Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

+Công thức số 2: Khoai tây nấu sườn non

(Triết lý hay là bướng bỉnh?)

Ngày nghỉ, ngày nghỉ, ngày nghỉ… tôi là một con sâu ngủ, thường thì ở trường khi còn học đại học hay kể cả đi làm mọi người vẫn trìu mến thân tặng cái biệt danh ấy cho tôi, bất kể là bàn hay ghế, có khi ngủ ngồi chỉ cần một cái gối dựa là tôi sẵn sàng chìm vào cơn mơ tức thì, nhưng điều kỳ diệu hơn là nó chỉ có tác dụng với tôi vào ban ngày. Thật ra có lẽ một phần lý do là ở mẹ, mẹ lúc nào cũng mắng nhiếc đủ kiểu rồi đến cả đe dọa này nọ chỉ để tôi ngủ thật sớm thật lâu.

“Người ta ngủ phải chín, mười tiếng một ngày mới là đủ, ai nói tám tiếng là đủ, con cứ ngủ thật nhiều cho mẹ, con mà không ngủ là mẹ cho ăn đòn đấy!”

Chẳng biết vị bác sĩ hay cái tivi nào đưa thông tin ấy mà mẹ cứ tin sái cổ rồi bắt con của mình ngủ thật nhiều thật nhiều. Trưa bắt con ngủ một tiếng trở lên, tối thì tám giờ phải lên giường tắt đèn không cần biết còn bài tập về nhà hay là không. Suốt những năm tháng tuổi thơ của tôi diễn ra như vậy, bởi thế mà mắt thì lúc nào cũng hai bọng sưng như hai trái bóng chứa đầy nước, ngủ nhiều đến nỗi rõ ràng là người có hai mí mắt mà bị sụp lại giờ nhìn ai cũng nói là một mí. Mắt vừa hí lại vừa một mí, ôi trời ơi, thử tưởng tượng xem bạn căm ghét nó đến chừng nào.

May sao càng lớn dần lên học hành càng nhiều hơn và quan trọng hơn, tôi lấy lý do đó cho những đêm được thức, có khi là đến hai, ba giờ sáng chỉ để ngồi trước màn hình máy tính coi phim, đọc báo chứ chẳng hề có chút gì học hành như bịa chuyện với mẹ. Rồi cũng từ đó mà hình thành nên thói quen thức khuya dậy trễ và vẫn luôn ngủ đủ giờ. Suốt bốn năm đại học tôi bắt đầu đi ngủ vào lúc hai giờ sáng khi tiếng gà đã bắt đầu nghe thấy nó gáy, tiếng côn trùng cũng đã thôi kêu và nhìn ra ngoài cửa sổ bắt đầu có chút màu sắc của ánh sáng, và rồi thức dậy vào lúc sáu rưỡi sáng trong tình trạng người tê liệt như một con người máy thiếu dầu nhớt bôi trơn mà cứng đơ chậm suy nghĩ. Đến trường việc đầu tiên là tìm một chỗ thật lý tưởng và làm một giấc cho đến khi hết tiết đầu giờ, những tiết sau bắt đầu tỉnh táo hơn và lại dành trọn tiết cuối cho việc ngủ trưa đến cuối giờ. Rồi hết buổi học lại chạy ù tới công ty đi làm, cứ lặp đi lặp lại gần hết cả quãng đời sinh viên của mình.

Tôi bắt đầu nhận thức được vấn đề học tập của mình chỉ khi bước vào năm cuối cùng của thời sinh viên – đấy là khi bắt đầu được nhận đi thực tập. Tôi học sư phạm – cái nghề nghe cao quý mà đầy thị phi, và thật tình ngay từ đầu cũng chẳng mặn mà gì với nó. Cho đến khi thực tập tại một trường học ngoại ô thành phố, được xếp vào chủ nhiệm một lớp cá biệt nhất trường, được ngồi dự giờ với một học sinh cá biệt nhất lớp.

Và rồi khi bắt đầu nói chuyện với cậu bé ấy thì tôi mới nhận ra trách nhiệm của mình là gì, năng lực của mình để làm gì, và nghĩa vụ của mình sẽ phải làm gì. Chẳng có ai tự dưng trở thành học sinh cá biệt, nếu không vì một hay vài lý do nào đấy tác động đến con người ta, em học sinh hồi ấy cũng vậy, bố mẹ ly dị nhau để lại một mình bà nội nuôi từ nhỏ đến lớn, chẳng có lấy một thứ tình thương nào từ những người dứt ruột sinh ra, mọi sự đều nhờ một người bà già yếu chẳng thể dạy dỗ nổi đứa cháu của mình. Buổi chiều hôm ấy tôi ngồi ôm đứa trẻ, hai thầy trò đều khóc như những đứa con nít bị ai đánh.

Sau những ngày tháng ấy tôi vực dậy việc học nhưng rốt cuộc vẫn là quá muộn cho một kẻ thức tỉnh sau cùng. Trung bình Khá. Vất vả tứ phương với tấm bằng rẻ rúm và rồi đương nhiên đều bị từ chối thẳng thừng bằng những ánh mắt khinh thường ra mặt. Tôi đều chịu hết, chấp nhận hết vì mình có lý tưởng của riêng mình. Cuối cùng sau những thất bại ấy vẫn có những động lực nhỏ nhoi, tôi được nhận dạy hợp đồng cho một trường ở cách thật xa thành phố, những ngày tháng sống hết mình với bọn trẻ vẫn luôn là một ký ức cực kỳ đẹp và sẽ không bao giờ được phép quên cho cả đến khi chết đi.

Nhưng cuối cùng thì. Tôi hiện tại không phải là giáo viên sơmi quần tây đứng cầm viên phấn cười tươi nhìn đám học trò, mà giờ chỉ là một người nhân viên văn phòng quèn đi làm đúng giờ, về đúng bữa. Cuộc đời nhiều ngã rẽ để xô đẩy con người ta, đi ngả nào cũng được rồi cũng sẽ đến đích cuối cùng thôi, vấn đề là nhanh hay chậm, đường trải hoa hồng hay toàn bụi gai cỏ gấu. Với tôi đôi lúc chẳng quan trọng, quan trọng nhất vẫn là ngủ thì phải đủ giấc và sống không thể thiếu đồ ăn…

Cứ thế dường như tôi vẫn chưa kịp lĩnh ngộ đủ hết những điều mà các nhà hiền triết vẫn thường răn dạy cách sống, vẫn là sống vô độ, vẫn là cứ bỏ mặc bản thân mình đến tiều tụy héo mòn cho những quỹ thời gian vô bổ không lường trước được tương lai sẽ ra sao và đi về đâu. Có những khi tưởng chừng vừa thức tỉnh khỏi đống mê muội thì lại bị chính cuộc đời dập cho đến tơi bời tươm nát để ngộ nhận ra dù mình có bước chân vào cánh cửa tươi sáng nào đấy thì ngay sau đó chính nó có thể thò một đôi chân khác đạp mình ra ngoài. Hồi đó lý tưởng sống là được dạy dỗ những đứa trẻ lên người bằng những kinh nghiệm bản thân đã từng trải, cố gắng hướng chúng trở nên đẹp đẽ hơn vượt ra ngoài khuôn mẫu trong sách giáo khoa, trong giáo án giáo vụ. Để rồi đời cứ thế đập vào mặt những câu trả lời “Không” “Không” “Không” cho cái lý tưởng cao đẹp ấy. Ừ thì ông Trời sẽ chẳng dồn ai đó vào bước đường cùng ngay cả khi họ chẳng còn thứ gì trong tay, tôi cũng thế, chẳng còn gì để mất, chỉ còn gia đình, chỉ có thế. Ngày tôi bay vào Sài Gòn với suy nghĩ mình sẽ tự lập, sẽ học thật chăm và làm một thứ gì đó để sống, để tồn tại nhưng trong đầu lại chẳng có một chút khái niệm gì về “Kế hoạch” cho tương lai, tôi vẫn nhớ mẹ ôm tôi vỗ vai nói một câu gì đó đại loại là chúc tôi bình an và thành công, còn tôi thì thầm với mẹ rằng “Mẹ yên tâm, con đi nếu không thể làm được gì con vẫn còn có gia đình để về, con sẽ cố gắng đến cùng!”.

Tôi chưa bao giờ là người thể hiện tình cảm trước bố mẹ, chưa bao giờ. Thế nhưng lần chia tay ấy có thể là quá lớn với một đứa trẻ chưa bao giờ chịu lớn và được lớn trong vòng tay của bố mẹ thì một cái ôm là quá đủ.

Tôi vẫn nhớ, vẫn nhớ những ngày tháng đầu tiên xa hơi ấm căn nhà của mình…

“Chị ơi mở cửa, chị ơi mở ra đi mà…”

Thoáng có tiếng gọi cửa í ới xen lẫn trong giấc mơ còn đang dang dở của tôi, mỗi lúc một to dần và càng gay gắt thêm.

“Chị ơi chị đừng có như thế, làm ơn mở cửa cho em đi, em sẽ hét cho đến khi nào chị chịu mở cửa thì thôi…”

- Đừng có làm ồn…

Tôi thì thầm trong miệng vì vẫn quá buồn ngủ, nỗ lực nhỏ nhoi cầu mong tiếng hét ngoài kia tan biến. Nhưng đương nhiên họ không thể nghe thấy lời cầu khẩn ấy mà vẫn cứ ra sức mà hét ngoài kia, rõ ràng là hét như đang ở ngay ngoài cửa nhà mình. Tôi cố lết thân mình dậy, mắt vẫn nhắm sờ lần mở cánh cửa.

- Chị…

- Hở?

Cặp mắt hí này vừa nhìn đủ rõ một cô gái nào đó chưa từng gặp mặt qua, vẻ mặt cô ta cũng khá ngỡ ngàng khi nhìn thấy người ra mở cửa là tôi chứ không phải là chị cô ta.

- Ơ, đây cho hỏi có phải nhà của chị Trúc không?

“Trúc? Trúc nào nhỉ?” tôi vẫn đang cố gắng bơm máu lên não để vận dụng cho cái câu hỏi vừa rồi, nhưng có vẻ như dù máu vừa được bơm đến nơi đầy đủ thì câu trả lời vẫn là không biết.

- Nhầm rồi, đây không phải nhà của Trúc.

- Như…

Cuộc hội thoại dường như đang bị rối loạn cả lên khi mỗi lúc lại thêm một người mới. Tôi vừa trả lời cho câu hỏi của cô gái đứng trước cửa thì cửa nhà kế bên mình cũng vừa hé mở và một cô gái khác xuất hiện ngó mỗi chiếc đầu của mình ra ngoài nhìn về phía chúng tôi.

- Chị ở bên này cơ mà…

Và hình như, cô ta cũng vừa mới say xỉn.

Cô gái gọi nhầm nhà bối rối xin lỗi rồi vội vàng mở cửa dìu cô gái chủ nhà vào trong vẫn đầy vẻ khó xử. Tôi thì chẳng làm sao hết, vấn đề là cô ta vừa phá hỏng giấc ngủ trưa yên lành và chưa đủ giấc của tôi mà thôi, còn lại thì chẳng sao hết, chẳng sao hết.

Đóng sầm cửa lại định leo lên ghế salon ngủ tiếp thì lại có tiếng gõ cửa, lần này thì đúng là chỉ có tiếng gõ cửa thôi chứ không kèm theo tiếng hét như ban nãy.

- Xin lỗi nhưng nhà anh có dầu gió hay nhẫn bạc hay đồng xu bạc gì không, chị tôi mới bị trúng gió mà nhà không có gì cả…

Là cô gái nhầm nhà vừa rồi, cô ta nói năng nhỏ nhẹ và chừng mực biết bao nhiêu khi so với tiếng hét hú hồn vừa rồi. Lục lại lần nữa trong trí nhớ thì hình như là tôi có một đồng xu bằng bạc, tôi ngày bé có sở thích là sưu tầm đồng xu của tất cả các nước trên thế giới, chẳng hiểu sao hồi đấy tôi còn ráng tự khâu một cái túi thật xinh có dây buộc để cất hết gia tài bé nhỏ ấy vào rồi giấu đi một nơi không ai trong nhà có thể biết tới. Cho đến khi vào Sài Gòn thì lại quên mang theo nó vì nhất thời quên luôn chỗ đã từng giấu chúng, mãi cho đến hai năm sau khi về nhà ăn Tết tôi mới tìm lại được và mang bằng được chúng về lại bên mình sau bao nhiêu ngày tháng xa cách. Nhưng mà giờ thì quan trọng nhất là nhớ coi đã để ở đâu mà cho mượn. Nói với cô gái nhầm nhà đợi một chút rồi chạy vào lục tung đống đồ của mình lên, cuối cùng thì cũng tìm ra cái bịch vải có buộc dây mà tôi từng coi như báu vật ở dưới ngăn tủ trong cùng.

- Hay là tôi cùng sang coi xem có chuyện gì không, tôi cũng biết cách cạo gió.

Tôi ngỏ lời muốn giúp đỡ, thật tình thì đấy không phải là thái độ thường thấy trong con người này, tôi thích sống một mình hơn là tiếp xúc giao lưu với người khác, nhưng chẳng hiểu sao từ đêm hôm trước khi tự mình nấu một bữa ăn cho một người lạ thì tôi lại thấy được giống như là mình vừa tìm thấy một kết nối gì đó giữa mình và thế giới ngoài kia. Và thế nên tôi vẫn muốn mình giữ được cái sợi dây kết nối ấy hơn là nó chưa kịp nối gì đã bị cắt đứt.

Căn nhà của cô gái chủ nhà có vẻ không hề bừa bộn như tôi từng thoáng suy nghĩ trong đầu, gái say xỉn, nhất định là gái ăn chơi mà gái ăn chơi thì nhất định cái phòng sẽ như một bãi chiến trường. Tôi lầm, thực sự mà nói thì căn phòng khá ngăn nắp và đơn giản, từ chiếc bàn Nhật chân lùn ở phòng khách cho đến bình cắm hoa màu nâu gốm trang trí cạnh cửa sổ, mọi thứ khá tuyệt vời và đậm chất một cô nàng đơn giản cả từ nội tâm cho đến bề ngoài.

Còn cô ta thì giờ vẫn đang nằm vạ vật trước cái ghế salon dài kê cạnh tường, miệng thì không ngừng nói câu gì đó nghe không thể rõ.

- Chị đói, chị đói quá Như ơi, chị đói…

Tuyệt, vậy là cô ta chắc chắn không thể trúng gió được rồi, người bệnh thì sẽ mệt mỏi chán ăn đau đầu chứ không thể nào kêu đói được, mà như vậy cũng có nghĩa là cô ta cũng đang dần tỉnh hơi rượu rồi, chắc giờ được ăn một bữa gồm toàn đồ nóng để giải mồ hôi thì đảm bảo sẽ tỉnh liền cho coi.

- Thế bây giờ chị muốn ăn hay là muốn cạo gió đây? Ráng ngồi dậy cho hẳn hoi coi nào, tối nào cũng nhậu, nhậu cho lắm vào.

Cô em gái tên Như có vẻ như là một cô em rất thương chị mình, trách thì trách đấy nhưng vẫn thương lắm, ngồi xuống ráng đỡ chị ngồi lên, tìm khăn mát mà lau cho, cũng có vẻ như không phải chỉ lần đầu.

- Có vẻ cô ấy đói thật đấy, hay là gọi đồ về ăn đi cho cô ấy giải rượu chứ giờ cũng chiều rồi sợ ra ngoài giờ này cũng khó kiếm đồ ăn lắm.

Tôi đang tập học cho mình sự chu đáo hoặc là đấy vẫn là cách mà hàng xóm người ta vẫn thường quan tâm nhau. Đúng thật thì từ khi dọn đến đây tôi vẫn chưa có một lần nào gặp mặt Trúc cả, có lẽ múi giờ hai người ra khỏi nhà và về đều khác nhau, thế nên giống như hai thế giới tách biệt dù chỉ có cách nhau một bức tường nhà. Và cũng thật không ngờ luôn hàng xóm bên cạnh mình lại là một cô gái như thế, hoặc là tôi vẫn chưa biết gì về chị ta hoặc chị ấy đúng như vẻ bề ngoài hiện giờ.

Tôi nói mình làm ở công ty về lĩnh vực ăn uống mà, thế nên đúng nghề rồi, lấy chiếc điện thoại ra ấn vào ứng dụng rồi tính đặt vài món đồ cay nóng để giã rượu tốt nhất, thôi thì lần đầu tiên gặp mặt hàng xóm, vẫn là phải thật quan tâm nhau. Như quay qua cảm ơn tôi rối rít, còn Trúc thì sau khi tu hết một chai nước lạnh thì có lẽ đã tỉnh hơn được vài phần.

Đặt đồ ăn được vài phút thì có cuộc điện thoại gọi lại xác nhận, tổng đài nói đồ ăn có thể sẽ phải đợi tầm một đến hai tiếng vì giờ đang là thời điểm kẹt xe, nghe đến đấy thôi là Trúc đã gào lên “Trời ơi chắc chết quá, hai tiếng nữa thì còn gì là người, chị đói lắm rồi…”

Hết cách thật, thôi đành hủy đặt hàng, nhưng mà biết phải làm sao với bà chị hàng xóm ôm bụng kêu đói này bây giờ? Đang suy nghĩ đắn đo tìm cách giải quyết thì Như đứng dậy chạy vào phía trong rồi nói vọng ra.

- Trong bếp chị còn đồ gì không, hay để em nấu tạm món gì cho ăn nhé rồi tối tính tiếp.

Trúc vẻ mặt vẫn vừa cau có vừa lờ đờ đáp lại trong sự vô vọng còn hơn nghe thấy tin shipper hẹn hai tiếng đồng hồ.

- Không còn gì đâu, chị ăn sạch từ mấy ngày hôm nay rồi…

Như bước ra với một bịch khoai tây đang chuẩn bị héo và chẳng còn gì khác hơn.

Tự nấu ăn à?

Hay là mình nấu cho bọn họ ăn nhỉ? Tôi chợt nảy ra ý nghĩ đó trong đầu và nảy thêm một bước nữa để nghĩ coi với những thứ còn sót lại này thì có thể làm được món gì hay ho.

- Hay là để đó tôi nấu cho, giờ nhờ Như đi xuống dưới xa một chút có cái siêu thị mua ít thịt sườn non, ít hành lá, với bịch dưa chua trong lúc đấy tôi sẽ làm khoai.

- Anh tính làm món gì? Mà đi siêu thị chẳng thà mua luôn đồ ăn cho rồi.

Như phản biện lại, cũng đúng, thà mất công đi siêu thị tại sao lại chỉ mua đồ sống về nấu chứ không thèm mua luôn đồ về mà ăn có phải vừa  nhanh vừa tiện hơn không, nhưng mà với tôi thì tự nấu ăn vẫn là hơn nhất, bao nhiêu năm rồi ăn đủ thứ đồ ăn trên đời thì rút cuộc thứ đồ ăn dinh dưỡng nhất, giá trị nhất, đảm bảo vệ sinh nhất vẫn là thứ tự mình nấu nướng nên, với cả đồ để giải rượu sẽ không thể ăn bừa được.

- Biết là thế nhưng mà tôi nấu món để giải rượu, với cả nấu cũng nhanh lắm, không đến mức chờ lâu như ship đồ ăn tới đâu.

Trúc gật đầu lia lịa đồng ý uống chai nước thứ hai chống đói, Như nhìn theo rồi cũng nhanh chóng chạy đi mua đồ. Tôi thì xắn tay áo lại cầm đống khoai vào bếp bắt đầu công việc của mình. Gọt từng củ khoai tròn rồi thả chúng trong chậu nước lạnh có ngâm chút muối, mà kì công hơn thì thái mỗi củ thành bốn miếng vừa ăn rồi ngâm cho đỡ thâm và giữ chúng được giòn.

- Chị ở đây lâu chưa?

Tôi cất tiếng hỏi dặm trước, vì một mình hay làm đồ ăn cũng thường tự bật nhạc thật to để hát theo hay bật tivi để nghe tin tức chứ chẳng bao giờ để không khí trong nhà diễn ra im lặng, với cả đây là nhà của người ta mình đang làm khách, nếu không nói gì thì cũng thật khó chịu và làm người ta có cảm giác xa cách với một người hàng xóm sát vách.

- Cũng hơn hai năm rồi, nghe nói em ở bên cạnh luôn phải không? Thế mà chị em mình chưa lần nào gặp mặt nhỉ, chị tên Trúc, còn đứa em vừa rồi tên Như – nó là em kết nghĩa nhưng là thân nhất và cũng chăm lo nhất, tội nó lắm lúc nào cũng phải lo lắng cho chị…

Chị cũng biết nữa đấy hả, tôi tự thầm nghĩ vậy chứ không nói ra, con gái mà uống rượu say xỉn thật không thể nghĩ tới. Thói đời tôi vẫn ghét nhất là người uống rượu, và càng ghét hơn là con gái uống rượu, rõ ràng “rượu” là thứ không dành cho họ, dù có là cớ nào đi nữa thì món đồ uống ấy vẫn không phải là để họ có thể trôi tuột xuống dạ dày.

- Ngày nào chị cũng say rượu như thế này hả?

Chỉ là có ý định hỏi một câu để phủ nhận câu hỏi đó mà thôi, vì thiết nghĩ nếu như đúng là như vậy thì cô ấy chắc chắn sẽ không thể chăm lo tốt cho cái phòng của mình như thế này được.

- Không, thi thoảng thôi, khi nào có chuyện gì buồn thì sẽ ngồi tới sáng, uống hết một bình ba lít Jager Bomb rồi nỗi buồn cũng sẽ trôi tuột đi luôn…

Vừa nghe chị trả lời vừa tìm kiếm vài món đồ để nấu khoai, thật may khi trong bếp nhà chị lại có nồi áp suất để hầm nhừ khoai. Và có vẻ như chị là một người con gái khá rành về nội trợ thì mới có đầy đủ nồi niêu xoong chảo như thế. Hẳn người con gái này mang khá nhiều tâm sự buồn, đủ buồn để con người ta trở nên thay đổi một cách thần kỳ theo những thói quen xấu.

- Em không chắc mọi thứ có hết buồn hay không khi chị uống rượu nhưng mà ai cũng có những nỗi buồn không bao giờ có thể chia sẻ hoặc cứ cố giữ mãi thật sâu trong lòng để tự mình lại gặm nhấm nỗi buồn ấy – một mình.

Tôi vẫn tập trung làm đồ không hề quay lại phía ngoài để nói chuyện với chị, chỉ là tôi chắc chắn khuôn mặt người con gái khi buồn sẽ cực kỳ buồn, đủ để người ta cảm thấy nao lòng thế nên thà là cứ quay mặt đi còn hơn là nhìn thấy họ như thế. Xếp từng miếng khoai tây quanh nồi rồi đổ thêm nước, cho thêm vài ba hạt muối để chắc nó vừa vị, việc tiếp theo chỉ cần đậy nắp thật chặt và bắc lên bếp chờ đợi. Trong khi đợi Như về và đợi khoai thật chín, tôi vẫn đứng trong bếp lén nhìn ra ngoài, Trúc lúc này đã ngồi tử tế lên ghế salon tự mình cột lại mái tóc vừa buông xõa, mắt chị nhìn đi đâu đó ngoài kia bên cửa sổ.

- Mà chị bao nhiêu tuổi nhỉ? Em chưa kịp hỏi.

Cô quay lại về phía tiếng tôi phát ra rồi cười.

- Chín mươi, em chắc nhỏ hơn chị vài tuổi đúng không?

- Em chín lăm, vậy là kém chị đến bốn tuổi, mà chị có người yêu chưa, sao chị không ở cùng bố mẹ?

Cuộc đối thoại bất chợt ngưng lại khoảng vài giây sau câu hỏi tiếp theo của tôi, có lẽ chị đang mải suy nghĩ điều gì đó hoặc là tôi đã vô tình đụng chạm đến một trong số những nỗi buồn của chị.

- Chị có người yêu rồi, anh ấy làm quản lý ở bar mà chị hay tới, yêu nhau được hơn ba năm nhưng mà vẫn chưa thấy ngỏ lời cưới hỏi.

Chị tuyệt nhiên không nhắc đến vế còn lại của câu hỏi khi nãy, vậy có lẽ là tôi đã đoán đúng, nỗi buồn ấy xuất phát từ gia đình.

Đúng lúc thay Như vừa về tới, tay cầm bịch sườn non đã chặt sẵn và những thứ đồ linh tinh khác. Nấu ăn thôi – một cuộc nấu ăn còn lại đầy những câu hỏi.

Cẩn thận mở nồi áp suất sau khi đã xì hết van hơi, khoai đã chín mềm rồi, thịt cũng vừa ướp đủ thấm. Thịt người ta thường ướp bằng hạt nêm gia vị nhưng tôi vẫn thích nhất là ướp thịt bằng nước mắm, vừa dễ thấm lại vừa đủ đậm đà dân dã, cái quan trọng nhất là một thìa dầu ăn rưới lên thịt cho chúng mềm thật mềm. Lắc chảo cho đều dầu dưới đáy, thêm chút tỏi và hành tím băm nhuyễn xém chút xíu lửa để tăng thêm mùi thơm, rồi đưa hết thịt vào xào qua một lượt, nhớ là chỉ xào qua thôi đừng để thịt chín kĩ quá, còn phải nấu sườn thêm một lần nước nữa, thế nên hãy đảm bảo thịt không được chín để giữ nguyên vị ngọt tự nhiên.

- Nãy giờ có nói chuyện với chị Trúc mà chưa nói chuyện với Như.

Từ nãy đến giờ Như cứ lăng xăng quanh tôi làm phụ mọi thứ, nhưng cả hai thì chẳng lên tiếng lời nào, hình như cô ấy ít nói hơn so với lần đầu chạm mặt.

- Ừ, chắc hai người nói chuyện được nhiều lắm nhỉ, bà ấy có nhắc gì đến Như không?

- Không hẳn nhiều mà cũng không nói gì về Như cả.

- Chắc bà ấy tỉnh rồi chứ còn say thì nói không ngừng nghỉ luôn đó, đã thế còn toàn thốt ra lời lẽ triết lý không à.

Cả tôi và Như đều bật cười sau câu nói ấy, có lẽ ai cũng sẽ có một người bạn như thế, khi say rượu thì bắt đầu nói nhiều thật nhiều và toàn nói những điều triết lý răn dạy như bậc bề trên cao quý.

- Mà cũng tội bà ấy lắm, bố mẹ cứ bắt đi nước ngoài suốt mà bà ấy thì muốn ở đây với người yêu, suốt ngày cãi nhau nên dọn ra ngoài ở riêng luôn, cuối cùng vẫn chẳng được yên nên cứ hôm nào bố mẹ lớn tiếng là hôm đó ra bar của ông người yêu ngồi nốc rượu.

Thì ra là thế, đời con gái ai cũng muốn mình được tự chọn, huống chi là sự lựa chọn còn ít ỏi hơn số đếm trên đầu ngón tay, cái kiểu bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy nhất lại là phận nữ thì đúng là không buồn không được. Tôi cũng từng vào hoàn cảnh ấy nên tự nhiên cũng đồng cảm vài phần với Trúc, có lẽ Sài Gòn có quá nhiều thứ để níu giữ chị ở lại và quyết tâm ở lại đến như vậy.

Như đưa tay tắt bếp, chảo dưa chua xào qua cũng đã xong rồi, tôi mở nắp nồi trút hết nào là sườn, dưa chua, vài củ hành tím, thêm vài lát cà chua thái miếng cau rồi đậy lại đun thêm chừng mươi mười lăm phút nữa là được. Tranh thủ lục tủ lấy vài cái bát vài đôi đũa xếp ra bàn ăn ngoài nhà, lần thứ hai nấu ăn cho người lạ nhưng mà chẳng có chút cảm giác gì lạ lẫm.

- Em có mua thêm chai Pocari để giải rượu nữa, chị uống đi rồi lau qua người, chắc cả đêm qua cũng chẳng thèm thay đồ nữa đúng không?

Như với tay đưa cho Trúc chai nước rồi tiện tay dọn đống bừa bộn trên bàn, cuộc sống của phụ nự phức tạp thật đấy chẳng giống cánh đàn ông, cứ đơn giản và chẳng cần suy nghĩ nhiều. Mẹ tôi cũng là một người đàn bà phức tạp với quá nhiều thứ để suy nghĩ trong đầu.

Tôi còn nhớ hồi ấy là năm lớp mười, một lần tình cờ trong phòng tắm tôi phát hiện ra bố để sót lại chiếc sim điện thoại trên bồn rửa mặt, tính trẻ con và hiếu động tôi đã lắp thử vào điện thoại của mình cốt chỉ để kiểm tra xem còn tiền không để nạp game chơi, nhưng điều ngoài ý muốn nhất lại xuất hiện ở chính cái sim nhỏ bé ấy. Những tin nhắn còn lưu lại chứa đầy hộp tin – của người tình. Tôi chẳng còn nhớ mình đã sốc như thế nào khi đọc những tin nhắn mùi mẫn tình cảm đó, chắc chắn những lời qua lại kia không phải là dành cho mẹ, cũng không thể là từ mẹ nhắn qua, khả năng xấu nhất trong đầu vẫn là sự thật. Mẹ vốn là người nóng nảy nhưng sự việc như thế thì tôi không thể nào chỉ giấu giữ riêng mình để mọi chuyện cứ như thế tiếp diễn, cần phải làm một cái gì đó để chấm dứt, chấm dứt hoàn toàn. Bố - với tôi từ bé đến lớn luôn giống như một người hùng, tuy ông không phải là người chăm lo bế bồng tôi suốt những quãng tuổi thơ bé nhỏ nhưng ông lại là người đưa tôi đi khắp nơi ông từng đi, luôn bênh vực mỗi khi tôi làm điều gì sai trái hoặc có đánh mắng cũng vừa đánh mà vừa chảy nước mắt xót thương con mình. Thế nên với tôi khi chính mình chứng kiến câu chuyện ngoại tình ấy thì tượng đài người bố vĩ đại bỗng dưng sụp đổ hoàn toàn, hoàn toàn.

Mẹ làm to mọi chuyện lên ngay sau khi nghe xong những lời tôi kể, bà khóc lóc kêu la, làm đủ thứ chuyện rối bời. Đàn bà luôn thế, luôn khó hiểu và luôn nặng tình.

Bởi thế nên khi biết nguyên nhân khiến Trúc buồn là từ gia đình, tôi tự thấy buồn thay cho chị, không phải vì bản thân mình đã từng trải qua mà là bởi vì phận làm con cái chẳng bao giờ xứng đáng để được nhận những nỗi buồn này từ phía bố mẹ của mình.

Uống xong chai nước Trúc khóc, ôm lấy Như khóc như một đứa trẻ với những tiếng nấc đã phải cố giấu đi thật kĩ. Chị dù có lớn tuổi hơn những cũng không thể nói vì lớn mà từng trải, nỗi đau nào cũng đau hết, không cứ đau nhiều thì sẽ bị chai sạn dần đi. Ba mẹ Trúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt từ khi gia đình xây lại nhà mới, mỗi người một phòng chẳng ai quan tâm đến ai, Trúc cảm thấy mình bị cô lập ngay chính giữa gia đình mình, sáng đi chẳng ai biết, tối về chẳng ai hay, ấy vậy mà họ lại tự cho mình cái quyền quyết định số phận con cái họ khi họ tự dưng đẩy chính mình ra khỏi trách nhiệm của bản thân với đứa con của mình, chị khóc vì mình bị coi như một người thừa trong gia đình, họ chỉ muốn đẩy đi lấy chồng nước ngoài để có thật nhiều tiền rồi mặc kệ chị muốn ra sao. Đôi lúc tôi cảm thấy ác độc thay cho những người tự xưng mình là người lớn.

- Tao tủi thân thì tao khóc vậy thôi, đừng có suy nghĩ làm gì, ở đây tao vẫn còn người yêu vẫn còn thứ để níu giữ bám trụ, còn mày đó con quỷ Như, ráng mà sao để sống cho tốt, đời mày cũng khổ lắm rồi nghe con.

Trúc tự lau nước mắt còn tèm lem trên má rồi cười một cái tự an ủi mình, tôi là người mới nên chẳng hiểu được câu chuyện của bọn họ, nhưng đứng một bên nhìn thấy họ như vậy tôi lại cảm thấy dường như mình vẫn còn có một gia đình trông là hạnh phúc chán.

Như đứng dậy vào phòng tắm lấy chiếc khăn ướt ra lau mặt cho người chị, cô ấy vẫn ít nói và chẳng tỏ thái độ gì ra bên ngoài. Thôi kệ, chuyện có thể còn dài và mình vẫn là một người lạ, chẳng có gì sai nếu như không lấn sâu thêm những nỗi buồn trong lòng người phụ nữ nữa.

Tiếng van áp suất rít lên một hồi, vậy là xong rồi đấy, cẩn trọng xì hết hơi trong nồi rồi vặn nắp mở ra, mùi khoai tây quyện với thịt với dưa quyến rũ bay khắp phòng khiến cả hai chị em nhà kia đều bừng dậy hít lấy hít để.

Kê một chiếc rế vải xuống mặt bàn đặt nồi canh hầm lên, đưa tay múc cho mỗi người một bát nhỏ, ai nấy đều nhìn thấy rõ vẻ mặt cười tươi có lẽ là vì quá đói chứ chưa chắc là vì đồ ăn ngon, mà cũng do mải chú ý đến nồi canh mà quên béng mất chuyện nấu cơm ăn kèm, thành ra cuối cùng ba người chúng tôi chỉ có duy nhất một thứ để ăn, thôi cũng được, ngon là được, cầu mong là đủ ngon cho tôi được nở mặt với đấng chị em một lần.

Canh còn nóng nên ai cũng phải thổi phù phù, mà kể ra cũng lạ, chỉ cần đói mà thấy đồ ăn thì y như rằng mọi chuyện trên thế gian này đều được gác lại qua hết một bên, nhường chỗ cho dạ dày lên tiếng kể cả là đàn ông hay phụ nữ, hóa ra là như vậy, cũng dễ dàng phân tán tư tưởng con người ta mà đến tận bây giờ tôi mới thấu hiểu.

Thịt sườn non mềm cắn một miếng vẫn thấy nước thịt ngọt chảy ra từ bên trong, sụn giòn tan trong miệng quyện với mùi chua của dưa, thứ này ăn nóng hổi chính là làm cho con người ta bừng tỉnh mà toát cả mồ hôi.

- Chị ít khi ăn món Bắc lắm vì chị ăn không quen, trong này thứ gì ăn cũng ngọt ngọt cay cay, chị thích ăn cay lắm, đây chắc cũng là lần đầu tiên chị được ăn món có khẩu vị không phải là thuần miền Nam như thế này này, cũng ngon đấy chứ, hay là do mình đói nên ăn gì cũng ngon nhỉ?

Trúc vừa húp sùm sụp nước canh vừa nói vừa hỏi rồi tự trả lời trong khi Như thì vẫn trầm tính mãi như thế, có khi nào tôi tự hỏi lý do là vì tôi là người lạ hay đấy là tính cách thật của cô ta hay không.

- Như ăn thấy sao, có được không? Thấy có vẻ ít nói nhỉ.

- Tính nó như vậy đấy, thế nên là chẳng hiểu sao trời hành thế nào nó hành người yêu như thế, cái gì cũng im im chẳng nói chẳng rằng, chỉ tội nghiệp cho người yêu nó suốt ngày phải chịu được một đứa quái thai.

Trúc trả lời thay cho Như, cô còn đang mải vừa ăn vừa nhắn tin cho một ai đó, chắc có lẽ là người yêu.

- Mọi người cứ ăn đi, em cũng không đói lắm, em vừa cãi nhau với bồ nè nên cũng không muốn ăn cho lắm.

- Trời ơi là trời, lại cãi nhau, bộ mấy đứa coi yêu đương là trò chơi à mà cứ thích là cãi nhau gây lộn hoài vậy, chị thấy giống như là ngày chẵn thì huề ngày lẻ thì gây chuyện vậy đó, chừng nào thì thôi hành con nhà người ta vậy?

Như vẫn ngồi im, tay bấm điện thoại mặt chẳng hướng lên trên quan tâm đến lời Trúc nói, đúng là đã nói rồi, đàn bà phức tạp thật, chẳng thể nào suy nghĩ đơn giản để sống thật đơn giản.

Dù sao thì Trúc và Như cũng đã cảm ơn tôi thật nhiều vì món sườn non nấu dưa chua giải rượu, Trúc nói là rất thích và còn bắt tôi khi nào rảnh sẽ sang dạy chị nấu, còn Như thì vẫn cứ thế từ đầu đến cuối, mải mê cãi nhau với cái điện thoại, lặng thinh ít nói và chỉ thế thôi.

Kết thúc một buổi chiều với vô số chuyện cuộc đời, thì ra người sống ngay bên vách nhà mình lại là người con người như thế, thì ra đối với phụ nữ thì họ lại có cả hàng trăm cách để đối phó với người yêu mình như thế. Mà thôi đấy cũng là chuyện của họ, vấn đề vui nhất chính là tôi lại có thêm những người bạn mới và lại được nấu ăn, dù hơi thiếu ngủ nhưng bù lại bằng những câu chuyện trải lòng của Trúc thì vẫn là xứng đáng.

CÔNG THỨC

KHOAI TÂY HẦM SƯỜN NON

Nguyên liệu:

- Khoai tây 6 củ cho 3 người ăn

- Sườn non chặt sẵn khoảng 400gram

- Mắm muối gia vị

- Tiêu, tỏi, hành, dầu ăn

- Cà chua 2 quả, dưa muối chua 100gram.

Cách chế biến:

- Khoai tây rửa sạch gọt vỏ bổ làm tư rồi cho vào nồi áp suất nấu thật nhừ, nếu không có nồi áp suất vẫn có thể nấu bằng nồi bình thường, sẽ hơi lâu tý thôi.

- Sườn non ướp với mắm hoặc gia vị, thêm một muỗng dầu ăn cho mềm thịt rồi đem xào qua với hành tỏi cho thơm, không được xào chín để nước hầm được ngọt thịt.

- Khoai chín nhừ thì cho sườn đã sơ chế, cà chua thái miếng cau, dưa muối chua cắt vừa ăn vào, nêm gia vị lại một lần nữa cho vừa, thêm vài củ hành tím để lấy ngọt rồi đun thêm cho thịt chín mềm.

- Nhớ chú ý an toàn khi sử dụng nồi áp suất.

Chúc các bạn ngon miệng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com