namcam
Tập Đoàn Mafia Trương Văn Cam Và Những Bóng Đen Quyền Lực Bao Che Jul 8, '07 10:06 PM
for everyone
Bước vào đầu năm 2002, báo chí và ngành truyền thông trong nước rầm rộ đưa tin: "Tổ chức tội phạm Trương Văn Cam đã bị triệt phá!" Và, như một phóng viên của tờ báo Thanh niên đưa tin: "Năm Cam bị bắt là một bất ngờ cho mọi người vì họ không ngờ rằng điều đó lại xảy ra!" (?!)
Ẩn số "không ngờ" đó là gì? Và nghiệm số của ẩn số đó, sau khi Năm Cam và đồng bọn bị bắt (12.12.2001), Ban Chuyên Án của Bộ Công An Cộng Sản, do thiếu tướng Nguyễn Việt Thành - Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh Sát - đặc trách, đã giải mã được chưa?
Một câu hỏi lớn cũng là một nan đề khó giải quyết nhất cho ngành an ninh của chế độ Cộng Sản Việt Nam hiện nay.
Để hiểu rõ nguyên nhân và hậu quả của nan đề trên, chúng ta hãy xem xét mọi khía cạnh có liên quan hữu cơ của vụ án Năm Can - vụ án tội phạm theo kiểu Mafia lớn nhất ở Việt Nam từ sau ngày 30-4-1975 đến nay.
1. Lai lịch bất hảo của Trương Văn Cam:
Trương Văn Cam, tục gọi là Năm Cam, sinh ngày 22-4-1947, quê quán Quảng Ngãi. Lưu lạc vào Sài Gòn từ sau năm 1954, Năm Cam đã gia nhập vào đám trẻ bụi đời ở Quận 4, và ra giang hồ từ năm 1962 (16 tuổi) với chân gác sòng bạc cho người anh rể là Bảy Xí ở Quận 4.
Năm 1963, khi Bảy Xí đâm chết tên Lôi - một đầu gấu chuyên đến phá sòng bạc của Bảy Xí - thì Năm Cam đứng ra nhận tội thay cho anh rể trước pháp luật. Vì Năm Cam chưa đủ 18 tuổi nên Tòa Án Sài Gòn chỉ kết án 3 năm tù về tội ngộ sát.
Năm 1965, Năm Cam ra tù, gia nhập vào băng đàn em của Đại Cathay - một trùm giang hồ khét tiếng ở Sài Gòn lúc ấy. Sau đó tên Đại Cathay bị bắt, bị đày ra trại Cửu Sưng ở đảo Phú Quốc, và đã bị bắn chết khi hắn tìm cách vuợt ngục (1967). Nhân cơ hội đó, Năm Cam liền ve vuốt Phan Thị Trúc, người tình của Đại Cathay để dựa vào thế và tiền của ả giang hồ này, nhằm leo dần lên ghế đại ca (!) trong băng nhóm xã hội đen của Sài Gòn.
Đến trước ngày 30-4-75, Năm Cam chỉ hoạt động trong phạm vi Quận 4, và bà Phan Thị Trúc đã trở thành vợ thứ hai (vợ thứ nhất là cô gái giang hồ tên Nguyệt, lấy Năm Cam năm hắn mới 16 tuổi, và sinh được một đứa con trai khi Năm Cam đi tù thế cho anh rể là Bảy Xí. Nhưng sau khi ra tù, Năm Cam không sống với người tình đầu vì cô ta đã ngoại tình với đàn em của Năm Cam). Sau 30-4-75, Năm Cam bị đưa đi cải tạo ở miền Trung. Nhưng năm 1976 hắn đã trốn trại trở về nằm im một ít lâu ở Quận 4.
Cùng thời với Năm Cam, trên địa bàn Quận 4 có Thành Cao một tên cuớp khét tiếng chuyên gây án bằng súng tiểu liên từ trước 30-4-1975. Sau 30-4-1975, Thành Cao tổ chức thêm vài vụ cướp, rồi bị bắt, bị xử tử hình, nhưng hắn cũng để lại cho người vợ giang hồ (tên Lành) một số tiền, vàng và một nhóm đàn em chuyên nghề phạm pháp. Năm Cam được sự đồng tình của Phan Thị Trúc, tiến hành xí đồ "kết hôn giang hồ" với cô Lành.Thế là sau khi Thành Cao chết không bao lâu, cô Lành đã trở thành vợ thứ ba của Năm Cam. Trượt dài trên con đường tình ái giang hồ, để có thêm tiền, thêm thế lực, Năm Cam đã lấy thêm một người vợ thứ tư tên là Mai, trùm cho vay nặng lãi nổi tiếng nhất ở Quận 4. Theo tin đồn, riêng ở Quận 4, Năm Cam có đến 12 bà vợ (?). Các bà vợ của Năm Cam đều thuộc hàng tỉ phú hiện nay (chủ các vựa cá, chủ hụi lớn, chủ tín dụng đen...). Căn biệt thự lầu sang trọng nhất tại con đường chính của Quận 4 hiện nay là của mụ Lành (vợ thứ tư của Năm Cam).
Tuy nhiên, suốt hơn 10 năm (1976-1978) thế lực đen của Năm Cam vẫn chưa vươn ra khỏi Quận 4. Tiền bạc phi pháp vào tay Năm Cam và các bà vợ của hắn đã quá nhiều, nhưng hắn vẫn chưa thỏa mãn lòng tham trở thành một "bố già", làm trùm xã hội đen trong toàn quốc. Trong thời gian mai phục ở địa bàn Quận, hắn đã tìm cách dùng tiền, gái mua chuộc hầu hết những nhân vật cầm quyền ở địa phương.
Sau khi nắm vững thế lực ở địa bàn Quận 4, Năm Cam quyết định mở rộng địa bàn ra toàn thành phố bằng con đường mở sòng bạc lại mà hắn gọi là "tái nghiệp đỏ đen" (1987). Từ sòng bạc này đến sòng bạc khác ra đời khắp các quận, bên cạnh các trường gà cá độ bạc triệu, bạc tỷ... Nhiều người dân lương thiện không hiểu sao các ông công an, các nhà chấp hành luật của chế dộ Cộng Sản ở Sài Gòn vẫn làm lơ cho Năm Cam hoành hành, móc túi người dân một cách phi pháp, trắng trợn. Điều đó đã không còn khó hiểu nữa khi một phóng viên điều tra của báo Tuổi Trẻ đã ghi nhận rằng: "Tiền bạc trải thảm của Năm Cam tung ra, đã giúp hắn mua chuộc, khống chế không ít các nhân vật trong ca'c cơ quan pháp luật".
Nhờ tiền và thế như vậy, nên trong vài năm đầu của thập niên 90, vây cánh xã hội đen của Năm Cam đã mở rộng nhanh chóng lan ra khắp cả nước. Năm Cam đã thu phục được những tay giang hồ khét tiếng giết người, cướp của ở khắp ba miền Bắc Trung Nam, như những tên Mười Đen, Châu Râu, Lương Điếc, Bò Lục, Cu Báo, Cu Tư, Nhật Cùi, Cường Híp, Hải Bánh, Hải Hấp v.v... Những tay nổi danh là sư phụ cờ gian bạc lận trên trường đỏ đen như Ba Mạnh, Quốc Lũi, Sáu Nhà, Thảo Ma, Tùng Hói... đều quy tụ về dưới trướng Năm Cam. Đến năm 1990, Trương Văn Cam đã thật sự nắm chắc được ngọn cờ quyền lực, trở thành ông trùm xã hội đen của Việt Nam. Thanh thế của Năm Cam trong những năm 1991-1995 lên đến mức mà các đàn em của hắn đã dám công khai tiếp cận với một số cán bộ nhà nướcCộng Sản đặt vấn đề trả lương cho họ. Chúng nói: "Lương nhà nước làm sao đủ nuôi vợ con? Có muốn lãnh thêm lương của anh Năm Cam, hơn gấp nhiều lần lương chính không?" (Một số cán bộ đã ăn lương của Năm Cam từ đó!). Và cứ mỗi dịp lễ, Tết đến, quà của anh Năm Cam bằng đường công khai được chở đến tận cổng các thủ trưởng đang giữ chức quyền ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Hà Nội... Một số cơ quan, đơn vị Công An còn chia tiền lì xì ngày Tết cho cán bộ nhân viên, do "anh Năm Cam" biếu.
Công việc làm ăn phi pháp của Năm Cam và đồng bọn được triển khai rầm rộ một cách công khai như không có thứ pháp luật nào dám xâm phạm đến. Bất ngờ, vào giữa năm 1995, trong khi Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN đang chuẩn bị tích cực cho Đại Hội đại biểu Đảng lần thứ 8, sẽ tiến hành vào năm 1996, thì Năm Cam bị bắt không kèn không trống, đưa ra miền Bắc để "cưỡng bức lao động" theo quyết định của Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh, (bởi vì Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao không chịu ký lệnh bắt với lý do là chưa đủ bằng chứng phạm tội!)
Năm Cam bị bắt nhưng băng nhóm của hắn và công việc làm ăn phi pháp của hắn, do mấy bà vợ và đàn em của hắn điều hành, vẫn chạy đều đều trước mặt các nhà cầm quyền Cộng Sản ở các địa phương.
Có dư luận bên lề pháp đình cho rằng: "Anh Năm Sư Tổ còn đó thì còn có ai dám đụng đến phe cánh của Năm Cam!" Lại có dư luận trong xã hội rằng: "Năm Cam bị bắt là do sách lược lùi một bước để tiến lên mười bước của anh Năm Sư Tổ bày kế".
Anh Năm Sự Tổ là ai? Đó là nghiệm số đau đầu đối với ngành an ninh Cộng Sản Việt Nam.
2. Những khuôn mặt thân cận của tên xã hội đen Trương Văn Cam.
Băng nhóm đàn em làm ăn phi pháp của tên trùm xã hội đen Trương Văn Cam thì quá nhiều, đủ loại, ở hầu khắp ba miền. Nhưng thân cận nhất, tín cẩn nhất và được Năm Cam trao việc làm ăn lớn nhất thì chỉ có một số nhân vật trong gia đình và kẻ thân tín của Năm Cam mà thôi. Chính những kẻ này là những kẻ làm mưa làm gió trong các lãnh vực sòng bạc, rửa tiền đen, cho vay nặng lãi... và mua chuộc cán bộ Cộng Sản.
(1) Từ tên lính giải ngũ trở thành "phò mã"
Dương Ngọc Hiệp sinh năm 1963 tại phường 8, Quận 4 Sài Gòn. Hiệp học đến lớp 9 của chế độ CSVN, rồi bỏ học, đi làm phu xe ở Vũng Tàu. Năm 1981, Hiệp trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Trong thời gian tòng ngũ (1981-1984), Hiệp lấy con gái đầu lòng của Năm Cam (con bà Nguyệt) là Trương Thị Lan (sinh 1964). Lúc này Năm Cam đang làm công nhân bốc vác (sau trở thành trùm bốc vác) của xí nghiệp vận tải đường sông.
Năm 1982, cưới vợ, năm 1983 sinh được đứa con trai, đặt tên là Dương Ngọc Hải (hiện đang du học ở Mỹ). Năm 1984, Hiệp xuất ngũ, cùng với vợ bán sơn, cọ ở thành cầu Calmette. Năm 1986, Hiệp gia nhập đội quân bốc xếp của bố vợ ở một số kho của Cosevina đóng ở Quận 4. Từ năm này, Năm Cam đã trở thành anh chị của băng nhóm mở sòng bạc, làm ăn phi pháp ở Quận 4. Và Dương ngọc Hiệp - được gọi là Hiệp Phò Mã - từ từ đi vào con đường giang hồ của bố vợ.
Thời gian cuối thập niên 80, Năm Cam bỏ nghề bốc xếp, mở sòng bạc, từ nhỏ đến lớn, từ Quận 4 lan ra các Quận 5, Quận 3... Tiền càng vô túi Năm Cam, thế lực đứng sau lưng hắn càng mạnh, anh chị giang hồ khắp nơi đổ xô về đầu quân dưới trướng của Năm Cam. Từ đó, Năm Cam được tôn là Vua sòng bài và xã hội đen (1990-1995). Năm 1994, Năm Cam mua một lúc 3 căn nhà trên đường Nguyễn Tất Thành, Quận 4, rồi bỏ ra gần một triệu đô-la Mỹ để xây nhà hàng, khách sạn mang tên Cam.
Từ khi Năm Cam rời khỏi địa vị trùm bốc vác chuyển sang trùm sòng bạc ở Quận 4, thì Dương Ngọc Hiệp cũng chuyển lên làm tài xế cho bố vợ. Đến năm 1998, khi Năm Cam được đàn em tôn làm vua xã hội đen thì Dương Ngọc Hiệp được trao thống lĩnh một số đàn em quan trọng trong việc đâm thuê chém mướn và đi đòi nợ của cái gọi là "Công ty Cho Vay" của Năm Cam (theo kiểu công ty tài vụ của xã hội đen Hồng Kông hay Macao). Hiệp Phò Mã bắt đầu nổi danh. Khi nhà hàng khách sạn Cam bắt đầu hoạt động, Hiệp Phò Mã được Năm Cam cử làm Phó Giám Đốc kinh doanh của nhà hàng khách sạn này. Nhân cái thế đó, Hiệp Phò Mã đã mở thêm một slon ô-tô trên đường Hồ Xuân Hương, Quận 3. Ngoài chức Phó Giám Đốc kinh doanh nhà hàng khách sạn Cam, Dương Ngọc Hiệp còn cai quản luôn mấy sòng bài, trường gà, đường dây cá độ, một số nhà hàng, vũ trường ngoài địa bàn quận 4, kiêm cả chức "sứ giả ngoại giao" của Năm Cam.
Hiệp Phò Mã là một tay giang hồ bắt mánh mạnh nhất và có uy nhất với số cán bộ có quyền lực của thành phố Hồ Chí Minh. Hắn tung tiền can thiệp không chỉ cho đàn em phạm pháp mà cho cả cán bộ bị kỷ luật để biến những cán bộ biến chất, hủ hóa đó trở thành tay sai của Năm Cam. Có lần, có một cán bộ bị công an bắt quả tang đang chiếu phim "con heo" trong cơ quan nhà nước cho một số người xem. Gã cán bộ "ham xem phim sex" này đang đứng trước việc xử lý: Nhẹ thì bị đuổi việc. Nặng thì bị truy tố, đi tù. Anh ta đã đến cầu cứu Hiệp Phò Mã. Và không hiểu Hiệp Phò Mã đã đút lót cho nhân vật quyền lực nào ở Trung ương (hay thành phố) mà ít ngày sau đó, gã cán bộ không những không bị kỷ luật mà lại còn được lên chức - từ cán bộ thường lên Phó Giám Đốc. Cán bộ, nhân viên trong cơ quan này thảy thảy đều lè lưỡi, lắc đầu vì tài phù phép của Hiệp Phò Mã.
Dưới quyền của Hiệp Phò Mã có một đàn em được gọi là "Võ Tướng Lai Em", là một tay đâm thuê chém mướn không run tay. Lai Em sinh năm 1959, thường trú tại bến Chương Dương, Quận 1, xuất thân từ công nhân bốc vác vô danh ở Cầu Ông Lãnh, Sài Gòn. Hắn nổi tiếng nhờ dám liều mạng đâm chết tên anh chị bự khu vực Cầu Ông Lãnh là Đổng Chí Thiện, tự Lượm. Và sau đó, Lao Em lại hạ thủ một tên giang hồ khét tiếng khác là Đổng Chí Nam (1987). Vậy mà Lai Em chỉ đi tù hơn một năm với bản án "giết người vì tự vệ". Năm 1989, Lai Em ra tù, tức khắc trở thành "đại ca Cầu Muối" với thành tích đâm chết hai tay giang hồ họ Đổng là liên tiếp gây án mà không bị pháp luật trừng phạt. Nhờ vậy mà Lai Em đã được Năm Cam thâu dụng. Năm Cam phong cho Lai Em danh hiệu "Võ Tướng" và cho phép giữ lại đội sát thủ của hắn và tiếp tục cai quản khu vực Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hiệp Phò Mã.Theo lệnh của Hiệp Phò Mã, Lai Em nhiều lần mang đội sát thủ đi trừng phạt các băng nhóm làm trái ý tên trùm xã hội đen Năm Cam, như vụ bắt Năm Giao - tên trùm tín dụng đen chuyên khống chế, ép bức giới nghệ sĩ cải lương ở Sài Gòn thời ấy - đem về cho "mẫu hậu" Phan Thị Trúc xử tội! Cũng như vụ hỗ trợ Hồ Viết Sử thanh toán đẫm máu băng đảng của gã giang hồ Đài Loan tên A Lý vào đêm 11-8-2001 tại khách sạn Métropolis trên đường Trần Hưng Đạo.
Thay mặt Năm Cam chỉ huy băng nhóm phi pháp ở thành phố Hồ Chí Minh, khi bố vợ bị đưa ra Bắc cải tạo (1995-1997), và sau khi Năm Cam ra tù và nhanh chóng trở thành ông trùm Mafia Việt Nam (1997-2001), Hiệp Phò Mã cũng đã thay mặt "vua cha" Năm Cam đi khắp ba miền Nam Trung Bắc để thu phục giang hồ cả nước, quy tụ về một mối do Năm Cam đứng đầu. Ngày 12.12.2001, nghe tin Năm Cam bị bắt, Hiệp Phò Mã cứ thản nhiên lái chiếc Spacy chở vợ đi công chuyện, vì hắn nghĩ rằng "Năm Cam bị bắt chỉ là một hình thức trấn áp dư luận, bởi vì kẻ nắm luật pháp quan trọng ở đây có ai mà không nhận tiền và quà của Năm Cam. Cho nên khi hắn bị Công An bắt ngay chiều hôm đó (12-12-2001) trên đường Trần Quốc Thảo (Trương Minh Ký cũ), đã quắc mắc hỏi: "Ai dám bắt tôi! Tôi có tội gì? Muốn bắt tôi phải có lệnh của Ông Năm..." Hắn chưa nói rõ ông Năm nào thì bọn công an đã bịt miệng, còng tay và đưa ngay vào khám tối.
(2) Từ gái bia ôm trở thành chủ nhân "Quán Cà Phê Hoàng Hôn"
Ở khu vực Cảng thuộc Quận 4, Sài Gòn trước 30-4-1975, có một bà chủ động điếm đã vang danh trong làng gái bán trôn là bà Chín M., có ba cô con gái được coi là "sắc nước hương trời", từng làm điên đảo các đại ca giang hồ ở Sài Gòn. Trưởng nữ là Lê Thị Kim Anh, thứ nữ là Lê Thị Kim Ánh và cô út là Lê Thị Kim Vy (tức vợ của tên Bình Kiếm, một đại ca xã hội đen ở Sài Gòn sau 1975).
Vào đầu năm 1990, ở đường Sương Nguyệt Anh, Quận 1 Sài Gòn nổi lên một quán bia ôm máy lạnh mà chủ quán là Lê Thị Kim Anh - sau này đã nổi tiếng là "nữ quái Kim Anh", và trở thành "ái phi" của Năm Cam. Do đó, vào năm 1991 tại quán Kim Anh trên đường Sương Nguyệt Anh đã xảy ra một vụ đâm chém chết người, mà quán Kim Anh vẫn tiếp tục kinh doanh, Kim Anh không bị công an quấy rầy, vì đã có Năm Cam "đi đêm" với một nhân vật quyền lực nhất trong ngành công an.
Sau đó, Kim Anh nhảy vào con đường kinh doanh tình dục được sự bảo trợ của tình lang Năm Cam. Kim Anh đã tuyển lựa từng đàn gái quê mới lớn, lên thành phố để huấn luyện kỹ thuật làm tình. Đội quân bán dâm của nữ quái Kim Anh túc trực 24/24 tại ba địa điểm: nhà hàng máy lạnh Sương Nguyệt Anh (Quận1), một biệt thự kín đáo năm trong hẻm Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3) và một cứ điểm giang hồ nằm trên đường Lê Văn Linh (Quận 4).
Điểm làm ăn đầu tiên của Lê Thị Kim Anh là một cái quán nhỏ nằm ở góc đường Lê Lai - Nguyễn Văn Tráng, Quận 1, Sài Gòn (1987-1989). Đám khách của Kim Anh phần đông là đám có tiền từ các mánh khóe phi pháp. Khách ban ngày của Kim Anh chỉ là những tên trộm cướp nhỏ. Nhưng nửa đêm về sáng mới là loại khách ăn chơi đủ hạng sang, trong đó có cả tên trùm xã hội đen Năm Cam.
Từng đêm, từng đêm chiếc xe du lịch màu trắng của Năm Cam chở một số khách hạng sang khác nhau, có cả một số nhân vật quyền lực của Thành Phố đến nhậu ở quán Kim Anh. Và đêm nào Năm Cam cũng làm "chủ xị". Năm Cam mê thân hình bốc lửa và khuôn mặt đầy tình dục của Kim Anh. Trai giang hồ, gái bán bia ôm kết nhau từ đó. Những cuộc vui thâu đêm suốt sáng diễn ra tại quán Kim Anh là những viên gạch dựng nên "lâu đài tài chánh" để có điều kiện chi phối thế giới ngầm của Năm Cam từ sau năm 1990.
Chính vì từ bờ vực nồng nặc mùi rượu và mùi thơm quyến rũ của những thân xác gái tơ của quán Kim Anh mà một số cán bộ trung cao cấp của Cộng Sản thành phố đã thanh bại danh liệt!
Cuối năm 1989, quán Kim Anh dời về đường Sương Nguyệt Anh cũng thuộc Quận 1 Sài Gòn. Trong khi vẫn sống cuộc tình nóng bỏng với Năm Cam trong bóng tối, thì, để che mắt thiên hạ và tạo điều kiện thuận lợi trong nghề kinh doanh tình dục, nữ quái Kim Anh đã cưới một ông chồng thủy thủ, và sống công khai hợp pháp với chàng thủy thủ bình phong này. Từ nay, nữ quái Kim Anh đã thật sự điều hành guồng máy bán dâm của tập đoàn xã hội đen Năm Cam trong cả nước, nhằm cung ứng sự thỏa mãn tình dục cho đám tư bản ngoại quốc đang làm ăn ở Việt Nam, cũng như thỏa mãn cho tính dâm đãng cho một số nhân vật có quyền lực của chế độ Cộng Sản, và phục vụ tận tình cho bọn ma đầu khoác áo "đại gia".
Cùng thời gian này, trên đại lộ Lê Lợi (Quận 1) có xuất hiện một quán cà phê Karaoke Hoàng Hôn, do đôi vợ chồng Việt kiều ở Canada làm chủ, được khách tới lui tấp nập. Nhận thấy đây là một điểm kinh doanh tình dục tốt, nên nữ quái Kim Anh bày cách cho vợ chồng Bình Kiếm tìm cách chiếm đoạt. Bằng áp lực của băng nhóm xã hội đen, vợ chồng "đại ca" Bình Kiếm đã khiến đôi vợ chồng Việt kiều phải bỏ chạy giữ mạng sống. Vợ chồng Bình Kiếm sau khi chiếm được quán cà-phê Karaoke Hoàng Hôn liền sang lại cho nữ quái Kim Anh. Thế là nữ quái Kim Anh đã thật sự làm chủ bar cà-phê Hoàng Hôn. Kim Anh nhanh chóng biến nơi này làm điểm kinh doanh tình dục và ma túy. Đây cũng chính là trung tâm điều hành đường dây thác loạn và sa đọa nhất của thành phố Sàigòn trong những năm 1995-2001.
Mặc dù trong tay đã nắm được nhiều tỷ bạc trong nghề kinh doanh và ma túy, cùng với việc chia phần trong các sòng bạc của Năm Cam, nữ quái Kim Anh vẫn với tay ra ngoài vòng lệ thuộc Năm Cam. Vì vậy, nữ quái Kim Anh đã làm hậu thuẫn cho vợ chồng Bình Kiếm mở Casino mini chuyên chơi xập xám ở nhiều điểm di động trong thành phố Sàigòn để hốt bạc.
Từ sau năm 1995, nữ quái Kim Anh đã là một trong những tỷ phú của Sài Gòn ăn chơi. Năm Cam không chỉ chia tiền thu được từ các sòng bạc và đường dây buôn tình dục, ma túy cho Kim Anh, mà còn tậu cho nữ quái Kim Anh một căn phố lầu sang trọng tại đường Lê Thị Hồng Gấm, đồng thời xây cất một biệt thự sang trọng nhất nhì thành phố, nằm ngay chân cầu Sài Gòn, bên cạnh biệt thự của Năm Cam, cho "ái phi" của hắn.
Biệt thự của "ái phi" Kim Anh đã được ăn tân gia một cách tưng bừng, rầm rộ với đám khách "đại gia xã hội đen" và các ông tai to mặt lớn có thẩm quyền của Đảng và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đến dự.
Mấy ngày sau bữa tiệc khánh thành tân gia, nữ quái Kim Anh liền bị bắt cùng lúc với đức lang quân (12.12.2001)
(3) Từ một người đàn bà nghèo mạt, trở thành trùm "tín dụng đen"
Ở Sàigòn vào những năm 1990-2000 có một người đàn bà nổi danh là "Má Ba Giang Hồ" - trùm cho vay nặng lãi được gọi là "tín dụng đen", cánh tay kinh tài đắc lực của tên trùm Mafia Trương Văn Cam.
Vậy nguồn gốc của "Má Ba Giang Hồ" là thế nào?
Trước 30-4-1975, ở hẻm 128 Đoàn Văn Bơ (Phường 9, Quận 4) có một người đàn bà tên là Nguyễn Thị Kiệm, thứ ba, nên trẻ nhỏ ở xóm thường gọi là "má Ba". Sau ngày 30-4-1975, cả nhà bà Kiệm đều lên đường định cư tại vùng kinh tế mới (Tân Lập, Hàm Tân, Thuận Hải - nay thuộc tỉnh Bình Thuận).
Năm 1980, bà Ba Kiệm cho 4 đứa con trai vượt biên, đinh cư ở Australia. Năm 1986, Bà Kiệm bỏ vùng kinh tế mới trở về sống ở chốn cũ (hẻm 128 Đoàn Văn Bơ) và nhờ có một chút vốn do các con ở Úc gửi về, bà Kiệm bắt đầu bước vào nghề cho vay nặng lãi ở sòng bạc của Năm Cam trong địa bàn Quận 4. Đây là một "đặc ân" của Năm Cam nhằm đáp lại sự giúp đỡ của bà Ba Kiệm thuở Năm Cam còn là một thiếu niên bụi đời - Năm Cam đã nhận bà Ba Kiệm là chị kết nghĩa. Và từ 1990, bà Ba Kiệm đã trở thành cánh tay đắc lực trong hệ thống làm kinh tài phi pháp cuả Năm Cam với số vốn hàng tỷ bạc.
Thủ đoạn cướp bóc của "Má Ba Giang Hồ" qua "tín dụng đen" đã diễn ra như thế nào, trước mũi của các kẻ chấp hành luật pháp ở thành phố?
Bắt đầu với số vốn vài chục triệu, bà Ba Kiệm cho các con bạc vay đứng (thu trong ngày) với lãi suất từ 30% đến 60% tháng. Dần dần khi số vốn càng lớn (hàng trăm triệu) và người vay càng nhiều, "Má Ba Giang Hồ" tiến hành siết nợ bằng cách tước đoạt tài sản của con nợ theo kiểu xã hội đen. Năm Cam đã chi viện sát thủ cho người chị kết nghĩa trong việc đòi nợ, siết tài sản của các con nợ. Khi số vốn cho vay đã lên được bạc tỷ, "Má Ba Giang Hồ" mới thực hiện xí đồ là "lợi dụng tiền của ngân hàng Nhà Nước để tiến hành tín dụng đen".
Trước tiên, Ba Kiệm tìm cách móc nối các cán bộ ngân hàng ở thành phố cũng như ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh... bằng cách đút lót tiền quà một cách hậu hĩ và cho hưởng hoa hồng (5%) khi được vay tiền của Ngân hàng. Nhờ vậy, mà Ba Kiệm đã vay được hàng chục tỷ bạc để tung vào đường dây tín dụng đen trong hệ thống phi pháp của Năm Cam.
Ngân hàng Nhà Nước cho vay lãi suất 10% năm, Ba Kiệm đem cho vay lại ở các sòng bạc với lãi suất 360%/năm hay cao đến hai lần (720%/năm). Người muốn vay phải có tài sản thế chấp và chỉ vay được 50% giá trị tài sản. Còn "Má Ba Giang Hồ" thì được vay đến 75% trên tổng giá trị tài sản được thế chấp - Hầu hết tài sản thế chấp là tài sản siết nợ (nhà cửa, đất đai). Còn về mặt gía trị tài sản thì do phù phép trong quan hệ đút lót tiền cho cán bộ ngân hàng, mà tài sản của "Má Ba Giang Hồ" bao giờ cũng được trị giá cao hơn tài sản thực tế. Thí dụ: Tài sản thực tế chỉ có khoảng 700 triệu, nhưng khi trị giá cho vay có thể lên đến 1 tỷ đồng. Bởi thế , vốn lưu động để cho vay trong tay của bà Ba Kiệm lúc nào cũng có hàng chục tỷ bạc.
"Má Ba Giang Hồ" đã tổ chức một hệ thống "đại lý" cho vay trong đường dây "tín dụng đen" của Năm Cam, như sau: Các "đại lý" chỉ được phép cho vay dưới 50 triệu đồng. Từ 50 triệu đồng trở lên đều do Tổng đại lý của Ba Kiệm trực tiếp cho vay. Trong 10 năm qua (1991-2001) không biết bao nhiêu "đại gia" giang hồ, cũng như không biết bao nhiêu tỷ phú trong ngành thương nghiệp và địa ốc đã tán gia bại sản, gia đình tan nát vì thủ đoạn cướp bóc trắng trợn trong cái gọi là "tín dụng đen" của "Má Ba Giang Hồ".
Ngay cả những doanh nghiệp cần vốn để buôn lậu (nói lóng là "đánh qua") hoặc sắp phá sản cũng được "Má Ba Giang Hồ" ra tay "giúp đỡ", bằng chính thủ đoạn định giá tài sản của doanh nghiệp nào muốn vay tiền với chính sách áp chế bằng bạo lực. Nghĩa là, "Má Ba Giang Hồ" sẽ mang một số sát thủ đến doanh nghiệp đó đàm phán, định giá tài sản theo cách riêng của bọn xã hội đen mà không cần đến chuyên gia thẩm định hay luật sư. Thông thường là "Má Ba Giang Hồ" định gía 50% trị giá thực tế, và sẽ cho vay với số tiền chỉ bằng 25% giá trị thực của tài sản, và cho vay với điều kiện siết cổ (hàng tháng trả lãi 60%, sau 6 tháng phải trả dứt nợ. Nếu tháng nào không trả lãi đúng kỳ hạn thì lãi chồng lãi tức là lãi tăng gấp đôi). Nhiều doanh nghiệp không bằng lòng nhưng không dám từ chối chính sách áp chế trắng trợn bằng bạo lực của "Má Ba Giang Hồ", vì họ biết chống chế bà Ba Kiệm nghĩa là chống Năm Cam, mà chống Năm Cam thì chỉ có con đường chết. Mụ Ba Kiệm còn "sáng tạo" phương thức cho vay "cuộc" hay vay "độ"- vay "cuộc" có nghĩa là theo từng cuộc chơi bài, và vay "độ" có nghĩa từng độ cá đá gà hay đá bóng. Phương thức cho vay "cuộc" hay "độ" dễ dàng đưa con nợ vào tròng; bởi vì lãi suất nhẹ (5% - 10% /tháng) nhưng thời gian trả nợ thì siết đến nghẹt thở (1-3 tháng). Nhiều con bạc lao vào vay theo phương thức này như con thiêu thân để rồi rơi vào thảm cảnh "vay tiền cuộc - thua bài - tiếp tục vay - tiếp tục thua..." để rồi lãi chồng lãi, không bao giờ trả được khi đáo hạn vay, cuối cùng đành để mất tài sản vào tay của mụ Ba Kiệm (như trường hợp Tài Ngạn ở đường Âu Cơ, quận Tân Bình; trường hợp Nghĩa Trà ở gần nhà Ba Kiệm trên đường Hai Bà Trưng, Quận 1, v.v...)
Mụ Ba Kiệm còn hai thằng con trai ở Việt Nam - Hồ Văn Phú Ba và Hồ Văn Bạc (tự Bé Ba) - cả hai điều nghiện ma túy, chính là hai tên cầm đầu một băng đâm thuê chém mướn, làm nhiệm vụ đi siết nợ cho "má Ba Giang Hồ". Bọn đầu trâu mặt ngựa này thường xuyên tụ hợp tại biệt dinh của mụ Ba Kiệm, số 220 Hai Bà Trưng (Phường Tân Định, Quận 1) để nhậu nhẹt và công khai bàn chuyện đâm chém, thanh toán những con nợ theo kế hoạch của mụ Ba Kiệm. Vậy mà chính quyền, công an Phường, Quận, Thành Phố vẫn để yên cho chúng lộng hành suốt 10 năm trời. Dân chúng chung quanh không ai dám bén mảng đến căn lầu của mụ Ba Kiệm.
Từ một người dàn bà nghèo mạt đi tìm cách sinh sống ở khu kinh tế mới về, chỉ hơn 10 năm đã trở thành bà trùm "tín dụng đen" của tập đoàn Mafia Trương Văn Cam. Đến trước ngày bị bắt, mụ Ba Kiệm đã là một tỷ phú về nhà đất, nhất Sàigòn. Ngoài căn lầu 5 tầng ở số 220 GH đường Hai Bà Trưng, còn có khách sạn nằm trên đường Đào Duy Từ và một biệt thự lầu trên đường 3 tháng 2, mụ Ba Kiệm còn có hàng chục căn nhà lầu, biệt thự, ô tô và các tài sản đất đai khác ở rải rác trong thành phố, tổng trị gía đến hàng triệu mỹ kim.
Khi Năm Cam bị bắt (12-12-2001), mụ Ba Kiệm vẫn ung dung hoạt động phi pháp. Mụ đã tuyên bố rằng: "Anh Năm bị bắt chỉ là cái trò ổn định lòng dân của mấy ông Trung ương thôi!" Mụ đinh ninh không ai làm gì mụ. Cho nên mụ hoàn toàn bất ngờ khi mụ bị công an bắt vào sáng ngày 7-1-2002
(4) Từ ả cướp giật, lừa đảo trở thành Giám Đốc sòng bài
Vào năm 1999, tại tổ dân phố 52, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức có một biệt thự mới xây dựng, rất sang trọng, nguy nga, phủ đá granite bóng lộn, trị giá đến cả ngàn cây vàng, do một người đàn bà khoảng 45 tuổi làm chủ.
Hàng ngày người đàn bà đi về bằng một chiếc ô tô thể thao màu đỏ tươi, hai cửa có cắm cờ đuôi nheo của một nước Châu Âu. Thấy vậy các cấp chính quyền địa phương đều nể trọng. Không ai dám hỏi han, hạch sách gì đối với những người ở trong biệt thự đó. Vào dịp Giao Thừa Tết Canh Thìn (2000), một chàng trai ở trong dinh thự này đã nổ súng thay tiếng pháo. Công an địa phương đến hỏi: "Ai bắn súng đó?". Chàng trai vênh mặt trả lời : "Tôi bắn đó! Các ông ở Phường mà dám đến nhà này hạch sách à? Muốn gì gọi Quận, gọi Thành Phố xuống đây!".
Từ đó, bà con dân phố đều nể sợ bà chủ nhà giàu "có gốc ngoại quốc" này. Nhưng sự thật thì ả chỉ là một người đàn bà xuất thân từ dân cướp giật, lừa đảo, có tên tục là Hà Trề (vì cặp môi trề).
Hà Trề - tên họ thật là Lê Thị Thu Hà, sinh năm 1953 ở Cần Thơ, lên sinh sống tại Sàigòn, ngụ tại hẻm 47 Sô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 21, Quận Bình Thạnh. Trước 30-4-1975, Hà trề sống bằng nghề lừa đảo, cướp giật tại các chợ. Chồng đầu tiên của Hà trề là Phạm Văn Luông (tức Luông Điếc). Luông Điếc là một tên du đãng cắc ké ở Thị Nghè. Sau 30-1975, Hà Trề và Luông Điếc vẫn sống bằng nghề trộm cắp, giựt dọc. Cặp vợ chồng lưu manh này đã có hai con, một trai tên Dũng (Dũng Liều), một gái tên là Thu Trang - Dũng Liều và Thu Trang sau này trở thành trợ thủ đắc lực của mẹ trong việc tranh giành quyền thế phi pháp trên các địa bàn ở các quận ven Sàigòn.
Năm 1976-1977 Hà Trề và Luông Điếc mua bán hàng lậu ở chợ Huỳnh Thúc Kháng (Quận 1). Họ đã quen Năm Cam trong việc buôn bán hàng lậu ở chợ trời phức tạp đó. Hà Trề và chồng có giao tình với Năm Cam từ đấy.
Năm 1987 Năm Cam bắt đầu tái dựng sự nghiệp cờ bạc ở khu Tôn Đản (Quận 4) thì Luông Điếc cũng trở thành đại ca của một băng đâm thuê chém mướn ở Quận Bình Thạnh. Huynh đệ giang hồ cùng sát cánh vươn lên trong "thế giới ngầm" của xã hội đen, dưới "ánh sáng xã hội chủ nghĩa - một xã hội tham nhũng từ chân lên đến đầu". Năm Cam đã truyền nghề mở sòng bạc cho Hà Trề Luông Điếc. Và Hà Trề đã tỏ ra chăm chỉ làm ăn và có bản lĩnh trong nghề điều hành sòng bạc.
Trong khi sòng bạc của Hà Trề đang làm ăn ngon lành thì Luông Điếc lại đổ đốn, chơi bời và lấy thêm vợ bé. Vì vậy, Hà Trề đâm ra buồn chán. Từ đó tai ách liên tiếp đổ lên đầu của Hà Trề: Ngày 13-6-1992, sòng bạc bị công an phá vỡ, Hà Trề bị bắt. Nhờ lo lót tiền, tháng 9-1992, Hà Trề được trả tự do, ả liền nhảy ra miền Trung tham gia băng cướp thuốc gây mê, nên đến ngày 2-10-1992, Hà Trề bị công an Bình Định bắt và bị đưa đi cải tạo lao động dài hạn. Năm 1995, mãn hạn tù, Hà Trề về Saigòn dựng lại sòng bạc cò con, nhưng chỉ đến ngày 22-8-1995, ả lại bị công an Gò Vấp bắt và phải đi tù đến 18 tháng. Tóm lại, trong 4 năm (1992-1995) là những năm xui xẻo nhất của Hà Trề. Ả tưởng rằng số kiếp đã đến thời mạt vận rồi. Nhưng, không ngờ từ vực sâu, Hà Trề đã nhảy lên cương vị Giám Đốc sòng tài xỉu khá quy mô tại khu Văn Thánh. Vậy, bằng cách nào mà Hà Trề vươn lên mau như vậy?
Khi Hà Trề ra tù thì Luông Điếc lại vào tù. Hà Trề tìm gặp Năm Cam để được sự giúp đỡ. Nhờ đó, Hà Trề mới có một số vốn để hùn với Mai Mi-nhon (vợ bé của Luông Điếc) để mở sòng tài xỉu tại khu Văn Thánh (Quận Bình Thạnh). Muốn mở sòng bạc khu này Hà Trề bắt buộc phải tranh chấp thế lực giang hồ với tên Lê Anh Phước (tức Phước Cò), vì hắn đang là đại ca "trị vì" ở khu vực này. Hà Trề giao cho con trai là Dũng Liều ra mặt tranh chấp với Phước Cò. Thế là nhiều trận đâm chém giữa hai phe Dũng Liều và Phước Cò đã xảy ra trên khu vực Văn Thánh - Lộ Đất Đỏ (Phường 25, Quận Bình Thạnh). Sau cùng, cả hai điều bị công an Quận Bình Thạnh bắt.
Minh Bu - một tên giang hồ có nhiều tiền án - tên thật là Phan Văn Minh, sinh năm 1956 tại Đồng Nai, đang trú ngụ đường Hoàng Hoa Thám, phường 13, Quận Bình Thạnh, thừa cơ hội Phước Cò và Dũng Liều đã sa lưới công an, nên đã mang lễ vật đến cống nạp cho Năm Cam và xin được quản lý khu vực Bình Thạnh. Năm Cam cho phép và khuyên dặn chăm sóc Hà Trề trong coi sòng bạc Văn Thánh. Thế là Minh Bu có cơ hội kéo Hà Trề vào vòng tay của hắn. Hà Trề vốn đã chán Luông Điếc, nên dễ dàng lao vào cuộc tình giang hồ mới.
Theo sự chỉ dạy của đàn anh Năm Cam, cặp vợ chồng Hà Trề- Minh Bu đã ra công lôi kéo, thu nạp các băng giang hồ đã bị công an đánh tan trên hai địa bàn Bình Thạnh - Tân Bình, tạo thành một băng nhóm, có nhiều sát thủ máu lạnh. Sòng bạc tài xỉu Văn Thánh khu Tân Cảng được biến thành sòng bạc lớn, không chỉ có tài xỉu, mà còn xì dách, bài cào, xập xám... do Hà Trề làm "giám đốc". Ngoài ra, Minh Bu còn mở thêm một sòng bạc ở hẻm 72 Sô Viết Nghệ Tĩnh (Ph. 21, Q. Bình Thạnh).
Từ hai sòng bạc trên, tiền đổ vào túi của Hà Trề - Minh Bu, như nước chảy không ngừng. Tiền xâu mỗi ngày đã lên đến 30 - 40 triệu đồng. Hàng tháng cặp vợ chồng giang hồ này đã thu được hàng tỷ bạc. Hà Trề dùng tiền bạc và gái mua chuộc được một số cán bộ công an địa phương, nên hai sòng của Hà Trề cứ công khai mở các cuộc chơi 24/24. Do đó, nhiều lần công an thành phố ra quân chụp úp sòng bạc của Hà Trề, nhưng đều không thành công, vì Hà Trề đã được mật báo trước. Có lần vào đêm 23-2-1998, công an Quận Bình Thạnh dự định tấn công sòng bạc Văn Thánh, nhưng trước giờ phát lệnh tấn công thì Đội phó Trần Thanh Sơn đã nhận được điện thoại của Hà Trề, rằng: "Chúng em biết các anh định làm gì rồi! Về ngủ đi các anh ạ, làm lắm thì chỉ khổ thân chứ được cái gì đâu!" Nhưng ví chủ quan, Minh Bu đã bị gài bẫy và bị bắt ngay sau cú điện thoại của Hà Trề khoảng 5 phút. Hà Trề liền tung tiền cứu chồng. Minh Bu lại tự do để tiếp tục hành tẩu giang hồ.
Thế mới biết, một câu nói của Karl Marx - ông tổ của chủ nghĩa Xã Hội - đã thành hiện thực đối với chế độ CSVN hôm nay là: "Đồng tiền đã bào mòn chế độ!"
Sau khi Minh Bu bị bắt, Hà Trề vẫn tiếp tục điều hành hai sòng bạc của ả và sống phây phây, đem tiền mua đất (1.000 mét vuông) ở Hiệp Bình Chánh - Thủ Đức để xây một biệt thự sang trọng (như đã nói ở trên). Mãi cho đến khi Năm Cam bị bắt, ả mới bị hốt theo.
(5) Người đàn bà cai quản "hậu cung" của Trương Văn Cam
Một người đàn bà được đám giang hồ dưới quyền của tên trùm xã hội đen Năm Cam tôn là "mẫu hậu", chính là Phan Thị Trúc. Thị Trúc sinh 1946, hiện ngụ tại 107/30 khu phố 2, phường 6, Quận 3, Sàigòn. Phan Thị Trúc lớn lên ở Quận 4, xuất thân làm nghề gánh nước mướn từ lúc 15 tuổi. Trong những năm 1963 - 1967, nhờ có chút nhan sắc, nên Trúc lọt vào mắt xanh của đại ca giang hồ Đại Cathay. Khi Đại Cathay bị bắn chết (1967), Phan Thị Trúc xáp với Năm Cam và trở thành vợ cả của tên trùm xã hội đen cho đến nay, có tất cả là 5 người con (3 trai, 2 gái). Từ ngày Năm Cam tái lập sòng bạc và làm trùm xã hội đen thì Phan Thị Trúc trở thành người đàn bà số 1 của Năm Cam, và chuyên cai quản "hậu cung" tại số 148 Tôn Đản (quận 4). Tuy ngồi ở "hậu cung" chuyên cai quản mọi chuyện đàng sau những hoạt động phi pháp của Năm Cam, Thị Trúc vẫn tiến hành hoạt động cho vay nặng lãi và tiêu thụ tài sản mà đám giang hồ cướp đoạt của người dân lương thiện. Do đó, Phan Thi Trúc đã có tiền riêng lên đến bạc tỷ.
Từ năm 1988, Phan Thị Trúc tự động lập một sòng tứ sắc ăn thua bạc triệu tại tổng hành dinh ở đường Tôn Đản (quận 4). Tiền xâu của sòng tứ sắc này đều do Phan Thị Trúc nuốt trọn (không kể tiền cung cấp hàng tháng của ông chồng Năm Cam, từ 25 đến 30 triệu một tháng). Đám lưu manh, trộm cướp lớn nhỏ hay tụ tập về chơi ở sòng bài của "mẫu hậu" để lấy lòng Năm Cam, để dễ dàng được "mẫu hậu" cho vay khi túng thiếu. Hột xoàn, vàng, các loại nữ trang cướp giật được điều do Phan Thị Trúc tiêu thụ giùm cho đám đàn em, với tiền hoa hồng từ 20% lên đến 40%. Cho nên, trong thập niên 90, hàng tháng Phan Thị Trúc thu nhập đến 50 - 60 triệu. Phan Thị Trúc còn thu cả tiền "xẻ nai" (bán dâm) của đám gái ăn sương nữa. Vì thế, có thể nói sòng bạc 148 Tôn Đản, Quận 4, một địa ngục khép kín cái vòng quay của đồng tiền phi nghĩa và cuối cùng hội tụ về túi tiền của Phan Thị Trúc. Để có tài sản riêng của mình, Phan Thị Trúc đã mua và xây dựng lại một căn phố lầu ở mặt tiền đường Võ Văn Tần (Quận 3). Bọn giang hồ dưới quyền Năm Cam đều coi đó là "biệt dinh của mẫu hậu", và bên trong "biệt dinh" không biết đã xảy ra bao nhiêu chuyện động trời.
Phan Thị Trúc đã phải rời "hậu cung" 148 Tôn Đản vào ngồi trong khám cùng với Năm Cam (12-12-2001)
3. Từ trùm xã hội đen lên ngôi trùm Mafia Việt Nam
Trước khi trình bày quá trình lên ngôi Trùm Mafia Việt Nam chỉ trong vòng 5 năm (1997-001) của Trương Văn Cam, chúng tôi xin nêu một nghi vấn của công luận trong nước rằng: Năm Cam là trùm xã hội đen là khẳng định chắc chắn, nhưng kết tội là trùm Mafia thì còn phải xét lại. Ngay "Ban chuyên án Năm Cam" vẫn chưa dám kết luận Năm Cam là trùm Mafia, mà chỉ kết tội hắn là "trùm của băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen". Theo chúng tôi, "ban chuyên án Năm Cam" không phải muốn giảm tội cho Năm Cam, mà thừa hành lệnh của Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng CSVN, nhằm giữ uy tín cho ngành an ninh của Đảng, của Chính phủ CSVN. Chứng tỏ ở dưới sự kiểm soát an ninh của chế độ CSVN, bọn Mafia không thể nào hoạt động được.
Hãy xem thực tế là thế nào? Sự thật là chân lý đúng nhất.
Như ở cuối phần I đã trình bày: Năm 1996, Trương Văn Cam đã bị bắt! Người dân lương thiện mừng rỡ và nghĩ rằng "đời của tên trùm xã hội đen sẽ tàn theo năm tháng trong ngục tù chung thân"! Nhưng đâu ngờ sang năm 1997, Năm Cam đã được tự do. Dân chúng Việt Nam nghĩ bụng mà không dám nói công khai rằng: "Ông lớn cộng sản nào đã đóng vai trò thần hộ mạng cho Năm Cam"?
Sau khi ra tù hồi năm 1997, Năm Cam che dấu xí đồ phát triển băng nhóm xã hội đen thành tập đoàn Mafia có một không hai ở Việt Nam trong một thời gian ngắn, bằng thủ đoạn làm như chán cảnh lừa đảo, chém giết, muốn sống "ẩn dật như hiền sĩ" tại 148 Tôn Đản (quận 4). Năm Cam mua chuộc lòng người bằng cách sẵn sàng giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn, bỏ tiền ra làm từ thiện. Nhà ai có tang, Năm Cam đến tận nơi phúng điếu đàng hoàng. Vì vậy mà nhiều người tỏ vẻ kính trọng hắn ra mặt, gọi hắn là "Cậu Năm" hay "ông Năm" một cách nể nang. Năm Cam cũng lợi dụng mối quan hệ với một số cơ quan truyền thông (báo chí, truyền hình để thanh minh thanh nga. Hắn tuyên bố khẳng định rằng hắn đã thật sự "hoàn lương, đang cố gắng trở thành một công dân tốt". Cho nên, một thời gian sau đó, Năm Cam đã tạo được mối quan hệ rộng rãi, thân thiết với nhiều người, nhiều giới trong xã hội Sàigòn; đặc biệt hắn đã "mua chuộc" được một số nhân vật trong các cơ quan luật pháp, một số phóng viên báo chí, đài phát thanh. Và số người này đã tình nguyện làm công cụ tuyên truyền cho sự "hoàn lương đáng khen" của nhà tỷ phú Trương Văn Cam, ông chủ nhà hàng - khách sạn Tân Hải Hà (trước đây là khách sạn Cam). Để lấy sự tín nhiệm của Công An, Năm Cam đã "tình nguyện chỉ điểm" bắt một số tên tội phạm. Nhờ thủ đoạn đó mà Năm Cam đã làm cho một số cán bộ công an "tin tưởng" Trương Văn Cam đã "thật sự trở thành công dân tốt". Thật ra thủ đoạn chỉ điểm của Năm Cam đối với một số tội phạm hoạt động ngoài hệ thống băng nhóm của hắn là áp dụng chiến thuật "mất một được hai" nghĩa là mang tiếng "chỉ điểm" nhưng lấy được lòng tin của công an, đồng thời lợi dụng lực lượng của công an để tiêu diệt những kẻ giang hồ đang chống đối hắn.
Chính cùng trong thời gian này, Năm Cam âm thầm tiến hành kiện toàn tổ chức tội phạm và xây dựng phát triển cái "thế giới ngầm" do hắn làm trùm, không chỉ tại Sàigòn mà còn vươn ra Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang, Hà Nội, Hải Phòng, với vai trò "ông trùm của những ông trùm" giang tay ra đón nhận tất cả các băng tội phạm trong cả nước Việt Nam. Năm Cam đã phân chia địa bàn hoạt động, lĩnh vực làm ăn phi pháp cho các băng nhóm xã hội đen, và hắn đã đóng cương vị "quan tòa đen" để phán xét, xử án bằng việc ra lệnh thanh toán các băng nhóm tội phạm bằng các sát thủ giết người không run tay. Trong những năm 1998-2001, Năm Cam đã thật sự trở thành tên trùn mafia Việt Nam - Bố Già Năm Cam còn có quyền lực mạnh và cao hơn đối với cơ quan luật pháp của nhà nước CSVN, trong con mắt của các băng nhóm tội phạm. Năm Cam đã nuôi dưỡng những "phụ tá phi pháp" đắc lực nhất thực hiện kế hoạch chỉ huy của hắn đạt hiệu quả cao nhất là:
1. Dương Ngọc Hiệp (được đổi họ của Năm Cam tức là Trương Văn Hiệp) được gọi là "Hiệp Phò Mã" (con rể của Năm Cam) quản lý trực tiếp hai nhà hàng lớn tại Sàigòn - Ra Khơi và Métropol - đồng thời chỉ huy một băng vệ sĩ sát thủ thân cận nhất của Năm Cam.
2. Trương Hiền Bảo (con ruột của Năm Cam) là phụ tá đặc biệt của Năm Cam, giữ đường dây liên lạc giữa Năm Cam và các băng nhóm tội phạm, cũng như đối với các nhân vật quyền lực của CSVN tại Sàigòn. Mang danh "Bảo Hoàng Tử", là người sẽ lên ngôi trùm thay cho Trương Văn Cam trong tương lai. Hắn còn trực tiếp nắm đường dây cá độ bóng đá trong toàn quốc.
3. Nguyễn Văn Thu, mang biệt danh là "Đại uý Thọ", giữ chức "thống lĩnh sát thủ" của Năm Cam.
4. Nguyễn Văn Thảo, tục gọi là "Thảo Ma", phụ tá điều hành các sòng bạc của Năm Cam ở thành phố SàiGòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Những nhân vật vừa phụ thuộc, vừa là đối tác làm ăn phi pháp của băng mafia Trương Văn Cam:
1. Nguyễn thị Kiếm, tức "má ba giang hồ", trùm "tín dụng đen".
2. Lê Thị Kim Anh, tức "nữ quái Kim Anh", kinh doanh mãi dâm và ma túy.
3. Hồ Viết Sử, trùm tổ chức móc nối và cá độ bóng đá. Tham gia kinh doanh vũ trường Métropolis.
4. Triệu Tô Hà, tức Tài Ngạn, trùm cờ bạc ở Quận 5, chuyên tổ chức các sòng bạc gian lận cho Năm Cam.
Một số cơ sở kinh doanh công khai của Năm Cam ở Sàigòn là: Nhà hàng Thanh Vy, Bar Hoàng Hôn, Vũ trường Monaco, Nhà hàng Ra Khơi, Nhà hàng Cánh Buồm, khách sạn Métropol và khách sạn Tân Hải Hà (tức khách sạn Cam).
Các tổ chức sòng bạc thuộc quyền bảo kê Năm Cam có: Sòng Lũng Đầu Bò, Tiểu Mô ở Quận 4, Sòng Băng Châu ở Quận 10, Sòng Ba Mạnh ở Quận 8, Sòng Lắm Đen ở Quận 4, Sòng Hà Trề ở khu Văn Thánh Quận Bình Thạnh, v..v...
Các băng nhóm tội phạm có liên quan đến Năm Cam là: Băng Sáu Được, Băng Đông Tây, Băng Minh Sùi, Băng Hải Bánh, Băng Thắng TD...
Các đàn em sát thủ nổi tiếng của Năm Cam là: Lai Anh, Lai Em, Lộc Lì, Bảo, Sơn Bạch Tạng...
Do đó, chỉ trong vòng 5 năm (1997-2001), từ những hoạt động "đen" như đâm thuê, chém mướn, bảo kê, cờ bạc gian lận, cho vay nặng lãi, siết nợ.... Năm Cam đã kinh doanh làm ăn thu lợi bất chính lên đến hàng tỷ tỷ đồng Việt Nam. Và từ nguồn vốn phi pháp đó, hắn đã đầu tư vào các cơ sở làm ăn công khai hợp pháp (vũ trường, nhà hàng, khách sạn...) để quay vòng, rửa tiền đen thành "tiền sạch" để công khai sử dụng trong việc mua nhà, mua đất, ô tô và các phương tiện sinh hoạt hiện đại, và ăn chơi phè phỡn, trác táng hơn cả các nhà tư bản nước ngoài. Có ai có khả năng quăng cả tỷ bạc vào trong việc chi phí hoạt động cho một ngày như Năm Cam đã làm. Nhờ có tiền, chi phối được một số nhân vật có quyền lực ở Sàigòn và Trung Ương, Năm Cam đã vươn mình ra hoạt động, móc nối các tập đoàn xã hội đen ở nước ngoài như: Campuchia, Đài Loan, Úc và Hoa Kỳ. Trong vòng 4 năm (1998-2001) Năm Cam, một trùm xã hội đen, có tiền án đã vô tù ra khám nhiều lần, vậy mà hắn đã được xuất ngoại hợp pháp để đi các nước đến 12 lần. Ai cho phép? Mỗi lần sắp gây án lớn là Năm Cam xuất ngoại, và trở về sau khi vụ án đã hoàn thành.
Đây chính là hình ảnh của tên trùm mafia và đã thực sự gây nguy hiểm cho xã hội Việt Nam!
Tên Năm Cam, đã một thời là nổi ám ảnh đầy khiếp sợ đối với dân làm ăn lương thiện của thành phố Sàigòn (bị mang tên Hồ Chí Minh). Quần chúng nhân dân và một số cán bộ trong guồng máy nhà nước Cộng Sản đã đặt nghi vấn: "Liệu đã có ai đó bao che và làm ngơ cho những hoạt động phi pháp của Năm Cam hay không?" - chắc chắn là có. Nhưng Bộ Công An CSVN vẫn còn giấu tên.
"Trung tâm Rửa Tiền đen" của Năm Cam đặt tại đường Nguyễn Trãi (quận 1). Người ta nhận thấy có nhiều khuôn mặt giang hồ ở ngoài Bắc vào, miền Trung vô, và các băng nhóm xã hội đen của Việt kiều ở Nhật, ở Úc và ở Mỹ cũng quy tụ về đây ăn nhậu, bàn chuyện "rửa tiền đen quốc tế" dưới sự chủ tọa của Năm Cam. Trung tâm này, Năm Cam giao cho vợ chồng Nguyễn Ngọc Trung (Ngọc Râu) và Nguyễn Thị Hồng Tâm làm giám đốc "Công ty Rửa Tiền).
Trong suốt một thời gian dài, Năm Cam làm mưa làm gió ở Sàigòn và vươn ra cả miền Trung, miền Bắc, mà chính quyền CSVN không có biện pháp gì để ngăn chặn những hoạt động phi pháp đẫm đầy máu và nước mắt của người dân lương thiện. Nhiều nạn nhân bị Năm Cam làm cho tan nhà nát cửa mà không dám hé môi tố cáo vì sự bất lực của chính quyền CS ở thành phố. Do vậy, Năm Cam mới dám lên tiếng tuyên bố với đàn em trước mặt cán bộ Công An rằng: "Chuyện luật pháp đã có đại ca lo, các đệ không gì phải sợ!"
Năm Cam và 22 tên đồng bọn đã bị bắt (ngày 12-12-2001) là một điều bất ngờ đối với đàn em giang hồ. Một số nghi vấn nảy sinh: Năm Cam bị bắt kỳ này phải chăng là sự phản phé của các nhân vật quyền lực trong bóng tối đã bao che cho hắn suốt hơn chục năm qua? Thật là còn nhiều bí ẩn phải đưa ra ánh sáng trong vụ án trùm mafia Trương Văn Cam.
4. Những bóng đen quyền lực bao che cho Năm Cam
Tổ chức mafia của Năm Cam là một tổ chức "quyền lực đen" đã được gây dựng và phát triển bằng tiền và máu của người dân lương thiện. Đây là một hệ thống tội phạm được tổ chức chặt chẽ và thống nhất dưới quyền điều hành của Trương Văn Cam.
Trong mấy năm cuối thế kỷ 20, tại "đại bản doanh" của tên trùm mafia, ngày nào Năm Cam cũng công khai có một cuộc họp với những phụ tá và các tên trùm bằng nhóm hoạt động trên các lĩnh vực đen dưới quyền của hắn, để xem xét kết quả của ngày trước và ra chỉ thị thực hiện kế hoạch của ngày sau. Từ đó mệnh lệnh của Năm Cam được truyền đi xuống tận các cơ sở hoạt động phi pháp (sòng bạc, tín dụng đen, kinh doanh sex, buôn ma túy, khủng bố siết nợ, trộm cướp...)
Chúng ngang nhiên hội họp rồi hoạt động công khai, nhưng mãi đến tháng 10/2001, do sự tố cáo dồn dập của quần chúng nhân dân - những nạn nhân của Năm Cam, mà hồ sơ tố cáo đã chồng chất như núi, nên tập đoàn lãnh đạo Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng dưới quyền Nông Đức Mạnh thấy đã đến lúc phải triệt hạ tập đoàn tội phạm Năm Cam.
"Ban chuyên án Năm Cam" đã được thành lập, do thiếu tướng Công An Nguyễn Việt Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát của bộ Công An, đặc trách. Và hơn 2 tháng sau (10/2001 - 12/2001) thì Năm Cam và 22 đàn em của hắn đã bị bắt. Bộ Công An CS đã vui mừng kết luận là đã "triệt phá được tổ chức tội phạm có hệ thống tổ chức lớn nhất và nguy hiểm nhất trong xã hội từ trước đến nay". Trong một bữa tiệc mừng công của "Ban chuyên án Năm Cam", trung tướng Thứ Trưởng Bộ Công An CSVN Lê Thế Tiệm tuyên bố: "Chúng ta phải triệt tiêu mọi quyền lực của Năm Cam để chúng không còn điều kiện dùng tiền mua chuộc, lôi kéo tha hóa cán bộ." (Báo Công An).
Vì vậy, sau khi tiến hành "Chuyên án Năm Cam đợt 1" (bắt Năm Cam và đồng bọn) thành công, Bộ Công An CSVN quyết định tiến hành "Chuyên án Năm Cam đợt 2" (tra xét và xử phạt những cán bộ bao che cho tập đoàn tội phạm Năm Cam). Theo như tuyên bố của thiếu tướng Nguyễn Việt Thành rằng: "Giai đoạn mới của vụ án Năm Cam còn khó khăn hơn nhiều lần so với giai đoạn trước, vì liên quan đến những kẻ dung túng, bao che cho bọn tội phạm". (Báo Công An, 11/3/2002) Công minh mà nói, lần này trong "Chuyên án Năm Cam", Trung Ương Đảng CSVN đã hạ quyết tâm trừng trị những cán bộ, đảng viên đã bị Năm Cam mua chuộc và đã trở thành một bức tường thành bao che tập đoàn tội phạm Năm Cam suốt hàng chục năm qua tại thành phố Sàigòn. Nhưng liệu họ có làm thẳng tay đối với tất cả những bóng đen quyền lực bao che cho Năm Cam, hay chỉ "giơ cao đánh khẽ", chỉ thí chốt giữ xe?
Bắt đầu tiến hành "Chuyên án Năm Cam đợt 2", Bộ Công An mà đại diện là trung tướng Lê Thế Tiệm và thiếu tướng Nguyễn Việt Thành đã họp với thành uỷ Sàigòn vào ngày 10 tháng 3 năm 2002, để duyệt xét "Danh sách 83 cán bộ có liên quan đến Năm Cam" (theo tiết lộ của một thành uỷ viên, không tiện nêu tên). Và theo quyết định của cuộc họp liên tịch này thì sẽ đem xét xử 51 người trong số 83 cán bộ đã có trong danh sách cán bộ có liên quan đến Năm Cam!
Danh sách số cán bộ, đảng viên đã bị Năm Cam dùng tiền đen mua chuộc hoàn toàn được giữ bí mật trước khi đem ra xét xử công khai. Tuy nhiên, hiện nay báo chí Sàigòn cũng đã tiết lộ tên một số người bị Năm Cam tha hóa như sau:
1. Thượng tá Dương Minh Ngọc (Sở Công An thành phố Hồ Chí Minh)
2. Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung (Sở Công An Thành Phố HCM)
3. Thân Thành Huyện (Phó Giám đốc Sở CA thành phố HCM)
4. Hoàng Linh, phóng viên chuyên điều tra xã hội của báo tuổi trẻ
5. Quang Thắng, Phó Ban Thư Ký tuần san báo Công An
6. Một thủ trưởng đương nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật của thành phố HCM (còn giấu tên).
Ngoài ra, báo chí Sàigòn còn tiết lộ đã có đến 3 cán bộ công an giữ trọng trách Trưởng Phòng Hình Sự của Sở Công an thành phố (một trong ba người này đã về hưu). Đặc biệt, một cán bộ công an làm Trưởng Phòng Chống Tội Phạm đã là anh em kết nghĩa với Năm Cam. Hơn nữa, hầu hết những cán bộ công an phụ trách các quận của thành phố, ít nhiều đã có quan hệ tiền bạc, gái, ăn nhậu hoặc nhận quà tặng hậu hĩ của Năm Cam.
Ngành Công An thành phố đã tha hóa đến như vậy, nên rất dễ hiểu về sự lộng hành công khai của trùm mafia Năm Cam trước mặt luật pháp ở Sàigòn, một trung tâm kinh tế chính trị của Việt Nam.
Tuy nhiên, giới thông tin vẫn chưa thấy xuất hiện một tên nào của những "bóng đen quyền lực" trong danh sách 83 người có liên quan đến vụ Năm Cam. Xét cho cùng, suy cho tận, đây chỉ là một số cán bộ công an cấp đại tá trở xuống thôi! Phải có những tay cấp cao hơn như cấp Trung Ương Đảng chẳng hạn? Quả tình thật khó khăn cho Ban Chuyên Án Năm Cam. điều gì sẽ xảy ra bất ngờ trong việc tiến hành "Chuyên án Năm Cam đợt 2"?
Còn ông "Năm Sư Tổ" là ai? Tại sao tập đoàn tội phạm Năm Cam coi như là lá bùa hộ mệnh cho chúng?
Theo sự tiết lộ của một thành ủy viên của thành phố HCM thì ông "Năm Sư Tổ" này có một bề dầy lý lịch cách mạng đáng nể. Ông "Năm Sư Tổ" đã từng là ủy viên Bộ Chính Trị kiêm Bộ Nội Vụ, có lúc Lê Đức Thọ - uỷ viên Bộ Chính Trị kiêm Trưởng ban Tổ Chức Trung Ương Đảng định đưa ông "Năm Sư Tổ" lên làm Tổng Bí Thư Đảng thay cho Nguyễn Văn Linh. Ông "Năm Sư Tổ" hiện đang hưu trí tại một ngôi biệt thự lớn và sang trọng nhất ở thành phố Sàigòn. Cuộc sống của "Năm Sư Tổ" là một cuộc sống "ngồi mát ăn bát vàng của thời đại" mà không có một lãnh tụ nào của CSVN hiện nay sánh bằng!
Mặc dầu ông "Năm Sư Tổ" đã về hưu, nhưng quyền lực đen của ông rất lớn. Với hàng đệ tử do ông đào tạo từ sau ngày 30-4-1975 trên cả nước của ngành công an và một số ngành kinh tế và văn hóa xã hội, từ trung ương xuống địa phương, đủ mạnh để ông ta tiến hành một cuộc lật đổ chính trị. Do đó, Năm Cam đã tìm chỗ dựa ở ông "Năm Sư Tổ"!
Ông "Năm Sư Tổ" có hai đệ tử ruột chuyên lo tiền và gái cho ông: một là bác sĩ Thiên Trường, hai là Năm Cảnh (nguyên là Phó văn phòng thành ủy Sàigòn). Năm Cam đã giăng lưới tiền và tình mua chuộc Thiên Trường và Năm Cảnh. Từ Thiên Trường (đưa gái đẹp, trẻ) và Năm Cảnh (thu tiền), Năm Cam đã được ông "Năm Sư Tổ" nhận bảo trợ trong bóng tối. Từ đó, Năm Cam đã được sự gửi gấm của ông "Năm Sư Tổ" cho hàng đệ tử đương quyền của Sở Công An thành phố HCM. Thế là một hệ thống bao che cho Năm Cam hoạt động phi pháp đã được hình thành.
Cũng theo nguồn tin này, hàng tháng Năm Cam đã phải cung cấp hàng tỷ bạc cho ông "Năm Sư Tổ", và hàng đêm cung cấp gái đẹp cho con dê già này. (Ngay nữ quái Kim Anh cũng đã hiến thân cho cho Năm Sư Tổ hưởng dụng).
Thử hỏi Ban Chuyên Án Năm Cam do thiếu tướng Nguyễn Việt Thành có giám đụng tới "Năm Sư Tổ" hay không?
Nếu những bóng đen quyền lực (như Năm Sư Tổ) không được đưa ra trước vành móng ngựa của Tòa án Nhân Dân, thì chắc chắn sẽ còn có tên mafia họ Trần hay họ Nguyễn xuất hiện thay thế cho Năm Cam để gây rối loạn xã hội, nguy hiểm cho cuộc sống của dân lành.
Chúng ta hãy chờ xem người đứng đầu Đảng CSVN sẽ xử lý "Năm Sư Tổ" như thế nào? Uy tín của ông Nông Đức Mạnh còn ngồi ghế Tổng Bí Thư một nhiệm kỳ nữa hay không cũng do thái độ cương quyết trừng trị những quyền lực đen đã bao che tập đoàn tội phạm Năm Cam.
Nhân dân trong cũng như ngoài nước, đang theo dõi sự phán xét của luật pháp đối với những quyền lực đen đã bao che cho Năm Cam!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com