Ông ngoại
Khi tôi còn bé, ông ngoại rất khỏe, ông thường hay đưa tôi đi dạo quanh làng trên chiếc xe đạp màu đen đẹp mã. Hồi ấy đường xấu vô cùng, ổ gà, ổ voi nhiều vô số; chưa kể là làng lúc bấy giờ vẫn còn nuôi trâu bò để cấy cày, nên bao giờ đi xe cũng bị xóc. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác mông mình ê ẩm rã rời mỗi lần xe xóc lên xóc xuống, và cũng cứ mỗi lần như thế là tôi lại khóc, để ông vội vã móc trong túi áo ra một vài cái kẹo gôm chanh mà dỗ dành. Cảnh tượng đó diễn ra quen thuộc đến mức, dù đã nhiều năm trôi qua, ông cũng đã về với tiên tổ, thì những người hàng xóm, hay mấy vị chiến hữu của ông vẫn nhớ một cách nguyên vẹn; đôi khi họ vẫn tụ tập một chỗ, đem chuyện đó ra kể với nhau, cạn một li rượu trước khi ngồi trầm ngâm bên bậc thềm và đưa mắt nhìn xa xăm.
Câu chuyện ngày ấy giờ đây đã chỉ còn là kỉ niệm. Ông chẳng còn nữa, tôi cũng hiếm khi dành thời gian để mặc niệm những gì đã thuộc về quá khứ. Nỗi nhớ ông cũng không còn quá to lớn như lúc đầu, nhưng nó vẫn luôn dâng trào một cách mãnh liệt, mỗi khi bên tai tôi vang lên hai tiếng "Ông ngoại", dù có được phát ra từ khuôn miệng của bất cứ ai.
Hôm nọ, cô chủ nhiệm, đồng thời cũng là giáo viên dạy môn Ngữ Văn có ra một đề văn tự sự, mặc dù chúng tôi đã ít nhiều không còn dây dưa gì đến thể loại này nữa. Đề bài là "Hãy kể về ông (bà) của em và những kỉ niệm mà em và người đó đã có." Một vài thằng con trai ở trong lớp tôi ngán ngẩm ra mặt, chúng nó bảo mấy năm rồi chưa lần nào tao được về quê cả, về thì ông bà cũng toàn cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa, ra nắng một tí là bị bà đẩy vào nhà, lẽo đẽo theo ông thì ông không cho tắm sông câu cá, chả hình dung nổi cái quái gì để mà viết. Lũ con gái cũng chẳng khá khẩm hơn gì, chúng nó có chống cằm quan sát bầu trời cả buổi học, về nhà lân la hỏi bố mẹ chuyện xưa cũ, thì cũng chẳng đào nổi tí cảm xúc nào viết cho ra một bài hoàn chỉnh. Tôi thì viết được cả một bài dài độ gần tám trang giấy kiểm tra học kì, đấy là khi đã tóm gọn lại những ý chính. Bạn bè xung quanh được thể xúm quanh tôi, bĩu môi bảo sao mày nói mày không biết viết, bảo tao ngồi cạnh mày mà mày cũng không nỡ lòng nào cho chép, vân vân và mây mây. Tôi chỉ cười trừ cho qua chuyện, không hề hé răng nói rằng đó là những câu chuyện thật của chính tôi, và tôi đã viết nên nó bằng chính những cảm xúc chân thành nhất với người ông đã mất.
Cô giáo đã đọc lại bài của tôi trước lớp. Đám tang ông, cô có tới dự, vì cô cũng khá thân thiết với mẹ tôi. Cô không nói gì sau khi đọc, nhưng nhìn vào đôi mắt âu yếm ấy, tôi biết rất rõ, cô đang tôn trọng sự yêu kính mà tôi dành cho ông, khi không lên tiếng bình phẩm bài văn của tôi, dù chỉ là một chữ, mà phê ngay một con chín đỏ chói trên cột điểm. Chắc cô giáo của tôi biết đối với tôi, có lẽ ông ngoại là người ảnh hưởng sâu sắc nhất.
Tối hôm nhận lại bài kiểm tra đó, tôi trốn vào trong phòng và nhịn một bữa cơm tối. Lúc ra về, cô chủ nhiệm có bảo tôi ở lại, và cô dúi cho tôi một nắm kẹo gôm chanh, thức quà mà đã lâu lắm rồi tôi không được nhận. Đáng nhẽ tôi đã òa khóc ngay lúc ấy, nhưng tôi cố kìm nén lại được, nhận lấy kẹo cô cho một cách lễ phép và chạy ra nhà xe lấy con ngựa sắt, phóng như bay về nhà. Quăng tất cả mọi thứ xuống đất, tôi nằm lăn ra giường, với lấy khung ảnh tôi chụp cùng ông bên bờ biển gần nhà hồi tôi học lớp Bảy ở trên kệ, ôm chặt vào lòng như sợ ai lấy mất. Tôi thủ thỉ với ông như khi ông còn sống, thủ thỉ tất cả mọi chuyện trên đời. Tôi ngây ngô cầm nắm kẹo gôm chanh hươ đi hươ lại trước mặt ảnh, cười giả lả: "Ông ơi, cháu viết về ông, được hẳn điểm chín cơ đấy! Cô giáo thấy cháu giỏi còn cho thêm kẹo nữa này. Ông nhớ kẹo gì không ông? Kẹo gôm chanh đấy, kẹo gôm chanh hẳn hoi!" và lặp đi lặp lại câu cuối cho đến khi buồn ngủ đến díp cả hai mí mắt. Tôi ngủ liền một mạch cho đến sáng và khi tỉnh dậy lại vui vẻ như bình thường.
Có một điều rất lạ, đó là dạo gần đây tôi thường hay mơ về ông. Ông đội cái mũ trắng, mặc bộ quần áo sọc kẻ nhỏ màu xanh, và luôn nở một nụ cười hiền hậu với tôi trong giấc mơ. Mơ mộng khiến tôi lại thêm nhớ về ông, nhớ cả về những kỉ niệm mà tôi và ông đã từng có.
Khi tôi bước chân vào lớp Một, mặc dù có mẹ tôi cũng là một cô giáo ở trường đó, ông vẫn hay đưa đón tôi như bình thường, và đôn đáo lo cho tôi những bữa ăn vặt theo sở thích. Mẹ nhiều khi vẫn tỏ ra ganh tị với tôi vì ngày xưa nuôi mẹ, ông thường nghiêm khắc lắm. Dù biết là mẹ chỉ giả vờ ganh ghét vậy thôi, nhưng con bé xấu xí là tôi vẫn cứ hếch mặt lên, kiêu ngạo như một chú gà rừng.
Tôi lớn dần lên trong sự bao bọc của ông. Ba mẹ thường hay la rầy mỗi khi tôi làm chuyện gì đó sai, và đuổi đánh tôi khắp nhà. Và tôi lúc ấy thì bao giờ cũng chạy đi tìm ông, núp sau bóng lưng gầy guộc và giở trò thút thít. Tất nhiên bao giờ tôi cũng thắng, khi ông vòng tay ra đằng sau ôm tôi và chuyển qua mắng ba mắng mẹ. Chuyện đó vẫn tiếp tục diễn ra, kể cả khi nhà tôi không còn ở cùng ông bà mà mua một căn nhà to hơn cách đó chừng năm trăm mét.
Tôi lên lớp Bốn thì bị sốt vi - rút, rồi lên sởi này nọ. Tình trạng khá nặng khiến tôi cần phải nhập viện. Lúc đó ba mẹ tôi bận đi công tác, tôi thì yếu ớt đến nỗi không còn đủ sức gọi điện cho ông bà, mà ngất ngay trên bậc thềm. Trong cơn mê man, tôi nghe thấy giọng người nào đó hoảng hốt mà nghèn nghẹn: "Cháu ơi! Ai cứu cháu tôi với! Không nó chết mất!". Và khi tôi tỉnh dậy, ông đang ngủ gục trên chiếc ghế nhựa, hốc mắt trũng sâu. Tôi của ngày ấy chợt nhận ra một điều, ông của tuổi bảy hai đã già lắm.
Hai ba năm sau đó, tôi đã cao hơn rất nhiều, và cũng giống như bao đứa trẻ, bị mắc phải căn bệnh mang tên "thành tích". Tôi cố gắng học ngày học đêm để được đi thi chỗ này chỗ nọ, nhưng dù tôi đã cố đến kiệt sức, thì vẫn chẳng có danh sách nào có tên tôi. Tôi tuyệt vọng ra về, thì gặp ông đứng ngay trước cổng trường. Ông ôm tôi vào lòng, và thế là tôi bật khóc, khóc như mưa như gió, bất chấp ánh nhìn của bao nhiêu người. Còn ông, vẫn cứ trao cho tôi cái ôm ấm áp, và lại lai tôi về nhà khi tôi đã ngủ rất say, ngủ ngay khi vừa kết thúc cơn khóc. Đó cũng là lần cuối cùng ông đưa tôi về nhà trong những ngày tháng sau này.
Ông tôi bị ung thư phổi, giai đoạn cuối. Cả nhà ai cũng sốc, và ai cũng đau lòng. Tôi vẫn nhớ cái buổi sáng thứ Bảy trời tháng Giêng se se lạnh ấy, cả nhà cùng quay lại bên chiếc giường ông nằm. Tôi suốt một đêm trước không hề ngủ, quần áo xộc xệch, đầu tóc rối bù, vội vã chạy đến nhà ông sau khi hay tin ông đã mất. Cảm giác cả một bầu trời sụp đổ dưới chân mình hiện hữu, tôi quỳ xuống chân giường ông, môi cắn chặt, cố kìm lại nước mắt. Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có thể bình tĩnh được như thế, chỉ đơn giản là vì tôi nghĩ ông dưới suối vàng sẽ không muốn tôi phải đau lòng như vậy. Tôi lặng lẽ rời nhà, và đến trường xin nghỉ học. Đám tang của ông tôi diễn ra, bao nhiêu người đưa tiễn, vật vã khóc thương thì tôi vẫn thẫn thờ như một cái xác không hồn. Và cho đến khi người ta đặt quan tài của ông xuống dưới lòng đất, bắt đầu nghi thức chôn cất, tôi mới bắt đầu òa lên nức nở, như những ngày đi xe bị xóc thuở còn thơ.
Tôi hoàn thành chương trình lớp Tám sau khi ông mất không được suôn sẻ cho lắm, có lẽ vì hơi bị ảnh hưởng tâm lí. Tôi cố học các môn ban Tự nhiên, nhưng lại hời hợt dần đi với Xã hội. Điểm các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân tôi vẫn có thể ngon lành ăn điểm với trí nhớ tốt, nhưng riêng môn Văn - vốn là môn tủ thì không như thế. Bố mẹ biết chuyện cũng không mắng mỏ gì tôi nhiều, chỉ giáo huấn mấy câu cho lấy lệ. Chắc vì họ hiểu tôi.
Hôm nay tôi đạp xe chầm chậm ra đường, nó gần như đã thành một thói quen mỗi buồi chiều tà. Hình bóng của hai ông cháu nhà nọ đạp xe chở nhau đi đằng trước, bất chợt làm sống mũi tôi cay cay. Nó khiến tôi lại nhớ về ông, nhớ về nắm kẹo gôm chanh năm nào.
***
Nhớ chiều nào dưới con ngõ nhỏ
Người ông già đèo cháu nhỏ đi chơi
Cháu bây giờ đã lớn rồi ông ơi
Nhưng vẫn khát khao một thời ông đưa đón.*
Thanks for reading my story.
Luu
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com