Chương 1
Chương 1:
Hôm nay là một ngày mới, như mọi ngày cô Chi đã phải thức dậy từ khi mặt trời còn chưa ló dạng để mà nhóm lửa thổi cơm. Cha cô và anh cả cần phải ăn sáng để kịp ra đồng. Sau đó cô lại phải dọn dẹp nhà cửa, gánh nước tưới rau rồi lại gánh nước đổ đầy lu, còn phải cho heo, cho gà vịt ăn. Nông dân mà, ai ai mà chẳng phải nuôi thêm vài ba con vật trong nhà để chừng ngày tư ngày tết thì có cái mà đem ra mời khách, để ngày mùa cải thiện bữa ăn. Nhà cô Chi cũng không ngoại lệ, nhà cô nuôi tận một đàn gà đến chừng hai ba chục con, thêm mấy con vịt nuôi ngay dưới ao sau vườn nhà. Còn trong chuồng heo thì cũng có thêm hai con heo nái độ chừng hơn nửa tạ dành làm giống. Đấy, việc nhà thì đầy dẫy ra đấy chứ ấy thế mà một tay cô Chi lo cả.
Chi là cái tên dân làng này thường hay gọi con gái thứ hai nhà họ Trần, con ông Tư Nghĩa. Tên ngày xưa cha mẹ cô đặt là Trần Mai Chi. Đấy cũng là nhờ ngày xưa ông cha quý hóa nhà cô cũng được các cụ cho đi học lấy dăm chữ, thế mới lựa được cho mấy đứa con tên hay như là tên các cô các cậu con nhà quan lớn. Nhà cô hai Chi có thảy năm anh chị em. Cô Chi là con gái lớn trong nhà nên mọi việc chăm lo các em, săn sóc nhà cửa thảy đểu vào tay cô cả, bởi cớ mẹ cô Chi đã bạc phận mà qua đời khi thằng út mới lọt lòng được chừng hai tháng. Năm ấy, cô Chi cũng chỉ mới sáu tuổi mà thôi. Đứa nhỏ mới sáu tuổi nào hiểu được cái chết là gì đâu.
Người ta nói:
"Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ lót lá mà nằm."
Là có lí do cả. Bởi cớ ông Tư Nghĩa cũng là một người đàn ông thật thà, lại chẳng biết lo trước lo sau. Ngày bà Tư còn sống, ông ấy chỉ biết sáng vác cuốc ra ruộng chiều vác về. Việc của ông là việc ngoài đồng chứ chuyện nhà cửa bếp núc ông nào có thèm để tâm. Nhưng ông cũng hiểu là:
"Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng."
Thế nên ông cũng dặn lòng không bước đi bước nữa. Ấy thế anh em cô Chi phải chịu cảnh côi cút chừng đôi năm, hoàn cảnh ép buộc cô Chi phải lớn, phải trưởng thành để mà lo chuyện nhà, chuyện bếp núc. Thời gian thấm thoát thoi đưa đã tám năm trôi qua rồi. Năm nay Trần Mai Chi cũng đã được 14 tuổi rồi.
Quét tước xong sân vườn thì mặt trời cũng đã lên đến ngọn tre, Chi tranh thủ đi vào trong bếp nhóm lửa lo cơm trưa để kịp đem ra đồng cho cha và anh. Cơm trưa cũng chẳng có gì ngoài mớ rau tập tàng cô hái ngoài vườn và nồi canh bầu nấu với tôm vớt được dưới ao. Nấu xong, cô gọi Mai Châu mang cơm ra ruộng cho cha và anh.
"Châu ơi, Châu! Mau vào xới cơm mà mang ra ruộng cho cha kẻo trễ."
Lúc này, Trần Mai Châu hãy còn tung tăng chơi ô ăn quan với mấy đứa con nít trong xóm. Chao ôi xem kìa! Con gái con đứa lớn tướng rồi mà chẳng biết việc nhà việc cửa gì cả. Để rồi mà coi, dăm ba năm nữa xem có ma nào thèm rước không. Ở cái làng này, thứ con gái lười biếng, ham chơi hơn ham làm thì chỉ có mà ế thiu ế chảy ra đấy thôi chứ ma nào thèm rước.
"Em nghe rồi, hãy còn sớm. Chị cứ để đấy đi. Em chơi nốt ván này rồi em vào ngay." Trần Mai Châu đang chơi ô ăn quan với con nhỏ nhà bên, sắp thắng rồi mà chị cứ í ới gọi làm cô bé bực hết cả mình. "Nếu không thôi chị gọi thằng tư ấy. Nó đang la cà ngoài kia kìa!"
"Có vào mang đi ngay không hay trưa nay nhịn phần cơm đây."
"Biết rồi, vào ngay đây." Trần Mai Châu vừa càu nhàu vừa đi vào nhà. "Gọi gì mà như gọi đò thế không biết."
"Em có bớt bớt cái mồm đi ngay chưa?"
Có lẽ là phần vì mất mẹ sớm, phần vì chị đã gánh giúp phần việc rồi nên Mai Châu cũng chẳng chăm chỉ tháo vát như chị mình nữa. Chị sai bảo cái gì thì làm cái đấy, nhưng khi làm thì thể nào Mai Châu cũng chêm thêm vài câu càu nhàu với chị lớn. Làm thì làm được, nhưng không khi nào cô tự giác làm cả.
Mai Chi nghĩ, có lẽ đã đến lúc phải để Mai Châu gánh vác san sẻ việc nhà với cô rồi. Chứ không chừng đôi năm nữa cô phải để tuổi lập gia đình, lúc đấy thì lấy ai mà lo cơm nước nhà cửa cho cha, cho anh và cho mấy đứa em cơ chứ.
Quần quật từ sáng đến tối muộn, thế rồi một ngày cũng qua.
Bẵng đi mấy ngày, ông Tư Nghĩa gọi anh em cô Chi vào họp gia đình. Ông bảo Mai Chi: "Chi con, con vào trong nhà lấy tiền và sổ sách ra đây xem nhà ta còn được bao nhiêu tiền."
Cô Chi cũng thắc mắc trong lòng nhưng không dám hỏi, chỉ im lặng vào trong đem sổ sách ra. "Thưa cha, đây ạ!"
"Con đọc lên xem nhà ta còn bao nhiêu của cải."
Mai Chi vâng lời cha đọc lên các khoản thu chi rõ ràng. Nhà chỉ còn đâu đó hơn ba ngàn đồng tiền, tức hơn ba quan. Nhà ông Tư Nghĩa cũng thuộc hàng khấm khá trong cái làng này nên mới được bằng đấy tiền. Bởi cớ nhà ông ít sức lao động lại không có đầu ra đầu vào, thế nên bây giờ sắp cần tiền thì lại chẳng có mà chi. Sắp tới thằng cả phải cưới vợ, phải sửa sang lại nhà cửa rồi còn tiền lễ trầu cau các thứ. Hai thằng cu tí cũng phải đến tuổi đi học rồi. Hai đứa nó ngót một năm cũng toi tận mười quan tiền. Nhà này hụt mất thằng lớn thì chí ít cũng phải được thằng nhỏ chứ. Càng nghĩ thế ông lại càng buồn rầu thêm. Bởi thế, nhà không có phụ nữ là thế đấy, chứ ông là đàn ông nào để tâm được mấy chuyện này. Kể mà bà nhà ông còn sống ấy thì hay! Bà ấy biết tính trước tính sau, lại dễ nói chuyện vợ con cho thằng cả. Chứ Mai Chi nhà ông tuy cũng tháo vát thạo việc nhà đấy, nhưng ai lại để cho một đứa con gái lo chuyện trăm năm cho anh lớn bao giờ. Bà nhà ông mất sớm để lại mấy đứa nhỏ côi cút thế này, thấy mà thương. Thôi thì...để ông tính.
Ông bảo cậu Minh Kỳ, con trai cả của ông năm nay đã mười sáu tuổi đi ra sau vườn bắt con gà mái, lại kiếm theo mớ trầu cau với xách theo vò rượu đặng đi với ông sang nhà ông bà Cả Lý. Ông Cả Lý là người có uy tín ở cái làng này, bởi thế nên sang nhờ ông bà để ý xem có con gái nhà nào đến tuổi thành gia lập thất để mà giới thiệu cho cậu con trai cả của ông. Ở cái làng Hòa Cường này người ta chẳng tin tưởng bà mai ông mai nào cả, có tin là tin những người có danh vọng, có uy tín, có tiếng nói trong làng. Thế nên ông mới cùng con trai ông sang nhà ông Cả để nhờ ông ấy để ý xem có được mối nào chăng.
"Thưa chú Cả, dạo này chú thím thế nào rồi? Vẫn khỏe chứ?" - Muốn được việc thì trước phải có vài câu hỏi xã giao như thế này trước đã.
"Chú thì vẫn thế thôi con! Cứ hễ trở trời thì lại đau lưng đau khớp, chữa bao nhiêu cũng không khỏi."
"Dạ vâng! Thế mấy đứa nhà mình đâu cả rồi chú nhỉ?" - Ông Tư lại hỏi - "Mấy đứa cháu của chú đều lớn cả, đỡ nhiều chú nhỉ? Ôi biết bao giờ mà sắp nhỏ nhà con nó lớn nó khôn được bằng mấy đứa cháu của chú đây."
"Chúng nó đi làm cả rồi! Có lớn khôn gì đâu. Cũng còn khờ lắm. Mình già mình từng trải phải dạy phải bảo chúng nó mãi thôi con ạ! Chúng nó nào được như Mai Chi nhà con, nó giỏi nó ngoan nổi tiếng cả mấy làng quanh đây, ai mà bì lại với con bé."
"Dạ vâng! Kể ra thì cũng là phúc phần nhà con. Mẹ mấy đứa nhỏ mất sớm, chẳng ai lo chuyện trước sau thế nên đổ cả lên vai con bé. Cũng là cái số của nó thôi chú!" Đẩy đưa vào câu rồi ông Tư Nghĩa đi vào vấn đề "Nay mát trời con dẫn thằng cu lớn nhà con sang đây trước là để thăm chú thím, sau là cũng có việc phải nhờ vả chú thím một chút."
"Số là thằng Minh Kỳ nhà con cũng đã đến độ thành gia lập thất. Mẹ sắp nhỏ qua đời sớm nên con cũng không có để ý được mối nào cho nó nên nay sang đây, nhờ chú thím có biết con gái nhà ai được nết ngoan hiền thì có thể làm mai cho thằng cu nhà con."
"Ôi chao! Thế mà đã đến tuổi cưới vợ rồi đấy à! Thế năm nay cậu nhà đã bao nhiêu tuổi rồi ấy nhỉ?"
"Dạ thưa, con năm nay đã được mười sáu rồi ạ!" - Minh Kỳ đáp
"Ừ! Cũng đã đến tuổi rồi."
"Dạ chính thế ạ! Nhà con cũng chẳng trông mong gì nhiều. Con bé Mai Chi nhà con cũng đã lớn rồi, trước sau gì cũng phải dựng vợ gả chồng cho nó, rồi lại đến Mai Châu. Chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà cũng phải cần một đứa con dâu tháo vát lại hiểu chuyện về để mà lo cho bầy em."
"Ừ! Thì dân nhà nông cũng chỉ mong con dâu có thế." Đáp rồi ông quay sang nói với Minh Kỳ: "Cứ để đấy, ông để ý cho nhá!"
"Dạ thế nhờ cả vào chú thím. Con cũng có con gà mái tơ với vò rượu với ít trầu cau biếu cô chú gọi là lấy thảo."
"Ừ, chú đám nhỏ có lòng thế thì cô chú xin." Ông Cả cũng chẳng đẩy đưa mà nhận luôn. Theo lệ bất thành văn ở cái làng này, cứ hễ sang nhờ ai làm mai thì phải mang lễ sang mới được. Mà lễ này thì tùy gia đình giàu có hay nghèo nàn thiếu thốn sẽ mang lễ khác nhau, nhưng phổ biến nhất ấy vẫn là vò rượu và con gà mái tơ cùng với mớ trầu cau.
"Dạ vâng, thế thôi cũng đã trễ. Chúng con xin phép về để cô chú nghỉ ngơi." Chuyện đã xong, ông Tư cũng không nấn ná mà chi, thưa ông cả một tiếng rồi ông cùng cậu con trai nhà mình ra về.
Trời về chiều, từng con trâu từ đồng cũng được người nông dân dắt về nhà. Gió hiu hiu thổi qua trên từng ngọn lúa, mơn man lên từng thớ thịt của ông Tư Nghĩa. Đáng ra một buổi chiều yên bình thơ mộng này phải đem đến cho con người ta cảm giác yên bình, dễ chịu thì nay dưới đôi mắt đầy lo lắng của ông Tư, buổi chiều này buồn thật là buồn, buồn như cái ngày mà bà nhà ông bỏ lại ông và đám nhỏ để đi về thế giới bên kia vậy.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com