6.
Một tháng liền kề sau đó, La Tại Dân cảm thấy bản thân vô cùng bận rộn. Buổi sáng đến thao trường luyện võ, cùng các huynh trưởng và gia tướng cưỡi ngựa bắn cung, đến giữa giờ Thìn thì quay về phủ tắm rửa chỉnh trang đợi Trịnh Tại Hiền đến phủ đi chơi, chiều về thì rúc trong chăn bông ở noãn các đọc sách, hiển nhiên ngày tháng tốt đẹp ấy trôi qua mà không gặp lại oan gia Lý Đế Nỗ một lần nào nữa.
Kinh thành phồn thịnh có rất nhiều nơi để vui thú, ngoại trừ chốn phong trần ra thì nơi nào cũng sẽ nhìn thấy bóng dáng đôi huynh đệ Tại Hiền và Tại Dân tíu tít nói cười, nhất là đối với Trịnh Tại Hiền từ nhỏ đã bị quản thúc chặt chẽ, cái gì với y cũng rất mới mẻ, đôi mắt trong veo ánh lên niềm vui sướng chưa từng có.
"Nói thật với đệ, ta sống ở Lũng Tây từ nhỏ nhưng phạm vi đi lại chỉ dừng ở thư quán và gia trạch, hiện giờ nơi đó có danh lam gì, trà lâu nổi tiếng nào ta cũng không biết, mấy ngày qua ở trong kinh thành cùng đệ đi chơi, ta mới biết thế nào là thế gian rộng lớn, hổ thẹn thay." Trịnh Tại Hiền cười khổ bộc bạch.
Hôm nay không rõ vì sao y lại đến Hầu phủ sớm như thế, La Tại Dân cũng chỉ vừa mới từ thao trường trở về, trên người vẫn còn bộ y phục cưỡi ngựa ướt đẫm mồ hôi, nghe thấy biểu huynh than vắn thở dài thì trêu: "Trời ạ, huynh hơn đệ bao tuổi đâu mà cứ như ông cụ non thế? Sau này nếu chúng ta du ngoạn ở Tô Châu, Hàng Châu khéo có khi huynh lại muốn tu tiên đấy."
Trịnh Tại Hiền nghe vậy thì bật cười dậm chân, trợn mắt với thiếu niên đang ngâm mình đằng sau tấm bình phong: "Khỉ con nhà đệ ăn nói lung tung gì vậy hả?"
Tại Dân nhắm mắt dựa vào thành bồn, cười đáp: "Mười mấy năm đèn sách của huynh đã đủ để dựng nên nghiệp lớn rồi, đợi sau này giao du với con cháu các thế gia ở đây thì tự nhiên tiếng tốt sẽ lưu truyền, ngoại tổ mẫu sẽ không ép huyng nữa."
Trịnh Tại Hiền lại cười khổ nhưng lần này giọng nói mang đầy tâm sự: "Làm sao huynh không biết chứ, huynh càng biết phụ mẫu gửi gắm rất nhiều hi vọng vào huynh, phụ thân cũng đã lớn tuổi rồi, huynh càng phải có trách nhiệm với Trịnh gia, nếu ta sinh sớm một chút thì hay quá."
"Có nhiều chuyện vốn đã như vậy, số mệnh sắp đặt ắt là có lý do, nhỡ đâu huynh ra đời sớm vài năm nhưng không tuấn tú như hiện tại, cũng không học một hiểu mười như bây giờ thì sao? Đến khi ấy trong nhà có một kẻ ngờ nghệch mới là mất hết hy vọng. Huynh cứ sống ngày tháng vui vẻ của huynh, đến khi thánh thượng mở khoa cử, huynh ưu tư cũng không có muộn."
"Đệ nói ta là ông cụ non nhưng đệ nào khác gì, thôi vậy, cứ vui vẻ trước."
Trịnh Tại Hiền thở dài một tiếng, coi như đã nghĩ thông suốt, y ăn một ít bánh trái trong tiểu viện, qua được một lát đã thấy La Tại Dân ăn vận chỉn chu bước ra ngoài, gương mặt tuấn tú trắng trẻo, so với khi trước ngày càng có khí sắc hơn, dường như còn cao thêm mấy tấc.
Vừa bước ra khỏi hậu viện, La Tại Dân nghĩ ngợi gì đó rồi quay sang nói chuyện với Trịnh Tại Hiền:"Vài ngày nữa là tết Nguyên Tiêu, chi bằng lát nữa chúng ta cùng đi đến Nghênh Xuân lâu uống trà đi, còn có mấy vị bằng hữu đệ muốn giới thiệu với huynh nữa."
Rồi y đưa ấn tín của mình cho A Cách, để y đi mời Lý Đông Hách và Phác Chí Thịnh đến, nhẩm tính thời gian thì có lẽ phu tử của Lý gia đã dạy xong rồi.
Chẳng hiểu mấy tháng này vì sao mà Lại bộ Thượng thư Lý Doãn rất lo lắng cho đứa con trai út của mình, cũng tức là Lý Đông Hách, sợ người ta chê cười con trai ông không giỏi thi thư nên mới cho mời một vị phu tử nổi tiếng ở Duyễn châu đến, Lý đại nhân lại là bạn tốt của Chiêu Nghị tướng quân, vừa hay Phác Chí Thịnh là con trai của ông, thế là đẩy đứa trẻ ấy sang học cùng. La Tại Dân thầm nghĩ có khi gặp lại hai huynh đệ Đông Hách Chí Thịnh sẽ thấy xung quanh tỏa ra vầng sáng tri thức mất.
Thời gian chưa được nửa nén nhang, đã trông thấy chiếc xe ngựa từ phía Đông chạy đến, hai thiếu niên từ trên xe lao xuống ôm chầm lấy Tại Dân, nước mắt nước mũi ròng ròng mà gào lên: "Ta khổ quá A Dân, còn chẳng bằng gửi ta vào chùa tu hành cho rồi, ngươi thì sướng lắm, ở ngoài vui vẻ nhàn hạ nhìn ta và A Thịnh chịu khổ."
Chí Thịnh còn nhỏ, bình thường rất ngại ngùng bày tỏ, bây giờ cũng đã thay đổi tính nết: "Huynh không cần bọn đệ nữa sao, biết ngay là thế mà, lòng người bạc bẽo quá, phu tử là vậy mà huynh cũng thế."
Tại Dân nghe đến hoa mắt ù tai, chẳng hiểu mấy lời nhí nhố này từ đâu mà ra, cứ lộn xộn hết cả lên, y cười khổ véo tai Đông Hách và Chí Thịnh, giả vờ trợn mắt: "Ai bảo ngày trước ta nhắc nhở mà chẳng chịu nghe, đáng đời lắm! Bây giờ biết khổ rồi chứ gì."
Trịnh Tại Hiền bật cười, tiến đến gần biểu đệ kéo tay y ra, hướng đến hai đứa nhỏ chỉ cao đến ngực mình mà an ủi: "Đừng để Tại Dân véo tai hai đệ, mấy ngày qua đệ ấy ở thao trường luyện võ, thân thủ khá hơn trước nhiều, không cẩn thận là khiến hai đệ đau đó."
Lý Đông Hách lúc này mới để ý tới nam tử đằng sau lưng Tại Dân, mắt sáng mày rậm, dáng cao thẳng tắp, vị huynh trưởng nào của Tại Dân vậy nhỉ, sao y chưa gặp lần nào.
"Đây là biểu huynh nhà ta, con trai của Trịnh Ngự sử vừa nhậm chức, Trịnh Tại Hiền."
"Đây là hai bằng hữu đệ nhắc đến lúc nãy, y là Lý Đông Hách, đứa nhỏ hơn này là Phác Chí Thịnh."
Đôi bên chắp tay chào hỏi, chỉ có Lý Đông Hách cứ nhìn Trịnh Tại Hiền mà hai mắt sáng rỡ, y nhào đến phía thiếu niên tuấn tú đang đứng, cười hớn hở: "Huynh đẹp thật đấy, không biết đã có hôn ước chưa?"
Trịnh Tại Hiền ho sặc sụa trước câu nói của đứa nhỏ đang cười tươi xán lạn, La Tại Dân lắc đầu cười khổ, song vẫn chắn trước mặt biểu huynh nhà mình, hừ một tiếng: "Ngươi vẫn còn muốn tìm lang tế cho mấy tỷ tỷ à? Tìm ai cũng được nhưng đừng có tìm biểu huynh ta, mai sau huynh ấy vào triều làm quan, bây giờ không thể vướng bận nữ nhi tình trường đâu."
Lý Đông Hách bĩu môi, không được thì thôi làm gì mà hùng hổ như vậy, đoạn y bám vào vai Chí Thịnh, lại gào lên kể khổ: "A Thịnh thấy chưa, người ta là quý nhân rồi thì không cần huynh đệ mình nữa, còn hung hăng mắng huynh. Số ta khổ quá, ở nhà thì bị phu tử quản giáo, đi chơi lại bị bằng hữu bắt nạt."
La Tại Dân đành xuống nước dỗ ngọt: "Thôi nào, bây giờ chúng ta đi đến Nghênh Xuân lâu đi, ngươi muốn cái gì ta mua cho ngươi cái đấy, được không?"
Đông Hách lúc này mới cười khì, tinh nghịch nắm tay Phác Chí Thịnh chạy đi trước, La Tại Dân và Trịnh Tại Hiền dạo bước theo sau.
Mặc dù khăn trắng để tang tiên đế vẫn chưa được tháo xuống nhưng Đông Kinh đã khôi phục trở lại dáng vẻ phồn thịnh ngày trước. Vì thế mà khi bốn thiếu niên đặt chân bước vào Nghênh Xuân lâu đã có thể nghe được khúc Xuất thủy liên trứ danh. Trịnh Tại Hiền nghe đến say mê, tấm tắc khen ngợi cô nương đang gẩy đàn.
"Khi còn ở Lũng Tây, bên cạnh thư quán là nhà của một buôn lái, thế mà tài nghệ của vị cô nương nhà ấy phải là nhất nhì một huyện đó, bây giờ giống như huynh được nghe lại tiếng đàn ấy vậy."
"Ôi huynh không chịu học hành mà lại say mê tiếng đàn của người ta à, chậc." Lý Đông Hách nổi hứng trêu ghẹo, làm cho Tại Hiền ú ớ đỏ mặt.
La Tại Dân mỉm cười, nói lời bênh vực cho Tại Hiền: "Huynh ấy đèn sách mười hai năm đó, bây giờ một bụng đầy thi thư, dạy dỗ ngươi còn được nữa là."
"Thật sao? Thế huynh đến phủ dạy bọn đệ đi, đệ không chịu nổi vị phu tử đó nữa đâu." Lý Đông Hách không quan tâm lời La Tại Dân châm chọc mình, y dùng ánh mắt sùng bái năn nỉ Trịnh Tại Hiền.
Học được mười ngày thì Lý Đông Hách đã đến Hầu phủ than thở bảy ngày. Bởi vì giờ Mão mỗi sáng đều phải đến bái lạy phu tử, mà trên bàn vị phu tử còn đốt đàn hương nên bọn y cứ hay ngủ gục giữa chừng, mỗi lần như thế không bị khẽ tay thì là bắt chép phạt, nghiêm trọng hơn thì sẽ đến tai của Lý Doãn, kiểu gì cũng có cách dày vò Lý Đông Hách. Phác Chí Thịnh cũng không khá hơn, thậm chí còn từng bị Chiêu Nghị tướng quân đánh cho một trận.
Trịnh Tại Hiền nghe vậy thì có chút ngại ngùng, y gãi tai lên tiếng: "Chỉ là chút tài mọn thôi, huynh sợ sẽ không giúp ích được gì cho các đệ."
"Không đâu, chỉ cần giờ Mão không bắt bọn đệ đi bái lạy là được rồi, chiều nay đệ sẽ tiến cử huynh với gia phụ, gia phụ tán thưởng lệnh tôn¹ lắm."
Trịnh Tại Hiền cũng chẳng còn cách nào từ chối nên đành đồng ý với Đông Hách, Chí Thịnh thấy vậy thù mừng rỡ hò reo, suýt nữa làm đổ cả chậu cây tử lan sau lưng. Đôi bên cứ hi hi ha ha, Đông Hách còn đòi Trịnh Tại Hiền phải kể chuyện ở Lũng Tây cho y nghe. Qua một lúc, Trịnh Tại Hiền dường như nhận ra gì đó thì quay sang vỗ vai La Tại Dân: "Sao vậy?"
La Tại Dân gõ từng nhịp trên bàn, dùng âm lượng vừa đủ để trả lời: "Sau lưng chúng ta có hai bàn, nãy giờ mấy người bọn họ cứ nhìn sang đây suốt, hình như bên hông có giấu thứ gì đó, e là có điều bất thường."
Chỗ ngồi của Tại Dân quay lưng với toán nam nhân thần bí kia nhưng linh tính của người học võ khiến y cảm thấy bất an, khi nãy nhân lúc ba người Trịnh Lý Phác nói chuyện hăng say, y cố tình vứt chiếc đũa ra sau lưng, ngoái đầu lại mới biết bọn chúng đang để ý từng hành tung cử chỉ của y.
Trịnh Tại Hiền lo lắng hỏi: "Chúng ta không thể cứ thế mà bỏ về được, lỡ đâu bọn chúng động thủ thì sao?"
"Vậy nên đệ có cách rồi."
Y không nói không rằng vung tay hất đổ chén trà vào y phục của Trịnh Tại Hiền, sau đó giả vờ hốt hoảng đứng dậy: "Biểu huynh thứ lỗi, đệ bất cẩn quá, chúng ta hồi phủ thay y phục thôi."
Đông Hách nắm tay Chí Thịnh phụ họa theo: "Đúng đúng, phải hồi phủ thôi."
Nào ngờ bọn y vừa toan bỏ đi thì đám người kia lập tức tuốt gươm khỏi võ, chĩa về hướng La Tại Dân mà đâm đến. La Tại Dân đá bay một cái ghế vào tên dẫn đầu, nhanh chóng kéo tay Lý Đông Hách bỏ chạy.
La Tại Dân thầm than: lần này hỏng thật rồi, cho dù là cách gì đi nữa thì mục đích của chúng vẫn là hành thích bọn họ.
Trong trà lâu vốn dĩ yên bình đã bị bốn nhi lang cùng toán thích khách làm cho nháo nhào cả lên. Bàn ăn bị lật đổ, tiếng chửi rủa la ó náo loạn, còn cả thanh gươm lạnh toát ghê rợn dí theo đằng sau lưng, La Tại Dân cảm thấy tình hình không ổn, liên tục tìm cách để cắt đuôi bọn chúng, đoạn ngoái đầu nói với Trịnh Tại Hiền: "Biểu huynh mau cùng A Thịnh đến Phác gia cầu phủ binh đến ứng cứu đi, đệ và Tiểu Xán sẽ nghĩ cách dẫn dụ bọn chúng."
Sau đó y rút thanh đoản đao trên người ném cho Trịnh Tại Hiền còn bản thân cùng Lý Đông Hách thì cố gây chú ý với đám thích khách.
Đoàn người trên phố tấp nập vẫn không ngăn được bọn chúng bám sát sau lưng bọn y, mặc dù Trịnh Tại Hiền đã rẽ sang hướng khác nhưng vẫn bị mấy tên đuổi theo.
Lý Đông Hách xem như là cao thủ của trò chạy trốn này, bình thường ở Lý phủ y nghịch ngợm bị đuổi đánh cũng đã bỏ chạy mấy vòng y hệt bây giờ. Nhưng y cũng chẳng chịu nổi nữa, sức lực gần chạm đáy, ngoái nhìn ra đằng sau cũng chỉ thấy cách bọn thích khách được một trượng.
Phía cuối con phố là một hoa lâu đông đúc, La Tại Dân cắn chặt răng hạ quyết tâm kéo Lý Đông Hách chạy thẳng vào bên trong.
Kinh Hồng lâu là kỹ viện nổi tiếng nhất nhì Đông Kinh, nội với quy mô cũng đã lớn bằng hai cái Nghênh Xuân lâu gộp lại, phía sau còn có hai tòa lầu biệt lập, khắp nơi giăng đèn kết hoa, tiếng ong bướm nói cười trêu ghẹo, cả mùi phấn son nồng nàn quyến luyến, trốn ở nơi này hẳn là vẫn có thể câu được một ít thời gian.
La Tại Dân quyết định chạy vào một tòa lầu nằm ở hướng đông, dưới sân vườn trồng nhiều cây bạch quả, y chọn bừa một phòng nằm ở góc khuất của tầng thứ tư rồi đẩy cửa rón rén đi vào, không quên kéo tay Lý Đông Hách nhìn ngó xung quanh rồi mới nấp sau bức bình phong giấy hồ, bên trên vẽ tranh thủy mặc.
Số mệnh của La Tại Dân rất đặc biệt, trong mấy chục phòng ở tòa lầu phía Đông này y không chọn, lại chọn trúng một căn phòng có người, còn là đôi uyên ương đang thân mật.
"Có phải chàng quên thiếp rồi không, qua bao lâu rồi mới đến đây với thiếp." Cô nương nũng nịu nép vào lồng ngực của nam nhân, giọng nói trong trẻo ngân vang như sắp khóc, khiến người khác nghe thấy cũng đau lòng.
"Chẳng phải chỉ không gặp mấy ngày thôi sao?" Nam nhân cất giọng trầm trầm đáp lại, nhìn bóng dáng hắn từ đằng sau hẳn là đang khoát tay lên thành ghế, chẳng đụng gì vào cô nương kia cả.
"Một ngày không gặp như cách ba thu, Lý lang sao chàng tuyệt tình với thiếp thế, trong lòng chàng có ai rồi sao?" Cô nương mềm mại lại tủi thân lên tiếng, La Tại Dân còn có thể thấy tiếng thút thít nhè nhẹ của nàng.
Có điều sao giọng nói của nam tử này nghe quen vậy nhỉ?
La Tại Dân cố rướn đầu lên để nhìn cho rõ, bóng lưng này cao lớn quá, trông cũng có hơi quen mắt.
Nhất định là đã thấy ở đâu rồi!
Vậy là số phận may mắn quá đỗi khi chọn phòng lúc nãy lần nữa vận lên người La Tại Dân, vì lỡ đặt tay tìm điểm tựa để nhìn lén tình nhân ân ái mà tấm bình phong che chắn y và Lý Đông Hách đổ về phía trước, gây tiếng động lớn đến độ khiến đôi nam nữ lập tức quay đầu.
La Tại Dân thầm kêu một tiếng, bảo sao lại quen như vậy, đây chẳng phải là vị Minh Vương trêu ghẹo y đó sao?
Lý Đông Hách lập tức kinh hãi đến đờ người, bây giờ y không chỉ lo bị thích khách đuổi giết mà còn phải lo xem chuyện tốt La Tại Dân làm có khiến cả hai bị ném xuống đất hay không nữa.
Nam tử kia vừa trông thấy hai thiếu niên thì đã đẩy cô nương xinh đẹp ra khỏi người mình, sải bước tiến đến trước mặt bọn y, ánh mắt ngạc nhiên lẫn tha thiết nhìn xuống La Tại Dân.
"Sao công tử lại ở đây?"
La Tại Dân lúc này mới thanh tỉnh, vội vàng kéo tay Lý Đông Hách dập đầu hành lễ với hắn: "Bái kiến Minh Vương, thứ lỗi tại hạ thất lễ, chỉ là trong lúc nguy cấp mới mạo phạm Vương gia như thế, mong ngài lượng thứ."
Lý Đông Hách càng thất kinh hơn, hóa ra Minh Vương anh minh thần võ, là người trong mộng của các cô nương ở kinh thành lại là hoa hoa công tử thích chơi bời sao?
"Có chuyện gì vậy?" Lý Đế Nỗ không còn khách khí nữa mà lập tức quỳ một chân xuống trước mặt La Tại Dân, kéo tay y lo lắng hỏi.
"Có người đuổi theo muốn giết tại hạ nên mới cùng đường lẩn trốn ở đây–"
Chưa đợi La Tại Dân nói dứt câu, bên ngoài đã có tiếng động ồn ào truyền đến, La Tại Dân nghiêng đầu nhìn ra cửa song lại quay đầu thành khẩn nhìn Lý Đế Nỗ.
Trong lòng y muốn gào lên: bây giờ mà ngài cứu ta, ta nhất định sẽ thờ cúng cầu phúc cho ngài mỗi ngày, xem ngài như tiểu tổ tông mà sùng bái.
Tiếng bước chân ngày càng gần hơn, làm Lý Đông Hách sợ đến suýt khóc, y nắm vạt áo của La Tại Dân mà run rẩy, La Tại Dân lại càng thành khẩn nhìn Lý Đế Nỗ.
"Đừng sợ."
Lý Đế Nỗ trấn an Tại Dân, sau đó nhanh chóng nhét hai người bọn y xuống gầm giường, dựng lại tấm bình phong, cuối cùng là kéo cô gái kia vào lòng, giả vờ làm đôi thần tiên quyến lữ, chàng chàng thiếp thiếp ân ái mặn nồng.
Tên thích khách vốn muốn đẩy cửa đi vào nhưng nghe thấy tiếng khúc khích nói cười thì dừng tay, cho rằng bên trong chỉ là đôi nam nữ bình thường đang hành sự nên lập tức bỏ qua, dù sao cũng đâu thể phá hỏng chuyện tốt của người ta.
Khi bước chân cùng sự huyên náo bên ngoài dần biến mất, Lý Đế Nỗ ngay lập tức bật dậy đi đến chỗ La Tại Dân, y lúi cúi bò ra, thở phào một hơi đầy nhẹ nhỏm, không quên chắp tay cảm tạ Lý Đế Nỗ: "Nhờ có Vương gia che chở mà tại hạ mới thoát được kiếp nạn này, về sau Tuyên Vũ hầu phủ nhất định sẽ báo đáp ân tình hôm nay."
Lý Đế Nỗ dường như quên mất sự hiện diện của cô nương yêu kiều nọ, hắn từng bước tiến đến gần La Tại Dân, nhìn chăm chăm vào gương mặt đỏ bừng của thiếu niên, ân cần hỏi: "Công tử có bị thương ở đâu không?"
"Đã phiền Vương gia lo lắng, tại hạ giữ được cái mạng đã tốt lắm rồi."
Lý Đông Hách dường như đánh hơi ra mùi bất thường giữa hai người, y đánh mắt nhìn sang La Tại Dân đang ngại ngùng, ánh mắt lại càng sâu xa.
Lúc này, cô nương yêu kiều nọ mới vội đi đến, ôm một bên cánh tay Lý Đế Nỗ, nũng nịu hỏi: "Sao thiếp chẳng hiểu chuyện gì hết vậy?"
Lý Đế Nỗ vẫn nhìn La Tại Dân ân cần, rút tay khỏi người cô nương nọ mà không hề đáp một lời. Lý Đông Hách trông thấy thế thì muốn nói gì đó nhưng rồi lại thôi.
Tại Dân biết điều chắp tay cáo lui: "Tại hạ không phiền Vương gia nữa, xin phép cáo lui trước."
"Bên ngoài vẫn còn nguy hiểm, để ta tiễn công tử về."
"Không cần đâu, ha ha, cô nương kia sẽ trách ta mất" La Tại Dân cố rụt tay về, ái ngại nhìn sang cô gái hậm hực đứng cạnh Lý Đế Nỗ, "Vả lại có lẽ phủ binh Phác gia đã đến, tại hạ sẽ không sao đâu."
Lý Đế Nỗ không yên tâm, bàn tay như gọng kìm siết chặt lấy La Tại Dân, giống như càng muốn kéo y đến gần mình hơn, Lý Đông Hách lúng túng nhìn hai người họ trừng mắt với nhau, bèn kéo vạt áo của La Tại Dân mà lí nhí nói: "Ban nãy chẳng phải ngươi nói mục đích bọn họ là đến giết chúng ta sao, ta đoán là A Thịnh và Tại Hiền huynh sẽ không biết chúng ta trốn ở đây đâu, để an toàn thì vẫn nên nghe lời... ta và ngươi cũng đâu còn sức đi bộ về."
"Ta còn, ta cõng ngươi cũng được, đừng làm phiền chuyện tốt người khác." Những chữ sau ngày càng nhỏ dần, chỉ để cho mình Lý Đông Hách nghe thấy.
"Vậy được rồi, ta đưa hai công tử trở về." Lý Đế Nỗ làm như không nghe thấy lời Tại Dân nói mà nhếch môi cười mỉm, đoạn kéo tay La Tại Dân đi trước, Lý Đông Hách lẽo đẽo theo sau, trước khi bỏ đi vẫn không quên liếc mắt nhìn về cô gái đang đờ người không hiểu chuyện gì xảy ra, ánh mắt không rõ thâm ý.
Một cỗ xe ngựa huyết dụ đứng im lìm ở cửa phụ phía đông Kinh Hồng lâu, có hai phu xe đội nón cối đứng đợi ở bên cạnh, vừa trông thấy Lý Đế Nỗ bước ra đã nhanh chóng kính cẩn cúi đầu, Lý Đế Nỗ phất tay lệnh bọn họ đem bục kê chân đến, dịu dàng đỡ La Tại Dân bước lên xe.
La Tại Dân có chút khó nói nên lời, y không phải tiểu hài yếu ớt mới lớn, đâu nhất thiết phải quan tâm đặc biệt như vậy. Tại Dân nhất quyết không bước lên bục mà nhảy phốc lên xe rất gọn, chẳng nói chẳng rằng đẩy cửa xe ngựa để đi vào, tiếp đến là Lý Đế Nỗ giữ nguyên điệu cười tười như hoa và Lý Đông Hách đang có muôn vàn cảm xúc lạ kỳ trên mặt.
Bên trong xe ngựa của Lý Đế Nỗ vô cùng rộng rãi, còn kê cả một cái tủ gỗ có hai hộc, bên trên nóc tủ còn bày một ít bánh trái, trên ghế ngồi còn trải thảm lông thú ấm áp.
Tại Dân cảm thán trước không gian lạ mắt bên trong, cũng tán thưởng với con mắt thẩm mỹ của Lý Đế Nỗ. Y đung đưa chân trên sàn, đưa mắt nhìn ra bên ngoài, vẫn còn ba bốn tên thích khách lởn vởn khắp nơi giữa phố chợ, toán còn lại không biết đã đi đâu.
Không khí trong xe ngày càng lúng túng, mà sự lúng túng ấy đến từ Đông Hách, y hết nhìn sang La Tại Dân đang ngó nghiêng chống tay ngoài cửa sổ, lại lén nhìn vị Minh Vương đang dùng ánh mắt nhu tình dán chặt lên La Tại Dân, y càng nhìn càng cảm thấy không đúng, mà cũng không biết cái sai ở chỗ nào.
La Tại Dân suy nghĩ rất lung, đè nén những câu hỏi trong lòng, y nhìn nhận sự việc ngày hôm nay một cách nghiêm túc. Vì sao giữa ban ngày ban mặt lại có kẻ ngu nhất định phải đuổi giết bọn họ? Vì sao hiện tại phủ binh của Phác gia chưa đến? Vì sao vị cô nương kia lại nhìn Lý Đế Nỗ vô cùng đắc ý trước khi rời đi?
Y chìm vào suy nghĩ của bản thân mãi cho đến khi xe ngựa dừng lại trước Tuyên Vũ hầu phủ, bên ngoài thấp thoáng nghe thấy tiếng Trịnh Tại Hiền đang vô cùng lo lắng.
Tại Dân vừa nhảy xuống xe ngựa đã bị Trịnh Tại Hiền nhào đến xoay người y một vòng, tròng mắt ngấn nước run rẩy hỏi: "Đệ và Đông Hách có bị thương ở đâu không?"
La Tại Dân mỉm cười trấn an y vài câu, đoạn sai người đến phủ Trịnh gia cho mời đại cữu cữu đến, sau đó phân phó người đưa Lý Đông Hách trở về phủ an toàn. Hành động dứt khoát nhanh gọn ấy khiến Lý Đế Nỗ cũng phải ngạc nhiên.
Thú vị thật đấy.
Trịnh Tại Hiền khó hiểu trước hành động của biểu đệ nhà mình, liền nắm vạt áo của y: "Sao đệ lại mời phụ thân ta đến? Vả lại ai đưa đệ về thế?"
"Lát nữa huynh sẽ biết thôi."
Nói xong y lập tức cúi người vái lạy Lý Đế Nỗ vô cùng long trọng, y ngẩng mặt nó lời cảm kích nhưng ánh mắt lại lạnh lùng trong veo: "Ân đức của Minh Vương đối với tại hạ một lời khó nói hết, nhất định ngày sau sẽ báo đáp. Tại hạ không thể làm phiền Vương gia được nữa, mong ngài sớm trở về nghỉ ngơi."
Trịnh Tại Hiền biết đây là quý nhân liền cúi đầu hành lễ nhưng Lý Đế Nỗ nào để ý đến y, hắn nghe La Tại Dân muốn đuổi khéo mình thì sầm mặt, tiến từng bước đến gần y. Gò má thiếu niên trắng trẻo như ngọc, sóng mắt lấp lánh yêu kiều nhưng đáy mắt lại chẳng dung chứa thế gian, càng chẳng dung chứa hắn, cảm giác rất khó để nắm bắt.
"Công tử muốn đuổi ta đi vội như vậy sao?"
La Tại Dân mỉm cười, híp mắt nói: "Từ trên lầu ngắm mẫu đơn hẳn là rất đẹp."
Ta đây là cố tình nhắc cho ngài biết ta đã thấy ngài dây dưa ở chốn phong trần đấy.
Lý Đế Nỗ dường như chẳng quan tâm: "Đúng là rất đẹp, ngày sau hai ta cùng ngắm, công tử thấy thế nào?"
"Ha ha, nào dám phá hỏng thú vui của ngài."
La Tại Dân biết bản thân không thể châm chọc người mặt dày như vậy, liền xuống nước nhún nhường, thế nhưng Lý Đế Nỗ ngày càng tiến sát gần bên y hơn, cho đến khi mùi hoắc hương quấn quít trên đầu mũi và còn cả mùi phấn son của nữ nhân khi nãy. Y chun mũi, muốn quay đầu đi nơi khác thì đã bị Lý Đế Nỗ ghé vào tai thì thầm: "Không phải chuyện gì mắt thấy tai nghe cũng là sự thật, con người của ta nhất quyết không như vậy."
Rồi hắn chắp tay quay lưng bỏ đi, để mặc cho La Tại Dân ngây ngẩn đằng sau.
Nói vậy là sao chứ?
_______
(1) lệnh tôn tức là chỉ cha của người đối thoại
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com