Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

1.

Hôm nay là thứ Sáu, tôi vẫn đến lớp dạy như bao ngày. Lớp tôi chủ nhiệm không hẳn là xuất sắc, nhưng cũng chẳng thể gọi là tệ. Các em không phải học sinh giỏi toàn diện, nhưng lại có những khoảnh khắc khiến tôi thấy ấm lòng và tự hào. Dù đôi khi còn ham chơi, nghịch ngợm, nhưng các em vẫn biết quan tâm, hỏi han, và lo lắng cho cô giáo của mình một cách rất chân thành.

Tôi nhớ mãi lần mình phải phẫu thuật gấp vì viêm ruột thừa. Hôm ấy, đủ 35/35 em trong lớp đã tìm đến bệnh viện để thăm tôi. Dù là học sinh cấp ba, vậy mà đứa nào cũng ôm theo nào là trái cây, nào là bánh, sữa. Có em nhà không khá giả, chỉ mang mấy trái xoài hái vội ngoài vườn, mà tôi lại thấy quý vô cùng. Có em thì hát hò cho tôi nghe, có em bày trò để tôi cười. Cả một góc phòng bệnh lúc đó rộn ràng như sân trường vào giờ ra chơi. Tôi nhìn các em, trong lòng trào dâng một cảm xúc khó gọi thành tên – vừa thương, vừa biết ơn, vừa cảm thấy mình may mắn khi làm nghề giáo. Vì đâu phải ai cũng có được một tập thể học trò biết yêu thương như thế.

Tôi lại chợt nhận ra rằng ngày mai đã là thứ Bảy. Buổi sáng sẽ họp ở trường như lệ thường, buổi chiều lại có buổi họp lớp với tụi bạn cấp hai – những gương mặt thân quen đã lâu chưa gặp. Và rồi ngày mốt là Chủ nhật, tôi được nghỉ, không cần soạn giáo án hay vội vã chạy xe tới lớp. Nếu là mọi khi, tôi sẽ dành phần lớn thời gian để ngủ bù, đi dạo một vòng cho thư thả đầu óc, rồi tự thưởng một bữa ăn ngon như cách xoa dịu bản thân sau một tuần dài. Nhưng hôm nay, tôi không muốn cứ tiếp tục theo nhịp quen thuộc ấy nữa.

Tôi quyết định sẽ đi du lịch – đến Nha Trang. Không phải vì tôi có kế hoạch rõ ràng, cũng chẳng phải vì ai rủ rê. Chỉ đơn giản là tôi muốn gió biển xoa dịu mình, muốn nắng miền Trung hong khô những nghĩ suy. Và một lý do nữa, nhỏ thôi mà cũng lớn lắm: thứ Hai tuần sau là sinh nhật thứ 29 của tôi. Cái mốc tuổi không còn quá trẻ, cũng chưa gọi là già, nhưng đủ để tôi hiểu rằng: đôi khi, mình phải tự tạo ra những dịp đặc biệt để biết rằng mình vẫn sống – và xứng đáng với niềm vui.

Tôi xin nghỉ việc hai ngày để đi. Lúc đầu, khi nộp đơn xin nghỉ phép, thầy hiệu trưởng có vẻ hơi bất ngờ, ngẩng đầu lên khỏi xấp giấy tờ, mắt vẫn còn vương nét ngạc nhiên.

– Nhà cô Liên có việc gì à mà lần này nghỉ tận hai hôm thế?

– Dạ không, thứ Hai tuần sau là sinh nhật em, nên em định đi xa một chuyến.

Thầy hơi nhướng mày, rồi cười khì:

– Đi xa? Cô đừng đi bỏ bọn tôi đấy nhé, chưa ai được ăn cưới cô đâu đấy!

Câu nói vừa dứt, cả hai cùng bật cười. Thầy hiệu trưởng vẫn luôn như thế – tính tình cởi mở, đôi khi còn pha chút nghịch ngợm như một người anh lớn trong trường. Dù đã là người quản lý, thầy vẫn thường hay đùa giỡn với học trò. Tôi còn nghe kể ngày xưa, thầy từng là người truyền cảm hứng mạnh mẽ, khiến không ít học sinh quyết tâm theo đuổi nghề giáo – cái nghề mà thầy gọi là "trồng người bằng trái tim và sự kiên nhẫn".

Tôi cười:

– Ha ha, thầy chọc em hoài. Em đi du lịch thôi ạ, chắc là sẽ đến Nha Trang. Em hứa sẽ mua dầu gội về làm quà cho thầy nha.

Vừa nói, tôi vừa liếc lên đỉnh đầu bóng loáng của thầy – nơi ánh đèn huỳnh quang đang phản chiếu như một chiếc gương nhỏ. Thầy cau mày, giả vờ giận:

– Cô trêu tôi là tôi không cho nghỉ đấy!

– Ha ha, em xin lỗi thầy mà!

– Hừm...

Thầy giả bộ quay đi, còn tôi thì che miệng cười khúc khích như một học trò bị thầy bắt quả tang đang nghịch ngợm. Không khí văn phòng hôm ấy, vì cuộc đối thoại ấy, bỗng trở nên nhẹ nhàng và ấm áp lạ thường.

Thầy xoay người, lục lọi gì đó trong ngăn bàn. Tôi lấp ló thấy thầy kéo ra một cuốn sổ nhỏ đã sờn góc – đó là lịch dạy của từng giáo viên trong trường. Vừa giở sổ, thầy vừa nói:

– Cô Giang Hàm Liên đúng không nhỉ?

– Dạ đúng rồi thầy.

Thầy lật đến khoảng giữa cuốn, rồi chầm chậm lật lui lại vài trang, mắt chăm chú như đang tìm kiếm điều gì đó quan trọng. Đến một trang nào đó, thầy dừng lại, nheo mắt nhìn kỹ:

– Thứ Hai cô chỉ có một tiết ba. Thứ Ba thì... không có tiết nào.

– Dạ đúng rồi thầy.

Thầy trầm ngâm một chút, có lẽ là đang cân nhắc, rồi khẽ gật đầu, đóng sổ lại. Tiếng sập nhẹ của cuốn sổ vang lên trong không gian tĩnh lặng của phòng làm việc.

– Vậy cô cứ nghỉ đi nhé. Hôm đó cô nhờ thầy Sơn hay cô Hạnh đến lớp thay là được. Đi chơi vui đi, một năm chỉ có một ngày sinh nhật mà.

Tôi mỉm cười, trong lòng vừa nhẹ nhõm vừa biết ơn:

– Dạ, em cảm ơn thầy nhiều.

Thầy khoát tay, cười nửa miệng:

– Ừm. Nhưng đừng quên mua quà cho tôi đấy nhé.

– Dạ, sao mà em quên quà của thầy được.

Tôi đáp lời, vừa cười vừa khẽ cúi đầu. Cả hai nhìn nhau bật cười – một cái cười nhẹ nhàng, thân tình, không chỉ giữa đồng nghiệp mà còn như giữa hai người bạn già lâu ngày biết trân trọng niềm vui giản dị. Tôi chào thầy rồi quay đi, bước ra khỏi phòng với một cảm giác hân hoan lạ lùng. Có lẽ chuyến đi sắp tới sẽ thật đẹp – bắt đầu từ chính sự đồng cảm nhỏ bé như thế này.

Chiều hôm ấy tôi không có tiết dạy, nên thay vì vội vã quay về nhà như thường lệ, tôi ghé ngang siêu thị mini gần trường để mua ít đồ về tự nấu ăn. Cũng chẳng có kế hoạch cụ thể gì – tôi bước vào cửa với chiếc giỏ xách nhẹ tênh trong tay trái, tay phải thì đút vào túi áo, bước chầm chậm giữa ánh đèn trắng dịu mắt và nền nhạc nhẹ lửng lơ trong không gian điều hòa mát lạnh.

Gian hàng đầu tiên tôi ghé là khu thực phẩm tươi sống. Tôi đứng nhìn một hồi rồi quyết định sẽ làm món cánh gà chiên. Món ấy dễ ăn, lại có vẻ hợp với tâm trạng đang cần một chút gì đó giòn rụm, đậm đà. Tôi kéo túi nilon, gắp cánh gà, rồi quay sang khu bán rau, rồi chỗ bán bột, mua thêm những nguyên liệu cần thiết cho bữa tối tự thưởng.

Nhìn qua giỏ, tôi nghĩ mình đã đủ đồ. Nhưng rồi nhớ lại cái tủ lạnh trống trơn – hậu quả của một đêm khuya đói bụng và một cuộc "càn quét" sạch sẽ – tôi lại quay ngược trở lại, bắt đầu gom thêm mọi thứ để lấp đầy chiếc tủ lạnh cô đơn ấy.

Tít. 2kg cánh gà.
Tít. Sườn heo nhập khẩu Đức túi 1kg.
Tít. Cá basa phi lê, bún khô, trứng gà, sữa, nước trái cây, rồi cả vài gói snack mà tôi chẳng rõ có ăn đến hay không.

Máy thanh toán không ngừng phát ra tiếng "tít" đều đều, túi hàng ngày một to hơn. Những người đứng xếp hàng phía sau bắt đầu đưa mắt nhìn tôi. Không nói gì, chỉ nhìn. Nhưng với tôi, chỉ vậy thôi cũng đủ để khiến lòng mình nhoi nhói. Tôi có làm gì sai à? Tôi đã muốn hỏi như thế. Nhưng tôi không nói ra, chỉ cúi đầu nhìn đôi tay của cô thu ngân đang thoăn thoắt gõ máy. Tôi thực sự rất sợ khi bị người khác nhìn chằm chằm – không phải vì lo lắng họ đánh giá, không phải vì sợ bị hiểu lầm – mà đơn giản chỉ là... sợ. Một nỗi sợ rất mơ hồ, như thể ánh mắt của người khác là một thứ gì đó có thể làm tôi vỡ ra thành từng mảnh.

Tuần trước tôi cũng đến đây, cũng mua nhiều như thế, và cũng bị nhìn y như vậy. Khi đó, tôi ước gì có thể chỉ cần mua hàng qua app rồi nhờ người ta giao tận nhà – không cần đi, không cần gặp ai, không cần hứng lấy ánh mắt của những người xa lạ.

– Của chị hết hai triệu ba trăm bảy mươi lăm nghìn đồng. Chị thanh toán bằng tiền mặt hay chuyển khoản ạ?

– Chuyển khoản.

Thanh toán xong, tôi loay hoay rinh bốn bọc đồ ăn to đùng ra đến bãi giữ xe. Có người đi ngang còn tưởng bọc đồ đang lơ lửng vì không thấy tôi đâu giữa đống túi cao hơn cả yên xe.

Phịch. Tôi đặt tất cả lên xe, thở phào một cái nhẹ tênh. Hình như... mình mua hơi nhiều rồi thì phải. Cỡ này chắc ăn một tháng không hết. Nhưng thôi, kệ. Miễn là về nhà nhanh, về đến giường sớm, nằm ngủ một giấc thật sâu, thì ngày hôm nay – với tôi – cũng xem như trọn vẹn rồi.

Tôi phóng con xe lao thẳng về nhà. Đường về nhà chưa bao giờ khiến tôi thấy nhàm chán – vì bản thân tôi luôn liên tưởng đủ thứ chuyện trong lúc chạy xe. Ý nghĩ chồng lên ý nghĩ, lan man rồi chệch hướng, tôi thường đùa gọi đó là "ảo tưởng có tổ chức", hay theo ngôn ngữ thời thượng là... ADHD. Nhưng đôi khi, những đoạn tưởng tượng đó lại là một cách để bản thân tự lấp đi khoảng trống trong lòng – những khoảng trống mà khi vừa thấy căn nhà hiện ra trước mặt, tôi lại bị nó đánh úp.

Đó là căn nhà của tôi – nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần trở về, tôi vẫn thấy mình như hụt một nhịp thở.

Cách đây năm năm, tôi từng háo hức mỗi lần được về sớm – nhất là khi không có ca dạy chiều. Những ngày ấy, tôi sẽ rủ mẹ và chị hai đi "phượt" một vòng thành phố, qua mấy con đường ven biển, rồi ghé vào hàng quán nhỏ xíu nhưng ấm cúng đến lạ.

Nhưng sáu năm trước, mẹ tôi mất. Một cơn đột quỵ bất ngờ. Không ai ngờ, không ai chuẩn bị được điều đó.

Hôm ấy, cả nhà đều đi làm. Chị hai làm cách nhà 10km, anh rể thì tận 15km, còn tôi – tôi đi dạy ở trường xa hơn, những 17km. Mẹ ở nhà một mình. Và rồi, bà ra đi... cũng trong cái im lặng tuyệt đối của một buổi trưa bình thường.

Tôi vẫn nhớ rõ cái ngày hôm đó. Là thứ Bảy. Trường học bù vì một dịp lễ trước đó.

Tiết cuối cùng, tôi đang đứng trên bục giảng, cổ họng khô khốc vì nói suốt từ sáng đến giờ. Giữa lúc đang hướng dẫn học sinh làm bài, thì điện thoại tôi reo lên. Tôi cười với lớp:

– Cô có điện thoại, mấy em làm 5 câu hỏi trang 76 sách giáo khoa trước đi, xíu cô gọi lên bảng lấy điểm cộng nha.

Cả lớp lập tức nhốn nháo như ong vỡ tổ. Tôi cảnh cáo:

– Còn ồn ào là trừ 3 điểm vào bài kiểm tra 15 phút sắp tới đó!

– Đừng mà cô...

Tiếng năn nỉ quen thuộc làm tôi bật cười, rồi bước nhanh ra hành lang. Tôi móc điện thoại trong túi ra. Là chị hai gọi.

– A lô, nghe nè bà g...

– Lem, về nhà đi em!

Chị tôi cắt ngang lời, giọng nói không lớn, không gấp, nhưng... bình tĩnh đến rợn người.

– Hả?!

Tôi khựng lại. Linh cảm trào lên như một làn sóng lạnh buốt, tôi bắt đầu ngờ ngợ. Từ đầu dây bên kia, tôi nghe tiếng anh rể, dường như đang nói gì đó... có từ "rạp", rồi "hoa"... Tim tôi co rút lại.

– Hai... có chuyện gì đúng không?

Giọng tôi nghẹn lại. Nước mắt đã dâng lên, chỉ chực trào ra.

– Cứ về đi rồi nói.

Tút... tút...

Chị hai tắt máy. Đột ngột. Lạnh lùng. Mà cũng như một sự xác nhận không lời cho nỗi sợ tôi đang cố chối bỏ.

Tôi đứng lặng vài giây. Rồi lau vội nước mắt. Hít sâu. Gượng vào lớp.

– Các em dọn dẹp đồ rồi im lặng ra về nhé. Hôm nay cô cho về sớm... nhưng nhớ đi nhẹ nói khẽ, đừng làm phiền các lớp khác.

Cả lớp bất ngờ, sau đó vui mừng như được thả tự do. Có một em học sinh kéo tay áo tôi, hỏi nhỏ:

– Nhà cô có chuyện gì hả cô?

Tôi nhìn em, nhưng chẳng trả lời. Trong đầu tôi khi ấy chỉ còn văng vẳng câu nói: "Về nhà đi em."

Tôi chạy xe như bay, tay vặn ga đến tối đa. Đầu óc quay cuồng với những suy đoán. "Rạp"? "Hoa"? Họ hàng có ai cưới sao? Nhưng nếu cưới thì liên quan gì đến tôi? Sao phải về gấp như thế? Tại sao... giọng chị lại lạnh vậy? Và sao tôi lại sợ đến mức không dám tin?

Tôi cứ thế chạy, càng lúc càng nhanh. Gió tát vào mặt như muốn đánh thức, nhưng càng tỉnh thì lòng tôi càng hỗn độn. Chỉ mong đó là một hiểu lầm. Mong chị tôi đùa dai. Mong là mình suy diễn. Nhưng sâu thẳm trong tim, tôi biết – có những nỗi sợ, khi chúng đến trong im lặng, chính là sự thật khủng khiếp nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com