Trước lúc rạng đông khoảng một giờ, Robert Kincaid lái xe qua hòm thư của Richard Johnson, anh hết nhai Milky Way, cắn táo, lại cầm lấy cốc cà phê trên ghế, kẹp giữa hai đùi cho khỏi đổ. Lúc đi qua, anh ngước nhìn ngôi nhà trắng trong ánh trăng tàn mong manh và lắc đầu vì trạng thái mêmuội của đàn ông, của một số đàn ông, của phần lớn đàn ông. Ít ra thì họ cũng uống brandy mà không đâm sầm vào cánh cửa trên đường ra.
Francesca nghe thấy tiếng xe tải chạy qua. Chị nhớ là lúc ấy chị còn nằm trên giường, lần đầu tiên ngủ trần truồng. Chị mường tượng cảnh Kincaid, những lọn tóc quăn bay tung trong gió sớm tạt ra ngoài cửa xe, một tay đặt trên vôlăng, tay kia cầm điếu Camel.
Chị lắng nghe tiếng bánh xe của anh nhỏ dần về phía cầu Roseman. Tâm trí chị bắt đầu rộn lên bài thơ của Yeats "Tôi đi ra rừng cây phỉ, vì ngọn lửa rừng rực trong đầu...". Lời dịch của chị ở lưng chừng đâu đó giữa một giáo viên và một người năn nỉ.
Anh đỗ xe ngay sau cầu để không vướng bố cục ảnh. Từ khoảng trống nho nhỏ sau ghế, anh lấy ra đôi ủng cao su cao đến đầu gối, rồi ngồi trên bậc xe cởi giày và xỏ chân vào ủng. Một ba lô đeo trên hai vai, chân máy với dây da lủng lẳng bên vai trái, tay phải xách ba lô thứ hai, anh tụt xuống bờ suối dựng đứng.
Bí quyết là phải lấy cây cầu ở một góc căng về mặt bố cục, một chút dòng suối và không để lọt những chữ viết gần lối vào trong khuôn hình. Những sợi dây điện thoại ở phông sau cũng là vấn đề, nhưng có thể giải quyết được khi cắt cúp.
Anh rút chiếc Nikon lắp phim Kodakchrome và gắn nó lên cái chân máy nặng nề. Máy lắp ống kính 24 ly, anh thay ống kính 105 ly mà anh ưa thích. Lúc này ánh sáng đằng đông có màu chì, anh bắt đầu thử bố cục. Chuyển chân máy sang bên trái nửa mét, chỉnh chân giá trên nền đất bùn nhớp nháp cạnh suối. Anh quấn dây máy ảnh quanh cổ tay trái, một thói quen anh luôn tuân theo khi làm việc ở gần chỗ có nước. Anh đã chứng kiến quá nhiều máy ảnh rơi xuống nước khi chân máy bị lật.
Màu đỏ dâng lên, bầu trời bừng sáng. Hạ thấp máy xuống mười lăm phân, chỉnh lại chân giá. Vẫn chưa được. Chỉnh một chân sang trái hơn một chút. Chỉnh lại chân giá lần nữa. Chỉnh máy trên giá. Đặt ống kính f/8. Ước lượng chiều sâu cánh đồng, phóng to bằng kỹ thuật hyperfocal. Xiết dây, thả nút màn trập. Mặt trời lên khỏi chân trời 40%, màu sơn cũ kỹ trên cầu biến thành màu đỏ ấm áp, đúng như anh mong muốn.
Rút đồng hồ đo sáng từ túi ngực bên trái. Kiểm tra ở f/8. Tốc độ một giây, nhưng phim Kodak bắt sáng cực tốt. Nhìn qua kính ngắm. Anh bấm mở màn trập và đợi một giây trôi qua.Đúng lúc anh khép màn trập, mắt anh bắt gặp một cái gì đó. Anh nhìn qua kính ngắm lần nữa.
- Cái quái gì gắn cạnh lối vào cầu thế kia?
- Anh lẩm bẩm.
- Một mảnh giấy. Hôm qua không có.
Chân máy đã vững. Anh chạy ngược lên bờ, ánh mặt trời bám nhanh sau anh. Một mẩu giấy đính gọn vào cầu. Anh lôi ra, đút cả cái đinh mũ và mẩu giấy vào túi. Trở lại bờ suối, tụt xuống, đứng sau máy. Mặt trời đã lên 60%.
Anh thở dồn vì chạy nước rút. Bấm cái nữa. Bấm hai lần lấy ảnh giống hệt. Không có gió, cỏ đứng yên. Chụp ba cái với tốc độ hai giây và ba cái với một giây rưỡi cho chắc.
Đặt ống kính f/16. Lặp lại toàn bộ quá trình. Mang giá và máy vào giữa dòng suối. Lúc sắp xếp, bùn từ các vết chân phọt ra đằng sau. Lại chụp toàn bộ quá trình. Thay một cuộn phim Kodakchrome mới. Thay ống kính. Lắp ống 24 ly, nhét ống 105 ly vào túi. Đến gần cầu hơn, lội ngược dòng. Chỉnh, ngắm, kiểm tra ánh sáng, bấm ba lần cho chắc.
Xoay máy thẳng đứng, bố cục lại. Bấm lần nữa. Cùng một cảnh, rất thành thạo. Không bao giờ có một động tác thừa hoặc vụng về. Tất cả đều thành thục, đều có lý do, những gì bất ngờ, không tính đến, đều được che đi, rất hiệu quả và chuyên nghiệp.
Anh leo lên bờ, xuyên qua cầu, vác thiết bị chạy đua cùng mặt trời. Giờ mới khó đây. Vồ lấy máy ảnh thứ hai lắp phim có độ nhạy cao hơn, quàng cả hai máy quanh cổ, anh trèo lên cái cây đằng sau cầu. Vỏ cây làm cánh tay anh xây xước - "Mẹ kiếp!" nhưng anh vẫn trèo. Giờ anh ở trên cao, nhìn xuống cây cầu ở góc độ dòng suối bắt được ánh nắng.
Dùng dụng cụ đo vị trí tách mái cầu, rồi tạo bóng cho thành cầu. Chụp nó trên mặt nước. Đặt lại máy. Bấm chín cái, máy ảnh đặt trên áo khoác chèn giữa chạc cây. Mở máy. Phim nhạy hơn. Bấm thêm hơn chục cái nữa.
Tụt khỏi cây. Xuống bờ suối. Đặt giá, lắp phim, bấm một loạt giống như loạt đầu tiên, chỉ khác ở chỗ bây giờ ở bờ bên kia suối. Lấy máy ảnh thứ ba ra khỏi túi. Loại SP cũ, máy có ống kính chụp xa. Giờ chụp đen-trắng. Ánh sáng trên cầu thay đổi từng giây.
Sau hai mươi phút căng thẳng mà chỉ những người lính, các nhà phẫu thuật và nhiếp ảnh mới thấm thía, Robert ném ba lô vào xe và bước xuống con đường anh đi lúc trước. Mất mười lăm phút mới đến được cầu Hogback ở tây bắc thị trấn, nếu nhanh chân anh có thể chụp được một số kiểu.
Bụi bay mù, anh châm điếu Camel, xe xóc nảy người, qua ngôi nhà gỗ màu trắng mặt quay ra hướng bắc, qua hộp thư nhà Richard Johnson. Không có dấu hiệu nào của chị. Mày mong đợi gì, hở Robert Kincaid? Cô ấy có chồng, mọi sự đang yên ổn. Mày cũng đang yên ổn. Ai cần đến những thứ rắc rối như thế kia chứ. Một buổi tối êm đềm, một bữa ăn ngon, một người phụ nữ chu đáo. Hãy dừng sự việc ở đấy. Nhưng Chúa ơi, cô ấy thật đáng yêu, và trong con người cô ấy có một cái gì đó. Một cái gì đó. Mình khó mà rời mắt khỏi cô ấy.
Francesca đang làm việc vặt trong chuồng gia súc khi anh phóng xe qua. Đàn gia súc làm ồn đến mức át mọi âm thanh trên đường. Robert nhằm hướng cầu Hogback, chạy đua cùng thời gian, săn đuổi mặt trời.
Mọi việc ở cây cầu thứ hai suôn sẻ. Cầu nằm trong thung lũng, và khi anh tới, màn sương mù vẫn đang bốc lên quanh cầu. Ống kính 300 ly cho anh một mặt trời to tướng ở phần trên bên trái khung hình, phần còn lại là con đường đá trắng uốn lượn quanh co tới cây cầu và chính cây cầu.
Rồi trong kính ngắm của anh xuất hiện một nông dân đang bắt một tốp người Bỉ da nâu sáng đẩy một cái xe trên con đường màu trắng. Kincaid hình dung một trong những người đầy tớ cuối cùng thời cổ, đang cười. Anh biết khi nào những người hầu tận tụy này sẽ đi qua và sẵn sàng để chụp kiểu ảnh cuối. Trong kiểu ảnh đứng, anh để lại một khoảng trời sáng để có thể gắn đầu đề vào đấy.
Khi gập chân máy lại, đặt cự ly 8x35, anh cảm thấy thoải mái. Thế là có một số ảnh buổi sáng. Cảnh đồng quê tuy cũ kỹ nhưng đẹp và thuần nhất. Một kiểu ảnh có nông dân và những con ngựa có thể đưa lên bìa, chính vì vậy anh mới để một khoảng trống ở trên cùng, một khoảng dành cho đầu đề hoặc để một biểu tượng. Các biên tập viên thích loại thạo nghề, chín chắn như thế này. Vì thế Robert nhận được nhiều hợp đồng.
Anh chụp hết bảy cuộn phim, dùng cả ba máy ảnh và thò tay vào túi trái áo ngoài lấy cái thứ tư. "Khỉ thật!". Cái đinh mũ đâm vào ngón tay cái của anh. Anh quên bẵng đã nhét nó vào túi khi gỡ mảnh giấy trên cầu Roseman. Thực ra, anh quên bẵng mảnh giấy kia. Anh rút nó ra, mở đọc "Nếu anh muốn ăn tối lần nữa, tối nay làm xong việc khi "bướm đêm trắng muốt bay", anh ghé đến nhé. Bất cứ lúc nào cũng được."
Anh không nén được nụ cười, hình dung Francesca Johnson mang bức thư và cái đinh mũ, lái xe băng qua đêm tối đến cầu. Trong năm phút anh đã trở lại thành phố. Trong lúc nhân viên Texaco đổ đầy bình xăng và kiểm tra dầu cho anh, ("Cạn nửa lít"), Kincaid vào bốt điện thoại ở trạm. Cuốn danh bạ mỏng cáu ghét vì những bàn tay ở trạm xăng bôi bẩn. Có hai tên "R. Johnson", nhưng một ở trong thành phố.
Anh quay số vùng nông thôn và đợi. Francesca đang cho chó ăn ở hiên sau thì chuông reo trong bếp. Đến hồi chuông thứ hai, chị nhấc máy:
- Nhà Johnson đây.
- Chào chị, tôi là Robert Kincaid.
Lòng dạ chị nôn nao, y như ngày hôm qua. Một cơn nhói ở ngực, lan xuống dạ dày.
- Tôi nhận được thư rồi. W.B. Yeats là một tín sứ, đơn giản là thế. Tôi nhận lời mời, nhưng có lẽ tôi sẽ đến muộn. Thời tiết khá đẹp, tôi định chụp cây cầu chúng ta đã nhìn thấy, gọi là cầu gì nhỉ? À, cầu Cedar... vào tối nay. Có khi chín giờ mới xong đấy. Sau đó tôi muốn tắm rửa qua loa. Vì thế tôi sẽ không đến đó trước chín rưỡi hoặc mười giờ được. Thế có tiện không?
Không, thế không tiện. Chị không muốn phải đợi lâu, nhưng chị chỉ nói:
- Cũng được. Anh cứ làm cho xong việc, việc của anh mới là quan trọng. Tôi sẽ nấu một món gì đó để khi anh đến chỉ việc hâm lại là xong.
Anh nói thêm:
- Nếu chị muốn đi cùng lúc tôi chụp ảnh thì hay quá. Không phiền gì đâu. Tôi có thể ghé qua đón chị lúc năm rưỡi.
Câu này làm Francesca suy nghĩ. Chị muốn đi cùng anh. Nhưng nhỡ có ai nhìn thấy? Chị biết nói sao với Richard nếu anh phát hiện ra.
Cầu Cedar song song và cách cây cầu mới bằng bê tông năm chục mét về phía thượng nguồn. Chị không chú ý đến nó lắm. Thế nào đây? Chưa đầy hai giây, chị quyết định:
- Vâng, tôi muốn đi. Nhưng tôi sẽ lái chiếc xe tải và gặp anh ở đó. Mấy giờ nào?
- Khoảng sáu giờ. Hẹn gặp lại chị nhé. Tạm biệt.
Anh dành nốt phần ngày còn lại ở tòa báo địa phương, lướt qua các bản in cũ. Đây là một thị trấn xinh xắn, có một quảng trường ở tòa án khá đẹp, anh ngồi trên chiếc ghế dài trong bóng râm, ăn trưa, hoa quả và mấy lát bánh mì cùng chai Coke mua ở quán cà phê bên kia đường.
Lúc anh vào quán cà phê hỏi mua một chai Coke để mang đi thì đã quá trưa. Hệt như trong một quán rượu ở Miền Tây hoang dã khi có một tay súng xuất hiện, mọi người trong quán nhìn anh chằm chằm và câu chuyện làm ăn ngừng ngay lập tức. Anh khó chịu và cảm thấy ngượng ngập, nhưng làm sao được, lề thói của các thị trấn nhỏ là thế. Có người mới! Có người lạ! Hắn ta là ai? Hắn làm gì ở đây?
- Có người bảo hắn là nhiếp ảnh gia. Họ bảo thấy hắn ở cầu Hogback sáng nay, với đủ thứ máy ảnh.
- Trên xe có đề tên hắn ở Washington, mãi tận miền tây đấy.
- Suốt sáng hắn ở trong trụ sở tòa báo vùng mình. Jim kể, thấy hắn lướt qua hết mọi tờ để kiếm tài liệu về các cây cầu mái.
- Thì đấy, Fischer ở Texaco nói hôm qua hắn dừng lại hỏi đường đến các cây cầu ấy mà.
- Hắn tìm hiểu về những cây cầu làm quái gì ấy nhỉ?
- Sao trên đời lại có người thích chụp ảnh những cái của nợ ấy kia chứ. Tất cả những cây cầu ấy trông đã sập sệ lắm, đổ đến nơi.
- Mà sao hắn ta để tóc dài thế kia không biết? Trông cứ như một tay trong đám Beatles, hoặc những kẻ... người ta gọi là cái gì ấy nhỉ? Có phải là hippie không?
Tiếng cười rộ lên ở đằng sau quán và lan ra cái bàn cạnh đó.
Kincaid cầm chai Coke và bỏ đi, mọi con mắt đổ dồn vào anh khi anh ra cửa. Có lẽ anh sai lầm khi mời Francesca, vì chị chứ không phải vì anh. Anh thì chẳng việc quái gì hết. Lỡ có kẻ nhìn thấy chị trên cầu Cedar, thì bàn dân thiên hạ sẽ được nghe chuyện ấy ngay sáng hôm sau trong bữa điểm tâm ở quán cà phê, chưa kể nó còn được cậu Fisher ở trạm xăng Texaco thêm mắm thêm muối. Một cái tin như thế chắc hẳn còn lan nhanh hơn thế này.
Không bao giờ được coi thường những chuyện ngồi lê đôi mách trong những thị trấn nhỏ, anh thừa biết thế. Hai triệu đứa trẻ ở Sudan chết đói không tác động bao nhiêu đến lương tri của họ. Nhưng nhìn thấy vợ Richard Johnson đi với một kẻ lạ mặt tóc dài - đấy mới là tin đáng để kể! Tin ấy sẽ lan truyền, được nhắc đi nhắc lại, được thêm dấm thêm ớt, tạo ra những âm hưởng mơ hồ, trần tục trong tâm trí người nghe, họ cảm thấy nó giống như những gợn sóng duy nhất trong năm.
Ăn xong bữa trưa, anh đến bốt điện thoại công cộng ở bãi đỗ xe của tòa án. Anh quay số của chị. Đến hồi chuông thứ ba, chị trả lời, hơi nín thở.
- Chào chị, Robert Kincaid đây.
Ruột gan chị thắt lại ngay lập tức khi nghĩ anh ấy không đến, anh ấy gọi điện để nói thế.
- Cho phép tôi nói thẳng nhé. Nếu tối chị đi ra ngoài cùng tôi mà gây ra điều tiếng vì sự tò mò của dân chúng trong thị trấn, thì chị không nên đi. Nói thực, tôi chẳng quan tâm họ nói gì về tôi, nói thế nào cũng xong, vì tôi có ăn đời ở kiếp ở đây đâu. Tôi muốn nói là có thể tôi đã sai lầm khi mời chị, vì thế chị không đến cũng không sao. Mặc dầu tôi rất muốn có chị đi cùng.
Lúc trước chị đã nghĩ đến những lời xì xào bàn tán. Nhưng chị cương quyết:
- Không sao, tôi thích xem anh làm việc. Tôi chẳng e ngại những chuyện tầm phào ấy. Quả là chị có lo thật, nhưng trong chị có một cái gì đó thôi thúc chị cứ liều một phen. Chị sẽ đến cầu Cedar bằng bất cứ giá nào.
- Tuyệt lắm. Chị đừng nghĩ tôi cản chị. Gặp lại chị sau nhé.
- OK - anh thật nhạy cảm, và chị hiểu.
Bốn giờ chiều, anh ghé qua khách san tắm rửa, mặc chiếc sơ mi sạch, ném chiếc thứ hai lên xe cùng chiếc quần kaki và đôi dép nâu anh mua ở Ấn Độ năm 1962 khi làm đề tài về con đường sắt đến Darjeeling. Anh mua hai hộp sáu chai Budweiser trong một quán rượu. Anh xếp được tám chai vào thùng lạnh, quanh các hộp phim.Trời nóng, nóng thực sự. Mặt trời cuối chiều ở Iowa làm nóc cầu sớm hư hại, tuy đã được trát trít bằng xi măng, gạch và đất. Nó phồng rộp lên về phía tây.
Quán rượu tối và khá mát, cửa trước mở, nhiều quat trần lớn quay tít, một cái quạt đứng đặt ngay bên cửa kêu ào ào, có tới 105 đêxiben. Tiếng ồn của quạt, mùi bia cũ và khói thuốc lá, tiếng máy hát om sòm, những khuôn mặt nửa thù địch nhìn anh chằm chằm làm không khí trong quán càng thêm nóng nực.Ngoài đường nắng rát, anh nghĩ đến rặng Cascades', những cây linh sam và làn gió nhẹ dọc eo biển San Juan de Fuca gần Mũi Kydaka.
( Rặng núi Cascades cao ngất ở Tây Bắc Mỹ và Tây Nam Canada, dài 1.130km.)
Bên cạnh cái nóng, trông Francesca thật mát mẻ. Chị dựa vào chắn bùn chiếc xe Ford đỗ gần cầu, sau mấy cây to. Chị vẫn mặc áo phông trắng, đi dép, quần jeans vừa khít, rất hợp với thân hình. Anh vẫy tay lúc cho xe đỗ cạnh xe chị.
- Chào chị. Rất vui được gặp chị. Trời khánóng, - anh nói.
Câu chuyện loanh quanh, vô thưởng vô phạt. Một lần nữa, anh lại có cảm giác bối rối khi đối mặt với một phụ nữ mà anh cảm thấy có một cái gì đó. Anh không biết nói gì ngoài những chuyện nghiêm túc. Mặc dầu rất có khiếu hài hước, song hơi lạ là anh hay băn khoăn và nhìn sự việc hết sức nghiêm túc. Mẹ anh hay bảo mới lên bốn anh đã thành người lớn. Tính cách đó giúp anh rất nhiều trong nghề nghiệp. Nó giúp anh cách suy nghĩ, song chẳng ích lợi gì cho anh khi ở bên những phụ nữ như Francesca Johnson.
- Tôi muốn xem anh "làm ảnh". Như cách anh thích gọi.
- Vâng, chị sắp được xem đấy, chị sẽ thấy nó khá nhạt nhẽo. Ít ra thì cũng có nhiều người nghĩ thế. Không hay họ như nghe dương cầm đâu. Trong nghệ thuật nhiếp ảnh, chị ạ, giữa sản xuất và biểu diễn là cả một quãng cách dài về thời gian. Hôm nay, tôi đang làm công việc sản xuất. Đến khi bức ảnh của tôi xuất hiện ở đâu đó, thì đấy là biểu diễn. Mọi thứ chị đang xem đây chỉ là việc vớ vẩn. Nhưng tôi rất hoan nghênh chị. Nói thực, tôi rất vui thấy chị đến.
Chị bám lấy câu chót. Anh không cần phải nói nó ra. Anh có thể dừng lại với hai chữ "hoan nghênh" là đủ, nhưng anh không dừng. Anh thực sự vui mừng khi gặp chị, rành rành là thế. Chị hi vọng việc chị có mặt ở đây có một ý nghĩa nào đó với anh.
- Tôi có thể giúp được anh gì không? - Chị hỏi lúc anh đi đôi ủng cao su.
- Chị mang hộ cái ba lô xanh kia kìa. Tôi sẽ mang cái màu nâu và chân máy.
Thế là Francesca thành trợ lý cho nhà nhiếp ảnh. Anh lầm. Với chị, có rất nhiều thứ để xem. Việc anh đang làm là một loại biểu diễn, dù anh không nghĩ thế. Hôm qua chị đã nhận thấy điều đó và nó là một phần trong nhiều thứ cuốn hút chị. Sự duyên dáng, cái nhìn tinh tường, cơ bắp trên cánh tay anh lúc anh làm việc. Cách cơ thể anh chuyển động. Bên cạnh anh, những người đàn ông mà chị quen biết trở thành cồng kềnh và nặng nề.
Vì anh vội, không phải. Anh không vội chút nào, thực vậy. Anh có tố chất của một con linh dương, những cử động mềm mại của anh ẩn chứa đầy sức mạnh, có thể nói như thế. Mà không, có lẽ anh giống báo hơn là linh dương. Phải. Đúng là một con báo. Nhưng anh không làm hại ai, mà hoàn toàn ngược lại, chị thấy thế.
- Francesca, chị lấy giùm tôi cái máy ảnh có dây xanh.
Chị mở ba lô, thận trọng thái quá với thứ công cụ đắt tiền mà anh thản nhiên sử dụng, và lấy cái máy ảnh ấy ra. Trên lớp mạ chrome của kính ngắm có chữ "Nikon" và một chữ "F" ở trên, bên trái.
Anh quỳ, hướng về phía đông bắc cây cầu, chân máy đặt thấp. Anh giơ bàn tay trái nhưng không che mắt nơi kính ngắm, và chị đưa cái máy ảnh cho anh. Chị quan sát bàn tay anh ở bên ống kính lúc anh cảm thấy tay anh chạm vào nó. Anh cắm sợi dây hôm qua chị thấy thò ra khỏi áo ngoài của anh vào máy. Màn trập mở. Anh hướng máy lên và mở màn trập lần nữa.
Anh đưa tay lần xuống đầu chân máy, tháo cái máy ảnh ở đó ra, thay bằng chiếc chị đưa. Anh vừa lắp máy mới vừa quay sang chị, cười:
- Cảm ơn chị, chị là trợ thủ loại nhất đấy.
Chị hơi đỏ mặt.
Lạy Chúa tôi, anh là thế đấy! Một đấng siêu phàm bám đuôi sao chổi đáp xuống đầu đường nhà mình. Sao mình lại không nói với anh ấy: "Chào mừng anh" được nhỉ? - chị nghĩ. Bên anh ấy, mình thấy mình chậm như sên, dù anh ấy chẳng phàn nàn. Tại mình, chứ không phải tại anh ấy. Mình chưa quen giao tiếp với những người làm việc thoăn thoắt như anh ấy.
Anh xuống chỗ nhánh sông, rồi leo lên bờ bên kia. Chị xách cái ba lô xanh qua cầu và đứng sau lưng anh, vui sướng, hạnh phúc lạ lùng. Trong cung cách anh làm việc có một nghị lực, một sức mạnh nào đó. Anh không đợi thiên nhiên, mà tiếp nhận thiên nhiên theo cách thật nhẹ nhàng, tạo hình nó theo cách nhìn của anh, làm cho nó khớp với những gì anh hình dung trong đầu.
Anh áp đặt ý chí của anh lên phong cảnh, chặn những thay đổi của ánh sáng bằng các ống kính khác nhau, các loại phim khác nhau, đôi khi bằng kính lọc màu. Anh không chống lại mà dùng xảo thuật và trí tuệ của mình để chế ngự thiên nhiên. Nông dân cũng thống trị đất đai bằng các hóa chất và xe ủi. Nhưng Robert làm việc ấy thật mềm dẻo và khi làm xong, anh để mọi thứ nguyên chỗ của chúng.
Chị nhìn chiếc quần jeans xắn lên, chật căng quanh bắp đùi khi anh quỳ gối. Chiếc sơ mi vải chéo dính vào lưng anh, mái tóc hoa râm của anh lộ ra trên cổ áo. Lúc anh ngồi xổm chỉnh lại dụng cụ, chị thấy đã từ lúc nào, lần đầu tiên khi ngắm nhìn người khác, giữa hai chân chị ẩm ướt. Lúc cảm thấy thế, chị ngước nhìn trời chiều và hít thật sâu, lắng nghe anh khẽ nguyền rủa cái kính lọc bị kẹt, không tháo ra được khỏi vành ống kính.
Anh lại băng qua nhánh sông, trở lại xe, lõm bõm trong đôi ủng cao su. Francesca đi vào trong cây cầu và lúc chị ló ra ở đầu kia cầu, anh đã náu mình chĩa máy ảnh vào chị. Anh bấm máy, hướng khung ngắm lên, bấm lần thứ hai và lần thứ ba khi chị đi thẳng đến chỗ anh. Chị cười vui thích tuy trong lòng hơi bối rối.
- Chị đừng lo, - anh mỉm cười. - Tôi sẽ không sử dụng những ảnh này ở bất cứ đâu nếu không được chị cho phép. Tôi xong rồi đây. Tôi sẽ ghé qua khách sạn rửa ráy qua loa trước khi đi.
-Thôi được, anh cứ làm thế nếu anh muốn. Nhưng ở nhà tôi có sẵn khăn mặt, phòng tắm hương sen, bơm và mọi thứ, - chị nói khẽ và sốt sắng.
- Hay quá, tùy chị. Ta đi thôi. Để tôi xếp các thứ vào Harry - tên cái xe tải của tôi ấy mà - và đến đó ngay.
Chị trở lại chiếc Ford mới của Richard ngoài rặng cây, lái nó lên đường cái khỏi cây cầu, rẽ phải, nhằm hướng Winterset, rồi ngoặt theo hướng tây nam về nhà. Bụi dày đặc làm chị không nhìn thấy anh có đi theo chị không song đến một chỗ ngoặt, chị tưởng như nhìn thấy đèn xe của anh ở phía sau một dặm, chiếc xe tải cũ anh gọi là Harry kêu lạch xạch.
Chắc là anh, vì ngay sau khi chị về đến nhà đã nghe thấy tiếng xe anh rẽ vào đường làng. Con Jack sủa nhưng im ngay, nó cắn cảu một mình "Lại cái anh chàng đêm qua, mình đoán ngay ra mà". Kincaid dừng lại nói chuyện với nó một lát.
Francesca ra khỏi cửa hiên sau.
- Anh tắm nhé?
- Tuyệt quá. Xin chị chỉ đường cho.
Chị đưa anh đến phòng tắm trên gác, chị đã một mực đòi Richard lắp nó cho chị khi các con đã lớn. Đó là một trong những đòi hỏi ít ỏi mà chị quyết giữ. Tối tối, chị thích tắm nước nóng thật lâu và không muốn bọn trẻ dậm chân thình thịch, la hét xung quanh trong khoảng không gian riêng tư của chị. Richard dùng phòng tắm khác, anh nói anh không thấy thoải mái với các thứ "đàn bà" trong phòng tắm của chị. "Kiểu cách quá", anh bảo thế.
Phải đi qua phòng ngủ của họ mới đến phòng tắm. Chị mở cửa và lấy một chồng khăn tắm xếp theo từng loại và một cái khăn mặt trong tủ.
- Anh muốn dùng cái nào thì tùy, - chị mỉm cười, cắn nhẹ môi dưới.
- Tôi có thể xin chị ít dầu gội đầu được không. Dầu của tôi để ở khách sạn. -
- Được chứ. Tùy anh chọn, - chị xếp ba lọ dầu gội lên giá, lọ nào cũng dùng dở.
- Cảm ơn chị, - anh ném quần áo sạch lên giường, và Francesca thấy có quần kaki, sơ mi trắng và đôi dép. Không người đàn ông nào ở địa phương đi dép. Một vài người xuất thân thành thị - chứ không phải nông dân - bắt đầu mặc quần cụt lúc chơi gôn. Còn dép thì... không bao giờ.
Chị xuống cầu thang và nghe thấy tiếng vòi tắm chảy. Lúc này anh ấy đang trần truồng, chị nghĩ và cảm thấy khang khác ở bụng dưới.
Hôm nay lúc còn sớm, sau khi anh gọi điện, chị đã lái xe bốn mươi dặm đến Des Moines, vào một cửa hàng rượu của nhà nước. Chị không thạo các loại rượu cho lắm và hỏi mua loại vang ngon. Anh ấy sẽ không biết chị đang làm gì, không hề biết. Chị nhìn suốt lượt những dãy chai cho đến khi bắt gặp nhãn "Valpolicella". Chị nhớ loại này có từ lâu lắm. Loại vang đỏ Ý nguyên chất. Chị mua hai chai và một chai brandy thon cổ nữa, cảm thấy thích thú và sành điệu.
Tiếp theo là chọn bộ váy áo mùa hè mới có trong một cửa hàng ở khu thương mại. Chị tìm được một bộ màu hồng nhạt, có dây đeo mảnh. Sau lưng áo lượn vòng thật sâu, đằng trước xẻ sâu đột ngột, để lộ phần trên ngực chị, một chiếc thắt lưng hẹp nhún quanh eo. Đôi dép mới màu trắng, loại đắt tiền, gót phẳng, dây buộc làm bằng tay thanh nhã.
Buổi chiều chị làm món ớt nhồi cà chua, gạo nâu, phômai, mùi tây thái nhỏ. Rồi món xà lách rau bina, bánh ngô, món trứng rán nở rưới nước sốt táo để tráng miệng. Tất cả, trừ món trứng rán, đã cho vào tủ lạnh.Chị vội cắt ngắn bộ váy đến đầu gối. Trên tờ Register của Des Moines có đăng một bài từ đầu vụ hè nói năm nay người ta thích chiều dài váy bằng từng ấy. Chị luôn nghĩ thời trang là thứ khá quái gở, thiên hạ thì ngoan ngoãn như bầy cừu, làm theo sự dạy bảo của những nhà thiết kế thời trang châu Âu. Song độ dài này lại rất hợp với chị.
Rượu vang là cả một vấn đề. Dân chúng quanh đây để vang trong tủ lạnh, ở Ý người ta chẳng bao giờ làm thế. Hôm nay để vang trên quầy thì quá nóng. Chị chợt nhớ đến ngôi nhà mùa xuân. Ngay trong hè nó cũng chỉ khoảng mười tám độ C, thế là chị xếp vang sát tường.
Vòi tắm trên gác tắt đúng lúc chuông điện thoại reo. Richard gọi từ Illinois về.
- Mọi việc ổn cả chứ?
- Vâng.Thứ Tư sẽ chấm giải con bê đực của Carolyn. Hôm sau mấy bố con còn muốn xem một số thứ. Sẽ về nhà vào thứ Sáu, muộn đấy.
- Vâng, mấy bố con cứ vui chơi thoải mái, nhớ lái xe cẩn thận nhé.
- Frannie, em có chắc là ổn không? Nghe tiếng em là lạ.
- Không, em khỏe mà. Chỉ nóng thôi. Tắm xong em sẽ khá hơn.
- Thôi được. Chào Jack cho anh nhé.
- Vâng. - Chị liếc nhìn con Jack cuộn tròn trên nền xi măng ở hiện sau.
Robert xuống cầu thang và vào bếp. Cổ sơ mi trễ, tay áo xắn cao quá khuỷu, quần kaki sáng màu, dép nâu, vòng tay bạc, hai khuy áo trên cùng mở, dây chuyền bạc. Tóc anh vẫn còn ướt và chải gọn gàng, đường ngôi rẽ chính giữa. Chị sửng sốt vì đôi dép.
- Tôi sẽ ra xe lấy các thứ và lau chùi một chút cho sạch.
- Anh cứ đi đi. Tôi tắm cái đã. -
- Chị có muốn uống bia trong lúc tắm không?
- Nếu anh có dư một chai.
Anh mang thùng lạnh vào trước, lấy một chai cho chị, mở nắp trong lúc chị lấy hai cái cốc cao. Khi anh trở lại xe lấy máy ảnh, chị đã mang cốc bia lên gác, thấy bồn tắm đã được lau chùi sạch sẽ; chị vặn nước ấm, ngâm mình trong bồn, cốc bia để trên sàn bên cạnh trong lúc chị rửa mặt và xát xà phòng. Anh đã ở đây mấy phút trước, còn chị nằm đúng nơi nước chảy xuống thân thể anh, và chị cảm thấy vô cùng rạo rực. Với chị, hầu như mọi thứ liên quan đến Robert đều có vẻ gợi tình.
Một thứ giản dị như cốc bia lạnh lúc tắm cũng thật là tao nhã. Sao chị và Richard lại không sống được theo kiểu này nhỉ? Chị biết, một phần do sức ỳ của những thói quen lâu dài. Thói quen làm cho người ta có thể dễ dàng chịu đựng bất kỳ cuộc hôn nhân nào, bất kỳ mối quan hệ nào. Nhờ thói quen, mọi sự đều có thể đoán trước được nó sẽ là thế nào, và sự đoán trước được cũng có cái thuận lợi riêng của nó; chị cũng biết là như thế.
Còn cái nông trại nữa. Giống như một người tàn phế hay nhõng nhẽo, nó đòi được chăm chút không ngừng, cho dù việc thay thế thường xuyên các công cụ lao động đã làm cho con người đỡ vất vả hơn nhiều so với trước kia.
Nhưng ở đây vẫn cần có một thứ ngoài những cái đó. Đoán trước được là một chuyện, sợ thay đổi lại là chuyện khác. Richard sợ thay đổi, anh sợ bất cứ thay đổi nào trong cuộc sống lứa đôi của họ. Nói chung, anh không muốn nói đến nó. Lại càng không muốn nói đến sex. Theo cách suy nghĩ của Richard, về mặt nào đấy, sự gợi dục là việc làm nguy hiểm, là chuyện không đứng đắn.
Không phải chỉ mình Richard nghĩ thế và nói cho đúng, cũng không thể trách anh được. Có cái rào chắn nào ngăn cản tự do ở đây? Không chỉ ở nông trại của họ, mà trong cả nền giáo dục nông thôn. Có lẽ nguyên nhân chính là ở nền giáo dục thành thị. Vì sao những mối quan hệ cởi mở, tự nhiên giữa đàn ông và đàn bà lại bị các bức tường và hàng rào ngăn cản? Vì sao sự gần gũi nam nữ lại thiếu vắng, lại không có sự gợi tình?
Các tạp chí phụ nữ nói nhiều đến những vấn đề này. Phụ nữ bắt đầu mong mỏi có vị trí nhất định trong các công việc quan trọng hơn, ngoài những việc diễn ra trong phòng ngủ của họ. Chị cho rằng phần lớn những người đàn ông như Richard sợ những mong muốn như thế. Về mặt nào đấy, phụ nữ đang đòi hỏi đàn ông trở thành nhà thơ, đồng thời là người tình hết mình và say đắm.
Phụ nữ chẳng thấy có gì mâu thuẫn trong chuyện đó. Đàn ông xưa nay vẫn thế. Trong sinh hoạt, họ có phòng thay quần áo riêng, những bữa tiệc riêng chỉ có đàn ông đàn ang với nhau, những nơi chơi pun riêng, những buổi tụ hội đặc biệt đàn ông với những đặc điểm của riêng họ, ở đó không có chỗ cho thơ ca hoặc bất cứ thứ gì tinh tế. Vì thế, Francesca hiểu nếu gợi tình là một việc tinh tế, một dạng hình nghệ thuật rất riêng, nó sẽ không có chỗ trong đời sống hàng ngày của đàn ông. Đàn ông vẫn say sưa khiêu vũ riêng, mê mẩn và thích thú, trong khi đàn bà thở dài, quay mặt vào tường trong những đêm dài ở quận Madison.
Trong tâm trí Robert có một cái gì đó làm anh hiểu thấu mọi sự. Chị tin chắc thế.
Vừa vào phòng ngủ vừa lau khô người, chị chú ý thấy đã hơn mười giờ. Trời vẫn nóng, nhưng tắm táp làm chị mát mẻ hơn. Chị lấy bộ váy áo mới trong phòng kho ra.
Chị vuốt mái tóc đen, dài ra sau và cặp chặt bằng chiếc trâm bạc. Đôi hoa tai - những cái khuyên lớn - bằng bạc, vòng đeo tay lỏng lẻo bằng bạc, tất cả đều mua ở Des Moines sáng nay.
Rồi nước hoa Wind Song. Một chút son hồng, nhạt hơn màu áo thoa trên gương mặt Latinh, gò má cao. Nước da rám nắng của chị - do làm việc ngoài trời với quần cụt và áo lửng - nổi bật trong bộ trang phục. Đôi chân mảnh dẻ của chị lộ ra dưới gấu váy nom rất ưa nhìn.
Chị xoay bên này, bên kia, ngắm mình trong gương. Mình làm hết sức rồi, chị nghĩ. Rồi, chị hài lòng nói "Mình cũng khá xinh đấy chứ".
Robert đang uống cốc bia thứ hai và gói các máy ảnh lại thì chị bước vào bếp. Anh ngước nhìn chị.
- Lạy Chúa tôi, - anh nói khẽ. Mọi cảm xúc, mọi cuộc tìm tòi và suy nghĩ, cả đời cảm nhận, tìm kiếm và phản ánh cùng ùa đến lúc này. Anh cảm thấy anh mê đắm Francesca Johnson, vợ một nông dân ở quận Madison, bang Iowa, từ Naples đến đây đã lâu.
- Tôi muốn nói rằng, - giọng anh hơi run, hơi dữ dội. - xin chị đừng cho tôi liều lĩnh, nhưng trông chị đẹp lạ thường. Đẹp đến nỗi - làm - tất cả - xung quanh - ngôi nhà này - choáng váng. Tôi nói nghiêm túc đấy. Trông chị rất thanh lịch, Francesca ạ, với nghĩa thuần khiết nhất của từ ấy.Sự ngưỡng mộ của anh thật chân thành, chị biết. Chị ngây ngất, đắm mình trong đó, mặc nó cuốn chị quay cuồng và thấm vào từng lỗ chân lông trên da chị, giống một thứ dầu làm mềm da từ tay một vị thần nào đó bỏ rơi chị nhiều năm trước, bỗng nhiên quay trở lại.Và chính trong giây phút ấy, chị đã yêu Robert Kincaid, nhà văn-nhà nhiếp ảnh từ Bellingham, bang Washington, người lái chiếc xe tải cũ kỹ được đặt tên là Harry.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com