Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

KNGT 04

Nhà văn trẻ đầy tham vọng nhưng chưa thành danh tâm sự với bạn bè rằng: “Vấn đề của tôi là hàng ngày, hàng tuần trôi qua mà tôi không thể viết được dòng nào cả. Anh biết đấy, viết văn là sáng tạo. Anh cần phải có cảm hứng. Tâm hồn anh sẽ dẫn bước cho anh…”.

Đúng vậy, viết văn đòi hỏi sự sáng tạo, nhưng hãy nghe một nhà văn khác giải thích “bí mật” vì sao anh ấy viết được rất nhiều tác phẩm hay nhé. Anh ấy kể: “Tôi dùng kỹ thuật ‘ép buộc tâm trí’. Tôi phải hoàn thành trước thời hạn, vì vậy tôi không thể chờ đợi cho đến lúc tâm hồn dẫn lối cho mình được. Tôi phải tự kích thích tâm trí. Phương pháp mà tôi sử dụng là bắt buộc mình phải ngồi vào bàn, lấy ra một cái bút chì và bắt đầu viết một cách máy móc. Tôi ghi lại nguệch ngoạc bất cứ điều gì. Tôi bắt ngón tay và cánh tay tôi phải làm việc, và chẳng sớm thì muộn, thậm chí ngay khi tôi còn chưa nhận ra, trí óc tôi sẽ suy nghĩ một cách đúng đắn.

“Đương nhiên, đôi lúc cũng có những ý tưởng bất ngờ xuất hiện khi tôi chưa chủ định viết. Nhưng những ý tưởng như thế thường rất hiếm. Hầu hết những ý tưởng đều là kết quả của một quá trình làm việc có kỷ luật”. Hành động tiếp nối hành động. Đó là quy luật của tự nhiên. Không cái gì có thể tự khởi động, ngay cả những máy móc cơ học mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày.

Căn nhà của bạn có thể được sưởi ấm một cách tự động, nhưng bạn phải chọn (tức hành động) mức nhiệt độ mà bạn muốn. Xe hơi của bạn cũng chỉ sang số một cách tự động sau khi bạn đi đúng tốc độ. Nguyên tắc ấy cũng được áp dụng cho hành động của trí óc. Bạn sẽ phải gài số cho tâm trí để làm cho chúng suy nghĩ một cách tự động.

Một giám đốc kinh doanh trẻ của một công ty giao hàng tận nhà đã giải thích phương pháp huấn luyện nhân viên “một cách cơ học” của anh ấy. “Có vô vàn khó khăn đối với những nhân viên bán hàng tận nhà. Bất cứ ai từng làm nghề này đều biết. Việc gõ cửa nhà khách hàng đầu tiên vào sáng sớm là cực kỳ khó khăn, ngay cả đối với nhân viên kỳ cựu. Anh ta nơm nớp lo ngại mình sẽ hứng lấy những lời nói thô lỗ, gắt gỏng từ khách. Vì vậy, hoàn toàn tự nhiên, anh ta sẽ trì hoãn làm việc vào buổi sáng. Anh ấy sẽ uống thêm một hay hai ly cà phê, ghé thăm và tán gẫu với đồng nghiệp, hoặc làm vô số việc linh tinh khác để không phải gõ cửa nhà khách hàng lúc sáng sớm.

“Đây là cách mà tôi huấn luyện cho họ. Tôi giải thích cách duy nhất để bắt đầu là hãy bắt đầu, đừng đắn đo suy nghĩ. Đừng trì hoãn việc bắt đầu. Hãy làm thế này: Dừng xe. Lấy mẫu hàng. Đi đến cửa. Bấm chuông. Cười. Nói ‘Chào [buổi sáng]’ và bắt đầu trình bày mục đích cuộc thăm viếng của bạn mà không cần phải suy nghĩ nhiều. Hãy bắt đầu gọi cửa theo cách đó, và bạn sẽ phá bỏ được sự ngượng ngập, e dè ban đầu. Đến lần gọi thứ hai, thứ ba, trí óc của bạn sẽ sắc bén hơn, và cuộc chào hàng của bạn sẽ hiệu quả hơn.

Một nhà văn hài hước đã từng nói: vấn đề khó khăn nhất trong đời là bước ra khỏi một chiếc giường ấm áp, và đi vào một căn phòng lạnh lẽo. Theo ông, nếu bạn càng ngủ nướng lâu bao nhiêu thì càng khó trở dậy, khó chịu bấy nhiêu. Ngay cả trong tình huống đơn giản này, việc hành động một cách cố ý là tung mền và đặt chân xuống sàn, ngay lập tức sẽ xua tan đi sự khó chịu. Quan điểm đó thật rõ ràng. Những người thành công trên thế giới đều không bao giờ trì hoãn, không chờ cho đến khi tinh thần dẫn bước họ; chính họ tự khích lệ tinh thần mình.

Bạn hãy thử hai bài tập sau: 

1. Hãy bắt tay vào làm - một cách “máy móc” - những việc lặt vặt trong nhà, tuy đơn giản nhưng đôi khi không mấy dễ chịu. Thay vì nghĩ đến những điều khó chịu, hãy bắt tay vào làm ngay mà không cần đắn đo gì nhiều. Có lẽ, một trong những công việc nhà không được thoải mái cho lắm là rửa bát. Mẹ tôi cũng không có cảm giác ngoại lệ, nhưng bà đã tự động làm việc này để có thể nhanh chóng hoàn thành nó để làm những công việc ưa thích khác của bà. 

2. Mỗi khi chúng tôi rời khỏi bàn ăn là bà rửa ngay bát đĩa (chúng tôi rất biết ơn bà vì sự hy sinh này). Chỉ trong vài phút là đống bát đĩa đã được rửa gọn gàng, sạch sẽ. Chẳng phải bằng cách “máy móc” như thế, đống bát đĩa đã được giải quyết, xóa tan mọi sự ngần ngại thường có sao? Hãy thực hiện ngay hôm nay: Hãy chọn một việc bạn không thích nhất để làm. Sau đó, không cần e ngại, đắn đo hay e dè, hãy bắt tay vào làm ngay. Đó là cách tốt nhất để bạn hoàn thành việc nhà.

Sau đó, cũng dùng phương pháp này để tạo ra các ý tưởng, phác thảo các kế hoạch, giải quyết các khó khăn và làm những việc đòi hỏi sự tập trung cao độ. Thay vì chờ đợi đến lúc nào đó tâm hồn được truyền cảm hứng, bạn hãy ngồi xuống và tự khích lệ mình. 

Bạn hãy tham khảo phương pháp sau: sử dụng một cây bút chì và một tờ giấy. Nếu cho tôi chọn giữa một căn phòng tuyệt đẹp, được trải thảm, trang trí bắt mắt, cách âm tốt, với một cây bút chì và một tờ giấy, lúc nào tôi cũng chọn bút chì và tờ giấy. Với cây bút chì và tờ giấy trên tay, bạn có thể liên kết tâm trí bạn với mọi vấn đề. 

Khi bạn viết một ý tưởng ra giấy, bạn sẽ tập trung toàn bộ sự chú ý vào đấy, bởi vì trí óc con người không cho phép chúng ta vừa nghĩ ý tưởng này lại vừa viết ra ý tưởng khác. Khi bạn ghi chép lại là bạn “ghi” cả trí óc của mình. Các cuộc thử nghiệm đã chứng minh bạn sẽ nhớ một điều gì đó lâu dài và chính xác hơn rất nhiều nếu bạn viết ra giấy. 

Khi bạn luyện tập thành công kỹ thuật bút – chì và giấy để tạo sự tập trung cao độ, bạn có thể suy nghĩ ngay cả ở những nơi ồn ào, dễ gây phân tâm nhất. Khi bạn muốn suy nghĩ, hãy ghi chép lại, hoặc viết vẽ nguệch ngoạc. Đó là một phương pháp tốt để kích thích trí não của bạn.

“Ngay bây giờ” là cụm từ kỳ diệu mang lại thành công cho bạn. Ngày mai, tuần sau, sau này, một lúc nào đó, một ngày nào đó thường đồng nghĩa với “không bao giờ”. Rất nhiều ước mơ chẳng bao giờ trở thành hiện thực vì chúng ta thường tự nhủ: “Tôi sẽ bắt đầu vào một ngày nào đó”, thay vì nói: “Tôi sẽ bắt đầu bây giờ, ngay bây giờ”.

Hãy lấy ví dụ về việc tiết kiệm tiền mà ai cũng biết là một việc tốt. Nhưng không có mấy người chịu lên kế hoạch đầu tư, tiết kiệm đâu ra đó. Rất nhiều dự định sẽ tiết kiệm này nọ, nhưng chỉ rất ít người thực sự dành dụm được. Dưới đây là quá trình tích lũy vốn liếng của một đôi vợ chồng trẻ. Thu nhập sau khi trừ thuế của Bill là 1.000 đôla mỗi tháng, nhưng tổng chi tiêu của Bill và vợ anh ấy, Janet, cũng xấp xỉ 1.000 đôla một tháng. Cả hai đều muốn tiết kiệm, nhưng luôn luôn có những lý do chen ngang vào khiến họ không thể thực hiện được kế hoạch. Đã rất nhiều lần họ tự hứa: “Chúng ta sẽ tiết kiệm khi nào được tăng lương”, “Khi chúng ta trả hết các khoản trả góp”, “Khi chúng ta vượt qua được giai đoạn gay go”, “tháng sau”, “năm sau”.

Cuối cùng, Janet phát chán vì hết lần này đến lần khác mà họ vẫn không dành dụm được. Cô ấy nói với Bill: “Anh này, chúng ta có định tiết kiệm hay không đấy?”. Bill trả lời: “Đương nhiên là có rồi, nhưng em cũng biết rằng bây giờ chúng ta chưa thể dành dụm nổi”. Nhưng lần này Janet rất quyết tâm. “Chúng ta đã bàn với nhau lên một kế hoạch tiết kiệm, nhưng vẫn chưa dành dụm được đồng nào bởi vì lúc nào cũng nghĩ chưa đúng lúc, chưa thể. Đã đến lúc phải nghĩ là chúng ta có thể. Hôm nay em vừa đọc một bài báo viết rằng nếu chúng ta tiết kiệm khoảng 100 đôla một tháng, 15 năm sau chúng ta sẽ có 18.000 đôla cộng với 6.600 đôla tiền lãi lũy tiến. Bài báo cũng phân tích: tiết kiệm trước, chi tiêu sau sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với chi tiêu dùng, tiết kiệm sau. Hãy bắt đầu tiết kiệm 10% thu nhập của anh, có thể cuối tháng chúng ta phải ăn bánh quy giòn và sữa nhưng chúng ta nên làm, phải làm và sẽ tiếp tục như thế.

Bill và Janet gặp chút thiếu thốn trong vài tháng đầu, nhưng họ nhanh chóng điều chỉnh được cuộc sống theo ngân quỹ có được mỗi tháng. Giờ đây, họ thậm chí trở nên rất thích thú với việc “kiểm soát chi phí” để thực hành tiết kiệm. Bạn muốn gửi lời nhắn cho bạn bè? Hãy làm ngay bây giờ đi. Bạn có một ý tưởng mới có thể giúp cho công việc kinh doanh của bạn tốt hơn? Hãy trình bày ngay đi. Hãy làm theo lời khuyên của Benjamin Franklin: “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. 

Hãy nhớ, thực hiện mọi việc ngay bây giờ có thể giúp bạn đạt thành công mỹ mãn, nhưng nếu thực hiện vào một ngày nào đó, một lúc nào đó, e rằng bạn chỉ gặp thất bại mà thôi.

Một lần, tôi ghé thăm một người bạn cũ. Cô ấy vừa mới tham dự một cuộc họp quản lý. Khi gặp nhau, tôi nhận ra rằng dường như cô ấy đang muốn chia sẻ với tôi một chuyện gì đó.

“Anh biết không, tôi triệu tập cuộc họp cấp quản lý sáng nay vì tôi muốn nghe ý kiến của mọi người trước một số thay đổi trong chính sách đã được đề xuất. Vậy mà tôi đã nhận được những gì?”, Cô ấy cho biết: “Có sáu nhà quản lý của chúng tôi tham dự buổi họp, nhưng chỉ duy nhất một người có ý kiến đóng góp. Hai người khác cũng phát biểu, nhưng chỉ lặp lại lời của tôi mà thôi. Lúc đó tôi cảm thấy như thể mình đang trò chuyện với những người ù lì vậy. Thú thực, tôi không thể hiểu được họ đang nghĩ gì nữa”. Cô nói tiếp: “Như anh thấy đấy, tôi cứ hy vọng họ sẽ nói được điều gì thiết thực, và cho tôi biết họ đang nghĩ gì. Suy cho cùng, những chính sách kia ảnh hưởng trực tiếp đến họ kia mà.”

Cô bạn của tôi chẳng hề nhận được sự giúp đỡ nào trong buổi họp. Nhưng nếu sau buổi họp, bạn nán lại hội trường một chút, rất có thể bạn sẽ nghe được những cộng sự viên của cô ấy bàn tán: “Tôi đã muốn nói rằng…”, “Tại sao lại không có ai đề nghị …”, “Tôi không nghĩ…”, “Chúng ta nên tiếp tục…”.

Những người thụ động thường không bao giờ nêu ý kiến trong các cuộc họp, nhưng lại nói liên hồi sau khi cuộc họp đã kết thúc, khi mà những gì họ nói không còn thay đổi được điều gì nữa. Họ bất chợt sáng suốt đến lạ thường khi mọi chuyện đã… quá muộn.

Các giám đốc kinh doanh luôn mong đợi được nghe những lời nhận xét. Những người luôn giấu giếm, hay ngại ngùng thể hiện mình sẽ chỉ khiến chính họ thiệt thòi mà thôi.

Hãy tập thói quen “nói lên suy nghĩ của mình”. Mỗi lần đưa ra một ý kiến nào đó, bạn đã tự khiến mình mạnh dạn hơn rất nhiều. Hãy tự tin thể hiện mình, với những ý kiến mang tính xây dựng.

Chúng ta đều biết các sinh viên đại học thường phải chuẩn bị rất vất vả cho bài luận văn. Với mục đích đó, anh sinh viên Joe dành cả buổi tối để tập trung vào việc học. Nhưng buổi tối của Joe lại thường diễn ra như sau:

Joe định bắt tay vào ngồi học lúc 7h tối, nhưng bữa tối hôm đó cậu ăn hơi nhiều hơn bình thường, vì vậy cậu quyết định xem ti vi nghỉ ngơi một lúc. Nhưng “một lúc” của cậu hóa ra kéo dài cả tiếng đồng hồ, vì chương trình tivi khá hấp dẫn. Lúc 8h, cậu ngồi vào bàn học nhưng lại đứng dậy ngay, vì nhớ ra lời hứa sẽ gọi điện cho bạn gái. Cuộc gọi ngốn thêm 40 phút nữa (cậu đã không nói chuyện với cô cả ngày nay rồi). Một cuộc gọi tới khác khiến cậu mất thêm 20 phút nữa. Trên đường quay trở lại bàn học, Joe lại bị cuốn hút bởi trò bóng bàn. Thế là thêm một giờ đồng hồ nữa trôi qua. Chơi bóng bàn khiến cậu ướt đẫm mồ hôi, vì thế cậu đi tắm. Rồi sau đó, cậu cần thứ gì đó ăn nhẹ. Chơi bóng bàn và cả việc tắm táp khiến cậu cảm thấy đói kinh khủng.

Thế là một buổi tối với những dự định học hành trôi tuột mất. Cuối cùng, vào lúc 1 giờ sáng, cậu mới giở sách ra, nhưng cậu đã quá buồn ngủ tới mức không thể tập trung vào môn học được nữa. Rốt cuộc, cậu đầu hàng hoàn toàn. Sáng hôm sau, cậu nói với giáo sư: “Em hy vọng thầy cho em nghỉ ngơi một chút, em mệt vì học tới tận 2h sáng vì bài kiểm tra này”.

Anh sinh viên Joe không thể bắt tay vào việc, bởi cậu dành quá nhiều thời gian để chuẩn bị hành động. Anh ta cũng không phải là nạn nhân duy nhất của chứng bệnh “chuẩn bị kỹ quá mức”. Anh nhân viên bán hàng Joe, vị giám đốc Joe, anh công nhân lành nghề Joe, ngay cả nội trợ Joe - tất cả đều vướng vào thói quen nhảy vào những cuộc nói chuyện phiếm, nghỉ giải lao, gọt bút chì, đọc sách báo, dọn dẹp bàn làm việc, xem ti vi và hàng loạt những thứ khác nữa.

Nhưng có một cách để phá bỏ thói quen đó. Hãy tự nhủ: “Ngay bây giờ, tôi đã có điều kiện để bắt đầu. Tôi không thể có được thứ gì cả, nếu cứ trì hoãn chưa làm. Thay vì dành thời gian và công sức cho việc ‘chuẩn bị sẽ làm” , tôi sẽ bắt đầu hành động”.

Một giám đốc của một nhà máy sản xuất dụng cụ kỹ thuật đã nói trước một nhóm các vị giám đốc bán hàng: “Điều chúng ta mong muốn có được hơn bất cứ thứ gì khác trong công việc là có nhiều người cùng hợp sức tạo ra những ý tưởng hay ho và biến chúng thành hiện thực. Không có một công việc nào trong hệ thống sản xuất và xây dựng thị trường của chúng ta là không thể làm tốt hơn, đạt hiệu quả thực sự hơn. Tôi không hề có ý nói rằng công việc chúng ta đang làm là không tốt. Thậm chí, chúng ta đang làm rất tốt. Nhưng, như mọi công ty đang phát triển khác, chúng ta cần những sản phẩm mới, thị trường mới và những cách làm mới tốt hơn trước. Chúng ta phải dựa vào những người chủ động và có nhiều sáng kiến. Họ chính là những người mang thành công đến cho tập thể”.

Sáng kiến thực ra là một dạng hành động đặc biệt. Đó là thực hiện một việc gì đó - mà bạn không bắt buộc phải làm - có giá trị. Một người giàu sáng kiến luôn có cơ hội nhận được mức thu nhập cao trong mọi lĩnh vực, ngành nghề.

Giám đốc nghiên cứu marketing của một công ty sản xuất dược phẩm đã kể cho tôi làm cách nào mà anh ấy giành được vị trí đó. Câu chuyện của anh thực sự là một bài học minh chứng tuyệt vời cho sức mạnh của sáng kiến.

Anh ấy kể: “Lúc tôi đang là một đại lý bán hàng cách đây 5 năm, tôi nảy ra một ý tưởng. Tôi phát hiện ra chúng tôi đang thiếu thông tin về khách hàng tiềm năng. Tôi lên tiếng về sự cần thiết của hoạt động nghiên cứu thị trường với mọi người ở đây. Lúc đầu, không ai chịu nghe tôi cả, bởi người quản lý không thấy được tầm quan trọng của nó.

Tôi bị ám ảnh thực sự bởi ý tưởng nghiên cứu thị trường. Vì vậy tôi không hề ngại khó khăn để đề nghị với cấp trên cho phép chuẩn bị một bản báo cáo trong vòng một tháng về ‘Thông tin thị trường thuốc’. Tôi thu thập thông tin từ mọi nguồn kiếm được. Tôi kiên trì với công việc, và không lâu sau, các vị quản lý cùng với những nhân viên bán hàng khác đều cảm thấy họ thực sự hứng thú với những thứ tôi đang làm. Một năm sau, tôi được miễn những công việc hàng ngày của mình để tập trung nghiên cứu và phát triển ý tưởng. 

Anh cho biết thêm: “Mọi việc còn lại cứ tự nó phát triển hơn nữa. Đến bây giờ, tôi đã có hai trợ lý, một thư ký và một khoản thu nhập hàng năm gấp ba lần 5 năm trước đó”.

(Trích cuốn sách “Dám nghĩ lớn” do Công ty First News phát hành)

[KN GIAO TIẾP] Nghệ thuật...cãi nhau

Tranh cãi và giận dỗi là một trong những “hương vị” tất yếu của tình yêu. Những cuộc cãi cọ bình thường rất ít khi gây ra đổ vỡ tình cảm…

Do vậy bạn không cần ngạc nhiên khi biết có những quy luật biến “chiến tranh” thành “liều thuốc” cải thiện mối quan hệ.

1. Không mất bình tĩnh

Điều hay làm: Trong cơn giận dữ, mọi người “thẳng miệng” lăng mạ nhau, nói những lời lẽ xúc xiểm có sức gây tổn thương to lớn mặc dù chính họ không muốn làm như thế. 

Điều nên làm: Không tấn công người ấy bằng những lời nói không đẹp.Nên tập trung vào vấn đề bạn đang cố gắng hàn gắn. Hãy đảm bảo rằng cuộc chiến không kết thúc trong thù hận đến nỗi “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”.

2. Không “đi chệch hướng”

Điều hay làm: Phụ nữ mỗi khi tranh cãi thường biến cuộc thảo luận thành dỗi hờn và nước mắt. Thế là “lạc đề” rồi.

Điều nên làm: Hãy xác định rõ bạn đang tranh cãi vấn đề gì. Thành thực nói lên điều khiến bạn chưa hài lòng và cố gắng giải quyết. Nhớ rằng nếu cứ mải mê tranh cãi và giữ khư khư ý kiến của mình, hai bạn rất khó tìm ra giải pháp thích hợp. 

3. Không vòng vo

Điều hay làm: Cãi nhau mà không biết điều mình muốn đạt được, bạn cứ nói dài dòng mà không biết khi nào dừng lại. 

Điều nên làm: Nhận biết mình là người khởi đầu thảo luận, hãy cố đạt được mục đích trước khi đưa nó đi xa hơn. Nghĩ về kết quả cuối cùng, có thể ở một mức độ nào đó bạn hài lòng. Nhờ vậy, nếu chẳng may nổ ra khẩu chiến, bạn vẫn biết mục đích nói của mình là gì và đạt được sự thỏa thuận làm vừa lòng cả hai bên. 

4. Nói lời xin lỗi

Điều hay làm: Lấy cớ tranh cãi làm nguyên nhân hai bạn giận nhau. 

Điều nên làm: Một khi hai bạn đi đến sự đồng thuận, một lời nói xin lỗi rất cần thiết trong tình huống này. “Xin lỗi” sẽ có ý nghĩa rất nhiều với người ấy, đặc biệt giúp quan hệ của hai bạn gắn bó hơn. 

5. Không cãi nhau trước mặt bọn trẻ

Điều hay làm: Tức tối điều gì đó và bắt đầu la mắng bạn đời thậm chí khi lũ trẻ ở đó. 

Điều nên làm: Cho dù vấn đề có nghiêm trọng đến mức nào, bạn cũng nên để sau khi bọn trẻ đã ngủ. Gây gổ trước mặt con cái là hành động không tốt, rất dễ làm lũ trẻ tổn thương về mặt tâm lý, đặc biệt nếu xảy ra thường xuyên. 

Ngoài ra, chờ đợi cũng giúp bạn “hạ hỏa” hơn và tranh cãi đỡ “căng thẳng”.

6. Cãi nhau trong tình trạng say xỉn

Điều hay làm: Bạn ra ngoài uống một vài cốc và trở về nhà cãi cọ với bạn đời chỉ vì chuyện lặt vặt. 

Điều nên làm: Nếu khó chịu vấn đề gì đó trong tình trạng ngà ngà say, tốt hơn hết nên ngừng tranh cãi và đợi một dịp khác nói chuyện. Thông thường, những vụ cãi nhau bất thường xảy ra khi có tác động của “ma men” và không đem lại gì ngoài những kết quả tệ hơn bạn có thể tưởng tượng. 

7. Ngồi xuống và trò chuyện

Điều hay làm: Đi khắp nhà cãi nhau, và không bao giờ đứng một chỗ nhất định. 

Điều nên làm: Hãy ngồi xuống và bình tĩnh thảo luận vấn đề. Bằng cách nhìn vào mắt nhau, bạn sẽ không phải nói lên điều gì đáng tiếc, cũng như ít có xu hướng “đụng tay đụng chân”. Cuộc tranh cãi sẽ mau chóng kết thúc trong hòa bình. 

8. Nghỉ xả hơi

Điều hay làm: La hét, mắng mỏ cho đến khi “mệt bở hơi tai” và mọi chuyện lại tiếp diễn như thế vài giờ liền. 

Điều nên làm: Ngừng la mắng để “nghỉ giải lao” đôi chút. Thật tốt khi hai bạn thỏa thuận tạm ngừng tranh cãi và sẽ trở lại vấn đề này sau một vài giờ, thậm chí là hôm sau. Điều duy nhất bạn phải nhớ là dứt khoát giải quyết vấn đề. Tạm dừng “khẩu chiến” không phải lời tuyên bố vĩnh viễn “giã từ vũ khí”.

 [KN GIAO TIẾP] Đấu trí cùng tư duy phản biện

Tư duy phản biện là một công cụ vô cùng quan trọng, được dùng rộng rãi trong đủ mọi lĩnh vực, giao tiếp, thuyết trình, bảo vệ luận án, thuyết phục...

Nhằm áp dụng phương pháp này một cách hiệu quả nhất, em xin dùng topic này để làm một cuộc đấu trí như sau:

Mỗi tuần em sẽ đưa ra một câu hỏi (vốn không có lời đáp). Mọi người sẽ vào trả lời và dùng tất cả mọi lí lẽ của mình để thuyết phục người đọc. Những người sau có thể bác bỏ ý kiến của người trước, nhưng phải có logic, cơ sở lí luận vững chắc.

Ví dụ: 

Câu hỏi: Tại sao ta thấy mặt trời mọc phía đông, lặn phía tây?

A : Dễ hiểu mà! Vì mặt trời quay quanh Trái Đất nên ta thấy mặt trời mọc đằng đông, lặn đằng tây.

B: Sai rồi, trái đất quay quanh mặt trời. Ta thấy như vậy vì trái đất quay và ta đứng trên trái đất.

Tương tự như thế...Ai có lí lẽ thuyết phục nhất trong tuần sẽ nhận một món quà ngọt ngào của benny! 

Bắt đầu nhé mọi người!

Câu hỏi là:

Tại sao nắp chai thường có hình tròn mà không phải hình vuông?

26 điều sai lầm trong giao tiếp dưới đây đều là những điều chúng ta dễ phạm phải, nếu bạn cho rằng đó là những khuyết điểm nhỏ, thì lầm to. Đôi khi chỉ vì vài khuyết điểm nhỏ nhoi đó, lại gây hậu quả khôn lường, ngăn cản bước đường công danh của bạn

1- Không chú ý ngữ điệu khi nói, hoặc nói bằng ngữ điệu buồn tẻ hay ngược lại

2- Khi cần im lặng lại nói năng liên thiên

3- Cắt ngang lời nói người khác

4- Lạm dụng đại từ nhân xưng

5- Đề nghị vấn đề một cách ngạo mạn, gây cho người khác ấn tượng rằng chỉ có mình la quan trọng nhất

6- Trong câu chuyện lồng vào một số chuyện liên quan mật thiết với mình, song lại dễ làm cho người khác không thích

7- Khách không mời mà đến

8- Tự đề cao mình

9- Chế nhạo lối ăn mặc quy phạm trong xã hội

10- Gọi điện thoại không đúng lúc

11- Khi gọi điện thoại tán gẫu những chuyện người khác không muốn nghe

12- Viết thư có nội dung quá thân mật với người mình không quen

13- Bất chấp mình có hiểu hay không, đã tuỳ tiện phát biểu ý kiến

14- Chất vấn thắng thừng tính khả thi trong ý kiến của người khác

15- Cự tuyệt yêu cầu của người khác một cách ngạo mạn

16- Trước mặt bạn của người khác, nói những điều không tốt về anh ta

17- Chỉ trích những người có ý kiến bất đồng với mình

18- Bàn luận năng lực yếu kém của người khác

19- Trước mặt người khác, uốn nắn sai lầm của thuộc hạ hoặc đồng sự

20- Sau khi nhờ người khác giúp đỡ bị cự tuyệt, sinh lòng oán hận

21- Lợi dụng tình bạn để nhờ giúp đỡ

22- Nói năng không đúng mức hoặc mang tính công kích

23- Biểu lộ thái độ không vui trước mặt mọi người

24- Luôn nghĩ đến những điều bất hạnh và đau khổ

25- Tỏ ra oán hận đối với chính trị hoặc tôn giáo

26- Biểu hiện hành vi quá thân mật

GIẢI MÃ KHÁC BIỆT TRONG GIAO TIẾP GIỮA NAM VÀ NỮ

Khi làm việc, phụ nữ và nam giới sử dụng những chiến thuật khác nhau trong giao tiếp và không phải lúc nào cũng được phía bên kia thông hiểu trọn vẹn. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc và thậm chí là quan hệ đồng nghiệp.

Hiểu lầm có thể bị xóa bỏ nếu các hành vi giao tiếp của nam và nữ được giải mã thỏa đáng.

Nam giới trong giao tiếp công sở

1. Phê bình, bỡn cợt

Có thể bạn thấy nam giới thường nói đùa, không nghiêm túc, hay chọc ghẹo, phê bình người khác. Thực chất đây chính là cách mà đàn ông sử dụng để chứng tỏ vị trí của mình.

Phụ nữ cho rằng: Chọc ghẹo người khác khiến đối phương cảm thấy nhỏ bé, và với phụ nữ, những kiểu phê bình, bỡn cợt này chỉ thể hiện sự kiêu ngạo, thậm chí là gây hấn.

Ý kiến chuyên gia: Những kiểu bỡn cợt của nam giới thường là vô hại, miễn là có bên tung bên hứng. Thậm chí, đôi lúc, nếu đừng quá nghiêm túc xét nét thì đây cũng là một kiểu giải tỏa áp lực trong công việc khi mọi người đang phải bù đầu chạy theo dự án, hay doanh số.

2. Ít đặt câu hỏi 

Nam giới thường ít đặt câu hỏi trong công việc vì sợ rằng người khác sẽ nghĩ mình thiếu kiến thức, năng lực. Họ đánh đồng kiến thức với quyền lực nơi công sở và không muốn bị mất mặt nếu tỏ ra thấp kém.

Phụ nữ cho rằng: Những hành động như thế thật trẻ con, thậm chí là “chảnh” và mất thời gian. Sẽ hiệu quả hơn nếu anh ta mạnh dạn hỏi, có câu trả lời và xúc tiến nhanh công việc.

Ý kiến chuyên gia: Một số môi trường làm việc không khuyến khích nhân viên hỏi quá nhiều và đôi lúc tạo cho nhân viên cảm giác tự ti nếu làm gì cùng hỏi. Trong một số cuộc họp, không nhất thiết phải đưa ra quá nhiều câu hỏi vì mọi người cần thống nhất với nhau để có thể chọn lựa chiến lược tốt nhất cho công ty, từ đó từng nhân viên sẽ có cách riêng để tự tìm hiểu chi tiết.

3. Thiếu phản hồi

Đơn giản là đàn ông không thích bị chỉ trích và nghĩ rằng những lời khen chỉ khiến người khác ngủ quên trên chiến thắng. Do đó, họ không yêu cầu phản hồi và cũng không muốn phản hồi với người khác.

Phụ nữ cho rằng: Nam giới không biết trân trọng đóng góp của họ và chỉ biết chỉ trích. Thậm chí phụ nữ cũng cho rằng mục đích của việc không phản hồi là không muốn cho chị em cơ hội thăng tiến hoặc được đảm nhận các dự án lớn.

Ý kiến chuyên gia: Các phản hồi mang tính chất xây dựng là cần thiết đối với văn hóa công ty. Cả hai giới cần tìm cách tận dụng công cụ này nhằm cải thiện chất lượng công việc.

Nữ giới trong giao tiếp công sở

1. Đòi hỏi bình đẳng 

Phụ nữ luôn cố gắng đảm bảo sự bình đẳng cho mọi nhân viên trong công sở. Họ mong muốn tất cả được đối xử như là nhân viên có ích và đóng góp hiệu quả cho công ty.

Đàn ông cho rằng: Nam giới cho rằng đây là dấu hiện cho thấy phụ nữ thiếu tự tin và năng lực để làm lãnh đạo.

Ý kiến chuyên gia: Phụ nữ có thể tạo thế và lực cho mình bằng cách điều phối và hợp tác tốt với các bên. Đây là điều nam giới có thể học hỏi. Tuy nhiên, phụ nữ khi nắm giữ các vị trí lãnh đạo cần tỏ rõ lập trường và ranh giới về mặt quyền hạn với nhân viên.

2. Quá cầu toàn trong các cuộc thương thuyết 

Phụ nữ muốn thấy toàn cảnh và đảm bảo các bên nắm rõ tất tần tật mọi chi tiết và thông hiểu lẫn nhau trước khi đưa ra quyết định.

Đàn ông cho rằng: Cách làm của phụ nữ hoàn toàn trái ngược với nam giới. Với cách làm này, phụ nữ tỏ ra mình thiếu lập trường rõ ràng và không quyết đoán.

Ý kiến chuyên gia: Trong thương thuyết, quan trọng là ở chỗ bạn phải nắm các yếu tố có tính ảnh hưởng trước khi ra quyết định. Mặt khác, đảm bảo mọi người đều vui vẻ không phải là cách các nhà lãnh đạo ra quyết định. Sẽ thật lý tưởng nếu phối hợp được sự quyết đoán của nam giới và tính tỉ mỉ của phụ nữ.

3. Không chắc chắn

Phụ nữ không muốn tỏ ra hối thúc hoặc không lo nghĩ đến vị trí và ý kiến của người khác.

Đàn ông cho rằng: Vì vậy, phụ nữ thường không chắc chắn trong mọi việc và thường cần người khác đứng ra chịu trách nhiệm.

Ý kiến chuyên gia: Cân bằng giữa khiêm tốn và nhún nhường là phẩm chất tốt của lãnh đạo. Nhưng nếu lúc nào cũng nương theo ý kiến và mong đợi của người khác sẽ khiến bạn thiếu sự cương quyết.

[KN GIAO TIẾP] Những câu hỏi không nên đưa ra trong hội thoại

Benny có một người bạn ,cậu ta khá rụt rè.Nhiều lúc nói chuyện,cậu ta rất muốn nói thật nhiều nhưng không biết phải nói gì.Những lúc như vậy,dĩ nhiên benny là người chủ động kể những câu chuyện,đặt những câu hỏi và đề ra đề tài để mà nói.Thế nhưng một người không thể nào có đủ khả năng để có thể nghĩ ra nhiều điều trong một lúc được.Những lúc đó,cậu ta thường kéo dài cuộc hội thoại bằng những câu hỏi dạng như: "bộ..lắm hả?","sao lại....?","Tại sao mà....?",nói chung là những câu hỏi dạng dựa vào những điều đã nói trước đó.Theo benny đây là những câu hỏi rất cần tránh trong hội thoại.Chúng giống như câu hỏi tu từ,người hỏi đã vốn biết sẵn đáp án mà vẫn cố đưa ra cho "có chuyện".

Dạng câu hỏi yêu cầu giải thích:Dạng như "Tại sao..","Sao mà lại...".Đây là những câu hỏi dùng khi người nghe không hiểu về một vấn đề nào đó trong hội thoại.Từ xưa đến nay,những câu hỏi này thường rất khó để đưa ra,nhất là đối với người Việt Nam,ngay cả khi chúng dùng đúng mục đích ,vì những lí do tế nhị nào đó.Vì thế mới sinh ra sự "ngại",tình trạng "thụ động" của các học viên trong các trường lớp.Huống hồ gì khi câu hỏi đó bị dùng sai mục đích,chỉ để kéo dài cuộc hội thoại.Những lúc như vậy,người nghe thường có những đánh giá không tốt và sẽ rất bực mình ,khó chịu vì phải giải thích đi giải thích lại những điều mình vừa nói.Vì thế,không nên đưa ra những câu hỏi dạng này .

Dạng câu hỏi yêu cầu sự chắc chắn:Dạng như "bộ...lắm hả?","phải vậy không?"...Những câu hỏi anỳ thược đưa ra trong những cuộc nói chuyện "cho vui",khi mọi người nói chuyện bông đùa với nhau.Khi được dùng với mục đích đúng đắn,trong những hoàn cảnh nhất định thì các câu hỏi này sẽ trở nên khác đi.Chúng sẽ nghiêm túc và có sức mạnh.Nhưng khi ta dùng nó để kéo dài hội thoại thì lại khác.Nó sẽ làm loãng cuộc hội thoại.Những lúc này,người nghe sẽ có cảm giác khó chịu vô cùng.Họ có thể trả lời bằng cách ậm ừ cho qua,thậm chí dùng các cử chỉ cơ thể(vừa để tránh lặp đi lặp lại điều vừa nói,vừa để tỏ ra đang bị làm phiền bởi câu hỏi đó).Điều này dẫn cuộc hội thoại trở nên bế tắc.Câu hỏi thắc mắc thì còn có cái mà nói chứ câu hỏi này thì..biết nói gì đây?Vì vậy,tuyệt đối cần tránh đưa ra những câu hỏi loại này.

Trên đây là kinh nghiệm của benny trong những lần gặp gỡ bạn bè cũng như khi chat online và những phương tiện khác.Không phải là hoàn toàn tránh đưa ra câu hỏi thuộc hai dạng trên nhưng chúng ta cần dùng nó trong những hoàn cảnh giao tiếp phù hợp.Nếu không thì nó sẽ trở nên phản tác dụng ,chẳng những gây khó chịu cho người nghe vì họ phải nói đi nói lại mà còn khiến chính người đưa ra câu hỏi trở nên mất tự tin vì khiến cuộc hội thoại trở nên bế tắc.Đây không phải là những câu hỏi giúp cuộc giao tiếp kéo dài thêm mà chỉ làm nó bị chặn đứng thôi.Vì thế,khi nói chuyện,tuyệt đối cần tránh những câu hỏi bâng quơ như vậy

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com

Tags: