Câu chuyện 2: Góc khuất của truyện Kiều
Một số chi tiết có thể sai sót, lệch đi so với nguyên bản "Truyện Kiều" Nguyễn Du. Nhưng về cơ bản thì giá trị tinh thần vẫn giữ vững.
Hoàn toàn viết theo quan điểm của mình, qua quá trình học thì mình có một số cảm nhận hơi khác so với thầy cô dạy:))))
---------------------------------------o0o------------------------------------
"Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da."
Một đoạn thơ ngắn trích trong phân đoạn "Chị em Thúy Kiều" mà mỗi người khi nhắc đến đều lấy nằm lòng. Tôi biết đây không phải là tất cả, nhưng tôi chỉ dừng ở đấy, sẽ có rất nhiều câu hỏi đặt lên rằng tại sao tôi không trích tiếp, hay một số câu khác sẽ nói rằng Thúy Kiều là nhân vật chính của câu chuyện...
Tất cả những điều ấy, tôi đều được dạy một cách kĩ lưỡng trong giai đoạn thi cử của mình. Thúy Kiều là nhân vật chính tuyến, tôi biết! Cuộc đời của nàng ra sao đều được nghe, đã từng đọc lấy. Nhưng tại sao mọi người không nhắc đến số phận của Thúy Vân? Còn nàng ấy thì sao?
Đối với bản thân của mỗi người, sẽ có những cảm nhận khác nhau. Tuy nhiên đối với tôi, Nguyễn Du có chút không công bằng với Thúy Vân. Tại sao?
Từ cổ chí kim, ông bà ta đã biết nhìn tướng đoán mệnh, dưới thời của ông cũng không khác gì. Chính vì điều ấy, ông đã mang cả tinh hoa truyền thống vào văn phong của mình. "Khuôn trăng đầy", "nét ngài" đều là những từ ngữ chỉ người có số mệnh phú quý, có cuộc đời vô lo, nhàn nhã, hạnh phúc. Đây chính là hiện thân của người phụ nữ có tướng mặt tròn, phúc hậu. Chưa dừng lại, ông còn họa lên một nàng Vân có đôi mày rậm, với mong muốn nàng sẽ có một cuộc sống bình tâm, bình lặng như nước. Với tất cả các chi tiết ấy, chẳng phải ta đã hình dung ra được nàng là người có số mệnh vô cùng tốt đẹp hay sao?
"Mây thua", "tuyết nhường" là những từ ngữ khiến tôi vô cùng phân vân. So với Thúy Kiều, Vân được tác giả miêu tả như một nàng thơ được thiên nhiên ưu ái. Từ ngữ "thua", "nhường" đều là những động từ chỉ động thái khiêm tốn, nhún nhường trong cảm tình hòa nhã. Như đứa con của thiên nhiên, Nguyễn Du miêu tả nàng là một tuyệt tác của tạo hóa, không gì có thể sánh bằng. Ông vẽ nên một bức tranh rất đỗi xinh đẹp, một cuộc sống màu hồng đối với nàng, không phải lo lắng, không phải muộn phiền. Nàng ấy hoàn toàn trái ngược với Thúy Kiều, "Hoa ghen", "Liễu hờn", một cuộc sống chất chứa đầy sóng gió!
Thế nhưng, đấy chính là đôi mắt của tất cả mọi người khi chưa vén màn che. Điều tôi phân vân chính là cuộc sống của Thúy Vân có thật sự hạnh phúc như bề ngoài?
Vì lời cầu của người chị, nàng không thể lui, chẳng thể tiến. Nàng cứ đứng chết trân một chỗ, nhưng rồi để chị an lòng, nàng quyết định rũ bỏ tất cả, tiến đến nhận lấy mối lương duyên không phải của mình. Ngày chị theo Mã Giám Sinh, nàng còn chưa thể khuất. Mỗi lần nhìn thấy kỉ vật chiếc vành và bức tờ mây, nàng lại nhớ về người chị cùng với lời hứa khi xưa.
Thúy Kiều nói đúng, tuổi xuân của nàng Vân tuy còn dài, nhưng nàng cũng chẳng thể yêu ai được nữa! Ngày ngày nàng bên thềm đợi tin của Kim Trọng, ngày ngày mong ngóng chút tin chị mình. Nhưng đổi lại, nàng vẫn không hề có được gì. Nàng chẳng phải đã chìm trong ưu sầu rồi sao?
Giữ một mối duyên không phải của mình, cũng không yêu Kim Trọng. Cuộc sống của nàng liệu có sung sướng, vô lo?
Ngày Kim Trọng trở về, nàng cũng đã hao gầy đi bao nhiêu, cuối cùng ngày này cũng tới, nàng phải thành gia lập thất với người nàng không hề có tình cảm. Nhưng cũng chỉ biết nghe theo lời chỉ, chấp nhận lấy đắng cay để xứng đáng với sự hi sinh của chị mình.
Thúy Kiều đau khổ bao nhiêu, nàng Vân cũng đau đớn không kém. Tuổi xuân của nàng vụt qua mà không hề báo trước, cứ thế như một ngọn nến, gió vụt tắt đèn, chỉ còn lại dư âm của ngọn khói, mờ ảo rồi tan đi.
Từ khi nào trên môi nàng không còn nụ cười nữa?
Ngay cả nàng cũng chẳng biết, nàng chẳng còn sự hồn nhiên, ngây thơ như những ngày xuân ấy. Năm tháng trôi đi, thời gian đã dần lấy mất đi nàng, đánh cắp cả bóng hình, cả tâm hồn. Bởi vì Thúy Vân nàng, thật sự đã vì muộn sầu mà chết tâm rồi!
Đến đây, tôi bỗng nhớ đến một câu hỏi ngu ngơ của mình thuở ấy. Giả sử, nếu như Thúy Vân sau này đem lòng yêu Kim Trọng, vậy cả hai có thể thành đôi không? Bây giờ, tôi có thể ngẫm ra được một phần nào câu trả lời, rằng so với lời thề nguyền son sắt kia, liệu chàng Kim có thể nao lòng? Chắc có lẽ Thúy Vân đã nhìn thấu tất cả, nàng cố gắng nén lại ái tình nhân gian, để bản thân không đau lòng thêm giây phút nào nữa.
Mặc dù đến cuối cùng, Nguyễn Du không hề tiết lộ về đoạn tình cảm giữa cả hai. Nhưng theo quan điểm bản thân, tôi cho rằng giữa Kim Trọng và Thúy Vân không tồn tại chữ "ái", giữa họ có lẽ chỉ là tình tri âm tri kỉ.
Tuy nhiên, dù có chuyện gì đi nữa, bao nhiêu cảm xúc " Hỉ Nộ Ái Ố" thì tuổi xuân của cả ba người họ cũng không còn nữa rồi. Tất cả đều đã bị trôi qua cách lỡ làng, như dòng nước siết cuốn đi chiếc lá mùa thu, không thể lấy lại...
Adelia
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com