Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 3: Mơ hồ

Cả vùng này không hề có ánh điện, từ nhà này sang nhà khác đều thắp đèn dầu, toả ra thứ ánh sáng vàng đục lay lắt. Không gian chìm trong tĩnh lặng, yên ắng như một làng quê cũ kỹ bị lãng quên giữa núi rừng. Giữa gian nhà chính, khói từ bếp lửa toả ra nghi ngút, người phụ nữ chủ nhà thỉnh thoảng cầm chiếc vá khuấy đều nồi canh trên bếp.

Người phụ nữ trạc tuổi ba mươi, quấn khăn trên đầu, mặc áo và chân váy dài màu đen dệt những đường hoa văn sặc sỡ song song theo chiều ngang.
"Nhà không có gì mong mọi người dùng tạm."
Người phụ nữ múc đồ ăn trong nồi ra từng chén,

Quang Diệu và Xuân đồng thanh:
"Cảm ơn chị, chúng em đã ăn rồi. Phiền chị lấy cho cô gái này thôi."

Người phụ nữ nở một nụ cười hiền hậu:
"Được rồi!" Người phụ nữ đưa chén về phía Liên: "Em cầm lấy."

"Dạ em cảm ơn chị!" Liên đưa hai tay lễ phép nhận lấy.

Trong cái rủi có cái may, tuy chưa biết hai người kia dẫn cô đi đâu, tốt xấu ra sao, trước mắt nhờ họ cô mới có được bữa ăn qua cơn đói. Dưới ánh đèn dầu lờ mờ Liên không thấy rõ trong chén là gì, sóng sánh giống canh, hương thơm phảng phất mùi bắp. Liên múc một muỗng đưa lên miệng, hạt bắp bùi bùi, nước canh sền sệt có vị ngọt thanh nhè nhẹ. Ngoài bắp và nước ra thì không có thành phần nào khác, Liên chẳng biết nên gọi nó là chè hay canh.

"Chúng em xin phép ra ngoài một lát."
Hai người kia không ai bảo ai đứng dậy bước xuống cầu thang đi thẳng ra sân. Trong lúc vừa nói chuyện, họ thỉnh thoảng lại ngước mặt nhìn lên ngôi nhà sàn như muốn trông chừng Liên vẫn ở đó. Liên mặc kệ họ đang toan tính gì, cứ ăn lấy sức trước đã rồi tính sau.

Thấy Liên đặt chén xuống sàn, người phụ nữ hỏi:
"Em ăn thêm một chén nữa chăng?"

"Dạ em no rồi!"
Thực lòng thì nhiêu đó thấm tháp vào đâu so với cơn đói cồn cào, chỉ vì Liên thấy trong nồi cũng chẳng còn bao nhiêu. Có lẽ những vị khách đường đột đến mà người ta đã nhường bớt phần ăn của mình để tiếp đón, cô được một chén lót dạ đã là tốt rồi không thể đòi hỏi gì hơn. Liên đưa mắt nhìn quanh trong nhà, góc nhà treo những trái bắp khô trên gác bếp, nội thất bài trí đơn sơ, vỏn vẹn vài vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Đến bữa ăn cũng chỉ có duy nhất một nồi canh đạm bạc, xem ra gia cảnh cũng không mấy khá giả.

Người phụ nữ lân la hỏi chuyện:
"Em là người quen của cô Xuân hay chú Diệu?"

"Dạ không, em đi lạc rồi vô tình gặp hai người họ thôi." Liên thật thà đáp.

Người phụ nữ khẽ thở dài:
"Thời buổi rối ren, sống yên thân cũng chẳng dễ gì. Nhiều người phải rời xứ mà tìm đường sinh sống. Nhìn em chẳng giống người buôn bán, hay là... lên đây theo nghĩa quân?"

"Dạ không phải, em không tham gia gì cả."

Đêm trên cao nguyên thanh vắng, bên ngoài gió vẫn rì rào, trong gian nhà bếp lửa nồng đượm thỉnh thoảng phát ra tiếng củi cháy lách tách, âm thanh hoà quyện như khúc nhạc thoang thoảng bên tai. Người phụ nữ nhấc nồi canh xuống, một tay đặt ấm nước lên bếp, một tay cho thêm củi vào lò:
"Vậy à? Ta tưởng hai người dẫn em theo đến chỗ tụ quân."

"Nghĩa quân là tổ chức gì vậy chị?" Liên tò mò.
Theo lẽ thông thường, trong giai đoạn phong kiến nghĩa quân được hiểu là: Quân đội vì tự do, chính nghĩa mà nổi lên đánh kẻ tàn bạo, kẻ xâm lăng.
Thời đại hoà bình như hiện nay, bên cạnh lực lượng Quân đội nhân dân Liên có nghe đến một vài tổ chức tự phát với tên gọi "Hiệp sĩ đường phố", thiết nghĩ "nghĩa quân" ở đây có thể để chỉ tổ chức tương tự như vậy.

Ánh lửa vàng sẫm hắt vào một bên mặt người phụ nữ, gương mặt hốc hác, nước da hơi sạm, trong đôi mắt chứa đựng nhiều thăng trầm.
"Chừng một năm trở lại, ông Tơ Mo Bok[25] hay lên vùng thượng này buôn trầu, đổi lấy sản vật đem về xuôi. Thấy bà con đói nghèo, ông động lòng, rủ họ lên đây khai khẩn đất hoang mà dựng nhà, trồng trọt kiếm ăn. Dần dần người theo càng đông, ông cùng vài người thân tín lập nên nghĩa quân, ngày đêm rèn luyện võ nghệ. Trời cao thương lòng chính nghĩa mà ban cho ông một thanh kiếm báu, thay trời hành đạo."

Nhắc đến "trời ban kiếm", Liên chợt nghĩ ngay đến một truyền thuyết: Ngày xưa khi Lê Thái Tổ dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn chống lại giặc Minh, buổi đầu lực lượng còn con yếu, nhiều lần chịu thất bại. Truyền thuyết kể rằng vua được Đức Long Quân ban cho thanh bảo kiếm, trên lưỡi kiếm khắc hai chữ Thuận Thiên (順天). Kể từ đó nghĩa quân giành nhiều thắng lợi, cuối cùng đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi. Không biết có liên quan gì đến câu chuyện người phụ nữ vừa đề cập không?
"Trời ban kiếm báu? Là truyền thuyết ở đây hả chị?"

Người phụ nữ lắc đầu:
"Chuyện ấy không phải truyền thuyết, xảy ra cách đây chưa đầy nửa năm. Có người kể, hôm ấy ông đi ngang chân núi thì vách đá tự nhiên nứt ra. Từ trong khe phát ra ánh sáng lạ. Họ tìm đến thì thấy một thanh kiếm, sắc bén, sáng rực, chỉ cần vung nhẹ đã khiến người chung quanh run sợ. Ông Tơ Mo Bok thấy là điềm trời bèn lập đàn cầu đảo ba ngày ba đêm. Đến nửa đêm thứ ba, một luồng lửa từ dưới núi phóng thẳng lên trời, sáng lòa cả vùng. Sáng ra, người ta lại thấy một quả ấn bằng vàng nằm trong đống đá vỡ. Ai cũng tin đó là kiếm và ấn trời ban, như xưa vua Lê được Thuận Thiên Kiếm đánh giặc cứu nước."

Liên lắng nghe một cách chăm chú, câu chuyện li kì hệt như được lấy ra từ trong tiểu thuyết. Một thanh kiếm sở hữu sức mạnh phi thường đột nhiên xuất hiện cùng những sự việc kì lạ, một người nào đó được tôn là "người được ông trời chọn", nghĩ thế nào cũng thấy chuyện này không bình thường. Liên trong lòng cảm thấy hồ nghi: Giả sử đặt trường hợp người kia dựa trên truyền thuyết xưa sắp đặt sẵn tình huống như vậy để mị dân vì mục đích gì đó, cô nên nhắc nhở mọi người cần nhìn nhận thấu đáo hơn.
"Theo em nghĩ, chuyện truyền miệng qua nhiều người dễ bị sai lệch. Có khi là ai đó đánh rơi kiếm rồi kẹt ở vách đá cũng nên. Kiếm là do thợ rèn, chứ chẳng thể tự nhiên mà có. Em nghe chị kể ông Tơ Mo Bok giúp người khốn khó, em thấy đáng quý. Nhưng... mọi người có từng nghĩ, lỡ đâu ông ấy còn có dụng ý khác"

Người phụ nữ mở to mắt nhìn Liên với sự thảng thốt, không nói nên lời.

"Chúa công hành sự xưa nay, trên có trời soi xét, dưới được lòng người. Há để kẻ tầm thường như cô đem lời hồ nghi?" Xuân từ ngoài cửa bước vào, ánh mắt đan xen tia lửa giận: "Người mang tâm địa đáng ngờ chính là cô! Cô nói vậy là có ý gì?"

"Chúa công" là từ bề tôi gọi chủ của mình thời phong kiến, Liên không hiểu sao đến bây giờ vẫn có người dùng cách xưng hô này. Người tên Tơ Mo Bok được nhắc đến thì ra là ông chủ của hai người bọn họ. Nghĩ sao thì nói vậy, đâu phải cô đặt điều thêm bớt, Liên thẳng thắn đáp:
"Tôi không có ý gì đâu, chỉ thuận miệng hỏi thôi."

Thấy Xuân quay trở vô nhà một mình, người phụ nữ ngẩng mặt lên hỏi:
"Chú Diệu đi rồi à? Bên đó có chuyện gì sao?"

"Vâng! Cũng có chút việc."
Xuân tiến lại gần, những thanh tre lót sàn cọ xát vào nhau kêu kẽo kẹt theo từng bước chân. Xuân ngồi bệt xuống bên cạnh bếp lửa, đối diện Liên:
"Cô gái này lai lịch chẳng rõ, lại đột nhiên xuất hiện gần đây. Ban đầu bọn em định đưa về trại tra hỏi, nhưng sau khi cân nhắc, anh Diệu bảo để nhờ anh Bình tới xem xét, tránh rùm beng. Tối nay đành làm phiền chị vậy."

Người phụ nữ mỉm cười:
"Phiền gì đâu. Người trong nhà với nhau, có chi mà khách sáo. Sẵn có ấm nước đây, để ta pha ấm trà nóng cho mọi người."

Xuân khẽ cúi đầu:
"Vâng! Em cảm ơn chị!"

Người phụ nữ thu dọn chén bát vừa ăn xong, đứng dậy đem xuống sau nhà. Liên nửa muốn phụ giúp nửa lại phân vân: Đã ăn nhờ lại để người ta dọn thì bất lịch sự quá, mà người lạ như cô đi tới đi lui trong nhà sợ người ta hiểu lầm cô có ý đồ khác. Sau một chút đắn đo suy nghĩ, Liên quyết định ngồi yên vị tại chỗ, quay mặt qua nói lời cảm ơn đến người phụ nữ:
"Em cảm ơn chị đã cho em ăn nhờ bữa ăn này."

"Không có gì!" Người phụ nữ đáp lại, xoay người tiếp tục dọn dẹp.

Bên bếp lửa đỏ rực, Xuân ngồi lặng im đặt tay trên đùi, phản chiếu trong đôi mắt những đốm lửa lập loè như đang nhảy múa. Gương mặt thiếu nữ tuổi đôi mươi tràn đầy xuân sắc, rực rỡ như hoa mộc miên[26] đỏ thắm giữa núi rừng cao nguyên bạt ngàn. Hàng chân mày lá liễu mảnh mai, đôi mắt hoa đào mang vẻ đẹp kiều diễm đối lập hoàn toàn với ý chí toát ra từ bên trong ánh mắt, mạnh mẽ và kiên định.

Liên ngồi như bất động còn tâm trí quay vòng vòng như đèn kéo quân, cố gắng lí giải từ điều kì lạ này đến điều khác, nghĩ một hồi lại trở về điểm xuất phát. Hai người kia dùng vũ lực cưỡng chế Liên đi theo, tuy nhiên không có ý làm cô bị thương. Liên than đói thì được dẫn đến đây ăn nhờ, sự đối đãi với một người xa lạ như vậy cũng coi là tử tế. Qua cách thức giao đấu sòng phẳng, Liên đánh giá bọn họ là người ngay thẳng, không phải phường gian trá. Liên nghe cuộc nói chuyện vừa rồi giữa cô gái và người phụ nữ chủ nhà, họ đang chờ một người khác đến điều tra thông tin vê cô. Sự có mặt một cách bất thường của cô ở nơi hẻo lánh này khiến họ nảy sinh nghi ngờ.

Liên bạo dạn lên tiếng phá vỡ bầu không khí yên lặng:
"Mấy người là ai? Nếu không thuộc cơ quan công quyền thì tôi không có nghĩa vụ khai báo. Tôi không làm gì sai, không ai có quyền bắt giữ tôi lại."

Xuân lặng thinh không đáp, có vẻ đang mải suy nghĩ về chuyện gì khác.

"Này, cô có nghe tôi nói không?" Liên cố ý nói to hơn để gây sự chú ý.

"Cô muốn nói gì?" Xuân dời tầm mắt từ bếp lửa sang chỗ Liên, ánh nhìn mang theo sự nghi ngờ và cảnh giác.

Hình như bọn họ có một sự hiểu lầm nào đó về cô, cụ thể là gì thì Liên không rõ, có lẽ liên quan đến những vật dụng tìm thấy trong cái túi vải. Thay vì cứ suy đoán mơ hồ chi bằng hỏi thẳng xem sao:
"Cái túi đó không phải của tôi. Có hỏi mấy lần thì tôi cũng chỉ nói vậy. Giữ tôi lại để làm gì chứ?"

"Còn giả ngây đến bao giờ? Tấm địa đồ kia từ đâu mà cô có?"

Địa đồ? Ý là bản đồ sao? Liên không hiểu cô gái đang đề cập về cái gì. Cô nhớ trong túi chỉ có vài đồng xu và tờ giấy... Không lẽ cái tờ giấy vẽ nguệch ngoạc đó chính là bản đồ?
"Tôi không biết gì hết. Nếu là tờ giấy trong túi, mấy người cứ lấy. Tôi không cần. Làm ơn, cho tôi đi!"

Xuân thở hắt ra một hơi:
"Vẫn ngoan cố như vậy... Cho đến khi cô khai ra kẻ đã đưa cô tấm địa đồ, thì đừng mong rời khỏi nơi này."

Liên như muốn cạn lời. Đúng là người ta chỉ tin vào điều mà họ muốn tin, chỉ nghe điều mà họ muốn nghe.
"Tôi nói hết rồi, tôi còn chẳng biết nó từ đâu mà có. Là các người không chịu tin thôi..."

Lời còn chưa dứt, Xuân bất ngờ rút cây dao găm giắt bên hông phóng thẳng về phía Liên đang ngồi. Liên nhất thời không kịp phản ứng trơ mắt nhìn trong khi toàn thân cứng đờ không thể nhúc nhích, lưỡi dao bay sượt qua bên tai khiến cô kinh hãi. Cùng lúc đó Xuân đột ngột đứng dậy đi lại gần chỗ Liên.

"Cô định... làm gì?"
Liên một phen hoảng hồn tay chân khẽ run rẩy. Chắc không phải cô gái định giết cô chứ? Không đâu! Liên tự trấn an bản thân. Nếu muốn giết thì ban nãy cô gái đã ra tay rồi.

Xuân đi lướt qua người cô ra phía sau, Liên ngoái đầu nhìn theo trong sự ngỡ ngàng. Trên bức vách sau lưng cô còn ghim con dao cắm trên mình một con côn trùng. Toàn thân nó màu đỏ sẫm, kích thước tầm ngón tay cái, có tám chân dài ngắn khác nhau, không biết là loài gì. Liên thở phào, thì ra mục tiêu là nó chứ không phải cô. Xuân rút con dao ra, ném con vật kia vào bếp than đang cháy, ngọn lửa chẳng mấy chốc thiêu rụi nó thành tro.

"Nó là con gì vậy?" Liên sinh ra và lớn lên ở thành thị, nhỏ tới lớn cũng chưa từng thấy loài côn trùng này bao giờ.

"Loài nhện đỏ[28]. Không có độc, nhưng nếu cắn thì vết thương sẽ lở loét, khó mà chữa"

Một ý nghĩ dần nhen nhóm trong lòng Liên, cô cảm thấy cô gái này không phải là kẻ xấu.
"Cảm ơn cô đã giúp tôi!"

"Tiện tay thôi, không cần cảm ơn." Xuân dùng miếng vải lau sạch vết bẩn dính trên con dao nhét vào thắt lưng: "Tốt hơn cô nên biết điều. Chuyện về nghĩa quân, cô nghe được những gì?"

Liên không nghĩ chỉ dăm ba câu bàn luận bâng quơ khi nãy của mình mà cô gái lại để tâm nhiều như vậy. Nếu tổ chức đó hoạt động minh bạch thì việc gì phải lo sợ người ta bàn tán điều không hay. Họ thực sự giúp đỡ người khác không tư lợi hay có điều gì khuất tất phía sau?
"Chỉ là chị gái kia kể, tôi mới biết ở đây có một nhóm thiện nguyện giúp đỡ người khó khăn. Tôi chỉ thắc mắc, vì sao lại có nhiều người nghèo, không nhà cửa đến vậy? Mất mùa, thiên tai hay dịch bệnh?"

Xuân thong thả đi lại ngồi xuống chỗ cũ, tiện tay cho thêm những cành cây khô kế bên vào lò:
"Cô ở Quy Nhơn, lẽ nào lại không thấy những cảnh ấy nhiều hơn chúng tôi?"

Dải đất miền Trung khí hậu từ xưa vốn đã khắc nghiệt, cuộc sống người dân nơi đây chịu nhiều vất vả, nhọc nhằn. Thiên tai bão lũ mỗi năm lại càng khiến việc mưu sinh thêm cơ cực. Mấy năm gần đây, du lịch được khai thác đầu tư góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Nói đi thì phải nói lại, nguồn thu ấy phần lớn rơi vào tay chủ đầu tư, những người có nguồn vốn lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng, phần khác là những hộ kinh doanh lẻ tẻ, cung cấp dịch vụ ăn uống phục vụ du khách, còn những người ít vốn chỉ biết bám trụ vào biển, tìm kế sinh nhai qua ngày.

"Tôi không phải người ở Quy Nhơn, tôi đến đó vì công việc. Tôi đi qua một vài nơi thấy cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, không nghĩ vẫn còn khu vực nghèo đói."

Giọng nói của Xuân mỗi lúc một trầm ẩn chứa sức nặng vô hình, từng chữ được thốt ra như thể đang cố đè nén sự kích động:
"Bọn bản đường quan[29] đặt ra đủ thứ thuế má, vét cạn của dân để đút túi riêng. Tên nào tên nấy sống phè phỡn, nhà cao cửa rộng, mặc sức ăn chơi. Địa chủ[30] cấu kết với quan lại[31], ngang nhiên chiếm đất của dân, hưởng thụ trên lưng người nghèo. Người có nhà thành kẻ không chốn nương thân.
Kẻ làm thuê không gánh nổi sưu cao thuế nặng thì đành bỏ xứ lưu vong. Đi đâu cũng thấy cảnh người lang bạt đầu đường xó chợ."

Theo như Liên được biết, mọi nguồn thu từ thuế đều do Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra bằng luật và pháp lệnh, được thu bởi cơ quan quản lý thuế. Cô chưa từng nghe có chức vụ hay cơ quan nào là "Bản đường quan". Hình như có điều gì lấn cấn ở đây: Cô gái dùng từ "quan lại", "địa chủ" mà không nói quan chức, chủ đất? Không chỉ cách nói chuyện, trang phục của mọi người ở đây cũng rất kì lạ, mang nét cổ phong, họ không biết đến từ ngữ hiện đại. Có lẽ nào...

"Cô cho tôi hỏi, hiện tại... là năm nào?" Liên ngập ngừng.
Các nhân vật trong tiểu thuyết Liên từng đọc khi bị lưu lạc đến một nơi xa lạ chẳng phải vẫn thường bắt đầu bằng câu hỏi cửa miệng này đó thôi.

Đôi bàn tay cô gái đang bẻ nhành cây khô khựng lại đôi chút:
"Năm Tân Mão..." Xuân vốn định nói gì nữa đột nhiên ngừng giữa chừng, nghiêng mặt nhìn qua chỗ Liên: "Cô hỏi chuyện này làm gì?"

"Không, không có gì!"
May là câu trả lời không phải một niên hiệu nào đó, nếu không Liên thật sự sẽ nghĩ mình đã lạc đến một không gian và thời gian khác. Liên thở phào nhẹ nhõm trong lòng, thầm tự giễu bản thân: Chắc do cô đọc tiểu thuyết quá nhiều bị lậm rồi hoang tưởng.

Xuân khẽ nhếch miệng thở hắt ra một hơi:
"Có vẻ cô sống trong cảnh trướng rủ màn che[32], cơm bưng nước rót, ngày tháng trôi qua mà chẳng biết bên ngoài ra sao."

Giờ trong tay không có điện thoại, chỗ này là đâu, bây giờ là mấy giờ Liên cũng chẳng biết, huống gì là tình hình xung quanh. Liên thử góp nhặt, liên kết những điều Xuân nói lại với nhau: tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi... là hành vi tham nhũng[33]. Có lẽ vấn đề nằm ở đây.
"Tôi là người nơi khác, không hiểu hết tình hình ở đây. Nhưng nếu đúng như chị nói, có dấu hiệu tham nhũng, bất công, thì ai đó nên đứng lên chứ. Mỗi người có quyền phản ánh, làm đơn tố giác gửi cơ quan điều tra, viện Kiểm sát Nhân dân. Tại sao không ai lên tiếng?"

Xuân bẻ gãy thanh củi trên tay làm đôi liếc nhìn Liên không chớp mắt, khoé mi hơi nheo lại cùng ánh mắt đầy xét đoán: Thân gái một mình lặn lội đến nơi rừng núi xa xôi hiểm trở, không phải vì tìm kế sinh nhai hay chạy loạn thì hẳn là có chủ đích. Khi thì nói những từ không ai hiểu, khi thì nói năng ngây ngô như kẻ chưa trải sự đời, khó mà đoán được tâm tư. Xuân bất chợt bật cười ha hả:
"Đúng là suy nghĩ trẻ con. Cô thực sự nghĩ rằng Cóc có thể kiện trời[34] hay sao?"

"Tại sao lại không?" Liên mở to mắt nhìn cô gái, nói dõng dạc: "Đoàn kết chính là sức mạnh. Mọi người đồng lòng, lần này không được thì tiếp tục lần sau gửi lên cấp cao hơn. Chỉ cần không từ bỏ, tôi tin sẽ có ngày đòi lại được quyền lợi chính đáng cho mình."

Bất chợt một giọng nói từ ngoài vọng vào, trầm ấm nhưng đầy châm biếm:
"Hay cho câu "Đoàn kết là sức mạnh". Vậy cô có từng nghe câu "Nhà dột từ nóc dột xuống[35]" chưa?"

Liên ngoái đầu nhìn ra cửa thấy có hai người đang đi tới. Một trong hai là người tên Diệu lúc nãy cô đã gặp, người còn lại là một thanh niên khá trẻ tầm khoảng 18 - 20 tuổi. Dáng người chàng trai khá cao, nước da hơi ngăm, mặc áo giao lĩnh[36] màu xanh thẫm, buộc đai lưng đen.

"Chào chị, muộn thế này mà đến làm phiền, mong chị lượng thứ."

Người phụ nữ chủ nhà mỉm cười, bưng khay trà đặt xuống bên bếp lửa:
"Chú Bình đến rồi à? Có chi đâu, mời các chú uống chén trà cho ấm bụng."

"Vâng!"
Hai người bước vào bên trong gian nhà chính, Quang Diệu đi trước, chàng thanh niên vào sau. Ấm nước trên bếp sôi sùng sục, Xuân nhanh nhẹn lấy bớt củi ra vùi vào tro dụi tắt.

Người phụ nữ nhấc ấm lên rót nước sôi vào trong ấm trà, đổ bỏ nước đầu rồi lại tiếp tục rót thêm lần nữa:
"Mọi người thong thả nói chuyện, ta còn bận chút việc dang dở không tiếp chuyện mọi người được."

"Vâng!"

Châm nước xong, người phụ nữ đứng dậy đi ra phía sau, chỉ còn Liên và ba người kia ở lại. Xuân nhích người dời chỗ ngồi sang bên cạnh Liên, hai người kia lần lượt ngồi xuống. Ngồi phía đối diện Liên lúc này là chàng thanh niên trẻ tuổi, nhìn lướt qua có vẻ là một thiếu niên anh tuấn: gương mặt chữ điền, ngũ quan hài hòa toát lên khí chất mạnh mẽ, trán rộng, mũi cao thẳng, lông mày rậm, hai bên gò má lốm đốm những chấm đỏ li ti, mái tóc xoăn quấn lại thành búi phía sau đầu mang vẻ phong trần.

Liên chăm chú quan sát cậu thiếu niên, cậu ta đồng thời nhìn về phía Liên bằng đôi mắt sâu thẳm như màn đêm đen tĩnh mịch, vừa an tĩnh lại vừa mơ hồ không thể nhìn thấu. Dù là nghi ngờ, hiếu kỳ hay dò xét... đều không biểu lộ cảm xúc qua nét mặt và ánh mắt, Liên chỉ cảm nhận được một sự bình thản đến kì lạ. Việc nhìn chằm chằm vào mặt ai đó trong trường hợp không phải người quen biết là hành vi không mấy lịch sự trong giao tiếp; song khí chất toát ra từ chàng trai khiến Liên cứ như bị cuốn vào vòng xoáy của những suy nghĩ, phân tích không hồi kết.

Sau một hồi thinh lặng, cậu thiếu niên mở lời, khoé môi hơi cong nhẹ lên một nụ cười xã giao:
"Trên mặt tôi có dính gì chăng?" Giọng điệu trong lời nói nhẹ nhàng mà không tỏ vẻ khó chịu, xua tan bầu không khí tĩnh lặng.

"Mắt tôi vào buổi tối không được tốt, nhìn không rõ."
Thị lực của Liên hoàn toàn bình thường không gặp vấn đề gì. Cô nhận ra cậu thiếu niên nói vậy có ý nhắc khéo nên mới lấy cớ trả lời cho qua chuyện.

Cậu thiếu niên cầm cái túi vải ban nãy đặt phía trước mặt, vươn tay đẩy gần về phía Liên:
"Tôi đã nghe anh Diệu nói qua rồi. Chúng tôi sẽ giữ tấm địa đồ, những thứ khác trả lại cho cô." Tốc độ nói không nhanh không chậm, giọng nói mang lại cảm giác chín chắn và chững chạc so với độ tuổi thiếu niên.

Liên nhìn cái túi vải lắc đầu ngao ngán, mọi rắc rối từ đây mà ra:
"Dù sao cũng không phải đồ của tôi, mấy người muốn lấy thì cứ lấy. Mấy đồng tiền cổ này chỉ có giá trị với người thích sưu tầm thôi, còn với người bình thường nó chẳng đáng giá gì."

Cậu thiếu niên nhướng mắt lên nhìn Liên, trong đôi mắt thoáng qua chút dao động, không rõ là ngạc nhiên hay thăm dò, khoé môi nhích lên một nụ cười rất khẽ. Ẩn sau nụ cười có vẻ thân thiện đó không ai biết cậu ta đang suy tính điều gì.
"Vậy tôi không khách sáo!" Cậu thiếu niên với tay cầm chiếc túi vải giắt vào đai lưng, đồng thời lấy mảnh giấy nhét trong tay áo ra bên ngoài đưa về phía Liên: "Đây là sơ đồ tôi vẽ lại. Đường đến Plơi Kơdưr Chư Hdrông. Cô mang theo, biết đâu có lúc cần."

Từ lúc bước vào, cậu thiếu niên chưa hề hỏi Liên về danh tính hay nguồn gốc tấm bản đồ. Khi Liên nói những món đồ kia không phải của mình, cậu cũng không tỏ ra nghi ngờ hay dò hỏi thêm điều gì.

Liên cầm lấy tờ giấy từ tay cậu thiếu niên, xoay ngang xoay dọc không biết chiều nào mới đúng. Cô nhìn mãi mới nhận ra mấy hình vẽ mô phỏng mỏm đá, bụi cây, đường uốn cong loằng ngoằng chắc là con đường. Kế bên những hình vẽ có viết chữ trông giống chữ Hán, hoàn toàn không có một chữ Tiếng Việt. Thế này thì làm sao biết đi theo hướng nào? Chẳng lẽ người ở đây không ai dùng chữ Quốc Ngữ?

"Cảm ơn cậu có lòng giúp đỡ, tiếc là tôi đọc không hiểu. Tôi sẽ đem theo để hỏi dọc đường vậy."
Liên xếp gọn tờ giấy loay hoay tìm túi áo hay túi quần để nhét vào mà không có, bèn cầm tạm trong tay:
"Vậy giờ... tôi đi được chưa?"

"Đêm rồi. Đường rừng không dễ đi, ngay cả với người địa phương. Cô nên ở lại đây một đêm, sáng mai đi tiếp vẫn hơn. Tất nhiên nếu cô muốn mạo hiểm thì cứ việc."
Cậu thiếu niên cầm ấm trà, đặt ngón cái trên nắp, bốn ngón còn lại giữ chặt quai ấm nhấc tay từ từ rót trà vào từng chén:
"Mời mọi người!" Cậu thiếu niên nhấc khay trà đưa về phía hai người kia trước.

Quang Diệu và Xuân mỗi người tự lấy một chén cho mình:
"Cảm ơn chú!"
"Cảm ơn anh!"

Sau đó cậu thiếu niên đưa khay trà đến trước mặt Liên:
"Mời cô!" Ánh mắt anh lặng lẽ quét qua từng biểu cảm nhỏ nhất trên gương mặt Liên.

"Cảm ơn!"
Trên khay còn lại hai chén, Liên lịch sự nhấc chén trà gần phía mình nhưng chưa vội uống. Nước trà trong chén màu hơi ngà, hương thơm thoang thoảng. Liên khẽ liếc nhìn hai người kia thấy họ đã uống, cô mới kề môi vào chén nhấp qua một chút. Vị trà mới đầu hơi chát nơi đầu lưỡi, dần dần đọng lại chút ngọt nơi cuống họng.

Liên chậm rãi đặt chén trà xuống sàn nhà:
"Để một người xa lạ như tôi ở lại, cậu không nghi ngại gì sao?"

Cậu thiếu niên nửa thật nửa đùa:
"Chẳng lẽ cô sẽ làm hại chúng tôi?"

"Cậu còn chưa biết tôi là ai, từ đâu đến, là người như thế nào... Cho tôi ở lại đây, có phải cậu dễ tin người quá không?"

"Tôi đâu nói không nghi ngờ." Quang Bình xoay nhẹ chén trà trong tay: "Nhưng để cô lang thang ngoài kia trong đêm thì... không có tình người."

Liên nhìn ra bên ngoài, trời tối đen mịt mù không chút ánh sáng, gió lùa tán cây xào xạc, thỉnh thoảng có tiếng kêu "éc éc" nghe sởn gai ốc. Chỗ này khỉ ho cò gáy, làm gì có nhà nghỉ hay khách sạn; mà nếu như có thì trong khi Liên không tiền bạc, không giấy tờ còn có thể làm được gì.

"Thật sự giờ tôi cũng chẳng biết đi đâu về đâu, mấy người cho ở lại tôi rất cảm kích. Tôi không có gì để cảm ơn, sau này có cơ hội nhất định sẽ hậu tạ."

"Không cần đâu, chúng tôi đã nhận trả lễ rồi." Cậu thiếu niên rút chiếc túi vải từ đai lưng chìa tay về phía Xuân:
"Cô Xuân, cảm phiền cô nói với chị Ya Ly sắp xếp chỗ ngủ cho hai người. Tôi với anh Diệu sẽ ở ngoài này. Tiện thể cô đưa cái này cho chị ấy, lấy cớ gì thì tùy cô."

Xuân uống thêm một ngụm trà, nhẹ nhàng đặt chén vào khay, cầm lấy chiếc túi nhổm người đứng dậy:
"Được, tôi biết rồi!"

___
[25]Tơ Mo Bok: theo tiếng Jrai nghĩa là người Trời, vua Trời, là tên gọi người địa phương dành cho một người có tầm ảnh hưởng với họ. Danh tính người này sẽ được tiết lộ ở những chương sau.

[26]Hoa mộc miên: còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như hoa gạo, hồng miên, hoa Pơ-lang (cách gọi của người Tây Nguyên)... Loài hoa này tượng trưng cho tình yêu thủy chung, son sắt của người con gái đối với người mình yêu thương.

[27]Địa đồ: Bản đồ hay hoạ đồ, bức vẽ hình thể đất một vùng hay nguyên mặt đất.

[28]Nhện đỏ (Nhện lạc đà): Ở Việt Nam chỉ có một loài nhện lạc đà duy nhất được biết đến là loài Dinorhax rostrumpsittaci, ghi nhận tại nhiều khu vực như: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Nai. Chúng thường xuất hiện vào ban đêm để kiếm ăn. Độc tính của chúng chưa được kiểm tra, nhưng có báo cáo về một số trường hợp bị nhiễm trùng sau khi bị cắn.
[29]Bản đường quan: ngạch quan chuyên thu thuế có hệ thống từ trung ương đến địa phương do chúa Nguyễn đặt ra.

[30]Địa chủ (地主), tùy từng trường hợp còn gọi là điền chủ (田主): được hiểu là người chiếm hữu nhiều ruộng đất thời phong kiến, bản thân không lao động, sống bằng bóc lột địa tô (phần hoa lợi hoặc khoản tiền mà người mướn ruộng đất sản xuất phải nộp cho chủ sở hữu ruộng đất). Đặt vào vị trí với tư cách pháp nhân thời hiện đại thì người ta thường hay sử dụng cụm từ chủ đất hoặc chủ sử dụng đất.
[31]Quan lại: là những người trong bộ máy nhà nước phong kiến và bộ máy nhà nước ở Việt Nam thời thuộc Pháp từ cấp huyện trở lên, gồm người điều hành là "Quan" và những người thừa hành là "Lại".

[32]Trướng rủ màn che: Trướng là tấm màn/bức rèm có thêu hình trang trí, sang trọng, ngày trước nhà quyền quý hay dùng. Trướng rủ màn che được dùng để chỉ sự kín đáo, không phô trương, cảnh sống êm đềm, đài các của con gái nhà quyền quý thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội phong kiến.
[33]Tham nhũng: là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Các hành vi tham nhũng được quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

[34]Cóc kiện trời: là một câu chuyện cổ tích Việt Nam, giải thích một hiện tượng thiên nhiên là sau khi cóc nghiến răng thì trời mưa. Bên cạnh đó, câu chuyện mang tính đề cao sự đoàn kết, tinh thần chính nghĩa không e ngại trước cường quyền.

[35]Dột từ nóc dột xuống: (nghĩa bóng) hư hỏng, thoái hoá từ trên xuống dưới, từ người có quyền lực, địa vị cao nhất xuống những người thấp hơn.

[36]Áo giao lĩnh (交領): tức là áo có cổ giao nhau (bắt chéo), âm Nôm gọi là áo tràng bạt (長拔), là một dạng của áo trực lĩnh. Từ tràng bạt vốn xuất phát từ tục tràng áo xiên (tức cổ áo) được tạo thành bằng cách ghép thêm vạt cả, buộc chéo từ trái sang phải. Nó phổ biến vào thời phong kiến, có thể mặc thường ngày hoặc dùng như lễ phục, tế phục mặc phủ ra ngoài.
Áo giao lĩnh xuất hiện ở Việt Nam tương đối sớm, có lẽ vào khoảng thời Đông Hán, sau khi Mã Viện đánh bại cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trước thời Bắc thuộc lần thứ nhất, dân Việt vẫn mặc áo gài về bên trái. Trải qua thời Bắc thuộc, chúng ta đã tiếp thu một phần phong tục ăn mặc của người Trung Quốc, gài áo bên phải.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com