Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 13

NHỮNG NGÀY CUỐI CỦA THỜI HỌC trò, lưu bút chuyền tay nườm nượp trong lớp. Bạn bè rủ nhau đi chụp ảnh chân dung ở studio, tặng ảnh nhau loạn xạ. "Bồ bịch" yêu đương, ai hay giấu giếm nhất cũng tung hê ra cho thiên hạ cùng... chia vui.

Mơ có một cuốn album, sưu tầm được ảnh của khá đông bạn trong lớp. Tụi nó "lên đồ", tạo dáng, mặt ngầu xì coi bộ chẳng thua gì những người mẫu Hoa học đường. Có nhiều tấm quá "độc chiêu" tới nỗi Mơ phải chua thêm vào phía dưới một mẩu giấy mấy câu thơ con cóc cho tăng phần "không khí". Ảnh đi chơi chung cả lớp thì "nguyên thủy" hơn nhưng cũng vì vậy mà "đã đời" hơn. Như tấm cả lớp ăn khoai mì luộc trong rừng cao su, tấm hai người "Mỹ đen" thuộc "bộ lạc lỗ tai trắng". Còn nữa, tấm Nhiên ngồi đầu gối quá tai ở cái ghế đá trong sân trường giờ ôn bài, Hà điệu đứng thập thò phía sau giơ lên trên đầu Nhiên hai ngón tay trỏ làm sừng...

Dịp này mới "lòi ra" việc làm thêm của Quân là phụ chụp hình cho một studio (chỉ làm ngoài giờ ba buổi tối hai, tư, sáu mỗi tuần). Quân cười: thủ thêm một cái nghề nữa cũng hay! Một chủ nhật, gác tạm thời bài vở qua, Quân rủ Mơ đi chơi công viên Văn Thánh - một nơi có khá nhiều cảnh đẹp. Quân dạy cho Mơ chụp hình bằng máy ảnh nhà nghề. Coi vậy mà Quân lắm tài lẻ ghê. Quân khoe chiếc máy ảnh Canon của anh Hai của Quân, coi cũ kỹ vậy chớ đã một thời là cái cần câu cơm giúp anh kiếm tiền trang trải suốt bốn năm đại học. Dạo đó, anh Hai tranh thủ ngoài giờ học lang thang ở các công viên chụp ảnh dạo cho người ta, mặt mày sạm đen vì nắng gió. Bây giờ anh Hai đã ra trường, đang làm việc cho một công ty liên doanh, đời sống bắt đầu có phần thong thả hơn, thậm chí ráng dành dụm vài ba tháng có thể mua được cả một chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhưng anh vẫn luôn trân trọng chiếc Canon cũ kỹ. Trao nó lại cho Quân, cũng là một cách để anh nhắc nhở Quân phải biết sống tự lập, dựa vào chính đôi tay của mình.

Quân thủ theo mấy cuộn phim. Mơ lùng bùng hai lỗ tai với những khẩu độ, tiêu cự, tiêu điểm, hoang mang với một lô kính nhòe, các "mánh" chọn góc độ đẹp cho từng người khi chụp chân dung, các tiểu xảo để "ăn gian" khi chụp trong điều kiện thiếu sáng, cách lấy nét, rồi thì lý thuyết về phòng tối, cách xử lý ảnh bằng kỹ thuật số trên vi tính như ghép ảnh, chồng ảnh, "tút" ảnh... Kết quả, cuối ngày Mơ rút ra kết luận mình quá kém cỏi để tiếp thu nghề phó nháy! Thôi cứ đành bấm bụng xài ké cái Kodak tự động của mẹ mỗi khi có nhu cầu chụp ảnh. "Quân biết không, ba Mơ có một chiếc Ricoh nhà nghề rất "ác liệt", dân nhà báo mà! Nhưng Mơ... chẳng bao giờ dám rớ tới...", Mơ lỏn lẻn thú nhận. Ham mê vô hạn, ý thích không cùng, nhưng phải tự biết mình... Dù sao Mơ cũng được một buổi đi chơi lý thú. Thích nhất vẫn là được ngắm cả chục cặp cô dâu chú rể áo quần xênh xang đi chụp ảnh cưới. Một thoáng "lạc hồn", Mơ tưởng tượng ra ngày nào đó khi mình... mặc áo cô dâu, không biết có lộng lẫy dường kia không?

Nói về khả năng của mỗi người, lại nhớ một câu chuyện từ hồi còn nhỏ. Năm đó Mơ mới lên sáu tuổi, vừa vô lớp một. Mẹ thấy Mơ hát cũng "nghe được", nghĩ Mơ có năng khiếu âm nhạc nên đăng ký cho Mơ đi học... đàn organ. Như mọi bà mẹ ấp ủ cơn mơ có con "thần đồng", mẹ mong ước cô con gái nhỏ của mình sẽ hội đủ cầm, kỳ, thi, họa và... am hiểu càng nhiều "tuyệt kỹ" càng tốt (ngoài môn đàn, mẹ còn đăng ký cho Mơ học cả môn múa!).

Cô giáo dạy "oọc" của bọn Mơ hồi đó là một thanh nữ gầy "liêu trai", thường mặc áo dài màu thiên thanh. Mười ngón tay cô dài và da tay trắng muốt, mỏng tới mức nổi rõ từng sợi gân xanh. Mơ hồi nhỏ là một con bé rất xinh, tướng ngồi đàn coi cũng sang, hai bàn tay cũng ngón dài "tạo dáng" lắm, nhưng chỉ bài luyện tay mười ngón học đi học lại mãi không xong, ký xướng âm thì quên lên quên xuống. Làm cho cô giáo phải thở dài vì nản. Rốt cuộc, giấc mộng có con gái là "nghệ sĩ lớn" của mẹ Mơ đã bị vỡ tan ngay từ buổi trứng nước...

Nhưng mẹ - và cả ba nữa - vẫn không nản. Sau khi sự nghiệp đàn ca thất bại, mẹ vẫn tiếp tục đưa đón Mơ đi học múa, còn ba dắt Mơ tới thọ giáo môn... vẽ. Thầy dạy vẽ tóc dài phủ gáy, mắt lúc nào cũng lơ mơ như thiếu ngủ, móng tay thầy để dài dơ hầy. Mơ bị nhồi nhét xong phần màu cơ bản, các sắc độ, cách pha màu, bắt đầu tù mù tiến tới cách bố cục một bức tranh thì thầy bị... đụng xe, chấn thương sọ não, lớp phải... giải tán. Sau đó, công việc bận rộn mịt mù cuốn ba đi. Ba không tìm ra thời gian để chạy theo sự nghiệp "trồng người" nữa, đành phó thác hết cho mẹ. Mơ thanh toán rất nhanh mớ cọ, màu, giấy vẽ... được ba sắm cho bằng cách "sản xuất" ra một loạt những bức tranh lem luốc nguệch ngoạc, đem dán khắp những cánh cửa tủ, hộc bàn, những bức tường trong nhà... Lớp múa kéo dài được hơn ba tháng thì mẹ đồng ý với Mơ sẽ thôi không theo nữa.

Sau cùng, mẹ chọn giải pháp để Mơ tự lựa chọn những gì thích hợp với khả năng. Mơ rất say mê đọc sách. Mơ có lúc ước ao lớn lên sẽ trở thành một nữ nhà văn chuyên viết những câu chuyện có tính chất phiêu lưu mạo hiểm!

Vào năm lớp bốn, Mơ đoạt giải nhì môn Văn kỳ thi học sinh giỏi cấp Quận, rồi giải ba cấp thành phố. Lên cấp hai, năm lớp chín, Mơ tiếp tục được chọn vào đội tuyển giỏi Văn của nhà trường rồi của Quận, dự thi học sinh giỏi cấp thành phố đoạt giải nhì. Tới cấp ba, điểm bốn nhớ đời đầu học kỳ II vừa rồi kèm lời phê đầy thất vọng của cô Thanh Mai: "Tệ dữ vậy sao?" là lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong suốt hành trình học môn Văn của Mơ.

Biết mình, tự chấp nhận mình, đó là điều mà Mơ rút ra được. Không ép mình làm những gì không thể. Thiên tài không đơn thuần chỉ do khổ công lao động mà có. Một phần trăm năng khiếu là vô cùng cần, không có một phần trăm đó thì chín mươi chín phần trăm sự khổ công rèn luyện cũng không thể mang lại kết quả mỹ mãn. Sắt đem mài chỉ có thể thành kim chứ không thể thành... kim cương. Có những điểm khác giữa người nghệ sĩ và người thợ...

Có một buổi tối, lớp luyện thi tan sớm, Quân rủ Mơ đi cà phê, một cà phê vườn dịu dàng ngó ra sông ở khu vực Thanh Đa. Nhạc toả lan trong vòm cây, kẽ lá. Âm thanh như thấm vào sâu tận đáy tâm tư, làm các dây thần kinh bất chợt rung lên. Như chưa từng có những phút lìa xa, giấu gương mặt trên vai anh khóc oà, những con đường anh đi rồi cũng đưa anh về bên em... Như anh được sống giây phút đầu tiên, có em tận đến những giây cuối cùng, suốt cuộc đời anh không quên chân tình dành hết cho em... Lại nhớ buổi sáng sinh nhật vừa mới đây, nhận được quà tặng âm nhạc qua 1080, chính là bài Chân tình này từ Quân. Mơ mỉm cười, hỏi vu vơ:

- Nếu được ước, Quân sẽ ước làm... con gì?

- Lại muốn "thử" Quân hả? Mơ đã nói tụi mình không được thử bậy thử bạ nữa mà... - Quân nhìn Mơ cười cười, thăm dò thái độ.

- Không, Mơ chỉ hỏi chơi thôi. Không có ý gì hết. Quân trả lời đi. - Mơ trấn an.

- Vậy thì làm... con gì cũng được, chỉ cần có cánh. Để bay được lên cao và xa... - Quân yên lòng, ngả dài ra ghế, nói giọng mơ mộng.

- Vậy làm con... muỗi được không?

- Quân đâu có thích đi truyền bệnh sốt rét cho người ta!

- Vậy làm... con ruồi ha?

- Không, phải là con gì đẹp.

- Hứ. Vậy làm con công ha?

- Không! Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng... - Quân ngâm nga, rồi ngó sang Mơ - Còn Mơ, Mơ thích làm con gì?

- Mơ chả thích làm con gì hết. Cứ làm con... gái như vầy cũng được rồi...

- Ừ! Vậy thì Quân chỉ thích làm... con trai.

Lục bình trôi rề rề trên sông. Ánh trăng trải vàng trên sóng nước từng gợn vàng rời rợi. Nghĩ miên man về một ngày mai. Ngày mai, giống như một bài toán có quá nhiều ẩn số, không biết chắc đâu là đáp số đúng. Biết ra sao ngày sau? Đời luyến lưu? Vui tươi? Khổ đau?... Những giây phút lãng đãng ngẩn ngơ như vầy, chắc khó bao giờ có lại nữa. Đời người, mẹ vẫn nói những năm tháng tuổi trẻ là tươi đẹp, thanh tân và sôi nổi nhất.

Bất chợt, Mơ sực nhớ lại câu chuyện về anh chàng Tư "nhảy lầu" hôm nào. Người đã - không hiểu vô tình hay cố ý - chấm dứt cuộc đời của mình khi tuổi còn quá trẻ. Mơ quay sang Quân, ngập ngừng hỏi:

- Quân nè, Quân có biết chuyện gì về... cái anh bạn bị... té lầu hồi nọ ở lớp Quân không?

- Bộ... Mơ có quen với Tư hả?

- Mơ không quen, chỉ thắc mắc là kết luận nhà trường thông báo với tụi mình về cái chết đó có đúng không?

- Tư tự tử, không phải lỡ tay té xuống đâu, nhưng do gia đình Tư thiết tha yêu cầu với cơ quan công an và nhà trường, nên cấp chính quyền, báo chí và ban giám hiệu đã không cung cấp thông tin...

- Nè, đừng nói với Mơ đó là một vụ thất tình một nàng mắt biếc nào đó nghe!

- Không phải! Tư ở cùng xóm với Quân. Tư hiền lành lắm, rất biết lo phụ giúp gia đình. Nhưng nhà Tư có chuyện lục đục hoài, ba mẹ chia tay, Tư sa vào nghiện ngập. Chưa được bao lâu đã phát hiện bị nhiễm AIDS, cho nên Tư đã quyết định dùng cái chết để giải quyết số phận của mình... - Quân nhỏ giọng - Nghe buồn quá, phải không Mơ?

- Sao Quân không khuyên nhủ Tư?

- Công nhận là Quân có lỗi. Mình lơ là quá, bạn học ở chung xóm mà cũng ít khi có dịp tiếp xúc. Mơ nghĩ coi, Quân đi suốt, có mấy khi ở nhà đâu! Quân biết ra, chuyện đã quá trễ. Tư không muốn là gánh nặng cho ai hết...

Thật là buồn. Mười tám tuổi, vậy mà với Tư, đời đã khép chặt lại. Vĩnh viễn. Không phải ai cũng có được niềm may mắn có một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Không phải ai cũng đủ nghị lực để vượt qua nghịch cảnh...

Càng về cuối, không khí càng như được nén chặt căng trong một bình chứa có áp suất cao. Với nhiều đứa, kỳ thi tốt nghiệp không phải là vấn đề căng thẳng cho lắm, gay go nhất chính là những kỳ thi vào đại học.

Đúng lúc đó có một "người từ trên trời rơi xuống" tới gõ cửa nhà Mơ: Vũ! Vũ đi tìm Mơ để đem cho Mơ mượn mấy bộ đề luyện thi đại học khối A. Vẫn kính cận dày cui, vẫn thật thà "một với một là hai", vẫn nồng nhiệt hớn hở như trẻ con, vẫn đầy ắp một bể thông tin trong đầu. Vũ đang là sinh viên năm 2 khoa Du lịch, do hoàn cảnh gia đình nên phải xin lưu điểm nghỉ một năm, năm sau đi học tiếp.

Vũ ôm tới cho Mơ mượn bao nhiêu là sách, không biết "moi" ở đâu ra mà nhiều vậy. Sách giải đề thi lẫn với sách về các miền đất lạ lùng, kỳ bí mà Mơ chưa từng biết tới (tất nhiên loại sách sau Mơ phải cất tạm một bên, để dành thi xong mới có thời gian đọc). Vũ có thể ngồi hàng giờ nói với Mơ về những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam và thế giới mà không hề than... mỏi miệng. Nhà trên Đà Lạt là nhà người bà con của Vũ, còn nhà Vũ ở Sài Gòn thuộc khu giáp ranh ngoại thành. Một lần, Vũ rủ Mơ tới nhà Vũ chơi, có cả Quân nữa (Quân "khoái" tít Vũ ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên). Vì là vùng trũng nên giếng nước nhà Vũ mực nước cao gần bằng thành giếng - cao vượt lên khỏi mặt đất hơn năm tấc, nước ngọt mát và trong leo lẻo. Vũ kể:

- Nhà chú Bảy trong xóm ở ngay trên đáy của mạch nước ngầm, khi khoan giếng nước phun lên như vòi rồng. Đã lắm!

Vườn nhà Vũ rộng, trải dài ra tới mé sông, có ao nuôi vịt đẻ, có những mương nước ngang dọc, xum xuê dừa nước hai bờ. Cá lìm kìm lội qua lội lại thỉnh thoảng đớp bóng, thòi lòi bò lổm ngổm, có cả một đám cua còng càng lớn càng nhỏ chạy nghênh ngang trên bờ đất lỗ chỗ hang đào, một cây cầu bằng thân dừa bắc ngang bờ mương. Có những khóm thơm trồng dọc bờ mương đẻ nhánh tua tủa chĩa lên trời như những con rồng con phụng kết trên bàn thờ gia tiên những dịp giỗ quảy, mấy cây bình bát trái sà ngang tầm tay, vị thanh thanh là lạ, hột chi chít đen nhức... Mơ đang loay hoay hái hoa mua thì bị một con ong bầu quái ác nó chích sưng vù bắp tay bên phải. Vết chích như cái dùi xuyên thấu đau muốn lạnh mình. Má Vũ biết chuyện, hớt hải chạy qua hàng xóm xin vôi ăn trầu về để xức vô vết ong chích đang to phồng lên như... trái bình bát nhỏ của Mơ. Vũ bối rối, nhưng vẫn cố trấn an Mơ:

- Phản ứng trung hòa, vôi sẽ... tác dụng với chất a-xít trong nọc của ong. Tui bị ong chích hoài à, hổng sao đâu...

Nhưng Quân chẳng còn bụng dạ nào mà vui chơi nữa. Chia tay Vũ và chào má Vũ xong, Quân hối hả chở Mơ về. Trên đường về, Quân ghé tiệm thuốc Tây mua cho Mơ một bọc thuốc vừa để thoa vừa để uống.

Hoặc là nọc ong tiêm vào tay Mơ quá nhiều, hoặc vì vôi ăn trầu tham gia vào phản ứng trung hoà gì đó của Vũ quá chậm, Mơ phát sốt li bì ba ngày trời. Báo hại Quân chép bài giùm Mơ mệt nghỉ. Hơn một tháng sau, tay Mơ mới tan hết khối chù vù quanh chỗ con ong để lại cái kim chích của nó. Vũ cứ mỗi lần tới thăm Mơ lại gãi đầu gãi tai rồi khổ sở quay ra thanh minh thanh nga với ba mẹ Mơ và Quân đủ điều, làm như chính Vũ là kẻ đã chích Mơ vậy. Còn nhớ cái hồi chia tay Vũ ở Đà Lạt, lúc lên xe ba hỏi Mơ: "Anh chàng đó là ai. Bạn con hả?", Mơ dạ, "Bạn con. Cũng mới quen hôm qua thôi ba à...". Ba nhận xét: "Ngó thấy cũng hiền lành". Mơ phụ họa: "Ba biết không? Ảnh giản dị, siêng năng cần mẫn giống như một con ong vậy...". Ai mà ngờ, đúng là... ong. Thôi kệ, đau thì mới nhớ lâu. Mơ cười, tự nghĩ.

...Vũ lành như đất, vì vậy mà Quân yên tâm tin tưởng Vũ như tin chính mình. Quân chưa bao giờ tỏ ý ghen tuông khi thấy Vũ cặp kè với Mơ. Mơ nghĩ, có lẽ trong mắt Quân thì Vũ là một dạng con trai hoàn toàn "vô hại" với con gái hay sao, hay Quân đang cố chứng tỏ cho Mơ thấy Quân không phải người ghen tùy tiện. Kệ, sao cũng được, miễn rằng tình bạn của ba người cứ êm đẹp.

Kỳ thi tốt nghiệp đã trôi qua suôn sẻ.

Ngày thi đại học đã gần kề.

Giờ thì chẳng còn học được gì mấy, chủ yếu giữ cho đầu óc thảnh thơi để nhớ được càng nhiều những gì đã miệt mài ôn luyện càng tốt.

Bận rộn như vậy mà Vũ vẫn ráng thu xếp ghé để chỉ bài cho Mơ, xen kẽ với những bữa Quân đi làm ở tiệm chụp hình. Có lần, đang giảng giải cho Mơ về những chất xúc tác trong một phản ứng hóa học, Mơ cười ngắt lời Vũ:

- Ví dụ như vôi ăn trầu tác dụng với nọc ong thì chất xúc tác là gì vậy, anh Vũ?

- Mơ không được lo ra. Nghe đây, trong phản ứng ở bài tập này, chất xúc tác là...

Rồi Vũ bỗng đâm hông:

- Má anh hỏi thăm Mơ quá chừng. Bả vẫn còn lo ngay ngáy cái vụ con ong đó. Má anh nói, bữa nào Mơ thi xong rủ xuống nhà chơi. Đảm bảo lúc đó anh sẽ không để cho ong chích Mơ nữa đâu...

- Rủ Quân luôn chớ? - Mơ gục gặc.

- Ờ... Cũng được. - Vũ lơ lơ là lạ.

Sao lại "cũng được"? Nghe giống như có lấn cấn gì đó. Mà thôi, kệ, Mơ cũng lơ luôn.

Vũ có thói quen cứ thỉnh thoảng lại đưa tay đẩy cặp kiếng cận ở sống mũi lên. Khi nào bí một vấn đề gì đó thì hay tháo kính ra lau, lau đi lau lại cho tới lúc hết bí. Tánh Vũ bực đó rồi quên ngay, không bao giờ làm gì cho Mơ giận. Đầu Vũ giống như một kho chứa lớn cực kỳ ngăn nắp, đầy ắp những dữ liệu, những con số, những đặc điểm... nhưng lại thường bí trước những câu hỏi cắc cớ của Mơ.

Ấn tượng đẹp mà Vũ gieo trong lòng Mơ là sự cảm phục pha lẫn lòng kính trọng, như tình cảm của một cô em gái nhỏ dành cho một người anh trai giỏi giang, ân cần. Mơ kể cho Vũ nghe, vào những ngày cuối cùng của kỳ hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, Mơ quyết định làm thêm một bộ hồ sơ khối D, đem nộp vào trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Chuyện này Mơ giấu kín không cho ba mẹ biết, cũng không nói với Quân. Vũ ngạc nhiên:

- Thích học Văn thì thi vào khoa Văn, có gì sai đâu mà phải giấu?

- Nhưng mẹ muốn Mơ thi vô Đại học Kinh tế. Mẹ nói nhà Mơ đã có nhà báo và nhà giáo rồi, chỉ thiếu nhà kinh doanh nữa thôi. Mẹ mà biết Mơ muốn làm nhà văn, chắc mẹ phát hoảng. Nhà văn cộng nhà báo cộng nhà giáo bằng nhà gì, anh Vũ biết không?

- Biết, "nhà nghèo" chớ gì? Tin anh đi, học giỏi, ra trường thiếu gì việc làm.

- Biết vậy, nhưng Mơ sợ mẹ buồn...

- Mơ cứ giấu vậy được tới chừng nào. Rồi tới khi thi đậu, gia đình không cho học thì tính sao? Rồi Quân nữa, sao lại giấu luôn cả Quân?

- Quân có thi khối D đâu, nói hay không cũng đâu ăn nhằm gì!

- Sao không ăn nhằm? Biết đâu nói cho Quân biết, Quân thuyết phục được mẹ Mơ cho Mơ thi thì sao? Ngốc quá! Nghe lời anh đi!

Ừa nhỉ! Có vậy mà Mơ cũng không nghĩ ra. Với mẹ Mơ, Quân cũng có "uy tín" lắm chớ. Biết đâu...

Đem nói với Quân, phản ứng đầu tiên của Quân là làm mặt giận. Cũng đáng đời Mơ thôi, thân nhau như vậy mà còn bày đặt giấu giấu giếm giếm. Phản ứng tiếp theo là lo lắng: Mơ ôn một mình được những gì rồi? Có theo luyện ở lò văn và ngoại ngữ nào không? Phản ứng tiếp nữa là lấy một tờ giấy với cây viết, ngồi liệt kê ra tất cả những "việc cần làm ngay" để hỗ trợ cho Mơ. Mơ bật cười:

- Quân à, việc cần làm nhất là Quân phải năn nỉ mẹ giùm Mơ đi. Mẹ Mơ không muốn Mơ theo học nghề Văn...

Sự gì, có ba người cùng chung tay giải quyết chắc chắn sẽ tốt hơn một hay hai người. Vừa Quân, vừa Mơ, vừa Vũ cùng nhào vô năn nỉ. Ban đầu, mẹ không xuôi. Mẹ buồn buồn: "Chữ nghĩa văn chương không mài ra mà ăn được đâu, các con à!". Bí quá, ba đứa đã lôi kéo thêm được ba vào cuộc thuyết phục mẹ. Kết quả: mẹ đành phải xiêu lòng: "Ừ, thôi thì đã chọn, phải cố mà thi cho đậu, học hành cho tới nơi tới chốn nghe con...". Mơ dạ, mỉm cười. Thích thì thích lắm đó, muốn trọn đời theo đuổi lắm đó, nhưng rồi ra, cũng chẳng biết mai kia mốt nọ Mơ có "mài văn chương chữ nghĩa ra mà ăn" được hay không...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com