Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

1

[1938]

em trai tôi vốn chẳng màng chi với chuyện thương trường, chỉ một lòng say mê đèn sách thao lược. vậy nên, trưởng nữ bất đắc dĩ phải gánh vác cơ nghiệp gia môn. dẫu rằng trong nhà chẳng câu nệ lề thói trọng nam khinh nữ, việc đào tạo tôi trở thành bậc kế thế xứng đáng vẫn khiến cha mẹ phải gối cao đầu mới mong yên giấc.

bởi lẽ, sinh ra trong nhung lụa gấm vóc, tôi đã quen với cảnh kẻ hầu người hạ, nhất cử nhất động đều có người lo toan. nào ngờ năm mười sáu tuổi, bị đẩy ra ngoài đời, tôi chẳng khác nào cá mắc cạn, lóng ngóng vụng về đến thảm. nhà tôi ba đời làm gốm, đến nay cũng xem như có của ăn của để. thuở đầu nhập môn, mẹ dạy tôi trọng trách của bậc thợ chính trong xưởng. nghề gốm muốn thành phải có hoa tay, tinh tế mà nhào nặn ra những mĩ vật thế gian ngợi ca là tuyệt tác. song dưới đôi tay vụng về của tôi, thành phẩm chỉ toàn những hình thù méo mó đến não lòng. mài sắt hoài mà chẳng thấy kim đâu, bà rốt cuộc cũng nản chí, đẩy tôi đi làm tay chân bê vác. tưởng chừng công việc này dễ bề xoay sở, thế mà mỗi ngày tôi đều làm vỡ đâu đó chục cái bát, cốc, đĩa,... đủ cả.

một ngày kia, mẹ tôi không chịu nổi nữa, trong bữa cơm gia đình bà buông đũa giữa chừng:

- hirai momo, ngày mai con theo cha sang việt nam học việc buôn bán.

trời đánh còn tránh miếng ăn, nhưng bữa cơm hôm ấy, tôi ráng nuốt mà thấy cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, vị nào cũng chát đắng như nuốt cả trời uất ức vào lòng.

[cuối 1939]

chuyến hải trình dài đằng đẵng, mấy phen nhật nguyệt luân chuyển, cuối cùng cũng cập bến. cha tôi bảo đây là cảng hội an, nơi đây từng là một trong những thương cảng phồn hoa nhất việt nam lúc bấy giờ, nơi thương thuyền bốn phương tụ hội, hàng hóa trăm thứ đổ về không dứt. tôi đứng trên bến cảng mà trong lòng trĩu nặng, ngẫm lại những ngày tháng tự do vui thú nơi quê nhà mà chẳng khỏi ngậm ngùi. vậy mà trời đất chẳng đoái hoài nỗi lòng tôi, tiết trời phương nam hừng hực lửa nắng như thiêu như đốt, bỏng rát đến lạ thường. từng giọt mồ hôi nhễ nhại thấm ướt cổ áo, mấy sợi tóc gần như tiệp làm một vào làn da, chưa bao giờ tôi cảm thấy bực bội với mọi thứ, kể cả bộ wafuku yêu thích đang mặc trên người. nhiều thứ tiếng đan xen vào nhau lộn xộn cả lên, nghe như tiếng muỗi nhảy vo ve inh ỏi bên tai tôi, càng khiến vị tiểu thư giẫm gai mùng tơi cũng mếu máo này choáng váng.

đám người ở vừa đến nơi đã vội vã khuân vác hàng đến nơi cha tôi dặn, chúng tôi sẽ thuê một căn nhà ở tạm một thời gian, tiện lấy luôn mặt bằng làm cửa hiệu cho tiện giao thương. lê lết từng bước nặng nhọc đến khi trú được dưới bóng hiên nhà, tôi mới có thể nheo mắt phe phẩy cây quạt gấp trong tay mà ngắm nhìn xung quanh.

nói đi cũng phải nói lại, trừ khoản thời tiết khá là oái oăm, hội an không làm tôi thấy lạ lẫm lắm ngay từ lần bước chân đầu tiên. mấy thứ tiếng kia quanh đi quẩn lại cũng chỉ là tiếng phương đông, không có cái lối bập bẹ nửa tròn nửa méo như "oăn, tu" của người tây cái lúc tôi còn ở nhà. có lẽ cái tính từ "sầm uất" hay "náo nhiệt" thật sự phù hợp để miêu tả nơi đây vài thập kỷ trước. theo sự suy đoán của tôi, chắc tiếng hán của người hoa và tiếng việt của người bản địa là hai thứ tiếng phổ biến hơn tiếng nhật. cả căn nhà tôi sẽ lưu lại một thời gian cũng vậy, kiểu cửa lùa và mái ngói cong cong đã quen thuộc trong những dãy phố nhật bản thời xưa. tôi cũng đã từng khá bất ngờ vì cha chọn hội an làm nơi làm ăn thay vì đà nẵng, thương cảng từ lâu đã thay thế thành phố nhỏ này về sự đông đúc sau lệnh tỏa quốc ba thập kỷ trước. nhưng thân là nam nhi đại trượng phu, trời ưu ái phú cho tài buôn bán, khéo ăn khéo nói, cha tôi ngày trẻ đã sớm trở thành thương nhân có tiếng, không ngần ngại chinh phục cả những thị trường nhỏ lẻ.

mấy hôm đầu, tôi xin cha khoan sai tôi phụ việc, cho tôi được thỏa chí dạo quanh phố phường một phen. quả đúng như lời đồn, hội an thuở xưa thực là nơi muôn sắc muôn màu, chốn giao thương của kẻ bốn phương. cứ thế, tôi như bị cuốn theo phố hội đang khoác lên mình dáng vẻ trầm lặng mà kiêu hãnh, như một chứng nhân lặng lẽ của thời cuộc. mấy con phố nhỏ, lát gạch cũ kỹ, uốn mình giữa hai hàng nhà gỗ san sát, nơi những tấm hoành phi chạm khắc tinh xảo đã phai màu theo năm tháng. khi hoàng hôn buông xuống, choàng quanh khoảnh khắc giao thời tấm áo vàng vọt của ánh đèn dầu le lói bên hiên nhà, tiếng guốc mộc lóc cóc hòa trong nhịp sống chậm rãi. trên bến thuyền, những thương lái người hoa, người việt vẫn lặng lẽ trao đổi những bao trà khô, tấm vải lụa hay chum gốm mộc. người nhật không còn qua lại như thuở trước, để lại nơi này những dấu tích phai mờ của một thời hưng thịnh.

rong chơi mãi cũng đến lúc phải dừng, tôi lại trở về theo cha học việc. nhưng, một lần nữa, tôi lại động đâu đổ đấy. những lần cha can đảm cho tôi trông coi cửa hiệu để ông đi thương thảo với các nhà buôn khác, khi cha quay về tôi chỉ biết báo cáo lại lí nhí những thảm họa vừa xảy ra. nào là làm vỡ gốm trước mặt khách, báo sai giá, nói năng chữ này đá chữ nọ. cha tôi phải cố gắng lắm mới gỡ gạc lại được danh tiếng và đưa cửa hiệu trở thành một trong những hiệu gốm đắt khách nhất lúc bấy giờ. còn tôi, dĩ nhiên là bị quở trách to đầu, nhiều khi còn bị cấm túc, hay bị phạt chỉ ăn cơm với rau luộc chấm nước mắm.

không phụ lòng tôi, theo lẽ tự nhiên nước chảy đá mòn, được vài ba tháng, tôi đã dần biết cách giao thiệp, lời lẽ lưu loát hơn, có thể một mình trông coi hiệu buôn. cha tôi đã có thể giao cửa hiệu cho tôi không chỉ những lúc ngắn ngủi đi buôn bán, mà còn kéo dài đôi ngày khi ông muốn mở rộng giao thương sang những tỉnh thành lân cận. tôi giờ đây đã có thể vỗ ngực, đứa con gái khù khờ ngày nào đã khiến cha mẹ tự hào.

tôi cũng dần yêu mến hội an hơn, không chỉ vì lợi lộc mảnh đất này mang lại, mà còn là văn hóa, kiến trúc pha trộn nhiều xứ một cách hài hòa, và quan trọng nhất là sự nồng hậu giữa người với người.

mãi sau này, tôi mới nhận ra, tình cảm của tôi dành cho hội an sâu đậm tới vậy, còn là vì ở hội an có dáng hình người con gái tôi đem lòng yêu cả một kiếp người.

mùa hạ kết thúc, chờ đợi đông ghé sang. tôi bắt đầu mặc thêm nhiều lớp áo hơn, ngăn không cho cái buốt giá chốn phương nam thấm vào da thị. một ngày gần cuối năm, cha tôi đi thương thảo chuyến cuối rồi sắp xếp về nước độ mấy tuần nữa, để lại cửa hiệu cho tôi quán xuyến. dù đã mặc đủ ấm, chẳng hiểu sao tôi cứ sụt sịt rồi húng hắng như mắc cảm. mà có lẽ tôi bệnh thật, cái rét run chảy trong mạch máu làm tôi gật gù ngả xuống chiếc bàn gỗ rồi thiếp đi.

- xin lỗi, có ai ở đây chăng?

thanh âm nhẹ tựa tơ trời, nhưng lại như sợi dây kéo hồn tôi tỉnh giấc. tôi ú ớ vài lời rồi đứng dậy, vừa lúc bắt gặp đôi mắt người thiếu nữ. khoảnh khắc đó cái lạnh đang làm tê liệt não bộ tôi bỗng dưng biến mất, nhường chỗ cho một ấm nước sôi dội thẳng vào mặt, đỏ ửng hai gò má.

dưới ánh đèn dầu lập lòe, em khoác tà áo nhã nhặn, tóc đen tuyền ngang lưng, khóe môi hàm tiếu, mắt ngọc long lanh tựa ánh trăng rằm giữa tiết trời đông giá. thấy có người bán hàng, em liền quay sang kệ trưng bày, ngón tay mảnh khảnh như lá liễu lướt qua mấy món đồ gốm được tỉ mỉ nhào nặn. hóa ra bao ngày khéo léo thương thuyết, hôm nay bản thân chỉ biết đứng đó nhìn em, tưởng như tôi đây cũng biến thành một món đồ gốm, đơ cứng chẳng nói được câu nào.

em chọn một chiếc đĩa men lam vẽ đóa cúc kiku, đưa cho tôi với nụ cười giữ nguyên trên môi. chẳng biết thế nào, có lẽ do bệnh đã có từ trước, cộng với sự bối rối bỗng dưng chui từ xó xỉnh nào ra, tôi hậu đậu đánh vỡ chiếc đĩa. đánh vỡ chiếc đĩa em chọn thậm chí còn khiến tôi run rẩy hơn cái hồi tôi làm vỡ một loạt cốc chén của mẹ, tôi lúi húi đi lấy cây chổi mà vơ lấy những mảnh vỡ vương vãi khắp nơi trên sàn, mồm liên tục nói đi nói lại một câu:

- xin... xin lỗi cô nương. là do tôi hậu đậu. tôi... tôi xin lỗi.

em không đáp lời, tôi nghĩ em đã giận tôi lắm, vì làm hỏng mất món đồ em yêu thích cuối cùng còn sót lại trong cửa hiệu. nhưng khi tôi ngước lên, em rút từ vạt áo trong chiếc khăn tay trắng phau, dịu dàng cầm tay tôi mà lau đi vết xước đang rỉ máu. hóa ra tôi đã cuống cuồng dọn dẹp đống đổ vỡ mà chẳng màng đến mảnh sành đã cứa vào tay tôi thật đau. lạ thay, ngày hôm đó, dù chỉ là xót tí ti, tôi cũng không cảm thấy.

lau xong, em cất chiếc khăn tay đi, mỉm cười:

- không sao đâu. vậy để em chọn chiếc này nhé?

em đưa tôi một chiếc đĩa khác với lá phong momiji, rồi đưa tiền trả mà chẳng để tôi từ chối. tôi lẽ ra nên lấy đủ bạc, nhưng lại chỉ dám nhận một nửa. thực lòng, tôi chỉ ước có thể tặng em mà chẳng khiến em phải bận lòng. mua xong, em cúi đầu chào tôi và ra về. chẳng thể cầm nổi nỗi xao xuyến, tôi lén lút như kẻ trộm ngó đầu khỏi cửa để xem liệu em sẽ đi đâu. bước chân em dừng chân tại tiệm vải cuối phố, khuất dần sau những tấc vải sặc sỡ đủ màu, tựa như tâm trí tôi bây giờ vậy.

đắn đo cả chiều, tôi quyết định sẽ đóng cửa sớm tối hôm đó để rủ em đi hội. gần cuối năm, bà con ở đây dựng hội linh đình lắm, tôi vẫn mê mẩn nhất lễ thả đèn hoa đăng, nhìn hàng vạn ánh đèn trôi lững lờ dưới nước trông thật vui mắt. hồi ấy, tôi chỉ đơn thuần thấy cảnh tượng ấy thật là lung linh mà thôi.

nào ngờ, tôi rời hội an cũng đột ngột như cách tôi đến. cha tôi trở về trong sự gấp gáp, vội vã thu dọn hành trang ngay trong đêm. ông nói với tôi bằng giọng đứt quãng:

- momo, hồi gia thôi, chiến tranh tới rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com