Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Miễn dịch

Miễn Dịch

Câu 74

: Trình bày các đặc điểm về cấu trúc và chức năng của các cơ quan lympho trung ương của hệ thống miễn dịch (tủy xương, bursa fabricius và tuyến ức).

Đáp ứng miễn dịch

là khả năng của cơ thể nhận biết, đáp ứng và loại bỏ các yếu tố lạ gây hại. Do vậy, đáp ứng miễn dịch là phương thức đề kháng tự vệ hết sức quan trọng của cơ thể.

Các tế bào hình thành các cơ quan, các mô của hệ thống miễn dịch có mặt ở khắp nơi trong cơ thể, nhưng tập trung chủ yếu ở mô lympho: hạch lympho, lách, tủy xương, tuyến ức, mô lympho dưới niêm mạc đường tiêu hóa, hô hấp.

Các cơ quan, mô dạng lympho được chia làm 2 loại: Các cơ quan lympho trung ươngCác cơ quan lympho ngoại vi.

- Các cơ quan lympho trung ương: Là nơi sản sinh ra các tế bào gốc, nơi huấn luyện các tế bào gốc thành các tế bào chín. Sự trưởng thành, biệt hóa của các tế bào gốc ở cơ quan lympho trung ương không cần sự có mặt của kháng nguyên.

- Các cơ quan lympho ngoại vi: Là nơi trú ngụ và tập trung chủ yếu của các lympho bào, sau đó là đại thực bào. Kháng nguyên được tập trung ở đây kích thích các tế bào phân chia, biệt hóa thành các tế bào hiệu lực để xử lý loại trừ kháng nguyên.

Cơ quan lympho trung ương bao gồm:

1. Tủy xương:

- Cấu trúc: Tủy xương không phải là cơ quan dạng lympho. Tủy xương là mô liên kết, nằm trong hốc tủy, bao gồm tủy tạo cốt, tủy tạo máu, tủy mỡ, tủy xơ.

- Chức năng: là nơi sản sinh các tế bào gốc đa năng, rồi từ đó mới có các tế bào định hướng dòng bạch cầu, trong đó có tế bào định hướng lympho, tham gia đáp ứng miễn dịch.

- Ở người, các tế bào bạch cầu trưởng thành ngay ở tủy xương.

2. Tuyến ức:

- Cấu trúc: Tuyến ức nằm sau xương ức, gồm 2 thùy lớn. Mỗi thùy lại chia thành nhiều tiểu thùy, gồm vùng vỏ và vùng tủy.

+) Vùng vỏ: Các tiền thymo bào chuyển thành thymo bào chưa chín đi vào vùng tủy.

+) Vùng tủy: Các thymo bào chưa chín trưởng thành, tạo các tế bào lympho T chín và rời tuyến đi vào máu.

- Chức năng: Huấn luyện, phân chia, biệt hóa các tế bào lympho T.

3. Túi Fabricius (Bursa Fabricius):

chỉ có ở loài chim, gà.

- Cấu trúc: Là một cơ quan lympho biểu mô nằm ở gần ổ nhớp. Túi Fabricius chứa các nang lympho, bao gồm vùng vỏ và vùng tủy.

Ở vùng vỏ, các tế bào lympho B non tạo thành nang lympho. Tế bào lympho B non dần dần trưởng thành để tạo ra kháng thể dịch thể di chuyển vào vùng tủy, rời khỏi túi đến di trú ở các hạch.

- Chức năng: Là nơi biệt hóa các tế bào lympho B.

Câu 75

: Trình bày 1 số đặc điểm cơ bản về cấu trúc và chức năng của hạch lympho, lách và mô lympho không có vỏ bọc ở các niêm mạc.

( Đoạn đầu câu 74)

Các cơ quan lympho ngoại vi bao gồm

:

1. Hạch lympho:

- Cấu trúc

: Hạch lympho gồm các thùy, mỗi thùy được chia thành 2 vùng chính: vùng vỏvùng tủy. Vùng vỏ lại được chia ra 2 vùng nhỏ: vùng vỏ nôngvùng vỏ sâu.

+) Vùng vỏ:

.

Vùng vỏ nông

: Là nơi tập trung các lympho bào B nhỏ tạo nên các đám gọi là nang lympho nguyên phát. Vùng vỏ nông còn được gọi là vùng không phụ thuộc tuyến ức. Khi có kháng nguyên xâm nhập kích thích thì các nang lympho nguyên phát sẽ phát triển rộng ra, xuất hiện các trung tâm mầm và trở thành nang lympho thứ phát. Trung tâm mầm chứa các lympho bào non có kích thước lớn.

.

Vùng vỏ sâu

: tập trung nhiều lympho bào T, có 1 ít đại thực bào và lympho bào B. Do vậy, vùng vỏ sâu còn được gọi là cùng phụ thuộc tuyến ức.

+) Vùng tủy:

là trung tâm của các hạch, các tế bào thường đứng thành hàng gọi là dây nang. Vùng tủy có các lympho T, tương bào, đại thực bào nằm xen kẽ với các mạch bạch huyết tạo nên các hang bạch huyết, từ đây các tế bào rời hạch đi ra ngoài.

- Chức năng

:

+) Là nơi cư trú của TB lympho sẵn sàng tham gia đáp ứng miễn dịch.

+) Là nơi bẫy và tập trung kháng nguyên.

+) Là nơi TB miễn dịch tiếp xúc kháng nguyên, hình thành đáp ứng miễn dịch của cơ thể.

2. Lách:

- Cấu trúc: Là 1 cơ quan lympho lớn. Lách có 1 vỏ liên kết, tiến từ vỏ vào trong chia nhu mô lách thành các bè. Động mạch, tĩnh mạch lách từ cuống lách phân nhánh thành các tiểu động mạch, tiểu tĩnh mạch, mao mạch đi vào nhu mô lách. Nhu mô lách được chia làm 2 phần: Tủy đỏ chiếm 4/5 khối lượng lách và Tủy trắng là những điểm rải rác xen vào khối tủy đỏ.

+) Tủy đỏ: đóng vai trò một cái lọc đối với các hồng cầu bị hủy hoại do tổn thương hoặc do già, các mảnh tế bào chết. Tủy đỏ có nhiều xoang tĩnh mạch chứa hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và tế bào lympho.

+) Tủy trắng: được cấu tạo chủ yếu bởi các mô lympho với nhiều tiểu động mạch xen kẽ. Dọc theo mặt ngoài của tiểu động mạch có rất nhiều tế bào lympho, tạo nên bao lympho. Có những chỗ bao lympho phình ra tạo nên các nang lympho. Tủy trắng có 2 vùng: một vùng có các nang lympho chứa các tâm điểm mầm của dòng tế bào lympho B (vùng không phụ thuộc tuyến ức); một vùng khác chứa các tế bào lympho T (vùng phụ thuộc tuyến ức).

- Chức năng:

+) Lọc và dự trữ máu cho cơ thể.

+) Là nơi ở các tế bào miễn dịch.

+) Là nơi tập trung kháng nguyên, nhất là các nguyên vào cơ thể bằng đường máu.

Sau khi xâm nhập và bị đại thực bào xử lý, kháng nguyên được cố định tại các xoang của tủy đỏ, sau đó vào tủy trắng (nơi có nhiều nang lympho) kích thích các tế bào lympho phân chia, biệt hóa, thành tương bào. Khác với hạch lympho, các tế bào lympho đi vào và ra khỏi lách chủ yếu bằng đường máu.

3. Mô lympho không có vỏ bọc:

Là những đám tế bào lympho nằm rải rác ở niêm mạc đường hô hấp, đường tiêu hóa, đường tiết niệu

- Cấu trúc: Khác với hạch lympho ở chỗ: bên ngoài là các tế bào lympho TC (Lympho T gây độc), bên trong là các tế bào lympho B.

- Chức năng: Bảo vệ cơ thể tại chỗ với những kháng nguyên vào cơ thể theo đường tiêu hóa, hô hấp.

+) Lympho TC: tiêu diệt trực tiếp tế bào kháng nguyên.

+) Lympho B: sản xuất kháng thể IgA, IgG, IgM

à

giảm độc, loại trừ yếu tố gây độc ra khỏi cơ thể.

Câu 76

: Trình bày đặc điểm cơ bản về cấu trúc và chức năng của lympho bào T trong đáp ứng miễn dịch.

Đáp ứng miễn dịch

là khả năng của cơ thể nhận biết, đáp ứng và loại bỏ các yếu tố lạ gây hại. Do vậy, đáp ứng miễn dịch là phương thức đề kháng tự vệ hết sức quan trọng của cơ thể.

Các tế bào hình thành các cơ quan, các mô của hệ thống miễn dịch có mặt ở khắp nơi trong cơ thể, nhưng tập trung chủ yếu ở mô lympho: hạch lympho, lách, tủy xương, tuyến ức, mô lympho dưới niêm mạc đường tiêu hóa, hô hấp.

Tất cả các tế bào của hệ thống miễn dịch đều được sinh ra từ các tế bào đa năng của tủy xương. Các tế bào tham gia đáp ứng miễn dịch bao gồm: Lympho bào, lympho bào T, lympho bào B, tế bào diệt tự nhiên (NK), đại thực bào, các tế bào máu khác (bạch cầu trung tính, ái toan, ái kiềm, tiểu cầu)

Lympho Bào T:

Các tế bào tiền thân dạng lympho từ tổ chức tạo máu đi đến tuyến ức, phân chia, biệt hóa thành các lympho bào chịu trách nhiệm đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào được gọi là lympho bào T.

- Cấu trúc: Lympho bào T có các dấu ấn bề mặt (kháng nguyên bề mặt – CD). Dựa vào các CD này, người ta chia quần thể lympho bào T thành 2 tiểu quần thể:

+) Tiểu quần thể lympho bào T có chức năng ức chế và gây độc tế bào (TS, TC). Tiểu quần thể này có kháng nguyên CD8 trên bề mặt.

+) Tiểu quần thể lympho bào T có chức năng hỗ trợ lympho bào B trong đáp ứng miễn dịch (TH). Tiểu quần thể này có kháng nguyên CD4 trên bề mặt.

- Chức năng:

+) Chịu trách nhiệm đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào của cơ thể.

+) Hỗ trợ lympho bào B sản xuất kháng thể dịch thể.

+) Tham gia quá trình điều hòa miễn dịch qua các cytokin.

Câu 77

: Trình bày đặc điểm cơ bản về cấu trúc và chức năng của lympho bào B trong đáp ứng miễn dịch.

( Đoạn đầu câu 76)

Lympho bào B:

- Cấu trúc:

+) Trên bề mặt tế bào khi soi dưới kính hiển vi điện tử thấy rất nhiều gai xù xì. Đó chính là các Ig bề mặt, có chức năng nhận biết đặc hiệu kháng nguyên và sinh đáp ứng miễn dịch đặc hiệu chống lại kháng nguyên đó.

+) Trên bề mặt tế bào có thụ thể với phần FC của Ig, thụ thể với thành phần C3d của bổ thể…

- Chức năng:

+) Chịu trách nhiệm đáp ứng miễn dịch dịch thể của cơ thể.

+) Thông qua các Ig, lympo B có vai trò chủ đạo bảo vệ cơ thể chống các vi khuẩn kí sinh ngoại bào và độc tố của chúng.

+) Duy trì trí nhớ miễn dịch.

Câu 78

: Trình bày đặc điểm cơ bản về cấu trúc và chức năng của tế bào bạch cầu hạt trung tính và bạch cầu mono trong đáp ứng miễn dịch.

( Đoạn đầu câu 76)

1. Bạch cầu trung tính (BCTT):

- Cấu trúc:

+) Nhân chia thành 2 – 5 múi nối với nhau bằng các quãng thắt. Bào tương chứa nhiều hạt đặc hiệu nhỏ, vừa ưa acid, vừa ưa kiềm, chứa nhiều enzym có tác dụng tiêu các chất.

+) Trên bề mặt có các thụ thể với Ig, thành phần C3 của bổ thể, do đó những kháng nguyên đã kết hợp với kháng thể thì dễ bị BCTT tiêu diệt.

- Chức năng: làm nhiệm vụ tiểu thực bào, tham gia loại trừ các phức hợp miễn dịch, tiết ra 1 số yếu tố hòa tan có tác dụng điều hòa hoạt động một số tế bào khác.

2. Bạch cầu mono:

- Cấu trúc:

+) Tế bào lớn có kích thước 15 – 20μm, nhân hình thận, hơi ưa kiềm. Bào tương phong phú, hơi ưa acid, có các hạt bắt màu azur, các lysosome chứa nhiều enzym thủy phân. Mặt khác, màng bào tương có diềm vi nhung mao. Mono bào có tính hoạt động mạnh, vận động bằng giả túc, lách qua được thành mao mạch để vào tổ chức.

+) Có 1 hệ thống thụ thể như: thụ thể với thành phần C3 bổ thể, thụ thể với virus Epstein – Barr, thụ thể với IgG1, IgG3…

- Chức năng:

+) Ăn các phần tử bé hơn 0,1μm bằng ẩm bào và vùi lấp các phần tử lớn hơn 0,1μm bằng thực bào. Đầu tiên là dính các đối tượng vào màng bào tương, sau đó nhấn chìm các đối tượng vào các bọng, các bọng gắn với lysosome hình thành các phagolysosom. Các enzym thủy phân chức trong lysosome tràn sang để tiêu diệt đối tượng.

+) Đóng vai trò quan trọng trong trình diện KN cho các tế bào miễn dịch, mang các KN hòa hợp mô (MHC), các thụ thể đối với FC của IgG, với C3b… giúp cho việc liên kết KN, nhận KN đã opsonin hóa. Bạch cầu mono có hoạt tính tiêu diệt vi khuẩn, nấm, tế bào u vì chúng tiết ra nhiều chất có hoạt tính sinh học khác nhau như: lysozym, các thành phần C2, C3, C4, C5 của bổ thể, interferon, IL-1, prostaglandin…

Câu 80

: Trình bày cơ chế miễn dịch chống vi khuẩn ngoại bào và vi khuẩn nội bào.

Trong cuộc sống, cơ thể luôn bị đe dọa bởi rất nhiều yếu tố gây bệnh, trong đó chủ yếu là các vi sinh vật (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng). Để tự bảo vệ, cơ thể đã sử dụng các cơ chế miễn dịch tự nhiên và miễn dịch đặc hiệu. Trong khi đó vi sinh vật cũng sử dụng nhiều hình thức để né tránh, để tồn tại và phát triển.

A. Vi khuẩn ngoại bào

:

Là vi khuẩn có thể sống và nhân lên bên ngoài tế bào chủ, ví dụ ở máu, mô liên kết, trong đường hô hấp, ống tiêu hóa…Vi khuẩn ngoại bào gây bệnh có thể bằng cách tạo ra phản ứng viêm (dẫn đến hủy hoại mô), hoặc bằng độc tố của chúng. Độc tố gồm nội độc tố, đó chính là thành phần của màng tế bào vi khuẩn, chúng có bản chất là lipopolysacharid (LPS) và ngoại độc tố, đó là sản phẩm tiết của vi khuẩn.

Cơ chế miễn dịch chống vi khuẩn ngoại bào:

1. Cơ chế bảo vệ không đặc hiệu:
    

Bao gồm 3 cơ chế:

- Thực bào: Là cơ chế chính, nó được thực hiện bởi bạch cầu đa nhân trung tính, monocyt, đại thực bào ở tổ chức (mô). Khả năng thực bào sẽ bị giảm khi độc lực của vi khuẩn càng cao.

- Hoạt hóa bổ thể: Là cơ chế quan trọng trong việc loại trừ vi khuẩn ngoại bào. LPS nội độc tố của vách trực khuẩn Gram (-) là 1 trong những tác nhân hoạt hóa bổ thể theo con đường cạnh không có kháng thể; kết quả tạo được C3b gây opsonin hóa vi khuẩn, giúp cho quá trình thực bào, tạo nên phức hợp tấn công màng gây dung giải vách của vi khuẩn. Các thành phần C3a và C5a, sản phẩm của sự hoạt hóa bổ thể, làm tăng quá trình viêm và tạo điều kiện cho các tế bào thực bào tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.

- Nội độc tố (LPS): kích thích đại thực bào, các tế bào viêm khác, tế bào nội mạch sản xuất nhiều cytokin (như TNF, IL-1, IL-6) và các chất gây viêm khác, gây bám dính và xuyên mạch của bạch cầu, làm tăng phản ứng viêm cấp và hoạt hóa cả tế bào miễn dịch đặc hiệu để loại trừ vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên nếu phản ứng bảo vệ này xảy ra quá mạnh (quá nhiều cytokin) nó có thể gây tổn thương tổ chức như đông máu nội mạch rải rác, sốc nội độc tố.

2. Cơ chế bảo vệ đặc hiệu:

Miễn dịch dịch thể là đáp ứng chính của cơ thể chống lại vi khuẩn ngoại bào. Những kháng nguyên không phụ thuộc tuyến ức (LPS) có trong thành phần vỏ vi khuẩn khi tiếp xúc với tế bào lympho B sẽ trực tiếp kích thích chúng sản xuất ra kháng thể dịch thể IgM đặc hiệu. Những phần kháng nguyên vi khuẩn được đại thực bào xử lý và trình diện bằng phân tử MHC II cho tế bào TCD4+, khiến tế bào này được hoạt hóa và tiết ra IL-4, IL-5, IL-6 giúp tế bào lympho B sản xuất các Ig đặc hiệu.

Gần đây còn thấy 1 số độc tố vi khuẩn kích thích gần như toàn bộ dòng tế bào T, gây tiết rất nhiều cytokin, gây những biểu hiện bệnh lý giống sốc nhiễm khuẩn do LPS.

Kháng thể IgM và IgG chống lại kháng nguyên và độc tố vi khuẩn theo các cơ chế sau:

- Tuy không giết được vi khuẩn, nhưng kháng thể làm tập trung, bất động vi khuẩn, làm chúng ngừng phân bào. Phần Fc của kháng thể có vai trò hấp dẫn thực bào và C1q, tạo điều kiện lý tưởng cho miễn dịch không đặc hiệu hoạt hóa với cường độ cao.

- Làm tăng hiệu quả thực bào nhờ sự opsonin hóa vi khuẩn. Các Ig một đầu (Fab) gắn đặc hiệu với vi khuẩn, đầu kia (Fc) gắn với tế bào thực bào (qua các FcR), đồng thời gây hoạt hóa bổ thể theo con đường cổ điển mạnh mẽ nhất.

- Trung hòa độc tố vi khuẩn và ngăn cản chúng gặp thụ thể ở tế bào đích. Phức hợp kháng nguyên – kháng thể này nhanh chóng bị đào thải thông qua hiện tượng thực bào và đây chính là cơ sở dùng huyết thanh điều trị thụ động như trong uốn ván, bạch hầu. IgA tiết ra niêm mạc (hô hấp, tiêu hóa) cũng có tác dụng trung hòa độc tố và ngăn cản vi khuẩn bám vào niêm mạc để xâm nhập.

Ngoài ra trong cơ chế miễn dịch đặc hiệu còn gặp 1 biến chứng khác, đó là hiện tượng mẫn cảm chéo. Một số kháng nguyên, đặc biệt của liên cầu dung huyết β là protein M, có cấu trúc tương tự như protein của cơ tim. Kháng thể do chúng kích thích tạo ra có thể phản ứng chéo với cơ tim, gây viêm cơ tim, cho nên bệnh tại khớp nhưng nguy hiểm lại tại tim. Nhiễm khuẩn liên tiếp có thể gây ra hoạt hóa đa clon lympho bào, điều đó cũng có thể đóng góp vào cơ chế dẫn đến bệnh tự miễn.

B. Vi khuẩn nội bào:

Là những vi khuẩn sống và nhân lên ngay bên trong tế bào vật chủ (ví dụ trực khuẩn lao, phong…). Vì vậy, các kháng thể dịch thể không tiếp cận được với vi khuẩn nội bào.

Cơ chế miễn dịch chống vi khuẩn nội bào:

1. Cơ chế bảo vệ không đặc hiệu:

Cơ chế bảo vệ không đặc hiệu chủ yếu là thực bào. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, vi khuẩn vẫn sống và tăng sinh ngay trong tế bào thực bào, ví dụ vi khuẩn lao đối với đại thực bào. Khi đó, miễn dịch tự nhiên ít có hiệu quả, cơ thể chỉ trông cậy vào đáp ứng miễn dịch thu được.

2. Cơ chế bảo vệ đặc hiệu:

Chủ yếu là miễn dịch qua trung gian tế bào (CMI). Đại thực bào tuy không tiêu diệt được vi khuẩn nhưng vẫn trình diện được một số kháng nguyên protein cho các tế bào T. TCD4 sau khi nhận ra kháng nguyên đã tăng cường sản xuất các cytokin trong đó quan trọng là IFNγ. Chất này có tác dụng tăng cường khả năng tiêu của đại thực bào. Cũng như TCD4+, TCD8+ cũng hỗ trợ, kích thích thực bào. TDTH gây ra hiện tượng dị ứng, tức là viêm cục bộ, đóng góp thêm vào quá trình tiêu diệt cả tế bào thực bào đã hoặc chưa ăn vi khuẩn.

Nhiễm khuẩn nội bào (do trực khuẩn hay nấm) ít nhiều đều gây ra viêm cục bộ kéo dài có hoại tử và phát triển thành mô xơ tại ổ viêm. Cơ thể phản ứng bằng tụ tập tại chỗ những đại thực bào hoạt hóa vây quanh trực khuẩn tạo ra u hạt, nếu rộng có thể gây rối loạn chức năng. Như thế có thể nói chính đáp ứng của vật chủ gây ra tổn thương. Tính phản ứng này phụ thuộc nhiều vào cơ địa của vật chủ. Điều này có thể thấy rõ ở những bệnh nhân phong, với các cơ thể khác nhau:

- Trong thể ác tính, có tình trạng đáp ứng CMI yếu nhưng hiệu giá kháng thể đặc hiệu cao, trực khuẩn vẫn tồn tại, sinh sôi nảy nở bên trong đại thực bào gây ra những tổn thương ở da và xương.

- Trong thể củ, hiệu giá kháng thể thấp nhưng đáp ứng CMI vẫn gần như bình thường,nên vi khuẩn bị kiềm chế, bệnh nhẹ, có những u hạt (củ) xung quanh dây thần kinh. Tùy nơi bị mà gây ra các hiện tượng như mất cảm giác, rối loạn dinh dưỡng, có thể dẫn đến hậu quả co quắp, rụt ngón chân, ngón tay…

Tóm lại, nhiễm vi khuẩn nội bào là vấn đề phức tạp, ngoài tính kháng nguyên, đường vào của vi khuẩn còn có vai trò của khả năng đề kháng và tính phản ứng của cơ thể.

Câu 81

: Trình bày cơ chế miễn dịch chống virus và ký sinh trùng.

(Đoạn đầu câu 80)

A. Virus:

Là loại vi sinh vật nội bào: về cấu trúc chúng chỉ gồm có vỏ bọc và nhân (ARN hay ADN). Muốn sống và nhân lên, chúng phải tồn tại trong các tế bào khác, sử dụng acid nucleic cùng với bộ máy tổng hợp protein của tế bào túc chủ. Để xâm nhập vào tế bào, trước tiên chúng phải gắn với các phân tử có trên bề mặt tế bào đó (VD: HIV gắn với phân tử CD4 có trên bề mặt các tế bào lympho TCD4). Sau khi vào được tế bào, nhân của virus tích hợp với nhân của tế bào túc chủ và gây bệnh.

Cơ chế miễn dịch chống virus:

1. Cơ chế bảo vệ không đặc hiệu:

Có 2 cơ chế chính:

- Tăng sản xuất IFN từ tế bào nhiễm: Chất này ức chế sự nhân lên của virus tại chỗ cngx như đối với các tế bào lân cận, hạn chế sự lan truyền của yếu tố gây bệnh.

- Tế bào NK tăng hoạt động, ly giải những tế bào nhiễm virus.

Ngoài ra còn có sự tham gia của bổ thể, của hoạt động thực bào vào quá trình tiêu diệt virus gây bệnh.

2. Cơ chế bảo vệ đặc hiệu:

     Miễn dịch đặc hiệu chống virus bao gồm có miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào.

a) Đáp ứng miễn dịch dịch thể:

- Các kháng thể dịch thể đặc hiệu virus có vai trò quan trọng trong giai đoạn sớm của quá trình nhiễm, khi virus vẫn còn tự do chưa xâm nhập vào tế bào. Các IgM và sau đó là IgG sẽ gắn với các protein của vỏ nhân hoặc bao ngoài virus, ngăn cản chúng bám dính và đi vào tế bào túc chủ. Kháng thể IgA tiết có tác dụng ngăn chặn sự tấn công của virus theo đường niêm mạc. Nói chung, kháng thể dịch thể trong một số trường hợp chứng tỏ có hiệu quả.

- Tuy vậy, với nhiều loài virus, kháng thể dịch thể không có tác dụng mong muốn hoặc không có tác dụng. Chúng không gây được miễn dịch thụ động khi tiêm các Ig đặc hiệu cho cơ thể chưa bị nhiễm.

b) Đáp ứng miễn dịch tế bào:

- Là cơ chế chính với vai trò chủ yếu của tế bào lympho Tc (tế bào lympho T gây độc).

- Tc mang CD8+ do vậy có khả năng nhận biết kháng nguyên virus do phân tử MHC I trình ra, ngay từ giai đoạn virus còn tiềm ẩn trong tế bào chủ. Tc có tác dụng ly giải tế bào nhiễm qua kích thích tạo các enzym và cytokin hoạt động (như interferon) giúp hạn chế sự xâm nhập hoặc tiêu diệt virus.

à

Đây là cơ chế hiệu lực nhất trong các bệnh nhiễm virus (gây bệnh cấp và gây ung thư). Nhưng chính cơ chế này trong 1 số trường hợp gây tổn thương mô vì Tc có thể làm ly giải mạnh các tế bào nhiễm gây ra những đám hoại tử lớn.

Nhiều trường hợp, sự phối hợp cả 2 cơ chế dịch thể và tế bào là nguyên nhân lành bệnh nhanh chóng, đồng thời có thể gây trạng thái bệnh lý nặng nề.

B. Ký sinh trùng:

Là những sinh vật chiếm sinh chất của các sinh vật khác đang sống để tồn tại và phát triển.

Đáp ứng miễn dịch chống ký sinh trùng diễn ra dai dẳng, lâu dài nhưng kết quả đôi khi lại dẫn đến những tổn thương bệnh lý nghiêm trọng.

Cơ chế miễn dịch chống ký sinh trùng:

1. Cơ chế bảo vệ không đặc hiệu:

Ký sinh trùng xâm nhập cơ thể sẽ gặp phải:

- Bổ thể hoạt hóa: các kháng nguyên ký sinh trùng xuất hiện là tác nhân hoạt hóa bổ thể theo con đường cạnh, kết quả dẫn đến ly giải ký sinh trùng nhờ phức hợp tấn công màng. Tuy nhiên cách này ít hiệu quả vì ký sinh trùng trút bỏ những phân tử bề mặt đã gắn bổ thể.

- Thực bào: đại thực bào có thể ăn các ký sinh trùng, nhưng cơ chế này rất yếu, thường là ký sinh trùng chống được các cơ chế diệt tế bào của cả tiểu và đại thực bào, thậm chí vẫn tồn tại và phát triển ngay trong tế bào thực bào.

2. Cơ chế bảo vệ đặc hiệu:

a) Đáp ứng miễn dịch dịch thể:

- Tăng sản xuất IgE đặc hiệu và tăng bạch cầu ái toan, thường gặp trong nhiễm giun, sán. Đáp ứng này là do kháng nguyên ký sinh trùng kích thích TCD4+ tiết IL-4, IL-5 là những cytokin thúc đẩy tế bào lympho B sản xuất IgE và tủy xương sản xuất bạch cầu ái toan.

- Một số Ig chống ký sinh trùng có khả năng hoạt hóa bổ thể, opsonin hóa ký sinh trùng để tăng thực bào, qua đó giết ký sinh trùng.

- Đại thực bào khi được hoạt hóa cũng có khả năng trực tiếp nuốt và tiêu ký sinh trùng thông qua các gốc tự do (NO) và TNF.

- Một số ký sinh trùng gây các u hạt, phát triển nhiều tổ chức xơ; u hạt xung quanh schistosoma để chống lại sự bành trướng của ký sinh trùng.

b) Đáp ứng miễn dịch tế bào:

- Trong nhiễm ký sinh trùng, tế bào TCD4+ và các cytokin có thể đóng góp vào việc đẩy lùi bệnh nhưng cũng có thể làm bệnh trầm trọng thêm. Người ta cho rằng, đại thực bào khi được hoạt hóa sẽ tăng tạo IFNγ và TNF, giúp tăng hoạt động của đại thực bào, còn IL-4 ức chế hoạt động đó.

- Trong sốt rét, TNF có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của sốt rét ác tính. Ở nồng độ thấp, nó có tác dụng diệt ký sinh trùng, gây sốt… nhưng ở nồng độ cao nó gây nhiều rối loạn bệnh lý như tổn thương phổi, não và có thể gây chết. Vì vậy, nếu tiêm kháng thể kháng TNF có thể làm hạn chế mức độ trầm trọng của bệnh.

- TCD8+ cũng có vai trò bảo vệ trong sốt rét. Hiệu quả này dường như cũng phụ thuộc TNF và IFNγ. Những cytokin này đã ức chế sự nhân lên của ký sinh trùng, tuy cơ chế chưa được rõ.

Câu 82

: Trình bày khái niệm về đáp ứng miễn dịch, phân biệt đáp ứng miễn dịch tự nhiên với đáp ứng miễn dịch thích ứng (thu được), đáp ứng miễn dịch tiên phát và đáp ứng miễn dịch thứ phát.

1. Khái niệm đáp ứng miễn dịch:

- Đáp ứng miễn dịch là khả năng của cơ thể nhận biết, đáp ứng và loại bỏ yếu tố lạ gây hại. Do vậy, đáp ứng miễn dịch là phương thức đề kháng tự vệ hết sức quan trọng của cơ thể.

- Khi bị yếu tố gây bệnh (kháng nguyên) xâm nhập, trước tiên cơ thể vận hành ngay một số tế bào và phân tử sẵn có để kịp thời ngăn chặn, xử lý, sau đó tạo ra các tế bào đặc hiệu tương ứng với từng loại kháng nguyên khác nhau để loại trừ chúng.

2. Phân biệt:

- Đáp ứng miễn dịch ở người được chia thành 2 loại:

+) Đáp ứng miễn dịch tự nhiên (Miễn dịch không đặc hiệu).

+) Đáp ứng miễn dịch thu được (Miễn dịch đặc hiệu).

Miễn dịch tự nhiên

Miễn dịch thu được

- Là miễn dịch sẵn có của cơ thể từ khi mới sinh ra, được hình thành sớm trong quá trình tiến hóa của động vật với vai trò chống lại sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh. Nói cách khác, đó là khả năng tự bảo vệ của một cá thể có ngay từ lúc mới sinh, không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trước của cơ thể với các kháng nguyên của vật lạ.

- Có tính chất di truyền, khác nhau giữa các loài và các cá thể trong cùng một loài.

- Không để lại trí nhớ, khá ổn định, ít bị sai sót.

- Các yếu tố thuộc miễn dịch tự nhiên là phương tiện chung dùng để chống lại sự xâm nhiễm của các vi sinh gây bệnh, không phân biệt đó là vi khuẩn hay ký sinh trùng hoặc virus.

- Là trạng thái miễn dịch xuất hiện do kháng thể đặc hiệu tương ứng với từng loại kháng nguyên được tạo ra sau khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên. Có 2 cách tiếp xúc kháng nguyên:

+) Tiếp xúc 1 cách ngẫu nhiên.

+) Tiếp xúc chủ động: tiêm vaccin phòng bệnh.

- Giữ vai trò rất quan trọng, do bởi chúng có khả năng nhận dạng được hầu hết các kháng nguyên và để lại trí nhớ miễn dịch.

- Sản phẩm chủ yếu của miễn dịch thu được là các kháng thể đặc hiệu (kháng thể dịch thể, kháng thể tế bào) và các chất có hoạt tính sinh học (cytokin).

Miễn dịch tiên phát

Miễn dịch thứ phát

Giống

- Đều là đáp ứng miễn dịch dịch thể.

Khác

- Thời gian tiềm tàng dài, cường độ đáp ứng kém, thời gian duy trì đáp ứng ngắn.

- Một số tế bào T và B đã được mẫn cảm sẽ trở thành tế bào trí nhớ, nếu tiếp xúc lại với kháng nguyên sẽ tạo ra đáp ứng miễn dịch thứ phát.

- Thời gian tiềm tàng ngắn hơn, cường độ đáp ứng mạnh hơn, thời gian duy trì đáp ứng dài hơn.

- Các tế bào trí nhớ phát triển nhanh và mạnh tạo thành 1 clon tế bào chuyên sản xuất ra kháng thể đặc hiệu.

Câu 83

: Kể về các hàng rào đáp ứng miễn dịch tự nhiên, phân tích đặc điểm cấu tạo và cơ chế bảo vệ của hàng rào vật lý.

1. Các hàng rào đáp ứng miễn dịch tự nhiên: 

Miễn dịch tự nhiên

(miễn dịch không đặc hiệu): là khả năng tự bảo vệ sẵn có và mang tính di truyền trong các cơ thể cùng một loài. Nói cách khác đó là khả năng tự bảo vệ của một cá thể có ngay từ mới sinh, không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trước của cơ thể với các kháng nguyên của vật lạ.

Trong miễn dịch tự nhiên, có các hàng rào sau:

- Hàng rào vật lý.

- Hàng rào hóa học.

- Hàng rào tế bào.

- Hàng rào thể chất.

2. Đặc điểm cấu tạo và cơ chế bảo vệ của hàng rào vật lý:

Hàng rào vật lý bao gồm: daniêm mạc.

- Da: gồm rất nhiều lớp tế bào, trong đó có lớp tế bào ngoài cùng đã sừng hóa, luôn được bong ra và đổi mới

à

đã tạo ra một cản trở vật lý trước sự xâm nhập của kháng nguyên.

Da lành lặn, không bị sây sát sẽ cản trở sự xâm nhập của kháng nguyên.

- Niêm mạc: chỉ có 1 lớp tế bào trên bề mặt nhưng cũng có tác dụng cản trở tố, ngoài tính đàn hồi như da, nó còn được bao phủ bởi lớp chất nhầy. Chất nhầy do những tuyến ở dưới niêm mạc tiết ra

à

tạo nên một màng bảo vệ làm cho vi khuẩn và các vật lạ không bám thẳng được vào tế bào, mà sự bám này là 1 điều kiện tiên quyết để chúng có thể xâm nhập vào sâu hơn.

Một số niêm mạc (mắt, miệng, đường tiết niệu) thường xuyên được rửa sạch bởi các dịch tiết, loãng (nước mắt, nước bọt, nước tiểu).

Một số niêm mạc khác, đặc biệt là niêm mạc đường hô hấp, lại có các vi nhung mao luôn rung động có tác dụng cản bụi mang theo vi khuẩn và các vật lạ, không cho chúng vào phế nang và đẩy dần chúng ra khỏi phế quản cùng phản xạ ho và hắt hơi.

Câu 83

: Nêu một số thành phần cấu tạo thuộc hàng rào hóa học và cơ chế bảo vệ của chúng.

Miễn dịch tự nhiên

(miễn dịch không đặc hiệu): là khả năng tự bảo vệ sẵn có và mang tính di truyền trong các cơ thể cùng một loài. Nói cách khác đó là khả năng tự bảo vệ của một cá thể có ngay từ mới sinh, không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trước của cơ thể với các kháng nguyên của vật lạ.

Trong miễn dịch tự nhiên, có các hàng rào sau:

- Hàng rào vật lý.

- Hàng rào hóa học.

- Hàng rào tế bào.

- Hàng rào thể chất.

1. Các thành phần cấu tạo thuộc hàng rào hóa học:

- Dịch tiết của các tuyến trong cơ thể (nước mắt, nước bọt, nước mũi, mồ hôi…)

- Huyết thanh có chức lysozym, protein phản ứng C, các thành phẩn của bổ thể, interferon…

2. Ccơ chế bảo vệ của hàng rào hóa học:

-

Da và niêm mạc (hàng rào vật lý) được tăng cường với 1 số yếu tố hóa học:

+) Trên da, nhờ có các chất tiết như acid lactic, acid béo của mồ hôi và tuyến mỡ dưới da mà các vi khuẩn không tồn tại lâu được.

+) Tại niêm mạc, chất nhầy che chở bề mặt tế bào khỏi bị enzym neuramini-dase của virus tác động. Dịch tiết của các tuyến như nước mắt, nước bọt, nước mũi, sữa…có nhiều lysozym, một loại enzym muramidase có tác dụng trên vỏ của một số vi khuẩn.

Ngoài ra, bổ thể, interferon, các tế bào thực bào cũng chuyển từ máu qua niêm mạc, tham gia vào đáp ứng miễn dịch tự nhiên.

- Một khi kháng nguyên đã vượt qua hàng rào da và niêm mạc thì sẽ gặp hàng rào hóa học ngay bên trong cơ thể, chính là huyết thanh có chức lysozym, protein phản ứng C, các thành phẩn của bổ thể, interferon…

+) Protein C: có nồng độ tăng cao tại ổ viêm, cùng với sự có mặt của Ca2+, có tác dụng đối với phế cầu trùng và có thể cố định cả bổ thể. Bổ thể có thể được hoạt hóa bởi các chất hydratcacbon, LPS…của vi khuẩn, do đó chọc thủng vách tế bào và làm dung giải vi khuẩn.

+) Hệ thống bổ thể: Là 1 hệ thống protein enzyme hoạt động theo dây chuyền. Khi gặp các yếu tố gây hoạt hóa (như LPS, hydratcarbon, phức hợp kháng nguyên – kháng thể), hệ thống bổ thể được hoạt hóa và tạo ra phức hợp tấn công màng (MAC) có tác dụng chọc thủng màng các tế bào mang kháng nguyên.

Trong quá trình hoạt hóa, một số thành phần bổ thể được tách ra thành 1 số mảnh (C3a, C5a) có tác dụng sinh học: Hóa hướng động bạch cầu, gây dãn mạch, tăng tính thấm thành mạch…C3b còn dính vào vi khuẩn, giúp các thực bào dễ tiếp cận và tiêu diệt vi khuẩn.

+) Interferon (IFN): là 1 cytokin của các tế bào sau khi hoạt hóa tiết ra, có hoạt tính không đặc hiệu chống các virus gây nhiễm các tế bào cùng loại.

Một số tế bào, sau khi bị nhiễm virus cũng có khả năng tiết ra IFN ngăn virus xâm nhập vào các tế bào lành khác (kể cả virus cũ và virus mới xâm nhập). IFN còn hoạt hóa protein khác của tế bào có tác dụng hạn chế sự sao chép của virus ở khâu mARN.

Câu 85

: Kể về một số thành phần tham gia chính và chức năng của hàng rào tế bào.

Các tế bào tham gia đáp ứng miễn dịch tự nhiên gồm: Tế bào thực bào (đại thực bào, tiểu thực bào), tế bào diệt tự nhiên, một số tế bào tham gia trong phản ứng viêm như bạch cầu ái toan, bạch cầu ái kiềm, tế bào Mast…

1. Thực bào:

Là các tế bào có khả năng nuốt, tiêu các vi sinh vật. Thực bào gồm 2 loại:

- Tiểu thực bào: Bạch cầu hạt trung tính (BCTT) làm nhiệm vụ tiểu thực bào (ăn các đối tượng có kích thước bé), là loại bạch cầu đông đảo nhất ở máu ngoại vi (chiếm khoảng 60% tổng số bạch cầu máu ngoại vi). Trên bề mặt BCTT có các thụ thể đối với các chất hóa hướng động giúp chúng di chuyển (thụ thể Fc của IgG, IgA, thụ thể với C3b của bổ thể, thụ thể với các yếu tố sinh trưởng).

- Đại thực bào: Là các tế bào có khả năng nuốt và xử lý các vật lạ kích thước lớn. Tùy theo nơi cư trú hoạt động mà đại thực bào có những tên khác nhau: Monocyte (máu), Kupffer (gan), Langerhans (da)…

Trên bề mặt ĐTB có nhiều thụ thể: Thụ thể hóa hướng động, thụ thể với C3 của bổ thể, với Fc của globulin miễn dịch…Ngoài ra, trên bề mặt ĐTB có phân tử MHC lớp I và lớp II có vai trò quan trọng trình diện kháng nguyên cho các tế bào lympho, mở màn cho miễn dịch đặc hiệu.

* Quá trình thực bào chia ra 3 giai đoạn chính:

-

Giai đoạn gắn

: Các vsv và sản phẩm của chúng có tính hấp dẫn đối với các thụ thể hóa hướng động trên bề mặt thực bào, dẫn đến hoạt hóa kinase, hình thành giả túc giúp chúng vận động di chuyển đến đối tượng. Thụ thể kết dính giúp thực bào áp sát và gắn với đối tượng, tín hiệu được chuyển vào trong và thực bào được hoạt hóa.

-

Giai đoạn nuốt

: Màng tế bò và nguyên sinh chất hình thành gọng kìm ôm kín đối tượng, chuyển đối tượng vào bên trong tạo thành phagosom.

-

Giai đoạn tiêu

: Lysosom tiến đến phagosom, cả 2 tiểu thể này hòa màng tạo phagolysosom. Các vi sinh vật trong phagolysosom bị tiêu diệt.

2. Bạch cầu hạt ái kiềm (BACK), Tế bào Mast, Bạch cầu hạt ái toan (BCAT):

Các tế bào này tham gia phản ứng viêm, có vai trò trong cơ chế đề kháng tự nhiên của cơ thể.

- BACK và tế bào Mast: BACK có mặt chủ yếu trong máu, tế bào mast có mặt chủ yếu trong các mô. Trong nguyên sinh chất của các tế bào này có các hạt chứa các chất có hoạt tính sinh học: histamin, heparin, arylsulfat, glucuronidase. Trên bề mặt 2 loại tế bào này có thụ thể với Fc của IgE, do đó hầu hết IgE của cơ thể đều gắn trên bề mặt của chúng.

- BCAT: Trong nguyên sinh chất có các hạt chứa protein kiềm, protein mang điện âm có tác dụng gây độc tế bào, đặc biệt đối với ấu trùng ký sinh trùng.

3. Tế bào diệt tự nhiên (NK):

Là những tế bào dạng lympho to, không có các thụ thể của tế bào lympho T hoặc B nhưng có hạt chứa perforin và granzym. NK có khả năng tiêu diệt các tế bào nhiễm virus, tế bào ung thư khi các tế bào này không hoặc ít biểu lộ MHC lớp I.

Câu 87

: Trình bày khái quát quá trình hình thành đáp ứng miễn dịch đặc hiệu. Nêu nguồn gốc, bản chất của kháng thể dịch thể và các thành phần bổ thể.

1. Quá trình hình thành đáp ứng miễn dịch đặc hiệu:

Miễn dịch đặc hiệu

là trạng thái miễn dịch xuất hiện do kháng thể đặc hiệu tương ứng với từng KN được tạo ra sau khi cơ thể tiếp xúc với KN.

Miễn dịch đặc hiệu bao gồm: Miễn dịch dịch thể  và  Miễn dịch qua trung gian tế bào.

Quá trình hình thành miễn dịch đặc hiệu trải qua 3 giai đoạn

:

- Nhận diện KN: Trừ 1 số KN không phụ thuộc tuyến ức thì tế bào lympho B có khả năng nhận diện trực tiếp nhờ thụ thể BCR của chúng, còn hầu hết các KN phải được các tế bào trình diện KN xử lý thành các đoạn peptid nhỏ cùng với phân tử MHC trình cho thì tế bào lympho T mới nhận diện được nhờ thụ thể TCR.

- Hoạt hóa: Sự tiếp xúc giữa phức hợp MHC – peptid (kháng nguyên) với thụ thể của tế bào lympho T (TCR) cùng với các phân tử khác trên bề mặt (phân tử kết dính) tạo ra các tín hiệu truyền vào trong tế bào làm cho tế bào được hoạt hóa. Những tế bào được hoạt hóa này tiết ra các cytokin có tác dụng hoạt hóa nhiều tế bào khác, kích thích tăng sinh.

+)Phần lớn các tế bào hoạt hóa này sẽ biệt hóa thành các tế bào sản xuất KT đặc hiệu với KN được nhận diện.

+) Một số tế bào hoạt hóa trở thành tế bào nhớ. Nếu KN xâm nhập trở lại, các tế bào nhớ này nhanh chóng phát triển và sản xuất ra 1 lượng kháng thể đặc hiệu nhiều hơn và kéo dài hơn so với đáp ứng lần đầu.

- Hiệu ứng:

Sau khi được mẫn cảm, các tế bào lympho sản xuất ra các KT đặc hiệu, KT này sẽ kết hợp với KN tương ứng để loại trừ KN ấy.

+)

Trong miễn dịch qua trung gian tế bào: Nếu KN gắn trên tế bào thì sẽ kết hợp trực tiếp với KT tương ứng trên bề mặt tế bào lympho T gây độc (Tc), Tc sản xuất perforin tiêu diệt tế bào mang KN. Nếu KN là KN hòa tan thì nó sẽ kết hợp với KT tương ứng trên bề mặt tế bào lympho T hỗ trợ (Th), phản ứng KN – KT này làm KN mất hiệu lực.

+) Trong miễn dịch thể dịch: KN kết hợp với KT tạo thành các phức hợp miễn dịch. Các phức hợp này sẽ bị các thực bào ăn và xử lý. Khả năng thực bào tăng lên khi phức hợp miễn dịch được gắn thêm bổ thể.

2. Nguồn gốc, bản chất:

a) Kháng thể dịch thể:

-

Nguồn gốc

: Do các tế bào lympho B mẫn cảm (tế bào plasma) sản xuất.

-

Bản chất

: Là kháng thể đặc hiệu thuộc thành phần globulin huyết thanh, được tạo ra do quá trình đáp ứng miễn dịch và gọi là “globulin miễn dịch”.

b) Các thành phần bổ thể:

-

Nguồn gốc

: Các yếu tố bổ thể được sinh ra ở các tế bào ganđại thực bào. Chúng tồn tại trong hệ thống tuần hoàn như những phân tử không hoạt động.

-

Bản chất

: Một vài yếu tố của bổ thể thì ở dạng tiền enzym (pro-enzym). Khi được hoạt hóa, các phân tử này trở thành các enzym protease. Các enzym này sẽ cắt cầu nối peptid của các yếu tố bổ thể khác để hoạt hóa yếu tố này.

Câu 88

: Mô tả cấu trúc chung của các phân tử globulin miễn dịch.

Phân tử globulin miễn dịch gồm 1 hay nhiều đơn vị hình thành, chúng có cấu trúc tương đối giống nhau.

Mỗi đơn vị là 1 phân tử protein có 4 chuỗi polypeptid giống nhau từng đôi một: 2 chuỗi nhẹ2 chuỗi nặng, chúng nối với nhau bằng những cầu nối disulfua (S-S).

1. Chuỗi nhẹ:

- Trọng lượng phân tử khoảng 23.000. Có 2 loại chuỗi nhẹ chung cho tất cả các lớp globulin miễn dịch:

+) Chuỗi nhẹ Kappa (k), chỉ có 1 loại.

+) Chuỗi nhẹ Lambda (λ), ít nhất có 4 loại.

Tính kháng nguyên của 2 loại chuỗi nhẹ này hoàn toàn khác nhau. Tỷ lệ mang chuỗi nhẹ k và λ của các globulin miễn dịch có khác nhau giữa các loài. Ở người, tỷ lệ này là 2 : 1. Một p/tử globulin miễn dịch chứa chuỗi nhẹ k, hoặc λ, không khi nào mang cả 2 loại. 2 chuỗi nhẹ của phân tử globulin miễn dịch cùng loại có cấu trúc hoàn toàn giống nhau.

- Chuỗi nhẹ gồm 211-221 acid amin và chia thành 2 phần dài bằng nhau:

+) Phần hằng định (C): có tận cùng – COOH với trình tự a.a tương đối hằng định và được ký hiệu CK và Cλ.

+) Phần thay đổi (V): có tận cùng – NH2, trật tự a.a trong phần này thay đổi từng nhóm một, rất khác nhau từ cá thể này đến cá thể khác và ngay trong 1 cá thể, được ký hiệu VK và Vλ. Trong phần này có những sự sắp xếp vị trí của các a.a cực kỳ thay đổi.

2. Chuỗi nặng:

- Trọng lượng phân tử từ 50.000 đến 70.000. Được chia thành 5 lớp: γ, α, μ, δ, ε. Các chuỗi nặng có tính đặc hiệu riêng và quyết định globulin miễn dịch thuộc lớp nào. Tương ứng với mỗi lớp chuỗi nặng là 1 loại globulin miễn dịch, còn chuỗi nhẹ có thể là k hoặc λ.

- Chuỗi nặng có khoảng 440 a.a và chia thành 2 phần:

+) Phần hằng định (C): có tận cùng –COOH, có khoảng 330 a.a. Do sự khác biệt về tính kháng nguyên ở vùng hằng định mà 1 số lớp globulin miễn dịch còn được chia thành các dưới lớp như: γ1, γ2, γ3, γ4 hoặc α1, α2.

+) Phần thay đổi (V): có tận cùng –NH2. Trong trật tự a.a có 1 số đoạn cực kì thay đổi xen giữa những đoạn tương đối ổn định. Những vùng cực kì thay đổi sẽ tham gia trực tiếp vào việc hình thành vị trí kết hợp kháng nguyên.

3. Cầu disulfua và các domain globulin miễn dịch:

- Cầu disulfua được hình thành ở các acid amin cystein, chúng nối các chuỗi polypeptid lại với nhau duy trì cấu trúc bậc 4 của phân tử.

- Chúng còn nối các a.a ở những vị trí cách xa nhau trong cùng 1 chuỗi làm chúng uốn cong lại tạo ra cấu trúc hình cầu, được gọi là domain. Chuỗi nhẹ có 2 domain, chuỗi nặng có 4 domain, mỗi domain có khoảng 100 acid amin.

4. Vùng bản lề:

- Là vùng giáp gianh giữa domain CH1 và CH2 trong chuỗi năng.

- Có đặc tính mềm mại, là nơi dễ bị tác động của các enzym tiêu protein.

5. Các nhóm carbohydrat:

- Có vai trò trong việc duy trì cấu trúc bậc 3 thông qua việc gấp chính xác p/tử globulin miễn dịch.

- Có vai trò trong việc tiết các globulin miễn dịch bởi tế bào plasma và điều hòa tốc độ chuyển hóa của globulin miễn dịch.

6. Các mảnh của phân tử globulin miễn dịch:

- 2 mảnh Fab: mỗi mảnh gồm 1 chuỗi nhẹ và 1 phần chuỗi nặng có tận cùng –NH2, gồm các domain VH và CH1. Mảnh này có trọng lượng p/tử 50.000 và có 1 vị trí kết hợp với kháng nguyên.

- 1 mảnh Fc: trọng lượng p/tử 60.000, có tính kháng nguyên, có khả năng liên kết với 1 số tế bào khác và giữ vai trò nhất định trong việc hoạt hóa bổ thể.

Câu 89

: Trình bày chức năng sinh học của các phân tử globulin miễn dịch.

Vùng V trên Fab có chức năng nhận biết cái lạ (KN), kết hợp đặc hiệu với nó, bất hoạt nó. Phần Fc làm nhiệm vụ tương tác với các phân tử, tế bào khác, hoạt hóa cơ chế miễn dịch không đặc hiệu. Qua đó, thực hiện sự kết hợp chặt chẽ miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu.

1. Chức năng nhận biết, kết hợp đặc hiệu KN

: Vai trò của Fab.

Chức năng nhận biết được thực hiện thông qua việc p/tử Ig kết hợp đặc hiệu với epitop KN. Vị trí kết hợp nằm ở vùng V của chuỗi nặng và chuỗi nhẹ, đầu tận cùng – NH2. Nhờ khả năng kết hợp đặc hiệu mà Ig có thể tác động trực tiếp lên KN và làm:

- Bất hoạt các phân tử có hoạt tính: trung hòa độc tố do vi khuẩn tiết ra. Cơ chế:

+) Ví trí hoạt động của p/tử KN (có hoạt tính) bị KT che phủ bằng sự kết hợp, khiến nó không tiếp xúc được với thụ thể trên tế bào đích.

+) Cấu hình của vị trí có hoạt tính bị biến dạng ko còn đặc hiệu với đích nữa.

+) Phân tử có hoạt tính thay đổi hình thể không gian.

- Bất hoạt virus: KT làm cho virus mất khả năng kết hợp với thụ thể của tế bào đích, do vậy virus không xâm nhập được vào nội bào, nhanh chóng chết ở ngoại bào. Trường hợp virus đã lọt được vào nội bào thì khi xuất hiện những epitop KN trên bề mặt tế bào sẽ bị KT kết hợp. KT không trực tiếp tiêu diệt virus nhưng có tác dụng hấp dẫn đại thực bào, tế bào NK đến tiêu diệt tế bào nhiễm virus lẫn virus bên trong.

- Bất hoạt vi khuẩn, ký sinh trùng và ấu trùng của chúng: do các mảnh Fab của p/tử Ig kết hợp đặc hiệu với những epitop KN của chúng, khiến cho:

+) Xoắn khuẩn bi mất khả năng di động.

+) Tốc độ nhân lên của vi khuẩn giảm hoặc mất. Vi khuẩn bi tiêu diệt nhanh.

+) Ký sinh vật đơn bào và 1 số đa bào bị KT diệt như diệt vi khuẩn.

2. Chức năng hoạt hóa hệ miễn dịch không đặc hiệu:

Là c/năng của phần Fc, chỉ được t/hiện khi phần Fab đã kết hợp đặc hiệu với KN.

a) Chức năng hoạt hóa bạch cầu:

- Hoạt hóa bạch cầu thực bào (hiện tượng opsonin hóa):

Các đại thực bào và bạch cầu trung tính có recetor với phần Fc (FcR) của phân tử IgG và IgM. Vi khuẩn hay đơn bào đã gắn IgM hay IgG thì chúng dễ bị các tb thực bào bắt, nuốt và tiêu hủy. Đại thực bào và bạch cầu trung tính còn có C3bR, vì vậy khả năng thực bào sẽ được tăng cường nếu đối tượng thực bào gắn cả IgM hay IgG và C3b.

- Hoạt hóa tế bào gây độc: các tế bào gây độc sẽ tiết ra các chất gây độc làm chết tế bào mang KN.

- Hoạt hóa tế bào ái kiềm, tế bào Mast: làm giải phóng các hoạt chất trung gian như serotonin, histamin…các chất hoạt mạch này làm tăng tính thấm thành mạch, do đó KT trong máu và các tế bào thực bào dễ dàng lọt qua thành mạch tới nơi có KN xâm nhập.

b) Hoạt hóa cơ chế vận chuyển Ig qua màng tế bào:

- Tb biểu mô ruột có FcR, nhờ có receptor này mà IGA tiết được vận chuyển qua các tế bào thành ruột rồi giải phóng vào lòng ruột thực hiện vai trò bảo vệ niêm mạc ruột.

- Trên mặt hợp bào nuôi ở nhau thai có receptor với Fc của IgG, do vậy có cơ chế vận hành tích cực chuyển IgG tử máu mẹ sang cơ thể thai.

c) Hoạt hóa bổ thể:

Fab của Ig kết hợp KN hình thành phức hợp KN-KT. Việc kết hợp KN đã làm thay đổi cấu hình không gian của phân tử Ig, nó bộc lọ vị trí gắn bổ thể trên Fc. Khả năng hoạt hóa bổ thể chỉ có ở IgM, IgG1, IgG2 và IgG3.

Câu 90

: Kể tên và cho biết nguồn gốc, bản chất của các yếu tố bổ thể, trình bày cơ chế hoạt hóa bổ thể.

1.Nguồn gốc, bản chất của các yếu tố bổ thể

:

- Từ lâu người ta đã biết bổ thể không phải là 1 chất mà là 1 hệ thống gồm nhiều thành phần, trong đó có những thành phần không biền với nhiệt. Hiện nay người ta đã tách biệt được 9 thành phần của bổ thể và được ký hiệu theo quy ước quốc tế như sau:

+) Bổ thể ký hiệu chung là C’.

+) Các thành phần của bổ thể được ký hiệu từ C1, C2, C3…C9. Riêng C1 có 3 đơn vị nhỏ là C1q, C1r, C1s.

- Nguồn gốc: Các yếu tố bổ thể được sinh ra ở các tế bào ganđại thực bào. Chúng tồn tại trong hệ thống tuần hoàn như những phân tử không hoạt động.

- Bản chất: Một vài yếu tố của bổ thể thì ở dạng tiền enzym (pro-enzym). Khi được hoạt hóa, các phân tử này trở thành các enzym protease. Các enzym này sẽ cắt cầu nối peptid của các yếu tố bổ thể khác để hoạt hóa yếu tố này.

2. Cơ chế hoạt hóa bổ thể:

a) Con đường cổ điển:

* Yếu tố khởi phát:

- Phức hợp KN –KT.

- Sự vón tụ của các phân tử IgG, IgM.

- Một số virus, chất plasmin, prothrombin với nồng độ đủ cao.

* Quá trình hoạt hóa

:

- Đầu tiên phải có phức hợp KN – KT (để mở màn): Phức hợp miễn dịch EA     (E: hồng cầu cừu, A: kháng thể chống hồng cầu).

- Hoạt hóa C1q:

C1q   +   EA   ------->  EAC1q

EAC1q   +   C1r, C1s  ------> EAC1qrs    (s: là thành phần có hoạt tính men)

à

Xúc tác quá trình hoạt hóa C4.

- C4:  EAC1s         +   C4  ------> EAC1s,4b      +   C4a (rơi vào trong môi trường).

- C2:  EAC1,4b      +  C2  ------>  EAC1,4,2b     +   C2a.

- C3:  EAC1,4,2b   +  C3  -------> EAC1,4,2,3b  +  C3a (có hoạt tính sinh học)

EAC1,4,2,3b : là phức hợp C5-convertaza có tác dụng hoạt hóa C5.    

- C5: EAC1,4,2,3b   +  C5 ----->  EAC1,4,2,3,5b    +   C5a (có hoạt tính sinh học).

………

- C8:                                    ------> EAC1,4,2,3,5,6,7,8b

Lúc này, quá trình tan máu bắt đầu.

- C9:                                    ------> EAC1,4,2,3,5,6,7,8,9b

Quá trình tan máu được khuếch đại.

b) Con đường cạnh:

- Là con đường diễn ra liên tục, thường xuyên, tự duy trì trong cơ thể.

- Bắt đầu từ C3.

* Yếu tố khởi phát:

- Bề mặt các vi khuẩn Gram (-), Gram (+), các TB bị nhiễm nấm, kí sinh vật.

- Các polysaccarid tự nhiên, nhân tạo.

- Bề mặt hồng cầu thỏ IgA vón tụ.

* Quá trình hoạt hóa:

(C3b)Bb: là phức hợp có hoạt tính men, vừa quay lại hoạt hóa C3, nhưng lại vừa có tác dụng giống C5 – convertaza.

Câu 91

: Trình bày tác dụng sinh học của hoạt hóa bổ thể.

1. Ly giải tế bào mang kháng nguyên:

- Bổ thể tham gia làm tan các tế bào mang kháng nguyên (chủ yếu là vi sinh gây bệnh, các tế bào bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn, tế bào khác loài…) nhờ sự hình thành phức hợp tấn công màng.

- Trong giai đoạn đầu (giai đoạn mẫn cảm), bổ thể hoạt hóa theo đường alternative, khi đã có kháng thể thì hoạt hóa theo con đường cổ điển, để cùng tạo ra phức hợp tấn công màng làm tan tế bào.

- Khi các đường hoạt hóa xảy ra song song thì đường cổ điển có hiệu quả hơn cả (chiếm 70% hiệu lực làm tan vi khuẩn), nói lên miễn dịch đặc hiệu là yếu tố quan trọng hỗ trợ miễn dịch không đặc hiệu.

2. Hình thành phản ứng viêm:

- Các sản phẩm của hoạt hóa bổ thể, nhất là các mảnh C3a, C5a có hoạt tính sinh học quan trọng trong hình thành phản ứng viêm. Một số mảnh có ái tính gắn trên màng một số tế bào, lôi kéo các tế bào này tham gia vào phản ứng viêm.

- C3a, C5a có tác dụng hấp dẫn bạch cầu, gây co cơ trơn, gây tăng tính thấm thành mạch giúp bạch cầu xuyên mạch đến ổ viêm, hình thành dịch rỉ viêm. C5a còn bám vào tế bào mast và bạch cầu ái kiềm làm giải phóng ra amin hoạt mạch (histamin) gây tăng tính thấm (thứ phát) rất mạnh.

- C3b còn bám trên một số nhóm tế bào lympho T và B (nhờ thụ thể) có tác dụng hoạt hóa các tế bào này. Nó cũng có thụ thể trên màng bạch cầu đa nhân trung tính và có tác dụng kích thích thực bào.

- C1q có thụ thể trên tiểu cầu, xúc tiến quá trình đông máu tại ổ viêm.

3. Xử lý phức hợp miễn dịch:

- Xử lý và thải trử các phức hợp miễn dịch trở nên dễ dàng hơn nhiều khi có bổ thể tham gia.

- Các phức hợp KN-KT lưu hành trong máu, nếu có gắn bổ thể sẽ giúp các thực bào tăng khả năng bắt giữ và tiêu hủy chúng, nhờ vậy hạn chế khả năng gây bệnh của chúng.

Câu 92

: Trình bày các khái niệm về: Miễn dịch bệnh lý, quá mẫn, suy giảm miễn dịch và bệnh tự miễn dịch.

- Miễn dịch bệnh lý: Là những tình trạng bệnh lý do hậu quả của tổn thương cấu trúc và rối loạn cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch.

- Quá mẫn: Là tình trạng đáp ứng với kháng nguyên ở mức quá mạnh mẽ, biểu hiện bằng các triệu chứng bệnh lý.

- Suy giảm miễn dịch: Là tình trạng hệ miễn dịch đáp ứng dưới mức cần thiết trước các yếu tố gây hại (kháng nguyên) làm xuất hiện các bệnh lý.

- Bệnh tự miễn dịch: Là một trạng thái bệnh lý do có sự kết hợp của tự kháng thể mà gây ra viêm, dẫn đến tổn thương thực thể và chức năng tại tế bào, mô hay cơ quan.

Câu 93

: Trình bày cơ chế bệnh sinh của quá mẫn týp 1, kể tên và mô tả biểu hiện lâm sàng tiêu biểu cho quá mẫn týp 1.

Quá mẫn

: Là tình trạng đáp ứng với kháng nguyên ở mức quá mạnh mẽ, biểu hiện bằng các triệu chứng bệnh lý.

Quá mẫn gồm có 4 týp (1

à

4).

Quá mẫn týp 1

: Phản vệ trên súc vật, Bệnh dị ứng có cơ địa di truyền (ở người).

1. Cơ chế bệnh sinh của quá mẫn týp 1:

-

Giai đoạn mẫn cảm

: KN (bất kỳ, tự nhiên) gây mẫn cảm tế bào lympho B, sản xuất ra KT IgE và IgG1. Các KT này gắn lên màng các tế bào Mast, bạch cầu ái kiềm vì chúng có IgE R.

-

Giai đoạn phản vệ

: KN + KT (IgE)

à

hoạt hóa tế bào Mast, bạch cầu ái kiềm làm thoát hạt, giải phóng các hoạt chất trung gian (histamin, serotonin, leucotriens, NAF, EAF, PAF). Các hoạt chất trung gian này tác động lên các receptor của chúng (mạch máu, cơ trơn, não).

à

Triệu chứng: co cơ trơn, giãn mạch, tăng tính thấm mạch, tăng tiết dịch ngoại tiết làm giảm huyết áp, phù, ngứa, khó thở.

-

Giai đoạn giải mẫn cảm

: Sau khi phản vệ đã xảy ra, đưa KN đặc hiệu vào không xảy ra phản vệ nữa

à

KN trước đó đã kết hợp hết với IgE cố định.

2. Các biểu hiện lâm sàng của quá mẫn týp 1:

- Toàn thân:

Sốc phản vệ (do thuốc, huyết thanh, sữa): tụt huyết áp nhanh, co thắt cơ trơn (khó thở, bí đái, ỉa vãi, ngứa toàn thân, hốt hoảng, đau đầu)

à

đe dọa tử vong nếu không cứu chữa kịp thời đúng cách.

- Khu trú các cơ quan:

+) Hen phế quản dị ứng.                            +) Mày đay.

+) Viêm mũi dị ứng.                                  +) Phù Quincke.

+) Viêm da dị ứng (eczema).                     +) Viêm kết mạc dị ứng.

Câu 94

: Trình bày cơ chế bệnh sinh của quá mẫn týp 2, nêu 1 số ví dụ bệnh lý lâm sàng của quá mẫn týp này.

Quá mẫn týp 2

: Bệnh lý độc tế bào phụ thuộc KT.

1. Cơ chế bệnh sinh của quá mẫn týp 2

:

-

Giai đoạn mẫn cảm

: Các KN tế bào máu, hapten (thuốc) kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể (IgG, IgM).

-

Giai đoạn quá mẫn

: KT kết hợp với KN, hoạt hóa bổ thể theo con đường cổ điển, làm tan các tế bào KN như Hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu

à

giải phóng ra các mảnh C3a, C5a gây tăng tính thấm thành mạch, hoạt hóa kinin, giãn mạch

à

dẫn đến làm hạ huyết áp, sốc, viêm, thực bào.

2. Ví dụ bệnh lý lâm sàng của quá mẫn týp 2

:

- Tai biến do truyền nhầm nhóm máu hệ ABO: cơn tan máu cấp, có thể sốc, vô niệu.

- Vàng da tan máu ở trẻ sơ sinh do khác biệt Rh giữa mẹ và con (mẹ Rh-, con Rh+).

- Thiếu máu tan máu, giảm BC, TC do thuốc, do tự miễn dịch.

- Bong mảnh ghép tối cấp, bệnh nhược cơ, bệnh thận có tự KT chống màng cơ bản.

Câu 95

: Trình bày cơ chế bệnh sinh của quá mẫn týp 3, nêu 1 số ví dụ bệnh lý lâm sàng thuộc týp quá mẫn này.

Quá mẫn týp 3

: Bệnh do phức hợp miễn dịch.

PHMD là tập hợp của KT với KN hoà tan lưu hành trong dòng máu rồi lắng đọng ở cơ quan nào đó, gây bệnh.

1. Cơ chế bệnh sinh của quá mẫn týp 3

:

- Giai đoạn mẫn cảm: hình thành KT (IgG, IgM, IgA vón tụ).

- Giai đoạn quá mẫn: KN kết hợp với KT hình thành các PHMD lưu hành→lắng đọng các cơ quan → hoạt hoá C’ (cổ điển) tại chỗ → viêm đặc hiệu → thực bào

 → tăng thấm mạch, tổn thương nội mạc và cơ quan.

2. Ví dụ bệnh lý lâm sàng thuộc quá mẫn týp 3

:

- Bệnh huyết thanh: sốt, nổi hạch, đau khớp, protein niệu sau tiêm huyết thanh điều trị từ 1 đến vài tuần.

- Viêm cầu thận, thấp tim sau nhiễm trùng.

- Viêm mạch máu dị ứng.

- Viêm thận, mạch máu do thuốc.

- Tổn thương da trong bệnh phong.

- Viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ.

Câu 96

: Mô tả biểu hiện đặc trưng, cơ chế bệnh sinh và nêu 1 số ví dụ lâm sàng của quá mẫn týp 4.

Quá mẫn týp 4

hay còn gọi là Qúa mẫn chậm: Xuất hiện sau 12 giờ kể từ khi KN vào cơ thể lần 2.

1. Cơ chế bệnh sinh của quá mẫn týp 4

:

-

Giai đoạn mẫn cảm

: KN vào da, phổi → Lympho T mẫn cảm (hoạt hoá).

-

Giai đoạn quá mẫn

: KN vào lần hai → phản ứng với T mẫn cảm → tiết lymphokines (MIF, MAF, IFN…) → viêm đặc hiệu kiểu muộn, u hạt do thâm nhiễm tế bào đơn nhân, tổn thương tổ chức khu trú.

2. Ví dụ lâm sàng của quá mẫn týp 4

:

- Phản ứng Mantoux: đỏ da, sẩn cứng, phỏng, có thể loét.

- Phản ứng bong mảnh ghép.

- Viêm da do tiếp xúc.

- Hội chứng Lyell-Stevenson.

- Phản ứng tạo u hạt trong bệnh phong, lao.

- Viêm da do tiếp xúc (eczema): da đỏ, dày, ngứa, có mụn li ti, phỏng dễ vỡ.

Câu 97

: Nêu 1 số bệnh lý tiêu biểu đi kèm với suy giảm miễn dịch bẩm sinh, nêu đặc điểm đặc trưng về miễn dịch học của các bệnh lý đó.

1. Thiểu năng miễn dịch bẩm sinh dòng tế bào lympho T:

- Bệnh lý điển hình là hội chứng Di George:

Bệnh nhân bị bệnh có giảm sản tuyến ức làm cho:

+) Dòng lympho T không thể trưởng thành và biệt hóa được, do đó không có hoặc có rất ít lympho bào T ở máu ngoại vi, các hạch bạch huyết và lách. Chức năng của dòng T giảm rõ rệt, giảm đáp ứng phân triển khi bị kích thích bởi các chất gây phân bào. Trẻ bị bệnh không có phản ứng quá mẫn muộn và đáp ứng thải ghép.

+) Trái lại, số lượng lympho bào B với các globulin miễn dịch ở bề mặt máu ngoại vi tương đối cao về tỷ lệ, hàm lượng Ig huyết thanh bình thường, các tương bào và các trung tâm mầm trong các hạch bạch huyết ngoại vi bình thường. Các tế bào gốc, tiền thân của lympho bào T trong tủy xương cũng bình thường.

- Ngoài ra còn có:

+) Hội chứng Hong và Good: Bệnh nhân có thiểu năng miễn dịch tế bào, giảm số lượng lympho bào T, hàm lượng globulin miễn dịch bình thường. Bệnh nhân có thiểu sản tuyến ức và tuyến giáp trạng.

+) Các khuyết tật trong quá trình hoạt hóa và chức năng tế bào T

à

sự giảm sút chức năng miễn dịch của tế bào T và các triệu chứng lâm sàng rất nặng.

2. Thiểu năng miễn dịch bẩm sinh dòng tế bào lympho B:

- Bệnh lý điển hình: Hội chứng Bruton với các đặc điểm:

+)Bệnh nhân không có γ – globulin máu, hàm lượng globulin miễn dịch trong huyết thanh rất thấp hoặc không phát hiện được. Các tế bào B ở máu ngoại vi và các hạch bạch huyết giảm hoặc không có. Các hạch bạch huyết không có các tương bào và các trung tâm mầm. Đáp ứng tạo kháng thể khi được mẫn cảm rất yếu ớt. Nhưng số lượng các tế bào tiền B ở tủy xương bình thường, các tế bào này vẫn tổng hợp chuỗi μ bình thường.

+) Tuyến ức, số lượng và chức năng lympho bào T của máu ngoại vi bình thường, đứa trẻ vẫn có phản ứng da kiểu quá mẫn muộn, vẫn đáp ứng thải ghép dị gen.

+) Trẻ mắc bệnh thường bị nhiễm các vi khuẩn sinh mủ như phế cầu, liên cầu…, nhiễm virus và ký sinh trùng đường ruột.

- Ngoài ra còn có:

+) Các bệnh thiểu năng isotyp globulin miễn dịch chọn lọc (Thiểu năng IgA, IgM, IgG) đều không biệt hóa được lympho B.

+) Thiểu năng miễn dịch chung hay thay đổi: không có γ – globulin huyết xuất hiện muộn hay mắc phải.

3. Thiểu năng miễn dịch phối hợp nặng:

- Có sự phát triển ko bình thường của các tế bào gốc lympho T và B từ tủy xương.

- Tuyến ức và các cơ quan bạch huyết ngoại vi không có hoặc có rất ít tế bào lympho cả B và T.

- Giảm globulin huyết thanh.

- Giảm hoặc không có đáp ứng của tế bào lympho T với kháng nguyên.

- Bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn phổi, tiêu hóa, nhiễm khuẩn máu, nhiễm nấm và virus.

4. Thiểu năng miễn dịch bẩm sinh của thực bào và bổ thể:

- Bệnh u hạt mạn tính: Các vi khuẩn bị các thực bào nuốt vào nhưng vi khuẩn vẫn sống trong các thực bào ấy.

- Suy giảm khả năng bám dính của bạch cầu.

- Hội chứng Che’diak – Higashii: Nhiễm khuẩn từng đợt các vi khuẩn sinh mủ, bạch tạng từng vùng và thâm nhiễm lympho bào ở các cơ quan khác nhau. Các bạch cầu hạt trung tính, đơn nhân to và lympho bào của các bệnh nhân này có các hạt bào chất khổng lồ.

- Thiếu hụt bổ thể: có thể thiếu toàn bộ hoặc thiếu 1 hay nhiều thành phần cấu tạo của hệ thống bổ thể.

Câu 98

: Trình bày khái niệm về suy giảm miễn dịch mắc phải và nêu các nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch mắc phải.

1. Khái niệm:

Suy giảm miễn dịch mắc phải

rất phức tạp, là hậu quả của nhiều quá trình bệnh lý như suy dinh dưỡng, nhiễm khuẩn, u ác tính, các thuốc ức chế hoặc độc đối với các tế bào.

2. Nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch mắc phải:

a) Do HIV:

- Virus HIV là ARN virus có men sao chép ngược, kí sinh trong tế bào lympho T hỗ trợ, đại thực bào (nhưng tế bào có CD4 trên màng tế bào là thụ thể để HIV xâm nhập).

- Sau khi xâm nhập tế bào chủ, nó nhân lên rồi chui ra khỏi tế bào, phá hủy tế bào TCD4 đó. Do đó làm giảm sút số lượng và chức năng của CD4, tiến triển trong nhiều năm (8 đến 10 năm)

à

suy giảm miễn dịch, chuyến sang giai đoạn AIDS và chết.

b) Do suy dinh dưỡng:

- Do thiếu ăn cả về chất lượng và số lượng, do bệnh lý đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn, giảm khả năng tổng hợp, tăng tiêu thụ ở bệnh gan, sốt, u ác tính, bệnh mạn tính hoặc mất ra ngoài qua lỗ rò.

- Đặc điểm

: Thiếu các chất dinh dưỡng làm cho các cơ quan, mô, tế bào chịu trách nhiệm về miễn dịch bị suy giảm về số lượng, chất lượng.

+) Tuyến ức và các hạch bạch huyết bị suy thoái, teo nhỏ.

+) Giảm số lượng tế bào lympho ở máu ngoại vi và mô bạch huyết, giảm khả năng thực bào của các đại thực bào và bạch cầu hạt.

+) Tế bào lympho T giảm rõ rệt về số lượng và chất lượng, giảm khả năng tiết lymphokin.

+) Số lượng tế bào lympho B, hàm lượng các globulin miễn dịch ít thay đổi và không điển hình, nhưng lại giảm khả năng sản xuất kháng thể của các tế bào lympho B khi được mẫn cảm.

+) Giảm rõ rệt hàm lượng bổ thể: các thành phần của bổ thể (trừ C4) đều giảm, nhiều nhất là C3.

+) Đáp ứng với vaccin: các trẻ suy dinh dưỡng phản ứng rất khác nhau, có thể tốt hoặc có khi lại gây nguy hiểm.

c) Do nguyên nhân khác:

- Do nhiễm khuẩn (vi khuẩn, kí sinh trùng, virus).

- Do các bệnh ác tính (ung thư).

- Do thuốc ức chế miễn dịch (Thiopurin, Cyclophosphomid, corticoid…)

- Do 1 số bệnh khác: chấn thương, suy thận, suy gan, không có lách hay bị cắt lách do chấn thương, các bệnh máu như bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm.

Câu 99

: Phân tích đặc điểm đặc trưng của suy giảm miễn dịch do suy dinh dưỡng.

(Phang câu 98 vào

L

).

Câu 100

: Phân tích đặc điểm đặc trưng của suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV-AIDS.

- Do tính chất phức tạp về sinh học của HIV nên các biểu hiện lâm sàng của nhiễm khuẩn rất thay đổi. Sau khi nhiễm HIV, người bị nhiễm không thấy triệu chứng gì hoặc chỉ có 1 số triệu chứng: sốt, đau cơ, đau họng, nổi ban, kiểu nhiễm Influenza. Ở giai đoạn này virus sao chép mạnh, nhanh trong máu, dịch não.

- Giai đoạn tiếp theo, virus ở ngoài tế bào biến mất, chúng thâm nhập gây nhiễm âm ỉ các tế bào TCD4+, đại thực bào, các tế bào Microglial của hệ thần kinh trung ương. Các kháng thể của huyết thanh chống lại HIV xuất hiện từ tuần thứ 3 sau nhiễm virus.

- Thời gian ủ bệnh lâu, từ 2-10 năm hoặc lâu hơn.

- Số lượng và chức năng của TCD4 giảm mạnh là nét đặc trưng nhất của suy giảm miễn dịch tế bào.

- Các tế bào TCD4, đại thực bào, NK, lympho B chưa giảm trong nhiễm HIV nhưng giảm rõ rệt trong giai đoạn AIDS. Ở giai đoạn AIDS, người bệnh thường xuyên bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn cơ hội, u ác tính, 1 số bệnh của não.

- Tế bào TCD4 suy giảm do các cơ chế:

+) Virus nhân lên làm tăng khả năng thẩm thấu của màng tế bào TCD4, ứ đọng 1 lượng calci nguy hại dẫn đến ly giải tế bào nhiễm.

+) 1 lượng lớn ADN của virus tự do trong bào tương đã gây độc tế bào.

+) Các sản phẩm mới tổng hợp trong bào tương tác động làm tế bào chết.

+) HIV phong bế quá trình chín của các tế bào lympho TCD4 thông qua các cytokin

của các tế bào bị nhiễm tiết ra.

+) Glycoprotein 120 trên tế bào bị nhiễm gắn với phân tử CD4 của tế bào lympho TCD4 chưa bị nhiễm tạo thành hợp bào và các tế bào nhiều nhân khổng lồ.

Câu 101

: Trình bày giả thuyết về cơ chế phát sinh đáp ứng tự miễn dịch.

1. Phải có sự kích thích của tự KN:

- Nguyên nhân đầu tiên có thể nghĩ đến là sự xuất hiệ 1 tự KN mà từ thời kì bào thai KN đó không có mặt trong máu. Thí nghiệm tiêm tinh trùng bản thân con vật cho chính con vật đó đã gây được KT là 1 minh chứng.

- Bệnh tự miễn không xảy ra có thể do số lượng KN quá thấp, chưa đủ để kích thích hệ miễn dịch (qua sự trình diện nhờ MHC).

2. Một số kháng nguyên ngoại sinh có những epitop giống như KN nội sinh:

- Một số KN ngoại sinh có những epitop giống như KN nội sinh, do vậy KT của nó có khả năng phản úng chéo với KN nội sinh.

- Đã tìm thấy những tương đồng giữa KN của liên cầu khuẩn với KN cơ tim, do vậy có thể cắt nghĩa những tổn thương cơ tim theo cơ chế tự miễn dịch trong nhiều trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn ở trẻ em và người lớn.

3. Các tác nhân vật lý (lạnh, nóng, xạ…), hóa học (thuốc, hóa chất) và sinh học (virus, vi khuẩn…).

- Các tác nhân vật lý, hóa học, sinh học có thể làm KN cơ thể thay đổi tính chất, cấu hình, từ đó kích thích sinh KT chống lại các tế bào, mô, cơ quan mang KN đó.

- Cơ chế tự miễn do “bắt chước” KN: Các khả năng có thể gặp khi KN tiếp xúc với hệ miễn dịch.

+) Nếu là KN lạ có 2 epitop, chúng bị cả tế bào B và T nhận ra, hình thành đáp ứng chống lại.

+) Nếu là tự KN, nó không bị chống lại vì dòng tế bào T không chống lại (do bị loại, bị vô cảm, bị ức chế), chỉ còn tế bào B nhận ra. Do vậy không có sự chống lại bản thân.

+) KN nội sinh có thêm 1 epitop, chúng bị tế bào T nhận ra, từ đó xuất hiện phản ứng miễn dịch chống tự KN đó.

4. Sự biểu hiện sai lạc của MHC: cũng được xem là nguyên nhân và cơ chế của tự miễn:

Bình thường KN ngoại lai được đại thực bào và tế bào tua trình diện bằng MHC lớp II, còn KN bản thân được trình diện bằng MHC lớp I. Có nhiều tác nhân làm tăng sự biểu hiện của MHC lớp II và làm nó xuất hiện ở các tế bào khác ngoài đại bào

à

từ đó KN nội sinh bị hệ miễn dịch chống lại.

5. Sự biến dị thân (soma) của các tế bào miễn dịch:

Làm mất cân bằng sự điều hòa và kiểm soát.

Câu 102

: Giải thích cơ chế gây ra các tổn thương trong bệnh tự miễn dịch.

Chỉ khi tự kháng thể (hoặc tế bào T tự phản ứng) gây ra những rối loạn bệnh lý và khi loại trừ chúng thì mất hoặc giảm các rối loạn đó, người ta mới coi đó là bệnh lý tự miễn.

Cơ chế tổn thương tế bào, mô, hoặc cơ quan trong bệnh tự miễn về cơ bản cũng giống như cơ chế tổn thương trong quá mẫn. Tuy nhiên, người ta chưa gặp bệnh tự miễn do IgE. Có lẽ IgE chỉ chống kháng nguyên ngoại lai. Kháng thể trong tự miễn đa số trường hợp là IgM.

1. Cơ chế thứ nhất:

Cơ chế đầu tiên là tự KT trực tiếp tấn công các tế bào mang tự KN đặc hiệu, cùng với bổ thể làm tan các tế bào đó, như trong bệnh tự miễn tan hủy hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.

2. Cơ chế thứ hai:

Cơ chế thứ 2 là sự lắng đọng các phức hợp miễn dịch tại các mô. Khi phức hợp (tự KN – tự KT) lắng đọng sẽ hoạt hóa 1 số hệ thống hiệu ứng của huyết tương (đặc biệt là hệ thống bổ thể) làm tổn thương các mô (viêm mạn).

3. Cơ chế do tế bào T:

Tế bào T chống lại các tự KN cũng gặp ở nhiều bệnh tự miễn, chúng hoạt động riêng rẽ hoặc kết hợp với KT. Có thể kể ra 1 số ví dụ sau:

- Viêm teo dạ dày (đưa đến thiếu máu do thiếu vitamin B­12).

- Viêm gan mạn tự miễn.

- Viêm tuyến giáp Hashimoto.

- Viêm não tự miễn thực nghiệm, vô tinh trùng thực nghiệm…

4. Cơ chế khuếch đại:

Sự khuếch đại các tổn thương trong bệnh tự miễn cũng tương tự như trong quá mẫn. Tổn thương nguyên phát do kháng thể, phức hợp miễn dịch hay tế bào T tự phản ứng có thể được mở rộng bằng vai trò bổ thể, các enzym hủy hoại của bạch cầu đa nhân, các lymphokin. Người ta thấy IL-1, IL-6 và TNF-α có tác dụng gây tổn thương rất mạnh trong viêm đa khớp dạng thấp.

Câu 103

: Trình bày cấu trúc và chức năng của phân tử TCR trong đáp ứng miễn dịch tế bào.

- Cấu trúc: TCR có cấu trúc tương tự như kháng thể, nghĩa là cũng gồm 2 chuỗi protein α và β, mang các gốc glucid, nối liên chuỗi và nội chuỗi bằng các cầu S-S. Đặc biệt cũng có vùng hằng định (C) và vùng biến đổi (V). Chính vùng biến đổi này quy định một dòng Th hoặc Tc chỉ nhận ra 1 KN đặc hiệu. Suy ra, cơ thể phải có vô số TCR trên Th hay Tc ứng với vô số kháng nguyên khác nhau.

Có sự sắp xếp lại gen khi tổng hợp vùng V. Vì vậy, TCR được xếp vào đại gia đình Ig và cùng có tính đa dạng như Ig.

- Chức năng: Phân tử CD4 hay CD8 là thụ thể giúp Th và Tc tiếp cận đúng tế bào trình KN bằng MHC II, hay MHC I. Còn việc trực tiếp nhận biết KN lại là do TCR.

Câu 106

: Trình bày chức năng và vai trò bảo vệ cơ thể của miễn dịch tế bào.

1. Chức năng:

- Trình diện và nhận diện KN.

- Hoạt hóa các tế bào lympho đã nhận diện KN.

- Phát triển dòng lympho (tăng sinh, biệt hóa).

- Tạo ra dòng tế bào có chức năng thực hiện.

- Lympho T phản ứng với KN đặc hiệu: gây độc trực tiếp tế bào nhiễm các lymphokin.

- Hình thành tiểu quần thể có trí nhớ miễn dịch.

2. Vai trò bảo vệ cơ thể:

- Chống nhiễm khuẩn nội bào: chống vi khuẩn lao, phong, Brucella…bằng cách phối hợp TDTH với đại thực bào thông qua tiết lymphokin gây hoạt hóa đại thực bào để tiêu diệt vi khuẩn.

- Chống nhiễm virus, nấm, nhờ vai trò của Tc gây độc tế bào đích.

- Chống tế bào ung thư nhờ Tc.

- Loại bỏ mô ghép nhờ Tc, TDTH.

- Ngoài ra nhờ có Ts mà có thể không mắc nhiều bệnh quá mẫn và tự miễn.

Như vậy, miễn dịch tế bào có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình đáp ứng miễn dịch của cơ thể, có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ cơ thể. Một mặt, các lympho T điều hòa, chi phối lẫn nhau trong quá trình đáp ứng miễn dịch. Mặt khác, nó còn chi phối tất cả các tế bào diệt trừ KN, bao gồm cả tế bào lympho B. Như vậy miễn dịch tế bào chi phối cả miễn dịch dịch thể. Do vậy, suy giảm miễn dịch tế bào sẽ dẫn đến hậu quả suy giảm miễn dịch toàn bộ.

Câu 107

: Nêu và phân tích vai trò điều hòa đáp ứng miễn dịch của kháng nguyên và kháng thể.

1. Vai trò điều hòa đáp ứng miễn dịch của kháng nguyên:

KN lạ là tín hiệu đầu tiên gây hoạt hóa tế bào lympho. Bản chất kháng nguyên có ảnh hưởng đến loại đáp ứng miễn dịch và cường độ của đáp ứng đó.

a)Cấu trúc kháng nguyên:

Sự khác nhau về cấu trúc hóa học gây các đáp ứng khác nhau:

- Kháng nguyên polysaccarid và lipid: không gây được đáp ứng miễn dịch tế bào. Kháng thể chống các kháng nguyên này chủ yếu là IgM có ái tính thấp. Vi khuẩn có vỏ bọc thường có kháng nguyên polysaccarid và chỉ gây được đáp ứng ngắn hạn.

- Các kháng nguyên protein: gây cả đáp ứng dịch thể và tế bào, gặp trong nhiễm 1 số vi khuẩn và đa số virus. Có cả miễn dịch nhớ kéo dài. Do đó 1 số cá thể được tiêm vaccine chủ động chống nhiều virus vẫn còn đề kháng trong nhiều năm và có thể là cả đời.

b) Liều lượng và đường vào kháng nguyên:

- Liều lượng kháng nguyên tiếp xúc có ảnh hưởng đến cường độ dáp ứng với kháng nguyên đó. Các liều rất lớn hay khi tiêm nhắc lại các liều kháng nguyên nhỏ thường gây ức chế. Các lượng lớn kháng nguyên polysaccarid (hay protein có các nhóm quyết định giống nhau) có xu hướng gây dung nạp các tế bào B đặc hiệu, ức chế sản xuất kháng thể. Đó là lý do tại sao bệnh nhân bị 1 số nhiễm khuẩn nặng (có lượng KN lớn) đôi khi không đáp ứng miễn dịch.

- Đường vào:

+) Đường vào dưới da thường là sinh miễn dịch.

+) Đường tiêm hay đường uống thường không đáp ứng là do cảm ứng sự dung nạp của tế bào T hay B, hay do kích thích các Ts đặc hiệu. Cũng có thể ở vị trí vào của KN thiếu các tế bào T chín đặc hiệu, hay thiếu các phân tử MHC tương ứng để epitop lạ kết hợp (trình diện).

c) Nồng độ kháng nguyên trong máu:

Cường độ sản xuất kháng thể giảm khi nồng độ kháng nguyên giảm. Khi mẫn cảm, các tế bào đặc hiệu kháng nguyên phát triển, các tế bào miễn dịch hay các kháng thể sẽ loại bỏ kháng nguyên và sau đó đáp ứng giảm dần và tắt đi khi kháng nguyên bị loại bỏ hoàn toàn để sẵn sàng phản ứng với các nhiễm khuẩn mới. Nếu mất cơ chế này, cơ thể sẽ tràn ngập các clon tế bào miễn dịch đặc hiệu hay sản phẩm của chúng (kháng thể hay cytokin). Hiện tượng này có thể thấy trong bệnh đa u tủy xương, trong đó cơ thể mất khả năng kiểm soát sự tăng sinh lympho.

2. Vai trò điều hòa đáp ứng miễn dịch của kháng thể

:

a) Vai trò điều hòa âm tính ngược của kháng thể:

Kháng thể một khi được sản xuất lại có khả năng ức chế các đáp ứng sinh kháng thể tiếp theo với cùng kháng nguyên đó.

b) Cơ chế điều hòa âm tính ngược:

- KT tiêm vào đã kết hợp và loại trừ KN, qua đó loại trừ được kích thích khởi động cho đáp ứng miễn dịch.

- KT tiêm vào phong bế các epitop KN, không cho chúng tiếp cận với sIg trên tế bào B để gây hoạt hóa nó.

- KT tiêm vào đã kết hợp với KN tạo ra phức hợp miễn dịch có nhiều Fc và epitop tự do. Hai nhóm này khi đồng thời gắn vào thụ thể Fc (FcR) và Fab của sIgM ở bề mặt tế bào B sẽ ức chế sinh KT mới. Người ta cho rằng, sự ức chế ngược của KT chủ yếu qua vai trò phong bế FcR trên bề mặt tế bào B. Ngoài ra phức hợp miễn dịch còn có thể điều hòa (ức chế) đáp ứng của tế bào T.

- Sự cảm ứng mạng lưới idiotyp – antidiotyp đề điều hòa đáp ứng miễn dịch dịch thể và tế bào:

Mỗi phân tử KT có 1 đoạn cực kì thay đổi về thứ tự acid amin để KT có thể kết hợp đặc hiệu với KN đã sinh ra nó. Phần cực kì thay đổi đó gọi là idiotyp.

Một KN ngoại lai khi vào cơ thể sẽ sinh KT. Tới 1 giai đoạn, cơ thể sẽ nhận ra idiotyp của KT (do chính cơ thể sinh ra) là “lạ” và sẽ sinh ra loạt KT thứ 2 chống idiotyp của KT đầu tiên. Rồi idiotyp của KT thứ 2 lại bị chống do cơ thể sản xuất loạt KT thứ 3. Tuy nhiên, đáp ứng càng về sau càng giảm và sẽ tới lúc tắt hẳn.

à

Đó là 1 cách điều hòa miễn dịch để quá trình sinh 1 KT không thể mạnh quá mức.

Câu 108

: Nêu khái niệm về trị liệu miễn dịch, các phương thức chính của trị liệu miễn dịch và mục đích của các phương thức đó.

1. Khái niệm:

Trị liệu miễn dịch

là các biện pháp can thiệp của y tế học dựa trên hiểu biết của miễn dịch học áp dụng vào thực tiễn phòng và chữa bệnh cho người, vật nuôi.

2. Các phương thức chính của trị liệu miễn dịch:

a) Miễn dịch chủ động:

Đưa KN không gây bệnh vào cơ thể từ trước, gây ra trong cơ thể sống 1 đáp ứng chủ động của hệ thống miễn dịch nhằm chủ động ngăn chặn, tiêu diệt VSV gây bệnh xâm nhập sau đó.

b) Miễn dịch thụ động:

Đưa và cơ thể người mắc bệnh nhiễm trùng nặng (hoặc suy giảm miễn dịch) mà chưa có miễn dịch chống lại 1 bệnh nào đó một loại chế phảm huyết thanh từ người hay động vật chứa KT đặc hiệu đa giá, đơn giá có hiệu quả bảo vệ tức khắc khi cần chữa khỏi hoặc mang lại sự thuyên giảm 1 bệnh đang phát triển. Cũng có thể dùng miễn dịch thụ động để phòng 1 bệnh đang chuyển thành dịch.

c) Kích thích, điều hòa miễn dịch:

Bổ sung các yếu tố sinh học, tự nhiên, nhân tạo tham gia trong chuỗi điều hòa đáp ứng miễn dịch (chất điều biến miễn dịch) để làm tăng hoặc giảm đáp ứng đồng thời tăng cường các hoạt động chung của hệ miễn dịch.

VD: BCG, chất cảm ứng INF, cytokin.

d) Ức chế miễn dịch:

Kìm hãm sự hình thành điều hòa miễn dịch của cơ thể bằng cách hạn chế tác dụng của yếu tố tham gia đáp ứng miễn dịch.

VD: Corticoid ức chế trực tiếp các tế bào lympho, ngăn cản thoái hóa interleukin 2, là chất tăng cường hoạt động của NK và lympho Tc, giảm bạch cầu ái toan, tăng bạch cầu trung tính, giảm các tế bào kiềm và bổ thể trong máu.

Câu 109

: Miễn dịch chủ động bằng vaccin và miễn dịch thụ động: các loại, phạm vi ứng dụng.

1. Miễn dịch chủ động bằng vaccin:

- Các loại:

+) Vaccin chết.

+) Vaccin sống giảm độc lực.

+) Vaccin dưới đơn vị.

+) Vaccin tái tổ hợp ADN.

- Phạm vi ứng dụng: Áp dụng cho mọi đối tượng có nguy cơ mắc 1 bệnh nào đó mà chưa có đáp ứng miễn dịch chống lại bệnh đó.

2. Miễn dịch thụ động:

- Các loại:

+) Huyết thanh khác loài. VD: kháng huyết thanh chống độc rắn.

+) Huyết thanh cùng loài: đơn giá hoặc đa giá. Ví dụ: γ-globulin miễn dịch.

+) Kháng thể đơn dòng.

- Phạm vi ứng dụng:

+) Suy giảm miễn dịch bẩm sinh.

+) Nhiễm khuẩn nặng: bạch cầu, uốn ván.

+) Nhiễm virus: viêm gan, viêm não, cúm.

+) Ung thư.

+) Bệnh tự miễn dịch.

Câu 110

: Nêu các phương thức trị liệu bằng chất kích thích miễn dịch: nguồn gốc, bản chất, tác dụng, phạm vi ứng dụng.

1. Nguồn gốc:

- Từ vi khuẩn. VD: Biostin từ Klebsiella, BCG, nội độc tố của vi khuẩn như LPS.

- Từ tuyến ức. VD: hormon tuyến ức, thymopentin.

- Chất tái tổ hợp do công nghệ gen. VD: các chất cảm ứng interferon, cytokin tái tổ hợp.

Ngoài ra, các chất kích thích miễn dịch còn có thể được chiết xuất từ nấm, thảo mộc, nguồn gốc nội sinh.

2. Bản chất

: Peptid, Protein, Polysaccarid.

3. Tác dụng:

- Tăng sức đề kháng miễn dịch không điều hòa.

-Tăng hiệu quả bảo vệ của vaccin.

- Kháng thể chống miễn dịch: tăng tương tác giữa lympho và đại thực bào, kháng thể sản xuất IL-1, TNF; tăng tổng hợp interferon, hoạt năng của NK; tăng tổng hợp kháng thể; tăng chức năng của đại thực bào.

4. Phạm vi ứng dụng:

- Bệnh nhiễm trùng mạn tính dai dẳng.

- Bệnh tự miễn dịch, bệnh có suy giảm miễn dịch (như nhiễm virus, suy dinh dưỡng…).

- Ung thư.

Câu 111

: Nêu các biện pháp ức chế miễn dịch: nguồn gốc, bản chất, tác dụng, phạm vi ứng dụng.

1. Nguồn gốc:

Phong phú, được tổng hợp trong hay ngoài cơ thể.

VD:

- Tuyến vỏ thượng thận

à

cortisol.

- Thuốc ức chế miễn dịch: aziathioprine, methotrexate.

2. Bản chất:

Là các chất hóa học, sinh học, tia xạ, chiết xuất từ thực vật.

3. Tác dụng:

- Giảm chức năng của đại thực bào, giảm sản xuất IL-1, TNF.

- Ức chế các lympho, ngăn cản tổng hợp interleukin-2 chất làm tăng hoạt động của NK và lympho Tc.

- Giảm bạch cầu ái toan, giảm bổ thể.

- Ức chế phân bào.

4. Phạm vi ứng dụng:

- Chống viêm. VD: Thuốc Steroid.

- Bệnh tự miễn.

- Ghép tạng.

- Ung thư.

Câu 112

: Khái niệm về ghép. Phân loại ghép và các phản ứng thải ghép.

1. Khái niệm:

Ghép mô và cơ quan là 1 can thiệp sinh học, nhân tạo, điều trị tạm thời hoặc lâu dài cho các trường hợp bệnh nhân bị mất chức năng của mô, cơ quan nào đó.

2. Phân loại ghép:

Gồm 4 loại:

- Ghép cùng gen: mảnh ghép được trao đổi giữa 2 cá thể giống nhau hoàn toàn về di truyền.

VD: 2 anh em sinh đôi cùng trứng hoặc các cơ thể động vật cùng dòng thuần khiết.

- Ghép khác gen cùng loài: mô ghép được trao đổi, giữa 2 cá thể cùng loài nhưng khác nhau về di truyền.

- Ghép khác loài: mô ghép trao đổi giữa 2 cá thể thuộc 2 loài khác nhau.

- Ghép tự thân: mô ghép từ vị trí này ghép lên vị trí khác trong cùng 1 cơ thể.

VD: lấy da nơi lành ghép vào nơi bỏng.

3. Phân loại phản ứng thải ghép:

Có 3 loại phản ứng thải ghép tính theo thời gian từ lúc ghép đến lúc có biểu hiện thải bỏ:

- Phản ứng tối cấp: xuất hiện sau vài phút đến vài ngày sau ghép do cơ thể có sẵn KT chống lại KN của cơ thể cho.

VD: ghép tim, thận của người nhóm máu AB cho người nhóm máu O.

Trong phản ứng tối cấp, các tế bào nội mạc mạch máu ở mô ghép bị các KT và bổ thể phá hủy gây tổn thương sớm, nghiêm trọng, lan rộng (tắc mạch lan rộng trong ghép).

- Phản ứng cấp: xuất hiện cuối tuần thứ nhất sau ghép, không kéo dài đến vài tuần ngay cả ở bệnh nhân đã được dùng thuốc ức chế miễn dịch mạnh, tổn thương chủ yếu là tế bào nội mạc mạch máu do cả 2 có cơ chế thể dịch và tế bào.

VD: Đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào gây tổn thương thận ghép biểu hiện bằng phản ứng sốt, đái ít, suy thận, cơ thể suy yếu.

- Phản ứng mạn tính: xuất hiện sau nhiều tháng, thường kết hơp với sự giảm dần chức năng của mô ghép.

VD: ghép thận biểu hiện chính của phản ứng mạn tính là protein niệu, cao huyết áp, xét nghiệm mô học thấy nội mạc mạch máu tăng sinh, hẹp các động mạch nhỏ.

Câu 113

: Nêu bằng chứng về vai trò của đáp ứng miễn dịch trong thải bỏ mô ghép.

- Tiến hành ghép da trên chuột bình thường thấy bong mảnh ghép ra sớm hơn ở những lần ghép sau

à

Cho thấy đáp ứng của cơ thể ngày càng mạnh hơn.

- Tính điều hòa của mô ghép quyết định hiện tượng bong mảnh ghép sớm.

- Truyền thụ động khả năng bong mảnh ghép ra sớm bằng cách truyền huyết thanh (hoặc lympho) của cơ thể đã được ghép nhiều lần cho cơ thể mới cùng dòng thuần chủng thì vẫn xảy ra hiện tượng thải bỏ mô ghép.

- Việc thải bỏ mô ghép do tế bào lympho thực hiện nên hiện tương bong mảnh ghép có cơ chế miễn dịch đặc hiệu.

- KN có trong mảnh ghép quyết định thời gian thải bỏ mô ghép được gọi là KN ghép.

- Ở người, hệ thống KN đó là HLA (khả năng hòa hợp tổ chức) thuộc KN hòa hợp mô MHC. Các KN trong hẹ thống HLA chia thành 2 lớp I và II:

+) Lớp I: có mặt trên hầu hết các tế bào có nhân, hoạt động như 1 đơn vị nhận dạng, quyết định tính đặc hiệu trong việc tấn công bởi các Tc gây độc tế bào nhiễm virus, tế bào ung thư, tế bào alen khác loài…

+) Lớp II: chỉ có ở các tế bào miễn dịch: lympho B, tế bào tuyến ức, tế bào nội mạc và lympho T hoạt hóa

à

khởi động quá trình mô ghép chống túc chủ, kích thích tăng sinh các lympho T khác gen cùng loài.

Câu 114

: Trình bày cơ chế miễn dịch trong thải bỏ mô ghép.

- Phản ứng thải bỏ mô ghép gây ra bởi hệ miễn dịch của cơ thể nhận. Có thể xảy ra sớm hoặc muộn và tùy thuộc vào:

+) Mức độ không phù hợp kháng nguyên HLA giữa cơ thể cho và cơ thể nhận.

+) Việc cơ thể nhận có mẫn cảm trước với các kháng nguyên phù hợp tổ chức của cơ thể hay không.

+) Mức độ ức chế đáp ứng miễn dịch của cơ thể nhận (do sử dụng các biện pháp ức chế miễn dịch).

- Tổn thương của mô ghép chủ yếu là tổn thương mạch máu, trong đó vai trò chính là tế bào nội mạc vì chúng vừa là tế bào miễn dịch, vừa là tế bào đích trong cơ chế thải ghép.

- Với chức năng là tế bào miễn dịch, tế bào nội mạc mô ghép tập trung tế bào miễn dịch của người nhận đi vào mảnh ghép và trình diện KN cho chúng nhận diện:

+) Trên tế bào nội mạc có các protein dính đặc hiệu, trước hết là nhóm selectin có khả năng bám dính các bạch cầu làm cho chúng di chuyển chậm lại, làm tăng thời gian tiếp xúc giữa bạch cầu người nhận và tế bào nội mạc cơ quan ghép. Tiếp theo là các protein dính thuộc gia đình Ig, chúng làm tăng cường sự bám dính bền vững giữa bạch cầu và tế bào nội mạc. Kết quả là tế bào miễn dịch của vật chủ dính vào tế bào nội mạc của mô ghép 1 cách bền vững.

+) Mặt khác tác dụng của các cytokin như IL-8, IL-1, IL-2, TNF làm dãn mạch, tăng tính thấm giúp các tế bào miễn dịch dễ di chuyển qua thành mạch vào lớp dưới nội mô.

+) Cũng như tế bào ĐTB và tế bào tua, tế bào nội mạc của mảnh ghép có khả năng giới thiệu KN cho tế bào lympho T của người nhận, vì chúng có MHC-II, có protein dính và có thể tiết các IL-6, IL-1 làm tăng sinh lympho T.

- Kết quả của sự tập trung tế bào miễn dịch và sự giới thiệu KN của tế bào nội mạc đã gây nên đáp ứng miễn dịch của cơ thể nhận mà hậu quả là các kháng thể và tế bào Tc mẫn cảm với KN mô ghép, đã đến tác động vào tế bào nội mạc như là tế bào đích gây ra sự tổn thương mạch máu trong quá trình thải ghép tối cấp, cấp và mạn.

Câu 115

: Nêu 1 số biện pháp nhằm hạn chế, ngăn cản thải bổ mô ghép.

1.Đọ kháng nguyên:

- Mục đích: tìm mô ghép phù hợp tối đa với vật chủ.

- Là 1 biện pháp quan trọng để tăng thời gian sống dư của cơ quan ghép. Cụ thể phải đọ KN nhóm ABO và HLA.

+) Tìm kiếm sự phù hợp nhóm máu ABO giữa người cho và người nhận là bước cơ bản để ngăn cản phản ứng thải bỏ mô ghép tối cấp. Đặc biệt là tránh ghép mô hoặc cơ quan lấy từ cơ thể có KN nhóm máu sang cơ thể nhận không có KN đó, vì người nhận có thể có sẵn KT gây ngưng kết chống lại các KN đó.

+) Về HLA, sự phù hợp các KN HLA-B có ý nghĩa quan trọng cho việc ghép thành công.

2. Định typ mô:

- Sử dụng huyết thanh của những người đã được truyền máu nhiều lần hoặc phụ nữ có thai nhiều lần để nhận dạng các KN ghép ở người vì trong huyết thanh này giàu KT chống các KN ghép khác nhau. Hiện nay, người ta đã sản xuất được KT đơn clon, được tiêu chuẩn hóa và dùng để định typ mô.

3. Phát hiện tình trạng mẫn cảm:

- Phát hiện KT chống KN ghép có sẵn trong cơ thể người nhận bằng cách lấy huyết thanh của người nhận cho phản ứng với lympho bào của 1 panel bạch cầu có đầy đủ KN phù hợp mô.

- Cần phải xác định hiệu giá KT và xác định KN đặc hiệu với KT. Đồng thời, cần phải đọ chéo bằng cách lấy huyết thanh của cơ thể nhận cho phản ứng với lympho bào của cơ thể cho dự tuyển.

4. Truyền máu toàn bộ

: truyền máu trước khi ghép cải thiện được tình trạng sống của mô ghép.

5. Dùng thuốc ức chế miễn dịch

: azathioprin, methotrexat, cyclosporin A…

6. Phản ứng mô ghép chống vật chủ:

- Khi cơ thể nhận bị suy giảm miễn dịch, các tế bào miễn dịch có mặt trong mô ghép sẽ mẫn cảm với các KN phù hợp tổ chức lớp II của cơ thể nhận, sinh ra đáp ứng miễn dịch chống lại cơ thể nhận.

VD: Phản ứng này sẽ xảy ra khi ghép tủy xương lấy từ cơ thể cho bình thường, vào cơ thể nhận mà chức năng miễn dịch đã bị tổn thương do thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc do tai nạn phóng xạ, hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch. Mặc dù thừ nghiệm tiến hành trước ghép không phát hiện được sự không phù hợp tổ chức giữa cơ thể cho và cơ thể nhận.

- Việc đánh giá mức độ của bệnh do phản ứng ghép chống túc chủ có tầm quan trọng cho việc tiên lượng và chọn lọc phương pháp điều trị thích hợp.

Câu 116

: Trình bày bằng chứng về có đáp ứng miễn dịch chống ung thư.

A. Trên thực nghiệm:

1. Thí nghiệm ghép u ở chuột:

- Người ta tiến hành mẫn cảm chuột bằng ghép những mảnh sarcoma nhỏ, lấy từ chuột bị sarcoma cho 1 con chuột khác trong dòng thuần chủng. Sau khi khối u phát triển 1 thời gian, người ta thắt dần khối u làm cho máu không đến khối u, khối u sẽ teo và chết (thắt hoặc bằng cách cắt bỏ khối u). Sau 1 thời gian con chuột này được ghép lại mảnh sarcoma cùng loại thì mảnh ghép bị loại bỏ. Nhưng nếu ghép mảnh ghép loại khác thì nó không có hiện tượng thải ghép.

à

Như vậy chuột đã có miễn dịch (mẫn cảm) với tế bào u loại nào thì không mắc u loại đó nữa.

- Tiêm cho chuột các tế bào ung thư đã bất hoạt bới hóa chất (mitocycin C hoặc tia xạ) sau đó tiêm tế bào ung thư sống cùng loại (lấy từ khối u thắt hoặc cắt không bất hoạt) thì ung thư không phát triển được.

Nếu tiêm các tế bào ung thư đó cho chuột không được gây miễn dịch thì ung thư phát triển.

à

Thí nghiệm trên chứng tỏ cơ thể vật chủ có đáp ứng miễn dịch đặc hiệu chống KN ung thư.

2. Ung thư do hóa chất:

Gây miễn dịch cho nhóm chuột với tế bào ung thư đã được làm bất hoạt (ung thư gây bằng chất MC1­). Sau đó:

- Nhóm A

, được ghép lại tế bào ung thư cùng loại (MC1), dù chưa làm bất hoạt thì ung thư cũng không phát triển được.

- Nhóm B được ghép lại bằng ung thư cùng loại khác do MC2 và ghép lại bằng ung thư do virus (pyloma) thì thấy chúng đều phát triển thành ung thư.

à

Chứng tỏ mỗi ung thư gây bởi hóa chất có kháng nguyên đặc biệt riêng. Hai KN gây ra bởi 1 hóa chất MC1, MC2 nhưng ở 2 cơ thể khác nhau hoặc 2 cơ quan khác nhau, thậm chí 2 phần khác nhau của cùng 1 cơ quan đều có KN riêng cho từng khối u, không có phản ứng chéo với nhau và với ung thư do virus.

3. Ung thư do virus:

- Các ung thư do 1 virus hoặc 1 hệ virus từ các mô khác nhau có KN chung.

- Thí nghiệm:

3 nhóm chuột được gây miễn dịch với ung thư do SV40(1) đã bất hoạt. Sau đó:

+) Nhóm 1: được ghép lại với ung thư do SV40(1) không bất hoạt

à

Ung thư không p/triển.

+) Nhóm 2: được ghép lại với ung thư do SV40(2) không bất hoạt

à

Ung thư không p/triển.

+) Nhóm 3: được ghép lại với ung thư do MuLV

à

Ung thư phát triển.

Như vậy mẫn cảm bởi ung thư do SV40(1) chỉ có khả năng đáp ứng miễn dịch với KN do 1 hệ virus SV40(1) và SV40(2), không có khả năng đáp ứng với KN ung thư do hệ virus khác (MuLV).

Chu

ột được gây miễn dịch với virus SV40(1), vẫn có khả năng chống lại tác dụng gây ung thư của SV40(2), nhưng bị ung thư do virus MuLV.

B. Ở người:

- Có nhiều điểm liên quan giữa miễn dịch và ung thư ở người.

VD: 1 số trường hợp tự thoái lui (chorio epithelioma, melanoma và neuroloma). Những trường hợp cơ thể không có globulin thì thường lymphoma phát triển; hoặc lympho sarcoma thường xuất hiện trong thiếu máu dung huyết tự miễn.

- Chưa gây được ung thư thực nghiệm ở người bằng virus nhưng thấy có mối liên quan giữa nhóm virus Herpes với 1 số ung thư ở người.

- Nhờ có KT đơn clon, có thể phát hiện được 1 số KN ung thư ở người bthg: KN ung thư phôi thai AEP có trong ung thư gan, CEA trong ung thư đại tràng...

-  Xác định KN bằng thử nghiệm nuôi cấy tế bào hỗn hợp trong điều kiện dị gen, đồng gen.

Câu 117

: Phân loại, kể tên và nêu bản chất của các kháng nguyên ung thư. Nêu ý nghĩa ứng dụng của chúng.

Định nghĩa

: KN ung thư là các protein không có hoặc có rất ít trong các tế bào bình thường, chỉ xuất hiện khi virus hoặc hóa chất gây đột biến gen làm mất khả năng điều hòa tổng hợp protein và phân triển tế bào.

Các KN ung thư này là đích của tế bào hiệu ứng miễn dịch (như tế bào NK) và các đáp ứng miễn dịch đặc hiệu.

Các KN ung thư bao gồm:

1. KN ghép đặc hiệu ung thư (TSTAS):

- Bản chất: Các KN này là sản phẩm của các tế bào bị hoại tử do hóa chất gây đột biến hình thành các KN khác nhau. TSTAS được phát hiện bằng cách ghép các mảnh ung thư, gồm các protein của các tế bào ung thư đã xử lý và trình diện trong phân tử MHC. Phức TSTAS – MHC là đích để thụ thể của tế bào lympho T và kháng thể tiếp cận. Đặc điểm của TSTAS của các ung thư do hóa chất hoặc tia xạ là tính đặc hiệu của KN phụ thuộc vào mô mà ung thư phát triển, chứ không phụ thuộc vào loại hóa chất gây ung thư.

- Ý nghĩa ứng dụng:

2. KN đặc hiệu mô (TSAS):

- Bản chất: TSAS có trên bề mặt các tế bào bình thường và có đặc tính riêng cho từng loại tổ chức. Ung thư xuất hiện từ mô nào thường biểu hiện KN đặc hiệu ở mô đó.

- Ý nghĩa ứng dụng: TSAS là 1 phần tế bào bình thường, chúng không kích thích các đáp ứng miễn dịch chống ung thư. Song chúng được sử dụng như cái đích cho miễn dịch điều trị và làm “dấu ấn” tìm nguồn gốc xuất phát mô ung thư.

3. KN ung thư phôi thai:

- Được sản xuất ra 1 cách bình thường do các tế bào phôi thai, mà khi ra đời chúng không được sản xuất hoặc chỉ còn sản xuất rất ít nên khó phát hiện. Những KN này tái xuất hiện do mất khả năng kiềm chế các gen chịu trách sản xuất KN phôi thai ở các tế bào ác tính của cơ thể trưởng thành.

- Ý nghĩa ứng dụng: Đến nay vẫn chưa rõ.

Câu 118

: Nêu các loại đáp ứng miễn dịch chống ung thư: bản chất, vai trò.

A. Đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu:

a) Bản chất

:

Là quá trình ly giải tế bào ung thư 1 cách tự nhiên mà không cần mẫn cảm trước nhờ các tế bào miễn dịch không đặc hiệu (đại thực bào, tiểu thực bào và tế bào NK). Đáp ứng miễn dịch loại này không cần có kháng thể và kháng nguyên đặc hiệu.

b) Vai trò:

- Tế bào NK: Có khả năng loại bỏ các tế bào ung thư ghép, loại bỏ ghép tủy và ngăn cản di căn. Khi số lượng tế bào NK giảm trong máu ngoại vi thì đồng thời tiến triển bệnh tăng lên. Các hiệu quả chống ung thư của tế bào NK là đáp ứng miễn dịch tự nhiên (không đặc hiệu) và chúng được sử dụng trong miễn dịch trị liệu ung thư vay mượn.

- Đại thực bào: Có vai trò rất lớn trong việc hoạt hóa và ly giải mạnh các tế bào bình thường và các tế bào ung thư.

- Bạch cầu ái toan: Thực bào, tiêu diệt các tế bào ung thư theo cơ chế có tác dụng của bổ thể và phụ thuộc kháng thể.

B. Đáp ứng miễn dịch đặc hiệu:

1. Đáp ứng miễn dịch dịch thể

: có vai trò không rõ ràng trong chống ung thư.

2. Đáp ứng miễn dịch tế bào

:

a) Bản chất

:

Là loại miễn dịch chống kháng nguyên ghép phụ thuộc tế bào lympho T và các kháng nguyên glycoprotein bề mặt của các tế bào khác.

b) Vai trò:

- Các phân tử MHC:

+) Hiện diện trên bề mặt tế bào ung thư, là mục tiêu để tế bào lympho T nhận biết KN và diệt các tế bào ung thư. Tế bào lympho T chỉ nhận biết KN trong phân tử MHC.

+) Một số tế bào ung thư có thể kích thích đáp ứng miễn dịch đủ để biểu lộ MHC, trong khi đó 1 số tế bào ung thư khác lại không gây được miễn dịch để có thể biểu lộ được MHC.

- Tế bào Tc:

+) Tc có vai trò kiểm soát miễn dịch trên các tế bào bị ung thư do virus (ở dòng chuột nhắt và chuột cống). Tc ở máu ngoại vi người bị carcinoma và melanoma có khả năng ly giải các tế bào ung thư đó.

+) Tc có khả năng đáp ứng lần 2 vì sau lần 1 được mẫn cảm bởi kháng nguyên ung thư sẽ hình thành Tc nhớ. Vì vậy khi gặp lại ở các lần sau, kháng nguyên ung thư tương ứng sẽ giúp cho khả năng gây độc của Tc tăng và nhanh hơn lần đầu.

+) Tc nhận biết KN trên bề mặt tế bào ung thư cũng như KN của tế bào nhiễm virus đều nhờ MHC. Tc và tế bào ung thư phải có cùng MHC.

Câu 119

: Nêu các chứng cứ về vai trò điều hòa miễn dịch của hệ thống thần kinh – nội tiết.

1. Tác động của hormon và thần kinh trên tế bào miễn dịch:

- Các tế bào miễn dịch có receptor với nhiều hormon như: corticosteroid, insulin, GH, acetylcholin, testosteron…Các enzym có tác dụng ức chế đáp ứng miễn dịch (glucocorticoid, androgen, progesterone, oestrogen)hoặc có tác dụng kích thích đáp ứng miễn dịch (GH, thyroxin, insulin). Khi con vật bị cắt thượng thận hay bị stress đều có liên quan đến sự biến đổi các tế bào tiết kháng thể. Các bệnh tự miễn có nhiều khác biệt trong các giới khác nhau.

- Các cơ quan miễn dịch có các thần kinh tự động và cảm giác. Khi cắt thần kinh giao cảm của trẻ sơ sinh hoặc cắt bỏ thần kinh lách của trẻ, đứa trẻ sẽ tăng cường đáp ứng miễn dịch.

- Các yếu tố tăng trưởng thần kinh gây mất hạt dưỡng bào.

2. Tác động của hệ miễn dịch trên hệ thần kinh – nội tiết:

- Sau thách thức với với KN khi KT đạt đỉnh cao, nồng độ glucocorticoid cao sẽ ức chế đáp ứng miễn dịch. IL-1 đã kích thích sự tổng hợp glucocorticoid thông qua trục tuyến yên – thượng thận. Trong vùng lành vết thương có tương tác giữa các tế bào viêm và yếu tố tăng trưởng thần kinh, IL-1 cũng gây tăng yếu tố tăng trưởng thần kinh ở đoạn thần kinh hông cô lập. IL-1 và các IFN gây sốt thông qua các trung tâm điều nhiệt.

- Các tương tác giữa hệ miễn dịch và thần kinh – nội tiết đi theo các mạch kín.

+) Mạch thứ nhất liên quan đến sự tổng hợp các glucocorticoid dưới ảnh hưởng của IL-1, glucocorticoid lại ức chế ngược trở lại IL-1 và IL-2.

+) Mạch thứ 2 liên quan đến hormon, receptor với hormon, với anti-hormon và với anti-idotyp. Mạch này có thể có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của bệnh tự miễn và chống trực tiếp các receptor với hormon.

Câu 120

: Trình bày định nghĩa và phân tích các đặc tính cơ bản của kháng nguyên.

1. Định nghĩa:

Kháng nguyên là chất khi xâm nhập cơ thể thì có khả năng gây ra 1 đáp ứng miễn dịch nói chung, gồm có:

- Hoặc sản xuất ra loại kháng thể đặc hiệu với kháng nguyên ấy.

- Hoặc tạo ra loại tế bào T phản ứng, cũng đặc hiệu với KN ấy.

- Hoặc cả 2 cách trên.

2. Đặc tính cơ bản của KN:

a) Tính đặc hiệu của KN:

- Từ khi KN xuất hiện trong cơ thể cho tới khi nó bị loại trừ phải trải qua 2 giai đoạn: bị nhận biết và bị chống lại.

+) Giai đoạn bị nhận biết: KN chỉ được trình diện 1 cách đặc hiệu và cũng được nhận biết 1 cách đặc hiệu: do Ig cố định trên tế bào B, hay do TCR trên tế bào.

+) Giai đoạn bị chống lại: KN nào thì kết hợp đặc hiệu với KT tương ứng, hoặc chỉ bị chống lại do tế bào Tc mẫn cảm cho riêng KN đó.

- Tính đặc hiệu của KN không phải do toàn bộ cấu trúc của phân tử KN mà chi do 1 số đoạn nhỏ, 1 số cấu trúc nhỏ trên phân tử KN đó quyết định (gọi là nhóm quyết định KN). Nhóm quyết định KN không những quyết định tính đáp ứng đặc hiệu của hệ thống miễn dịch mà còn là nơi để cho các KT đặc hiệu (Ig, TCR) gắn vào KN.

- Có trường hợp phản ứng chéo, 2 KN có nguồn gốc khác nhau nhưng lại phản ứng với cùng 1 KT. Các KN có các nhóm quyết định giống nhau thì mới gây nên phản ứng chéo.

b) Tính sinh đáp ứng miễn dịch của KN:

- Là khả năng kích thích hệ thống đáp ứng miễn dịch (mạnh hay yếu) của cơ thể sản xuất KT và tạo ra tế bào T mẫn cảm. Chỉ có các KN hoàn toàn (đa hóa trị) mới có khả năng này. Các hapten không có khả năng trên, nhưng khi hapten được gắn lên 1 protein tải thì phức hợp hapten – protein mới gây được đáp ứng miễn dịch (tạo KT).

- Khả năng kích thích cơ thể sinh đáp ứng của KN phụ thuộc nhiều yếu tố:

+) Tính “lạ”: KN có nguồn gốc di truyền càng xa lạ với vật nhận bao nhiêu về mối tương quan di truyền thì tính đặc hiệu và khả năng sinh KT của KN càng mạnh bấy nhiêu.

+) Tính chất lý – hóa của KN: Tính sinh KT của KN phụ thuộc vào KN sống hay KN chết, giảm độc lực hay không giảm độc lực.

+) Liều lượng KN: Liều lượng quá ít sẽ không đủ khả năng kích thích, nhưng liều quá lớn thì lại gây ra tình trạng tê liệt miễn dịch.

+) Lần vào của KN: Cùng KN ấy, nếu xâm nhập vào lần thứ 2, thứ 3… thì cơ thể nhanh chóng tạo ra 1 lượng KT nhiều hơn và bền vững hơn so với khi KN xâm nhập lần đầu.

+) Đường vào của KN: Tùy đường xâm nhập mức độ kích thích tạo KT của KN khác nhau.

+) Trạng thái của cơ thể nhận KN: đáp ứng sinh KT của KN phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, trạng thái thần kinh, nội tiết, tuổi, đặc điểm di truyền.

c) Các đặc tính khác:

- Tính gây dị ứng: đối với 1 số KN gây cho cơ thể sản xuất nhiều IgE thường dẫn đến bệnh lý quá mẫn typ 1.

- Tính gây trạng thái dung nạp: 1 số KN có khả năng gây mẫn cảm đối với loài vật này, nhưng lại được loài vật khác dung nạp, cho tồn tại.

- Tính gây phân bào: kích thích sự phân chia của tế bào như LPS của vi khuẩn gây phân bào đối với lympho B.

Câu 121

: Trình bày các cách phân loại kháng nguyên và cho ví dụ về mỗi loại.

Có 3 cách phân loại KN:

1. Theo mối tương quan di truyền giữa KN và cơ thể nhận KN:

- KN khác loài: Là KN của loài vật này đối với loài vật khác. Loại KN này có tính chất KN rất mạnh vì nó rất xa lạ đối với hệ thống di truyền của cơ thể nhận.

- KN đồng loài nhưng dị gen: do tính đa dạng về gen học nên trong cùng 1 loài một số KN có ở cá thể này nhưng không có ở cá thể kia. Điển hình cho loại KN này là: hệ thống KN bạch cầu HLA.

- Tự KN: bình thường cơ thể không sinh ra tự KT chống lại tổ chức của chính mình. Ở người, tự KN gặp trong các bệnh lý tự miễn dịch. Vì 1 lý do nào đó, làm biến đổi cấu trúc 1 số KN của bản thân, làm cho hệ miễn dịch không nhận biết được, coi là “lạ” và sinh ra tự KT chống lại.

- KN idiotyp: Do cấu trúc rất hay thay đổi của vùng cực kì thay đổi ở các Ig, các thụ thể của tế bào T và B làm cho các vùng đó trở nên xa lạ đối với tự bản thân, đó là KN idiotyp, cơ thể sinh KT chống lại gọi là anti idiotyp.

2. Theo bản chất hóa học:

- Glucid: polyosid là những đại phân tử có cấu trúc đa dạng, do đó có đặc tính kích thích sinh KT rất mạnh.

- Lipid: các lipid đơn thuần thường gồm một chuỗi CH2 đơn điệu, do vậy không có tính KN. Khi gắn lipid với 1 protein hoặc với 1 glucid thì phức hợp này mới có khả năng mẫn cảm sinh KT.

- Acid nucleic: trong các bệnh tự miễn như bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa khớp dạng thấp…có xuất hiện KT kháng nhân (kháng AND) trong máu.

- Protein: Là loại KN phổ biến nhất trong tự nhiên và có tính KN cao. Tính KN của các protein tăng tỷ lệ thuận với trọng lượng phân tử và mức độ phức tạp về cấu trúc phân tử của chúng.

- KN tổng hợp, tái tổ hợp, siêu KN: 1 số chất có cấu trúc hóa học bé, khi được gắn lên 1 protein tải thì có tính KN.

3. Theo đáp ứng miễn dịch:

- KN phụ thuộc tuyến ức: Là các KN chỉ gây được đáp ứng miễn dịch khi tuyến ức con nguyên vẹn. Hầu hết các KN là protein đều thuộc loại này.

- KN không phụ thuộc tuyến ức: Là các KN gây được đáp ứng miễn dihj không cần sự hỗ trợ của các tế bào Th.

Câu 122

: Trình bày cấu trúc của các phân tử MHC lớp I và chức năng của nó.

Tất cả các phân tử MHC lớp I là các glycoprotein đều gồm có 2 loại chuỗi đa peptid:

- Chuỗi α: do gen MHC mã hóa, xấp xỉ 40kD ở người, 47kD ở chuột nhắt.

- Chuỗi β: không do gen MHC mã hóa., xấp xỉ 12kD ở cả người và chuột nhắt.

Các phân tử MHC lớp I được chia thành

4 vùng riêng biệt

:

1.Vùng gắn peptid:

- Vùng gắn peptid này của chuỗi α gồm quãng 180 acid amin, chia thành 2 đoạn giống nhau (quãng 90 acid amin), gọi là α1 và α2. Chính 2 cánh α1 và α2 cùng với nền của lá β (gồm 8 chuỗi) tạo nên 1 rãnh có kích thước phù hợp để gắn được các peptid dài từ 10 – 20 acid amin của các KN đã giáng hóa 1 phần. Rãnh này được gọi là Rãnh gắn peptid.

- Mỗi phân tử MHC chỉ có 1 rãnh gắn peptid duy nhất.

- Phức hợp peptid và phân tử MHC lớp I được biểu lộ trên bề mặt các tế bào có nhân của cơ thể để trình diện cho tế bào TCD8+.

- Tính đa hình của alen MHC làm cho phân tử MHC có khả năng gắn các peptid có cấu trúc khác nhau. Sự gắn này có ái tính chọn lọc kém hơn sự gắn các peptid đặc hiệu với sIg và TCR.

2. Vùng giống Ig:

- Là đoạn α3 của chuỗi nặng α, có quãng 90 acid amin ngoại bào, nằm giữa nhóm tận cacboxyl của α2 và vùng cắm trong bào tương.

- Vùng giống Ig còn có chuỗi β do 1 gen ngoài MHC mã, tuyệt đối không thay đổi giữa các phân tử lớp I. Đa peptid này được gọi là β2 – microglobulin.

- β2 – microglobulin có cấu trúc giống vùng hằng định của Ig, có chứa 1 vòng nối di-sulfua.

- β2 – microglobulin có sự tương tác với các chuỗi α1, α2, α3 để giữ cấu hình của phân tử lớp I. Khi mất chuỗi β2 – microglobulin thì cấu trúc nguyên ủy của chuỗi nặng mất đi.

- Các tế bào TCD8+ hoạt động khi được gắn với phần hằng định của các phân tử lớp I và vùng α3 có chứa vị trí gắn với phân tử CD8. Do đó, TCD8+ bị giới hạn hoạt động trong các phân tử lớp I.

3. Vùng xuyên màng:

- Là chuỗi đa peptid, bao gồm 25 acid amin đi qua vùng kỵ nước của màng plasma.

- Vùng này không ảnh hưởng đến cấu hình của các đoạn ngoại bào của phân tử.

4. Vùng bào tương:

- Là phần tận cùng của các chuỗi α của lớp I dài quãng 30 acid amin cắm vào trong bào tương.

- Có vai trò trong điều hòa tương tác giữa các phân tử MHC lớp I với các protein màng khác hay với các protein khung tế bào.

Câu 123

: Trình bày cấu trúc của các phân tử MHC lớp II và chức năng của nó.

Phân tử MHC lớp II gồm 2 chuỗi đa peptid α và β kết hợp không đồng hóa trị với nhau. Chuỗi α lớn hơn chuỗi β 1 ít do glycosyl hóa nhiều hơn. Cả 2 chuỗi đều có đầu tận amin ngoại bào và đầu tận cacboxyl nội bào. Hơn 2/3 mỗi chuỗi là ở phần ngoại bào. Cả 2 chuỗi đều do gen MHC đa hình mã hóa.

Các phân tử MHC có 4 vùng riêng biệt:

1. Vùng gắn peptid:

- Các đoạn ngoại bào của cả 2 chuỗi α và β đều được chia nhỏ thành 2 đoạn dài quãng 90 acid amin, được gọi là α1 và α2, β1 và β­2. Chuỗi α1 và β1 gập lại để tạo thành nền là lá β có 8 lớp, đỡ 2 cánh α1 và β1, tạo nên rãnh gắn peptid. α1 của các phân tử lớp II không có cầu nối disunfua (trong khi β1 có).

- Tính đa hình của gen MHC lớp II tạo các bề mặt có cấu trúc hóa học đặc hiệu của rãnh, quyết định tính đặc hiệu và ái tính gắn peptid của rãnh, quyết định sự nhận biết đặc hiệu của TCR với phân tử MHC.

2. Vùng giống Ig:

- Cả 2 đoạn α2 và β2 của lớp II có các cầu nối di-sulfua bên trong chuỗi. Hai chuỗi này không đa hình.

- Tất cả các α2 của –DR đều giống nhau, nhưng khác với α2 của –DP hay –DQ.

- Các phân tử CD4+ của Th gắn với vùng giống Ig của các phân tử lớp II, do đó chỉ đáp ứng đặc hiệu trong giới hạn của các phân tử lớp II. Các tương tác này rất mạnh, chỉ bị phá vỡ trong điều kiện phân tử bị biến hình.

3. Vùng xuyên màng:

Vùng xuyên màng của α2 và β2 có 25 acid amin kỵ nước, đều tận cùng bằng các acid amin kiềm, tiếp theo là 1 ái nước ngắn trong bào tương, tạo thành đâu tận cacboxyl của mỗi chuỗi đa peptid.

4. Vùng bào tương

: Chưa được biết rõ ràng.

Các phân tử MHC lớp II có vai trò trong dẫn truyền tín hiệu và vùng nội bào có thể có vai trò chuyển thông tin qua màng.

Còn thiếu 79, 86, 104, 105.

The End

.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com

Tags: