chap 16
Đám tang của bà Cả được diễn ra ngay sau đó, tang thương chất chồng tang thương. Trân Ni, sau khi nghe lời con Đậu vong hồn từng nhập vào xác bà Cả đã cho người đào xác nó lên và an táng ngay dưới chân bà, đúng như lời thỉnh cầu của nó. Đó là tất cả những gì Trân Ni có thể làm để trả nghĩa cho lòng trung thành, để an ủi một linh hồn đã hy sinh tất cả cho người mình mang ơn.
Ông Hội Đồng kể từ sau hôm đó như già đi hẳn. Ông luôn miệng nhắc tên vợ, nhớ từng cử chỉ, từng lời nói, từng cái nhìn hiền hậu mà bà từng dành cho ông. Có những đêm người ta thấy ông ngồi lặng thinh trước di ảnh bà Cả, mắt đỏ hoe, tay run run vuốt lên tấm hình đã ố màu. Một năm sau, ông cũng lặng lẽ từ giã cõi đời trong giấc ngủ. Người ta nói ông đi theo bà, bởi tình nghĩa vợ chồng chưa dứt.
Còn Trí Tú, từ ngày biết được sự thật về cái chết của má mình, về những âm mưu độc ác mà bà Hai từng toan tính, lòng cô trở nên trĩu nặng. Cô không muốn Trí Tuấn đứa con trai của bà Hai lớn lên trong nỗi ám ảnh về quá khứ, cũng không muốn thằng bé biết mẹ nó từng là một người mưu mô, tàn nhẫn.
Vậy nên, sau khi làm xong tuần mãn tang cho ông Hội Đồng, Trí Tú cùng Trân Ni quyết định bán nhà, bán luôn xưởng muối mà gia đình đã gầy dựng bao năm. Họ cùng cha má Trân Ni dọn về Vĩnh Long, quê ngoại của Trân Ni. Nơi ấy hiền hòa, sông nước bao quanh, con người chất phác, yên bình.
Trong một mảnh đất được họ mua lại, hai người dựng một căn nhà gỗ đơn sơ giữa vườn cây trái. Cha má Trân Ni cũng cất nhà cạnh hai vợ chồng để tiện bề thăm nom.
Không còn bóng dáng của quyền quý, không còn tiếng nói của kẻ làm chủ, họ sống như những người bình thường: tự tay nấu ăn, trồng rau, chăm sóc từng luống hoa trước sân. Cùng nhau nuôi dạy Trí Tuấn nên người.
Nhưng điều đáng quý nhất là: Trí Tú và Trân Ni mở một lớp học nhỏ trong nhà, dạy chữ cho trẻ em nghèo trong vùng. Cứ mỗi sáng, tiếng học bài vang lên bên hiên, tiếng đọc ê a của bọn nhỏ vang khắp vườn. Trân Ni dịu dàng cầm tay từng đứa dạy viết từng nét chữ, còn Trí Tú dạy toán, kể chuyện, giải đáp những thắc mắc ngây thơ của bọn trẻ bằng nụ cười hiền hậu.
Tối đến, khi gió lùa qua mái lá, hai người cùng nhau ngồi thưởng trà dưới ánh trăng. Có khi chỉ là sự im lặng, có khi là những câu chuyện xưa được nhắc lại như để hiểu nhau hơn. Họ sống giản dị, lặng lẽ mà hạnh phúc. Không cần danh vọng, chẳng cần tiền tài chỉ cần có nhau, người đồng hành từng đi qua giông bão, từng nắm tay nhau trong lúc sinh tử.
Ngày qua ngày, tháng nối tháng, trong căn nhà nhỏ giữa vùng đất Vĩnh Long yên bình, Trí Tú và Trân Ni lặng lẽ viết nên một chương đời mới. Một chương đời không có máu và nước mắt, không có oán thù, chỉ có yêu thương và sự tha thứ. Một chương đời nơi những đứa trẻ lớn lên với tri thức và lòng biết ơn. Một chương đời cuối cùng đã trọn vẹn viên mãn.
Trời chiều nắng gắt, Trân Ni đi chợ huyện về, tay xách một bọc đầy ắp rau thơm, đậu hũ, củ hành... Trí Tú đang loay hoay trồng mấy luống cải sau vườn, mồ hôi rịn trên trán, vừa thấy vợ từ xa đã reo:
– Mình ơi! Có mua bánh bò không đó? Nhớ hứa với người ta rồi nghen!
Trân Ni lườm yêu:
– Biết rồi, trời ơi! Bộ hổng tin tui hả?
Cô tháo nón lá, đặt túi đồ xuống, móc trong giỏ ra... đúng một cái bánh bò, nóng hổi, mùi thơm béo ngậy bốc lên hấp dẫn.
– Ủa? Có... một cái hả?
– Ừ. Bữa nay bán chạy, tui giành dữ lắm mới còn được đó.
Trí Tú nhìn cái bánh, rồi nhìn vợ, mắt long lanh:
– Vậy... mình nhường tui ăn đi nha?
– Không!
Trân Ni tuyên bố chắc nịch, rồi cầm cái bánh đi thẳng vô nhà, vừa đi vừa rêu rao:
– Bữa nay nắng, tui đi chợ xa cực khổ, tui có quyền ăn!
Trí Tú tiu nghỉu đi theo, mặt mày như con mèo bị giật mất cá. Vô tới nhà, Trân Ni ngồi chễm chệ trên bộ ván, cắn một miếng bánh rồi... quay sang chìa nửa cái ra trước mặt Trí Tú:
– Nè, ăn không?
Trí Tú gật đầu cái rụp, nhưng chưa kịp với tay thì Trân Ni... rút bánh về, ăn luôn nửa còn lại!
– Ơ...
– Ai biểu nãy giờ hổng phụ xách đồ, cứ lo bánh không à. Cho chừa!
Trí Tú dỗi, đứng khoanh tay nhìn vợ ăn ngon lành mà hận không thể đầu thai làm cái bánh. Nhưng lát sau, khi Trân Ni bước vô bếp, Trí Tú lên nhà trên mới phát hiện trên bàn có sẵn một cái bánh bò nguyên vẹn, được bọc kỹ trong gói giấy với dòng chữ ghi:
"Cho người hay càm ràm. Ăn lẹ trước khi tui đổi ý. T.N"
Trí Tú cười tủm tỉm. Thì ra Trân Ni không bao giờ nỡ ăn hiếp cô thật. Chỉ là... "ăn hiếp cho vui"...
——-——————————-Hết———————————-
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com