Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

TRO TÀN

Màn đêm trùm lên quận Madison. Năm 1987, sinh nhật lần thứ sáu mươi bảy của bà. Francesca nằm trên giường suốt hai tiếng liền. Bà dường như nhìn thấy, sờ thấy, ngửi thấy, nghe thấy mọi sự từ hai mươi hai năm trước.
Bà đã nhớ rất nhiều, và giờ đây bà đang nhớ lại. Hình ảnh những chiếc đèn hậu màu đỏ rẽ sang hướng tây theo đường Iowa 92 trong màn mưa và sương mù hôm ấy đã theo đuổi bà hơn hai chục năm. Bà sờ lên ngực và cảm thấy như các cơ trên ngực ông lướt qua. Lạy Chúa, bà yêu ông xiết bao. Khi ấy bà đã yêu ông hơn bà nghĩ là bà có thể yêu, và bây giờ bà còn yêu ông nhiều hơn nữa. Bà có thể làm mọi thứ vì ông, trừ việc phá hủy gia đình bà và việc đó có khi lại huỷ hoại cả đời ông.Bà xuống cầu thang, ngồi cạnh chiếc bàn cũ mặt nhựa vàng trong bếp. Richard đã mua một cái bàn mới, ông khăng khăng muốn thế. Nhưng bà cũng nhất quyết đòi để cái bàn cũ trong nhà kho, bà bọc quấn cẩn thận bằng nhựa dẻo trước khi mang đi.- Anh không hiểu vì sao em gắn bó với cái bàn cũ này đến thế, - ông phàn nàn lúc giúp bà chuyển đi. Sau khi Richard mất, bà bảo Michael mang cái bàn vào nhà cho bà, anh không bao giờ hỏi vì sao bà muốn đặt nó vào đúng chỗ cái bàn mới hơn. Anh chỉ nhìn mẹ, vẻ dò hỏi. Bà lặng thinh.Lúc này bà ngồi bên bàn. Rồi bà đến tủ ly, lấy xuống hai chân nến nhỏ bằng đồng, cắm nến trắng. Bà châm nến và bật radio, chậm rãi chỉnh sóng cho đến lúc nghe thấy tiếng nhạc dìu dặt.Bà đứng bên bồn rửa một lúc lâu, hơi ngẩng đầu lên, nhìn vào mặt ông và thì thầm "Em nhớ anh, Robert ơi. Có lẽ Chúa đúng. Có lẽ anh là người cuối cùng. Có lẽ hiện giờ các chàng cao bồi đều sắp chết cả rồi."
Trước khi Richard qua đời, bà chưa bao giờ thử gọi hoặc viết cho Robert Kincaid, dù trong suốt nhiều năm ròng, ngày nào bà cũng mấp mé ý định ấy. Nếu bà nói chuyện với ông lần nữa, nhất định bà sẽ đến với ông. Nếu bà viết cho ông, bà biết ông sẽ đến ngay với bà. Điều ấy hầu như chắc chắn. Suốt nhiều năm ròng, ông không bao giờ gọi điện hoặc viết thư lần nào nữa, sau khi gửi cho bà một bưu phẩm có mấy bức ảnh và bản thảo. Bà biết ông hiểu bà phải chịu đựng biết chừng nào, ông hiểu rằng ông có thể gây ra những rắc rối trong đời bà.
Tháng Chín năm 1965, bà đặt mua tạp chí National Geographic. Năm sau, bài báo về các cây cầu mái xuất hiện, cầu Roseman tắm ánh sáng đầu tiên ấm áp vào buổi sáng ông tìm thấy bức thư của bà. Ngoài bìa là ảnh ông chụp nhóm người kéo cái xe tới cầu Hogback. Ông còn viết bài cho tạp chí nữa.
Trang sau của tạp chí là tên các nhà văn và nhà nhiếp ảnh nổi bật, đôi khi có cả ảnh họ. Thỉnh thoảng cũng có ảnh ông. Vẫn mái tóc bạc để dài, vòng đeo tay, vận đồ jeans hoặc kaki, máy ảnh đung đưa trên vai, ông đứng chống nạnh. Ở Kalahari, bên các bức tường Jaipur ở Ấn Độ, trên chiếc xuồng ở Guatemala, ở bắc Canada. Con đường và chàng cao bồi.
Bà cắt tất cả những thứ đó và cất trong một phong bì bằng giấy tơ chuối, cùng với bản thảo bài báo về cây cầu mái, hai tấm ảnh và bức thư của Robert. Bà để phong bì dưới lớp quần áo lót trong tủ, nơi Richard không bao giờ ngó tới. Giống một nhà quan sát từ xa suốt bao năm trường, bà theo dõi và thấy ông ngày càng già dặn.
Vẫn nụ cười tươi tắn, thân hình cao, mảnh dẻ, rắn rỏi. Nhưng quanh mắt ông có nhiều rạn chân chim, đôi bờ vai khỏe khoắn hơi chùng xuống, mặt ông dần chảy xệ. Bà có thể nói như thế. Bà quan sát thân hình ông kỹ lưỡng hơn tất cả mọi thứ trên đời, còn chăm chú hơn quan sát cơ thể của chính mình. Về già, ông càng làm bà khao khát ông hơn, nếu điều ấy là có thể. Bà ngờ - không, bà biết - là ông vẫn sống một mình. Mà đúng là như thế.
Dưới ánh nến trên bàn, bà ngắm nghía những thứ bà cắt ra. Ông nhìn bà từ những nơi xa xôi. Bà xem một bức ảnh đặc biệt trong một số National Geographic năm 1967. Ông ngồi xổm bên một dòng sông ở Đông Phi, nhìn vào máy ảnh, đầu ngẩng, rất gần, rõ là đang chuẩn bị chụp một kiểu nào đó.
Nhiều năm trước, lần đầu tiên xem bài báo này, bà nhìn thấy sợi dây chuyền bạc quanh cổ ông giờ có đeo một trái tim nhỏ. Con trai đi học xa, lúc chồng bà và con gái đã ngủ, bà lấy cái kính lúp cực mạnh mà Michael vẫn dùng để xem tem khi còn bé và đưa đến gần bức ảnh.
- Lạy Chúa tôi - bà thở hổn hển. Trên trái tim đề "Francesca". Một sự khinh suất, và bà mỉm cười, tha thứ cho ông. Trong các bức ảnh sau này, trái tim xinh xắn đó luôn đeo trên dây chuyền.
Sau năm 1975, bà không thấy ông lần nào trên tạp chí nữa. Tên ông cũng vắng bặt. Bà lục xem từng số nhưng không thấy gì. Năm đó ông đã sáu mươi hai.
Năm 1979 Richard mất; sau tang lễ, khi các con đã về nhà riêng, bà nghĩ đến việc gọi điện cho Robert Kincaid. Lúc này ông sáu mươi sáu, còn bà năm chín. Vẫn còn thời gian, dù đã mất trọn mười bốn năm. Bà suy nghĩ suốt một tuần, cuối cùng bà lấy số điện thoại của ông ở trong thư ra và quay máy.
Trái tim bà gần như ngừng đập khi nghe tiếng chuông reo. Suýt nữa thì bà đã gác máy khi có tiếng người nhấc ống nghe. Một giọng phụ nữ nói "Công ty Bảo hiểm McGregor đây". Francesca như chìm nghỉm, nhưng đã trấn tĩnh lại được để hỏi cô thư ký xem bà có nhầm số không. Bà nhầm thật. Francesca cảm ơn và gác máy.
Sau đó bà cố tìm tên ông trong Danh bạ điện thoại Bellingham, bang Washington. Không có ông ở đấy. Bà thử gọi Seattle. Không có. Rồi đến Văn phòng Thương mại Bellingham và Seattle. Bà nhờ họ kiểm tra danh bạ điện thoại thành phố. Họ kiểm tra hộ, song ông không đăng ký. Robert Kincaid có thể ở bất cứ nơi đâu, bà nghĩ.
Bà nhớ ra ông có dặn bà gọi đến tạp chí. Nhân viên tiếp tân ở đấy là người mới, trả lời lịch sự, nhưng người đó không biết ông và bà phải nhờ họ kiếm ai đó có thể giúp được bà. Cuộc gọi của Francesca phải chuyển tới ba lần mới gặp được phó tổng biên tập đã làm việc ở tạp chí này hai chục năm liền. Bà hỏi ông ta về Robert Kincaid.Lẽ tất nhiên ông ta nhớ Kincaid.
- Bà muốn biết ông ấy ở đâu phải không ạ? Xin bà đừng giận, ông Kincaid là một nhiếp ảnh gia rất chi là quá quắt. Cực kỳ khó tính, không tồi tệ, nhưng cố chấp. Ông ta theo chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật, vì thế không ăn khách. Độc giả của chúng tôi muốn xem những bức ảnh đẹp, khéo chụp nhưng không quá hoang dã.
Chúng tôi thường bảo nhau: Kincaid là người hơi kỳ cục; ngoài công việc làm cho chúng tôi, chẳng ai trong chúng tôi biết rõ ông ta. Nhưng là một tay nhà nghề cực giỏi đấy. Cử ông ta đi bất cứ nơi nào ông ta cũng hoàn thành nhiệm vụ, mặc dầu nhiều phen chúng tôi bất đồng về mặt biên tập. Còn chỗ ở của Kincaid? Tôi vừa xem lại hồ sơ lúc chúng ta nói chuyện đây. Ông ta rời tạp chí của chúng tôi năm 1975. Đây, tôi có địa chỉ và số điện thoại của ông ấy đây... - ông ta đọc đúng những thứ mà bà đã có. Sau đó bà ngừng tìm kiếm, nhiều phần là vì sợ điều bà sẽ phát hiện.
Bà buông trôi, mặc cho mình ngày càng nghĩ đến Robert nhiều hơn. Bà vẫn tự lái xe được, mỗi năm bà đến Des Moines vài lần, ăn trưa tại nhà hàng Robert đã đưa bà đến. Trong một chuyến đi như thế, bà mua một cuốn sổ bìa da có nhiều trang giấy trắng. Trên những trang đó, bằng lối chữ rõ ràng, bà bắt đầu ghi lại tỉ mỉ mối tình của bà với Robert Kincaid và những ý nghĩ về ông. Gần hết ba cuốn sổ ghi chép, bà mới mãn nguyện vì đã hoàn thành công việc.
Winterset đang mở mang. Nó có một hội nghệ thuật hoạt động thực sự, phần nhiều là phụ nữ, vài năm nay họ có bàn đến việc tân trang các cây cầu cũ. Các cư dân trẻ xây nhà trên đồi. Nhiều việc được nới lỏng, để tóc dài không còn bị nhìn chằm chặp nữa, dù người ta vẫn hơi hãi đàn ông đi dép và vẫn ít nhà thơ.Ngoài vài người bạn gái, Francesca sống rất khép kín và hoàn toàn rút khỏi cộng đồng. Dân chúng để ý đến điều đó và họ hay nhìn thấy bà đứng bên cầu Roseman, hoặc thỉnh thoảng ở bên cầu Cedar. Họ bảo người già thường trái tính trái nết và hài lòng với cách giải thích ấy.
Ngày mồng hai tháng Hai năm 1982, một chiếc ôtô bưu điện đỗ trên đường nhà bà. Bà nhớ mình không hề đặt món hàng nào qua đường bưu điện. Bối rối, bà ký nhận bưu phẩm và nhìn địa chỉ: "Francesca Johnson, RR 2, Winterset, Iowa 50273". Địa chỉ người gửi là một công ty luật ở Seattle.
Bưu phẩm được gói bọc gọn gàng, mang dấu bảo đảm. Bà để lên bàn bếp và cẩn thận mở ra. Bên trong có ba cái hộp, gói chắc chắn bằng giấy không thấm nước. Một cái phong bì nhỏ độn kỹ buộc bên trên một hộp. Hộp kia buộc một phong bì của công ty đề địa chỉ bà và địa chỉ gửi lại là công ty luật.Bà tháo dây lấy cái phong bì và mở ra, tay run run.
Ngày 25 tháng Giêng 1982
Bà Francesca Johnson
RR 2
Winterset, IA 50273
Bà Johnson thân mến,
Chúng tôi đại diện cho di sản của ông Robert L. Kincaid vừa qua đời...
Francesca để bức thư lên bàn. Bên ngoài, tuyết bay qua các cánh đồng mùa đông. Bà ngắm tuyết bay tơi bời, cuốn theo lá ngô dồn đống lại ở góc tận cùng. Bà đọc lại lần nữa.
Chúng tôi đại diện cho di sản của ông Robert L. Kincaid vừa qua đời...
- Ôi Robert... Robert... không. - Bà nói khẽ, đầu gục xuống.
Một giờ sau bà mới có thể đọc tiếp. Ngôn ngữ thẳng thừng, từ ngữ chính xác của luật pháp làm bà nổi giận.
Chúng tôi đại diện cho...
Một luật sư thực hiện nhiệm vụ với một khách hàng.
Nhưng còn con người đầy quyền năng, con báo cưỡi trên đuôi sao chổi, vị pháp sư đi tìm cầu Roseman trong một ngày tháng Tám nóng nực, người đàn ông đứng trên bậc chiếc xe tải mang tên Harry nhìn lại bà chết điếng trong lớp bụi đường làng ở Iowa, ông ở đâu trong những lời ấy?
Bức thư lẽ ra phải dài một ngàn trang. Nó nói về điểm tận cùng của một chi họ và sự mất tự do, về những chàng cao bồi đang vùng vẫy ở góc tận cùng như những lá ngô mùa đông.
Di chúc duy nhất ông ấy để lại đề ngày 8 tháng 4  năm 1967. Lời dặn dò về những thứ gửi kèm cho bà rất rõ ràng. Nếu không tìm thấy bà, các thứ này sẽ đem thiêu.
Trong hộp đề "Thư" là một thông báo gửi bà, ông ấy để lại nơi chúng tôi vào năm 1978. Ông ấy niêm phong bì và dặn không được mở.
Thi hài ông Kincaid đã được hỏa thiêu. Theo yêu cầu của ông, ông không chịu chôn ở bất cứ nơi nào. Cũng theo yêu cầu của ông, một trợ lý của chúng tôi sẽ đem tro rắc ở gần nhà bà. Tôi tin chắc địa điểm đó là cầu Roseman.
Nếu cần chúng tôi phục vụ nhiều hơn, xin bà đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi.
Nay kính thư,Allen B. Quippen, Luật sư
Bà nín thở, lau nước mắt lần nữa và bắt đầu kiểm tra các thứ còn lại trong hộp.
Bà biết trong cái phong bì nhỏ độn bông kia có những gì. Bà biết chắc như biết năm nay, mùa xuân lại đến. Bà thận trọng mở nó và luồn tay vào trong. Lấy ra sợi dây chuyền bạc. Trái tim đeo trên dây đã xây xước có chữ đề "Francesca". Mặt sau khắc những chữ nhỏ xíu: "Nếu tìm thấy, xin gửi cho Francesca Johnson, RR2, Winterset, Iowa, Mỹ".
Cái vòng tay bạc của ông gói trong giấy lụa để ở đáy phong bì. Một mẩu giấy gói cùng với cái vòng. Nét chữ của bà:
"Nếu anh muốn ăn tối lần nữa, tối làm nay xong việc khi "bướm đêm trắng muốt bay", anh ghé đến nhé."
Thư của bà ở cầu Roseman. Ông đã giữ nó làm kỷ niệm.Lúc đó bà nhớ ra đấy là vật duy nhất ông có của bà, chứng cứ duy nhất chứng tỏ trên đời này có bà, không kể những hình ảnh cứ mờ dần trên phim nhựa bị phân huỷ từ từ. Bức thư nhỏ xíu trên cầu Roseman. Nó đã biến màu và quăn queo, như được mang theo trong ví một thời gian dài.
Bà tự hỏi trong bao năm ròng xa cách dòng sông Middle, ông đã đọc bức thư này bao nhiêu lần. Bà hình dung ông đọc nó dưới ánh đèn mong manh trên máy bay phản lực, nó đang bay thẳng đến một phương trời nào đó, ông ngồi trên sàn một túp lều tre trong đất nước của hổ báo và đọc dưới ánh đèn pin, rồi gấp lại và cất đi trong một đêm mưa ở Bellingham, xem các bức ảnh người phụ nữ dựa vào cột hàng rào trong buổi sáng hè hoặc đang ra khỏi cây cầu mái lúc mặt trời lặn.
Ba cái hộp, mỗi cái đựng một chiếc máy ảnh lắp sẵn ống kính. Chúng đã mòn vẹt, sứt sẹo. Lật một chiếc lên, bà đọc "Nikon" trên kính ngắm và ngay phía trên bên trái nhãn Nikon là chữ E Đó chính là chiếc máy ảnh bà đưa cho ông trên cầu Cedar.Cuối cùng, bà mở bức thư của ông. Thư viết trên loại giấy văn phòng bằng lối chữ thường, đề ngày 16 tháng Tám 1978.
Francesca thân yêu,
Anh hy vọng thư này sẽ đến tay em. Anh không biết khi nào em nhận được nó. Có lẽ vào một lúc nào đó, khi anh không còn. Hiện giờ anh sáu mươi lăm, và hôm nay là tròn mười ba năm ngày chúng ta gặp nhau, khi anh lái xe vào lối nhà em hỏi đường.
Anh đánh liều làm như vậy, mong rằng bưu phẩm này sẽ không đảo lộn cuộc sống của em. Anh không thể chịu đựng nổi khi nghĩ đến những chiếc máy ảnh của anh sẽ phải nằm trong thùng đồ cũ ở một hiệu ảnh, trong những bàn tay xa lạ. Lúc em nhận được, chúng trông đã cũ mèm. Nhưng anh không còn ai để di tặng, và anh xin lỗi đã đặt em vào cảnh khó xử khi gửi chúng cho em.
Từ năm 1965 đến 1975, anh không ngừng ở trên đường. Lúc nào anh cũng phải cưỡng lại sự cám dỗ gọi điện cho em hoặc đến với em, sự thôi thúc hầu như bao giờ cũng có mỗi lúc anh tỉnh dậy trong đời, anh đã nhận mọi chuyến công tác ra nước ngoài khi có thể. Nhiều lần, anh thốt lên "Quái quỷ thật. Mình sẽ đến Winterset, Iowa bằng bất cứ giá nào, đưa Francesca đi với mình".
Nhưng anh nhớ lại lời em và anh tôn trọng tình cảm của em. Có lẽ em nói đúng, chỉ có anh không hiểu mà thôi. Anh biết khi lái xe ra khỏi đường nhà em trong buổi sáng thứ Sáu nóng nực ấy sẽ là sự ra đi vĩnh viễn. Trong thực tế, anh ngờ rằng ít người đàn ông có thể làm được việc gì khó khăn hơn thế.
Năm 1975, anh bỏ tạp chí National Geographic và dành những năm còn lại để chụp mọi thứ theo ý mình, tìm một công việc nho nhỏ, những chuyến công tác ở địa phương hoặc khu vực, mỗi lần đi vắng độ vài ngày. Cũng khó khăn về tài chính, song anh xoay xỏa được. Anh luôn là như thế.
Anh có nhiều việc ở gần Eo biển Puget, và anh thích nơi này. Hình như con người càng về già càng hướng đến gần nước hơn.
À, hiện giờ anh có một con chó, một con chó săn màu vàng. Anh đặt tên cho nó là Con Đường, nó lang thang khắp nơi cùng anh, thò đầu ra ngoài cửa xe tìm cảnh đẹp để chụp.
Năm 1972, anh ngã từ một vách đá ở Maine thuộc Công viên Quốc gia Acadia và bị vỡ mắt cá. Cái dây chuyền và trái tim bị đứt lúc anh ngã. May thay, chúng rơi ở gần đó. Anh tìm lại được nó và một người thợ kim hoàn đã tu sửa lại.
Anh sống với trái tim tàn tạ. Anh có thể nói như thế. Trước em, anh đã có vài người phụ nữ, nhưng sau em thì không. Anh không có ý thề thốt rằng anh sống có một mình, anh chỉ không thích mà thôi.
Anh có dịp quan sát bạn tình của một con ngỗng cái Canada bị thợ săn bắn chết. Em biết không, loài này cặp đôi với nhau suốt đời. Con ngỗng đực lượn vòng khắp hồ suốt nhiều ngày, và sau đó còn lượn nhiều ngày nữa. Lần cuối cùng anh nhìn thấy nó đang bơi một mình qua những cây lúa dại, vẫn tìm kiếm. Anh cho rằng phép loại suy không rõ ràng lắm cho thị hiếu văn chương, nhưng khá đúng theo cách anh cảm nhận.
Trong trí tưởng tượng của anh, trong những buổi sáng mờ sương hoặc những buổi chiều mặt trời trồi lên khỏi mặt nước phía tây bắc, anh cố nghĩ xem em đang ở đâu trong cuộc sống của em, em đang làm gì lúc anh nghĩ đến em. Chắc hẳn mọi sự đều bình dị - em ra vườn, ngồi trên xích đu ở hiên trước, đứng bên bồn rửa trong bếp. Nó phải là như thế.
Anh nhớ hết mọi thứ. Nhớ mùi da thịt em ra sao, em có vị giống như mùa hè. Cảm giác da thịt em áp sát vào da thịt anh, tiếng em thì thầm lúc anh yêu em.Trước kia Robert Penn Warren' dùng câu "một cõi trần dường như bị Chúa Trời ruồng bỏ". Không đến nỗi tồi, phải không em? Đôi khi anh cảm thấy gần như thế. Nhưng anh không thể sống như thế thường xuyên. Mỗi khi cảm giác ấy quá mạnh, anh chất đồ lên chiếc Harry, cùng Con Đường ra đi vài ngày.
(1 Robert Penn Warren (1905-1989): nhà thơ, tiểu thuyết gia và phê bình Mỹ, tác phẩm của ông phản ánh sự quan tâm duy trì phẩm giá con người khi đối mặt với nạn tham nhũng và lạm dụng chức quyền).Anh không thích cảm giác tủi thân. Anh không phải loại người như thế. Phần lớn thời gian, anh không cảm thấy thế. Chúng ta đã vụt đến với nhau như hai hạt bụi vũ trụ.Thượng đế, vũ trụ, hay bất cứ cái gì con người chọn để gắn cho các hệ thống vĩ đại của trật tự trên dưới, không chịu thừa nhận thời gian của Trái đất. Với vũ trụ, bốn ngày chẳng có gì khác bốn tỷ năm ánh sáng. Còn anh cố giữ những ngày ấy trong tim.Nhưng em ơi, rốt cuộc anh là một con người. Mọi thứ triết lý về can trường mà anh cố vận dụng không làm anh thoát khỏi thèm muốn em, từng ngày, từng lúc, trong khoảng thời gian tàn nhẫn anh không thể sống cùng em, chúng la khóc nhai nhải trong đầu anh.
Anh yêu em, sâu sắc và trọn vẹn. Và sẽ yêu em mãi mãi.
Chàng cao bồi cuối cùng
Robert
TB. Hè năm ngoái anh đã thay động cơ mới cho Harry, hiện giờ nó chạy tốt lắm.

Gói bưu phẩm đến từ 5 năm trước. Xem lại các thứ ở trong cái gói ấy đã trở thành một phần nghi thức trong dịp sinh nhật hàng năm của bà. Bà để mấy cái máy ảnh, vòng đeo tay, dây chuyền cùng trái tim vào một cái hòm riêng trong phòng kho. Một ông phó mộc trong vùng đóng cho bà một cái hòm bằng gỗ óc chó theo thiết kế của bà, gắn xi, các phần bên trong lót nệm. Ông ta nói "Cái hòm khá khác thường". Francesca chỉ mỉm cười.

Phần cuối cùng của nghi thức là bản thảo của Robert Kincaid. Bà thường đọc nó dưới ánh nến, vào lúc ngày tàn. Bà mang bản thảo của ông từ phòng khách vào bếp và để cẩn thận lên lớp nhựa màu vàng của cái bàn, gần ngọn nến, châm điếu thuốc duy nhất trong năm, một điếu Camel, nhấp một ngụm brandy và bắt đầu đọc.

Rơi từ Chiều Z
Robert Kincaid
Có những làn gió cổ xưa tôi không hiểu nổi, dù tôi đang cưỡi trên lưng cong của nó, một trạng huống mãi mãi không đổi, dường như thế. Tôi chuyển vào chiều Z; cái thế giới hoạt động ở một nơi nào đó trong một phần khác của vật thể song song tồn tại với tôi. Giống như những bàn tay trong túi tôi và hơi uốn cong về phía trước, tôi nhìn thấy nó qua tủ kính bày hàng, có vẻ bí ẩn.
Trong Chiều Z, có những khoảnh khắc kỳ lạ. Đi vòng một khoảng dài, hoài hoài mưa đến mưa đi, Phía tây Magdalena, New Mexico lượn vòng, đường cái biến thành đường nhỏ, đường nhỏ biến thành đường mòn cho gia súc. Cần gat khua trên kính xe - vệt nước biến thành rừng thẳm. Cần gat khua cái nữa, cái nữa - rừng nguyên sơ lùi xa nữa. Lần này là một tảng băng lớn. Tôi lướt qua lớp cỏ thấp, trong bộ lông thú, mái tóc rối bù, cầm cây giáo mỏng manh và cứng như thép, vận dụng toàn bộ sức mạnh và sự khéo léo không cùng. Vượt qua tảng băng, mọi vật càng lúc càng xa thêm, tôi, vừa có mang vừa có vảy, ngụp lặn trong nước mặn. Tôi không thể nhìn thấy gì hơn thế, ngoại trừ các sinh vật phù du không ngón.
Euclid* không phải lúc nào cũng đúng. Ông cho rằng song song là bất biến, đến tận cùng các vật; nhưng hình học phi-Euclid bây giờ lại cho rằng các đường thẳng có thể gặp nhau ở một nơi rất xa. Một giá trị đang biến mất. Ảo giác của hội tụ.(*Euclid: nhà toán học vĩ đại của Hy Lạp, sống vào khoảng năm 300 trước Công nguyên).Tôi hiểu nó rõ hơn là ảo giác. Đôi khi hai đường song song gặp nhau là khả dĩ, một thực tại này lọt vào một thực tại khác. Một sự quấn xoắn vào nhau mềm mại. Không có những mặt cắt cứng nhắc hiện ra trong một thế giới chính xác, không có âm thanh của hệ thống giao thông. Chỉ là... phải..., chỉ là hơi thở. Đúng thế, âm thanh đó có khi chỉ là cảm thấy. Là hơi thở.Còn tôi từ từ lướt trên một thực tế khác, bên ngoài, dưới nó và lượn vòng quanh nó, với một sức mạnh và sự khỏe khoắn trời cho. Đây là những cảm giác khác, chúng lần lượt phô ra sức mạnh riêng của chúng và ban tặng cho tôi.
Ở một nơi nào đó, trong bề sâu của hơi thở, tiếng nhạc và vũ điệu xoay tròn kỳ dị bắt đầu, với một máy đo tâm trạng của người đàn ông băng giá có cây giáo và mái tóc rối bù. Rồi chầm chậm tròn và quay - xoay tròn và theo nhịp chậm, luôn là nhịp chậm - người đàn ông băng giá ấy rơi... từ Chiều Z..., rơi thẳng vào nàng. 
Cuối ngày sinh lần thứ sáu mươi bảy, khi tạnh mưa, Francesca đặt chiếc phong bì bằng giấy tơ chuối vào ngăn dưới cùng cái bàn có nắp cuộn. Sau khi Richard mất, bà quyết định gửi nó vào két an toàn trong nhà băng nhưng mỗi năm một lần vào dịp này, bà lại mang nó về nhà vài ngày. Nắp cái hòm bằng gỗ óc chó che kín mấy cái máy ảnh, cái hòm để trên giá trong phòng ngủ của bà.Đầu buổi chiều, bà đến thăm cầu Roseman. Lúc này bà bước ra hiên, lấy khăn lau khô cái đu và ngồi xuống. Trời lạnh, nhưng bà vẫn ngồi đó mấy phút, như bà thường làm. Rồi bà ra cổng và đứng đó. Nơi ấy là đầu con đường làng.
Hai mươi hai năm sau, bà vẫn như nhìn thấy ông bước ra từ chiếc xe tải trong buổi chiều muộn, đang cố tìm đường, và thấy chiếc Harry vụt ra con đường hàng quận rồi dừng lại, Robert đứng trên bậc xe ngoái nhìn con đường làng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com