Nhục quan
Những cái túi đen bọc xác người rung lắc dữ dội, từ dưới đất bụi cát bị sức gió tạo ra từ bọc xác thổi lên, kết tụ thành một làn sương mờ ảo, chốc cái lại tan ra rồi bay về tứ phía. Đám người Sửu Anh đứng trước cảnh tượng này thì không khỏi hốt hoảng, xen lẫn giữa đó còn có một chút tò mò về người đàn ông đeo mặt nạ kỳ lạ. Người đàn ông này to con, nôm thần thái có thể là một nhân vật quan trọng trong làng, khi ông ta xuất hiện thì dân làng đều im phăng phắc. Đám quan tài vẫn chưa thôi chạy loạn trong chính điện, chúng phát ra tiếng kêu dữ dội khi nắp quan đập vào vỏ, nghe cứ như tiếng trống đưa tang dồn dập.
Văn Giỏi và Tiếu Thiên vừa thủ thế, định xông lên thì đã bị Sửu Anh ngăn lại, bảo đây là Thiên Táng, Văn Giỏi liền hỏi: "Chú Sửu, Thiên Táng con chỉ nghe qua, chưa từng thấy bao giờ, chú có chắc đây là Thiên Táng không? Nhỡ đâu không phải thì cứ để con với thằng nhóc này xử gọn rồi mình rút!"
Sửu Anh giữ giọng nói bình tĩnh, tuy vậy mắt vẫn không rời người đàn ông đeo mặt nạ vừa xuất hiện: "Có lần lão đi với Túc huynh cũng gặp một ngôi làng tựa tựa như ngôi làng này, cảnh tượng lúc đó quả thật rùng rợn, cũng có cây, có giếng, xác bọc trong vải đen và một nhóm người Thổ Phồn. Chỉ là... chưa thấy có quan tài chạy như vầy, biết đâu có ẩn tình, cứ từ từ mà xem xét."
Tiếu Thiên giật mình: "Vậy sao nãy bác không nói sớm?"
Sửu Anh bảo: "Thật ra lão đã bán tín bán nghi, vì lúc lão gặp Thiên Táng là đã nhiều năm về trước. Vừa vào làng, lão gặp lại cảnh cũ nhưng sợ chỉ là giả mạo nên chưa nói vội, sợ mấy sư huynh sư muội lo lắng. Giờ thì lão chắc chắn đây là Thiên Táng, họ chỉ là đang mai táng người chết thôi, không có gì đáng lo ngại. Chúng ta tốt nhất nên đứng sang một bên quan sát."
Văn Giỏi vẫn gặng hỏi: "Bác chắc chưa bác Sửu? Chỉ sợ người xấu có mưu đồ xấu nhưng không để lộ ra ngoài, đến khi phát giác thì không kịp trở tay..."
Sửu Anh biết Văn Giỏi cũng có ý tốt, lo lắng cho đám người Thiết Công nên mới nói vậy, ông bảo: "Lão chắc mà." Nói xong thì Sửu Anh nhìn Văn Giỏi bằng ánh mắt quả quyết, anh ta thấy vậy thì không cự nự nữa, cùng Tiếu Thiên đứng sang một bên.
Đám dân làng lúc này cũng khép chặt vòng tròn, đứng sát hơn vào cái cây kỳ lạ, đúng như lời Sửu Anh nói, họ không phải đang bao vây đám người của Sửu Anh mà chính xác hơn là họ đang tụ tập xung quanh cái cây kia, lúc nãy vì đám Sửu Anh đứng ở trung tâm nên mới có chuyện hiểu lầm như vậy. Khi đám Sửu Anh vừa ra khỏi thì dân làng bắt đầu cất tiếng tụng niệm, nghe như là một loại kinh tiếng Phạn cổ xưa nào đó, giọng đọc du dương, thê lương, đượm buồn và có phần ai oán.
Đột nhiên, trong các thớ cây, một loài chim kỳ lạ to cỡ con gà trống trưởng thành thò đầu ra ngoài, chim này dường như đã rụng hết lông, chỉ còn vài cọng trên cánh và đuôi, da nó đỏ, mỏ quặp xuống như diều hâu, ánh mắt to như hai hòn ngọc trai, tròng mắt đen như xoáy, vô hồn như ma quỷ từ chốn âm tào địa phủ. Có khoảng hai chục con chim như vậy, vừa chui ra chúng liền kêu lên "réc réc" rồi bắt đầu rỉa những cái xác bọc trong vải đen làm thịt xác chết nham nhở, bốc mùi như cả ngàn con chuột chết. Đàn chim này trông có vẻ háo đói, chúng rỉa rất nhanh, cái mỏ sắc nhọn chọc thủng những thớ vải làm thịt người chết lòi ra ngoài, sau đó chúng bâu vào đánh chén, thoáng cái chỉ còn lại những bộ xương trắng treo lủng lẳng trên cành cây.
Trong lúc lũ chim rỉa thịt, dân làng xung quanh quỳ xuống, vái lạy, miệng vẫn liên tục đọc kinh. Cả đám người bên này chẳng thể nhìn được biểu cảm trên khuôn mặt của dân làng vì tất thảy họ đều đeo mặt nạ thú, từ trẻ con đến người già, từ nam tới nữ, không chừa một ai. Đàn chim ăn hết thịt thì lại chui vào trong cái cây, người dân cũng ngừng vái lạy, nhìn qua đám quan tài chạy loạn thì thấy chúng đã nằm ngay ngắn trong góc đình.
Văn Giỏi từ nãy đến giờ đặc biệt chú ý đến lũ hòm này, mặc dù nói chúng chạy loạn nhưng nhìn kỹ thì vẫn thấy có một quỹ đạo kỳ bí nào đó trong nhịp chạy của chúng. Góc đình, nơi quan tài nằm im hiện giờ tối om, chỉ thấy được lờ mờ góc cạnh của quan tài. Lũ hòm này nói là chạy nhưng nhìn kỹ lại thì giống như đang bò hơn, không thể thấy được chân của chúng mọc ra từ đâu, hệt như có người nằm bên trong khoét một lỗ dưới đáy quan rồi thò tay ra để trườn đi vậy, nhưng rõ ràng lúc nãy nắp quan mở ra có thấy cái xác nào đâu?! Nghĩ càng sâu thì lại càng khó hiểu, đến khi chúng nằm im phăng phắc thì lại thấy chẳng khác nào quan tài bình thường. Văn Giỏi ra chiều khó chịu, sự việc kỳ lạ không có câu giải đáp làm anh cứ thấy bồn chồn, bất an.
Lúc này, lễ lạt có vẻ đã xong, dân làng bắt đầu trở về với nhịp sống của họ, vài người khi bước đi có quay sang nhìn đám người của Sửu Anh, nôm như họ cũng khá tò mò. Sửu Anh ánh mắt đăm chiêu nhìn theo đoàn người dần khuất bóng sau cổng đình, ông nói, giống như đang rào trước: "Mọi người cứ bình tĩnh, xem đám người này là cái gì cái đã."
Người đàn ông đeo mặt nạ hình như là chủ lễ, khi dân làng đi khuất thì cất bước đi về phía đám người của Sửu Anh, ông ta tháo mặt nạ to như đầu lân ra, Tiếu Thiên lúc này mới ngẩng cổ lên xem mặt mũi của ông ta ra sao, ai dè bên trong cái mặt nạ to lại là cái mặt nạ nhỏ hơn. Người đàn ông này ăn mặc sặc sỡ, kiểu cách không giống dân miền Tây, mặt nạ nhỏ bên trong là mặt nạ chim trĩ với hai cái sừng trâu mọc hai bên, trông khá dị hợm. Người đàn ông vừa đi vừa cầm theo bát hương, bước hai bước thì rải tro một lần, lát sau thì đã ở trước mặt Sửu Anh, ông ta cất tiếng hỏi, giọng nói của một ông lão: "Mấy người là ai, ở đâu mà lưu lạc tới làng này?"
Sửu Anh nói: "Tụi tui từ trên núi xuống, đi lạc vô đây, không biết làng đang có tang, xin cáo lỗi. Không biết nên phải xưng hô như thế nào mới phải phép?"
Người đàn ông nói: "Gọi tui Mã là được rồi. Ở làng này cũng gần sáu mươi mùa Thiên Táng."
Sửu Anh cười nói: "Vậy tui phải gọi ông anh là "anh" rồi. Anh Mã cho tui hỏi đường xuống núi là phải đi ngả nào he?"
Ông Mã vừa định trả lời, đột nhiên cái mặt nạ chim trĩ giật ngược về sau, tựa như ông ta vừa giật mình vì chuyện gì đó, ông liền đi một lượt, xem xét người ngợm từ Sửu Anh, Sửu Em cho đến Văn Giỏi, Ngọc Mỹ, Tiếu Thiên, đoạn ông ta thở dài nói, giọng có phần tức giận: "Mấy người... Mấy người hình như không được sạch sẽ cho lắm? Trên người còn vướng tử khí rất nhiều, có phải là dân đào mồ trộm mả trên Núi Cấm xuống không hử?"
Sửu Anh liền xua tay, bảo không phải, ông Mã vẫn không chịu tin, đòi khám xét từng người, Sửu Anh đành phải xuống nước, kể đầu đuôi câu chuyện cho ông Mã nghe, từ lúc Năm Dóng gặp nạn cho đến lúc Văn Giỏi xuất hiện, không chừa chi tiết nào cả. Ông Mã nghe xong thì đặt tay lên cầm của mặt nạ chim trĩ, ra vẻ trầm tư: "Thế thì hỏng rồi... Đất của vùng này không chôn xác của ông anh Ba Túc lâu được đâu, phải mau mau tìm gỗ U Đàm gì đó rồi đem xác ổng xuống núi!"
Ngọc Mỹ nghe đến đó thì sốt ruột ra mặt: "Vậy... Vậy là sao chú Mã? Chẳng lẽ có chim ăn xác trên đó?" Ngọc Mỹ nói đến đó thì nổi da gà, nhìn sang cái cây Thiên Táng với vẻ mặt lo âu.
Ông Mã liền kéo tay Sửu Anh, lôi vào trong chính điện: "Thôi, thôi. Vào đây, vào đây ngồi xuống cho đàng hoàng rồi nói chuyện."
Vài phút sau, cả đám người đã yên vị trên một bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ gần với góc đình, nơi đặt những cái quan tài biết chạy. Ông Mã đem ra một ấm trà đựng trong trái dừa khô, rót trà cho từng người xong ông mới kể. Trước kia, nơi làng xóm này vô cùng bình yên, người dân chủ yếu cuốc đất, trồng ruộng, tự cung tự cấp, tránh xa với thế giới bên ngoài. Có đợt nọ, một thầy pháp đến chân núi để giúp một gia đình nào đó trên huyện trấn yểm một mộ huyệt, vì mộ chủ chết do bị sét đánh nên nghi lễ làm rất rình rang, kèn trống dậy cả một vùng núi rừng. Không hiểu ông thầy pháp đó chôn xác như thế nào mà từ cái mả, đất bắt đầu khô cằn nứt nẻ, mới đầu vết nứt chỉ vây quanh cái huyệt, sau đó thì lan dần ra, cỡ nửa năm thì cả làng đều toàn vết nứt, bước đi không cẩn thận là bị hụt chân kéo lên không được, thảm họa từ đó cũng ập đến ngôi làng vốn yên bình.
Dần dà, người chết rất nhiều, chết mà không hiểu nguyên nhân, có khi mới sáng còn ăn nói rôm rả, tới chiều ngả bệnh rồi tắt thở, đầu làng cuối xóm đều nghe tiếng trống đám ma. Dân làng từ đó sống trong hoang mang, lo sợ, cho đến một năm sau, có một nhà sư Thổ Phồn đi ngang làng, vừa đến chân núi thì la lên oang oác, ông ta nói dưới cái huyệt chôn người bị sét đánh năm xưa có một cương thi, cương thi gây nên hạn hán, bệnh tật là đúng, phải nhanh chóng đào lên thiêu nó ngay còn kịp, trước khi nó hút dương khí thì chỉ có Phật tổ may ra mới trị nó được.
Dân làng ban đầu bán tín bán nghi, vì người bị sét đánh kia nghe đâu cũng là người danh cao vọng trọng, tu tập rất tốt, uy tín cả huyện ai cũng biết, nay nói ổng là cương thi thì ai mà tin cho được. Vị sư Thổ Phồn thấy vậy liền lắc đầu, bảo rằng kiếp nạn này không trừ không được, người dù sống có là ai đi chăng nữa, khi đã chết đi rồi hồn đều đi về cực lạc, thân xác phàm tục này đầu còn là người ngày xưa nữa, trái lại, nó đã hóa cương thi. Nếu để cái xác phàm quấy phá dân làng, chẳng phải càng làm cho linh hồn người chết nơi chín suối khó chịu, cõi bồng lai vì thế cũng bị ô uế hay sao?
Dân làng nghe vị sư Thổ Phồn nói vậy cũng cho là có lý, bèn đồng ý quật mồ, đào xác lên đem đi thiêu. Ngày hôm đó, chẳng hiểu vì sao trời nổi cơn giông rất lớn, mây kéo đến che khắp bầu trời, lạ một chỗ, mây này không có màu đen mà có màu đỏ. Vị cao tăng Thổ Phồn nhẩm gì đó rồi nhăn mặt nhìn trời mà phán rằng, con cương thi bên dưới đã sớm hút đi mạch đất tốt làm cho đất nứt nẻ, ấy vậy còn nhả khí độc giết người trong làng, công lực của nó đã gần đến mức đột phá, sắp biến thành yêu. Dân làng nghe vị sư nói vậy ai cũng tái xanh mặt mày, tay đào tay bới vì thế cũng gấp rút hơn, thoáng chốc đã tới được quan tài.
Dân làng hì hục cột dây, định kéo quan lên trên, ai ngờ cột mười sợi dây thì đứt hết mười sợi, vị sư Thổ Phồn hốt hoảng, kêu mọi người đào đất xung quanh ra, len cuối cùng vừa sắn xuống, trời bỗng nổi lên tia chớp, ai nấy nhìn thấy cái quan tài đều ngả ra đất hết: quan tài bám đầy thịt mỡ, trong thớ thịt thớ mỡ đầy những gân máu đỏ, chúng đập lên thìn thịt như có sức sống. Vị cao tăng lúc này quát tháo, kêu người dân leo ra khỏi huyệt, bên dưới giờ đây là "nhục quan" trong truyền thuyết, độc cực kỳ, chạm vào là xác thịt sẽ rã ra như sáp đèn cầy!
Dân làng nháo nhào, chẳng biết phải làm sao, muốn đốt cương thi thì phải mở nắp quan, nhưng chạm vào thì bỏ mạng, họ đành trông cậy hết vào vị cao tăng. Vị cao tăng nhìn dân làng một lượt rồi bảo họ tạm thời kiếm chỗ gần nguồn nước mà đứng, mọi chuyện cứ để ông ta lo. Dân làng nghe vậy thì kéo nhau đến gần bờ một con sông nhỏ gần đó, hạn hán đã rút gần cạn con sông nhưng cơ bản là vẫn có nước, đúng theo lời vị cao tăng. Sau đó, chẳng ai biết vị cao tăng Thổ Phồn ấy đã làm gì, chỉ thấy nửa canh giờ sau, một trận gió lốc rất lớn thổi tới, đất cát bay mù mịt kèm theo một tiếng hét rất thảm thiết. Dân làng vội kéo đến chỗ cái huyệt thì thấy cái quan tài đã cháy đen, vị cao tăng kia cũng hóa tro, cơ thể đen sì, ông ta đang ngồi thế kiết già, hai chân bắt chéo, mặt hai bàn chân ngửa lên trời, mu bàn chân gác lên đùi, hai tay trì ấn đặt lên đầu gối, trong rất thanh thản. Thì ra, vì không mở nắp quan được nên vị cao tăng đã làm phép tự thiêu thân thể để đốt luôn quan tài và con cương thi bên trong trừ hại cho đời. Dân làng ai nấy cũng cảm kích, khóc rất nhiều.
Người dân không biết phải xử trí cái xác và cái quan tài cháy đen như thế nào nên đành để đó, cùng lúc thì cử người đi tìm thầy pháp. Bặt đi hai ngày sau, có hai người đến làng, họ tự xưng là đệ tử của cao tăng Thổ Phồn, hôm trước đến An Giang, sư phụ họ bỗng chạy đi rất nhanh, họ đuổi theo nhưng không kịp, họ tìm sư phụ hai hôm nay, cho đến hôm qua, họ nghe có người kể về sự tình ở làng này nên đến tìm thì thấy xác sư phụ đã cháy đen dưới mộ huyệt. Họ nhìn vào, đoán biết được sự tình nên mới kéo đến làng, họ bảo rằng sư phụ đã hóa thành xá lợi, thân thể quý vô cùng, cần đem về cúng kiếng ngay.
Hai người đệ tử vừa dứt lời thì một trận sấm nổ lên, trời trút một cơn mưa rất to, đại nạn hạn hán vì thế mà chấm dứt. Dân làng lúc này mới tin rằng vị cao tăng Thổ Phồn đã giúp mình, mới cùng hai người đệ tử đưa xá lợi ngọc thể của ông ta lên. Cứ tưởng mọi chuyện đến đó là kết thúc, tuy nhiên hai người đệ tử nói rằng, con cương thi ấy đã phá nát hình thể long mạch của vùng này, đầu rồng và đuôi rồng đều không còn sinh khí, sớm muộn gì dân làng cũng sẽ đối mặt với kiếp nạn tiếp theo. Dân làng hỏi hai người đệ tử phải làm sao, hai người bọn họ liền lấy đất sét trét lên cơ thể xá lợi của sư phụ rồi xây đình để thờ, người chết về sau đều phải đem đi Thiên Táng, không được chôn vì đất đã nhiễm âm khí của con cương thi ngày xưa, nếu chôn người ở đây thì họ cũng sẽ hóa cương thi.
Sửu Anh nghe kể đến đó thì trong lòng cũng không muốn tin hết, ông chỉ để đó, làm tư liệu tham khảo, ông hớp một ngụm trà rồi hỏi ông Mã: "Vậy chuyện đó có liên quan gì đến chuyện đeo mặt nạ của người dân không he anh Mã?"
Ông Mã nói: "Con cương thì ngày xưa bị thiêu nhưng ma tính của nó vẫn còn, đất này lại là đất xấu cho nên nó chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Dân làng này mỗi khi ra đường đều phải đeo mặt nạ thú dữ để yêu hồn con cương thi không tìm tới trả thù họ được. Mà... Mấy người uống xong cử trà này cũng nên rời khỏi làng, mấy người không đeo mặt nạ, có gì tui không có chịu trách nhiệm đâu."
Sửu Anh nói: "Nhưng tụi tui không biết đường ra, anh Mã có thể dẫn đường được không?"
Ông Mã xua tay, nói: "Chuyện đó khỏi lo, tui có nhờ thằng cháu tui rồi, mấy người cứ đi theo nó."
Ông Mã nói đến đó thì chỉ tay ra cửa, đúng là có một thanh niên đeo mặt nạ dê đã đứng đợi sẵn từ lúc nào. Văn Giỏi và Tiếu Thiên nhất loạt nhìn nhau, người thanh niên này thân thủ chắc phải thuộc dạng phi phàm, anh ta xuất hiện mà chẳng ai cảm nhận được cả. Ngọc Mỹ nhìn người thanh niên đeo mặt nạ dê, vẻ mặt cô hiện vẻ lo âu, cô níu áo Tiếu Thiên và Văn Giỏi, hỏi: "Hai người... Hai người có nghe mùi gì không?"
Văn Giỏi và Tiếu Thiên hỉnh mũi lên ngửi nhưng không nghe được mùi gì khác ngoài mùi đất non trong đình, thế nhưng Ngọc Mỹ vẫn quả quyết có mùi hăng như mùi xác chết, Tiếu Thiên lúc này mới an ủi, nói với Ngọc Mỹ rằng có thể là do mùi mấy cái xác Thiên Táng lúc nãy còn ám trên quần áo thôi, đừng lo xa quá.
Từ biệt ông Mã, đám người Thiết Công và Văn Giỏi nối gót người thanh niên đeo mặt nạ dê, họ men theo con đường chính đi vào lúc nãy, được một đoạn thì ngoặc qua một con đường mòn, cây khuynh diệp mọc cao lên hai bên, che chắn cho ruộng đồng phía sau, nhìn thì có vẻ mênh mông nhưng đã bị sương mù che đi gần hết. Đi được một đoạn lâu, người thanh niên đeo mặt nạ không hề nói một lời nào, đột nhiên anh ta ra vẻ dáo dác, miệng lẩm bẩm: "Ủa, đường ra đâu rồi?"
Tiếu Thiên thấy điệu bộ anh chàng kia có phần mờ ám, nó liền kéo vai anh ta lại hỏi: "Gì vậy ông anh? Nhà mình mà mình không thuộc đường nữa hả?"
Người thanh niên bảo: "Không... Không... Tui dẫn mấy người đi đúng đường mà. Đáng lý ở chỗ này có một cây cầu gỗ, đi qua cầu thì tới chân núi dẫn ra đường lớn."
Văn Giỏi thắc mắc: "Chân núi? Ông anh, ở đây toàn đồng ruộng, lấy đâu ra chân núi?"
Người thanh niên vẫn quả quyết: "Đúng là vậy mà, bên kia là chân Núi Cấm."
Người thanh niên chỉ về phía xa, cả bọn nhìn theo nhưng chỉ thấy một lớp sương mù dày đặc, trắng xóa chứ có núi rừng gì đâu. Ngọc Mỹ sốt ruột: "Hay là anh coi lại đi, chứ tui nhìn là thấy ruộng không đó."
Người thanh niên lắc đầu quầy quậy, nói: "Tui sống ở đây từ nhỏ, làm gì có chuyện nhầm đường. Cây cầu bắt qua Núi Cấm ngày xưa là hai người đệ tử của cao tăng xây, muốn biến mất là biến mất sao?"
Lúc này, Sửu Anh cũng bắt đầu lo lắng y hệt như những người bên kia, đúng là không có chuyện cây cầu đột nhiên biến mất được. Tiếu Thiên chợt cảm thấy bồn chồn, một cảm giác kỳ lạ trỗi dậy trong lòng ngực nó, tựa như hiểm họa, chỉ là không biết từ đâu đến, bất giác, nó đứng che trước mặt Ngọc Mỹ. Văn Giỏi thì bình tĩnh hơn, anh nhắm mắt lại, tựa như đang dùng một giác quan thứ sáu nào đó để cảm nhận vậy.
Trời tĩnh lặng, xung quanh sương mù như không động đậy, bỗng nhiên một cơn giông lớn nổi lên, nền trời đang xanh bỗng nhiên những đám mây đỏ như máu kéo đến dày đặc, hệt như trong lời kể của ông Mã. Văn Giỏi lúc này mới mở trừng mắt, anh chụp tay người thanh niên đeo mặt nạ dê, lạnh lùng nói: "Đưa tụi tui về làng, nhanh!"
Người thanh niên cuống cuồng quay đầu chạy về hướng ngôi làng, đám người này cũng gấp rút chạy theo. Tiếu Thiên lúc này bị Văn Giỏi kéo lại, nó tròn mắt hỏi Giỏi có chuyện gì vậy, anh thở hơi gấp, nói: "Huynh cảm thấy có chuyện không hay sắp xảy đến, đệ chịu khó đi sau coi đoàn, huynh đi trước cảnh giới."
Tiếu Thiên nghe Văn Giỏi nói vậy cũng không tránh khỏi chuyện lo lắng, ánh mắt của Văn Giỏi rõ ràng đang xệch xuống, hệt như con hổ trong tư thế săn mồi, không giống với một Văn Giỏi hiền lành khi giao tiếp chút nào. Tiếu Thiên nuốt nước bọt, nó nhớ về những trưởng bối Võ Gia của nó, khi gặp chuyện gì nguy hiểm, họ đều có biểu hiện y hệt Văn Giỏi, nghĩ thế nó liền làm theo lời Văn Giỏi, chạy cuối đoàn, đề cao cảnh giác.
- o -
Trần Lục vừa ra khỏi khe đá đã gặp ngay một khu đầm lầy bí hiểm, sương mù giăng kín lối, khắp nơi là xương người, quan tài mục, những gốc cây trơ trọi vươn lên khỏi bùn lầy. Hắn đưa mắt nhìn quanh, nơi này là nơi nào? Thất Sơn An Giang là rừng thiêng nước độc nhưng làm gì có chốn nào trông như tầng cuối cùng của âm phủ thế này? Nghĩ đến đó, hắn mới nhớ lại một chuyện ngày xưa hắn từng nghe Ba Túc lúc trà dư tửu hậu thường kể, đó là dưới chân Núi Cấm và Núi Dài có một sơn cốc. Chẳng lẽ khi Lục chui ra khỏi thông đạo đã vô tình bước chân vào sơn cốc? Hắn tự hỏi kỳ ngộ lần này sẽ đưa mình đến đâu đây.
Đang đăm chiêu suy nghĩ, bỗng Trần Lục nghe tiếng gõ phát ra từ cái khạp, hắn ghé tai vào nghe ngóng, miệng hắn cũng mấp máy như đang lặp lại lời nói bên trong: "Nhanh tới cứu? Chết hết rồi?" Hắn dựng người lên, ra chiều khó hiểu: "Chết hết? Ai chết? Tới cứu là tới đâu? Là sao?"
Cái khạp lại vang lên tiếng gõ, Trần Lục ghé tai vào, hắn ngẩng cả người, chỉ tay về phía trước: "À, chạy về hướng đó hả? Dạ được, Tổ phụ!"
Trần Lục ba chân bốn cẳng chạy mặc dù không hiểu Trúc Lâm muốn dẫn mình tới đâu, đột nhiên lúc đó hắn bị hụt chân, té xuống một kênh nước nông. Kênh nước chỉ ngập tới hông, thế nhưng nước lại đen sì, hôi hám, tựa như người ta ngâm cả ngàn xác chết xuống dưới vậy. Trần Lục ngẩng đầu lên nhìn thì thấy một cây cầu gỗ mục gãy hiện ra chỏng chơ trước mắt, cây cầu này nối liền hay bờ đất, không giống như nó bắt ngang con kênh hôi hám này mà giống như nó đang phân chia ranh giới hơn: đất bên kia cầu thì ẩm ướt, đất bên đây cầu thì khô nứt nẻ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com