt em đi coi nhà".
Vậy mà vẫn trèo lên xe người ta ngồi.
Nguyên Kỳ siết chặt quai giỏ xách. Trong đầu y bây giờ là một viễn cảnh u ám:
Đình An tan họp, gọi cho chủ trọ, chủ trọ bảo "đợi sáng giờ mà không có ai tên Nguyên Kỳ đến đây cả", thế là hắn lập tức gọi qua bác sĩ, bác sĩ bảo "bệnh nhân đã rời khỏi bệnh viện lúc 8 giờ sáng cùng một người lạ", rồi hắn tra camera an ninh, thấy một tên nào đó đeo khẩu trang, mặc đồ đen, đội mũ đen dắt Nguyên Kỳ đi lên xe. Mà chiếc xe thì không thấy biển số, không rõ mặt mũi người lái.
Nhưng mà cũng đâu trách Nguyên Kỳ được? Người kia nói chuyện thì rõ là duyên dáng, hài hước, nhiệt tình lại còn bảo là "bạn thân của Đình An", hôm qua cũng chí choé với hắn một trận còn gì. Đã vậy còn giới thiệu nhà rẻ, môi trường tốt, lại tỏ ra thân quen với dân bất động sản, nghe là thấy uy tín lắm rồi.
Mà nghĩ đi nghĩ lại, uy tín thì uy tín, nhưng sao uy tín được bằng mấy cái video phơi bày sự thật do Đình An tuyển chọn và ép Nguyên Kỳ coi mỗi ngày?
Nguyên Kỳ nhớ có lần mình vừa tắt video đi là bị hắn nạt liền:
"Mở lên! Xem cho hết!"
Và cũng chính vì cái tiếng nạt đó mà Nguyên Kỳ từ đó về sau không dám bỏ qua một video nào, dù sợ muốn ngất xỉu cũng phải coi. Mỗi lần xem xong là hồn vía lên mây. Mỗi lần thấy dòng chữ "Khu tự trị Sihanoukville" hoặc câu than khóc "tụi em bị nhốt trong phòng không cửa sổ suốt hai tháng" là Nguyên Kỳ đã sợ tới mức đắp chăn kín đầu như sợ ma. Nhưng gặp ma thì còn có thể đóng cửa phòng mà trốn, chứ còn bị lừa bán qua biên giới thì biết chạy đi đâu?
Nguyên Kỳ nhấp nhổm người:
"Anh ơi… Em hỏi cái này được không ạ?"
Người kia vẫn đang lái xe, một tay nhấc kẹo nhai, một tay vững vàng cầm lái, mắt vẫn nhìn về phía trước:
"Gì nữa đây, nghi anh bắt cóc em à?"
Nguyên Kỳ giật bắn người.
"Đ-Đâu có! Ai nói vậy! Em chỉ… tò mò chút thôi…"
Người kia nghiêng đầu liếc vào gương chiếu hậu, cười khì:
"Yên tâm. Em không hợp tiêu chuẩn xuất khẩu. Ở Campuchia tụi nó chỉ thích mấy đứa cơ thể béo tốt, nội tạng thuộc loại khoẻ mạnh, làm việc được 18 tiếng một ngày, không cần ngủ, không cần ăn ngon. Chứ như em qua đó thì chắc một ngày bị chích điện liên tục, tiền điện để chích một mình em chắc bằng tiền điện của ba khu tự trị cộng lại. Làm không ra tiền, nội tạng bán cũng không được, đã vậy còn tốn thêm mớ tiền điện nữa, ai rảnh đâu mà mua."
"?!"
Ủa?
"Anh... Anh đừng có giỡn vậy mà..."
"Thật chứ giỡn cái gì." Người kia cười khùng khục. "Anh nói cho mà biết, tụi nó còn xét kỹ lắm, từ cân nặng, chiều cao, nhóm máu cho tới chỉ số men gan, men thận. Nhìn lại em coi, gầy nhom, xanh xao, gan thận chắc cũng yếu, đã vậy còn nằm viện mới ra, mang đi chỉ tổ tốn công nuôi."
Nguyên Kỳ ngồi trên xe, mặt đờ ra như tượng đá. Trong lòng không biết nên cười hay nên khóc nữa. Vui thì cũng có vui, vì ít ra người ta không có ý định bắt cóc mình đi qua biên giới gì cả. Nhưng mà buồn thì cũng buồn tới ê chề.
Buồn vì cái cảnh nghèo kiết xác, không cha không mẹ, không nhà không cửa, thất nghiệp, không có tiền. Không những nghèo mà ngay cả tim gan phèo phổi cũng không có giá trị trao đổi trên thị trường chợ đen.
Nguyên Kỳ cắn môi, trong đầu bất giác nhớ lại cái hôm vào phòng khám tổng quát. Lúc bác sĩ nói chuyện riêng với Đình An, tuy không nghe rõ hết nhưng mấy câu kiểu "phổi yếu nên dễ ho", "men gan không ổn định", "chức năng thận kém", "thiếu máu", "dễ suy nhược"… thì y vẫn nghe lõm bõm được.
Nói tóm lại: lá lách, gan thận, phèo phổi, chỗ nào trên người cũng có vấn đề.
"Trên đời có ai vô dụng được tới mức này mình không vậy trời?"
Người ta nghèo khổ, cơ hàn, túng thiếu lắm thì ít ra còn có nước bán thận, bán gan để kiếm miếng tiền xoay sở. Còn mình thì sao?
Thôi, hết thuốc chữa.
_____
"Ông chú à! Ông có ở nhà không vậy?!"
"Anh ơi, em nghĩ là không có ai ở nhà đâu..."
Nguyên Kỳ cầm giỏ đồ đứng ngay bên cạnh người mặc áo đen, cả hai anh em đứng trước cửa nhà người ta từ nãy đến giờ, kêu khàn cả cổ mà hai mươi phút rồi vẫn chẳng thấy ai ra mở cửa.
"Cái ông này đi đâu vậy trời! Đã nói hôm nay dẫn khách qua thuê trọ rồi mà không chịu chờ gì hết." Người kia lầm bầm, đứng chờ lâu dưới nắng nóng khiến cậu ta có chút bực bội, điện thoại bấm số nãy giờ cũng chẳng ai nghe máy. Không điên người mới là lạ. "Có điện thoại mà không nghe máy, đập bể bán ve chai luôn đi cho rồi!"
Nguyên Kỳ mặc cho người kia nói lầm bầm xả giận, bản thân thì đi vòng quanh căn nhà được gọi là "giá cả hợp lý, môi trường tốt" để xem xét. Căn nhà này nhìn bên ngoài chẳng hề giống mấy chỗ trọ bình dân mà Nguyên Kỳ vẫn thường thấy gì cả. Kiến trúc kiểu cũ, tường vàng nhạt, mái ngói đỏ nâu, cổng sắt uốn hoa văn cầu kỳ, hàng rào thấp trồng đầy hoa giấy, dù hơi xưa cũ nhưng vẫn toát lên vẻ sạch sẽ, gọn gàng. Nguyên Kỳ nhìn qua nhìn lại, càng nhìn càng thấy không yên lòng. Y lẩm bẩm trong bụng: Nhà thế này mà bảo là giá rẻ hả? Rẻ cái kiểu gì vậy trời?
Y bấu tay vào quai giỏ, nhỏ giọng hỏi:
"Anh ơi... chỗ này có chắc là trọ không đó? Em thấy giống nhà nguyên căn người ta ở hơn á..."
Người kia lúc nãy đã ăn hết cây kẹo mút nên bây giờ đang nhai một viên kẹo cao su trong miệng, vừa thổi bong bóng vừa lười biếng đáp:
"Ừ, thì nhà nguyên căn mà. Nguyên căn cho thuê nguyên căn, chứ có ai nói phòng trọ đâu. Chủ nhà kỹ tính, không thích cho thuê lặt vặt, chỉ cho thuê nguyên căn thôi, ai thuê thì tự quản lý với giữ gìn."
Nguyên Kỳ nghe xong suýt nữa thì hộc máu:
"Nhưng... nguyên căn thì mắc lắm mà!?"
Người kia cười toe, chỉ vào cái cổng nhà:
"Nè, anh nói rồi mà, giá cả hợp lý lắm. Ông chú này quen anh, thấy anh quen nên bớt giá, chỉ cho thuê vài trăm thôi. Mà mấy căn kiểu này cả khu này ai cũng nhắm tới, chậm chân một cái là mất liền. Vừa yên tĩnh, vừa sạch sẽ, gần trạm xe buýt, lại an toàn. Em nghĩ sao mà giá vài trăm lại không ai giành?"
Nguyên Kỳ nghe mà lòng càng rối bời, đầu thì lú, tay thì toát mồ hôi. Vài trăm... nguyên căn... khu vực yên tĩnh, an toàn? Y thấy cái gì đó rất… bất hợp lý. Mấy căn nhà trọ cũ xì cũ xịt gần khu y ở trước kia, bèo nhèo lắm cũng đã gần cả triệu một phòng, chưa tính điện nước các thứ. Vậy mà căn nhà to chà bá này thì lại chỉ có vài trăm? Đùa nhau à?
Trong khi Nguyên Kỳ loay hoay chưa biết hỏi thêm thế nào thì người kia lại lẩm bẩm chửi:
"Trời ơi, gọi nãy giờ mà không nghe máy! Hôm nay hẹn dẫn khách tới mà dám để khách chờ ngoài đường, già rồi lú lẫn hay sao á trời!"
Nguyên Kỳ nghe thế thì càng lúc càng lo thêm, tự nhiên trong đầu lóe lên mấy cái tiêu đề phổ biến trong phim kinh dị, nào là "nhà ma giá rẻ", nào là "người thuê xong mất tích", nào là "nguyên căn chỉ vài trăm đồng vì có lịch sử án mạng"...
"Anh ơi, là em sẽ ở chung với chủ nhà hả anh?"
Nguyên Kỳ sờ lên một cành hoa giấy đang rủ thấp xuống từ trên đỉnh cửa ngỏ, cây hoa giấy màu hồng cam, hoa mỏng như tơ, chạm nhẹ một cái là đã rơi rụng lả tả. Người kia thì vẫn đang bấm điện thoại liên tục, nghe câu hỏi ấy thì quay sang liếc nhìn Nguyên Kỳ:
"Ông già đó khó tính chút thôi chứ không phải rảnh tới mức ở chung với khách thuê đâu. Ổng già rồi, tiền bạc dư dả, chỉ thích cho thuê vì ngứa tay với thích kiểm soát thôi. Ngoài mấy bữa đầu gặp mặt cho có lệ, còn lại em muốn sống sao cũng được."
Nói rồi người kia huơ huơ tay về phía căn nhà, giọng đầy tự tin:
"Nhà này thiết kế kiểu cũ nhưng rộng rãi, sân sau có giếng trời, bên hông có lối thoát hiểm hẳn hoi. Ban đêm yên tĩnh khỏi bàn, nhưng quanh đây cũng hơi nhiều cây cối nên lâu lâu có tiếng dế kêu. Mấy năm nay mưa bão nhiều nên xuống cấp chút, nhưng chung quy vẫn an toàn, sạch sẽ, hàng xóm quanh đây ai cũng thân thiện, ai hát karaoke cũng hay hết đó nha. Mà giá thuê thì em biết rồi đó…"
"Nghe nó cứ sai sai thế nào ý..."
"Không có sai đâu. Anh hiểu lý do thực sự vì sao giá nhà lại rẻ rồi."
"Hả? Tại sao vậy anh?"
"Tại thời gian là vàng bạc chứ sao. Nãy giờ ổng để anh em mình chờ muốn sái cổ, nhiêu đó là lụm được mấy phân vàng rồi đó."
"..."
Cả hai nhìn nhau rồi bấm bụng đứng chờ thêm một lúc nữa. Ban đầu còn sốt ruột nên cứ đi qua đi lại, sau thì mỏi chân đến độ chỉ muốn ngồi bệt xuống đất luôn cho rồi. Người kia liếc nhìn Nguyên Kỳ, thấy y cứ đứng co chân lên xuống vì mỏi thì bèn chỉ về chiếc xe máy dựng bên cạnh, nói với giọng điệu nửa chê nửa cười:
"Nhóc ngồi tạm trên yên xe đi, đỡ mỏi."
Nguyên Kỳ hơi do dự nhưng rồi cũng ngoan ngoãn ngồi lên yên xe, cố ngồi thật gọn gàng để khỏi nhàu quần áo. Người kia thì chẳng khách sáo mà ngồi bệt luôn xuống bên vỉa hè. Gió nóng giữa trưa bắt đầu thổi hừng hực, hoa giấy trên cây rơi rụng lả tả đầy trên mặt sân và mái tóc Nguyên Kỳ. Người kia vừa phe phẩy tay quạt quạt vừa càm ràm:
"Trời đất ơi cái ông già này, làm ăn kiểu gì không biết nữa! Đã nói có khách tới thuê mà để người ta đứng chờ nắng muốn chết! Chê tiền hay sao vậy trời!"
Nguyên Kỳ nhìn qua người bên cạnh, bỗng dưng buột miệng nói nhỏ như có chút không cam tâm:
"Hôm qua anh nói người ta nể mặt anh dữ lắm mà…"
Câu nói nghe thì nhẹ nhàng nhưng như chọt đúng chỗ ngứa, người kia lập tức hừ một cái, khịt mũi đầy khinh bỉ:
"Nể mặt cái gì! Cái lão già khó chịu đó mà biết nể ai hả? Ổng có coi ai ra gì đâu. Chẳng qua ngày xưa ổng nuôi anh lớn thôi!"
Nguyên Kỳ nghe vậy thì tròn mắt, há hốc mồm:
"Dạ? Nuôi… nuôi anh lớn á?"
Người kia vươn vai duỗi chân, giọng vẫn bình thản như đang kể chuyện gió mát trăng thanh:
"Ừ, nuôi thiệt mà. Hồi nhỏ nghe nói ổng lụm được anh ngoài bãi rác hay sao đó, ổng nói nhìn anh thảm quá nên đem về nuôi. Nuôi tới khi đủ tuổi đá đít ra ngoài làm công ăn lương, vậy thôi."
Nguyên Kỳ chớp mắt. Cái câu "lụm được ngoài bãi rác" đó giờ tưởng là nói giỡn, ai dè là thật luôn hả ta?
"Vậy chắc bác ấy thương người lắm đó anh."
Người kia nghe xong thì liếc xéo Nguyên Kỳ một cái.
"Ổng mà thương người gì. Chẳng qua biết mình sống ác quá nên muốn nuôi anh để làm phước thôi."
"...?"
"Người như ổng cả cái khu này ai mà không biết. Đầu óc hơn người nhưng bụng dạ thì còn hơn rắn rết. Mặt lúc nào cũng cau có, mở miệng ra là chửi, nổi tiếng keo kiệt, sân si bậc nhất."
"..."
"Mà thật, cái miệng ổng dữ dằn lắm. Lúc nuôi anh thì gọi là làm phước, tới lúc anh đủ tuổi lao động thì lôi ra xài như công cụ, kêu là thu hồi vốn. Còn nói anh mà không trả xong cho ổng bốn tỷ công nuôi dưỡng thì sau này ổng không cho anh cưới vợ, cưới là ổng tới quậy đám cưới liền. Nghe coi có điên máu không?"
Người kia vừa nói vừa lấy ngón tay gõ gõ xuống đất mấy cái, thản nhiên tới mức khiến Nguyên Kỳ nghe xong chỉ biết há mồm. Trong đầu y chỉ có đúng một câu lặp đi lặp lại:
Ủa? Ủa là sao? Người nuôi lớn mình mà nãy giờ mình chửi té tát vậy đó hả?
"Vậy anh có định trả cho bác ấy không hả anh?"
"Có chứ. Gần xong rồi đó."
"Dạ?! Trả thật hả anh? Em tưởng nói giỡn...?"
"Ổng mà giỡn? Không có vụ giỡn đâu. Ổng nói quậy là quậy thật đó, nếu không dễ gì mà anh đây chịu trả tiền cho ổng." Người kia xùy một cái. "Biết vậy hồi đó lấy hết tiền ổng đi chơi tài xỉu, cho ổng tán gia bại sản ra đường ăn xin luôn."
"Bốn... Bốn tỷ... Thật sự hả anh...?"
"Thật. Vậy nên mới gọi là lão già khó ưa. Hồi xưa cho ăn cơm chan nước mắm mà bây giờ ngang nhiên đòi thằng này bốn tỷ!"
"..."
Nguyên Kỳ á khẩu. Y chớp mắt liên tục, trong đầu vẫn còn vang vọng những lời ban nãy người kia mắng ông chủ nhà, nào là "ông già khó ưa", "lú lẫn", "keo kiệt"… Cái miệng gì mà hỗn dữ vậy trời?
Trong đầu Nguyên Kỳ hiện lên cảnh tượng một đứa nhỏ lem luốc được "lụm ngoài bãi rác" sống cùng một ông già mặt mày cau có, chửi nhau chan chát mỗi ngày. Thế mà vẫn lớn lên thành người, vẫn đủ tài giỏi để có thể nói ra câu "trả gần xong bốn tỷ rồi".
Nguyên Kỳ tự soi lại chính mình: hai chục triệu còn không biết khi nào trả mới xong. Nếu lỡ như y nợ Đình An bốn tỷ thì chắc chắn kiếp này không bao giờ có thể trả nổi, vậy nên kiếp sau chỉ có nước biến thành con trâu xanh cõng hắn đi hết từ ruộng làng ra tới biển lớn may ra mới trả được một nửa. Rồi do chưa trả đủ nên kiếp sau phải tiếp tục biến thành con vật khác để trả nợ tiếp. Có thể là biến thành con gà trống dậy sớm gáy ò ó o mỗi sáng để hắn vui tai tỉnh giấc, tệ hơn là biến thành con cá rô trong ao nhà hắn, sáng nào cũng phải nhảy lên điểm danh cho đủ số lượng, tới bữa thì tự động trồi đầu lên miệng ao đợi hắn xách đi kho tiêu.
Nguyên Kỳ càng nghĩ càng thấy rùng mình, mặt mày tái mét. Một kiếp làm trâu đã mệt chết rồi, nếu kiếp sau còn phải làm cá, làm gà, rồi chẳng may chưa trả xong lại phải làm thêm kiếp chó, kiếp bò nữa... Vậy chẳng phải mấy trăm năm nữa y vẫn còn quanh quẩn bên Đình An, nai lưng trả nợ không dứt?
Cái cảnh tượng đó bỗng dưng hiện ra rõ mồn một trong đầu Nguyên Kỳ. Một con trâu xanh thở hồng hộc kéo cày, con cá rô bơi đuối sức dưới ao, con gà gáy khản cả cổ, tất cả đều có chung một đôi mắt đỏ hoe... Và trên lưng, trên cổ, trên vai tụi nó đều có bóng hình của một người có vóc dáng cao lớn lạnh lùng, chỉ tay năm ngón ra lệnh đủ kiểu. Tất nhiên đó không phải là ai khác ngoài Đình An.
Nguyên Kỳ cúi đầu, hai mắt nhìn mông lung xuống mặt đường nứt nẻ dưới chân, lòng vẫn còn ngổn ngang. Y bỗng dưng có một ý nghĩ tuy hơi tào lao nhưng lại hợp tình hợp cảnh đến kỳ lạ.
Hay là… mấy trăm năm trước mình đã mắc nợ người ta rồi nhỉ?
Chỉ nghĩ tới đó thôi mà da gà da vịt đã nổi đầy hai cánh tay. Biết đâu đời trước, đời trước nữa, thậm chí 9 kiếp trước, Nguyên Kỳ đã từng vì tham lam hay ngu ngốc mà mắc nợ cái người đó. Rồi vì nợ quá lớn, một kiếp không trả đủ nên phải đầu thai liên tục để trả.
Lỡ đâu đây không phải là kiếp đầu tiên mình mắc nợ thì sao? Lỡ như kiếp này chỉ mắc nợ hai mươi triệu là vì mấy kiếp trước đã trả gần xong mấy tỷ bạc rồi thì sao?
Nghĩ tới đây, đầu óc Nguyên Kỳ bắt đầu trôi đi xa xôi hơn.
Có khi nào đời trước mình là con trâu xanh kéo cày cho hắn, tới lúc gần trả đủ nợ thì lăn đùng ra chết, thành ra phải đầu thai tiếp để trả nốt? Rồi đời sau lại xui xẻo hoá thành con cá rô trong ao nhà hắn, chưa kịp thanh toán đủ nợ lại bị vớt đem kho tiêu, thế là lại chết yểu. Vậy là tiếp tục đầu thai thành con gà trống, suốt ngày bị nhốt trong chuồng, sáng gáy trưa ngủ chiều bị nhổ lông. Mấy kiếp sau thì có khi thành chó, thành vịt, thành heo, thành dê… lần lượt đủ vai trò để trả nợ.
Chín kiếp làm súc vật, đến tận kiếp này mới đủ "điều kiện" đầu thai làm người, vậy mà coi bộ nợ vẫn chưa hết! Chắc vì thế nên kiếp này Nguyên Kỳ mới phải gặp lại Đình An, phải tiếp tục mắc kẹt với cái gương mặt lạnh như tiền đó, tiếp tục còng lưng mà trả nốt món nợ oan nghiệt từ mấy đời mấy kiếp.
Nghĩ tới đây, Nguyên Kỳ thấy rợn cả người, tay bấu chặt lấy dây giỏ xách mà lòng run như cầy sấy. Rồi nếu lỡ kiếp này trả không xong nữa thì sao? Biết đâu đời sau sẽ phải làm cái cối xay gạo trong nhà Đình An, sáng xay trưa xay chiều xay tối xay, xay đến mòn đá mẻ sắt mới xong nợ…?
Có kinh khủng quá không vậy trời?
Một tuần trước được Lục Đình An cưu mang giúp đỡ, rốt cuộc là duyên phận, là phúc phần hay là nghiệp báo?
Đời này gặp hắn là phước hay là họa? Là cơ hội để trả dứt món nợ oái oăm kéo dài từ kiếp trước hay chỉ là khởi đầu cho một vòng luân hồi oằn oại mới?
Không biết không biết! Không biết gì hết!
Nguyên Kỳ chỉ biết bây giờ mình phải trốn đi ngay lập tức! Không thể để bản thân lún sâu hơn được nữa!
Nguyên Kỳ siết chặt quai giỏ xách, đầu óc rối bời như tơ vò. Càng nghĩ càng sợ, càng nghĩ càng thấy gai sống lưng. Món nợ gì mà dai dẳng tới mức này vậy trời? Kiếp trước chưa trả hết nên kiếp này mới được gặp lại, nếu kiếp này không trả xong thì chẳng phải đời sau sẽ càng thảm hơn sao?
Đời này đã nghèo túng như vậy rồi, lỡ đời sau đầu thai làm cái mái nhà hay tệ hơn nữa là làm cây cột nhà cho hắn, suốt đời còng lưng gánh vác mọi thứ, nắng mưa bão bùng cũng không được rời chỗ, thì hỏi xem còn gì khổ hơn?
Không được, nhất định không được!
Nguyên Kỳ rùng mình một cái, trong đầu chỉ còn một ý niệm duy nhất: Chạy!
Phải trốn! Phải tránh xa cái người tên Lục Đình An đó ngay lập tức! Dù có phải vác giỏ bôn ba đầu đường xó chợ cũng tuyệt đối không thể để hắn cho mình mượn nợ thêm nữa!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com