Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

2.

Mở cửa bước vào nhà, mùi không khí ẩm khiến tôi nhăn mặt khó chịu. Bỏ mấy bọc đồ xuống, tôi giơ tay mở cửa sổ để thoáng bớt mùi hôi.

Tôi ở nhà này một mình, trước kia lúc còn mẹ, thì cả gia đình tôi, mẹ, chị hai, anh rể và tôi sống cùng nhau. Nhưng từ khi mẹ mất, hai năm sau chị tôi cũng có con và dọn ra ở riêng. Nói ở riêng thì thế, nhưng chúng tôi vẫn sống chung một khu dân cư, cách nhau khoảng chừng 100m. Mỗi tối chị ấy vẫn thường hay dẫn bé sang chơi cùng tôi, đôi khi cả gia đình còn ngủ lại.

Đặt đồ xuống bàn, tôi xắn tay áo lên và bắt đầu công việc. Đầu tiên là chất đống đồ ăn này vào tủ lạnh. Xong rồi ngâm rau và rửa cánh gà. Tiếp theo đó sẽ lăn bột nó và chiên.

Chiên để dầu không văng thì con bỏ chút bột mì tinh vô lúc dầu chưa nóng chứ!

Bỗng đầu tôi văng vẳng giọng của mẹ. Rõ ràng, như thể bà vẫn đang đứng ngay sau lưng tôi, tay cầm chiếc muỗng gỗ quen thuộc, đôi mắt nghiêm khắc mà trìu mến. Tôi đứng lặng vài giây, lòng thắt lại. Không phải vì cánh gà, không phải vì mùi dầu, mà vì nỗi nhớ chực trào nơi lồng ngực.

Những lúc như thế này, căn bếp bỗng trở thành nơi chứa đầy hồi ức – của những bữa cơm sum họp, tiếng cười đùa lan qua cả hiên nhà, và cả mùi thơm của món ăn mẹ nấu. Bây giờ, chỉ còn tôi và những tiếng vọng cũ kỹ của quá khứ. Nhưng cũng chính chúng khiến tôi cảm thấy mình không thực sự cô đơn. Như thể mẹ vẫn đang ở đây, dõi theo từng lát cắt thịt gà, từng tiếng sôi lách tách trong chảo dầu.

Tôi mỉm cười, nhỏ một ít bột mì tinh vào chảo – như lời mẹ dặn – rồi nhẹ nhàng thả từng miếng cánh gà vào, nghe tiếng xèo giòn rụm vang lên giữa gian bếp tĩnh lặng.
*
- Sao vậy hai? Chuyện gì?
Tôi hớt hải chạy từ ngoài xe vào nhà. Chưa kịp thở, tim đã đập thình thịch vì linh cảm có điều gì đó chẳng lành.

Bước vào cửa, tôi thấy mẹ nằm bất động trên sofa. Chị tôi ngồi thẫn thờ bên cạnh, đôi mắt nhìn vô định như thể không còn nhận ra xung quanh nữa.
- Mẹ đột quỵ. – Giọng chị khàn đi – Nay tan làm sớm nên tao về coi sao. Còn mua thêm sương sáo cho mẹ... Tính chiều mày về rồi nhà mình đi dạo vòng chơi với nhau... Ai mà có dè...

Cổ họng chị nghẹn lại, như có gì đó chặn ngang khiến từng lời nói cũng trở nên nhọc nhằn. Tôi nhìn thấy đôi mắt chị đỏ hoe, chắc đã kìm nén từ lâu. Không một giọt nước mắt rơi ra, nhưng sự lặng lẽ ấy còn đau hơn cả tiếng khóc oà.
- Xíu người ta mang rạp với đồ lại, em coi tranh thủ lau người, thay đồ cho mẹ đi em.

Anh rể từ ngoài bước vào. Giọng anh đều đều, một tay đút túi như cố giữ bình tĩnh cho cả nhà. Nhưng chỉ vừa dứt lời, anh khựng lại, nhận ra bầu không khí đặc quánh đang phủ kín căn phòng.

Không nói thêm, anh rảo bước đến ngồi cạnh chị tôi.
- Chuyện đã vậy rồi... cũng không ai muốn cả... – Anh nói, giọng chậm rãi – Bây giờ mình cứ lo hậu sự cho mẹ xong trước đi. Rồi gia đình mình tính tiếp.

Tôi gật đầu, chẳng còn lời nào có thể diễn tả cảm xúc lúc ấy. Như thể mọi thanh âm trên đời đều tan biến, chỉ còn tiếng đồng hồ tích tắc, và một nỗi trống rỗng đang len lỏi khắp gian nhà.

Đứng lên, tôi đi về phía mẹ. Đôi tay run run chạm vào thân thể đã lạnh đi của người từng cả đời hy sinh cho gia đình. Tim tôi nhói lên một nhịp... rồi cứ thế mà nghẹn lại, không sao thở nổi.
*
Pặc!
Tiếng dầu bắn tí tách đưa tôi trở về với hiện tại.
Ấy chết, lo nghĩ đâu đâu mà chảo đã nóng từ lúc nào. Khói bốc lên nghi ngút, bao trùm cả gian bếp.

Tôi vội vàng tắt lửa, ho sặc sụa. Tay đảo, lòng vẫn còn ngổn ngang.

Chiên xong, tôi mở điện thoại gọi cho chị hai:

– A lô, đang ở đâu vậy?
– Ở chỗ làm, chuẩn bị chạy về nè. Sẵn tiện ghé rước Bắp bên nhà nội nó luôn.
– Sao nãy không kêu em rước luôn? Hôm nay thứ Sáu em được nghỉ chiều mà.
– Nội nó nói nhớ nên giữ chơi chút. Chiều hai ông bà đi Cần Thơ thăm người quen rồi rước về.
– Ừm... Vậy xíu rước xong, hai mẹ con ghé nhà em ăn cơm luôn nha... Ê chết, quên mất tiêu!
Tôi bật dậy, đập trán: lo chiên gà mà quên mất... nấu cơm!

– Quên nấu cơm nữa hả bà hai?
– Đoán như thần vậy đó.
– Rồi ăn với gì? Hay ghé chợ mua thêm gì về làm luôn.
– Khỏi, em làm xong hết rồi.
– Ừ, vậy thôi. Về đây, 30 phút nữa tới.
– Ok.

Tắt máy. Hôm nay có thêm chị hai với cái Bắp, chắc lát nữa anh An cũng về ăn cơm. Tôi xách nồi, xúc ba lon gạo đầy rồi nấu. Rồi tranh thủ đi tắm cho khỏe người.

Từ phòng tắm bước ra, tôi như được tái sinh. Một tuần đi dạy, ngày nào cũng nói đến khản cổ. Chưa kể nói đi nói lại, bước tới bước lui, lặp đi lặp lại để học sinh hiểu cho tới nơi tới chốn. Lại còn dạy đội tuyển học sinh giỏi – áp lực thì nhiều, kỳ vọng thì lớn. Nếu không cảm thấy mệt, chắc tôi phải xem lại coi mình có còn là người không.

Tôi đi tới máy giặt, nhét đồ vào rồi bấm nút.

"Nhét thì nhét vừa vừa thôi, nhét cho cố rồi mai mốt hư máy là cái thân già này lại phải lôi ra giặt tay cho nữa."

Giọng nói ấy – âm thanh thân quen ấy – lại vang lên trong đầu, rõ mồn một.
Mẹ.

Không biết từ bao giờ, những lời nhắc nhở giản dị như thế đã trở thành một phần trong tôi. Chúng vẫn ở đó, văng vẳng giữa những khoảng lặng đời thường, như thể mẹ chưa từng rời đi.

*

Tang lễ diễn ra khá suôn sẻ. Khách đến viếng đều là người quen của gia đình tôi: họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm... Có cả những học trò cũ từng học tôi ghé thăm, gửi lời chia buồn.

Bất ngờ nhất là tụi lớp chủ nhiệm hiện tại. Bình thường đứa nào cũng hay đùa, hay giỡn. Bưng thùng nước cho bạn nữ thì cũng làm bộ than thân trách phận, càm ràm đủ thứ. Vậy mà lần này, đứa nào đứa nấy bỗng chốc nghiêm túc lạ kỳ.

Từ sáng sớm đã thấy chúng nó có mặt ở nhà tôi. Tụi nó ngồi suốt đến chiều, tối lại còn dẫn cả phụ huynh tới viếng. Có đứa thì bưng đồ ăn, nước uống tiếp khách. Có đứa thì lo đưa nhang, đưa đèn. Có đứa chiếm luôn vị trí giữ xe, cứ dắt tới dắt lui không nghỉ tay. Hễ thấy chỗ nào cần là tụi nhỏ nhào vô làm, không cần ai nhắc.

Đến khoảng tám giờ tối, đường bắt đầu vắng, khách cũng thưa dần. Tôi phải năn nỉ mãi tụi nhỏ mới chịu về nghỉ. Vậy mà sáng hôm sau, từng đứa lại có mặt đông đủ. Nhìn tụi nó lăng xăng mà trong lòng tôi ấm lên một chút giữa những ngày đau thương. Thật sự... đáng yêu và đáng quý làm sao.

Nhưng rồi, khi màn đêm buông xuống, khi không còn mấy người tới lui nữa... thì nỗi buồn mới thật sự trào dâng. Không còn tiếng trò chuyện, không còn khách khứa để lo tiếp, không còn việc để bận rộn... Căn nhà trở nên lặng lẽ lạ thường.

Chị tôi cuối cùng cũng không kìm được. Chị gục vào vai anh rể, khóc nức nở.

Còn tôi... tôi lại không thể khóc. Không phải vì tôi không đau. Trái lại, tôi muốn khóc, tôi rất muốn. Muốn được òa lên như một đứa trẻ, muốn để nước mắt cuốn trôi hết nỗi đau này. Nhưng không thể.

Tôi nhớ đã từng đọc đâu đó: "Khi nỗi đau đạt đến cực điểm, con người ta sẽ chẳng thể khóc."
Lúc ấy, tôi mới hiểu được sự thật trong câu nói ấy.

Mắt tôi cứ lưng tròng, chực trào, nhưng chẳng một giọt nước mắt nào chịu rơi. Như thể cả tâm hồn tôi cũng đang đứng lặng người trước mất mát quá lớn này.
*
Tôi giật mình quay trở lại hiện thực.
Đi vào phòng, nằm nghỉ lưng một chút, bật nhạc lên nghe cho thư thả đầu óc trong lúc chờ chị và cháu tới.

Ting ting.
– Dì Lem ơi! Bắp đến với dì đây!
– Dì đâu mất tiêu rồi?
– Mở cửa! Mở cửa!

Tôi hốt hoảng chạy ra.
– Rồi rồi rồi, đừng có đập nữa! Muốn gỡ luôn cái cổng nhà tui mới chịu hả cô nương?
– Tại dì lâu quá, để Bắp với mẹ Trúc đứng chờ nãy giờ chớ bộ!

Con bé chống tay lên hông, bĩu môi, lắc lắc cái mông một cái thật kêu. Dễ thương hết sức!
Tôi liền nhập vai, khom người cúi đầu:
– Xin mời hai cô chủ vào nhà ạ!

Con Bắp cười khúc khích, chạy vèo vào trong. Chị tôi lững thững dắt xe vào sau.
– Về lâu chưa?
– Cũng lâu. Mà tại ghé siêu thị nữa nên thấy cũng không lâu lắm.
– Ừ. Anh An mày sắp về tới rồi đó. Tính rủ mày chiều đi ăn ngoài nè.

Tôi quay sang nhìn chị với gương mặt hờ hững.
– Sao?
Tôi chống tay lên hông:
– Em mới nấu ba lon gạo mà giờ rủ đi ăn ngoài?

Chị tôi chưa kịp tháo nón bảo hiểm đã quay sang liếc tôi một cái:
– Mày nấu cho cả khu này ăn hả mà nấu dữ dị!
– Ai mà biết. Lỡ tay. Giờ ráng ăn bao nhiêu ăn, chiều muốn đi đâu thì đi.
– Ừ, mai mốt nấu vừa thôi nha má.
– Ok, con gái cưng của ta.

Một lúc sau, anh rể tôi cũng về nhà. Nghe vợ với con đã ở nhà tôi nên ghé luôn. Cả nhà quây quần bên mâm cơm.

Trong lúc ăn, chị tôi nhắc đến chuyện đi Nha Trang:
– Rồi tính thứ Hai đi Nha Trang hả?
– Không, sáng Chủ nhật em đi luôn để dư thời gian. Em chỉ nghỉ được tới thứ Ba, thứ Tư phải dạy rồi.
– Gì ít dữ vậy? Sao không đi nguyên tuần? – Anh An chen vô.
– Đi nguyên tuần về em bị đuổi luôn đó. Thứ Hai nhờ được anh Sơn dạy giùm tiết ba, thứ Ba thì em nghỉ, chứ thứ Tư là full time luôn.
– Mà mày đi một mình tao không yên tâm. – Chị tôi nói rồi đặt đũa xuống, uống một ngụm nước.

– Rồi cho cả nhà bà theo, tốn tui một khoảng thì mới yên tâm hả bà hai? – Tôi đùa lại.

Khựng.
Tôi nói gì sai hả ta?

Ba người lớn đang ăn ngon lành bỗng ngừng nhai, nhìn con bé Bắp rồi đồng loạt quay sang nhìn tôi... rồi phá lên cười.
– Xàm! Tại lo mày đi xa thôi.
– Em 29 tuổi rồi mà. Không phải con nít đâu, khỏi lo hen.

Không ai nói gì thêm nữa. Chỉ còn tiếng thìa chạm bát, tiếng tivi phát nho nhỏ bên ngoài.
Cả nhà tiếp tục ăn trong sự yên tĩnh dễ chịu. Khung cảnh ấy thật ấm áp, thật bình yên.

Tối hôm đó, sau khi cái Bắp đã ngủ một giấc no nê từ trưa, cả nhà tôi rủ nhau ra ngoài đi dạo. Không có biển, không có gió mặn hay tiếng sóng rì rào, nhưng thị trấn về đêm vẫn có vẻ đẹp riêng — nhẹ nhàng, thân quen, như một bài hát không lời cũ kỹ mà mình chẳng bao giờ chán nghe.

Chúng tôi đi bộ trong khu dân cư, đường không quá đông, ánh đèn vàng từ các cột điện tỏa ra lấp lánh trên mặt đường vừa mới được tưới nước. Con Bắp cầm theo cây kẹo, nhai rộp rộp, vừa đi vừa nhảy chân sáo. Chị tôi với anh rể đi chậm rãi phía sau, còn tôi thì lững thững đi giữa, tay đung đưa cái túi vải đựng hai chai nước suối lạnh.

Hai bên đường, vài nhà mở cửa cho mát, tiếng TV vọng ra lẫn với mùi cơm tối và tiếng muỗng va vào chén lách cách. Một quầy hủ tiếu trước hẻm vẫn đỏ lửa, mùi xương hầm thơm ngào ngạt. Thằng nhỏ phụ mẹ bưng tô, chạy qua chạy lại cười toe toét. Chúng tôi đi ngang qua, chị tôi nói nhỏ:

– Mùi như vầy là chỉ muốn ăn nữa thôi á...

Tôi quay sang:
– Chắc hồi trưa ăn chưa đủ. Em nấu ba lon còn chưa hết mà.

– Ờ, tại bà nấu ngon chứ bộ. – Anh rể tôi cười.
Tôi nghe mà lòng thấy ấm. Dù biết là nói chơi, nhưng vui lắm.

Con Bắp bỗng dừng lại, nhìn lên bầu trời:
– Mẹ ơi, sao hôm nay có nhiều sao vậy?
– Tại hôm nay trời không có mây đó con.
– Dì Lem, mẹ nói vậy đúng hông?
– Ờ, mẹ con nói đúng rồi, con gái yên tâm đi. – Tôi bật cười.

Chúng tôi dừng lại ở cái công viên nhỏ cuối đường, nơi có cái xích đu cũ và hai cái ghế đá. Con Bắp chạy ào tới leo lên cầu tuột. Tôi ngồi xuống ghế đá, ngửa mặt nhìn trời. Một vài con dơi lượn qua, tiếng xe máy lác đác chạy ngang, tiếng đèn huỳnh quang kêu rè rè... tất cả yên tĩnh theo cách rất riêng của một tối bình thường.

– Không cần đi xa đâu. – Chị tôi khẽ nói khi ngồi xuống bên cạnh. – Có mấy lúc như vầy là đủ vui rồi.

Tôi gật đầu. Đúng vậy. Không cần biển, không cần gió trời. Chỉ cần có người thân, có một con đường đủ dài để đi bên nhau, và một khoảng trời vừa đủ để ngẩng lên nhìn sao.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com