Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Sông Hương nơi thượng nguồn

"Xanh mượt bờ xanh Huế, Huế ơi!

Cỏ cây đây đã hóa vườn trời

Người đi bước nhẹ không nghe tiếng

Mà nặng lòng yêu biết mấy mươi"

(Huế vấn vương)

Nếu như trong địa hạt thi ca từng có một Huy Cận nặng lòng thương nhớ dải đất miền Trung trầm mặc, tự tình như thế thì trong thế giới của bút kí, người ta không thể nào quên nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường với tâm hồn thấm đẫm dáng hình, tình ý nơi Huế mộng, Huế mơ. Huế trong lòng họ - mỗi người nghệ sĩ đều là cố đô đọng lại bao xúc cảm, nỗi niềm cùng dòng sông Hương thơ mộng êm trôi. Qua ngòi bút uyên bác dịu dàng của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chắp bút cho "Ai đã đặt tên cho dòng sông?", đã họa lại bức tranh Hương Giang không chỉ xinh đẹp, duyên dáng như người con gái xứ Huế mà còn giàu truyền thống, ý nghĩa trong trang sử Việt Nam, đặc biệt là qua đoạn trích: "..."

Nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá Hoàng Phủ Ngọc Tường là "một trong mấy nhà văn viết kí hay nhất của văn học ta hiện nay". Có lẽ vì thế mà ta chẳng thể kể ra hết những câu, những chữ, những lóng lánh tài hoa trên những trang kí viết về sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Văn phong ông có những câu đẹp như không phải là viết mà như trào ra từ đầu ngọn bút trong một "phút linh" không trở lại. Chính bởi thế nhà văn Tô Hoài, một trong những bậc thầy về văn nghệ từ ngữ, khi giới thiệu tập ký của ông đã phải bật thốt lên rằng: " Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trầm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời cùng với đất trời, sông nước của Huế".  Dành hơn nửa đời người gắn bó với vùng đất Huế thương, nhà văn đã xem cố đô như cả bầu trời yêu thương của mình. Bởi thế, Huế chính là nguồn cội, là máu thịt, là nỗi nhớ nhung mà nhà văn đã mang theo suốt một đời cầm bút. Bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" chính là kết tinh từ tình yêu sâu nặng ấy. Được sáng tác năm 1981, in trong tập sách cùng tên, tác phẩm đã khắc họa hình ảnh sông Hương cùng cảnh sắc thiên nhiên và thủy trình độc đáo của nó dưới cái nhìn của một cái tôi tài hoa, uyên bác, nặng lòng với quê hương, xứ sở.

Tuy nói "Ai đã đặt tên cho dong sông?" có phần nhiều nghiêng về tùy bút, tức là thiên về chất trữ tình và sự phóng khoáng nhưng cái hồn cốt của nó không vì thế mà mất đi. Bản chất của kí là ghi chép và người viết chính là "thư kí trung thành của thời đại". Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người thư kí như thế và thậm chí còn là một "thư kí" xuất sắc của dòng Hương giang. Ông am tường về sông Hương trên mọi bình diện lịch sử, văn hóa, địa lí. Ở góc độ địa lí, Hoàng Phủ Ngọc Tường tìm hiểu sông Hương trực tiếp ở thượng nguồn để phát hiện nhiều vẻ đẹp khác nhau của dòng sông. " Nhà sáng tạo nghệ thuật" đã mở đầu bài kí của mình bằng một câu văn đầy chủ quan: "Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất." Lời mở đầu nồng nàn ấy không chỉ đem đến cảm giác sở hữu đầy thương mến cho dòng sông quê hương mà nó còn thể hiện niềm tự hào sâu sắc khi mặc nhiên thừa nhận sông Hương ngang hàng với những dòng sông đẹp trên thế giới. Điều đó cũng thật dễ hiểu bởi chính tác giả từng tâm sự "Những dòng sông luôn mang lại cảm xúc sáng tác cho tôi, đã nuôi dưỡng tâm hồn văn học tôi từ nhỏ cho đến bây giờ và mãi mãi sau này. Chính sông Hương đã nuôi mạch máu văn chương trong con người tôi, giúp những mạch máu ấy lan toả và sống mãi cho đến hôm nay".

Dưới con mắt độc đáo của nhà văn, sông Hương hiện lên với ấn tượng đầu tiên khó phai mờ bởi nó được ví như "một bản trường ca của rừng già", một bản trường ca được cất lên từ những âm vang mãnh liệt của núi rừng hùng vĩ đại ngàn. Người yêu văn khó có thể quên được những câu tùy bút đẹp như một bản nhạc với đầy đủ những nốt trầm nốt bổng: "rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng". Hình ảnh so sánh độc đáo khiến sông Hương hiện ra với cả chiều rộng hùng vĩ và dòng chảy mãnh liệt trong niềm ngưỡng mộ và say mê của nhà văn. Bởi trường ca là một áng văn chương có dung lượng lớn mang đậm cảm hứng ngợi ca, bản trường ca thường nhiều chương đoạn, nhiều tiết tấu, lúc bổng lúc trầm, lúc tha thiết bị ai, khi sử thi hùng tráng. Liên tưởng như vậy kết hợp với so sánh "như một cơn lốc" nhà văn đã mang đến cho người đọc vẻ đẹp của một con sông với dòng chảy hùng vĩ tráng lệ. Dòng sông trôi chảy trong lòng dãy Trường Sơn hùng vĩ ẩn khuất nơi mây trời nên đã nhận vào nó tất cả những sắc thái phong phú đa dạng của rừng già : khi "rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn khi "mãnh liệt qua những ghềnh, thác" khi " cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn" và có khi lại "dịu dàng say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng". Câu văn dài với hình ảnh so sánh nổi bật cùng cấu trúc câu từ được điệp lại liên tiếp và sự liên thanh liên tục của những động từ mạnh "rầm rộ", "cuộn xoáy" đã thể hiện mặt tính cách sôi nổi, hoang dại của dòng sông đặc biệt nơi xứ Huế mộng mơ. Hình ảnh "rừng già bóng cây đại ngàn, những ghềnh thác, cơn lốc, những đáy vực bí ẩn" như tiếp thêm cho câu văn sức mạnh hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. Nhưng giữa những hùng vĩ, dữ dội ấy, dòng Hương cũng không đánh mất đi vẻ dịu dàng và nên thơ của mình khi đi qua "những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng". Nguyễn Tuân từng nhận xét: "Kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa". Ở đây, "ánh lửa" ấy đã hiện rõ qua màu đỏ "chói lọi" của hoa đỗ quyên rừng. Một "ánh lửa" ấm nóng xua tan đi cái lạnh lẽo, réo rắt của những ghềnh thác, của những cơn lốc mà khiến cho con sông trở nên rực rỡ, tỏa sáng hơn bao giờ hết. Bằng việc sử dụng những động từ mạnh, từ láy, so sánh liên tưởng, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm trọn công việc của một nhà văn, đem đến cho độc giả cái nhìn độc đáo, thú vị về vẻ đẹp vừa mãnh liệt, vừa nên thơ của dòng sông Hương xứ Huế.

Cùng viết về dòng sông với những khám phá độc đáo, đặc biệt về những vẻ đẹp đối lập nhau, nếu Nguyễn Tuân vẽ nên vẻ đẹp hùng vĩ, hiểm trở của sông Đà bằng ngôn ngữ tài hoa, uyên bác, sắc cạnh: "Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá chợt lòng sông Đà như một cái yết hầu" Thì với Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông không tả đá bờ sông, không vẽ nên khung cảnh cheo leo nguy hiểm mà ông nhìn Hương giang như một cô gái với cá tính mạnh mẽ, hoang dã. Bằng biện pháp tu từ nhân hóa, nhà văn đã ví sông Hương tựa như một "cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại" với "một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng". Qua đó, làm nổi bật lên cái vẻ sôi nổi tràn đầy sức sống của dòng sông khi người ta nghĩ đến một người con gái tuổi đôi mươi, tinh nghịch nhảy xoay tròn bằng đôi chân trần linh hoạt, với nụ cười lanh lảnh trong vắt, tựa tiếng chim. Đồng thời mang đến cả những hình dung về một dòng chảy lắt léo, ưa khám phá, ưa tự do được rừng già Trường Sơn hun đúc suốt từ thuở cha sinh mẹ đẻ, rất mạnh mẽ và tràn đầy sức sống.

Cá tính và man dại như một cô gái Di gan, phóng khoáng rồi chốc lại dịu dàng đằm thắm như cách một cô gái tinh tế khéo léo bộc lộ mình, Hương giang đã vững vàng qua từng giai đoạn của đời sông. Đến khi "Ra khỏi rừng sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở". Nhà văn đã nâng dòng sông từ một người con gái trở thành một người mẹ, một hành trình thiêng liêng đã góp phần tạo nên, gìn giữ, bảo tồn văn hóa của một vùng thiên nhiên xứ sở. Đến với Huế, sông Hương uốn lượn quanh co mang theo hương thơm của cây cỏ thiên nhiên như một sự sắp đặt mà tạo hóa ban tặng cho miền đất này. Sông Hương góp phần kiến tạo nên nét văn hóa của Huế, với những thành quách, những công trình kiến trúc hai bên bờ đã soi hình bóng xuống dòng sông tựa như bức tranh phong thủy hữu tình. Sông Hương bồi đắp nên "phù sa" cho nền văn hóa cố đô, hun đúc tạo nên những "hạt cát vàng" trong tinh hoa xứ Huế. Nếu không có sông Hương, Huế dường như mất đi một linh hồn, Huế sẽ chẳng còn là Huế nữa. Sông Hương đã cùng Huế làm nên "mọt vùng văn hóa xứ sở". Thế nhưng, dù có công trạng to lớn cho miền đất Kinh kỳ xa xưa, "dòng sông hình như không muốn bộc lộ" để được ngâm nga hay ngợi ca tô vẽ, Hương giang đã chọn một đời sống lặng lẽ, âm thầm chảy trôi, hài hòa trong nét đẹp của chiều sâu văn hiến. Nếu không dành trọn tình yêu cho sông Hương, liệu chăng Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể khắc họa được nét đẹp chiều sâu trong "tính cách" của dòng sông gây thương nhớ ấy hay không? Từng câu văn, nhịp văn tựa như từng nốt nhạc của tình khúc cùng với đó là trí liên tưởng mới mẻ, sáng tạo qua các hình ảnh so sánh, nhân hóa, Hoàng Phủ thực sự đã dẫn chúng ta trở về trên chuyến hành trình đi tìm cội nguồn của sông Hương và cũng từ đó mà say đắm, si mê trước nét đẹp vừa kì bí, dữ dội vừa dịu dàng nhưng cũng đầy trí tuệ khi là "người mẹ phù sa" của dòng sông ấy. Kì thực, lại có ai ngờ rằng có một dòng Hương lững lờ trôi giữa lòng xứ Huế đã mang theo những đặc điểm tính cách ở thượng nguồn đầy cá tính và mãnh liệt như vậy? Để rồi, văn nhân đã lên tiếng nhắc nhở ta rằng "người ta sẽ không hiểu đầy đủ bản chất của Hương với cuộc hành trình đầy gian truân mà nó đã vượt qua, không thấu hiểu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng". Đọc đến đây độc giả mới thấy được sự am hiểu sâu sắc về mọi ngóc ngách trên dòng sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tưởng – người am hiểu văn hóa, yêu thiên nhiên quê hương đất nước. Có lẽ đối với ông sông Hương – cố đô Huế như quê hương thứ hai của mình mà nặng lòng và gắn bó sâu sắc với sông Hương. Ta có cảm giác tình yêu xứ Huế của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có chút đồng điệu với nhà văn Tô Hoài gắn bó mảnh đất Tây Bắc trong lời tâm sự "Mảnh đất Tây Bắc để thương để nhớ cho tôi nhiều quá, không thể và không bao giờ quên mảnh đất đau thương mà nhiều hy sinh ấy". Bằng thứ ngôn từ "lóng lánh bụi vàng", nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm rõ bản sắc của sông Hương. Đó không chỉ là một dòng chảy tự nhiên hình thành từ cấu trúc địa hình mà còn là một dòng sông được ví như con người với vẻ đẹp tâm hồn sâu thẳm, đầy nữ tính.

Ai đó đã từng nói: "Nhà văn phải là người sống sâu với cuộc đời do đó hết sức nhạy cảm với vấn đề xã hội và những vấn đề ấy thôi thúc khiến nhà văn biến chúng thành cảm hứng. Tuy nhiên để có những tác phẩm lớn người viết cần phải có những tư tưởng, quan niệm và phải có năng khiếu nghệ thuật, đó là sự tưởng tượng và những kĩ năng sáng tạo". Đi trên thiên chức của một nhà văn, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lặn sâu vào từng nét sông qua mỗi mùa, qua mỗi khúc giao cảm, qua mỗi chặng hành trình của Hương giang để thấu hiểu mọi ngõ ngách của dòng sông. Bằng việc kết hợp giữa tài hoa độc đáo và sự uyên bác về văn hóa, địa lí, lịch sử, nghệ thuật cùng trường liên tưởng, so sánh, ví von phong phú, thú vị và lối hành văn súc tích, hướng nội, mê đắm, dạt dào cảm xúc, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã hấp dẫn người đọc chìm đắm trong dòng chảy êm ru, hiền hòa của một người con gái Hương Giang tài hoa, dịu dàng, sắc sảo, quyến rũ, đa tình mà kín đáo, lẳng lơ nhưng chung tình, khéo trang sức mà không lòe loẹt phô trương. Chất trí tuệ và chất trữ tình đã được khéo léo kết hợp một cách nhuần nhuyễn để tạo nên những trang văn nên họa nên thơ. Tất cả đã góp phần tạo nên nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật mê đắm và tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông xứng đáng trở thành một nhà văn tiêu biểu và xuất sắc khi viết về dòng sông cố đô xinh đẹp mà mộng mơ này.

Albert Camus đã nghẹn ngào xúc động khi tâm tình về cái đẹp "nó cho chúng ta một giây phút thoáng nhìn cõi vĩnh hằng mà chúng ta muốn vươn tay ra toàn bộ thời gian". Rồi một mai, những cái "tầm thường, mực thước" của văn chương sẽ tan biến đi, để lại cho nhân gian chút rung động còn mãi, ấy chính là cái đẹp.  Một lần đến với Hương giang, một lần nhìn nhận về cái đẹp của một con sông vừa phóng khoáng man dại, vừa mềm mại, dịu dàng là một lần hiểu về cái "rung động còn mãi", mà đã hiểu thì sẽ yêu, yêu bằng một tấm lòng của kẻ đã lỡ say mê cái hương sắc muôn đời của tùy bút Hoàng Phủ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com