Câu chuyện xưa
- Mận.. mày đi lấy giùm cậu chai rượu.
- Cậu ơi! Cậu đừng uống nữa hại sức khoẻ lắm.
- Mày đi lấy cho cậu...nhanh lên
- Cậu...cậu đừng như vậy nữa, cậu cứ như vậy mợ sẽ chẳng an tâm mà nhắm mắt đâu.
- Mày thì biết cái gì? Mợ mày bỏ cậu đi rồi, cậu sống còn có ý nghĩa gì nữa chứ.
Cậu lại khóc nữa rồi, có lẽ cậu đang rất hối hận về những điều mình đã làm. Nhìn thấy cậu như vậy tôi thật sự rất đau lòng, không biết bao nhiêu lần tôi chứng kiến cảnh này kể từ lúc mợ Lam ra đi đến nay.
Ba năm trước vào một ngày mưa rất lớn, cậu dắt mợ Lam về nhà mặc kệ sự phản đối của ông bà Trần, mặc kệ sự đàm tiếu của xóm giềng. Cậu vẫn một mực rước mợ về làm vợ cả cho bằng được.
Lúc đầu tôi chẳng hiểu sao họ lại phản đối nữa. Vì Mợ tôi đẹp và hiền lành lắm, lại có giọng nói rất ngọt ngào. Mợ chưa bao giờ quát mắng người làm hay cậy quyền mà làm khó người khác, mợ lại còn rất thương tôi nữa. Rồi tôi nghe mọi người bàn tán, họ nói rằng mợ là một ca nữ.
Bởi vậy, họ coi thường mợ, coi thường xuất thân của mợ, họ còn nói mợ dơ bẩn chẳng xứng đáng với cậu, họ nói mợ không biết đã lên giường với bao người đàn ông. Nhưng tôi chẳng tin, vì mợ của tôi không phải là người như vậy.
Mợ sống trong gia đình giàu có này cũng chẳng sung sướng gì đâu! Ngày ngày mợ đều phải chịu sự phỉ báng mắng nhiếc từ ông bà Trần, rồi những lời khó nghe từ bọn người làm. Nhưng mợ vẫn luôn luôn nhẫn nhịn chịu đựng vì cậu, vì tình yêu mà cậu đã dành cho mợ.
Ở trong ngôi nhà này, tôi là người mà mợ quý nhất, mợ thương tôi lắm... có đôi lúc tôi làm việc bất cẩn bị bà đánh chính mợ là người bôi thuốc cho tôi. Khi trời bắt đầu lạnh giá mợ đan áo cho cậu, rồi còn đan cho tôi một chiếc khăn quàng cổ nữa. Tôi không biết chữ thì mợ dạy tôi học, mợ nói tôi rất thông minh..nếu được đi học nhất định sẽ thành tài, nên mợ rất quan tâm và kiên nhẫn chỉ dạy cho tôi.
Mợ tôi thích ăn xoài và me lắm, có lần khi tôi vừa hái những trái xoài chín thơm ngon, tôi chọn ra những quả đẹp và thơm ngon nhất hí hửng mang đến cho mợ. Nhưng khi đến nơi tôi lại bắt gặp cảnh tượng mợ đang khóc, tay ôm một chiếc áo nhỏ đã cũ kĩ và bị chắp vá ở khắp mọi nơi. Thấy tôi đến, mợ vội vàng giấu chiếc áo đó đi và khẽ lau những giọt nước mắt mặn đắng, nhưng mà..vẫn bị tôi phát hiện ra.
- Mợ ơi! Có chuyện gì vậy? Sao mợ lại khóc? - Tôi luống cuống tay chân cả lên, chẳng biết phải làm gì để an ủi mợ.
- Mợ không sao, em đừng lo lắng nha.
Nhưng tôi làm sao mà bỏ qua được, thấy mợ như vậy tôi lo lắng lắm. Cứ gặng hỏi mãi thì mợ mới kể cho tôi nghe, kể về cuộc sống trước kia của mợ.
Nhà mợ nghèo và thiếu thốn đủ thứ. Cha mẹ mợ mất sớm, để lại cho mợ với đứa em nhỏ nheo nhóc sống nương tựa vào nhau. Ngày còn nhỏ mợ và em gái đã phải xa quê hương, mợ bươn chải khắp nơi để lo cho bản thân và đứa em gái chỉ mới sáu tuổi.
Ban ngày, mợ vẫn là một cô sinh viên như bao bạn bè đồng trang lứa khác. Mợ học giỏi lắm, lại còn rất siêng năng nữa, nên thành tích học tập của mợ lúc nào cũng được xếp ở vị trí đầu bảng, những lúc như vậy thì mợ nhận được học bổng và có thêm tiền để lo cho cái ăn, cái mặc của hai chị em.
Đêm xuống, mợ lại hoá thân thành một ca nữ xinh đẹp mang đến những bản nhạc làm say đắm lòng người. Và cũng từ những thanh âm du dương của giai điệu đó, nó đã giúp mợ hoá giải được nỗi ưu tư đang đè nặng trong tâm hồn mình. Bởi cuộc sống của mợ từ bé nó cơ cực và vất vả quá! Nếu không thể mượn âm nhạc, để nói lên được những điều sâu thẳm từ tận đáy lòng mình, thì có lẽ giờ đây mợ đã không còn tồn tại nữa rồi.
Tưởng chừng cuộc sống cứ lặng lẽ như vậy trôi qua trong êm đềm. Cho đến một ngày, khi mợ đang hát thì bỗng nhiên có một nhóm người xa lạ ném cà chua và trứng vào người mợ, họ phỉ báng và lăng mạ danh dự của mợ. Chuyện xảy ra quá bất ngờ, khiến mợ đau đớn và tổn thương rất nhiều, nhưng rồi mợ cũng chỉ im lặng và chịu đựng tất cả.
Sau khi xảy ra cớ sự trên, mợ hạn chế đi diễn lại, vì không thể chịu được những nỗi đau mà mọi người đã mang lại cho mình.
Cũng chính vì vậy mà cuộc sống của mợ ở thời điểm đó, trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nghỉ hát vào buổi tối, nên mợ phải bươn chải đủ thứ nghề. Từ buôn ve chai, đến bán vé số mỗi khi rảnh hay lâu lâu mợ lại đến làm osin cho một gia đình khá giả hơn. Vì xót thương đứa em gái nheo nhóc, mợ đã nai lưng ra kiếm tiền trang trải cho cuộc sống, mà không một lời than vãn. Ấy vậy mà ông trời lại bất công với mợ, đến nỗi chỗ ngủ còn bị liêu xiêu và dột nát. Nói nơi tá túc của mợ là nhà thì cũng không hẳn, vì nó không hề chắc chắn, vả lại chỉ được che lấp bằng vài tàu dừa mà thôi.
Những ngày nắng, thì chị em mợ ôm nhau mà nhìn lên bầu trời đêm đầy sao. Nhưng những ngày mưa, thì mợ vất vả lắm, bởi vì chỗ ngủ bị dột nát...nhiều lúc vì thương đứa em bé nhỏ của mình, nên mợ khóc thầm mấy đêm liền vì tủi thân cho số phận...
Dù gian nan là thế, nhưng mợ vẫn lặng lẽ kiếm từng đồng, từng cắc để chắt chiu nuôi em.
Vậy mà, ông trời vẫn nỡ đày đọa tấm thân ấy, không để mợ yên ổn một phút giây nào.
Vào một đêm trời mưa tầm tã khi giông tố lũ lượt kéo về. Bà bá hộ Trần lại đến tìm mợ để đòi nợ, nhưng lúc đó mợ không có ở nhà vì phải mua thức ăn cho em. Không một lời nói, bà ấy đã đánh chết đứa em gái của mợ và đánh sập đi căn nhà vốn đã xiêu vẹo ấy.
Khi mợ từ xa trở về, thấy cảnh tượng kinh hoàng ấy đập vào mắt mình, khiến mợ bỗng chốc như muốn ngất đi. Cái ngày đau thương hôm ấy, chính là ngày đen tối nhất của cuộc đời mợ Lam. Đứa em gái bé bỏng, người thân duy nhất của mợ trên cõi đời này ra đi khi chỉ mới được sáu tuổi rưỡi mà thôi.
Ôi...đau đớn làm sao! Khi giờ đây mợ chẳng còn gì nữa rồi. Nhưng vốn bản tính mạnh mẽ đã ăn sâu vào tâm trí, nên mợ vẫn cố gắng bình tĩnh ôm xác đứa em đi chôn cất mà không nói một lời.
Ngày hôm nay chính là ngày giỗ của em gái mợ, cái chết của đứa em gái đã trở thành nỗi đau đớn không bao giờ nguôi ngoai trong lòng mợ.
Trong khoảng thời gian mợ Lam đau khổ nhất, chẳng có một bàn tay nào vươn ra vực mợ dậy cả...mà mợ chỉ có thể ôm lấy niềm đau đang chôn sâu nơi trái tim cô độc của chính mình mà thôi. Cũng chính vì thế, nên mợ đã lao đầu vào làm tất cả những công việc mà mợ có thể làm được, để vơi đi được nỗi đau thể xác này.
Nhưng rồi khi màn đêm buông, ngồi một mình trong căn nhà nhỏ trơ trọi, mợ lại ngồi khóc vì nhớ ba mẹ và xót thương cho đứa em gái xấu số của mình.
Một ngày nọ, mợ muốn đi hát trở lại vì có lẽ ngọn lửa nghề vẫn luôn hừng hực cháy nơi đáy tim và mợ vẫn muốn một lần nữa mang lời ca tiếng hát của mình đến với mọi người, nên mợ Lam đã đánh liều mình một phen tiếp tục đến với ánh đèn sân khấu.
Chỉ một thời gian trở lại, mợ Lam bỗng chốc nổi hơn cả lúc xưa. Vì vậy mà mợ có rất nhiều người theo đuổi, đặc biệt là trong giới thượng lưu lúc bấy giờ.
Những lời xảo trá, điêu ngoa của đấng mày râu nơi tửu lầu này, đã khiến mợ ngán ngẩm từ rất lâu rồi. Mợ giờ đây chỉ muốn an phận để mà cất lên tiếng ca cho đời mà thôi.
Nhưng rồi...cuộc đời của mợ thoáng rẽ ngang chỉ vì gặp cậu. Cậu là hai Tuấn, một người có tiếng tăm nơi mảnh đất xa hoa, nhộn nhịp này. Mợ yêu cậu...yêu bằng cả một trái tim nhiệt huyết và chân thành của cô nữ sinh 18 tuổi.
Nhưng với phận ca nữ thấp hèn, mợ đâu dám với tới cậu....mà chỉ mang trong mình một trái tim đơn phương ngày đêm mong mỏi.
Những tưởng sẽ là bi kịch khi chỉ có một mình mợ chạy theo cái cuộc tình dại khờ ấy. Nhưng không...cậu hai đã nói yêu mợ và còn muốn cưới mợ về làm vợ cả trong nhà. Cậu chống đối lại tất cả mọi người vì muốn được ở bên cạnh mợ Lam.
Ngày đó, mợ Lam hạnh phúc mỉm cười khi lên xe hoa cùng cậu Tuấn. Cậu hứa là sẽ cho mợ một cuộc sống ấm êm, cả cuộc đời này sẽ chỉ yêu thương và lấy một mình mợ mà thôi. Ngẫm lại mợ mới thấy rằng, gặp được cậu chính là cơ duyên lớn nhất đối với mợ.
- Mợ à! Mợ đừng buồn nữa, em sẽ thay em gái mợ để bảo vệ cho mợ mà. Đúng rồi, còn có cậu nữa, cậu cũng rất yêu thương mợ - Khi tôi nói vậy mợ gật đầu, rồi khẽ lau đi những giọt nước mắt mỉm cười nói:
- Được! Vậy em đừng có quậy phá khắp nơi nữa nhé mợ lo lắm.
Và quả thật từ đó mợ luôn quan tâm và chăm sóc cho tôi y như em gái ruột của mợ vậy.
Từ ngày lấy mợ về, đúng là...cậu đã không làm sai lời hứa với mợ, lại còn rất yêu thương và quan tâm chăm sóc cho mợ nữa. Khi đi đâu xa về, cậu cũng không quên mua chè thập cẩm, chè đậu xanh, chè trôi nước và me chua cho mợ...Vì mợ Lam tôi thích những món này lắm, mỗi lần như vậy mợ đều không quên phần lại cho tôi.
Nhưng chỉ được thời gian đầu mà thôi, cưới mợ Lam về được một năm.. thì tính tình cậu hai Tuấn bỗng nhiên thay đổi hẳn. Cậu chẳng còn yêu chiều mợ như những ngày xưa, đã vậy cậu lại đem cái thói gia trưởng của gia đình ra mà chì chiết và đánh đập mợ tàn nhẫn, tôi chứng kiến cảnh đó mà đau xót lắm. Nhưng thân phận chỉ là một đứa người làm chẳng thể giúp gì được cho mợ, nên tôi chỉ biết khóc thương cho cuộc đời của mợ mà thôi.
Nếu ngày xưa cậu bảo bọc mợ bao nhiêu, thì giờ đây cậu lạnh lùng với mợ bấy nhiêu, có lẽ do áp lực công việc và áp lực từ phía ông bà chủ đã khiến cậu trở nên như vậy.
Có lần, cậu nổi đóa mà mắng mợ là lũ "xướng ca vô loài", mợ cũng thinh lặng. Cậu chửi mợ là gái tửu lầu bẩn thỉu, mợ cũng ngậm đắng nuốt cay cho qua. Vì bởi lẽ mợ biết dưới cái xã hội khắc nghiệt của phong kiến, cái nghề của mợ không hề được xem trọng. Một phần khác, mợ cũng muốn giữ cho gia đình trong ấm ngoài êm và không bị điều tiếng gì, nên mới mặc kệ những lời nói đâm sâu vào tâm can đó của cậu..
Người ta thường nói, đàn ông thời xưa có năm thê bảy thiếp là lẽ thường tình. Nhưng đàn bà dù chồng đã chết hay có phản bội mình đi chăng nữa, thì cũng chỉ chính chuyên một chồng. Như thế mới là người đàn bà đức hạnh, thủy chung son sắc với gia đình.
Ban ngày đi ra ngoài, thì mợ Lam lại phải chịu điều tiếng từ bà con hàng xóm xung quanh vì họ nói mợ là gái bán hoa. Đêm về thì lại chịu cực hình vì bị gia đình và cậu xỉa xói, làm nhục. Mợ lúc ấy như rơi vào địa ngục.. mãi mà chẳng thể thoát ra nỗi cái cảnh cơ cực này.
Ngày biết mình mang thai đứa con của cậu gần 3 tháng, cũng là lúc mợ phát hiện mình bị mắc chứng bệnh nan y khó điều trị, vì nó đã đi đến giai đoạn cuối cùng rồi. Và cuộc sống của mợ ở thời khắc này chỉ được tính bằng từng giây, từng phút. Ấy vậy mà mợ giấu tôi, giấu cậu và tất cả mọi người, một mình lặng lẽ chịu đựng.
Những lúc cơn đau bất chợt ập đến, mợ chỉ biết tìm cách trốn vào một góc.. ngồi co ro nơi xó bếp mà chịu trận. Rồi một ngày kia, khi chính tôi phát hiện ra những sự thật tàn khốc ấy xảy đến với mợ, tôi đã khóc hết nước mắt năn nỉ mợ hãy nói cho cậu biết, nhưng rồi mợ lại ngăn tôi và không cho tôi được nói với cậu. Nhìn mợ như vậy, tôi thật tình là không cam tâm chút nào, tôi rất sợ...sợ mợ Lam sẽ bỏ tôi mà đi.
Mợ vẫn kiên cường chịu đựng những cơn đau do bệnh tật hành hạ, bởi thế cho nên dù có đau đến chết đi sống lại thì mợ cũng không dám dùng thuốc, chỉ vì mợ sợ nó sẽ làm ảnh hưởng đến đứa con của cậu. Mà nếu nói ra thì cậu sẽ không bao giờ chăm sóc và lo lắng cho mợ nữa, bởi vì mợ nghĩ mình chỉ là cái gai trong mắt của cậu.
Rồi đột nhiên cậu dắt mợ Loan về nhà, cậu bảo rằng mợ ấy là đào chánh đẹp nhất của đoàn nghệ thuật Huỳnh Thơ và mợ ấy sẽ là mợ hai của gia đình này. Khi biết tin, tôi đã vô cùng tức giận. Tôi đau đớn thay cho số phận của mợ, nhưng tôi lại muốn giấu không cho mợ biết. Nếu như mợ biết thì chắc sẽ đau lòng lắm, tôi sợ lúc đó thì bệnh tình của mợ..sẽ lại trở nặng thêm. Nhưng cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, tôi càng cố gắng kéo dài thời gian bao nhiêu, thì bọn người làm kia lại tranh thủ lo chuyện bao đồng bấy nhiêu. Và cuối cùng, thì mợ cũng phát hiện ra sự thật.
- Mận.. nếu mợ không còn ở đây em phải lo cho bản thân mình, đừng có đi cãi nhau với người khác, rồi bị bà đánh, mợ sẽ chẳng an tâm được.
- Mợ đừng nói như vậy! Mợ phải ở bên cạnh em, để còn dạy chữ cho em nữa chứ.. Mận không cho mợ đi đâu - Bỗng dưng tôi oà khóc, tôi thật sự sợ cảm giác vô hình lúc này đang hiện hữu trong tâm trí mình.
- Em đừng khóc.. mợ biết mình chẳng còn sống được bao lâu, chẳng may nếu mợ không còn nữa thì em nhớ phải chăm sóc cậu giúp mợ nhé.
Mợ tiến lại gần nhẹ nhàng lau nước mắt trên khuôn mặt tôi, tôi cứ thế mà oà khóc và ôm chặt lấy mợ.
- Mợ đừng nói nữa.. em không muốn nghe.
- Đừng bướng nữa! Hứa với mợ phải chăm sóc cho cậu hai Tuấn và lo cho bản thân mình thật tốt, không được cãi nhau với bọn con Sen nữa nha.
- Em không thèm cãi nhau với bọn nó đâu.
Đó là lần cuối cùng mợ dặn dò tôi, mợ vì lo cho tôi bị người khác bắt nạt, nên mới căn dặn từng li..từng tí như thế. Mợ cũng nói với tôi phải chăm sóc cho cậu. Dù cậu có đối xử lạnh nhạt với mợ như thế nào đi chăng nữa thì mợ vẫn thương cậu, vẫn quan tâm lo lắng cho cậu.
Ngày cậu trao nhẫn đính hôn rước mợ hai Loan về nhà, mợ lấy danh dự là người đồng nghiệp để chúc mừng hạnh phúc cho đôi tân lang và tân nương. Vì mợ biết rằng mợ không thể ngăn cản được quyết định của cậu và mợ muốn cậu tìm được hạnh phúc cho riêng mình sau khi mợ đã rời đi....có lẽ như thế mợ sẽ yên lòng hơn. Và chức danh mợ cả của gia tộc này, mợ cũng chẳng còn xứng đáng nữa...mợ muốn buông bỏ tất cả, kể cả cậu...
Khi biết mình sắp rời xa nhân tình thế thái, mợ Lam một lần nữa đã đến tìm gặp cậu hai Tuấn.
Không như những lần trước, lần này cậu chịu để mợ trút bỏ bầu tâm sự trong lòng mình bấy lâu nay. Như thể cậu biết trước đây sẽ là lần cuối cùng mợ nói chuyện với cậu vậy.
- Cậu hai nè, em biết là từ ngày rước em về đây, cậu phải chịu nhiều điều tiếng bên ngoài lắm, nên đâm ra cậu có hơi gắt gỏng và bực tức trong lòng với em một chút thôi, chứ thật tâm là cậu rất tốt - Mợ mỉm cười mà lòng chua chát.
- Mợ cũng biết vậy à, thế thì từ giờ trở về sau..mợ đừng làm điều có lỗi khiến tôi phải tức giận nữa nhé - Cậu lạnh giọng nói, nhưng tay vẫn ôm lấy mợ mà an ủi.
- À không...em hứa với cậu là sẽ không có lần nào nữa đâu..thật đấy!! Cậu có tin em không? - Giọng mợ lại nhàn nhạt vang lên.
- Tôi tin em một lần này nữa thôi...chỉ mong sao em thực hiện tốt. À...còn phải ăn ở hòa thuận với mợ hai Loan nữa, mợ ấy tốt lắm đó - Nhắc đến đây, giọng cậu bỗng dưng ấm áp lạ thường, làm tim mợ bất giác nhói lên từng đợt liên hồi.
Mợ cũng muốn được cậu quan tâm như thế, nhưng..có lẽ là không được rồi...vì cậu có yêu mợ đâu.
- Vâng...mà cậu này, em thấy hôm nay tâm trạng của cậu rất vui, chắc là mợ Loan... - Nói đến đây, mợ bỗng thinh lặng cố kìm nén nước mắt đang vội tuôn rơi nơi khóe mi.
- Mợ ấy...có thai rồi..là bé trai...mợ có mừng cho tôi không?
- Em mừng lắm...mừng lắm, mợ ấy thật có phước, chẳng giống như em lúc này...
- Mợ là đang trách tôi sao?
- Cậu ơi, em nào dám trách cậu, thân phận thấp hèn như em được cậu nâng niu, trân trọng như thế, là đã quý lắm rồi, em mang ơn cậu nhiều lắm.
- ................ - Bỗng nhiên muốn nói điều gì đó với mợ, nhưng rồi cậu quyết định im lặng.
- Đêm nay cậu ở lại với em có được không, em nhớ cái ôm và hơi ấm của cậu - Mợ run rẩy cắn chặt môi để không bật ra tiếng nấc, đang nghẹn ứ trong cổ họng mình.
Thấy sự lưỡng lự trong ánh mắt của cậu, mợ lại thẫn thờ ôm lấy đau thương nơi trái tim vụn vỡ. Cậu vẫn là vì mợ ấy...
- Mà thôi, nếu cậu không thể ở đây... thì cậu về bên đấy với mợ Loan đi. Với em như vậy đã đủ lắm rồi...
- Lời mợ nói là thật...
- Vâng...tất cả đều là sự thật, nhưng mà trước khi đi...cậu có thể một lần nữa ôm và hôn em như cái cách mà cậu đã từng làm trước đây được không? Nếu cậu không thích, thì cũng không sao... - Nói rồi, mợ thoát khỏi vòng tay của cậu và vội quay tấm lưng cô độc vào bên trong, lặng lẽ khép hờ đôi mắt vì cơn đau bất ngờ ập đến.
- Tính của mợ vẫn còn trẻ con nhỉ, mà cũng phải thôi...so với mợ Loan thì mợ còn quá nhỏ, nên khó mà chín chắn được như mợ ấy.
Vừa nói, cậu vừa thực hiện theo lời mợ Lam một cách hờ hững, mà thập phần lạnh lùng. Sau đó, còn nhẹ buông một câu xé nát tâm can người con gái đang bước vào thời khắc sinh tử:
- Mợ là mợ cả của một gia đình danh giá, nên cần phải tập cho mình tính trưởng thành và kiên trì trước mọi chuyện. Đừng có lúc nào cũng yếu đuối như thế...tôi mệt mỏi lắm. Mợ ở đó đi, tôi về với mợ Loan đây.
Cánh cửa phòng vừa khép lại, cũng là lúc mợ cả trút hơi thở cuối cùng. Mợ bị căn bệnh u não hành hạ, nên sức khỏe của mợ thời gian gần đây sa sút lắm. Nhiều khi mợ ăn còn chẳng được, chỉ cố gượng uống chút nước để cầm cự qua ngày vì đứa bé và vì cậu nữa, nhưng mà....cậu lại quá thờ ơ và vô tâm với mợ.
Ngày mợ rời đi, là vào một ngày mùa đông của tháng 12. Gió bấc vẫn nhẹ nhàng thổi trên ngọn trúc đào. Ánh trăng tròn vằng vặc vẫn đậu nơi cành cong ngoài cửa sổ. Thanh âm của tiếng côn trùng vẫn kêu râm ran, nhưng tiếc thay vẫn không thể níu giữ một con người ở lại.
Đâu đó ở phía xa kia, có tiếng chuông chùa vang lên như tiễn đưa linh hồn của một người thiếu phụ về nơi cõi Phật.
"Sông dài cá lội biệt tăm
Phải duyên ân nợ ngàn năm vẫn chờ
Chờ nhau giữa cõi mù xa
Buồn lên lòng lối mộng trăng thề, nhớ ơi đong đầy.
Lòng đêm...tiếng nấc vây quanh,
cuối ngàn câu thầm nhớ qua đường xưa vòng mê cuốn theo
Cung đàn ai suốt đêm nguyệt tàn...dấu lệ chờ nhau..nhớ... nhau.."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com