Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 17: Giữ đàn như giữ tâm

“Anh đùa tôi đấy à?”

Lễ bị chọc phì cười, cứ tưởng Duy là người cứng ngắc khó gần, trăm năm không đổi sắc mặt, vậy mà bây giờ hắn còn biết nói giỡn với cậu, không những thế, hắn còn gọi cậu bằng danh xưng quá ư sến súa ấy nữa.

Nghe mà nổi da gà mất rồi.

“Thật là...” Cậu thở dài, lẩm bẩm trong miệng: “Có còn nhỏ nữa đâu mà làm trò dữ thế?”

Ngoài miệng chẳng ham, nhưng người nào đó không hạ khóe môi xuống được, bàn tay thon dài duỗi ra, xòe lớn, ngoan ngoãn nghe lời Duy không khác gì một “nhóc nhỏ”.

“Thưa cậu hai Duy, tôi đã xòe tay rồi, xin hỏi khi nào tôi sẽ được nhận đồ mình cần đây?”

Giọng điệu nghiêm túc, ngôn từ trang trọng, nhưng gộp từng chữ với nhau thì đúng là làm quá đến khôi hài, Duy bất giác phì cười trước thái độ của cậu, mềm lòng không ghẹo nữa, chủ động đưa túi đồ đặt vào tay Lễ, trước khi rời đi, ngón cái của hắn còn cọ nhẹ vào vùng hõm bàn tay của cậu.

Bụng ngón tay chai sần vuốt nhẹ lên làn da, Lễ hơi giật mình, trái tim theo đó thoáng nóng lên bất thường.

“Cậu kiểm lại đi, xem tôi mua đủ hết chưa? Nếu có thiếu thì nói với tôi một tiếng, sau này hết giấy bút cũng phải nói cho tôi biết, tôi đưa cho cậu thêm.”

Lễ bối rối giấu đi thái độ khác lạ hiện trên mặt, nghiêm túc kiểm tra túi đồ trên tay, những thứ mà cậu cần Duy đều mua đủ, không thiếu cũng chẳng thừa. Cậu gật đầu: “Đều đủ hết rồi, tôi... cảm ơn anh nhiều.”

“Ừ, nếu đã đủ rồi thì thời gian này cậu cứ viết bản thảo, nếu không kịp thì tháng sau hẵng gửi bài.” Duy nói đến đây chợt nhớ ra chuyện quan trọng, không quên nhắc nhở cậu: “Nhưng cậu cũng chú ý một chút, hiện tại tình hình không mấy yên ổn, nếu cậu viết, cũng nên biết lựa đề tài mà viết phù hợp.”

“Đừng biến ngòi bút thành mũi dao đâm vào mình, cũng đừng gây liên lụy đến những người không liên quan.”

Những lời này của Duy không có ý xấu, chỉ đơn thuần nói cho cậu biết nên liệu đường mà tính toán để bảo vệ bản thân khỏi biến động thời cuộc, dù sao nếu bài viết của Lễ mang đề tài quá nhạy cảm và bị bên trên để ý, nhà họ Nguyễn cũng có nguy cơ gặp vạ lây.

Song, điều khiến cho Lễ bất ngờ hơn là cậu có cảm giác Duy đang dùng những lời ấy thăm dò tư tưởng của cậu.

Trước nay suy nghĩ của Lễ vẫn luôn rõ ràng, cậu yêu thích tự do, chưa bao giờ xem những cuộc chiến xâm lược là điều có ý nghĩa, từ lâu, cậu đã nhận ra gốc rễ của những cuộc chiến ấy như một trận thập tự chinh của trẻ con*, khi tham vọng lấn át tâm tính, khi tự do bị nhốt chặt, bóp méo thành một tấn bi kịch không lời văn nào miêu tả nổi, đó cũng là lúc có vô số giọt máu rơi xuống vô ích vì những lần giao tranh khốc liệt.

Cũng vì thế, giữa lúc sự đời còn lắm nhiễu nhương, cậu không chọn trú ẩn ở chốn yên bình mà quyết định trở về quê hương của mình, cậu muốn dùng ngòi bút viết lên những tâm tư, ẩn nó vào trong từng con chữ, cậu muốn dùng lý tưởng nhân đạo của mình lọai trừ hoàn toàn lý tưởng bạo lực độc ác mà không cần dùng đến một nòng súng, một viên đạn nào.

Có vẻ như do thân phận học sinh từng du học của cậu, Duy mới tỏ ra đề phòng như thế. Lễ đoán được tâm tư của hắn, nhưng vì hai người chưa quá thân thiết đến mức bí mật nào cũng phải bộc bạch cùng nhau, Lễ bèn lựa chọn giấu nhẹm suy nghĩ của mình, bên ngoài, cậu vẫn mong Duy nghĩ rằng cậu là kẻ ôm mộng văn chương, không màng đến thời cuộc.

Lễ hoàn hồn, mỉm cười hứa hẹn: “Anh yên tâm, tôi có chừng mực, tôi sẽ không đẩy bản thân vào chốn nguy hiểm, cũng sẽ không khiến gia đình anh khó xử.”

Dáng vẻ của cậu đường hoàng, như chỉ hận không thể đem lòng mình ra đảm bảo cùng hắn: “Hay là tôi tính thế này, sau khi tôi viết xong bản thảo anh có thể đọc qua một lần, nếu không có vấn đề tôi mới gửi đến tòa soạn, bằng không thì anh để tôi viết ở trước mặt anh, chính mắt anh quan sát tôi ghi ra từng câu từng chữ, thế thì chẳng sợ tôi ‘lệch pha’ nữa rồi.”

Lời đề nghị này khiến Duy ngạc nhiên: “Viết ở trước mặt tôi?”

Cậu ta đang có ý tứ muốn được ở trong phòng sách của hắn viết bản thảo, đúng không nhỉ?

“Ừm, đâu còn cách nào khác tốt hơn để chứng minh tôi trong sạch như cách này nữa, phải không nào?”

Duy nheo mắt, đối diện với nụ cười rạng rỡ của cậu, hắn đưa ngón tay, chọc nhẹ vàng vầng trán xán lạn kia, mím môi: “Tôi thấy là cậu vừa mắt mấy quyển sách trong tủ mới tìm cách lượn lờ xung quanh nó thì có.”

Bị vạch trần tâm tư, Lễ đành cười gượng, ngón tay gãi nhẹ trên cằm: “Biểu hiện của tôi rõ ràng thế sao?”

“À, không rõ ràng đâu, thiếu điều cậu muốn viết hết ý nghĩ của mình lên mặt thôi.”

“Thì... cũng đâu trách tôi được, phận làm người yêu sách khó lòng cưỡng lại trước tủ sách đồ sộ của nhà anh lắm.” Lễ chỉ tay vào một quyển sách được bọc bằng giấy kiếng* trong suốt, ánh mắt hâm mộ: “Tôi tốn mất sáu tháng hỏi thăm bạn bè, lùng sục khắp New York vẫn không tìm được ấn bản đặc biệt của quyển sách này, thật không ngờ trong số trăm quyển, lại có quyển chạy gần nửa vòng Trái Đất để xuất hiện nơi đây.”

Duy nhìn theo hướng ngón tay của Lễ, môi hơi nâng lên: “Mắt của cậu cũng tinh lắm.”

Đối với hắn, đây là quyển sách có giá trị nhất trong tủ sách, không chỉ vì tính sưu tầm, mà còn vì đây là quà của người thầy hắn yêu quý nhất tặng cho hắn.

Năm năm trước, hắn đã nhận được giấy giới thiệu của thầy để sang phương Tây tiếp tục học lên cao, nhưng trước ngày khởi hành, cha Duy mất, xưởng rèn mất đi trụ cột, không còn ai chèo chống, phận làm con, Duy không thể từ bỏ cơ ngơi cả đời của gia đình, vậy nên hắn quyết định dừng việc học, quay về với xưởng nghề, từ chật vật làm quen đến thạo việc như hôm nay là một quá trình kéo dài suốt năm năm trời, những ngày tháng ấy, mồ hôi và nước mắt của hắn hòa với tiếng gõ của búa tạ, chẳng rõ từ khi nào, linh hồn này đã gắn bó keo sơn cùng sự thành bại của xưởng rèn.

Bây giờ nhớ về những chuyện cũ, những khó khăn và khốn khổ ngày ấy dần nguôi ngoai như một vết sẹo mờ, không đau không ngứa, trong ánh mắt Duy chỉ còn chút hoài niệm rồi nhanh chóng bị đập tan, biến mất.

Âm thanh của hắn thốt ra trở nên nhẹ nhàng: “Tôi cho phép cậu ở lại phòng sách viết bản thảo, nhưng chỉ những lúc có tôi ở đây thôi.”

Lễ vui đến mắt mày cong cong: “Tất nhiên rồi. À, còn chuyện này, những lúc rảnh rỗi anh có thể cho tôi mượn vài quyển sách trên kệ để đọc được không? Tôi hứa sẽ không gấp sách, không mở nửa, không làm hỏng góc sách, sẽ nâng niu chúng một cách tuyệt đối.”

Duy cười: “Không cần làm quá vậy đâu, nếu sau này cậu muốn mượn thì nói với tôi một tiếng, nhưng chỉ cho cậu đọc ở đây.”

Lễ là kiểu người anh nhường tôi một bước, tôi sẽ lớn gan tiến thêm một bước, được đằng chân vắt lên đằng đầu. Cậu còn muốn mặc cả với Duy bằng việc chỉ vào chiếc ghế gỗ mà mình đã vừa mắt nãy giờ, dò hỏi: “Vậy tôi có thể ngồi trên chiếc ghế đó đọc sách đúng không?”

Duy vừa lướt qua chiếc ghế gỗ đã có thể hình dung được dáng dấp lúc Lễ ngồi tựa vào đọc sách, hắn đột ngột liên tưởng đến cảnh một con thỏ lông trắng béo ú nhảy trên lòng ghế, dùng cái chân ngắn cũn của mình lật sách, tự mình chọc mình cười: “Cậu cũng biết hưởng thụ thật đấy, có cần tôi mang trà bánh sang cho cậu nhâm nhi không?”

“Còn có đãi ngộ tốt vậy sao?”

“Dám kỳ kèo với tôi còn giả ngu nữa, sao cậu mặt dày quá vậy hả?”

Duy bị Lễ chọc ghẹo mà lòng dạ ngứa ngáy, tay chân không yên. Hắn đưa tay, bóp lấy gò má của cậu, vốn muốn véo một cái cho bõ tức, nhưng vừa chạm vào hắn lại không nỡ xuống tay, chỉ bấm nhẹ một cái, dấu tay rất nhạt, nhưng Lễ ôm mặt làm quá.

“A, đau đấy! Mặt tôi mà méo đi thì tôi ăn vạ để bắt đền anh đấy!”

“Cậu thử ăn vạ tôi xem.”

“Hứ.” Lễ ngoảnh mặt, không thèm nói chuyện với Duy nữa, tầm mắt cậu không rời mấy dãy sách đồ sộ kia, một lúc sau, ánh nhìn rơi xuống chỗ kệ đang đựng chiếc đàn kìm được lau đến bóng loáng, cậu bèn vứt chuyện ban nãy ra sau đầu, coi chưa có gì, duỗi tay chỉ về phía cây đàn kìm, tò mò hỏi Duy.

“Nhà anh có ai biết đánh đàn này à?”

“Thì sao, có liên quan gì đến cậu đâu?”

“Anh đừng cọc cằn với tôi mà, tôi chỉ tò mò thôi, vì nhìn nước gỗ của cây đàn, chắc rằng người trong nhà anh phải trân trọng nó lắm.”

Duy quay người, trở lại bàn dọn dẹp giấy tờ, chậm rãi đáp lời: “Ừ, là tôi thường xuyên kiểm tra lau chùi, thử dây, để đảm bảo đàn vẫn còn nguyên vẹn và có thể đàn bất cứ lúc nào.”

Lễ bắt được trọng tâm trong lời Duy, cậu đi về phía hắn, tự nhiên kéo ghế ngồi cạnh bên người ta, không giấu được kinh ngạc: “Vậy là anh còn biết chơi đàn nữa à? Sao cái gì anh cũng biết thế?”

Cậu chống tay, chớp mắt: “Anh giỏi quá chừng.”

Duy nhìn cậu nấn ná loanh quanh hắn mãi, bèn duỗi tay đẩy cái đầu sắp chúi vào người mình: “Bớt dùng cái mặt này nói mấy lời nịnh nọt vô bổ, lấy đồ xong rồi thì về phòng của cậu đi.”

“Anh này, hay nhân ngày chúng ta lại hòa thuận với nhau, anh có thể đàn cho tôi nghe một bài được không? Tôi muốn nghe anh đàn lắm đó.”

“Không đàn đóm gì hết. Cậu tránh đi, đừng có làm phiền tôi.”

Hứng thú không được đáp ứng, môi Lễ hơi dẫu ra, thoáng qua chút tiếc nuối. Cậu nào có hay, cây đàn ấy có lai lịch không hề tầm thường, vì đó là đồ gia truyền do họ nội của Duy để lại.

Khi xưa, cha hắn cưới được mẹ hắn cũng là nhờ vào tiếng đàn này. Tục truyền về sau có nói rằng: Giữ đàn như giữ bản tâm của chính mình. Đàn chỉ ngân vang khi lòng hắn rung động, câu hát đầu tiên hắn sẽ hát vì người hắn thương.

Lễ vốn cho rằng chiếc đàn gỗ bóng mịn ấy sẽ nằm mãi trong góc kệ của tủ kính.

Nhưng rồi một thời gian ngắn sau đó, mong ước của cậu được hồi đáp, cậu đã có cơ hội nghe được tiếng đàn ấy, hòa cùng một giọng hát làm say lòng người.

___

Trận thập tự chinh của trẻ con :Câu nói trích trong quyển Slaughterhouse-Five, trong truyện muốn tượng trưng cho sự ngây thơ, sự phi lý và sự tàn phá của chiến tranh, đặc biệt là sự vô nghĩa của chiến tranh đối với những người lính trẻ.

Giấy kiếng: Hay còn gọi giấy kính

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com